Thursday, 5 November 2009

Tan hoang rốn lũ Đồng Xuân - Tuy An


Thứ Năm, 05/11/2009, 16:38 (GMT+7)


* Chính phủ hỗ trợ 225 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các tỉnh bị bão lũ
* Khánh Hoà: 13 người chết, 9 người bị thương

TTO TƯỜNG TRÌNH TỪ VÙNG LŨ: Hôm nay 5-11, nước đã rút hẳn tại 2 rốn lũ huyện Đồng Xuân và Tuy An của Phú Yên. Lũ dữ đã làm hàng chục người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà tốc mái, sập và hàng chục nghìn người dân khốn đốn theo cơn lũ.

Tuổi Trẻ Online có mặt tại 2 rốn lũ trên để ghi lại những hình ảnh tan hoang, đổ nát sau cơn lũ dữ tại 2 huyện này.

>> Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ
>> Tình người trong lũ

Anh Trương Trung Trực cố gắng đào bới dưới căn nhà bị cuốn trôi để tìm thi thể vợ mình - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được vào sáng và chiều nay là những ngôi nhà sập xệ, bùn lầy, những sân lúa được sấy vội trong cơn nắng yếu ớt bên lề đường, khuôn viên chợ, vẻ mặt thất thần của người dân... Tại huyện Tuy An cũng như Đồng Xuân, toàn bộ đồ đạc nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi, chỉ để lại bộ sườn trơ ra với cây bụi. Đặc biệt tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân được xem là xã bị thiệt hại nặng nề nhất khi tài sản của người dân nơi đây hầu như mất trắng, hơn chục người chết và mất tích.

Trong khi đó tại xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân vẫn còn không khí tang tóc bao phủ trên khắp nẻo đường. Và bãi cát đẹp ngày nào của thôn xóm giờ đây là nơi tổ chức đám tang tập thể cho 12 thi thể .

Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc chỉ còn là đống bê tông vụn nát - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Tan hoang tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Lúa cùng bùn được phơi trên các con đường vào huyện Đồng Xuân và Tuy An - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Bà Nguyễn Thị Thao, 71 tuổi, tại thôn Định Trung 2, xã An Định. Toàn bộ đồ đạc trong gia đình bị trôi hết, bây giờ chỉ trông chờ vài tạ lúa còn lại đang nẩy mầm - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Một ngôi nhà của người dân ở xóm Trường tan nát do lũ - Ảnh: Quang Phương
Em Trương Công Hưng khóc nức nở khi mọi người tìm thấy xác của bố mẹ em bị chôn vùi dưới lớp cát vào sáng 5-11 - Ảnh: Quang Phương

Chính phủ hỗ trợ 225 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các tỉnh bị bão lũ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và xuất, cấp không thu tiền 10.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 11.

Theo đó, tỉnh Bình Định được phân bổ 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo, Phú Yên 100 tỷ đồng và 4.000 tấn gạo, Khánh Hòa 20 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo, Ninh Thuận 5 tỷ đồng, Gia Lai 30 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo. Số tiền và gạo này được sử dụng để hỗ trợ và thực hiện cứu đói cho người dân, mua giống khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. (T.PHÙNG)

Cả xóm Trường không một căn nhà nào còn nguyên vẹn. Nhiều căn chỉ còn nền nhà. Những chiếc máy cày đại, máy cày trung, xe máy, máy vi tính và bao thứ tài sản khác của những người nông dân nơi đây không kịp chạy đã trôi theo dòng nước.

Đến trưa 4-11 đã có 10 người chết được tìm thấy ở đây, còn 8 người khác bị vùi lấp hoặc trôi đi nơi khác chưa tìm thấy được. Nước vừa rút, chúng tôi có mặt tại xóm Trường và chứng kiến một quang cảnh hết sức đau lòng. Đầu xóm, ngay trên nền đường bê tông là một chòi dài lợp tấm nhựa. Hôm qua, nơi đây đã có mười thi thể của những người dân xóm này được đặt ở đây và được an táng ở nghĩa trang của thôn. Một màu tang tóc ảm đạm.

Những người thân ở các nơi tìm về ngơ ngác tìm kiếm và chờ đợi. Những thanh niên khỏe mạnh đang cố sức đào bới, chặt cây, moi cát để mong tìm thêm được những thi thể còn lại. Chẳng thể hy vọng những người mất tích có khả năng trở về được, vì đã ba hôm rồi. Ai cũng chỉ mong tìm thấy được thi thể người thân để chôn cất tử tế. Hai chị em Trương Thị Lệ Huyền và Trương Trung Hưng cứ ngơ ngẩn ngồi nhìn đống đổ nát trên căn nhà yêu dấu của mình. Đêm lũ càn qua, Hưng cùng cha mẹ vật lộn với nước lạnh chảy xiết.

Nhà sập, em níu được vào cây dừa, lúc sau cây dừa ngã, em bị trôi và tấp vào một gốc mít, bám trụ đến trưa hôm sau mới có người đến cứu. Ba má em đã bị dòng nước cuốn đi mất, đến hôm nay thi thể vẫn chưa tìm được. Lệ Huyền đang học ở TP.HCM nghe tin dữ trở về thì nhà cửa, cha mẹ không còn. Huyền thất thần, cứ nhìn đứa em trai mà than vãn mai này không biết phải làm sao.

Trương Thị Lệ Huyền (áo hồng) đau xót cảnh mất nhà cửa, cha mẹ - ảnh: D.T.Xuân

Xóm Trường tan hoang sau cơn lũ tràn qua - Ảnh: D.T.Xuân
Nhiều căn nhà sập hoàn toàn hoặc chỉ còn trơ lại vách, tài sản bị trôi hết hoặc vùi lấp trong cát - Ảnh: D.T.Xuân
Những chiếc máy cày bị vùi lấp - Ảnh: D.T.Xuân

Và còn hàng chục trường hợp khác may mắn sống sót nhờ leo kịp lên mái nhà như vợ chồng thầy giáo Nguyễn Thịnh và cô giáo Nguyễn Thị Phương, nhờ bám được cành cây cao như chị Nguyễn Thị Cẩm Ly, hoặc hy hữu như cháu Nguyễn Thành Đô, 8 tuổi bị trôi 4km xuống mãi đến thôn Phước Huệ rồi tấp vào một hồ bơm nước, may mắn vẫn còn sống sót, đang điều trị tại Bệnh viện Đồng Xuân…

Lãnh đạo xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân chưa hết bàng hoàng trước những mất mát quá lớn của địa phương mình. Mọi người đang dốc sức tìm kiếm và động viên giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn này.

Ông Mạnh Văn Hoàng ở thôn Triêm Đức - thôn có số người chết và mất tích nhiều nhất huyện Đồng Xuân - kể lúc 22 giờ ngày 2-11, ông ra sau theo dõi mực nước, vào nhà nghe đài một lúc thì bên nhà hàng xóm kêu la inh ỏi, lúc đó nước đến bậc thềm. Quýnh quáng ông vác bao lúa vô trong xóm gửi, khi về đến nhà nước ngập ngang thắt lưng, ông vội hối thúc đưa vợ đi lánh lũ, lúc trở lại nhà khóa cửa thì nước lũ ngang cổ.

Còn bà Võ Thị Nga, ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 đến giờ chưa hết bàng hoàng nói: “Khi nước còn nằm dưới bậc thềm thì bà vội bê ti vi bỏ lên trần, nhìn xuống nước tràn vào nhà, hoảng quá bà vác nửa bao gạo lên vai, dắt con đi tránh lũ”. Khi lũ rút bà Nga quay về mọi vật dụng như nồi xoong, rổ rá để ngoài hiên sau trôi sạch không còn một thứ gì, bà cố đi xung quanh nhà tìm kiếm thì chỉ còn cái nồi “kẹt” trong gốc mít.

Ông Vũ Văn Điện với “núi” lúa ướt - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Trước sân nhà ông Vũ Văn Điện, ở xã Xuân Sơn Nam, là một “núi” lúa ướt, vợ ông vừa xốc lúa vừa khóc, thều thào nói: “Trong nhà không còn một thứ gì hết từ ti vi, bàn tủ, lúa gạo đến mùng mền, chăn chiếu”. Đứa con trai làm việc ở TP.HCM vừa về đến nhà, thấy cảnh tượng tan hoang, cả hai mẹ con ôm nhau khóc. Ông Điện lắc đầu ngao ngán: “Mới cất chái sau trên 10 triệu đồng, lũ “tháo dỡ” đi ra biển hết. Ông Vũ Văn Hạnh, sát vách nhà ông Điện, buồn rầu: “Một đêm một ngày rồi không có hột cơm trong bụng, hai đứa con gởi trong xóm Gò không biết đói no sao trong đó”. Gian hàng tạp hóa của ông Hạnh từ bánh kẹo, bột ngọt, mì tôm giá trị trên 30 triệu đồng giờ thành một đống “bầy nhầy” trước sân.

Người thân chờ đợi thông tin người nhà mất tích - Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Tại các khu vực công sở như trụ sở hợp tác xã Long Bình (thị trấn La Hai), trụ sở hợp tác xã Thạnh Đức (Xuân Quang 3), sau lũ rất đông người về trải chiếu nằm vì nhà cửa nhơ nhớp bùn đất. Cả xóm ngập lụt không biết đi đâu nên chọn giải pháp dọn lên các nhà công sở. Có người không thích về nhà vì thấy tài sản của mình làm dành dụm cả đời sắm sửa đã bị hư hại xót quá. “Để dành 5 phuy lúa tính cả nhà ăn đến khi thu hoạch lúa đông xuân giờ nảy mầm, bầy heo con mới gầy nái đẻ lứa đầu chết sạch. Tôi dọn ít đồ đạt lên đây hai bữa nay, giờ hết muốn về vì đến nhà thấy “của” tiêu tan như vậy", bà Bốn Tô ở xã Xuân Quang 3 nói.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 cho biết đời sống nhân dân sau lũ hết sức khó khăn, nhất là lúa gạo thiếu nghiêm trọng.

NGÔ PHƯỚC TUẤN - DƯƠNG THANH XUÂN - MẠNH HOÀI NAM

Khánh Hoà: 13 người chết, 9 người bị thương

Tính đến 19 giờ ngày 5-11, theo Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 người chết và 9 người bị thương. Trong hai ngày qua, tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể cấp huyện, xã đã tổ chức nhiều tổ công tác đến thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ. Sáng 5-11, đoàn công tác do ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà dẫn đầu đã đến thăm, chia buồn, động viên và hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ đối với bốn gia đình nạn nhân ở hai huyện Ninh Hòa và Cam Lâm. Dịp này, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (chi nhánh Khánh Hòa) đã hỗ trợ thêm 3 triệu đồng cho mỗi gia đình có nạn nhân tử vong do bão lũ.

Theo ông Hà Quang Huy - phó GĐ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (chi nhánh Khánh Hòa), ngân hàng này vừa quyết định hỗ trợ 230 triệu đồng, 10 nghìn cuốn vở, 1 nghìn chăn, mền, 2 tấn mì tôm cho tỉnh Khánh Hòa nhằm khắc phục hậu quả bão lũ.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Huỳnh Ngọc Bông, cho biết ước thiệt hại do cơn bão số 11 và cơn lũ tiếp theo gây ra trên toàn tỉnh Khánh Hòa là 195 tỉ đồng.

T.BÌNH - L.THUẬN- KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

*********************

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=346248&ChannelID=3

No comments:

Post a Comment