Thursday 3 December 2009

Tản mạn đường xa (kỳ 5)



Cập nhật lúc 12:08:05 PM - 20/07/2009

221-h1.jpg


Khu phố văn hóa

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Tôi thường gặp những độc giả “vô hình”, tự nhiên ở đâu nhảy vào “chào bác”, “chào chú” rồi lân la hỏi chuyện, nào mộ Nam Cao, nào chùa Bà Đanh, nào thành Nhà Hồ, v.v..

Do chỗ người ta lịch sự và khen ngợi mình nên cũng vui vẻ, nhưng rồi mất thì giờ quá, không muốn vòng vo, đi vào cụ thể đời sống cho nhanh, tôi khuyên: “Dạo này bên mình thực phẩm độc hại nhiều lắm, cháu bảo nhà cẩn thận, nên mua đồ ăn trong các siêu thị của người nước ngoài như Metro, Coop Mart… đắt một chút mà an toàn”. Tôi đã một hai lần vào siêu thị Metro, siêu thị do người Đức đầu tư ở Sài Gòn, rất đáng tin cậy. Lối trình bày na ná như Costco, khách hàng phải có thẻ member, sản phẩm đa số nhập từ các nước trong vùng. Cá thịt từ Malaysia, Indonesia, đồ hộp Thái Lan… Thực phẩm của Mỹ cũng nhan nhản: Sữa, bánh kẹo, khoai tây… Nhìn chung siêu thị có dáng vẻ một Super Market ở Hoa Kỳ, đặc biệt cũng có những khẩu hiệu nhắc nhở nhân viên dán khắp nơi: “Free smile…”

Điều ai cũng thấy là người Việt mô phỏng mọi sản phẩm của thế giới rất nhanh, hễ có dịp ra nước ngoài thấy gì là về làm theo ngay, phi lý cũng cứ làm, làm để tỏ ra văn minh tiến bộ. Kết quả, chỉ để trưng bày chứ không hữu dụng. Con đường cụt ngủn cũng hai chiều, bà con buôn bán không được, kêu ầm lên mới trả lại như cũ. Nhìn hình thức tổ chức tưởng dân chúng có đời sống cao, hiểu biết rộng, thực chất đôi khi chẳng khác gì anh nhà quê ra tỉnh. Tôi đã bị một bà đẩy xe (shopping cart) trong siêu thị, húc vào chân mấy lần. Mình quay lui nhìn, bà vẫn tỉnh bơ như “chuyện bình thường”. Hỏi cô tính tiền một câu, mặt cô cứ gằm gằm như không nghe.

Không hiểu do đâu mà những người hơi có của, lúc nào cũng hiu hiu tự đắc. Chưa bao giờ tôi thấy người Việt chạy theo hình thức như thời nay. Dù không là doanh gia, không là nhà hoạt động xã hội trăm công nghìn việc, cũng điện thoại này nọ, có người sắm hai máy một lúc, lại còn đổi “mốt” hàng năm. Xe cộ thì khỏi nói, kiểu dáng thay xoành xoạch, cơm mắm muối mè, nhưng cố mua chiếc xe coi được kẻo bè bạn chê cười. Có hôm tôi chạy chiếc xe máy cáo cạnh (“xe nội” giá 6 triệu), đến thăm một người quen, vừa nhác thấy tôi bà chủ nhà đã kêu: “Bác mà chạy xe loại ấy”. Tôi không ngạc nhiên nhưng phục bà sát đất. Chiếc xe mới toanh thế mà thoạt nhìn bà đã biết không phải xe “xịn”. Bà còn bảo: “Bác phải chạy chiếc SH cơ, mới đúng điệu”. Người mình chỉ thích “hàng hiệu” xài “đúng điệu” mà thực ra chẳng để làm gì, ngoài chuyện ngày đêm lo mất của, ngủ không yên. Con người lắm khi thích sống trong mâu thuẫn vớ vẩn không đâu. Có những chuyện cần mơ mộng, lại dè bỉu: “dở hơi”.


221-h2.jpg


Bên cầu Long Biên (Hà Nội)

Cũng có người thực thà thổ lộ: “Tiền bạc đâu mà ăn siêu thị hả bác, mỗi bữa có tí cá tí mắm mua chợ đầu ngõ là quí rồi”. “Chú à, cháu nghĩ ai cũng một lần chết, thôi người ta sao mình vậy, có biết cũng chẳng làm gì hơn”. Tôi ân hận đã nhỡ khuyên không dúng lúc. Ai lại khuyên nhà nghèo chạy gạo từng bữa, “nên ăn nhiều thịt cá, rau quả để bảo đảm sức khỏe”, khuyên thế bằng chửi bố người ta (1). Từ đó tôi cũng đứng vào hàng như mọi người để đúng câu “Nhập gia tùy tục”, và tôi hiểu tại sao hầu hết người dân thờ ơ với mọi chuyện chung quanh mình. Những gì gọi là “bức xúc” thì được tuôn ra nơi quán hàng giải khát vỉa hè, nhưng cũng chỉ ở tầng lớp lớn tuổi, lớp trẻ chẳng màng đến, vì còn bao nhiêu thứ phải lo: Lo kiếm tiền, lo ăn chơi, lo tìm những thú vui gần gũi, hơi đâu lo chuyện xa xôi.

Xem ra xã hội rất ổn định, một thứ ổn định âm ỉ, trong đó tâm lý con người bị dồn nén. Tin báo hàng ngày cho thấy, chỉ nhìn nhau thôi cũng đưa đến án mạng: “nhìn đểu”. Tôi có cảm tưởng ở Việt Nam ngày nay, mọi người sống trong thế “đối lập” nhau, một thứ đối lập không rõ rệt, có dịp là bung ra, ngay trong những hoàn cảnh rất “văn hóa”, như lễ hội Hoa Anh Đào do người Nhật tổ chức, quần chúng đã thể hiện tính “đề kháng” của mình: “Bẻ vài nhánh về chơi tội gì”. Tôi cho đây là cách trả thù, một dạng chống đối, chứ cũng biết làm như vậy là sai. Cũng với tâm lý ấy người dân thường làm chuyện kém “văn hóa” như chen lấn mua vé tàu, ăn uống bừa bãi, xả rác, đái đường, v.v., là để bày tỏ sự “cóc cần” văn minh, “cóc cần” luật pháp, “cóc cần” lịch sự, bởi nhìn lên giới “thượng lưu” không những thế mà còn lắm chuyện tày đình.

Đây là sự cháy ngầm âm ỉ, không ngạc nhiên khi mở những tờ báo: An ninh thế giới, An ninh thủ đô, Công an thành phố… thấy toàn tin về án mạng, tệ nạn xã hội khắp nơi. Nhiều cái chết rất vô cớ, nhiều chuyện xử án lạ đời… Người có lòng không khỏi lo ngại cho phong hóa mai sau.

Có một giáo sư (2) nhân bàn về chuyện “kém văn hóa” trong lễ hội Hoa Anh Đào, cho rằng đấy là do “văn hóa làng xã” du nhập vào. Thời nay thôn quê khó sống, người nông dân đổ về thành phố kiếm ăn, mang theo cả thói lề làng xã, như tiểu đường, vứt rác… Tôi cho lý lẽ của ông giáo sư không vững, chỉ là lối ngụy biện. Chuyện rác rến là chuyện nhỏ, chuyện đâm chép hãm hiếp, chuyện lường gạt bạc tỉ, tham nhũng tỉ tỉ làm gì có nơi đồng ruộng làng quê. Tất cả đều từ giáo dục và cơ chế tổ chức xã hội “văn minh” mà ra. Kẻ phạm tội thường có “trình độ văn hóa” đại học…

221-h3.jpg


Hè phố như hè nhà

Về các miền quê, Nam hay Bắc, tôi đều thấy những nơi xa “ánh sáng văn minh” vẫn trong lành hơn, yên bình hơn, tình nghĩa chân chất hơn, nếu phải có những phản ứng quyết liệt mất còn, là ở những vấn đề lớn. Trong đời thường mọi người đối xử với nhau vẫn “chan hòa tình làng nghĩa xóm”, không cần ai ban phát hay lệnh lạc gì. Đấy là truyền thống văn hóa của người Việt từ mấy nghìn năm. Nhưng trong đà suy thoái của nền giáo dục hôm nay, e một ngày không xa, tất cả sẽ biến chất mất dần, đời sau chỉ còn cái xác không hồn… Ai cũng biết, bộ mặt của một xã hội gắn liền với nền giáo dục. Một nền giáo dục nhân bản nghiêm chỉnh đàng hoàng, sẽ tạo người tài giỏi cho tương lai đất nước. Nền giáo dục què quặt chắp vá ngoại lai sẽ tạo nhiều bất ổn cho xã hội. Qua thiên niên kỷ mới rồi mà nền Giáo dục (...) vẫn chưa tìm ra hướng đi, giáo trình sửa đổi mỗi năm, sư phạm thì đẻ ra lớp cán bộ èo ọp.

Đi vào tìm hiểu, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên từ tổ chức giáo dục, “cán bộ giáo dục” trường ốc đến học sinh. Có lần tôi mở thử một cuốn sách của em học sinh lớp 3:

Những bài làm văn mẫu tiểu học 3

Tác giả Lê Lương Tâm- Trần Lê Thùy Linh - Trần Lê Thảo Linh.

Nhà XB Đà Nẵng. Tài liệu thảm khảo dành cho giáo viên và phụ huynh.

Trong phần lời nói đầu có đoạn: “Cuốn sách hội tụ những bài văn hay mẫu mực về các thể loại trong chương trình lớp 3 đổi mới. Các em học sinh không chỉ tìm thấy trong cuốn sách này cách thức, đường hướng giải quyết một cách cơ bản các bài làm văn mà còn mở rộng, phát triển năng lực giao tiếp của mình trong đời sống xã hội”.

Trang 25 có đề bài:

1. Kể lại buổi đầu đi học

2. Viết lại những điều em vưà kể thành một đoạn văn ngắn.

Bài tham khảo (văn mẫu): “Mỗi người đều có kỷ niệm riêng của mình về ngày đi học đầu tiên, có phải không các bạn? Tôi kể lại cái ngày đầu tiên vào lớp một ấy cho các bạn cùng nghe nhé!

... Tôi không biết lí do vì sao bố mẹ tôi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả. Tôi chỉ còn nhớ mờ mờ ngày mẹ tôi rời xa bố con tôi lúc tôi đang học lớp chồi (3) rồi từ đó đến bây giờ, tôi không lần gặp mẹ tôi nữa. Nghe bố tôi nói: “Mẹ lấy chồng tận bên kia đại dương”, sau đó, không hề thấy bố nhắc lại nữa...

Bố tôi cảm ơn cô giáo và cúi xuống dặn dò tôi: “Trưa, tan học con đứng chờ ở cổng, bố sẽ đến rước. Đừng chạy đi đâu, nghe con”. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn và hụt hẫng...”

Thú thật tôi không rõ “trình độ văn hóa” mấy ông bà tác giả cuốn sách cỡ nào, có học về sư phạm không, có hiểu sự phát triển tâm-sinh-lý của trẻ không… Qua lời lẽ trong sách mẫu, rõ ràng các ông bà cố tình biến con nhái thành con bò, làm thui chột tâm hồn ngây thơ của trẻ con, lớn lên sẽ trở thành người giả dối, trống rỗng. Mới mấy tuổi đầu mà đã có giọng cụ non, cái tuổi còn giành ăn khóc nhè thì biết gì “bên kia bờ đại dương… buồn và hụt hẫng”! Lại có ý đồ gieo “căm thù” cho trẻ. Thiếu gì chuyện lại đem chuyện đổ vỡ gia đình ra làm thí dụ? Tất nhiên sau giây phút “buồn và hụt hẫng” là lòng oán hận vì “Mỹ Ngụy tạo ra khó khăn… chia cắt tình mẫu tử, v.v. và v.v.. Nếu chịu khó rà soát theo kiểu nhà văn Trần Mạnh Hảo thì còn khối chuyện để bàn về giáo dục Việt Nam.

Tuy đã nghe nhiều lần mà tôi vẫn chưa quen được với lối xưng hô thầy trò kiểu nhà trường (...). Nó lạ lẫm, và có điều gì đó không chân thật. Với các em bé lên 3 mà cô giáo lại thưa gửi như ngang hàng: “Cô mời bạn Lan trả lời đi nào”. Cũng như cách xưng hô thầy trò trước sân khấu: “Bạn có nhận xét gì về bài thi vừa qua” – “Theo mình thì …”. Nghe thân mật nhưng sao giả dối thế, y như diễn tuồng. Có lẽ thế hệ chúng tôi còn quá nặng về ý niệm “quân sư phụ” chăng. Thầy trên cha thì làm sao gọi trò là bạn, trò xưng mình với thầy! Không trách một giáo viên bí thư đoàn đã bậy bạ với các em tuổi lớp ba (tin báo TT).

Dọc đường cái quan, ghé nơi một tí để nghe để thấy đó đây một vài sự việc, để gặp gỡ dăm ba bạn bè mới cũ, những giây phút như thế tôi thấy thú vị vô cùng. Chuyện bên lề thường là chuyện thật, chuyện hiếm có, chuyện nhớ đời… và cũng chỉ xin ghi lại chút chút thôi. Tản mạn là chấm phá chứ không đào sâu. Hai nữa cũng cảnh giác “Tai vách mạch rừng”. Trong một kỳ tới sẽ có chuyện một chàng thi sĩ “nửa đời hương phấn” mang mối hận tình. Một câu chuyện của người mà không phải người.

Trần Công Nhung

6 - 2008

(1) Có câu chuyện đùa mà thật do một BS Mỹ kể (BS. Ed Oshiro, Phụ Tá Giám Đốc Chương Trình Giáo Dục Y Tế của Group Health Cooperatives). Ông ta kể nhiều chuyện không thể tin, sau ba tháng làm việc, cuối cùng vì không có tiền “nộp” để làm việc thiện nguyện nên phải chạy tháo thân. Độc giả có thể vào link sau đây để đọc: http://thoisukynguyen2000.blogspot.com/2009/04/gia-biet-viet-nam-ed-oshiro-group.html

(2)Trần Thanh Tâm báo TT

(3) Mầm non

*******************************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment