July 03, 2009
Sài gòn tháng Sáu, mùa thi
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Năm nay, tháng Sáu đến cùng với khí hậu khắc nghiệt, hoa phượng đỏ, và những trận thi cử liên miên. Mở màn là cuộc thi hết cấp ba (thi tú tài). Riêng Sài Gòn có hơn 60.000 học sinh đi thi. Trong vai một bà mẹ lần đầu đưa con đi thi, kẻ viết bài dễ dàng hòa nhập với những phụ huynh đang ngồi đứng nhấp nhổm trước hội đồng thi Ngô Tất Tố. Môn thi đầu tiên là môn Văn, hai tiếng rưỡi đồng hồ. Hai tiếng rưỡi đối với người trong phòng thi có thể không đủ làm bài hoàn chỉnh, nhưng với người ngoài phòng thi thì lại dài lê thê. Để giết thì giờ, các ông bố bà mẹ làm quen nhau, tranh nhau kể về ‘cục cưng’ của mình bằng giọng trìu mến, hãnh diện. Nhưng vừa đụng đến chữ ‘tiền’ thì giọng điệu họ nhanh chóng ‘xuống xề’. Chị Di, có con học trường Ng. K. kể mỗi tuần con chị xin mẹ năm chục ngàn. Hỏi làm gì, nó nói để đóng tiền dò bài. Ông đậu xe bên cạnh chị Di chê Ng. K. ăn mắc hơn trường H. Đ. con ông đang học. Ông nói ‘bên này, học sinh cũng phải ở lại trường sau giờ học, trả bài cho thầy cô. Không thuộc, thì ở lại học cho tới thuộc. Nhiều khi tới 11 giờ đêm con tôi mới về tới nhà. Mà người ta lấy có bốn chục ngàn’. Thế môn Văn cũng phải học thuộc lòng à? Học chứ!
Phụ huynh xúm xít quanh đề thi môn Văn.Photo NTLAnh/Việt Tribune Tiếng trống báo hết giờ thi vang lên, ai cũng đứng dậy, hồi hộp. Một tốp thí sinh ùa ra, lập tức bị người lớn vây chặt, ‘đề đâu đưa coi, nó hỏi gì vậy, dễ hay khó’. Cầm tờ đề trong tay, những mái đầu điểm bạc chụm lại, đọc vội rồi cười hể hả ‘Cho Vợ chồng A Phủ, vẻ đẹp sông Hương với Lỗ Tấn. Đề vậy không khó’… Kỳ thi tú tài qua đi. Liệu sức làm bài có thể đậu, không chờ kết quả chính thức, các ‘phó tú tài’ vội vã bước tiếp vào đợt luyện thi đại học cấp tốc một tháng, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học bắt đầu vào ngày 4 tháng 7 tới. Các bà mẹ lại hồi hộp đi coi bói, lễ chùa, ăn chay cầu Phật, các ông bố lại cơm đùm cơm nắm dắt con lên thành phố, tìm các lò luyện thi có tiếng để ‘thỉnh thêm chữ cho cháu’, và các chủ nhà trọ, các lò luyện bát quái, các quán cơm bình dân lại ‘vào mùa’ tất bật với những thủ đoạn làm tiền quen thuộc. ‘Con vào được đại học sướng sao chưa biết, chứ như bây giờ thì…chậc khổ quá!’. Đó là câu ‘mở bài’ của một phụ huynh có tuổi, người xứ Thanh. Ông này kể ‘Sau khi hắn thi tốt nghiệp, mẹ hắn ở nhà coi ruộng để tui theo hắn vào đây. Đường xá lạ lẫm, nhà trọ chật chội, ăn tiêu hà tiện từng đồng, để tiền cho hắn đóng học (học theo giờ, lớp 50 học sinh, mỗi em đóng 20.000 đồng/giờ). Mới ba tuần cả cha cả con xuống bốn ký lô’. Cậu con ông, trai mười bảy mười tám mà lẻo khẻo như đứa bé con. Ngoài giờ tới ‘lò’, cậu chỉ chúi đầu vào cuốn sách, tô cơm, và cái chiếu trải sẵn dưới sàn. Những xóm trọ bình dân trong hẻm Lý Thái Tổ, Sư Vạn Hạnh quận 10, Kỳ Đồng quận 3, Nơ Trang Long quận Bình Thạnh… đâu đâu cũng gặp những đôi bố- con, anh- em, chú- cháu ‘đi chiến dịch’ như vậy.
Cầu nguyện trước mùa thi
Nghe kẻ viết bài an ủi ‘cố chịu đựng mấy ngày nữa, con thi đậu, gia đình tha hồ mừng. Bốn ký lô đã mất lấy lại mấy hồi’ các sinh viên trong mầu áo xanh tình nguyện, vài năm trước từng là ma mới, lớ ngớ lên Sài Gòn luyện thi đại học, lắc đầu quầy quậy. Các em bảo đậu đại học, mừng thì mừng, nhưng sẽ phải đối diện với đủ thứ tiền, tiền học, tiền ăn ở, đi lại… tính theo tiêu chuẩn ‘bạch đinh’, ít gì một sinh viên xa nhà trọ học cũng tốn 100 đôla một tháng. Bố mẹ ở quê đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được hạt lúa, bán cho thương lái tại ruộng chỉ bốn ngàn đồng một ký lúa. Để có 100 đôla (là 1.800.000 đồng Việt Nam theo thời giá hiện nay) chu cấp cho con suốt bốn năm liền phải bán bao nhiêu lúa cho đủ?! Cho nên thi đậu là một chuyện, còn tiếp tục hết đại học lại là chuyện khác, phụ thuộc rất nhiều vào bản thân từng sinh viên. Ngay từ năm thứ nhất sẽ phải chạy đôn chạy đáo kiếm chỗ dạy thêm, bán hàng, trông trẻ, giúp việc nhà theo giờ… để có tiền, đỡ gánh nặng cho cha mẹ.‘Khúc tâm tình dọa nạt’ của người đi trước, quả có làm chùn bước nhiều kẻ đi sau. Không ít học sinh tỉnh giấc Nam Kha, thay vì thi đại học, quay sang nộp đơn vào các trường cao đẳng (không tổ chức thi đầu vào, chỉ xét tuyển) hoặc các trường trung cấp dạy sửa chữa điện lạnh, điện thoại, máy tính, hàn, gò, tiện, nấu bếp nhà hàng, hướng dẫn du lịch, trang điểm… Những nơi này học phí nặng hơn trường đại học, nhưng thời gian học rút ngắn (hai năm rưỡi với trung cấp, ba năm, ba năm rưỡi với cao đẳng) người học mau ra nghề, lấy lại vốn. Về sau, nếu muốn tiếp tục học liên thông (trung cấp lên cao đẳng. Cao đẳng lên đại học) để lấy bằng cao hơn cũng vẫn được.Bài tính học xong cấp ba làm gì, tiếp tục đại học, ở nhà phụ gia đình, hay rẽ ngang học nghề… hiện không chỉ người đi học tự giải lấy, mà gia đình và xã hội cùng xúm vào tư vấn. Có những dấu hiệu đáng mừng khi tư tưởng trọng văn khinh võ, trọng sĩ khinh thương cố hữu đã bắt đầu thay đổi mạnh. Những trường đại học Kinh tế, đại học Nông Lâm đơn dự tuyển gạt ra không hết trong lúc đại học Mỹ thuật, Nhạc viện thành phố không quá 20 ‘kẻ ngu ngốc’ xin thi vào. Một cô gái ngày nào cũng đem phích cà phê đặc vào vườn chùa Kỳ Quang tự ôn thi chia sẻ với kẻ viết bài tâm sự ngổn ngang của mình. Cô nói giọng rầu rầu ‘Năm ngoái em thi không đậu, năm nay thi lại. Ngồi vậy chứ học không vô. Vừa sợ rớt nữa cha mẹ bắt ở nhà lấy chồng. Đồng thời lại sợ đậu, cha mẹ nuôi không nổi’. Kẻ viết bài không khỏi ngậm ngùi khi so sánh cô gái ôn thi với đứa cháu con người bạn – bé Thiện Quỳnh, sinh ở Úc, đang học high school. Nghỉ hè, Quỳnh rủ vài bạn trong lớp bay về Việt Nam chơi. Không cần người lớn đi kèm, không xin tiền bố mẹ, nhóm của Quỳnh nhanh chóng có đông ‘cảm tình viên’ Việt Nam. Nhìn chúng sinh hoạt tự tin, tự nhiên với cộng đồng, rồi nhìn lại những ‘phó sinh viên’ nội địa rụt rè, chưa tự làm ra tiền, đi khỏi nhà là phải có ‘vú em’ theo hầu mà ngán ngẩm! Nhiều em chuẩn bị thi đại học nghe hỏi nửa đùa nửa thật, nếu rớt có tự tử không? Phân nửa nói sẽ học lại, thi tiếp. Phân nửa im lặng cười cười. Lại hỏi, thế đời sinh viên nó ra làm sao, có biết không? Tất cả đều lắc đầu nhưng mô tả ‘y như thật’ dựa theo những gì người đi trước kể cho nghe. Rằng, đời sinh viên là vui và lãng mạn nhất, đồng thời sôi nổi nhất. Nhiều cống hiến, nhiều khám phá sáng tạo (làm robot, thiết kế đồ họa, mẫu thời trang…), mà cũng nhiều ẩu tả, điên khùng, ngu dại nhất (sống thử, đánh bài, nhậu nhẹt, cắm quán). Biết vậy, còn ham đại học làm gì? Các độc giả có tin không, câu trả lời là ‘ham đại học để … khỏi đói’ – một câu trả lời hết sức truyền thống! Xưa các cô gái quê ‘ham về cái bút cái nghiên anh đồ’ để may ra anh ta đỗ đạt thì vừa vinh thân vừa giúp cho ‘cả họ được nhờ’, nay cũng cái bút cái nghiên nọ, chả cô gái nào thèm xoắn xuýt. Vì các cô thừa biết bằng Cử nhân của các anh Cử tân thời chẳng thể xóa đói giảm nghèo được. Trừ vài ngành ‘hót’ như chứng khoán, công nghệ điện tử, tài chánh kế toán, ngoại ngữ, y dược … là mát mặt, còn những ngành hoa lá cành khác (nhất là ngành khoa học xã hội-nhân văn) kiếm được 100 đô la một tháng đã khó, nói chi tới báo hiếu bố mẹ, lấy vợ, tậu nhà…Ôi chao! Hết bốn năm đại học vất vả mà lương tháng chỉ 100 đôla (bằng đúng số tiền bố mẹ phát cho thời đi học) chi bằng bỏ quách cái học chết toi, về lại quê nhà, chạy một chân cán bộ ‘......’. Thế có khi lại sướng![NTLA]
SOURCE
Việt Tribune
No comments:
Post a Comment