Friday 29 April 2011

London vui với Đám cưới Hoàng gia


Cập nhật: 16:37 GMT - thứ sáu, 29 tháng 4, 2011

London vui với Đám cưới Hoàng gia

Đi làm tin về đám cưới hoàng gia hóa ra không dễ, vì như tôi đã viết trong blog, đây là sự kiện đã định trước theo trật tự đầy tính nghi lễ.

Vì thế, với báo ảnh và truyền hình thì những buổi lễ này là cơ hội tuyệt hảo để giới thiệu màu sắc, các góc quay độc đáo, truyền tiếng nhạc, ghi lại những thời khắc long trọng.

Còn với báo viết hay truyền thông trên mạng, vốn sử dụng con chữ là chính thì viết sao cho hay thật chẳng dễ.

Nhưng cũng may cho báo mạng, vì công nghệ cho phép, chúng tôi nay có thể cập nhật tin tức từng phút và tạo ra một cảm giác sôi động nơi bạn đọc.

Cách tổ chức đại lễ

Ngoài công việc đó, trong buổi đi Bấm làm tin hôm nay, điều tôi chú ý là xem cảnh quan dân chúng, giới cảnh sát, an ninh và ứng xử của các đồng nghiệp nhà báo khác để đem lại cho mình những trải nghiệm hoàn toàn riêng tư thôi.

Và nhìn rộng ra, những ngày lễ hội cũng là dịp một quốc gia thể hiện mình, và qua sự giao lưu giữa giới quyền quý và dân chúng, ta cũng biết được ít nhiều tâm trạng của một xã hội.

Ngoài ra, tôi cũng chú ý cách họ tổ chức một ngày lễ lớn cho hàng vạn người dân đổ ra đường mà không ai có cảm giác bị xua đuổi, ngăn chặn hay hoảng loạn.

Ở điểm này thì quả là phải khen cảnh sát và chính quyền London.

Nghe nói họ có bắt mấy chục người bị cho là gây rối, say rượu từ đêm trước nhưng cả quãng đường từ quảng trường Trafalgar Square đến khu báo chí đối diện Tu viện Westminster, nơi diễn ra lễ cưới, tôi không gặp cảnh lộn xộn nào.

Đáng khen hơn, khi từ đó đi bộ về văn phòng cách đó chừng 5 km, dù các con phố đông nghịt người nhưng cảnh sát Anh điềm tĩnh hướng đạo cho đám đông, lúc nhanh, lúc chạm, qua các ngả ngăn người bằng barrier mà không hề xảy ra chuyện gì.

Dọc phố toàn các dinh thự chính phủ là White Hall, tôi thấy cứ năm sáu mét lại có một người cảnh sát đứng.

Có lúc phải dừng lại vì ngăn đường, có người hỏi họ cảnh sát nói 5 phút họ lại nhận được lệnh (order) để xử lý tình huống và các barrier được đóng hay mở ngay sau đó, khiến dòng người vẫn di chuyển được, dù chậm mà không tắc nghẽn.

Giữa đám đông đi chậm hoặc dừng lại ngay bên các phố đ̉ể xem lễ, và lòng các phố cho đoàn xe rước đi qua là hai hàng rào để tạo lối thông thoáng ở giữa.

Đấy cũng là lối đi (passage) cho nhân viên y tế và công nhân dọn rác đi lại để làm việc ngay, khiến người ta vẫn ăn uống mà đường phố không ngập lên vì rác.

Lúc sáng, khi đến gần khu Westminster tôi bị lạc ngõ phải hỏi cảnh sát thì được họ hộ tống (escort) bằng lối đi riêng đó để nhanh chóng đến điểm tụ tập của báo chí.

Với hàng trăm cơ quan truyền thông lớn nhỏ từ khắp nơi đổ về thì Đám cưới Hoàng gia là dịp chạy tường thuật đặc biệt.

Truyền thông không nghỉ

Vì thường tìm xem các khuôn mặt châu Á, tôi thấy các đài Nhật, Trung Quốc, Indonesia và một số nước khác có ở khu cho thuê lấy hình theo giờ.

Ở ba bốn giàn cao (platform) đối viện Tu viện Westminster, các vị trí cho truyền hình, phát thanh, báo ảnh và báo mạng được chia ra rõ ràng, ai có thẻ loại gì thì vào chỗ đó.

Riêng phần cho phát thanh và online của BBC được hẳn một tầng và chúng tôi lên đó, nối các máy móc, phương tiện đã có sẵn để làm việc.

Nhìn sang bên kia phố Broad Sanctuary là cổng Tu viện cũng là Thánh đường của Anh giáo, nơi các đơn vị Hải, Lục và Không quân có đội danh dự trực sẵn.

Trước giờ Hoàng tử William và cô Kate Middleton đến là các đợt xe chở quan khách quốc tế, hoàng gia nước ngoài.

Đám nhà báo ồ lên hỏi nhau khi cờ một số nước xuất hiện trên những chiếc xe sang trọng từ từ đỗ tới.

Vì xung quanh tôi cũng không thiếu các phóng viên BBC gốc nước ngoài nên các kiến thức về cờ được một số người đem ra thể hiện.

Nào là "Đó là cờ của Hoàng gia Tây Ban Nha".

Ai đó lập tức thêm ngay: "Tin nói Nữ hoàng Tây Ban Nha dự lễ".

Thế là sau vài cú điện thoại hay nhắn tin kiểm chứng, ai đ́ó đã "live" ngay trên đài về tin đó.

Khi lãnh đạo đối lập Ed Milliband của đảng Lao Động bước đến, ai đó tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao hai cựu thủ tướng của đảng này, Tony Blair và Gordon Brown không được mời.

Và cứ thế, đám nhà báo thay nhau làm việc, và theo các điểm nhấn trước cửa Tu viện mà các tiếng ồ, à, xuýt xoa rộ lên.

Mấy nhà báo nữ không tiếp lời khen bốn em bé trong nhóm phù dâu phù rể, gọi các em là như "thiên thần" (angels).

Khi vợ của Thủ tướng David Cameron xuống xe, ai đó hỏi to ̣̣(bằng tiếng Anh): "Áo của SamCam gọi là màu gì, xanh lá cây hay xanh ngọc - emerald?"

Ai đó không rõ và mấy người, trong đó có tôi, bấm lại máy ảnh để xem và giúp mấy người tường thuật cho radio nhìn rõ lại màu áo của cô Samantha Cameron.

Và khi đoàn xe chở cô dâu Kate Middleton v̀ong từ ngả Nghị viện Westminster từ từ tiến vào thì tiếng ồn ào lên cao độ.

Cô dâu bước xuống xe, chiếc áo cưới dài màu trắng thướt tha.

Một loạt kỹ thuật viên, và biên tập của các chương trình cũng rời vị trí rút máy ảnh riêng ra, vươn người qua cả lan can của khu báo chí thi nhau chụp, chắc để có kỷ niệm riêng.

Và sau khi cô dâu cùng em gái là người phù dâu bước vào Tu viện, tôi bỗng nghe tiếng động liên tiếp xung quanh: dân báo chí bỏ hết vị trí, chạy ngay xuống sân đằng sau khu platform để xem truyền hình từ bên trong Thánh lễ.

Lý do là từ lúc này, chỉ đài truyền hình số 1 của BBC có quyền phát hình từ bên trong Tu viện Westminster, nên mọi chương trình nước ngoài hay kể cả radio của BBC chỉ có nước theo dõi màn hình để biết chuyện.

Một số nhà báo đã lục tục ra về.

Một số khác nói với tôi họ phải sang ngay Điện Buckingham để chờ phút xe hoa vào cung điện, sau đó chừng 1 giờ 45 phút.

Dưới phố, đám dân chúng phấn khích hát to theo tiếng nhạc nay phát ra từ một loa lớn bên góc đường.

Có vẻ như như tinh thần quốc gia của người Anh lên cao theo tiếng nhạc, và theo ống kính truyền hình bay lượn trên những cột cao, trần thiết trang hoàng bên trong Tu viện lịch sử.

Buổi lễ cũng là dịp để Anh giáo nhắc lại vị trí của mình trong một xã hội thế tục và ngày càng đa dạng, kể cả về tín ngưỡng.

Nhóm nhà báo chúng tôi tỏa xuống sân, nằm đối diện Methodist Central Hall, nghỉ ngơi, chờ xem các cảnh tiếp theo của một buổi lễ tiếp tục đến quá trưa.

Khi tôi cùng một đồng nghiệp Trung Quốc về đến Bush House, trụ s̉ở của BBC World Service thì đã là 2 giờ chiều.

Chúng tôi phải qua rất nhiều đoạn ngăn đường nhưng mọi sự diễn ra khá êm thắm.

Truyền hình chiếu đi chiếu lại phần đỉnh điểm của buổi lễ: nụ hôn trên ban công Điện Buckingham của Công tước William và Nữ Công tước Catherine - cả hai có tước mới được Nữ hoàng phong mới sáng nay, theo tục lệ ở Anh trong ngày cưới.

Sau đó là các cảnh người dân chia sẻ cảm nghĩ về chuyện khó chê được gì nên chỉ có một cách là khen.

Đây là điều khác thường với truyền thông Anh, vốn tự hào về tính chỉ trích, phản biện cao đã ngấm vào máu thịt từng nhà báo.

Nhưng thôi, tôi nghĩ, dù sao cũng là dịp tốt để nước Anh biểu lộ sự hứng khởi, ít ra là hết dịp cuối tuần này.


source
BBC Vietnamese

Monday 25 April 2011

Một cây cầu và một con chim bằng xi măng giống nhau chỗ nào?


Hoa Kỳ Cập nhật Thứ Sáu, 22 tháng 4 2011

Một cây cầu và một con chim bằng xi măng giống nhau chỗ nào?

Nhiều thành phố Mỹ dùng những công trình xây dựng làm biểu tượng cho thành phố; nhưng cũng có những nơi không dùng công trình xây dựng, mà lại dùng những thứ khác.

Tượng của anh thợ rừng Paul Bunyan và con bò xanh trung thành tên “Babe”

Tượng của anh thợ rừng Paul Bunyan và con bò xanh trung thành tên “Babe”


Những công trình xây dựng nổi tiếng đã được sử dụng làm biểu tượng cho nhiều thành phố và thị trấn Mỹ.

Khi nói đến cây cầu Golden Gate người ta nghĩ ngay đến San Francisco, hoặc khi nói đến Tòa nhà chọc trời Empire State người ta nghĩ đến thành phố New York, và khi nói đài tưởng niệm Washington người ta nghĩ ngay đến thủ đô Hoa Kỳ.

Những biểu tượng không chính thức khác của các thành phố và thị trấn chỉ là những biểu tượng nhưng không vì thế không thu hút những công trình vĩ đại.

Nếu bạn có cơ hội đi thăm Fort Stockton, Texas chẳng hạn, bạn sẽ không quên con Roadrunner lớn nhất thế giới. Roadrunner là một con chim thuộc loài chim cu thích chạy trên sa mạc hơn là bay. Con chim ở Texas không bay cũng không chạy vì nó làm bằng xi măng và có chiều dài 7 mét. Thậm chí người ta còn đặt tên cho con chim là “Paisano Pete.” Nhiều cửa hàng tại Fort Stockton bán con chim Paisano Peter thu nhỏ dành cho du khách.

Tại High Point, bang North Carolina, nơi có mấy chục công ty đóng bàn ghế nội thất, có một tòa nhà rất lớn được sơn chung quanh trông giống như một cái tủ khổng lồ có nhiều ngăn.

Và tại Cape Cod, Massachussetts, bạn có thể thấy con cá Cod được khắc hay tạc ở khắp mọi nơi trong thành phố.

Trên vỉa hè Binghamton, New York, bạn sẽ thấy những con ngựa gỗ dùng cho các vòng đu quay rất đẹp được dựng lên để kỷ niệm vòng du quay một thời được dựng nên ở đây.

Bên ngoài thành phố nhỏ Eau Claire, bang Wisconsin và tại một số thị trấn khác của vùng trên cao miền Trung Tây nước Mỹ nơi có rất nhiều rừng, bạn sẽ thấy những pho tượng của một anh hùng vĩ đại theo truyền thuyết dân gian, anh thợ rừng Paul Bunyan và con bò xanh trung thành tên là “Babe”.

Tại thành phố Steubenville, bang Ohio có hình của Dean Martin được vẽ trên những bức tường lớn. Dean Martin, ca sĩ và diễn viên điện ảnh thường đóng cặp với danh hài Jerry Lewis, chào đời tại thành phố nhỏ chủ yếu sản xuất thép này.

Cuối cùng, thị trấn bờ biển Hermosa Beach ở California tạo những tác phẩm nghệ thuật trên nắp cống, người ta đúc chung ánh mặt trời và sóng biển bên cạnh từ “cống”.

Mấy ai có thể đoán trước được một con chim lớn làm bằng xi-măng và những nắp cống có thể thu hút du khách?

source

VOA Vietnamese

Thursday 14 April 2011

Cơn sốt báo chí tại Mỹ trước hôn lễ của hoàng tử William


HOÀNG GIA ANH QUỐC -
Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Tư 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Tư 2011
Cơn sốt báo chí tại Mỹ trước hôn lễ của hoàng tử William
Hoàng tử William và cô Kate Middleton nhân một buổi gây quỹ từ thiện tại Anh (Reuters)
Hoàng tử William và cô Kate Middleton nhân một buổi gây quỹ từ thiện tại Anh (Reuters)
Thanh Hà

Tại Anh Quốc, vài tuần lễ trước ngày cưới của hoàng tử William với cô Kate Middleton, báo chí cũng như các kênh truyền hình, đài phát thanh đã dầy đặc các chương trình đặc biệt để tường thuật về sự kiện trọng đại này. Tại Mỹ, các phương tiện truyền thông đang dàn binh bố trận để tường thuật trực tiếp về đám cưới lịch sử.

Đám cưới của hoàng tử William với cô Kate Middleton được coi là có sức thu hút lớn nhất kể từ sau hôn lễ của thái tử Charles với công nương Dinana vào năm 1981. Đúng ba mươi năm trước đây, trước cử tọa 35000 vị khách mời, thái tử Charles đã thề sống đến răng long tóc bạc với Diana Spencer tại thánh đường Saint Paul. Hơn một tỷ người trên hành tinh đã theo dõi thánh lễ và chờ đợt giây phút đôi tân lang và tân giai nhân này lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

Lần này, giới truyền thông dự trù sẽ có đến hai tỷ rưỡi khán giả sẽ cùng muốn được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc áo cưới của Kate Middleton qua màn ảnh tivi khi cô bước vào thánh đường Westminster.

Chính vì vậy mà các đài truyền hình lớn của Mỹ đã đặt thuê sẵn những địa điểm tốt nhất bên dòng sông Thames. Từ ngày 22/4 trở đi, tức đúng một tuần trước ngày cưới của hoàng tử William, đài truyền hình NBC cùng với MSNBC gửi một đội ngũ phóng viên hùng hậu đến Luân Đôn để phát đi những chương trình đặc biệt với những hồi chuông của Big Ben làm nền.

Vào đúng ngày hoàng tử William đẹp duyên cùng Kate, NBC và MSNBC dành riêng 20 tiếng đồng hồ chương trình để tường thuật về buổi lễ. Một số các đài truyền hình trên cáp khác sẽ cầm chân khán giả nhờ những phóng sự độc đáo như là tiết lộ những bí mật chung quanh hôn lễ hay mời các chuyên gia về thời trang để bình phẩm về y phục của người có triển vọng trở thành hoàng hậu tương lai của Vương quốc anh sau này. Hoàng tử William là cháu đích tôn của nữ hoàng Elizabeth II và là con trai trưởng của thái tử Charles.

Về phần mình, đài CNN cử khoảng 50 nhà báo, kỹ thuật viên sang Luân Đôn. Trong số này có những nhân vật « nặng ký » của đài và cũng là những gương mặt quen thuộc đối với khán giả Mỹ như phóng viên Anderson Cooper hay người dẫn chương trình Piers Morgan.

Khác với đài NBC, CNN sẽ không đưa khán giả vào hậu trường lễ cưới của William và Kate nhưng sẽ giới thiệu rõ hơn về người vợ sắp cưới của hoàng tử William qua phóng sự mang nhan đề « The Women Who Would Be Queen ». CNN cũng sẽ trở lại với thuở William vừa lọt vào mắt xanh của Kate.

Trong thời đại kỹ thuật số và internet ngày nay, báo chí đua nhau cho ra đời những trang mạng, các diễn đàn để cung cấp thông tin từng giờ, từng phút về đám cưới được chờ đợi nhất trong năm !

source

RFI Vietnamese