Tuesday 13 April 2010

Tắm thuốc Dao đỏ


Cập nhật lúc 4:56:20 AM - 10/04/2010

259h1.jpg


Người H’Mông


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Sáng hôm sau tôi đón nhóm nhiếp ảnh từ Bắc Hà lên, chỉ có 4 người bao nguyên chiếc xe 12 chỗ ngồi, hơi tốn nhưng thoải mái. Anh em về khách sạn tôi đã giữ sẵn phòng, “check in” chỉ mấy phút rồi lên đường ngay. Đi Tả Van Lao Chải trước, hướng có ruộng bậc thang đẹp. Xe chạy chừng 5 km, đã thấy ruộng lúa chín, mọi người xuống xe, thả bộ dài dài chọn góc độ. Chỗ này đường cong quẹo nên nhìn được nhiều hướng, ai cũng hăm hở, xem ra đề tài lúa chín vẫn còn hấp dẫn.

Sapa là điểm chính vùng Tây Bắc đối với khách du lịch cũng như đối với dân nhiếp ảnh. Đây là nơi tập trung hầu hết các sắc dân vùng cao nguyên, nơi có địa thế đặc biệt, có nét văn hóa, sinh hoạt riêng từng sắc tộc, nên đi đâu cũng về Sapa, hoặc từ Sapa đi các nơi. Đối với khách Tây, Sapa là điểm khởi hành của nhiều cuộc du lịch Trekking. Họ leo núi Fansipan hay về những bản xa mấy chục cây số, họ ăn ngủ trong các bản mấy ngày liền. Không gian vùng Tả Van bao la ruộng đồi nối tiếp lại có sông Mường Hoa (1), có cầu dây, cảnh trí đa dạng sống động. Trong khi chúng tôi “sáng tác”, thì một đám khách ngoại quốc có hướng dẫn viên đang đi tới, họ đi để ngắm cảnh chứ không chụp ảnh như chúng tôi. Mỗi người một việc, họ chỉ liếc qua rồi đi thẳng, trong khi anh em chúng tôi mê say chĩa máy soi vào từng khoảng đồng lúa chín vàng, từng thế đồi hóc núi, để tìm cho được “tác phẩm” của riêng mình. Cứ thế dần về Lao Chải rồi quay lại Sapa. Trong lúc nghỉ trưa, tôi thăm dò biết thêm Trang Chải ở phía bắc thị trấn khoảng mấy cây số, ruộng chưa gặt và cũng đẹp không kém.

Đường vào Trang Chải tốt như đường chính về Lào Cai, thế ruộng bậc thang đẹp hơn Trang Chải. Xe dừng ngay lưng chừng dốc, mỗi người tản ra một hướng, tiếng máy ảnh nhảy rào rào. Đến lúc này thì ai cũng đầy ắp ruộng lúa trong máy. Chừng tiếng đồng hồ sau, xe quay về phố Cầu Mây, lại sinh hoạt đời thường. Mảng này thì lúc nào cũng hấp dẫn nhờ màu áo khác biệt, nhờ nét chân dung hồn nhiên của người miền núi, mỗi lần gặp tưởng như mới thấy lần đầu. Buổi tối có hai món đặc biệt: Nhậu Thắng Cố và tắm thuốc Dao đỏ.


259h2.jpg


Ăn Thắng Cố – Tắm thuốc Dao


Du lịch ở miền xuôi, khách thường được chào mời các món đặc sản đồng quê hay miền biển như: Cá lóc nướng trui, cháo cá mú, lẩu dê, bò nướng lụi và hàng trăm món biến chế từ bò, dê, cua, cá v.v... Lên miền ngược có: Cơm nương, gà đồi, heo cặp nách, cá hồi v.v... Miền ngược được hiểu là các tỉnh vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Lao Cai, Lai Châu...). Món đặc sản nổi tiếng của người H’Mông ở Sapa là Thắng Cố.

Tuy chưa ăn (vì ngại) nhưng tôi biết, đó là món “hổ lốn” gồm các loại thịt: Bò, trâu, ngựa, heo. Các bộ phận như: Lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương nấu chung một chảo thật chín nhừ, rồi thêm các loại rau. Khi ăn, chảo vẫn để trên lò đun liên tục như ăn lẩu, thực tế đây là món lẩu đặc biệt của người sơn cước. Thắng cố thường phải 4 người ăn, vì nguyên 1 chảo bự. Trời lạnh ăn Thắng Cố mới đúng điệu. Dân ăn nhậu thường ca tụng “Thắng cố nhậu với rượu ngô, Một lần thưởng thức nhớ thôi cả đời”. Ăn uống là một trong tứ khoái, mỗi nơi đều có món ngon vật lạ riêng, du lịch là phải biết, tuy nhiên không phải ai cũng am tường. Hôm đó anh em rất thích thú với “Thắng cố”, rượu ngô, rượu thuốc, rượu rắn, mọi người không từ thứ gì, riêng tôi làm quan sát viên. Anh em cũng hiểu và không nài ép. Món Thắng Cố thường được làm vào dịp lễ hội, hay tại các chợ phiên. Riêng Sapa thì có nhà hàng chuyên bán Thắng Cố nhất là hai ngày cuối tuần. Mấy anh em làm hết chảo Thắng cố, mấy chai rượu, vậy mà không ai say.

Lúc về phòng có người đề nghị đi tắm thuốc, anh Điển xác định: “Lên Sapa là phải tắm thuốc Dao đỏ, tắm xong da mịn như da con gái, sau khi massage người tỉnh táo khỏe hơn uống sâm nhung, tôi đã tắm, hiệu quả lắm...”.


259h3.jpg


Sapa lúa chín


Sapa nổi tiếng không những trong nước mà cả trên thế giới, sau năm 75 khi ngành du lịch “bùng nổ”, không những khách Tây mà khách ta cũng ngày càng đông đến Sapa, để có những ngày nghỉ dưỡng bổ ích và thích thú. Đã đến Sapa nhiều lần, đã đi sâu vào các bản từ Xí Chải đến Bản Hồ, tôi chưa nghe món “tắm thuốc” bao giờ.

- Anh Điển có thể giải thích tắm thuốc là tắm thế nào, lại có massage, phải biết rõ chứ, để “vào cuộc” rồi “mát xa” thành ra “mát gần” là lôi thôi lắm.

- Anh yên tâm, đây cũng là cách trị liệu như tắm bùn, thuốc là nhiều loại lá cây do người Dao đỏ họ tìm trên rừng, lá gì thì mình không biết. Lá được nấu lên rồi cho vào thung gỗ lớn, pha thêm nước lạnh vừa đủ nóng để ngâm mình. Ngâm cho đến khi nước nguội, khoảng nửa tiếng, rồi vào phòng massage.

- Người massage nam hay nữ?

- Tất nhiên là nữ rồi.

Chỗ này nhiều người cười thoải mái. Nghe có lý. Tôi hỏi thêm:

- Cơ sở này là nhà thuốc Nam của tư nhân kinh doanh?

- Của công ty du lịch Lào Cai, ngay trên dốc đây thôi.

- Trên dốc mà mình đi qua hoài lại không thấy, một lần tắm hết bao nhiêu?

- Chừng trăm mấy hà.

Kết thúc, chỉ có hai chúng tôi đi tắm massage, tôi lại nhớ lần đi tắm hơi với bác sĩ TT ở Sài Gòn, có nhiều chuyện cũng vui. Hôm ấy chúng tôi 3 người, họa sĩ HTT, bác sĩ TT, ông nào cũng sĩ, chỉ mình tôi là dân dã; dân dã mà đi giữa hai sĩ thì yên chí an toàn. Tôi chạy xe máy theo hai ông quanh co mãi mới tới phố có massage. “Cửa hàng” massage đơn giản không thấy trưng bày gì, không hàng mẫu, không quảng cáo, bên trong có mấy thanh niên lầm lì đứng canh, nét mặt u trầm bí mật. Tôi lẳng lặng làm theo các bạn: Thay đồ, lên lầu, vào phòng nằm đợi...Phòng kê vừa chiếc giường của bệnh viện, ngăn bằng vách ván lửng. Bên này nói bên kia nghe. Giường các bạn cạnh hai bên giường tôi. Không phải đợi lâu, “nhân viên phục vụ” vén màn cửa vào, cô gái nhỏ nhắn chừng hăm mấy tuổi, nhìn tôi cười rồi bắt đầu công việc cách tự nhiên. Nằm sấp, dầu xoa một lượt, đôi bàn tay nhỏ nhắn mềm mại lướt trên thân mình tôi, từ đầu đến chân. Tôi ghi nhận mọi cảm giác trong người. Đúng là một lối thư giản, các cơ bắp được kích thích, huyết mạch lưu thông mạnh hơn, người thật dễ chịu. Tôi bắt đầu gợi chuyện, từ thân thế sự nghiệp, đến công việc, tiền lương, rồi cơ duyên đưa đẩy vào nghề. Những “tình tiết” hàng ngày, những khúc mắc trong đời sống, tôi khơi nhẹ, cô massage thỏ thẻ kể không sót, lại còn cho biết thêm nhiều thứ trong ngành nghề mà tưởng chừng chỉ có trong xã hội “đế quốc tư bản”. Trong khi tôi “thẩm tra” thì cô gái vẫn đều tay xoa bóp thân thể tôi, hết sấp đến ngửa, từ đầu đến chân, không sót miền nào. Câu chuyện giữa khách và thợ xem chừng khá hay. Hỏi về lương bổng, tôi mới chưng hửng:

- Anh hỏi có nơi nào làm nghề này mà có lương không?

- Nghĩa là thế nào?

- Tụi em chỉ sống nhờ tiền “tip” thôi.

Có thể như thế thật, mỗi người tùy theo cách săn sóc khách mà được “tip” nhiều hay ít.

- Giả sử em nghỉ một ngày đi chơi có được không?

- Dạ không bao giờ, khi dzô làm họ thu hết giấy tờ, và cam kết đủ thứ. Chỉ có trường hợp đặc biệt chuyện gia đình mới được phép nghỉ. Em là số 25, lần sau anh nói số này là có em.

- Ở đây ai là người đẹp nhất?

- Anh cứ xem như em là người đẹp nhất đi.

Lúc tôi xuống thì hai bạn đang ngồi chờ, họa sĩ hỏi tôi: “Chuyện gì mà nghe ông nói rào rào không ngớt”. Bác sĩ thì nói: “Hình như ông chưa tắm hơi, tắm hơi mới thấy khỏe, đi đi tụi tôi chờ”. Đúng là tập tễnh vào nghề. “Ăn chơi” tuy không vất vả nhưng chẳng dễ chút nào.

Lần này không có bác sĩ lại tắm thuốc chứ không tắm hơi, tắm thuốc cũng là cách uống thuốc, tôi nghĩ chắc có điều hay. Hai ngày nay leo trèo, cơ bắp rã rời, cũng nên dùng pháp trị liệu này để phục hồi sức khỏe.

Chúng tôi đi bộ lên đến đầu phố là thấy cổng khách sạn Hoàng Liên Sơn bên tay trái, vào phòng tiếp tân đã có mấy ông khách đang ngồi chờ, trông họ như những cán bộ nhà nước. (2) Chỉ một lát có người ra dẫn chúng tôi vào phòng tắm. Phòng rộng vừa đủ kê hai thùng gỗ nâu đen lớn như hai cái tang trống đại. Nhìn thấy nước đang bốc hơi, người bạn hướng dẫn tôi: “Đây là nước thuốc họ pha sẵn, còn nóng, mình thêm nước lạnh cho vừa rồi vào ngâm, ngâm chừng nào thấy đã thì ra tắm lại nước lạnh sau đó qua phòng massage”. Tôi quan sát xem bạn làm như thế nào, một ý nghĩ thoáng qua: “Ai cũng ngâm mình trong thùng gỗ nầy thì làm sao an toàn”? Gì chứ vệ sinh thì Việt Nam có tiếng cẩu thả số một, kể cả những bệnh viện trung ương. Biết bao nhiêu trường hợp “Lợn lành chữa thành lợn què”. Lưỡng lự giây phút rồi tôi cũng làm theo, pha nước đúng độ, leo vào ngâm mình. Tôi lắng nghe sự chuyển động huyết mạch trong người, cảm giác thật dễ chịu, tưởng như nước thuốc ngấm từ từ qua lỗ chân lông, len vào từng vi ti huyết quản, cân bằng “sinh thái” trên từng vùng da thịt vốn đã bị thời gian sấy khô bao năm qua. Tôi lim dim hít thở thật sâu, thật đều để đưa dưỡng khí đến tận “vùng sâu, vùng xa” khắp châu thân. Bây giờ thì nỗi nghi ngại không còn nữa, tôi lại nghĩ, thế này mà không thưởng thức cho biết thì rõ “phí của giời”. Lúc nước thuốc hơi nguội tôi cho thêm nước nóng vào, ngâm tiếp, ngâm cho đến khi nước đợt hai nguội hẳn mới ra.

Đến phần massage thì mỗi người một giường, chỉ ngăn cách bằng một tấm màn. Công việc massage cũng tương tự như lần đi massage ở Sài Gòn. Lần này cô nhân viên của tôi khá phốp pháp, trắng trẻo đầy đặn. Trong khi đặt mình dưới sự điều khiển của cô massage, tôi lại gợi chuyện, lại cũng gái Đồng Tháp, tôi hơi ngạc nhiên, tò mò:

- Tự Đồng Tháp làm sao mà em lên đến tận đây?

- Anh nói con gái miền Tây ở nhà thì làm gì? Ruộng đồng bây giờ mỗi mùa không đủ gạo ăn. Lên đây còn gần hơn là đi Hàn Quốc, đi Đài Loan. Cực lắm anh ơi...

- Như vậy trong làng có khi không còn người con gái nào?

- Còn toàn thứ xấu không hà.

Quả thế thật, tội nghiệp, miền quê (Bắc Trung Nam) nơi nào cũng còn nhiều xác xơ, dù đã vắng bóng chiến tranh hơn 30 năm. “Đói thì đầu gối phải bò”, bò quanh xóm làng không có gì ăn, phải bò ra thành phố nơi tiền bạc tuôn chảy hàng ngày, như nước sông. Sài Gòn, Hà Nội ngày càng ô nhiễm cũng vì vậy. Một người bạn Sài Gòn thở than: “Chỉ mong mấy ngày Tết để không khí loãng ra một tí, chạy xe thoải mái một tí, bụi bặm bớt đi một tí...”. Thế đủ biết Sài Gòn bị sức ép từ ngoại ô như thế nào!

Xưa nay, tôi cứ nghĩ người dân sống giữa vựa lúa mênh mông như vậy làm sao có chuyện đói. Vậy mà hôm nay đến hóc hẻm nào ở Sài Gòn cũng gặp những cô gái Hậu Giang làm những việc nhẹ nhàng bưng, bê, xoa, bóp... Càng thêm chuyện, thời gian xoa bóp càng kéo dài, tôi nằm lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia, cơ thể được một bữa đấm bóp no nê. Lúc tôi ra, thì anh Điển đã về từ lâu. Làm xong các thủ tục, tôi lững thững về khách sạn. Phố đã vắng người, đêm xuống lành lạnh và bỗng nhiên thấy buồn, một nỗi buồn không manh mối, buồn về mình, về người, về những chuyển động của thế sự bất thường hôm nay.


Trần Công Nhung

09 - 2009


(1). Xem Bản Hồ QHQOK tập 3 trang 57

(2). Có một điều lạ là cung cách, ăn mặc của những người cán bộ miền Bắc giống nhau như khuôn đúc, tuy họ muốn “nâng cấp” lên hàng quí phái, nhưng không thể nào che giấu được dấu vết ăn sâu một thời. Sau 75, lúc còn được vinh dự làm giáo viên, có lần tôi nghe một nữ sinh bảo: “Thầy con Bắc Kỳ đang đi tới kìa”. Tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi sao em biết, câu trả lời gọn ơ: “Thấy tướng biết ngay thầy ơi”. Tôi cho sự phân biệt mang tính thành kiến, nhưng thời gian sau, tôi cũng thấy vậy. Thế mới biết các cụ bảo không sai: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.


Đã có QHQOK tập 10.


Tin nhắn: Quí độc giả:D.Q Định (TN), Hoa Van Ho (Oklahoma), Trần Kim Qui (Fremont,CA), T.K.Sa (NY) Huynh Long (MA) đã nhận được QH tập 10 chưa xin cho biết.

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.

Từ nay đến hết ngày 31- 5- 2010 độc giả mua nguyên bộ (10 cuốn) chỉ trả 50% (110$ + 5$ cước phí).

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260, email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
VienDong Daily

Friday 9 April 2010

Đáy hàng khơi gian khổ, nhọc nhằn



Cập nhật lúc 3:17:44 AM - 06/04/2010

dayhangkhoi1.jpg


Nghề làm đáy ở Ca Mau – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Miền Tây chỉ có ở Bạc Liêu, Cà Mau là có nhiều người sinh sống nhờ vào Miệng Đáy Hàng Khơi. Chỉ có những người “trong cuộc” mới hiểu hết cái gian truân, nhọc nhằn, khổ cực của nghề nầy. Nhiều lúc phải dầm mưa dãi nắng, đối mặt với gió bão không ít người đã bỏ mạng theo những Miệng Đáy “thủy thần”. Một cái chòi cheo leo giữa ngàn khơi, có khi là đôi vợ chồng, hoặc là cha con hay anh em sinh sống phần lớn thời gian trên đó. Thức ăn chỉ có ít gạo, mì gói, cá khô và muối hột…


dayhangkhoi2.jpg


Hàng đáy ở cửa Sông Đốc Cà Mau – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Họ ở đó ngày đêm để kiếm sống bằng việc bắt tôm cá. Có mùa nhiều lúc trúng luồng cá thu, được cả chục triệu như chơi. Nhưng chuyện ấy ngày nay càng ít khi tái diễn. Nhiều người còn cho rằng cái nghề làm đáy hàng khơi là một nghề dành cho những kẻ khốn cùng và liều mạng.


dayhangkhoi3.jpg


Như những con nhện trên cao – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Những ngọn sóng lưỡi búa trắng xóa như hàm răng cá mập từng đợt chồm lên, như muốn nuốt chửng căn lều nhỏ như tổ chim sẻ đang run lên trước cơn giận dữ của “Sơn Tinh”. Những căn chòi của người canh đáy hàng khơi, như kiểu nhà cao cẳng, cheo leo trên chiếc cột đáy giữa đại dương bốn bề sóng vỗ. Một vài người đàn ông mình trần da rám nắng đang ngồi nhâm nhi rượu đế với ít khô cá khoai trong lúc ngồi chờ con nước ròng để kéo lưới lên bắt cá. Và thật là nguy hiểm cho những ngư phủ say xỉn khi phải đi trên những sợi dây thừng từ miệng đáy nầy qua miệng đáy nọ, trong lúc sóng to gió lớn, xảy chân rơi xuống miệng đáy xem như nạp mạng cho tử thần.


dayhangkhoi5.jpg


Đáy trên sông – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Ông Tư Tôn, một người gần 80 tuổi bám mình trên những cái “tổ chim” ấy hơn nửa đời người, biết đủ thứ các chiêu thức của nghề làm Đáy Hàng Khơi cho biết: Đã chịu không ít những ngày đối diện với mưa bão ngoài biển khơi, có lần “cái chòi bị gió cuốn phăng đi trên mặt biển nát bét, lúc ấy hai cha con tui kịp chụp được sợi dây neo cố bám và chịu những cú đập như búa bổ của những cuộn sóng dữ, tưởng chừng cha con không còn cơ hội sống sót gặp nhau sau cơn bão dữ ấy”. Từ đó ông bỏ nghề vì già rồi không chịu nổi cái lạnh của gió biển. Cũng từ đó, người con trai út của ông, vốn đã rất thạo nghề, thay ông ra vào để trông nom và cai quản cả 20 miệng đáy đã có từ đời ông nội.


dayhangkhoi4.jpg


Ra đầu ngọn sóng biển – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Người mới vào nghề, nhìn thấy hàng cột đáy rung lên trong luồng nước chảy xiết, chắc sẽ rất ngán. Nhưng hàng cột đáy làm bằng cây kè, một loại cây mọc trên núi cao, thịt cứng như đá, búa chém vào còn phải mẻ. Trước khi cắm nọc để hạ đáy, người ta thả một cây gọi là cây “sủi” để lấy dấu, cây nọc kè sẽ nương theo “dấu” đó và nhờ vào sức nặng nó sẽ từ từ lún xuống, cắm sâu vào lớp bùn dưới đáy biển. Giữa hai cây nọc kè, người ta mắc một miệng đáy bằng tấm lưới chắc, đường kính rộng khoảng 25 thước. Miệng đáy hình dạng giống như cái phễu, càng về sau càng nhỏ dần, đến phần đuôi gọi là cái đụt. Tôm, cá theo dòng nước xiết chui vào miệng đáy rồi cuối cùng nằm kẹt trong phần đụt, hết đường thối lui. Đến khi xổ đáy, người ta chỉ việc tháo mối dây cột túm ở phần chót đụt rồi đổ tôm, cá vào trong ghe.


dayhangkhoi6.jpg


Hoàng hôn trên biển – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Khác với đáy sông (để bắt tôm, cá trong các sông, rạch), đáy cạn (ở ngoài khơi, cách bờ biển độ 5-7 cây số), đáy hàng khơi nằm ở tận những vùng nước sâu độ 11-12 sải tay và cách đất liền trên dưới 25 cây số. Ngư phủ miệt Cà Mau thường chọn vùng biển nằm giữa Hòn Khoai và Hòn Chuối, phía đông nam vịnh Thái Lan, để hạ đáy, do vậy mà gọi là “đáy hàng khơi”. Tuy nhiên, người nào theo nghề nầy cũng dày dạn kinh nghiệm sống, nhất là những lúc lâm nguy, họ bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra.


dayhangkhoi7.jpg


Xa xa những con tàu đánh cá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Người làm đáy hàng khơi có cái tự tin, kiêu hãnh, dám đem lá gan của mình đọ sức với thiên nhiên đầy hiểm nguy, bất trắc.... Nhưng nếu họ có sự chọn lựa nào khác hơn để mưu sinh trong cuộc sống, nhiều người trong số họ cho biết sẽ không làm nghề này.

source

Vien Dong Daily

Thursday 1 April 2010

Bán nước mùa khô hạn


Cập nhật lúc 1:24:31 AM - 01/04/2010

bannuoc3.jpg


Ghe chở nước rao bán ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Hải Yến/Viễn Đông


Theo dự đoán của các nhà khí tượng, tình trạng hạn hán và nước mặn xâm nhập ở Việt Nam sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4. Nhiều nơi nhiệt độ có khi lên đến 40 độ C như ở Sài Gòn, và một số tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, An Giang… Trong những ngày qua tại quận 7 Sài Gòn, người dân đã đổ xô đi mua nước từ các xe bồn để dự trữ, vì ai cũng sợ nắng nóng kéo dài và nước sẽ trở nên khan hiếm hơn nữa. Trong khi đó, tại các tỉnh như Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang… nhiều nơi người dân thiếu nước ngọt để uống, nhu cầu bán nước vào thời điển nầy cũng có cơ hội nở rộ.


bannuoc1.jpg


Người dân Tri Tôn An Giang chờ đợi lấy nước từ giếng về để uống – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Tại các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ghe tàu chở nước ngọt ngược xuôi trên các sông rạch để bán cho các gia đình đang cần nước ngọt để uống và sử dụng trong sinh hoạt. Mỗi can nước 20 lít giá từ 4 đến 6 ngàn đồng. Một thùng phuy giá 100 ngàn đồng cũng có người mua. Tình trạng mua bán nước ngọt trên sông là hiện tượng lạ chỉ mới có từ vài chục năm trở lại đây ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Vùng này từng được mệnh danh là “mê cung” sông nước Việt Nam. Vậy mà giờ đây người dân nhiều nơi phải khổ vì thiếu nước ngọt, nước sạch để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.


bannuoc2.jpg


Những thiếu nữ Khmer ở biên giới giáp Campuchia hằng ngày lấy nước về nhà – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Khí hậu thay đổi làm trầm trọng thêm nạn thiếu nước ngọt ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và Đồng Bằng Sông Hồng. Một trong những nguyên nhân chính là do các cánh rừng ở Việt Nam ngày đêm bị lâm tặc chặt phá. Một nguyên nhân quan trọng nữa là các đập ngăn dòng thượng nguồn sông Mê Kông do Trung Cộng xây dựng đã làm thay đổi hệ thống sinh thái tự nhiên của sông Mê Kông.


bannuoc4.jpg


Ghe chở dừa tươi bán rất chạy vào mùa khô, giá cũng tăng gấp đôi – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Không chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng, hạn hán kéo dài cũng đã làm cho khoảng 11,8 triệu dân Trung Cộng đang thiếu nước sinh hoạt tại 15 tỉnh thành và khu tự trị. Tỉnh Vân Nam ở phía Nam đang gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua với gần 6 triệu người dân thiếu sinh hoạt và 4 triệu đầu gia súc không đủ nước uống.


bannuoc5.jpg


Ghe chở nước đi bán ở Long Phú, Sóc Trăng – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Sông ngòi và hồ chứa nước tại nhiều vùng trong tỉnh đã cạn trơ đáy suốt mấy tháng qua. Khoảng 85% diện tích cây trồng trong tỉnh đang bị chết khô vì thiếu nước tưới. Khu tự trị sắc tộc Choang ở Quảng Tây và các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên, Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây, thành phố Trùng Khánh cũng đang bị hạn hán nghiêm trọng. Con số chính thức cho thấy khoảng 3,5 triệu héc ta cây nông nghiệp bị ảnh hưởng và 8 triệu đầu gia súc không đủ nước uống.


bannuoc6.jpg


Ống bơm nước bán rất chạy vào mùa nầy – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Tại Campuchia, nước có biển hồ là vương quốc cá nước ngọt, cũng đang cam chịu sự đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên và nguồn cá nước ngọt. Campuchia chưa có hệ thống thủy lợi phát triển nên nguồn nước từ các sông dẫn đến các phum sóc cũng bị giới hạn. Người dân trong phum sóc phần đông sống nhờ vào nguồn nước giếng do các tổ chức phi chính phủ tài trợ.

Trở lại vùng Miền Tây Việt Nam, nhiều tỉnh ven biển bị nước mặn xâm nhập nặng nề. Trước đây nước mặn xâm nhập vào đất liền chỉ khoảng 30, 40 cây số; nhưng hiện nay có những tỉnh nước mặn vào đất liền hơn 70, 80 cây số, khiến cho hàng triệu người dân gặp nhiều khó khăn vì không có nước ngọt sinh hoạt. Còn các giếng khoan ở Miền Tây hiện nay hơn 80% là bị nhiễm thạch tín hay nhiễm phèn nên cũng rất khó sử dụng để nấu ăn và làm nước uống.


bannuoc7.jpg


Ghe hàng mắc cạn ở Đồng Tháp – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Tại Tiền Giang có khoảng 1.000 gia đình không thể xây hồ dự trữ nước tại các xã cặp sông Tiền như Định Trung, Lộc Thuận, Vang Quới Đông, Vang Quới Tây... Người dân phải mua nước sinh hoạt (nước giếng ngầm, do người nơi khác vận chuyển tới bằng xe máy cày) với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng một mét khối. Riêng các xã ven biển như Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thạnh Trị, Bình Thắng... có trên 10.000 gia đình thiếu nước sinh hoạt. Một vài nơi, người dân phải mua nước với giá 40.000 đồng một mét khối (tương đương nửa giạ lúa). Nước khan hiếm và giá nước sinh hoạt tăng đang trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình nghèo.

source

Vien Dong Daily