Ngôi nhà của ông Chan Hong Keung chỉ là một cái hộp 2x3 mét vuông.
“Hộp” của ông Chan là một trong 16 hộp khác trên tầng thứ 16 của một tòa nhà bê tông xập xệ tại khu vực Mongkok của Kowloon.
Chiếc thang gỗ nhỏ nối tới mặt tiền mắt cáo của khu hộp bên trên. Đây là những ngôi nhà chỉ bằng cỡ quan tài cho những người nghèo nhất Hong Kong.
Ông Chan phải dùng chung một bếp nhỏ và một toilet đơn bẩn thỉu với chín người khác. Tại các căn hộ khác, nhiều khi có tới 40 người phải dùng chung toilet.
Tuy nhiên, điều này cũng vẫn không giúp cho giá thuê nhà bớt tăng.
Ông Chan, người trước đây làm nghề dọn dẹp nay đã nghỉ hưu, nói: “Trước đây, tôi chỉ trả 800 dollar Hong Kong (103USD). Giờ đây, giá là 1000 dollar HK”.
Theo Sở Đánh giá và Phân loại của Hong Kong, tiền thuê nhà của người dân thuộc mọi tầng lớp tăng trung bình 10% trong chín tháng tính đến tháng Chín vừa qua.
Nhân viên thiện nguyện Sze Lai Shan và nhóm làm việc của bà phát đồ trải giường sạch cho các người dân. Tại các nhà hộp này không có lò sưởi và không có nước dùng, trong khi mùa đông năm nay lại đến sớm ở Hong Kong.
Bà Shan cho biết ông Chan, năm nay 81 tuổi, là một trong 100 ngàn người sống trong cảnh như vậy tại Hong Kong. “Con số này đã tăng khoảng 10% vào năm ngoái.
“Khoảng một nửa trong số họ là người già, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ và các gia đình chuyển vào những nhà hộp này”.
Bùng nổ bất động sản
Trên toàn cảng Hong Kong, các căn hộ chọc trời ở sát nhau đến mức nhiều khi thò tay ra bạn tưởng có thể chạm được vào hàng xóm.
Hòn đảo Hong Kong là một trong những nơi có mật độ dân cư đông nhất thế giới.
Bảy triệu người và một không gian hạn hẹp là hai yếu tố khiến cho bất động sản tại Hong Kong thuộc một trong những nơi đắt nhất thế giới.
Trên thực tế, giá nhà đất đã tăng khoảng 30% kể từ khi bị sụt giảm vào tháng Mười năm ngoái. Hiện, giá nhà đang ở mức bằng với đầu năm 2008.
Tháng trước, một căn hộ tại một khu chung cư trông rất khiêm tốn được bán với giá 57 triệu USD. Đây là mức giá cao kỷ lục, 9200 USD cho một tấc Anh vuông (bằng khoảng 0.3m2)
Được biết ông chủ mới là một nhà đầu tư từ Trung Hoa đại lục.
Alnwick Chan, giám đốc điều hành hãng địa ốc Knight Frank là một trong những người đổ lỗi tình trạng bùng nổ mới này là do “tiền nóng” từ Trung Quốc đổ sang.
Ông nói: “Người dân TQ đại lục đã tới mua tài sản ở đây kể từ khi thị trường bất động sản đổ vỡ vào năm ngoái… Điều này lại được giới chức TQ đại lục hậu thuẫn”.
Tuần trước, chính quyền Hong Kong đưa ra số liệu mới nhất về dòng vốn đổ vào vùng lãnh thổ này: có tới 500 tỉ dollar Hong Kong được đổ vào mua tài sản tại đây.
Đa phần số tiền này được cho là từ Trung Quốc. Và đa phần tiền được đầu tư vào địa ốc.
Phần còn lại được đổ vào thị trường chứng khoán Hong Kong, giúp tăng giá cổ phiếu hơn 80% trong 12 tháng qua.
Lo ngại lạm phát
Việc thị trường địa ốc Hong Kong bùng nổ trở lại đã gây nên lo ngại về lạm phát, không chỉ ở Hong Kong, mà còn các nơi ‘nóng’ khác ở châu Á như Singapore.
Mức giá tăng nhanh cũng khiến cho người dân có thu nhập thấp không có khả năng mua nhà cửa.
Khác với các nền kinh tế khác, tỉ lệ lãi suất tại Hong Kong không được sử dụng để xử lý lạm phát. Thay vào đó, người ta dùng lãi suất để duy trì mức ổn định giá trị tiền tệ của Hong Kong so với dollar Mỹ.
Do đó, đồng dollar Mỹ yếu đi khiến cho chi phí vay tiền thấp một cách giả tạo, và người ta không thể đi theo con đường của ngân hàng dự trữ Úc và tăng lãi suất.
Thay vào đó, chính quyền Hong Kong cố gắng giảm mức giá nhà cửa.
Tháng trước, họ tăng mức đặt cọc tối thiểu đối với các địa ốc sang trọng và siết chặt quy định cho vay nhằm khuyến khích các ngân hàng nên cho vay một cách cẩn trọng.
Trung Quốc đại lục cũng đang tìm cách giúp. Tuy nhiên, họ gặp rủi ro là tạo ra bong bóng địa ốc ngay trong chính các thành phố lớn của TQ.
Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân TQ kêu gọi các ngân hàng nhỏ giảm mức cho vay và qua đó hạn chế dòng tiền rẻ đổ vào Hong Kong, đại lục và phần còn lại ở châu Á.
****************
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment