Friday 3 December 2010

Tản mạn cà phê sân vườn


Tản mạn cà phê sân vườn
Cập nhật lúc 11:33:51 PM - 26/11/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
1.jpg
Cà phê Cung Đình.


Ngày nay xuất hiện nhiều cà phê sân vườn. Cà phê sân vườn hoàn toàn ngược với cà phê máy lạnh. Đúng nghĩa sân vườn là phải có sân rộng, có vườn cây ăn trái, cây kiểng để có không gian xanh mát. Cà phê sân vườn, nếu không mưa, khách thích ngồi ngoài dưới bóng cây, cạnh chậu bonsai hay hòn non bộ, vừa thưởng thức cà phê vừa hòa mình với thiên nhiên, quả là một cơ hội thư giãn tuyệt vời. Cà phê thường kèm theo thuốc lá, ngồi ngoài sân sẽ không làm phiền những người không hút thuốc chung quanh.
Cà phê sân vườn là loại quán phổ biến những năm đầu thế kỷ 21. Có lẽ “sân vườn” phát xuất từ Huế: Vỹ Dạ Xưa, Nam Giao hoài cổ, Tịnh Gia Viên... là những nơi nổi tiếng về cà phê sân vườn. Do phong trào này, thiên hạ đua nhau đi tìm nhà “rường” để tạo ra một vườn cà phê mang nét cung đình. Đặc tính chung của cà phê vườn (từ Bắc vô Nam), là có cây cảnh làm phông cảnh, trang trí theo nét cổ, mang thiên nhiên đến với khách hàng. Nhiều nơi quán cà phê giữa phố ồn ào, song nhờ tài “hóa trang” và thiết kế, nên đã tạo được cho quán một không gian lãng mạn ấm cúng lôi cuốn khách. Như cà phê Phố Cổ 11 Hàng Gai Hà Nội, Vỹ Dạ Xưa (Huế), Viễn Xưa (Sài Gòn)...
Xu hướng con người cũng lạ, bôn ba vùng vẫy, cuối cùng lại trở về chốn xưa. “Đổi mới” trở về cũ. Nhiều văn nghệ sĩ thời nay cũng thêm nghề mở quán. Cà phê Hoa Vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư (cư xá Bắc Hải Sài Gòn), Phố Hoài của Huy Tưởng (Tân Định), là những quán nhỏ giản dị, nơi gặp gỡ của giới nghệ sĩ thân quen, không huyên náo xô bồ... Văn nghệ sĩ mở quán có lẽ do thời thế đưa đẩy (1), chứ vậy là hơi “trái đường”. Điều chắc chắn là người ngoại quốc không thể nào hiểu chuyện uống cà phê của người Việt. Uống cà phê “full time” chỉ có nơi thiên đàng Việt Nam. Đến mùa World Cup, lại có thêm “cà phê bóng tròn”, một số quán phải làm “overtime”, vì các trận túc cầu bắt đầu từ 1 giờ sáng (VN). Nhắc đến bóng tròn, chúng ta chưa quên vụ án cá độ của một quan chức, giải trí mà phải đi tù. Chuyện ăn thua cá cược theo các trận túc cầu quốc tế nước nào cũng có, thời nào cũng có, nhưng chắc không nơi nào qua mặt nổi Việt Nam. Tôi nhớ hồi thập niên 50, mỗi chiều thứ Bảy, các đội tuyển trong nước gặp nhau, không có truyền hình như bây giờ, khán giả theo dõi các trận đấu từ chiếc Radio Phillip qua giọng tường thuật của Huyền Vũ, thế mà hào hứng sôi nổi như đang ở trong vận động trường. Ngày nay, các nhà tường thuật chỉ được cái to họng, nếu lạc vào thời xa xưa, thế nào người ta cũng bảo thằng khùng lảm nhảm.

2.jpg
Cà phê Vườn ở Huế.

Báo chí Sài Gòn mới đây ca ngợi Cà phê Vườn Đá trong khu giải trí Đầm Sen. Cà phê Vườn Đá, dành cho khách vừa uống cà phê vừa ngắm non bộ, đá cảnh, một thú vui tao nhã đã bị lãng quên. Nhưng Cà phê Vườn Đá chỉ được cái bề thế qui mô, chứ giữa một tung tâm giải trí vui chơi náo nhiệt, thì làm sao trầm tư với hương vị cà phê!
Cà phê tuy là món giải khát phụ, lại không thể thiếu mỗi ngày. Đến như một anh xe xích lô miền Nam, sáng ra thế nào cũng có tờ báo, ly cà phê, xong “thủ tục” đầu ngày, mới chịu lên xe ra đường. Ấy vậy mà bất chợt hỏi về gốc gác cà phê, thì không mấy ai biết. Đôi ba người trả lời mơ hồ: “Thì do người Pháp mang qua trồng chứ gì”.
Nguồn gốc cà phê xuất phát từ một sự tích có vẻ như một huyền thoại bên xứ Assybania (2). Chuyện kể: Một anh chàng chăn dê tên là Kaldi, người Abyssinia, hàng ngày lùa dê lên núi chăn. Một hôm chợt thấy đàn dê xúm lại vặt ăn những trái màu đỏ ở một bụi cây. Anh ta bèn bứt một vài trái ăn thử và thấy người phấn chấn lên, như tăng cường sinh lực. Cho rằng mình đã gặp một phép lạ, anh vội lấy ít trái chạy đến một tu viện gần đó báo chuyện lạ anh vừa khám phá. Nhà tu lại cho đây là một thứ trái cấm của quỉ dữ, liền vứt những trái chín đỏ kia vào lò lửa hủy đi, nhưng không ngờ khi hạt bị cháy, tỏa ra một mùi thơm, vị tu sĩ mới tin đây là món quà của Thượng Đế ban cho, nên vội vàng lấy ra, gọi các tăng lữ khác đến xem. Sau đó các tu sĩ cho người đi lấy loại hạt này về rang giã pha nước làm thức uống: cà phê được biết từ đó. Cây cà phê mọc hoang trong vùng Abyssinia và Arabia. Thổ dân thường dùng như một loại thuốc kích thích. Trái cà phê chín giã nhuyễn, trộn với mỡ súc vật, làm thành từng viên tròn làm thực phẩm đi đường. Dần dà cà phê được làm thức uống, nhưng cách pha chế khác ngày nay. Thời đó người ta ngâm nước những trái cà phê rồi uống, đến thời Trung cổ, người Ả Rập mới biết tán nhỏ cho vào nước sôi.
Thức uống đó chẳng mấy chốc trở nên nổi tiếng, và người Ả Rập rất tự hào về phát minh này, họ giữ bí mật để độc quyền. Khách hành hương thưởng thức nước cà phê, đã lén lút đem hạt giống về trồng, nên chẳng bao lâu khắp khu vực Trung Đông đều có cà phê, và truyền đi mỗi lúc một xa hơn.
Đến thế kỷ thứ 13, cà phê trở thành thức uống truyền thống của người Ả Rập. Quán cà phê mở ra khắp nơi, từ thôn quê tới thành thị. Những quán đó trở thành những nơi sinh hoạt, với đủ loại giải trí từ âm nhạc đến cờ bạc và các triết gia, chính trị gia, thương gia thường lui tới, tụ tập bàn thảo sinh hoạt xã hội và công việc làm ăn. Mãi đến năm 1637, quán cà phê đầu tiên ở Âu Châu được khai trương tại Anh Quốc, do một nhà buôn tên Jacob (người Do Thái, gốc Thổ Nhĩ Kỳ) mở tại Oxford. Một quán cà phê khác ở London và rồi nhiều thành phố tiếp nối theo. Sở dĩ cà phê phát triển chậm, là do sự cản trở của giáo hội La Mã (nghi là ma thuật).
Cuối thế kỷ 17, hầu hết cà phê trên thế giới đều nhập cảng từ các nước Ả Rập, và chỉ được mang cà phê đã rang chín ra khỏi xứ, để không ai có thể gây giống trồng nơi khác. Người ngoại quốc cũng bị cấm bén mảng đến những đồn điền cà phê. Thế nhưng rồi người Hòa Lan cũng đã lấy được giống loại cây này đem về trồng thử trên đảo Java (thuộc địa của họ). Từ đó cây cà phê được truyền sang Âu Châu, mặc dù vẫn chỉ có thể trồng trong nhà kiếng. Cà phê do người Hòa Lan truyền đến Bắc Mỹ vào năm 1660 ở vùng New Amsterdam. Bốn năm sau, người Anh chiếm vùng này và đặt tên là New York. Bấy giờ cà phê thành một thức uống quen thuộc thay bia vào mỗi bữa ăn sáng của người Mỹ.
Ngày nay thế giới nơi nào cũng tôn sùng cà phê, việc sản xuất và kỹ thuật pha chế, chắc chắn họ bài bản hơn ta nhiều. Theo đài VOA nghe được vào ngày 22-8-2010, trong mục kinh doanh nói về cà phê: Có 2 loại cà phê: chè và vối. Cà phê chè nổi tiếng ở Brazil và các nước châu Âu. Loại cà phê này phát triển ở xứ lạnh, trong khi Việt Nam chỉ trồng được cà phê vối. Số cầu cà phê chè cao hơn số cầu cà phê vối, nên giá cao gấp đôi. Cà phê uống ngay (instant coffee) làm bằng cà phê vối, còn cà phê chè uống phin. Cà phê chè được tiếng thơm ngon và không đắng gắt như café vối. Có 2 thị trường quốc tế chính: New York và London, cả hai mua bán theo “kỳ hạn”, nghĩa là định giá trước giao hàng sau. Thị trường đầu tiên là thị trường liên châu lục đặt tại New York, các hợp đồng về cà phê chè tính trên bao 1/2kg. Thị trường London hợp đồng cà phê vối tính theo tấn. Tháng 7 – 2010, một tấn cà phê chè giá New York 3.700 Mỹ kim, trong khi tại London, cà phê vối chỉ 1.730 Mỹ kim một tấn. Như vậy tại sao Việt Nam không trồng cà phê chè để có giá gấp đôi? Vấn đề là do thổ nhưỡng khí hậu, Việt Nam nóng ẩm không trồng được cà phê chè. Cà phê chè chịu xứ lạnh, hai nữa thời gian thu hoạch cà phê vối nhanh bằng 1/2 thời gian cà phê chè. Theo giới sành điệu, cà phê ngon không là cà phê nguyên chất, cà phê ngon là do tẩm hương liệu và pha chế. Việt Nam còn có những tính toán phụ để lôi cuốn khách, như tiếp viên chạy bàn phải xinh đẹp trẻ trung, tên quán sao cho thơ mộng, gợi cảm: Café Mây Hồng, café Thiên Thai, café Nguyệt Cầm... và không gian, địa điểm cũng không kém phần quan trọng, chúng ta đã điểm qua trong phần cà phê vườn.

3.jpg

Cà phê Vườn Phan Rang.


Lướt sơ qua để biết vai trò và giá trị cà phê trên thế giới, có lẽ xin trở lại với cà phê đời thường làng quê ta. Ngay trong cái xã hội cỏn con của xứ VN, cà phê cũng thiên hình vạn trạng, trăm quán trăm “gu” khác nhau, có chỗ tẩm bơ, có nơi nêm nướcmắm nhỉ... Có lẽ nhiều người đã nghe chuyện anh chàng “Trung Nguyên” đi học rang cà phê. Anh xuất thân từ một sinh viên đi làm thuê cho nhà sản xuất cà phê. Về sau anh quyết tìm cách xâm nhập khai thác nghề này, anh đi học cách pha tẩm và rang cà phê. Anh nếm hết các quán café nổi tiếng từ Nam ra Bắc, nơi nào ngon, anh xin vào làm để học. Anh đã tìm ra một nhà chuyên rang tẩm café tại Qui Nhơn, có hương vị độc đáo, anh nài nỉ xin học nghề. Chủ nhà ra điều kiện sẽ cho anh công thức gồm 10 chữ, mỗi chữ 1 triệu đồng (tin Tuổi Trẻ). Anh chấp nhận và chẳng bao lâu anh nổi tiếng từ trong nước ra quốc tế. Có lần tôi đi qua nhà máy sản xuất café rất lớn của anh tại Buôn Ma Thuột, mới thực sự giật mình, đây là “đại gia đại kỹ nghệ” chứ chẳng phải kinh doanh tầm thường. Nhưng mới đây không lâu, cũng đã có bài phân chất café Trung Nguyên cho thấy, không phải đáng tin cậy hoàn toàn.
Thực lòng mà nói, tôi không nghĩ nhiều người ghiền cà phê đến như vậy. Nhịn ăn một bữa không sao, thiếu cà phê một bữa lại vật vờ không chịu nổi. Bao nhiêu quán mở ra cũng đều có khách. Mới đây lại nghe ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) có “Cà phê Gió Nước”, nổi tiếng khắp nơi, lại được giải thưởng này nọ. Lời đồn mơ mơ hồ hồ, tôi phải bỏ một buổi đi tìm.
(Kỳ tới: Café Gió Nước)

Trần Công nhung
07-2010

(1). Tôi cũng đã từng mở “cà phê sân vườn”: Bosanobo trang 102 - Buồn vui nghề chơi cây kiểng in 2003.
(2) Một nước ở châu Phi.
source
VienDongDaily

Nông dân thế hệ hai ở Trung Quốc


Nông dân thế hệ hai ở Trung Quốc

(Dân Việt) - Thế hệ hai đã đông tới gần 100 triệu người, nhưng phần lớn họ vẫn bị lạc lõng dù đang sống ở thành phố hay quay về nông thôn.

Bắt đầu từ tháng 3 - 2010, Trung Quốc đã tiến hành điều tra về thế hệ mới của nông dân vào thành phố làm thuê sinh sau những năm 80 của thế kỷ trước, gồm các độ tuổi từ 16 trở lên tại hơn 10 tỉnh, thành phố như Liêu Ninh, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sơn Đông, Tứ Xuyên…

Kết quả điều tra cho thấy, thế hệ hai đã đông tới gần 100 triệu người, nhưng phần lớn họ vẫn bị lạc lõng dù đang sống ở thành phố hay quay về nông thôn.

Một trong số những nguyên nhân là do lớp nông dân thế hệ hai đều chưa thể thực sự hoà nhập với cuộc sống ở mỗi nơi. Trong số thế hệ hai có tới 89% dù là con nông dân nhưng về căn bản không biết công việc nhà nông.

Còn số những người lúc đi lúc ở giữa thành phố và nông thôn thì đang đứng trước thách thức sinh tồn chưa từng có, bởi thế hệ này ngoài việc khả năng chịu đựng thấp hơn thế hệ trước lại không thông thạo nghề chuyên môn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mặc dù sinh ra tại thành phố, nhưng tại các đô thị phồn hoa họ vẫn chỉ là những "khách qua đường".

Ngoài ra, thế hệ thứ hai của nông dân vào thành phố làm thuê phần lớn đang ở độ tuổi kết hôn nên đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mới như nhà ở hoặc giáo dục con em. Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng cho thấy, 15% trong tổng số 130 triệu lao động nghèo nhập cư lên thành phố đã phải trở về quê từ cuối năm 2008 vì không tìm được việc làm.

Trong khi mỗi năm, Trung Quốc có khoảng 5 đến 7 triệu công nhân mới từ các khu vực nông thôn tới các thành phố lớn tìm việc. Phải chăng đây là những vấn đề mới xuất hiện đang làm cho các nhà quản lý đô thị Trung Quốc đau đầu.