Monday 30 November 2009

Người nghèo Hong Kong không còn chỗ



Ông Chan Hong Keung

Ông Chan Hong Keung nói giá thuê nhà đã tăng

Ngôi nhà của ông Chan Hong Keung chỉ là một cái hộp 2x3 mét vuông.

“Hộp” của ông Chan là một trong 16 hộp khác trên tầng thứ 16 của một tòa nhà bê tông xập xệ tại khu vực Mongkok của Kowloon.

Chiếc thang gỗ nhỏ nối tới mặt tiền mắt cáo của khu hộp bên trên. Đây là những ngôi nhà chỉ bằng cỡ quan tài cho những người nghèo nhất Hong Kong.

Ông Chan phải dùng chung một bếp nhỏ và một toilet đơn bẩn thỉu với chín người khác. Tại các căn hộ khác, nhiều khi có tới 40 người phải dùng chung toilet.

Tuy nhiên, điều này cũng vẫn không giúp cho giá thuê nhà bớt tăng.

Ông Chan, người trước đây làm nghề dọn dẹp nay đã nghỉ hưu, nói: “Trước đây, tôi chỉ trả 800 dollar Hong Kong (103USD). Giờ đây, giá là 1000 dollar HK”.

Theo Sở Đánh giá và Phân loại của Hong Kong, tiền thuê nhà của người dân thuộc mọi tầng lớp tăng trung bình 10% trong chín tháng tính đến tháng Chín vừa qua.

Nhân viên thiện nguyện Sze Lai Shan và nhóm làm việc của bà phát đồ trải giường sạch cho các người dân. Tại các nhà hộp này không có lò sưởi và không có nước dùng, trong khi mùa đông năm nay lại đến sớm ở Hong Kong.

Bà Shan cho biết ông Chan, năm nay 81 tuổi, là một trong 100 ngàn người sống trong cảnh như vậy tại Hong Kong. “Con số này đã tăng khoảng 10% vào năm ngoái.

“Khoảng một nửa trong số họ là người già, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ và các gia đình chuyển vào những nhà hộp này”.

Bùng nổ bất động sản

Trên toàn cảng Hong Kong, các căn hộ chọc trời ở sát nhau đến mức nhiều khi thò tay ra bạn tưởng có thể chạm được vào hàng xóm.

Thang lên hộp bên trên

Người ta phải dùng thang gỗ để lên hộp bên trên

Hòn đảo Hong Kong là một trong những nơi có mật độ dân cư đông nhất thế giới.

Bảy triệu người và một không gian hạn hẹp là hai yếu tố khiến cho bất động sản tại Hong Kong thuộc một trong những nơi đắt nhất thế giới.

Trên thực tế, giá nhà đất đã tăng khoảng 30% kể từ khi bị sụt giảm vào tháng Mười năm ngoái. Hiện, giá nhà đang ở mức bằng với đầu năm 2008.

Tháng trước, một căn hộ tại một khu chung cư trông rất khiêm tốn được bán với giá 57 triệu USD. Đây là mức giá cao kỷ lục, 9200 USD cho một tấc Anh vuông (bằng khoảng 0.3m2)

Được biết ông chủ mới là một nhà đầu tư từ Trung Hoa đại lục.

Alnwick Chan, giám đốc điều hành hãng địa ốc Knight Frank là một trong những người đổ lỗi tình trạng bùng nổ mới này là do “tiền nóng” từ Trung Quốc đổ sang.

Ông nói: “Người dân TQ đại lục đã tới mua tài sản ở đây kể từ khi thị trường bất động sản đổ vỡ vào năm ngoái… Điều này lại được giới chức TQ đại lục hậu thuẫn”.

Tuần trước, chính quyền Hong Kong đưa ra số liệu mới nhất về dòng vốn đổ vào vùng lãnh thổ này: có tới 500 tỉ dollar Hong Kong được đổ vào mua tài sản tại đây.

Đa phần số tiền này được cho là từ Trung Quốc. Và đa phần tiền được đầu tư vào địa ốc.

Phần còn lại được đổ vào thị trường chứng khoán Hong Kong, giúp tăng giá cổ phiếu hơn 80% trong 12 tháng qua.

Lo ngại lạm phát

Chuyên gia nhà đất Alnwick Chan

Chuyên gia nhà đất Alnwick Chan nói Trung Quốc đang đổ tiền vào Hong Kong

Việc thị trường địa ốc Hong Kong bùng nổ trở lại đã gây nên lo ngại về lạm phát, không chỉ ở Hong Kong, mà còn các nơi ‘nóng’ khác ở châu Á như Singapore.

Mức giá tăng nhanh cũng khiến cho người dân có thu nhập thấp không có khả năng mua nhà cửa.

Khác với các nền kinh tế khác, tỉ lệ lãi suất tại Hong Kong không được sử dụng để xử lý lạm phát. Thay vào đó, người ta dùng lãi suất để duy trì mức ổn định giá trị tiền tệ của Hong Kong so với dollar Mỹ.

Do đó, đồng dollar Mỹ yếu đi khiến cho chi phí vay tiền thấp một cách giả tạo, và người ta không thể đi theo con đường của ngân hàng dự trữ Úc và tăng lãi suất.

Thay vào đó, chính quyền Hong Kong cố gắng giảm mức giá nhà cửa.

Tháng trước, họ tăng mức đặt cọc tối thiểu đối với các địa ốc sang trọng và siết chặt quy định cho vay nhằm khuyến khích các ngân hàng nên cho vay một cách cẩn trọng.

Trung Quốc đại lục cũng đang tìm cách giúp. Tuy nhiên, họ gặp rủi ro là tạo ra bong bóng địa ốc ngay trong chính các thành phố lớn của TQ.

Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân TQ kêu gọi các ngân hàng nhỏ giảm mức cho vay và qua đó hạn chế dòng tiền rẻ đổ vào Hong Kong, đại lục và phần còn lại ở châu Á.

****************

source

BBC Vietnamese

Dân chúng miền Tây đẩy kéo... hàng rong


Dân chúng miền Tây đẩy kéo... hàng rong
Cập nhật lúc 3:07:35 AM - 28/10/2009

keohang1.jpg


Hai chị em người kéo người đẩy cả ngày hàng chục cây số để bán rổ, thúng… - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Ai về Miền Tây, miền đất chín rồng trĩu nặng phù sa, đều thấy nơi đây là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây lớn nhất nước… ấy thế mà lại là miền “yếu nhất” về phát triển giáo dục và y tế so với cả nước Việt Nam. Về Miền Tây ngày nay, tôi vẫn thấy những hình ảnh buôn bán theo kiểu “cổ xưa” của những người lao động nghèo khó. Họ dùng sức đẩy kéo hàng hóa của mình như những người thích được lập kỷ lục Guiness ở những nước giàu có trên thế giới, có khi họ kéo cả chiếc máy bay, cả xe vận tải… nhưng chỉ một thời khắc nào họ làm điều đó để lấy tiếng, còn những người nghèo mà tôi bắt gặp thì họ làm công việc ấy cả đời, lam lũ như vậy để kiếm sống.

keohang2.jpg


Những thanh niên thay phiên nhau kéo hàng từ bến tàu Long Xuyên lên xe vận tải - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


keohang3.jpg


Chi Hạnh hơn 18 năm bán chuối ở chợ Cao Lãnh Đồng Tháp, mỗi ngày chi đi hơn 20 cây số để bán chuối - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


keohang4.jpg


Xe máy đầy vỏ bội, rổ, ghế nồi, sàng nia… anh Tư Hồng đi khắp thị xã Bến Tre ngày này qua ngày nọ - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


keohang5.jpg


Xe phế liệu đầy kiểu nầy chỉ còn có nước đẩy thôi - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


keohang6.jpg


Shop quần áo lưu động ở Cà Mau - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


keohang7.jpg


Còng lưng mỗi khi lên dốc và dựng ngược người mỗi khi xuống dốc, đó là công việc hằng ngày của anh Trần Quang Hạ - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


keohang8.jpg


Cô gái bán chuối ngồi ăn một tô mắm khi đã bán được khá nhiều chuối ở chợ An Phú – An Giang - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
*********************
source
Vien Dong Daily

Monday 9 November 2009

California sẽ trỗi dậy với công nghệ sạch


November 06, 2009


HỒ QUỐC ĐĂNG-Việt Tribune

California có một quyền lực chính trị dường như tuyệt đối của một tiểu bang rộng lớn nhất trong liên bang Hoa-Kỳ. Tuy vậy, trong những năm vừa qua, California phải thường xuyên đối đầu với những khủng hoảng kinh tế và chính trị, khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ dường như không thể đi tới một thỏa hiệp về một dự thảo ngân sách, trong lúc sự thâm hụt ngân quỉ vượt tầm kiểm soát ngày càng trở nên trầm trọng, hơn 26 tỉ mỹ kim trong năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp ở bang California vẫn tiếp tục tăng làm số lượng nhà cửa bị siết nợ hàng loạt. Trong cơn túng quẩn, chính quyền tiểu bang California đã sa thải thầy cô giáo, đóng cửa bớt trường học, khất nợ tiền lương bằng cách trả IOU cho công chức; và đang bàn cãi làm sao để thả bớt tù tội phạm, đóng cửa bớt nhà tù,… Nói chung làm mọi cách để California thoát khỏi cơn khủng hoảng ngân sách đang đè nặng.

Các thiếu nữ California rửa xe Hybrid miễn phí tại Holywơod để Quảng cáo cho năng lượng sạch. GABRIEL BOUYS/AFP/Getty Images

Dù sao thì tiểu bang California, một nơi mộng mơ đến dễ khó rời như trong bài hát Hotel California của ban nhạc Eagles “you can check out anytime, but you can never leave” cũng là một tiểu bang hùng mạnh nhất của Hoa-Kỳ. Nếu đúng riêng như một quốc gia độc lập, với chỉ số tổng sản lượng nội địa GDP 1.8 ngàn tỉ mỹ kim theo thống kê năm 2008, California có sức mạnh kinh tế đứng thứ 8, thuộc hàng G8 cùng những nước có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, theo thứ tự: Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Ý, California, Ba-Tây và Nga.

Bỏ qua những khủng hoảng mang tính cục bộ và tạm thời, California vẫn là cổ máy phát minh những ý tưởng tân tiến nhất về khoa học kỹ thuật. California vẫn là nơi đã phát minh cho con người chip vi tính điện tử, chiếc quần jean đầu tiên cho phu mỏ vàng và dần chiếm ngự thời trang thế giới, cách tiêu dùng năng lượng hiệu quả nhất, điện thoại cầm tay iPhone, Google, Yahoo, công nghệ internet biến đổi tri thức loài người, và Hollywood thống trị kỹ nghệ điện ảnh giải trí toàn cầu.

Dù theo tạp chí Forbes, California mất 400,000 công việc từ 2000 đến 2007, nhưng đây chỉ là những công việc trong ngành sản xuất sử dụng những nhân công ít lương. Trong khoảng thời gian đó, những công ty kỹ thuật cao đã xuất hiện ở California, nói riêng là vùng thung lũng điện tử, như Google, Facebook, Twitter, eBay, YouTube, … bên cạnh những công ty cũ như Hewlett Packard, Cisco,… cùng vô số công ty khác chế tạo những phương tiện kỹ thuật cải thiện và thay đổi diện mạo cuộc sống hiện đại con người.

Hội chợ các công ty software tại California. Justin Sullivan/Getty Images

Trong thời gian gần đây, California còn là nơi tập trung những công ty phát triển kỹ thuật sinh-hóa học, y khoa, và bây giờ là Kỹ Thuật Công Nghệ Sạch – Clean Tech.

California là một tiểu bang trong liên bang Hoa-Kỳ đi tiên phong trong mọi công cuộc mang tính cách mạng đột phá, không chỉ về phương diện khoa học, kỹ thuật mà còn về chính trị. Cư dân California đồng ý bán số lượng công trái phiếu khổng lồ để tài trợ những nghiên cứu tế bào phôi gốc (stem cell research) cấp tiến để chữa bệnh con người, xây dựng những đường rầy xe lửa cao tốc, sửa chữa và bảo trì hệ thống hạ tầng cơ sở trong khi chính quyền liên bang Washington đang trì trệ trong việc tài trợ những công việc này. California là tiểu bang đầu tiên thắt chặt kiểm soát khí tạo hiệu ứng nhà kính (greenhouse-gas) hầu ngăn chận sự hâm nóng địa cầu, bên cạnh ban hành những đạo luật tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong việc chế tạo xe và vật liệu xây dựng nhà cửa…

Theo ý kiến của nhiều khoa học gia, California hiện đang là một nơi năng động nhất trên quả địa cầu, nơi những nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu phương pháp biến rong biển thành xăng dầu, than thành khí đốt và biến chất thải con người thành điện năng. Tất cả nhằm cải thiện cuộc sống con người, qua đó cũng thúc đẩy sự trổi dậy mạnh mẽ nền kinh tế California.

Và Thung Lũng Điện Tử

Cuộc Cách Mạng Công Nghệ Năng Lượng Sạch trên Thế Giới, sự Hồi Phục Kinh Tế từ vực sâu California nói riêng và Thung Lũng Điện Tử nói chung.

Những nước công nghệ tiên tiến hiện đang ráo riết cạnh tranh để vượt lên thống trị “cuộc cách mạng công nghệ” kế tiếp. Chính phủ những nước công nghệ tiên tiến đang đổ những ngân khoản khổng lồ vào các nghiên cứu công nghệ sạch (clean tech). Trung Quốc cam kết bỏ ra 100 tỉ đô-la mỗi năm cho những nghiên cứu năng lượng sạch – clean energy. Hiện tại, Nhật bản đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật chế tạo pin tân tiến.

Bộ trưởng bộ Năng Lượng Hoa Kỳ Steven Chu, một Giáo Sư xuất thân từ đại học Berkeley và đoạt giải Nobel Vật lý năm 1997, đã nhắm vào những chất xám khoa học kỹ thuật của vùng Thung Lũng Điện Tử cho những công cuộc nghiên cứu mang tính bức phá toàn diện cho kỹ nghệ tạo năng lượng sạch. Tại buổi họp của bộ Năng Lượng ở đại bản doanh của Google vừa qua, ông Chu cho biết những khoản tài trợ từ chính quyền liên bang đã bắt đầu đầu tư vào những nghiên cứu kỹ thuật năng lượng sạch mang nhiều thử thách và khó khăn. Nhưng càng khó khăn và thử thách, sự thành công của những nghiên cứu này sẽ mang lại nhiều thành quả lớn lao cho con người và cuộc sống kinh tế.

Những kỹ thuật cách mạng như tìm ra loại vi khuẩn có thể chế tạo xăng dầu.

Năng lượng chiếm giữ vai trò quan trọng nhất cho hoạt động con người. Những bất ổn về kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới hiện nay có thể nói phát sinh từ việc chiếm giữ những nguồn năng lượng như mỏ dầu và năng lượng nguyên tử. Và dầu khí trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Và trong sự hâm nóng toàn cầu từ việc sử dụng năng lượng hydrogen từ dầu khí đe dọa đến an sinh và sống còn của loài người, việc phát triển năng lượng sạch càng trở nên cấp bách. Làm sao để sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả, chế pin sạc bằng gió, … Đó là chìa khóa cho bước phát triển kinh tế kế tiếp.

Tiểu bang California dẫn đầu trong sự tiếp nhận những tài khoản đầu tư cho công nghệ sạch. Tính từ 2006 đến 2008, California nhận hơn 60% tổng số tiền đầu tư vào sự phát triển công nghệ sạch

Chính phủ Mỹ đã trích $400 triệu mỹ kim từ ngân khoản kích cầu của liên bang để đổ vào những nghiên cứu năng lượng sạch. Số tiền tài trợ này được điều hành bởi Cơ Quan Nghiên Cứu Phát Triển Năng Lượng (Advanced Research Projects Agency-Energy), gọi tắt là Arpa-e. Arpa-e được đặt dưới sự lãnh đạo của Arun Majumdar, một Giáo Sư từ đại học Berkeley và Cơ Quan Thí Nghiệm Quốc Gia Lawrence Berkeley.

Một vài công ty ở vùng thung lũng điện tử nhận tài trợ từ Arpa-e:

  • Envia Systems ở Hayward nhận $4 triệu đô-la để phát triển pin lithium-ion cho đồ điện tử, đặt biệt pin sạc điện cho xe hơi điện.
  • NanOasis ở Richmond được $2 triệu đô-la để phát triển công đoạn khử mặn nước biển (desalination) ít tốn kém và ít năng lượng để tạo nước ngọt tưới đồng ruộng và nước dùng cho thành thị.
  • Đại học Stanford nhận gần $5 triệu đô-la để phát triển máy đo năng lượng dùng ở công sở và nhà cho phép người dùng tiết kiệm năng lượng một cách dể dàng.

Theo dự đoán của kinh tế gia Jerry Nickelsburg từ đại học UCLA, California có thể bị tụt hậu so với toàn bộ nước Mỹ trong bước đầu phục hồi kinh tế, vì sự thắt chặt tiêu dùng của chính quyền tiểu bang. Nhưng chính từ mối liên hệ kinh tế mật thiết giữa California và châu Á, và sự tập trung đầu tư kỹ thuật điện tử, sinh học, y học và kỹ thuật công nghệ sạch (clean tech) ở California, đặc biệt là vùng thung lũng điện tử, sẽ thúc đẩy kinh tế tiểu bang phát triển mạnh vào khoảng giữa năm 2010. [HQĐ]

***********

source

Viet Tribune Online

Thursday 5 November 2009

Tan hoang rốn lũ Đồng Xuân - Tuy An


Thứ Năm, 05/11/2009, 16:38 (GMT+7)


* Chính phủ hỗ trợ 225 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các tỉnh bị bão lũ
* Khánh Hoà: 13 người chết, 9 người bị thương

TTO TƯỜNG TRÌNH TỪ VÙNG LŨ: Hôm nay 5-11, nước đã rút hẳn tại 2 rốn lũ huyện Đồng Xuân và Tuy An của Phú Yên. Lũ dữ đã làm hàng chục người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà tốc mái, sập và hàng chục nghìn người dân khốn đốn theo cơn lũ.

Tuổi Trẻ Online có mặt tại 2 rốn lũ trên để ghi lại những hình ảnh tan hoang, đổ nát sau cơn lũ dữ tại 2 huyện này.

>> Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ
>> Tình người trong lũ

Anh Trương Trung Trực cố gắng đào bới dưới căn nhà bị cuốn trôi để tìm thi thể vợ mình - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được vào sáng và chiều nay là những ngôi nhà sập xệ, bùn lầy, những sân lúa được sấy vội trong cơn nắng yếu ớt bên lề đường, khuôn viên chợ, vẻ mặt thất thần của người dân... Tại huyện Tuy An cũng như Đồng Xuân, toàn bộ đồ đạc nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi, chỉ để lại bộ sườn trơ ra với cây bụi. Đặc biệt tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân được xem là xã bị thiệt hại nặng nề nhất khi tài sản của người dân nơi đây hầu như mất trắng, hơn chục người chết và mất tích.

Trong khi đó tại xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân vẫn còn không khí tang tóc bao phủ trên khắp nẻo đường. Và bãi cát đẹp ngày nào của thôn xóm giờ đây là nơi tổ chức đám tang tập thể cho 12 thi thể .

Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc chỉ còn là đống bê tông vụn nát - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Tan hoang tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Lúa cùng bùn được phơi trên các con đường vào huyện Đồng Xuân và Tuy An - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Bà Nguyễn Thị Thao, 71 tuổi, tại thôn Định Trung 2, xã An Định. Toàn bộ đồ đạc trong gia đình bị trôi hết, bây giờ chỉ trông chờ vài tạ lúa còn lại đang nẩy mầm - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Một ngôi nhà của người dân ở xóm Trường tan nát do lũ - Ảnh: Quang Phương
Em Trương Công Hưng khóc nức nở khi mọi người tìm thấy xác của bố mẹ em bị chôn vùi dưới lớp cát vào sáng 5-11 - Ảnh: Quang Phương

Chính phủ hỗ trợ 225 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các tỉnh bị bão lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 11.

Theo đó, tỉnh Bình Định được phân bổ 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo, Phú Yên 100 tỷ đồng và 4.000 tấn gạo, Khánh Hòa 20 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo, Ninh Thuận 5 tỷ đồng, Gia Lai 30 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo. Số tiền và gạo này được sử dụng để hỗ trợ và thực hiện cứu đói cho người dân, mua giống khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. (T.PHÙNG)

Cả xóm Trường không một căn nhà nào còn nguyên vẹn. Nhiều căn chỉ còn nền nhà. Những chiếc máy cày đại, máy cày trung, xe máy, máy vi tính và bao thứ tài sản khác của những người nông dân nơi đây không kịp chạy đã trôi theo dòng nước.

Đến trưa 4-11 đã có 10 người chết được tìm thấy ở đây, còn 8 người khác bị vùi lấp hoặc trôi đi nơi khác chưa tìm thấy được. Nước vừa rút, chúng tôi có mặt tại xóm Trường và chứng kiến một quang cảnh hết sức đau lòng. Đầu xóm, ngay trên nền đường bê tông là một chòi dài lợp tấm nhựa. Hôm qua, nơi đây đã có mười thi thể của những người dân xóm này được đặt ở đây và được an táng ở nghĩa trang của thôn. Một màu tang tóc ảm đạm.

Những người thân ở các nơi tìm về ngơ ngác tìm kiếm và chờ đợi. Những thanh niên khỏe mạnh đang cố sức đào bới, chặt cây, moi cát để mong tìm thêm được những thi thể còn lại. Chẳng thể hy vọng những người mất tích có khả năng trở về được, vì đã ba hôm rồi. Ai cũng chỉ mong tìm thấy được thi thể người thân để chôn cất tử tế. Hai chị em Trương Thị Lệ Huyền và Trương Trung Hưng cứ ngơ ngẩn ngồi nhìn đống đổ nát trên căn nhà yêu dấu của mình. Đêm lũ càn qua, Hưng cùng cha mẹ vật lộn với nước lạnh chảy xiết.

Nhà sập, em níu được vào cây dừa, lúc sau cây dừa ngã, em bị trôi và tấp vào một gốc mít, bám trụ đến trưa hôm sau mới có người đến cứu. Ba má em đã bị dòng nước cuốn đi mất, đến hôm nay thi thể vẫn chưa tìm được. Lệ Huyền đang học ở TP.HCM nghe tin dữ trở về thì nhà cửa, cha mẹ không còn. Huyền thất thần, cứ nhìn đứa em trai mà than vãn mai này không biết phải làm sao.

Trương Thị Lệ Huyền (áo hồng) đau xót cảnh mất nhà cửa, cha mẹ - ảnh: D.T.Xuân

Xóm Trường tan hoang sau cơn lũ tràn qua - Ảnh: D.T.Xuân
Nhiều căn nhà sập hoàn toàn hoặc chỉ còn trơ lại vách, tài sản bị trôi hết hoặc vùi lấp trong cát - Ảnh: D.T.Xuân
Những chiếc máy cày bị vùi lấp - Ảnh: D.T.Xuân

Và còn hàng chục trường hợp khác may mắn sống sót nhờ leo kịp lên mái nhà như vợ chồng thầy giáo Nguyễn Thịnh và cô giáo Nguyễn Thị Phương, nhờ bám được cành cây cao như chị Nguyễn Thị Cẩm Ly, hoặc hy hữu như cháu Nguyễn Thành Đô, 8 tuổi bị trôi 4km xuống mãi đến thôn Phước Huệ rồi tấp vào một hồ bơm nước, may mắn vẫn còn sống sót, đang điều trị tại Bệnh viện Đồng Xuân…

Lãnh đạo xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân chưa hết bàng hoàng trước những mất mát quá lớn của địa phương mình. Mọi người đang dốc sức tìm kiếm và động viên giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn này.

Ông Mạnh Văn Hoàng ở thôn Triêm Đức - thôn có số người chết và mất tích nhiều nhất huyện Đồng Xuân - kể lúc 22 giờ ngày 2-11, ông ra sau theo dõi mực nước, vào nhà nghe đài một lúc thì bên nhà hàng xóm kêu la inh ỏi, lúc đó nước đến bậc thềm. Quýnh quáng ông vác bao lúa vô trong xóm gửi, khi về đến nhà nước ngập ngang thắt lưng, ông vội hối thúc đưa vợ đi lánh lũ, lúc trở lại nhà khóa cửa thì nước lũ ngang cổ.

Còn bà Võ Thị Nga, ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 đến giờ chưa hết bàng hoàng nói: “Khi nước còn nằm dưới bậc thềm thì bà vội bê ti vi bỏ lên trần, nhìn xuống nước tràn vào nhà, hoảng quá bà vác nửa bao gạo lên vai, dắt con đi tránh lũ”. Khi lũ rút bà Nga quay về mọi vật dụng như nồi xoong, rổ rá để ngoài hiên sau trôi sạch không còn một thứ gì, bà cố đi xung quanh nhà tìm kiếm thì chỉ còn cái nồi “kẹt” trong gốc mít.

Ông Vũ Văn Điện với “núi” lúa ướt - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Trước sân nhà ông Vũ Văn Điện, ở xã Xuân Sơn Nam, là một “núi” lúa ướt, vợ ông vừa xốc lúa vừa khóc, thều thào nói: “Trong nhà không còn một thứ gì hết từ ti vi, bàn tủ, lúa gạo đến mùng mền, chăn chiếu”. Đứa con trai làm việc ở TP.HCM vừa về đến nhà, thấy cảnh tượng tan hoang, cả hai mẹ con ôm nhau khóc. Ông Điện lắc đầu ngao ngán: “Mới cất chái sau trên 10 triệu đồng, lũ “tháo dỡ” đi ra biển hết. Ông Vũ Văn Hạnh, sát vách nhà ông Điện, buồn rầu: “Một đêm một ngày rồi không có hột cơm trong bụng, hai đứa con gởi trong xóm Gò không biết đói no sao trong đó”. Gian hàng tạp hóa của ông Hạnh từ bánh kẹo, bột ngọt, mì tôm giá trị trên 30 triệu đồng giờ thành một đống “bầy nhầy” trước sân.

Người thân chờ đợi thông tin người nhà mất tích - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Tại các khu vực công sở như trụ sở hợp tác xã Long Bình (thị trấn La Hai), trụ sở hợp tác xã Thạnh Đức (Xuân Quang 3), sau lũ rất đông người về trải chiếu nằm vì nhà cửa nhơ nhớp bùn đất. Cả xóm ngập lụt không biết đi đâu nên chọn giải pháp dọn lên các nhà công sở. Có người không thích về nhà vì thấy tài sản của mình làm dành dụm cả đời sắm sửa đã bị hư hại xót quá. “Để dành 5 phuy lúa tính cả nhà ăn đến khi thu hoạch lúa đông xuân giờ nảy mầm, bầy heo con mới gầy nái đẻ lứa đầu chết sạch. Tôi dọn ít đồ đạt lên đây hai bữa nay, giờ hết muốn về vì đến nhà thấy “của” tiêu tan như vậy", bà Bốn Tô ở xã Xuân Quang 3 nói.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 cho biết đời sống nhân dân sau lũ hết sức khó khăn, nhất là lúa gạo thiếu nghiêm trọng.

NGÔ PHƯỚC TUẤN - DƯƠNG THANH XUÂN - MẠNH HOÀI NAM

Khánh Hoà: 13 người chết, 9 người bị thương

Tính đến 19 giờ ngày 5-11, theo Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 người chết và 9 người bị thương. Trong hai ngày qua, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể cấp huyện, xã đã tổ chức nhiều tổ công tác đến thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ. Sáng 5-11, đoàn công tác do ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà dẫn đầu đã đến thăm, chia buồn, động viên và hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ đối với bốn gia đình nạn nhân ở hai huyện Ninh Hòa và Cam Lâm. Dịp này, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (chi nhánh Khánh Hòa) đã hỗ trợ thêm 3 triệu đồng cho mỗi gia đình có nạn nhân tử vong do bão lũ.

Theo ông Hà Quang Huy - phó GĐ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (chi nhánh Khánh Hòa), ngân hàng này vừa quyết định hỗ trợ 230 triệu đồng, 10 nghìn cuốn vở, 1 nghìn chăn, mền, 2 tấn mì tôm cho tỉnh Khánh Hòa nhằm khắc phục hậu quả bão lũ.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Huỳnh Ngọc Bông, cho biết ước thiệt hại do cơn bão số 11 và cơn lũ tiếp theo gây ra trên toàn tỉnh Khánh Hòa là 195 tỉ đồng.

T.BÌNH - L.THUẬN- KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

*********************

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=346248&ChannelID=3

Wednesday 4 November 2009

Người Sài Gòn vật lộn với mức triều cao


Thứ năm, 5/11/2009, 00:54 GMT+7

Chỉ trong vòng 30 phút, nhiều tuyến phố, khu dân cư tại Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 6, quận 7, quận 8... đã bị nước từ các con sông dâng lên "nuốt chửng".
> Triều cường Sài Gòn lên đỉnh cao nhất từ đầu năm

Nước bắt đầu dâng từ 18h và nhanh chóng đạt đỉnh 1,53 mét. Trời nhá nhem tối, khu dân cư Phú Mỹ, đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh tất bật cảnh người vác bao cát ngăn trước nhà, hò nhau khiêng tủ lạnh, ti vi đặt lên chỗ cao. Còn ngoài đường xe chết máy hàng loạt.

Hầu hết các hộ kinh doanh trên đường này đều phải sống chung với nước để tiếp tục công việc làm ăn. "Thật không thể nào chịu được, ở đây ngập thường xuyên nhưng đây là lần đầu tiên khủng khiếp như vậy", một cụ bà vừa nói vừa tát nước. Nhà cạnh bên thì đang lo dùng bạt và nilông chặn dòng nước.

Người dân Sài Gòn vật lộn với triều cường lúc 18 giờ chiều nay. Ảnh: Kiên Cường

Do nước ngập lên gần tới thắt lưng nên ngoài đường nhiều người phải lấy bóp và điện thoại để trong túi áo hoặc để trong cặp đeo lên cao.

Khu vực bán đảo Thanh Đa cũng trong tình trạng tương tự. Đường Ung Văn Khiêm, các hẻm bên trong con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh đều bị con nước dìm sâu hơn nửa mét.

Người dân tận dụng mọi thứ có thể như: tôn, vải, bạt, ván... để che chắn trước nhà. Thậm chí, các hộ dân ở khu vực này phải dùng máy bơm để đẩy nước ra. Đến gần 7h 30 nước từ các kênh rạch gần đó vẫn tiếp tục tràn vào.

Nước xô đổ cả xe
Nước xô đổ cả xe

Trong khi đó, người dân quận 12 lại phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn hơn từ việc bể bờ bao. " Một đoạn bờ bao dài gần 2m tại khu vực cầu Phú Long khu phố 2 phường Thạnh Lộc đã bị nước cuốn trôi. May là có các công nhân công trường đang thi công ở đây phụ giúp nên sự nguy hiểm đã giảm bớt", ông Nguyễn Tương Minh, Phó ban phòng chống lụt bão quận 12 nói qua điện thoại.

Tại quận 8, tuyến đường Phạm Thế Hiển phường 6, phường 7 dù vừa được nâng cao hơn trước một mét, song vẫn bị nước xâm lấn. Đồng cảnh ngộ là các tuyến đường ở quận 6. Nhìn mực nước dâng cao trên đường Nguyễn Văn Luông, anh Thuận, tài xế taxi nói: "May mắn không có mưa cùng thời điểm triều lên, nếu không, chắc thê thảm lắm".

19h30 nước vẫn chưa có dấu hiệu xuống, tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7 như một máng nước khổng lồ. Hàng trăm xe tắt máy do nước ngập cao, trong đó có cả xế hộp xịn.

Dự báo của Ban phòng chống lụt bão mực triều sẽ xuống trong những ngày tới, ngày mai triều xuống còn 1,50 m và 1,42 m vào ngày tiếp theo.

Thiên Chương - Kiên Cường
**************************
source
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15502/

Monday 2 November 2009

Giáp mặt 'Người Rơm'



Cảnh sinh hoạt của 'người rơm' ở Pháp

Cảnh sinh hoạt của những người Việt nhập cư lậu

Một buổi chiều cuối tháng 10 chúng tôi đến rừng Grande Synth, cách thị trấn Téteghem bắc nước Pháp khoảng 10 km.

Men theo con đường mòn bé tí quanh co chìm sâu trong rừng và ngập sũng bùn đen, ít phút chúng tôi gặp được nhóm khoảng 10 “người rơm” đầu tiên.

Cần nói rõ, Grande Synthe chỉ là một trong số những khu rừng có người Việt nhập cư lậu ẩn nấp quanh cảng Calais chờ cơ hội đi lậu sang nước Anh.

Một người đầu tiên tôi bắt chuyện là một phụ nữ trên 30 tuổi, nói giọng Quảng Ninh, người đã “nhảy bãi” đến lần thứ sáu vẫn chưa thành công.

Theo lời kể, chị đã sống ở Praha gần 4 năm, sau đấy do việc làm ăn ngày càng khó khăn, chị quyết định gửi đứa con gái 6 tuổi về Việt Nam cho ông bà và đi chui đến Anh vì nghe nói “ở đấy dễ kiếm tiền hơn”.

Khi hỏi đến giấy tờ tùy thân và ảnh của con gái thì chị trả lời thật gọn: “Em xé bỏ hết trước khi đi rồi”.

Câu trả lời này là “nhất quán” ở mọi người đi lậu: không giấy tờ, không hình ảnh, không bất cứ một bằng chứng nào về xuất xứ nhân thân của mình. Cũng vì thế mà họ được gọi bằng một cái tên rất ấn tượng: “người rơm”.

“Các anh thanh niên ở đây cả tháng mới may ra được tắm một lần. Còn em là phụ nữ nên mỗi tối đều phải nấu nước để rửa ráy, nhưng cũng không nhiều. Ai cũng bị bệnh ngoài da hết chị ạ,” chị nói.

Chị cho biết việc ăn uống chủ yếu là nhờ vào thực phẩm cứu trợ nhân đạo do dân bản xứ và một số nhóm hoạt động từ thiện mang đến.

'Sổ đỏ'

Được biết mặc dù chính phủ Pháp đã có lệnh giải tỏa trắng để kết thúc nạn di dân lậu tập trung ở các cánh rừng xung quanh cảng Calais chờ trốn sang Anh, nhưng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các địa phương vẫn được tiến hành, thậm chí có nơi còn khá quy mô.

Chia tay với nhóm người rơm này, chúng tôi tiếp tục len lỏi theo một đường mòn và gặp một nhóm nhỏ người rơm khác.

Người đàn ông gốc Thanh Hóa khoảng gần 60 tuổi đang ngồi hong chân bên một bếp lửa dã chiến. Chứng thấp khớp làm các khớp xương chân trái của ông sưng tấy vì thời tiết khắc nghiệt của rừng ôn đới vào đông. Tôi hỏi ông có thuốc men gì không, ông đưa cho tôi xem các loại thuốc giảm đau của hội từ thiện phát cho.

Họ tìm đến châu Âu với giấc mơ đổi đời

Khuôn mặt ông đầy vẻ căng thẳng, lo lắng vì thời gian ở rừng đã lâu, nhảy bãi nhiều lần mà vẫn không thành công.

Tôi đùa “nhảy bãi mãi thì cũng sẽ có lần thành công, lo gì”. Ông thể hiện ngay sự bực tức với người không hiểu chuyện và cho biết để có tiền đóng cho chuyến đi này ông đã phải thế chấp 5 cái “sổ đỏ” cho ngân hàng và hạn kỳ để chuộc lại sổ đã gần kề.

Ông đồng ý cho tôi chụp ảnh, nhưng khi tôi hỏi có muốn tôi giúp gửi những tấm ảnh này về nhà ở Việt Nam không thì ông bật khóc và giải thích rằng không muốn cho hai người con gái, 11 tuổi và 20 tuổi thấy cuộc sống thê thảm hiện tại của ông vì sợ “chúng nó không chịu đựng nổi”.

'Suýt chết đói'

Chúng tôi tiến sâu hơn nữa vào rừng với đường đi ngày càng lắt léo hơn.

Mười phút sau, một nhóm lán trại hiện ra giữa rừng sâu. Khoảng gần 30 người rơm mới đến trú chân tại đây vừa được 3 ngày.

Đa phần là người Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, một số ít là người Đắc Lắc, Quảng Ninh.

Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh.

Một thanh niên ở Đắc Lắc với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu cho tôi biết hành trình nhảy xe đi đường bộ từ Nga sang đến đây anh suýt chết đói dọc đường mấy lần.

Mấy người trong nhóm nói rằng có một nhóm người rơm nữa đóng lán trại không xa chỗ họ bao nhiêu, “nhưng họ xấu lắm, không chơi được”, anh thanh niên Đắc Lắc nói.

Được biết có rất nhiều nhóm người trong khu rừng Grande Synthe này hoạt động biệt lập nhau, theo lối “nước sông không phạm nước giếng”.

Đa số họ đi đường hàng không sang Nga, một số khác đi sang Trung Quốc để sau đấy sang Nga, và từ Nga họ bắt đầu thân phận “người rơm”, không giấy tờ tùy thân, sử dụng đường bộ bằng mọi cách tập kết đến các khu rừng xung quanh cảng Calais tìm cơ hội đi chui sang Anh quốc.

Tất cả họ, liều chết sang Anh với một niềm tin tuyệt đối là chỉ sau 2, 3 tháng làm việc ở Anh, họ có thể chuộc được các sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, hoặc trả hết nợ nần vay mượn và sau đấy là một cơ hội “đổi đời” to tát sẽ đến với gia đình họ, thậm chí là cả dòng họ của họ.

'Thuế thân'

Một phụ nữ người Nghệ An ở tuổi 50 khi được tôi cho biết thu nhập của một cư dân hợp pháp không trình độ làm nghề giữ trẻ hoặc trông nom người già trung bình khoảng 1 nghìn euro một tháng đã buộc miệng kêu lên “Sao ít thế?”

Chị cho biết là được hứa hẹn sang đến đấy sẽ có công việc, với thu nhập “5 nghìn euro mỗi tháng và còn được bao ăn ở!”

Thế nhưng khi được hỏi cụ thể họ sẽ làm những công việc gì, đa phần là những câu trả lời quanh co như đi giữ trẻ, làm nhà hàng…

Chỉ có một số ít hoặc “bạo miệng”, hoặc đang quá bi quan trước thực tế gần như không lối thoát thì nói thẳng là “đi trồng cỏ.”

Có lẽ tôi tạm kết thúc chuyện về những người rơm ở đây bằng một câu chuyện kể của một phụ nữ Nghệ An khác.

Bằng một giọng nói vô hồn, người phụ nữ này cho biết đã phải đóng “thuế thân” dọc đường cho nhiều gã, Việt có, gốc Ảrập có vì “nếu không như thế, mình sẽ không được đi tiếp”.

Phải chăng đấy là một trong những cái giá phải trả cho thân phận “người rơm” với giấc mộng đổi đời?

*************************

source

BBC Vietnamese

Sunday 1 November 2009

Xích lô chở học trò


Ngày 28.10.2009 Giờ 17:00


SGTT - Đã có một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi các em học trò ở thị trấn Mỹ Lộc, Nam Định khi phải ngang qua quốc lộ 21A và tuyến đường sắt Bắc – Nam. Hơn bốn năm nay phụ huynh phải tìm cách riêng để bảo đảm an toàn cho con em khi chúng đến trường. Cuối cùng, chính những người nông dân có con em đi học đã lập ra một hợp tác xã xích lô gồm năm chiếc chuyên chở học sinh đến trường.

Lưu lượng phương tiện giao thông qua lại trên quốc lộ 21A hàng ngày rất lớn, xích lô chở học trò giúp cha mẹ chúng yên tâm lao động

Mỗi xích lô chỉ được phép chở 10 em. Hàng ngày “tài xế” phải đón các cháu từ 6g15 tại nơi quy định trong thôn

Hơn bốn năm qua, chị Vũ Thị Mùi, thôn Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc vẫn miệt mài đạp xích lô chở các em đến trường rồi mới yên tâm về làm công việc đồng áng. Đối với chị số tiền công không quan trọng bằng việc an toàn cho các cháu

Trường tiểu học Mỹ Hưng có hơn 800 học sinh nhưng 30% số học sinh đều phải đi học ngang qua đường sắt và quốc lộ 21 A. Việc đi học không thể để các em tự do đi mà phải đưa đón hàng ngày. Cho dù công việc bận bịu đến đâu nhưng anh Phạm Hữu Lộng, thôn Vạn Đồn vẫn đưa đón các cháu rất đúng giờ

Đi học là niềm vui của các em, nhưng đã từng là nỗi lo của cha mẹ

Nguyễn Tuấn thực hiện

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail21.aspx?ColumnId=21&newsid=58659&fld=HTMG/2009/1027/58659