Friday 18 December 2009

Lương một tỷ đồng ở Anh liệu có ăn thua gì?



550-360-tv002210049.jpg

Hôm vừa rồi đi công tác về lại London tôi nhận được thư báo từ năm nay mỗi năm sẽ được thêm 2,5 ngày phép.

Thế là tôi làm việc ở BBC và tại nước Anh đã sang năm thứ 10.

Hôm trước thấy báo chí Việt Nam ầm ỹ lên chuyện lương công chức ở Việt Nam lên tới cả tỷ đồng Việt Nam một năm.

Nghĩ lại thấy lương 'công chức' của tôi bây giờ tính ra tiền Việt cũng xấp xỉ như thế, vậy mà chẳng thấy thấm tháp gì ở nước Anh.

Tháng nào tôi nhìn vào các khoản tiền bị nhà nước thẳng tay trừ đi và tháng nào cũng không hết xót xa.

Quy hết ra tiền Việt, các khoản đó bao gồm:

Tiền thuế thu nhập hơn 13.000.000 đồng, bảo hiểm xã hội chừng 6.000.000, thuế hội đồng địa phương hơn 4.000.000.

Ngoài ra ba khoản chi lớn khác một tháng là tiền nhà hơn 20.000.000, tiền đi lại bằng tàu nổi khoảng 6.000.000 và tiền đóng vào quỹ hưu chừng 6.000.000 nữa.

Chỉ riêng một số khoản như vậy một tháng đã hết 55.000.000, một khoản tiền không nhỏ.

Và với lượng đóng góp vào ngân sách của người dân từ thuế, mỗi năm chính phủ Anh thu về hơn 400 tỷ bảng Anh, tức khoảng 12.000.000 tỷ tiền Việt.

Y tế

Đổi lại chính phủ Anh cung cấp cho người dân các dịch vụ gì?

Xin điểm hai dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn xã hội.

Trước hết về y tế, việc khám chữa bệnh ở Anh là hoàn toàn miễn phí cho công dân Anh và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu.

Chi phí duy nhất về y tế mà người Anh phải trả là tiền mua thuốc.

Nhưng trẻ con, người có thai, người già và một số đối tượng khó khăn khác được miễn luôn cả khoản này.

Một số người phàn nàn rằng hệ thống y tế của Anh buộc người ta phải xếp hàng lâu và dịch vụ tại một số nơi còn kém chất lượng.

Và mặc dù có bạn bè tôi mua thêm bảo hiểm y tế tư để phòng trường hợp bị xếp hàng nhưng cho tới nay tôi vẫn có thể cho điểm hệ thống y tế 8/10.

An toàn

Về trật tự xã hội, nước Anh đang đối mặt với nhiều vấn đề do khủng hoảng kinh tế, do thay đổi lối sống trong xã hội và do thiếu sự lãnh đạo quả quyết của các chính trị gia. Nhưng vùng Kent nơi tôi sống, cảnh sát đang có nhiều cố gắng để giảm tỷ lệ tội phạm trong đó có các sáng kiến như lập đội công tác tại những điểm nóng và ở đó cho tới khi hạ nhiệt.

Tháng nào họ cũng gửi cho người dân báo cáo xem họ đã làm gì và mời người dân tới tham gia cuộc họp của cảnh sát hoặc tham gia làm công tác tình nguyện.

Cảnh sát cũng tới các trường học để giải thích với học sinh về công việc của họ và những gì các em cần làm để đảm bảo an toàn cá nhân.

Cũng tại Kent, một số chính quyền địa phương đã do Đảng Bảo thủ đối lập lãnh đạo cho dù Đảng Lao động vẫn dẫn đầu chính quyền trung ương.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi là cảnh sát Anh hoạt động chuyên nghiệp và lịch sự.

Có lần họ dừng xe tôi lại vì máy dò tự động của họ báo biển số xe của tôi không có trong danh sách các xe đã đóng thuế đường.

Tôi hơi lo vì không mang bằng lái xe, nhưng họ chào hỏi rất lịch sự, xin lỗi đã dừng xe tôi lại và vừa thấy tem đóng thuế đường dán trên xe đã lại vội xin lỗi, vẫy cho đi mà không hỏi thêm bất cứ giấy tờ gì.

Và có những loại công an mà nước Anh không có, chẳng hạn công an hộ khẩu.

Nói hộ khẩu có lẽ hầu hết người Anh chẳng hiểu là gì. Đơn giản là nước Anh không có thứ như thế.

Nếu cần chứng minh một người ở đâu, người ta chỉ cần xem hóa đơn đóng thuế địa phương, hóa đơn thanh toán tiền điện, nước hoặc bản chứng từ tài khoản mà ngân hàng gửi về nhà.

Nước Anh cũng có rất nhiều dịch vụ được cung cấp qua mạng internet, điện thoại hay bưu điện.

Mỗi tháng các loại tiền điện, nước, thuế địa phương cứ 'tự' chạy đi khỏi tài khoản của tôi, tiết kiệm thời gian phải đi trả tiền.

Và nếu có phải trả bây giờ người ta đều có thể trả qua mạng internet.

Dịch vụ bưu điện tại Anh cũng khá đảm bảo. Có lần tôi xin visa đi Nga, tôi gửi hộ chiếu đi bằng bưu điện, họ gửi về cũng bằng bưu điện và thời gian gửi mỗi lần đi và về chỉ mất chưa tới một ngày.

Cấp tiến

Vậy cuộc sống ở nước Anh có thể gọi là hài lòng được không?

Câu hỏi này đưa ra vào mùa đông có vẻ không ổn. Mùa đông là mùa tệ nhất người ta có thể tới Anh.

Nhưng cũng may còn có Giáng Sinh làm cho thành phố lạnh lẽo và ảm đạm này tưng bừng hơn chút ít.

Những dự báo mới nhất cũng cho thấy vào khoảng năm 2015 nước Anh sẽ không còn nằm trong danh sách 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Số người Anh bỏ nước ra đi, theo một số báo, cũng đang ở con số kỷ lục.

Nước Anh chẳng phải là thiên đường. Nhưng ngay cả khi họ ra khỏi top 10 thì cũng còn hàng trăm nước khác ở bên dưới.

Hôm vừa rồi tôi có dự buổi giới thiệu trụ sở mới của các đài phát thanh và truyền hình BBC trong đó có Ban Việt ngữ của BBC phát ra bên ngoài.

BBC-W1-BUILDING.png

Người ta hứa hẹn đó sẽ là trụ sở phát thanh 24h hiện đại và lớn nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 2012, đúng năm London đăng cai Olympics.

Những phát biểu tại buổi giới thiệu làm tôi thấy tự hào đang ở nước Anh.

Bà giám đốc phụ trách toàn bộ mảng thu thập tin tức của BBC kể cho mọi người nghe câu chuyện về một anh chàng hàng chục năm lái xe qua trụ sở đài truyền hình mà không bao giờ dám mơ có ngày được vào trong.

Cho đến một ngày anh đoạt một giải thưởng của BBC.

Bà giám đốc nói nghe anh nói về giấc mơ bước vào trụ sở mà bà cảm thấy 'sững sờ'.

Bà bảo: "BBC chúng ta tồn tại nhờ tiền thuế của dân, đây thực ra là văn phòng của anh ta, vậy mà anh không dám nghĩ tới chuyện được vào trong."

Chính vì thế trụ sở mới của BBC ở Oxford Circus sẽ có khu dành cho cả người dân và nhân viên BBC.

Những cách nghĩ của những người Anh tiến bộ làm tôi thấy gần gũi với nước Anh.

Và mặc dù đồng lương ở BBC không phải là cao nhưng trên thực tế nhiều người vào BBC không phải vì đồng lương mà còn vì tinh thần phục vụ công chúng, những người mỗi năm đóng cho BBC ba tỷ bảng Anh (gần 5 tỷ đô la Mỹ), bằng với khoản tiền để duy trì Hoàng gia.

Nhưng trong những người đó không có tôi.

Mỗi một hộ gia đình xem TV ở Anh phải đóng chừng 150 đô mỗi năm.

Nhưng đã hơn ba năm nay tôi không có TV.

Ít nhất đó cũng là một khoản tiền tiết kiệm nhỏ.

******************************************

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment