Sunday 28 February 2010

Nghề lái rơm



Cập nhật lúc 5:21:49 AM - 26/02/2010

chorom1.jpg


Một góc chợ rơm ở Tân Hiệp, Lai Vung, Đồng Tháp – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Thảo Nguyên/Viễn Đông


Họ không phải là nông dân, những biết rất rõ từng mùa vụ thu hoạch lúa ở khắp vùng Miền Tây. Sau Tết, nhiều đồng ruộng ở Cần Thơ, Trà Vinh đang chín vàng chuẩn bị thu hoạch, những người buôn rơm đã đến hỏi mua rơm. Thông thường rơm được mua mão bình quân một công lúa khoảng 1 đến 2 trăm ngàn đồng tùy theo mùa. Mua tại ruộng nhiều nhà nông thích bán rơm vì kiếm thêm ít tiền mua phân thuốc cho vụ mùa sau, chính nhờ đó mà ngày càng có nhiều người làm nghề lái rơm ở Miền Tây.


chorom2.jpg


Thu mua rơm, những người làm thuê thay phiên ngủ võng – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Một số nông dân khá giả thì không thích bán rơm, mà thường thuê người đi giũ rơm (phủ rơm) trở lại trên mặt đất ruộng, rồi đốt, vừa để tiêu diệt sâu bọ, gốc rạ, bông cỏ, vừa có thể tạo màu mỡ cho đất ruộng. Mỗi lái rơm có một quyển sổ ghi rõ tên người bán rơm, quê quán, ngày giờ thu hoạch rơm, số công đất và đặt cọc trước một ít tiền làm tin… Vào những ngày sau Tết nhiều lái rơm chạy xe gắn máy đi vào các đường quê, hễ thấy cánh đồng lúc nào đang chín vàng thì tìm hỏi thăm để đặt mua rơm. Đến đúng ngày giờ lúc được thu hoạch họ thuê ghe lớn đến địa điểm để chở rơm.


chorom3.jpg


Ghe rơm đầy tràn – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Anh HVL một lái rơm ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, cho biết: “Thuê ghe, thuê nhân công đi mua rơm mỗi chuyến như vậy cũng mất hết vài triệu đồng chi phí, trừ các khoảng khác như đi tiền trạm, tiền ăn uống cho nhân công… cũng còn lời khoảng 1, 2 triệu đồng. Đi như vậy mất ít nhất một tuần lễ, ngoài ra phải thuê thêm 4, 5 nhân công đi khiêng, vác rơm xuống ghe.


chorom4.jpg


Chất rơm và đi đòn dầy – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Đa phần những thanh niên nầy có sức khỏe và kinh nghiệm chất rơm, rơm được chất thật chặt mà không bị chùi xuống sông, hoặc không bị lệch một bên dễ làm ghe bị lật khi di chuyển. Cũng không được chất quá cao che khuất tầm mắt người lái ghe, những mùa mưa còn phải biết chất rơm cách nào mà khi mưa xuống nước mưa không thấm vào ghe rơm, phải chất làm sao cho nước chảy ra ngoài ghe...”.


chorom5.jpg


Mua rơm về nhà – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Nghề lái buôn rơm thường rộ lên từ sau Tết, khi vụ lúc đông xuân được thu hoạch, đây cũng là lúc lượng rơm mua được lớn. Nhiều chủ lái buôn còn xây cả nhà khi để vựa rơm khô, chờ đến mùa mưa hoặc mùa nước nổi bán. Khi đó giá rơm tăng gấp 2, 3 lần mùa nầy. Hơn 15 năm qua một chợ rơm được hình thành tại xã Tân Hiệp, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây lúc nào cũng có hàng chục ghe lớn chất đầy rơm đậu cặp bờ sông chờ người mua. Rơm được thu mua phần lớn ở các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… mang về chợ rơm Tân Hiệp, rồi từ đây rơm được bán cho nhà vườn. Họ mua về phủ gốc cây ăn trái, hoặc liếp dưa, một số bán cho các lò hầm gạch, một số bán cho các gia đình nuôi bò. Đặc biệt, rơm ở đây bán rất nhiều cho người trồng nấm rơm. Nhưng bán bằng cách nào? Tất cả đều do một người chủ định giá bằng cách tính mão. Thí dụ như đầy ghe tam bản này giá 100 ngàn đồng, hoặc 200 ngàn đồng, còn một xe bò giá 50 ngàn đồng hoặc 100 ngàn đồng tùy cộ nhỏ hoặc lớn. Tuy nhiên, để lấy được ghe rơm hay là cộ rơm không phải là chuyện dễ. Vì khi rơm được chất xuống ghe lớn đã được nén rất chặt cho nên bây giờ lấy lên nếu là “tay ngang” không có kinh nghiệm thì không dễ tí nào.

Anh TBD một chuyên gia trong lĩnh vực chất rơm xuống ghe “bật mí” kỹ thuật: “Khi chất rơm phải để ý rơm được xếp tạo thành lớp, khi lấy rơm lên cũng phải lấy theo lớp, tất nhiên là phải dùng đến mỏ xãy. Mỏ xãy là loại cây có cán dài khoảng một thước rưỡi, đầu dưới có hai thanh sắt dài khoảng 2 tấc được uốn cong theo kiểu hai ngón tay đang gãi, như vậy mới lấy rơm lên được”.


chorom6.jpg


Rơm được chất thành cây để dự trữ – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông

Còn khi rơm đang chất đống ngoài đồng, để mang được chúng xuống ghe lớn cũng phải có nghề mới hiệu quả. Có người dùng khiên cây để khiên rơm, nhưng có người lại thích dùng tấm bạt nylon để bó rơm cho chặt mang được số lượng nhiều. Gần đây có người còn chế ra cái cộ bằng ống nhựa có gắn bốn bánh xe đạp nhỏ để kéo. Khi đến ghe thì 2 người chỉ cần mở chốt là cái cộ ấy trở thành đoàn khiên và hai người khiên xuống ghe. Tuy nhiên, việc khiêng gánh rơm vừa nặng vừa cồng kềnh đi trên một đoạn đường dài lại là chuyện không đơn giản. Nhất là người đi sau không nhìn thấy bước chân của mình trên đường dài mà hoàn toàn đón phương hướng… và phải mất không ít thời gian để có thể làm được việc ấy. Nhiều người mới vào nghề không ít lần rớt xuống sông kéo theo cả gánh rơm, mà rơm ướt là coi như bỏ, vì nếu lấy lại thì làm ảnh hưởng đến trọng lượng và có khi hư cả ghe rơm bởi cái ẩm ướt làm hầm hơi nóng, khi đó rơm bán sẽ không được giá cao.

source

VienDongDaily

Thursday 25 February 2010

Nghèo rớt mùng tơi: cụ già 97 tuổi trúng số 7.6 tỉ đồng có chút vui và nhiều nỗi buồn


Cập nhật lúc: 2/24/2010 3:56:17 PM


Cụ Hết cười khi trúng số. Ảnh Thiên Chương

Vài ngày trước tết, cụ Nguyễn Văn Hết ở quận 11 TP. HCM trúng số độc đắc 7.6 tỉ đồng (trên $500,000 Úc kim) sau 30 năm ròng ngày nào cũng mua vé số. Một ngày sau, có người đến nhận là cháu của cụ già cô độc. Rồi một tuần sau, ngõ hẽm cụ Hết bị nghẹt lối đi vì con cháu tận đâu đâu đến vòi tiền cụ.

Ra vẻ cụ già gần đất xa trời chỉ vui được vài ngày, cười được ít lúc, chứ khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu vì cái “may” trúng số và tuổi 97.

Bản tin sau đây từ báo VnExpress qua tường thuật của ký giả Thiên Chương:

Bi hài chuyện ông lão nghèo trúng số độc đắc

Hàng trăm người bỗng dưng kéo đến nhận là người thân, cả chục người kiên trì trải chiếu ngủ lại nhà ông lão luôn trong mấy ngày Tết, ai cũng hỏi xin tiền sau khi ông Hết lĩnh tiền trúng số độc đắc 7,6 tỷ đồng.

Cụ Hết tặng quà cho một tịnh xá nơi từng cưu mang cụ. Ảnh Thiên Chương

“Không thể tin được, mấy chục năm nay, ông bà Hết sống đơn độc, thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường, sống bằng những tấm lòng từ thiện, chẳng thấy có con cháu nào đến thăm. Vậy mà chỉ một ngày sau khi ông may mắn thành tỷ phú, người quen ở đâu không biết kéo đến chật cả ngõ, bít cả lối đi”, ông Nam, một người hàng xóm nói.

Cũng theo ông Nam, sau khi tự xưng là con cháu, nhiều người đã xông luôn vào nhà, lục lọi từ xó bếp đến đầu giường để tìm tiền trước sự kháng cự yếu ớt của ông lão. Khi được hàng xóm can thiệp, nhiều người cho rằng “đây là chuyện trong nhà, người ngoài biết gì mà xía vô”.

Ông Nguyễn Văn Hết, 97 tuổi, ở quận 11, TP HCM, vừa mới trúng số độc đắc vào hôm 28 Tết sau 30 năm ròng ngày nào cũng mua vé số. Trừ thuế, cho tiền người xung quanh, ông còn gửi ngân hàng 6 tỷ đồng và giữ lại chi tiêu vài trăm triệu.

Tâm sự với VnExpress.net, ông lão cho biết, ngoài hai người con riêng của vợ, ông và bà sống với nhau không có con. Cả khi sống với người vợ trước cũng không có mụn con nào.

“Đám người xuất hiện sau khi tui trúng số là cháu con của hai người em gái họ và con của em họ rất xa ở Long An. Nhiều người lần đầu tiên tui gặp nên cũng không biết là ai. May mắn trúng số, vui cũng có, mà nhiều khi tôi thấy hoa cả mắt vì họ”, ông Hết than thở.

Ông lão cho biết, không ngờ thông tin trúng số loan đi nhanh đến thế. “Trúng số từ 28 tết, chiều 29 đã có đứa xưng là cháu đến xin chia tiền.

Suốt mấy ngày Tết, tôi không thể ngủ yên vì họ cứ đến đòi cho tiền. Tôi nói tiền đã gửi cho người khác giữ, từ từ tôi cho, nhưng đám bà con “đại bác bắn không tới” ấy vẫn nhất định không tha”, ông Hết kể.

Và hết... cuời: Vợ chồng cụ Hết chẳng còn vui sau khi trúng số. Ảnh Thiên Chương

Sáng 22/2, tình hình vòi quà vẫn căng thẳng khiến con ngõ 341 đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, nơi nhà cụ Hết, không còn lối đi. “Bí thế, chúng tôi đành nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Nhờ vậy họ mới tản đi, tuy nhiên một số người vẫn cố tình bám trụ, tìm mọi lời lẽ tác động vào ông lão vốn đã không còn minh mẫn vì tuổi tác”, một người hàng xóm nói.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, sau khi ông Hết trúng số lớn, chuyện vui buồn không chỉ xảy ra cho gia đình ông, mà còn lan sang cả hàng xóm. Nạn nhân là anh Phạm Hữu Đức, người đang mất ăn mất ngủ vì phải ôm số tiền giữ giúp ông lão, trong khi con cháu vây quanh đòi chia.

“Người ta trúng số mà mình mang họa. Công việc riêng bỏ hết, ngủ cũng chẳng yên. Thứ nhất, mọi người cứ nghĩ mình giữ tiền vì trục lợi; thứ hai, con cháu ông Hết bám theo đòi tiền quá khiến tôi xanh mặt. Trong khi đó mình chỉ làm phước, giúp ông cụ”, anh Đức nói.

Cũng theo người chủ cơ sở chuyên hàn - tiện kim loại này, ông bà Hết với anh thân thiết. Việc anh giúp đỡ là vì ông bà đã quá lẩm cẩm chứ không có mục đích gì khác. Hơn nữa, khi nhận giữ tiền giúp ông Hết, hay chi tiêu bất cứ món tiền nào, anh Đức cũng mời chính quyền địa phương chứng kiến.

Và cụ vẫn giữ thói quen ăn thịt kho, thèm miếng bánh ngọt và mua vé số hàng ngày. Ảnh Thiên Chương

Quá lo sợ dư luận và ngại người thân của ông Hết “tấn công”, anh Đức quyết định trao hết tiền mặt và thẻ gửi tiền ở ngân hàng mà anh đang giữ cho chính quyền địa phương nhờ cất giúp.

Ngoài anh Đức, mấy ngày qua, một vài người trong xóm cũng bị nghi ngờ, bởi sau khi nhẩm tính số tiền mà ông lão hiện có, không ít người cho rằng đã bị thất thoát hàng tỷ đồng.

“Lúc mới nhận tiền thưởng, quá vui mừng, ông Hết lấy từng cục tiền để cho nhiều người. Chính vì thế, không ai biết rõ ông đã cho bao nhiêu”, ông Hoàng Liên Sơn, Phó chủ tịch UBND phường 5 cho biết.

Chiều 23/2, 11 ngày sau khi ông lão nghèo nhận tiền trúng số, mọi việc đã tạm ổn. Cảnh “người thân” nheo nhóc đòi chia tiền đã không còn, tuy nhiên câu chuyện về cặp vợ chồng ông già không còn minh mẫn, không có con ôm số tiền to vẫn là đề tài mà nhiều người dân phường 5, quận 11, bàn tán.

Nhiều người tiên đoán: “Rồi đây, đám con cháu “ảo” sẽ quay lại tìm mọi cách để moi tiền” hoặc “Ông bà đã già quá rồi, lại còn lú lẫn, không biết sẽ dùng tiền ra sao”.

Một số người khác lắc đầu ngao ngán: “Ở tuổi gần đất xa trời này, với đám cháu bỗng dưng nhận người thân như thế, ông già không trúng số có khi còn khỏe thân hơn”.

****************************
source

TiVi Tuan San

Wednesday 24 February 2010

Xóm chài nghèo dưới chân cầu Long Biên


Thứ tư, 24/2/2010, 13:01 GMT+7

Bạn Nguyễn Nam Long ghi lại hình ảnh sau một chuyến đi tặng quần áo, kẹo bánh và mừng tuổi cho các cháu nhỏ ở làng chài Phù Xá dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội.
> Giá rét nơi xóm nghèo/ Những mảnh đời vạn chài ven sông Hồng

Xóm chài gồm 17 gia đình. "Căn nhà" đầu tiên là của hai vợ chồng già, sống hơn 10 năm ở đây.
Sống trên sông nước, nhưng phần lớn gia đình ở đây mưu sinh bằng nghề thu lượm phế liệu.
Túp lều xiêu vẹo này là nơi cư ngụ của một phụ nữ không có con, chồng đi tù.
Bà Lư 84 tuổi, là người cao tuổi nhất ở cái xóm bụi này. Bà vui lắm khi nhìn con trẻ nhận quà.
Thật khó để tìm kiếm một nụ cười của trẻ nhỏ ở đây.
17 hộ nhưng chỉ có 4 hộ mắc điện thắp sáng, nấu cơm bằng nồi cơm điện và thấy có cả tivi để xem. Tiền điện kinh doanh ở đây là 10 nghìn một ngày. Còn lại thì vẫn đèn dầu leo lét.
Phía trên kia, đèn vẫn sáng, xe đi lại vẫn tấp nập...

Nguyễn Nam Long

source

http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Xa-hoi/2010/02/3BA18FFC/

Sunday 21 February 2010

Núi Thần Đinh


Cập nhật lúc 3:08:57 AM - 21/02/2010

252h1.jpg


Cổng Thắng Quan (lũy Thầy)


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Nếu có dịp đi tàu hay xe từ Nam ra Bắc hoặc Bắc vô Nam, lúc qua địa phận Quảng Bình, gần ga Long Đại, nhìn về hướng Trường Sơn, du khách sẽ thấy một ngọn núi sừng sững oai vệ, nổi bật hẳn lên bầu trời: Núi Thần Đinh. Núi Thần Đinh gắn liền với lũy Trường Dục trong hệ thống Lũy Thầy của Đào Duy Từ, là dấu tích của thời kỳ Nam-Bắc phân tranh mấy trăm năm qua.

Chuyện leo lúi đi rừng với khách Tây là chuyện nhỏ, với người mình hơi hiếm. Du lịch ai cũng tận dụng phương tiện di chuyển tối tân, ăn ở phải tiện nghi, thường quanh quẩn nơi đình đám hội hè, ăn chơi mua sắm. Một vài thắng tích trên núi cao như Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), trung tâm nghỉ mát Bà Nà (Đà Nẵng) đều có cáp treo. Hầu hết du khách chỉ muốn đến ngay điểm chính để xem rồi về, trong khi đi bộ được biết thêm bao nhiêu điều mới lạ dọc đường. Lên chùa Đồng yên Tử mà không qua con Đường Tùng (700 năm), để chiêm ngưỡng những cây tùng cổ thụ được trồng từ thời vua Trần Nhân Tông xuất gia, những cây tùng rễ to như những con trăn khổng lồ bò trên mặt đất, thì thật đáng tiếc (1).


252hh2.jpg


Thành Đồng Hới


Những năm gần đây khi đất nước “mở cửa”, du khách phương Tây đua nhau đến Việt Nam, du lịch là để thể nghiệm khả năng thích nghi, ứng phó của bản thân, họ thích những nơi còn hoang vắng, còn “bán khai, chậm tiến”, còn nguyên sơ... Việt Nam là mô hình du lịch họ muốn khám phá. Và, cũng từ đó xuất hiện nhóm chữ “Tây ba lô”, “khu phố Tây”, ngành du lịch có thêm môn “Treking” (2).

Nhiều năm trước tôi đã lên chùa Đồng núi Yên Tử, đền Thượng chùa Thầy, chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Non Nước (Đà Nẵng), núi Bài Thơ (Quảng Ninh)...cao nhất có lẽ động Tiên Sơn (động khô) ở Phong Nha (Quảng Bình) 600 bậc, lên đến nơi tưởng chừng hết hơi thở.

Núi Thần Đinh cao thăm thẳm như thế, tất không phải dễ đi. Mỗi lần về quê, nhìn lên đỉnh núi cao vòi vọi, có lúc nhòa trong mây, lòng lại không yên. “Đi Đông đi Tây, viết hươu viết vượn mà ngay nơi chôn nhau cắt rốn của mình, có một ‘danh lam kỳ tích’ lại không hay biết thì chẳng có gì đáng nói”. Nghĩ thế nên năm nay, sau một tuần đi Lào Cai chụp ảnh mùa lúa chín cao nguyên với mấy anh em nhiếp ảnh quận Bình Thạnh Sài Gòn, tôi quay vào Đồng Hới và quyết “thám hiểm” núi Thần Đinh. Lại nghe nói trên núi có chùa Kim Phong, ngôi chùa cổ lâu đời, người địa phương thường gọi chùa Non, lòng tôi càng hăm hở.

Đồng Hới có một nhà thơ tôi mến, thơ anh có khí phách, nhiều hình ảnh sắc bén mạnh mẽ, tôi đã dành một bài “Tản mạn đường xa” để nói về anh. Anh quí và hiểu hoàn cảnh tôi, gần anh tôi không sợ chuyện “bày vẽ” nọ kia. Lúc nghe tôi ngỏ ý muốn lên núi Thần Đinh, anh tán đồng và đưa tôi về trọ lại nhà anh trên Cộn (3) để dẫn tôi đi vào ngày hôm sau.


252hh3.jpg


Cầu Long Đại và núi Thần Đinh


- Anh lên núi Thần Đinh chưa?

- Mấy năm trước đã đi.

- Núi cách đây bao xa, có dễ đi không anh?

- Không xa, gần xã An Ninh của anh, đường lên núi đã xây tam cấp dễ đi.

- Vậy mai mình khởi hành sớm, leo núi đỡ mệt.

Sáng hôm sau, chúng tôi tìm quán cháo lươn điểm tâm trước khi lên đường. Tôi thích lối nấu cháo cá, cháo lươn của miền Trung, cháo không đặc nhuyễn như nơi khác, lúc ăn nhận rõ hương vị thơm ngon của lươn. Tuy vậy không nơi nào cháo lươn ngon bằng xứ Nghệ (4). Trong làng ẩm thực có danh mục “Lươn Nghệ An 18 món”, với tôi, mỗi món cháo cũng đủ rồi.

Từ Cộn, chúng tôi chạy xe gắn máy theo đường mòn về hướng Nam. Núi Thần Đinh cách thị xã Đồng Hới 25km, qua cầu Long Đại đã thấy Thần Đinh mờ mờ trong mây. Thêm một đoạn nữa gặp một đường xe rẽ phải, có bảng chỉ dẫn: “Chùa Non núi Thần Đinh”. Từ quốc lộ vào chân núi khoảng 3km, đường sỏi đá chông chênh. Chiếc xe gắn máy của anh bạn đã đến thời kỳ “cà tàng” nên hơi vất vả, những lúc nó rống lên gồng mình mang hai chúng tôi qua dốc, thấy mà tội. Đất đai không mấy tốt, thôn làng thưa thớt cuộc sống khô khan. Chúng tôi ghé quán bên đường mua bó nhang, tôi hỏi cô bán hàng:

- Lên núi bao nhiêu bậc cấp em biết không?

- Dạ, 400 bậc.

Tôi yên tâm, 400 thì thừa sức. Nhiều bạn thân quen thường nhắc nhở “chớ phiêu lưu, tuổi càng lớn càng không nên lên cao”. Đúng như vậy, tôi rất ngại leo lên lầu ba lầu bảy, mỏi chân mất sức chả lợi gì.


252hh4.jpg


Núi Thần Đinh và đường Trường Sơn


Nhưng, lên núi lên rừng, tuy mệt, song lại được dịp thưởng thức nhiều điều mà suốt đời sống ở đồng bằng không dễ có. Một ngọn gió nhẹ, một bông hoa rừng, tiếng chim hót trên tầng cao thanh khiết, nơi tách biệt hẳn trần gian, lý thú lắm chứ. Vả lại cũng do thói quen một phần, khỏe tay mạnh chân mà ngồi mãi một nơi thì khi phải đi bộ một quãng cũng thấy ngán. Thường xuyên đi lại, đã không ngán lại còn thích. Du sơn du thủy là lội suối leo đèo, là thích nghi với mọi hoàn cảnh, không đòi hỏi tiện nghi kiểu phố phường. Bao nhiêu năm, qua những chuyến đi đã giúp tôi thấy dễ dàng trong mọi việc. Mỗi lần “vượt khó” lại như được tăng thêm khí thế, lại hăng hái hơn. Và, tôi nghiệm ra khó khăn là ở lòng người cư xử với nhau, chuyện hiền thành tội dữ, chuyện cái kiến biến thành ông voi, còn cảnh vật dù có cheo leo hóc hiểm cũng chẳng bao giờ có ý làm hại mình.

Tôi chưa nghe ai than phiền khi lên Chùa Đồng Yên Tử, lên động Huyền Không, trái lại thường nghe tả oán ăn nhà hàng này, ở khách sạn kia(5).


(Còn tiếp)

Trần Công Nhung

10 - 2009


(1) Xem Lên Chùa Đồng QHQOK tập 3

(2) Môn đi bộ xuyên rừng hay leo núi. Khách Tây lên Sapa, từng nhóm 5,7 người có tours guide dẫn đi từ Sapa về Bản Hồ, hay leo lên đỉnh Fansipan...hành trình có thể 2, 3 ngày. Ban đêm họ ngủ lại trong bản làng để biết thêm về sinh hoạt người miền núi, để đọ sức với thiên nhiên...

(3) Cộn cách Đồng Hới 7km, thập niên 60 còn là rừng rú, nơi dân thị xã sơ tán trong thời kỳ máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc. Nay đã thành thị trấn, không ai muốn quay lại Đồng Hới nữa.

(4) Xem Đền Cuông Cửa Lò QHQOK tập 3.

(5) Ngộ độc trang 179 QHQOK tập 7.


QHQOK tập 10 phát hành trung tuần tháng 3-2010

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 9, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260, email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
*****************
source
VienDongDaily

Monday 15 February 2010

Người Việt ở Little Saigon đón Tết



Dù nhiều người Mỹ đang gặp khó khăn vì kinh tế lao đao, người Việt tại Little Saigon vẫn có một cái Tết Canh Dần bình thường vì đây là truyền thống hàng năm.

Trước Tết cả chục ngày, chợ hoa phía trước khu thương mại Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa đã khai trương. Năm nay, chợ hoa này còn mở thêm nhiều gian hàng phía bên hông.

Có đủ các loại hoa, bánh mứt và mặt hàng Tết, gần như không thiếu thứ gì.

Một số nơi khác, nhất là trước các cửa tiệm gần ngã tư đường đông người qua lại, cũng có những chợ hoa “mini,” bán vài chục chậu hoa, chậu kiểng, tiện lợi cho những ai không muốn vào chợ hoa vì quá đông đúc.

Nhiều người tận dụng vỉa hè gần chợ hoa để bày bán bánh chưng, bánh tét, chè, mứt…

Anh Hòa, bán hoa làm bằng vải lụa và tượng Phật tại chợ hoa Phước Lộc Thọ cho biết mấy ngày đầu hơi chậm, nhưng sau đó bán được.

Anh nói: “Năm nay kinh tế đang khó khăn. Mấy hôm nay trời mưa, có hơi chậm một chút. Nhưng từ hôm qua tới hôm nay bán được. Năm nay là năm thứ nhì tôi bán ở chợ hoa này.”

Bà Phương Mai, chủ tiệm hoa Phương Mai, chuyên bán lan đất hơn 10 năm nay tại chợ hoa này, cho biết Tết năm nay bán hàng được. Bà nói: “Ngày Tết mà, dù kinh tế khó khăn, người ta vẫn phải mua hoa chưng Tết. Năm nay tôi bán thấy được hơn năm trước.”

Anh Quỳnh Nga, lần đầu tiên bán hoa mai, hoa cúc và bánh chưng trước nhà hàng Hà Nội, cũng cho biết bán hàng được.

Mặt tiền chợ hoa Phước Lộc Thọ.

“Dù kinh tế khó khăn, nhưng vì là Tết cổ truyền dân tộc, bà con cũng dành dụm chút đỉnh để mua sắm, theo phong tục của mình. Thành ra tôi bán cũng được. Mấy hôm trước mưa thì hơi chậm, nhưng mấy ngày nay thì đỡ hơn,” anh Nga nói tiếp.

Nha sĩ Tracy Nguyễn, một cư dân Little Saigon, đi chợ hoa Tết cùng gia đình cho biết rất khó kiếm chỗ đậu xe và năm nay vẫn ăn Tết bình thường, dù kinh tế khó khăn.

Nha sĩ cho biết thêm: “Năm nay, Tết rơi vào cuối tuần, nên gia đình sum họp hơn, ăn Tết vui vẻ hơn.”

Chợ hoa Phước Lộc Thọ còn thu hút cả những khách ở xa, chứ không riêng ở vùng Little Saigon.

Bà Khiên, từ San Jose xuống, cho biết rất vui khi đi chợ hoa. Bà nói: “Năm nào tôi cũng xuống đây chơi và đi chợ hoa. Năm nay đẹp hơn năm trước, nên rất vui.”

“Nhưng năm nay kinh tế xuống thì chắc tôi ăn Tết không bằng mọi năm,” bà nói thêm.

Ông Tấn Huỳnh, một phóng viên thể thao Việt Nam trước năm 1975, lần đầu tiên du lịch sang Mỹ ăn Tết cho biết khu Little Saigon có không khí rất Tết và chợ hoa ở đây phong phú hơn so với quê nhà.

Ông chia sẻ: “Tôi thấy Tết ở khu Little Saigon này cũng nhộn nhịp như bên Việt Nam. Riêng về cây cảnh thì có lẽ nhiều hơn bên Việt Nam vì có nhiều nước mang đến.”

Năm nay, Tết rơi vào cuối tuần, nên gia đình sum họp hơn, ăn Tết vui vẻ hơn.

Tracy Nguyễn

Khi chợ hoa bắt đầu mở là các sòng bầu cua cá cọp và tài xỉu cũng “khai mạc” kế bên, bên phần đất khu vực chợ Bến Thành.

Một số người còn bán cả pháo nữa, mặc dù thành phố không cho phép. Họ chỉ để một hai phong, bán hết rồi lại bày ra.

Thỉnh thoảng có người thắng bầu cua ra mua một phong, đốt ngay tại chỗ cho bà con nghe.

Sự kiện người đồng tính

Trong khi đó, cuộc diễn hành Tết do thành phố Westminster bảo trợ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 30 Tết với hơn 90 hội đoàn và cá nhân tham dự, trong đó, lần đầu tiên, có một đoàn của những người đồng tính và đổi giới tính.

Chính sự kiện này đã tạo ra sự phản đối của một số hội đoàn và họ đã tuyên bố rút tên ra khỏi cuộc diễn hành.

Một trong những hội đoàn rút tên là Hội Đồng Liên Tôn (HĐLT), cho rằng họ không chấp nhận người đồng tính trong diễn hành vì như thế là đi ngược lại truyền thống tôn giáo và văn hóa Việt Nam.

Mục Sư Trần Thanh Vân, Chủ Tịch HĐLT, cho rằng: “Tết là ngày truyền thống văn hóa của Việt Nam, không nên làm những việc đi ngược lại. Hơn nữa, trách nhiệm của chúng tôi là hướng dẫn mọi người hành động theo truyền thống, nên chúng tôi không chấp nhận những gì ngược lại.”

Ông Andy Quách, Nghị Viên Westminster, trưởng ban tổ chức diễn hành, cho biết cá nhân ông phản đối người đồng tính, nhưng vì là dân cử của thành phố ông không thể làm gì khác hơn được.

“Chúng tôi không thể cấm người ta diễn hành vì như vậy là kỳ thị, là trái luật, mặc dù cá nhân tôi phản đối. Bất cứ ai đóng chi phí và tuân thủ theo điều lệ là họ có quyền diễn hành,” ông Andy Quách cho biết tiếp.

Những người đồng tính thì cho rằng họ chỉ muốn cho mọi người biết có sự hiện diện của họ. Những nhóm này đã bắt đầu tham gia diễn hành Tết ở San Jose từ năm 2004.

“Chúng tôi biết cộng đồng Việt Nam rất bảo thủ, nhưng chúng tôi hiện hữu và muốn mọi người biết. Rất tiếc, có nhiều người chưa hiểu được khoa học giới tính. Nếu nói chuyện với nhau, tôi nghĩ vấn đề sẽ khác,” giáo sư Gina Masequasmay, một thành viên của nhóm Ô-Môi và hiện giảng dạy tại đại học Cal State Northridge, tuyên bố.

source

BBC Vietnamese

Thursday 11 February 2010

Đón tết ở miền xa


Phóng sự - Ký sự

Thứ Sáu, 12/02/2010, 06:00 (GMT+7)


TTXuân - Khi Sài Gòn bắt đầu thấy heo may về, trời nhẹ và dịu hơn, thời khắc một năm sắp đi qua tạo cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tết lại sắp gõ cửa phố phường, theo về cùng hoa mai, bánh mứt và không gian nhộn nhịp đầm ấm. Những lúc ấy tôi lại khoác balô lên đường.

Dưới chân đèo Pha Đin hiểm trở là nơi sinh sống của bản làng các gia đình người Thái thuộc Thuận Châu (Sơn La). Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng người Thái vẫn yêu ca múa và sống lạc quan. Khi hoa cải đã nở vàng ngoài chân núi, nước suối trong lành hơn và bọn trẻ con vui nhộn hơn đó là khi mùa xuân về

Ngược lên Suối Giàng (Yên Bái), thời tiết ở đây trở lạnh rất sớm. Gió rin rít từ ngoài núi thổi về thung lũng. Sương giá giăng mắc khắp nơi. Hạnh phúc của người dân nơi đây là may lại tấm áo bông, đánh tranh lợp lại mái nhà để vợ chồng con cái có chỗ trú ấm áp qua những ngày giá lạnh. Vài cây hoa mận nở sớm và những hạt sương đọng lại trên hoa đem đến cho vùng đất này những giai điệu thật thanh bình

Ở sát vùng biên giới Đồng Văn, xã Phố Cáo nép mình bên những núi đá là một cộng đồng nhỏ bé với những người dân rất mực hiền hòa. Gần tết, người dân chăm chỉ làm việc hơn, tích trữ củi để sưởi và cỏ cho gia súc. Các cô gái đã dành dụm sắm được tấm áo mới, xúng xính và vui vẻ trên đường

Rong ruổi đến các miền đất xa xôi từ Bắc vào Nam, hòa mình vào những ngày cuối năm trên nhiều vùng đất được đặt chân đến, tôi đi tìm cho mình những cảm xúc mùa xuân trìu mến hơn, yêu thương hơn.

Ở các vùng miền núi phía Bắc, lạnh giá và khó nhọc dường như vẫn còn in dấu trên đôi vai những người phụ nữ, những người đàn ông và trong ánh mắt thơ bé của lũ trẻ. Tết càng đến gần, thời tiết càng giá lạnh. Tết ở những vùng núi cao thăm thẳm, trong những thung lũng heo hút xa xôi, nơi bản làng của người Tày, người Mông, người Thái..., không phải là dịp để bọn trẻ vòi áo mới, không phải phong bao lì xì đỏ may mắn. Nó là thời khắc khó nhọc hơn vì thời tiết buốt giá và khắc nghiệt hơn, nhưng cũng là thời khắc đầm ấm hơn. Vợ chồng chung tay bên nhau, bản làng nương tựa nhau, chia sẻ những ấm no, vui buồn.

Người miền Trung chuẩn bị tết theo cách mà những con người luôn phải đối mặt với khắc nghiệt của thiên nhiên mỗi ngày, mỗi mùa. Ở nơi càng xa, càng heo hút, gạo, muối, nước sinh hoạt, nhu yếu phẩm... quan trọng hơn áo mới, bánh mứt. Có một điều gì đó vừa kiên nhẫn vừa kiên cường, vừa hanh hao vừa tươi mới trong ánh mắt những con người sinh sống ở các vùng đất còn nhiều khó khăn này. Tuy vậy, cái đầm ấm của xóm làng, sự san sẻ của người thân, sự vun vén cho nhau từng điều tốt lành và hi vọng trong những ngày cận tết đã làm những miền đất nắng gió nơi đây thêm sắt son nghĩa tình.

Đồng bào dân tộc Tày ở thôn Chì, Xuân Giang (Hà Giang) chuẩn bị đón tết. Nhà cộng đồng - nơi họp mặt bản làng ngày tết - được sửa sang cho mới. Thanh niên trong làng tổ chức thi đẩy gậy, đá cầu. Phụ nữ thi làm cơm, làm xôi, làm bánh giầy, làm nón... để tìm ra những người giỏi nhất tham dự hội thi với các làng bên cạnh trong ngày xuân đến

Chợ Lùng Khâu Nhin ở Lào Cai, một phiên chợ nơi xa xôi hẻo lánh họp vào thứ năm hằng tuần, những ngày giáp tết nhộn nhịp làm sao. Thanh niên đến chợ cắt tóc gọn ghẽ, để mắt tìm bạn gái. Các cô gái đua nhau sắm sửa váy áo mới, náo nức cười vui. Những bà mẹ sắm thêm cho con chiếc khăn địu mới, tấm áo mới, đôi giày mới. Sắc màu của chợ phiên Lùng Khâu Nhin vốn đã rực rỡ trong những ngày giáp tết còn tươi vui, sặc sỡ hơn

Gần tết cũng là lúc những phụ nữ Thái ở Thuận Châu (Sơn La) ra đồng sớm và về sớm hơn, cùng nhau tập hát, tập múa những điệu múa ca ngợi mùa màng, tình yêu lứa đôi... chuẩn bị những lễ hội mùa xuân

Nhịp sống của những gia đình ven sông ở Châu Thành (Cần Thơ) càng về tết càng hối hả. Chồng vợ thay phiên nhau thu hoạch cây trái, xuôi ra chợ Cái Răng sớm hơn mọi khi để nhanh bán được hàng, may sắm quần áo mới cho con cái và trang hoàng nhà cửa. Trong vườn nhà, vài cụm hoa được chăm bón cẩn thận đã bắt đầu trổ bông. Cây mai mọc trước sân đã ra vài đóa đầu tiên. Hai chậu bông vạn thọ trước cửa nhà trên sông nước của một gia đình ở ngoại thành Cần Thơ như thế này những ngày giáp tết sao dễ thương quá đỗi

Người Nam bộ đón tết có phần nhẹ nhàng hơn. Bên những dòng kênh rạch chằng chịt dẫn vào các miền quê xa thăm thẳm, những mái nhà vẫn còn chắp vá xiêu vẹo đã bắt đầu điểm tô những bông hoa tươi tắn. Vốn dĩ giản dị và hiền lành, tết với những cư dân sông nước nhẹ nhàng và bình yên. Chỉ cần vài chiếc áo lành lặn, chút thời gian thảnh thơi đi thăm hỏi nhau, vài chậu hoa tươi trang trí cho hiên nhà, cho chiếc thuyền thêm hơi thở mùa xuân... là đã đủ đầy. Những gương mặt hiền lành chất phác, những cử chỉ, lời nói thân tình, những ước mơ đơn giản và gần gũi... mà người Nam bộ trao cho khi tôi dừng bước nơi đây đã làm hành trang đón tết của tôi thêm thắm đượm nghĩa tình.

Từ Bắc vào Nam, đất nước mình còn biết bao vùng đất xa xôi heo hút và nghèo khó, nhưng khi tết đến vẫn là thời khắc mà mỗi người như thắp lên cho mình và cho người thân quanh mình những ước mơ mới, những dự định mới về một cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Riêng tôi, mỗi hành trình đến với mỗi miền đất xa xôi ấy, sống cùng mọi người những thời khắc cuối năm chờ đến mùa xuân chính là lúc tôi chắt chiu thêm những trìu mến yêu thương đối với cuộc đời này.

Để rồi sau khi đón tết sớm từ những chuyến đi xa như thế, về lại Sài Gòn, thấy cái tết của mình sao ngập tràn yêu thương.

Huỳnh Thu Dung

HUỲNH THU DUNG

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=360460&ChannelID=89