November 06, 2009
HỒ QUỐC ĐĂNG-Việt Tribune
California có một quyền lực chính trị dường như tuyệt đối của một tiểu bang rộng lớn nhất trong liên bang Hoa-Kỳ. Tuy vậy, trong những năm vừa qua, California phải thường xuyên đối đầu với những khủng hoảng kinh tế và chính trị, khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ dường như không thể đi tới một thỏa hiệp về một dự thảo ngân sách, trong lúc sự thâm hụt ngân quỉ vượt tầm kiểm soát ngày càng trở nên trầm trọng, hơn 26 tỉ mỹ kim trong năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp ở bang California vẫn tiếp tục tăng làm số lượng nhà cửa bị siết nợ hàng loạt. Trong cơn túng quẩn, chính quyền tiểu bang California đã sa thải thầy cô giáo, đóng cửa bớt trường học, khất nợ tiền lương bằng cách trả IOU cho công chức; và đang bàn cãi làm sao để thả bớt tù tội phạm, đóng cửa bớt nhà tù,… Nói chung làm mọi cách để California thoát khỏi cơn khủng hoảng ngân sách đang đè nặng.
Các thiếu nữ California rửa xe Hybrid miễn phí tại Holywơod để Quảng cáo cho năng lượng sạch. GABRIEL BOUYS/AFP/Getty Images
Dù sao thì tiểu bang California, một nơi mộng mơ đến dễ khó rời như trong bài hát Hotel California của ban nhạc Eagles “you can check out anytime, but you can never leave” cũng là một tiểu bang hùng mạnh nhất của Hoa-Kỳ. Nếu đúng riêng như một quốc gia độc lập, với chỉ số tổng sản lượng nội địa GDP 1.8 ngàn tỉ mỹ kim theo thống kê năm 2008, California có sức mạnh kinh tế đứng thứ 8, thuộc hàng G8 cùng những nước có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, theo thứ tự: Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Ý, California, Ba-Tây và Nga.
Bỏ qua những khủng hoảng mang tính cục bộ và tạm thời, California vẫn là cổ máy phát minh những ý tưởng tân tiến nhất về khoa học kỹ thuật. California vẫn là nơi đã phát minh cho con người chip vi tính điện tử, chiếc quần jean đầu tiên cho phu mỏ vàng và dần chiếm ngự thời trang thế giới, cách tiêu dùng năng lượng hiệu quả nhất, điện thoại cầm tay iPhone, Google, Yahoo, công nghệ internet biến đổi tri thức loài người, và Hollywood thống trị kỹ nghệ điện ảnh giải trí toàn cầu.
Dù theo tạp chí Forbes, California mất 400,000 công việc từ 2000 đến 2007, nhưng đây chỉ là những công việc trong ngành sản xuất sử dụng những nhân công ít lương. Trong khoảng thời gian đó, những công ty kỹ thuật cao đã xuất hiện ở California, nói riêng là vùng thung lũng điện tử, như Google, Facebook, Twitter, eBay, YouTube, … bên cạnh những công ty cũ như Hewlett Packard, Cisco,… cùng vô số công ty khác chế tạo những phương tiện kỹ thuật cải thiện và thay đổi diện mạo cuộc sống hiện đại con người.
Hội chợ các công ty software tại California. Justin Sullivan/Getty Images
”
Trong thời gian gần đây, California còn là nơi tập trung những công ty phát triển kỹ thuật sinh-hóa học, y khoa, và bây giờ là Kỹ Thuật Công Nghệ Sạch – Clean Tech.
California là một tiểu bang trong liên bang Hoa-Kỳ đi tiên phong trong mọi công cuộc mang tính cách mạng đột phá, không chỉ về phương diện khoa học, kỹ thuật mà còn về chính trị. Cư dân California đồng ý bán số lượng công trái phiếu khổng lồ để tài trợ những nghiên cứu tế bào phôi gốc (stem cell research) cấp tiến để chữa bệnh con người, xây dựng những đường rầy xe lửa cao tốc, sửa chữa và bảo trì hệ thống hạ tầng cơ sở trong khi chính quyền liên bang Washington đang trì trệ trong việc tài trợ những công việc này. California là tiểu bang đầu tiên thắt chặt kiểm soát khí tạo hiệu ứng nhà kính (greenhouse-gas) hầu ngăn chận sự hâm nóng địa cầu, bên cạnh ban hành những đạo luật tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong việc chế tạo xe và vật liệu xây dựng nhà cửa…
Theo ý kiến của nhiều khoa học gia, California hiện đang là một nơi năng động nhất trên quả địa cầu, nơi những nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu phương pháp biến rong biển thành xăng dầu, than thành khí đốt và biến chất thải con người thành điện năng. Tất cả nhằm cải thiện cuộc sống con người, qua đó cũng thúc đẩy sự trổi dậy mạnh mẽ nền kinh tế California.
Và Thung Lũng Điện Tử
Cuộc Cách Mạng Công Nghệ Năng Lượng Sạch trên Thế Giới, sự Hồi Phục Kinh Tế từ vực sâu California nói riêng và Thung Lũng Điện Tử nói chung.
Những nước công nghệ tiên tiến hiện đang ráo riết cạnh tranh để vượt lên thống trị “cuộc cách mạng công nghệ” kế tiếp. Chính phủ những nước công nghệ tiên tiến đang đổ những ngân khoản khổng lồ vào các nghiên cứu công nghệ sạch (clean tech). Trung Quốc cam kết bỏ ra 100 tỉ đô-la mỗi năm cho những nghiên cứu năng lượng sạch – clean energy. Hiện tại, Nhật bản đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật chế tạo pin tân tiến.
Bộ trưởng bộ Năng Lượng Hoa Kỳ Steven Chu, một Giáo Sư xuất thân từ đại học Berkeley và đoạt giải Nobel Vật lý năm 1997, đã nhắm vào những chất xám khoa học kỹ thuật của vùng Thung Lũng Điện Tử cho những công cuộc nghiên cứu mang tính bức phá toàn diện cho kỹ nghệ tạo năng lượng sạch. Tại buổi họp của bộ Năng Lượng ở đại bản doanh của Google vừa qua, ông Chu cho biết những khoản tài trợ từ chính quyền liên bang đã bắt đầu đầu tư vào những nghiên cứu kỹ thuật năng lượng sạch mang nhiều thử thách và khó khăn. Nhưng càng khó khăn và thử thách, sự thành công của những nghiên cứu này sẽ mang lại nhiều thành quả lớn lao cho con người và cuộc sống kinh tế.
Những kỹ thuật cách mạng như tìm ra loại vi khuẩn có thể chế tạo xăng dầu.
Năng lượng chiếm giữ vai trò quan trọng nhất cho hoạt động con người. Những bất ổn về kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới hiện nay có thể nói phát sinh từ việc chiếm giữ những nguồn năng lượng như mỏ dầu và năng lượng nguyên tử. Và dầu khí trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Và trong sự hâm nóng toàn cầu từ việc sử dụng năng lượng hydrogen từ dầu khí đe dọa đến an sinh và sống còn của loài người, việc phát triển năng lượng sạch càng trở nên cấp bách. Làm sao để sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả, chế pin sạc bằng gió, … Đó là chìa khóa cho bước phát triển kinh tế kế tiếp.
Tiểu bang California dẫn đầu trong sự tiếp nhận những tài khoản đầu tư cho công nghệ sạch. Tính từ 2006 đến 2008, California nhận hơn 60% tổng số tiền đầu tư vào sự phát triển công nghệ sạch
Chính phủ Mỹ đã trích $400 triệu mỹ kim từ ngân khoản kích cầu của liên bang để đổ vào những nghiên cứu năng lượng sạch. Số tiền tài trợ này được điều hành bởi Cơ Quan Nghiên Cứu Phát Triển Năng Lượng (Advanced Research Projects Agency-Energy), gọi tắt là Arpa-e. Arpa-e được đặt dưới sự lãnh đạo của Arun Majumdar, một Giáo Sư từ đại học Berkeley và Cơ Quan Thí Nghiệm Quốc Gia Lawrence Berkeley.
Một vài công ty ở vùng thung lũng điện tử nhận tài trợ từ Arpa-e:
- Envia Systems ở Hayward nhận $4 triệu đô-la để phát triển pin lithium-ion cho đồ điện tử, đặt biệt pin sạc điện cho xe hơi điện.
- NanOasis ở Richmond được $2 triệu đô-la để phát triển công đoạn khử mặn nước biển (desalination) ít tốn kém và ít năng lượng để tạo nước ngọt tưới đồng ruộng và nước dùng cho thành thị.
- Đại học Stanford nhận gần $5 triệu đô-la để phát triển máy đo năng lượng dùng ở công sở và nhà cho phép người dùng tiết kiệm năng lượng một cách dể dàng.
Theo dự đoán của kinh tế gia Jerry Nickelsburg từ đại học UCLA, California có thể bị tụt hậu so với toàn bộ nước Mỹ trong bước đầu phục hồi kinh tế, vì sự thắt chặt tiêu dùng của chính quyền tiểu bang. Nhưng chính từ mối liên hệ kinh tế mật thiết giữa California và châu Á, và sự tập trung đầu tư kỹ thuật điện tử, sinh học, y học và kỹ thuật công nghệ sạch (clean tech) ở California, đặc biệt là vùng thung lũng điện tử, sẽ thúc đẩy kinh tế tiểu bang phát triển mạnh vào khoảng giữa năm 2010. [HQĐ]
***********
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment