Friday 29 April 2011

London vui với Đám cưới Hoàng gia


Cập nhật: 16:37 GMT - thứ sáu, 29 tháng 4, 2011

London vui với Đám cưới Hoàng gia

Đi làm tin về đám cưới hoàng gia hóa ra không dễ, vì như tôi đã viết trong blog, đây là sự kiện đã định trước theo trật tự đầy tính nghi lễ.

Vì thế, với báo ảnh và truyền hình thì những buổi lễ này là cơ hội tuyệt hảo để giới thiệu màu sắc, các góc quay độc đáo, truyền tiếng nhạc, ghi lại những thời khắc long trọng.

Còn với báo viết hay truyền thông trên mạng, vốn sử dụng con chữ là chính thì viết sao cho hay thật chẳng dễ.

Nhưng cũng may cho báo mạng, vì công nghệ cho phép, chúng tôi nay có thể cập nhật tin tức từng phút và tạo ra một cảm giác sôi động nơi bạn đọc.

Cách tổ chức đại lễ

Ngoài công việc đó, trong buổi đi Bấm làm tin hôm nay, điều tôi chú ý là xem cảnh quan dân chúng, giới cảnh sát, an ninh và ứng xử của các đồng nghiệp nhà báo khác để đem lại cho mình những trải nghiệm hoàn toàn riêng tư thôi.

Và nhìn rộng ra, những ngày lễ hội cũng là dịp một quốc gia thể hiện mình, và qua sự giao lưu giữa giới quyền quý và dân chúng, ta cũng biết được ít nhiều tâm trạng của một xã hội.

Ngoài ra, tôi cũng chú ý cách họ tổ chức một ngày lễ lớn cho hàng vạn người dân đổ ra đường mà không ai có cảm giác bị xua đuổi, ngăn chặn hay hoảng loạn.

Ở điểm này thì quả là phải khen cảnh sát và chính quyền London.

Nghe nói họ có bắt mấy chục người bị cho là gây rối, say rượu từ đêm trước nhưng cả quãng đường từ quảng trường Trafalgar Square đến khu báo chí đối diện Tu viện Westminster, nơi diễn ra lễ cưới, tôi không gặp cảnh lộn xộn nào.

Đáng khen hơn, khi từ đó đi bộ về văn phòng cách đó chừng 5 km, dù các con phố đông nghịt người nhưng cảnh sát Anh điềm tĩnh hướng đạo cho đám đông, lúc nhanh, lúc chạm, qua các ngả ngăn người bằng barrier mà không hề xảy ra chuyện gì.

Dọc phố toàn các dinh thự chính phủ là White Hall, tôi thấy cứ năm sáu mét lại có một người cảnh sát đứng.

Có lúc phải dừng lại vì ngăn đường, có người hỏi họ cảnh sát nói 5 phút họ lại nhận được lệnh (order) để xử lý tình huống và các barrier được đóng hay mở ngay sau đó, khiến dòng người vẫn di chuyển được, dù chậm mà không tắc nghẽn.

Giữa đám đông đi chậm hoặc dừng lại ngay bên các phố đ̉ể xem lễ, và lòng các phố cho đoàn xe rước đi qua là hai hàng rào để tạo lối thông thoáng ở giữa.

Đấy cũng là lối đi (passage) cho nhân viên y tế và công nhân dọn rác đi lại để làm việc ngay, khiến người ta vẫn ăn uống mà đường phố không ngập lên vì rác.

Lúc sáng, khi đến gần khu Westminster tôi bị lạc ngõ phải hỏi cảnh sát thì được họ hộ tống (escort) bằng lối đi riêng đó để nhanh chóng đến điểm tụ tập của báo chí.

Với hàng trăm cơ quan truyền thông lớn nhỏ từ khắp nơi đổ về thì Đám cưới Hoàng gia là dịp chạy tường thuật đặc biệt.

Truyền thông không nghỉ

Vì thường tìm xem các khuôn mặt châu Á, tôi thấy các đài Nhật, Trung Quốc, Indonesia và một số nước khác có ở khu cho thuê lấy hình theo giờ.

Ở ba bốn giàn cao (platform) đối viện Tu viện Westminster, các vị trí cho truyền hình, phát thanh, báo ảnh và báo mạng được chia ra rõ ràng, ai có thẻ loại gì thì vào chỗ đó.

Riêng phần cho phát thanh và online của BBC được hẳn một tầng và chúng tôi lên đó, nối các máy móc, phương tiện đã có sẵn để làm việc.

Nhìn sang bên kia phố Broad Sanctuary là cổng Tu viện cũng là Thánh đường của Anh giáo, nơi các đơn vị Hải, Lục và Không quân có đội danh dự trực sẵn.

Trước giờ Hoàng tử William và cô Kate Middleton đến là các đợt xe chở quan khách quốc tế, hoàng gia nước ngoài.

Đám nhà báo ồ lên hỏi nhau khi cờ một số nước xuất hiện trên những chiếc xe sang trọng từ từ đỗ tới.

Vì xung quanh tôi cũng không thiếu các phóng viên BBC gốc nước ngoài nên các kiến thức về cờ được một số người đem ra thể hiện.

Nào là "Đó là cờ của Hoàng gia Tây Ban Nha".

Ai đó lập tức thêm ngay: "Tin nói Nữ hoàng Tây Ban Nha dự lễ".

Thế là sau vài cú điện thoại hay nhắn tin kiểm chứng, ai đ́ó đã "live" ngay trên đài về tin đó.

Khi lãnh đạo đối lập Ed Milliband của đảng Lao Động bước đến, ai đó tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao hai cựu thủ tướng của đảng này, Tony Blair và Gordon Brown không được mời.

Và cứ thế, đám nhà báo thay nhau làm việc, và theo các điểm nhấn trước cửa Tu viện mà các tiếng ồ, à, xuýt xoa rộ lên.

Mấy nhà báo nữ không tiếp lời khen bốn em bé trong nhóm phù dâu phù rể, gọi các em là như "thiên thần" (angels).

Khi vợ của Thủ tướng David Cameron xuống xe, ai đó hỏi to ̣̣(bằng tiếng Anh): "Áo của SamCam gọi là màu gì, xanh lá cây hay xanh ngọc - emerald?"

Ai đó không rõ và mấy người, trong đó có tôi, bấm lại máy ảnh để xem và giúp mấy người tường thuật cho radio nhìn rõ lại màu áo của cô Samantha Cameron.

Và khi đoàn xe chở cô dâu Kate Middleton v̀ong từ ngả Nghị viện Westminster từ từ tiến vào thì tiếng ồn ào lên cao độ.

Cô dâu bước xuống xe, chiếc áo cưới dài màu trắng thướt tha.

Một loạt kỹ thuật viên, và biên tập của các chương trình cũng rời vị trí rút máy ảnh riêng ra, vươn người qua cả lan can của khu báo chí thi nhau chụp, chắc để có kỷ niệm riêng.

Và sau khi cô dâu cùng em gái là người phù dâu bước vào Tu viện, tôi bỗng nghe tiếng động liên tiếp xung quanh: dân báo chí bỏ hết vị trí, chạy ngay xuống sân đằng sau khu platform để xem truyền hình từ bên trong Thánh lễ.

Lý do là từ lúc này, chỉ đài truyền hình số 1 của BBC có quyền phát hình từ bên trong Tu viện Westminster, nên mọi chương trình nước ngoài hay kể cả radio của BBC chỉ có nước theo dõi màn hình để biết chuyện.

Một số nhà báo đã lục tục ra về.

Một số khác nói với tôi họ phải sang ngay Điện Buckingham để chờ phút xe hoa vào cung điện, sau đó chừng 1 giờ 45 phút.

Dưới phố, đám dân chúng phấn khích hát to theo tiếng nhạc nay phát ra từ một loa lớn bên góc đường.

Có vẻ như như tinh thần quốc gia của người Anh lên cao theo tiếng nhạc, và theo ống kính truyền hình bay lượn trên những cột cao, trần thiết trang hoàng bên trong Tu viện lịch sử.

Buổi lễ cũng là dịp để Anh giáo nhắc lại vị trí của mình trong một xã hội thế tục và ngày càng đa dạng, kể cả về tín ngưỡng.

Nhóm nhà báo chúng tôi tỏa xuống sân, nằm đối diện Methodist Central Hall, nghỉ ngơi, chờ xem các cảnh tiếp theo của một buổi lễ tiếp tục đến quá trưa.

Khi tôi cùng một đồng nghiệp Trung Quốc về đến Bush House, trụ s̉ở của BBC World Service thì đã là 2 giờ chiều.

Chúng tôi phải qua rất nhiều đoạn ngăn đường nhưng mọi sự diễn ra khá êm thắm.

Truyền hình chiếu đi chiếu lại phần đỉnh điểm của buổi lễ: nụ hôn trên ban công Điện Buckingham của Công tước William và Nữ Công tước Catherine - cả hai có tước mới được Nữ hoàng phong mới sáng nay, theo tục lệ ở Anh trong ngày cưới.

Sau đó là các cảnh người dân chia sẻ cảm nghĩ về chuyện khó chê được gì nên chỉ có một cách là khen.

Đây là điều khác thường với truyền thông Anh, vốn tự hào về tính chỉ trích, phản biện cao đã ngấm vào máu thịt từng nhà báo.

Nhưng thôi, tôi nghĩ, dù sao cũng là dịp tốt để nước Anh biểu lộ sự hứng khởi, ít ra là hết dịp cuối tuần này.


source
BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment