Sunday, 15 May 2011

Cổ thụ giữa chốn thiền tự


Cổ thụ giữa chốn thiền tự
Cập nhật lúc 7:35:47 PM - 03/05/2011
Nghệ thuật chơi cây kiểng bonsai (kỳ 4)

Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua1.jpg

Hòn non bộ có kiểng bonsai và sen được trồng ở Chùa Bảo Quang – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Hầu như ở chùa chiền, thiền tự, ít nhiều đều có sự hiện diện của “thiên nhiên thu nhỏ” như cây kiểng bonsai, hòn non bộ và những hồ nuôi cá kiểng. Ở các chùa, nhất là chùa Việt Nam, còn có trồng sen hồng, sen trắng và “sen phật” nữa, như ở Chùa Bảo Quang nằm trên đường Newhope thành phố Santa Ana. Khi viết loạt phóng sự về thú chơi kiểng bonsai, chúng tôi có đến chùa và được hầu chuyện thật thú vị với Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ Chùa Bảo Quang. Hòa Thượng chơi nhiều môn nghệ thuật, trong đó có kiểng bonsai.
Trong lúc chờ đợi Hòa Thượng, tôi rảo một vòng sân chùa có không gian thoáng mát. Nhiều tượng Phật được đặt trong khu vườn cây kiểng và hoa trông rất thơ mộng, có cả tượng bầy nai vàng ngơ ngác. Các hòn non bộ, có những cây tùng, cây bách bonsai được trồng trên những quả núi nhân tạo. Theo Hòa Thượng, đó chính là một hình thức thu gọn thiên nhiên vào trong đời thường. Chùa là nơi có nhiều người đến viếng, họ sẽ cảm nhận cảnh trí lắng đọng trong tâm hồn, xua tan những nỗi lo lắng, mệt mỏi.

bonsaichua2.jpg

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cắt tỉa kiểng nơi hòn non bộ – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Kiểng bonsai có nhiều loại. Từ cây tùng, cây bách cho đến cây thiên tuế, vạn tuế, cây dừa, mai chiếu thủy, lan bình rượu, cây ô liu… Có những cây có tuổi thọ vài trăm năm cho đến nghìn năm. Từ trong thiên nhiên hoang dã, mà “thỉnh” những cây này về, rồi cắt tỉa tạo dáng cho thành những đường nét mới. Nhờ vào sự cảm thụ, suy nghiệm của mỗi nghệ nhân, chúng trở thành một loại hình nghệ thuật công phu. Chơi kiểng bonsai hay hòn non bộ cũng có liên quan đến phong thủy. Chúng cần được xếp đặt cho có thứ tự để thể hiện sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên và thần thánh. Thật ra chơi kiểng bonsai đã khó nhưng người biết cảm nhận thưởng thức chúng lại càng khó hơn. Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cho biết: “Sự đồng cảm của người chơi cây kiểng bonsai và người thưởng thức chúng là một sự đồng cảm. Khi biết được giá trị của thú chơi này, tôi đã mang rất nhiều cây kiểng bonsai, dựng hòn non bộ và tạo cảnh trí, đặt nhiều tượng Phật quanh chùa. Trước hết là để cho mình được thấy sự nhẹ nhàng trong tâm hồn, giải thoát sư căng thẳng, giận hờn của cuộc sống hư vô. Phật tử hay ai đến viếng chùa cũng cảm nhận được điều đó. Trước khi thầm khẩn với Phật, cảnh vật đã giãi bày cảm giác ‘tâm hồn lắng đọng’ trong lòng. Con người thường đi tìm sự giải thoát những áp lực cuộc sống bằng nhiều cách. Có người chọn rượu giải sầu, có người chọn âm nhạc ở những vũ trường, quán bar, có người đi tìm đến thiên nhiên vắng lặng. Nhưng cũng có người tìm đến những cảnh trí và thú chơi cây kiểng bonsai. Trong bối cảnh thiền sẽ làm trầm lắng tâm hồn con người giữa chốn đời nhiễu nhương”.
Thú chơi loại hình nghệ thuật này cũng có rất nhiều cấp bậc và hình thức khác nhau. Dựa vào sự sáng tạo, khám phá và lòng đam mê mới có thể tạo ra những cây bonsai mang ý nghĩa và chiều sâu về thẩm mỹ.

bonsaichua3.jpg

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang, với thú chơi kiểng bonsai – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Theo những người chuyên môn, chơi cây cảnh, trồng cây cảnh bao giờ cũng phải coi trọng gốc cây - gốc có to có khỏe thì cây mới mạnh, gốc phải to hơn thân. Gốc càng to càng cho thấy cây đã sống lâu năm. Nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum suê càng đẹp. Cây trồng trong chậu phải là một gốc, trừ một số thế cây quần tụ. Giữa chiều cao và bề rộng của cây phải có sự tương xứng. Thân cây mềm mại duyên dáng, xiêu nghiêng hay đứng thẳng là tùy theo các thế cây. Cành cây phải được phân bổ hợp lý, cấu tạo so le chia ra các hướng lớn không trùng nhau, tránh gò bó. Từ gốc đến chỗ chia cành phải có khoảng cách ít nhất bằng một phần ba chiều cao của cây để nhìn rõ được thân cây. Không nên để cành che lấp mất thân. Mỗi thế cây là một chủ đề, mỗi chủ đề là một bài học và giá trị cuộc sống. Cây bonsai có dáng đẹp, hay có nét cổ một phần do tạo hóa ban tặng; một phần do bàn tay và hơi thở của người tác động vào chúng. Nếu chiêm ngưỡng kiểng bonsai, người thưởng thức có thể liên tưởng đến sự sinh tồn khắc nghiệt và mãnh liệt của chúng nơi chốn thiên nhiên hoang dã. Cũng giống như chính con người vậy. Vì thế mà nhiều nhà thơ đã ví von, “đời người như một rừng cây”.

bonsaichua4.jpg

Những gốc bonsai được chủ nhân khóa lại cẩn thận vì giá trị của chúng, sợ động lòng kẻ gian – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua5.jpg

Tượng hưu nai dưới gốc tùng – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua6.jpg

Một loại cây của vùng Phi Châu với thân đầy gai – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua7.jpg

Dưới những gốc tùng nơi hòn non bộ có nhiều tượng lão tiều phu – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua8.jpg

Một gốc tùng bonsai được đặt trong chậu đá – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua9.jpg

Một gốc non bộ có tượng tiên sư… – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua10.jpg

Nhiều cây kiểng thiên tuế được uốn lá công phu, đặt tại Chùa Bảo Quang – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment