Saturday 20 November 2010

Tản mạn về cà phê


Tản mạn về cà phê

Cập nhật lúc 9:56:18 PM - 19/11/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

W-1.jpg
Cafe vỉa hè.

Cà phê là món giải khát quen thuộc với mọi tầng lớp người Việt từ thành thị đến thôn quê. Ra khỏi nhà năm bảy bước đã gặp quán cà phê. Quán cà phê dân dã đơn giản đến độ không thể gọi là quán: Một bếp lò than củi, một ấm nước sôi, mươi cái ly nhựa, vài ba bình nhôm pha trà... bày biện sơ sài ở một gốc cây, một xó hẻm... đôi ba bàn, khách đến lai rai. Đó là cà phê cóc. Dân lao động còn uống cà phê khi gà mới gáy canh ba để kịp ra đồng hoặïc vào ca (nhà máy). Ai từng đi tàu Nha Trang - Sài Gòn, 4 giờ sáng tàu về đến Gò Vấp, đã thấy nhộn nhịp quán cà phê hai bên đường. Giới khá hơn đi cà phê quán, cà phê quán thường kèm theo vỉa hè. Đa số thích ngồi bàn kê ngoài hàng hiên, vừa thoáng mát, vừa theo dõi hoạt cảnh của con phố dài, đôi khi thấp thoáng tà áo màu hoặc gánh hàng rong qua lại, cảnh lửa bếp trên hè cũng hay hay. Ngoại trừ đại lộ, còn thì các góc phố đều là nơi kiếm sống của dân lao động: Xe trái cây, xe bánh mì... gánh cháo, gánh xôi. Những năm trước, tôi thường ở khách sạn Hoàng Khánh đường Bùi Viện (Q.1 Sài Gòn), sáng nào cũng ra cà phê Ngã Tư Quốc Tế (1), đây là kho ảnh đời thường, tha hồ lượm.
Không hiểu ta giống Tây hay Tây giống ta, có lần qua Paris tôi thấy quán hàng cũng bày ghế dưới hiên, họ cũng thích nhìn ra đường phố trong khi ăn uống. Riêng Hà Nội lại thích ngồi trong phòng, có máy lạnh và hút thuốc thoải mái. Sài Gòn, dân “sang” cũng cùng một điệu, nhốt nhau trong phòng kín, khói thuốc như mây mù, nhạc hip-hop nhức óc inh tai. Việt Nam thì đủ chủng loại văn hóa, không biết đây thuộc văn hóa gì. Tôi ngạc nhiên và không sao hiểu những thứ văn hóa Việt Nam ngày nay. Người trong nước họ rất hồn nhiên: “Anh cần học thêm văn hóa giao tiếp khách hàng”, “Chị này không có văn hóa gửi xe”. Mới hôm kia, tôi thoáng nghe đối thoại trong một phim chiếu trên TV: “Em phải hoạt động đúng theo văn hóa công ty”. Có người còn đùa: “Việt Nam chưa có văn hóa từ quan”. Nhiều quan chức tội tày đình, nhất định ngồi ì, mặc cho dư luận đàm tiếu, “không bãi thì tội gì từ”. “Chịu đấm ăn xôi”!
Tôi đố công dân của bất cứ nước nào, dù thuộc hàng siêu đẳng, học được những thứ “văn hóa” Việt Nam. Đã có “văn hóa đọc”, “văn hóa viết”, một ngày nào đó, nhà trường Việt Nam sẽ có thêm “Văn hóa đại tiểu tiện”, vì thực tế vấn đề này rất bê bối ngoài đường. Có lần tôi suýt chộp được ảnh một tài xế taxi tè vào bụi cây ngay bên kia đường, đối diện với khách sạn 5 sao Lodge Nha Trang.

W-2.jpg

Cafe cóc.

“Cà phê” đôi khi còn mang ý nghĩa như đút lót, “bồi dưỡng”, nhờ ai đó chạy việc cho mình: “Cứ giúp anh rồi có tiền cà phê”. Một câu hẹn hò bâng quơ: “Mai cà phê gặp nhau”, chưa hẳn gặp nhau để uống cà phê, có thể uống bất cứ thứ gì, gặp nhau là để trao đổi, bàn tính, mặc cả chuyện làm ăn. Đã có thời tôi suýt bệnh vì uống cà phê, ngày nào cũng phải uống cà phê no bụng, từ sáng đến chiều để “gặp gỡ, móc nối tìm đường vượt biên”. Cuối cùng vượt vào trại tù A 30, nghỉ dưỡng sức 30 tháng lãng nhách (2). Đã có lần tôi thấy một chị ngồi với nhiều ông trong quán cà phê trước sở tư pháp Hà Nội, một lúc sau bước ra hỏi bà bán nước vỉa hè : “Bác có phong bì bán cho cháu cái”. Uống cà phê cần bì thư làm gì! Mới đây tôi gọi phôn đến phòng văn hóa thông tin huyện Ninh Hòa, và Vạn Ninh (Khánh Hòa), để hỏi về một địa danh muốn tìm, từ sáng đến chiều chẳng ai bắt máy. Tôi hiểu tại sao.
Quán cà phê cũng là nơi bạn bè gặp gỡ, giúp đỡ nhau về chuyên môn trong ngành. Có nhóm ảnh ở Sài Gòn, tuần đôi ba lần họ gặp nhau, khi thì cà phê Viễn Xưa (Phan Đăng Lưu), lúc thì Điểm Mới (Phan Xích Long) hay Thư Giãn (Khánh Hội Q.4) và thường là Café Phúc Âm (Hoàng Hoa Thám Bình Thạnh), nơi trưng bày những tác phẩm nhiếp ảnh của họ, để trao đổi về nghệ thuật chuyên môn.
Một số người lớn tuổi (bên lề xã hội) gặp nhau tâm sự về những ưu tư về thời cuộc, về hoài niệm, hoặc một ước vọng nào đó... Mỗi lớp tuổi, mỗi giới, đều cần có một tụ điểm để giải tỏa ẩn ức, để tìm bạn, để tâm tình, để có thêm cơ hội mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Cà phê là món giải khát bình dân, dễ có dễ tìm. Cuộc sống bao giờ cũng khởi đi từ bình dị dần đến cao sang phức tạp, điều dễ hiểu, không ai muốn đứng một chỗ, kể cả chuyện ăn chơi. Nếu tính nấc thang của loại quán cà phê, từ quán cóc lên máy lạnh, khó mà biết cho hết.
Cà phê ngon dở tùy người. Tôi đã lên café Highlands, lầu 5 City View Hà Nội (để nhìn xuống hồ Gươm), đúng là nơi sang trọng bề thế. Nhưng, cà phê đắt gấp 10 lần cà phê vỉa hè và đắng cũng 10 lần hơn, ngon dở thú thật khó biết. Sau này có bài tìm hiểu về cà phê trên Net cho hay chất đắng là gì, tôi cạch luôn. Highlands ở Sài Gòn cũng bị tai tiếng vụ chuột con nằm trong bánh ngọt (cake) do vợ chồng một ngoại kiều phát giác. Đúng câu “tốt mả rã đám”.

W-3.jpg

Cafe cứt chồn.

Người ghiền cà phê một phần do không khí và phong cách của quán. Người có máu văn nghệ ưa nơi thoáng mát êm đềm, nhạc nhẹ. Tuổi trẻ thích náo nhiệt màu mè, tôi đã nhiều phen bị nhốt trong phòng lạnh, khổ sở cho hai lỗ tai. Yêu cầu vặn nhỏ âm thanh, họ lại vặn cho lớn hơn.
Có người cho rằng, suốt mấy thập niên gian khổ chiến đấu, nay đất nước thanh bình, phải được sống, được ăn chơi như người ta, nhất là mình đã vang danh “đất nước anh hùng, có chỉ số IQ chẳng kém ai”, người ta có “tàu cao tốc”, mình sợ gì mà không có. Chẳng những người trong nước ăn chơi, mà còn phải giới thiệu với “bầu bạn năm châu”. Một “quan lớn” khi ra ngoại quốc thật thà khoe: “Con gái Việt Nam “đẹp lắm” (đến chơi cho biết). Một tài liệu lưu hành trên mạng nói về một sĩ quan ngày trước, tuổi ngoài 7 bó, đi Việt Nam hú hí với cả tá cô đào mơn mởn. Thế cho nên mới phát sinh ra “cà phê ôm”, “cà phê võng”, “cà phê giường”.
Cà phê xứ Việt thật đa dạng đa vị. Tôi phục lăn các bạn uống cà phê, họ phân biệt được Trung Nguyên, Mê Trang, Buôn Ma Thuột... Nhưng, hình như Việt Nam không ai uống cà phê ngoại nhập, dù là thứ nổi tiếng của xứ Ba Tây (Brazil)... Tùy “gu” mà các bạn cà phê kết nhóm gặp gỡ nhau, quán riêng cho một giới mộ điệu hơi hiếm. Quán cà phê đông khách có thể gồm đủ thành phần, họ ngồi từng nhóm riêng và để mặc ngày giờ trôi qua. Trong đường Nguyễn Trãi (Chợ Lớn), có một quán cà phê của làng chơi chim vành khuyên, hầu hết là người Hoa, mỗi ông một lồng chim thật xinh, treo đầy trong quán, chim thi nhau líu, nghệ nhân chuyện trò, nhấm nháp cà phê. Một người bạn cho biết những quán cà phê vang danh một thời ở Sài Gòn: La Pagode, Givral (Tự Do), Tùng (Phan Dình Phùng), Huế có cà phê Lạc Sơn, Pleiku có Dinh Điền. Hà Nội thì tên quán cà phê “nhanh gọn” không văn hoa rườm rà: Giảng (hàng Bạc), Lâm (Nguyễn Hữu Huân), Thái (Triệu Việt Vương), Hói (Nguyễn Thái Học)... Tên chủ nhân là tên quán, cũng như quán nhậu: Bia Hải Xồm (Giảng Võ), Thịt chó Tú Béo (Đê Yên Phụ)... Có nơi cà phê nguyên cả khu phố như phố hàng Hành, được mạnh danh là cà phê của người sành điệu. Khu Miếu Nổi (Sài Gòn) có thể gọi “làng cà phê”. Hiện nay Sài Gòn có quán cà phê rất đặc biệt, cà phê Hoa Anh Đào của các trẻ khuyết tật tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh. Ở đây bàn được đặt tên trái bưởi, trái chôm chôm, con bò, con chó, con voi, để các em khuyết tật dễ nhớ. Những đồ đạc trang trí không được đẹp, nhưng toàn những thứ tự các em làm ra. Quán do Chisato, người phụ nữ đến từ xứ Phù Tang gầy dựng. Chisata là người mẹ thứ hai của các em mồ côi, đang được nuôi dưỡng tại câu lạc bộ Hoa Anh Đào. Có điều hơi lạ, theo tôi biết, các trung tâm từ thiện lại do các phụ nữ làm nên từ hai bàn tay trắng của họ, chứ không do các đại gia tỉ phú. Ai cũng biết Gò Vấp có làng nuôi trẻ mồ côi của cô Tim. Cô Tim là một sinh viên người Thụy Sĩ du lịch đến Sài Gòn, do động lòng trước cảnh cơ cực của trẻ mồ côi, mà dần dà trở thành người mẹ nuôi một làng trẻ, chi phí cả chục ngàn Mỹ kim mỗi tháng (3). Ở Bình Dương cũng có trung tâm Nhân Đạo Quê Hương, do cô Huỳnh Tiểu Hương, một thân một mình gầy dựng và lo liệu, trong khi báo chí hàng ngày phơi bày không biết bao nhiêu người giàu sụ nhờ đục khoét tài sản quốc gia, tiền không biết làm gì cho hết.

W-4.jpg

Cafe Nghệ Sĩ.


Trong dư luận còn nghe một loại cà phê không mấy vệ sinh, “cà phê cứt chồn”. Chồn ăn cà phê thải nguyên hột ra ngoài, loại cà phê này mới trứ danh. Nói thì nghe vậy, chứ làm sao theo chồn nhặt cà phê như hốt “phân bắc”! Trước 75, ai cũng biết cà phê cứt chồn chỉ là cách quảng cáo, hồi ấy ngay tiệm ảnh Kim Môn (đường Độc Lập Nha Trang) cũng bày bán thứ cà phê này. Ngày nay loại cà phê này có thật. Một tài liệu trên Net cho biết, người ta nuôi chồn, cho chồn ăn nguyên hột cà phê chín, chồn thải ra hạt cà phê tróc vỏ. Cà phê này được qua nhiều giai đoạn tẩy rửa gạn lọc, làm sạch trước khi rang theo lối thủ công; cuối cùng bao bì thành phẩm... Trông cũng đẹp mắt và rất “hiện đại”, nhưng, giá cả trên trời, một cốc cà phê ở New York bằng nửa triệu bạc Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lối chơi của giới lắm bạc nhiều tiền.
Từ cà phê đen, người ta biến chế ra nhiều thứ cà phê tên rất lạ: “Café trứng kết hợp độc đáo giữa vị đắng của cà phê và vị béo của trứng, sẽ tạo khẩu vị cho khách đặc biệt, hấp dẫn. Café muối, thêm chút đậm đà tạo “gu lạ” khó quên. Về thương mại, quảng cáo bao giờ cũng xuôi tai, vào thực tế sự định giá phẩm chất hàng hóa không đơn thuần là âm vang của chữ nghĩa. Có khi quảng cáo vang như chuông đồng, nhưng lại gây phản cảm đối với khách hàng. Phải công nhận, chỉ từ một hạt như hạt đậu mà cà phê, đã tạo cho mình vóc dáng đáng kể, một phẩm chất tiếng tăm từ Âu sang Á. Tuổi nào cũng tiếp cận được với cà phê để có những giây phút hưng phấn cho đời sống vốn cơ cực từ ngày này qua ngày khác.

(Kỳ sau: Cà phê vườn)

Trần Công Nhung
08-2010

(1). Ngã tư quốc tế trang 120 QHQOK tập 6
(2). Đổi đời trang 54 Thăng Trầm in 2004
(3). Tài chánh do quyên góp từ trong nước ra hải ngoại. Thời gian sau nhiều nguồn tin cho là cô này hoạt động kinh tài cho (...).
source
VienDong Daily

Friday 19 November 2010

Blog: đệ ngũ quyền


Blog: đệ ngũ quyền

Hình: Photos.com

Khái niệm đệ ngũ quyền (the fifth estate) được dùng để chỉ thế giới blog chỉ mới xuất hiện được khoảng năm ba năm trở lại đây mà thôi.

Nói đến đệ ngũ quyền hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ ngay đến khái niệm đệ tứ quyền vốn đã được sử dụng để chỉ giới truyền thông, từ báo in đến truyền thanh và truyền hình. Khái niệm này đã xuất hiện từ lâu, khoảng cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, trước hết là ở Pháp và ở Anh. Ba quyền kia, ở Anh, được phân bố trong Thượng nghị viện, bao gồm Viện Tăng Lữ (Lords Spiritual), Viện Quý tộc (Lords Temporal) và Viện Thứ dân (the Commoners); ở Pháp, quyền lực cũng được chia cho ba giới như vậy nhưng dưới tên và hình thức khác (Nhà thờ, Quý tộc và Thị dân).

Sau này, khái niệm tam quyền được dùng để chỉ ba lãnh vực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có điều, lúc nào và ở đâu người ta cũng nhận thấy, sự phân quyền ấy chỉ có thể hiệu quả và bảo đảm được tự do và dân chủ nếu có thêm cái quyền thứ tư: quyền thông tin và quyền ngôn luận được thể hiện qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Các phương tiện truyền thông đại chúng ấy, thoạt đầu, chỉ bao gồm báo in; sau, thêm truyền thanh, và, từ giữa thế kỷ 20, thêm truyền hình. Về phương diện chính trị, tất cả đều nhắm đến một mục tiêu lý tưởng: minh bạch hoá các hoạt động của chính phủ trong cả ba lãnh vực lập pháp, tư pháp và hành pháp, đặc biệt là hành pháp, để tránh việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực, hay nói cách khác, theo cái khẩu hiệu thường nghe ở (...)

Không còn hoài nghi gì nữa, trong suốt thế kỷ 20, truyền thông đại chúng đã từng nhiều lần chứng minh vị thế của một thứ đệ tứ quyền trong đời sống chính trị, nhất là ở các nước dân chủ. Giới truyền thông được quyền yêu sách chính phủ phải công khai hoá những quyết định quan trọng liên quan đến đất nước và xã hội. Giới truyền thông cũng từng đóng vai trò phản biện tích cực đối với những chính sách mà họ cho là sai trái, qua đó, hướng dẫn dư luận và buộc chính phủ phải điều chỉnh nhiều chính sách để hợp với nguyện vọng của dân chúng. Với vai trò đó, truyền thông đại chúng đã trở thành một thứ hàn thử biểu để đo lường tính chất dân chủ trong một xã hội: Ở đâu truyền thông được tự do và độc lập, ở đó có dân chủ; ngược lại thì không. Đơn giản chỉ vậy.

Ở Mỹ, trong suốt nửa sau thế kỷ 20, truyền thông trở thành một lực lượng chính trị quan trọng, trong đó, nổi bật nhất là hai sự kiện: chiến tranh Việt Nam và sự kiện Watergate.

Trong chiến tranh Việt Nam, truyền thông đóng vai trò quan trọng đến độ nó trở thành danh xưng của cả cuộc chiến tranh: chiến tranh truyền thông (media war) hay chiến tranh trong phòng khách (lounge room war), nơi mỗi buổi tối mọi người dân Mỹ đều có thể theo dõi, hầu như tận mắt, những cảnh khốc liệt trong cuộc chiến ở Việt Nam. Truyền thông, đặc biệt là tivi, đã mang hình ảnh chiến tranh trong rừng núi và đồng quê ở một nước châu Á xa xôi heo hút vào tận phòng khách từng nhà. Nó biến cuộc chiến tranh ở Việt Nam thành cuộc chiến tranh về Việt Nam. Nó cũng biến cuộc chiến tranh trên mặt trận quân sự thành một cuộc chiến tranh trong trái tim từng người.

Kết quả là phong trào phản chiến càng ngày càng lớn mạnh, tạo thành một sức ép đè nặng lên chính quyền Mỹ, và, cuối cùng, không thể chịu đựng nổi những sức ép ấy, họ tuyên bố rút quân, để đến năm 1975, chấp nhận thua trận. Bởi vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng Mỹ không thua trận ở chiến trường Việt Nam; họ chỉ thua trên mặt báo và trên màn ảnh tivi.

Cũng ở Mỹ, truyền thông lại chứng tỏ được sức mạnh lớn lao của mình qua vụ án Watergate. Đó là tổng hành dinh của đảng Dân Chủ và cũng là nơi, vào ngày 17 tháng 6 năm 1972, cảnh sát bắt được năm người đàn ông lén lút đột nhập và ăn trộm tài liệu của đảng Dân Chủ. Các cuộc điều tra, sau đó, phát hiện cả năm người này, trực tiếp hay gián tiếp, đều có liên hệ với Uỷ ban tái tranh cử Tổng thống của đảng Cộng Hoà lúc ấy đang cầm quyền.

Sự cố ấy gây khá nhiều xôn xao trong dư luận nhưng có lẽ nó sẽ không có ảnh hưởng quá lớn lao nếu hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein không tung ra bài phóng sự trên The Washington Post, trong đó, hai ông tiết lộ, một viên chức cao cấp của chính phủ, dưới mật danh là Deep Throat, cho biết: hành động ăn cắp tài liệu của đảng Dân Chủ ở Watergate nằm trong âm mưu chung của đảng Cộng Hoà và được sự chấp thuận của chính Tổng thống Richard Nixon. Bài phóng sự làm thay đổi hẳn dư luận, cuối cùng, buộc Tổng thống Nixon phải từ chức. Đó là việc từ chức đầu tiên, và cho đến nay, duy nhất của tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu truyền thông cũng có thể đóng vai trò quan trọng và cần thiết như vậy. Có hai trở lực chính:

Thứ nhất, ở các quốc gia độc tài, chính phủ luôn luôn tìm cách thâu tóm hoạt động truyền thông vào tay mình. Báo chí: nhà nước nắm. Truyền thanh: nhà nước nắm. Truyền hình: nhà nước nắm. Người ta có thể tư hữu hoá và tư nhân hoá trên rất nhiều lãnh vực, trừ truyền thông. Tất cả mọi nguồn tin tức đều bị nhà nước kiểm soát. Mọi tiếng nói phản kháng hay phản biện, thậm chí, hơi một chút độc lập, đều bị dập tắt. Vai trò thông tin và kiểm soát của dân chúng đối với chính phủ không thể thực hiện được. Cái gọi là “....” chỉ còn là một khẩu hiệu suông, láo khoét và rỗng tuếch. (...) nằm trong trường hợp này.

Thứ hai, ngay ở các nước tự do và phát triển, tự do trong lãnh vực truyền thông cũng càng ngày càng hạn chế. Lý do chính là vì xu hướng tập trung hoá trong lãnh vực kinh tế. Để bao quát được mọi tin tức nổi bật trên phạm vi toàn thế giới và để có thể loan tin nhanh chóng đến mọi hang cùng ngõ hẻm, người ta cần nguồn nhân lực mạnh và điều kiện kỹ thuật cao; tất cả đều cần nhiều vốn liếng mà chỉ có các nhà đại tư bản mới gánh vác nổi. Hậu quả là hầu hết các cơ quan truyền thông đều nằm trong tay một số người. Chính họ, chứ không phải dân chúng, khuynh loát toàn bộ dư luận trong xã hội. Trong các cuộc bầu cử tự do, họ ngả theo phe nào, phe đó thường thắng. Sự ủng hộ của họ, dĩ nhiên, sẽ được trả công, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Trong cả hai trường hợp vừa kể, cái gọi là đệ tứ quyền nếu không bị bóp nghẹt (ở trường hợp trên) thì cũng bị hạn chế rất nhiều (trường hợp dưới). Truyền thông không còn hoàn toàn tự do và độc lập nữa. Vai trò của nó đối với tiến trình dân chủ hoá xã hội bị giảm thiểu đáng kể. Chính vì vậy, người ta mới thấm thía nhu cầu cần có một thứ “quyền” khác: đệ ngũ quyền.

Đại diện của đệ ngũ quyền chính là internet, đặc biệt, của các blog.

Thật ra, internet cũng nằm trong lãnh vực truyền thông; nhưng internet khác các hình thức truyền thông truyền thống khác ít nhất ở hai điểm:

Thứ nhất, nó không bị giới hạn về không gian và thời gian. Về không gian, tất cả hình thức truyền thông cũ, đặc biệt là báo in, đều bị giới hạn trong một khung địa lý nhất định. Ngay truyền thanh và truyền hình cũng không thể đi quá xa. Chỉ có internet là thực sự có tính toàn cầu: Bất cứ ở đâu, hễ có máy vi tính được nối mạng là người ta đọc được. Về thời gian, trên báo cũng như trên truyền thanh và truyền hình, tin tức và bài vở chỉ xuất hiện một lần. Lỡ hụt là hụt luôn. Trên internet, ngược lại, bài vở cứ nằm ở đó mãi. Đọc lúc nào cũng được. Khi cần, người ta có thể đọc lại được cả những bài rất cũ, cả mấy năm hay hàng chục năm trước đó.

Thứ hai, internet thoát được xu hướng tập trung hoá. Một đại công ty có trang mạng hay blog? Ừ, cũng được. Nhưng một cá nhân nào đó muốn có trang mạng hoặc blog? Cũng được. Trên thế giới, không hiếm gì các trang mạng hoặc blog của cá nhân lại được đọc nhiều hơn hẳn các cơ sở truyền thông lớn.

Mang tính cá nhân, các trang mạng hoặc blog có thể vấp phải một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, một số thông tin có thể chưa được kiểm tra đầy đủ hay một số ý tưởng hay cách diễn đạt chưa được biên tập kỹ lưỡng, v.v... Có thể. Nhưng bù lại, chúng được tự do và độc lập, không bị áp lực của cả chính trị lẫn kinh tế.

Chính vì tính chất tự do và độc lập ấy, internet, đặc biệt là blog, đã được vinh danh là đệ ngũ quyền, tương đương với đệ tứ quyền vốn bao trùm toàn bộ ngành truyền thông truyền thống nói chung.

Chức năng chính của đệ ngũ quyền là gì?

Nếu chức năng chính của đệ tứ quyền là công khai hoá, minh bạch hoá và kiểm soát các hoạt động của chính phủ, từ lập pháp đến tư pháp và hành pháp; chức năng chính của đệ ngũ quyền, trước hết, là kiểm soát và bổ sung cho đệ tứ quyền. Nó lên tiếng ở những nơi đệ tứ quyền im lặng. Nó cải chính những sai sót mà đệ tứ quyền vấp phải. Nhiều người quan niệm: nếu đệ tứ quyền có nhiệm vụ canh chừng các hoạt động của chính phủ thì nhiệm vụ chính của đệ ngũ quyền là canh chừng những kẻ canh chừng ấy.

Điều này có thể thấy rõ trong trường hợp của (...). Các cơ quan truyền thông chính thống im lặng trước dự án bauxite ở (...) ư? Thì các blog lên tiếng. Các cơ quan truyền thông im lặng trước tệ nạn tham nhũng, lãng phí và độc quyền của chính phủ ư? Thì các blog sẽ lên tiếng.

Ở Tây phương, người ta nhìn nhận những sự bổ sung và cải chính như vậy là cần thiết. Riêng ở (...), người ta gọi đó là phản động và tìm mọi cách để trấn áp.

Buồn.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

source

VOA Vietnamese

Thursday 18 November 2010

cướp taxi khai tên là Lieng-Kaun-Lun (SN 1976, ở Sơn Đông, Trung Quốc)


Tường trình kinh hoàng vụ người nước ngoài cướp taxi 18/11/2010 15:03

(VTC News) – “Tôi cố lấy lại bình tĩnh, định đánh lái về phía các anh công an để nhờ trợ giúp bắt tên cướp thì hắn vung gạch lên đe dọa, một tay hắn đánh vô lăng và bắt tôi đạp ga cho xe chạy nhanh hơn”, anh Nguyễn Quang Đông (SN 1990), lái xe taxi BKS 16L-8870 hãng taxi Phượng Hồng chưa hết bàng hoàng kể lại sự việc bị người nước ngoài dùng gạch khống chế, cướp xe.

Tin liên quan

» Diễn biến vụ người nước ngoài cướp taxi qua ảnh
» Hà Nội: Người nước ngoài cướp taxi, gây náo động nội đô

Theo lời lái xe Nguyễn Quang Đông, khoảng 5h chiều ngày 17/11, Đông đón khách từ Bệnh viện Nhi Hải Phòng đi Hà Nội và trả khách ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Sau khi trả khách, Đông quay về Hải Phòng, nhưng bị lạc đường, anh đi tới trạm thu phí gần Bắc Ninh thì được người dân chỉ đường đi Hải Phòng.

“Đang trên đường về Hải Phòng, qua khỏi địa phận TP Hà Nội chưa bao lâu thì có một thanh niên người to cao đứng bên đường vẫy xe. Tôi chỉ vừa đỗ xe vào lề đường, chưa dừng hẳn thì anh ta mở cửa, lao vào xe, tay phải cầm gạch, tay trái chỉ đường và nói tiếng nước ngoài”. Đông hoảng sợ lái xe chạy theo hướng mà vị khách kia chỉ đường.

Tên cướp bị người dân và CSGT bắt giữ

Trên suốt đoạn đường từ đó về tới ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, xe chạy qua rất nhiều chốt chặng CSGT. “Cố lấy lại bình tĩnh, tôi định đánh lái về phía các anh công an để nhờ trợ giúp bắt hắn thì đối tượng này vung gạch lên dọa, một tay hắn đánh vô lăng trả lái lại ra và yêu cầu đạp ga cho xe chạy nhanh hơn. Mỗi lần như vậy, anh Đông nói với “khách” rằng “không sao. Không sao” để trấn an hắn và lấy lại bình tĩnh cho mình", lái xe Đông kể.

Đi được một đoạn, thì Đông bất ngờ nhận được điện của anh trai. Đông đã bảo anh trai gọi điện về cho tổng đài báo sự việc. Đang nói điện thoại thì tên cướp giằng điện thoại rồi tắt máy.

Một lúc sau, chiếc điện thoại còn lại trong túi Đông có người gọi đến, chưa kịp nghe máy thì cũng bị tên cướp người nước ngoài giật nốt rồi tắt máy. “Hắn giật dây bộ đàm, đập bộ đàm để cho tổng đài không liên lạc được với xe”, Đông bàng hoàng kể lại. Suốt trên tuyến đường, tên cướp liên tục đe dọa, khống chế, bắt lái xe phải đi theo đường mà đối tượng này chỉ. “Hắn nói toàn tiếng nước ngoài, em không hiểu gì cả”, Đông kể.

Chiếc xe taxi tại dừng lại vì bị nổ lốp sau khi gây tai nạn cho 3 xe máy và 2 ôtô (Ảnh: NP)

Tại cơ quan công an, đối tượng thực hiện hành vi cướp taxi khai tên là Lieng-Kaun-Lun (SN 1976, ở Sơn Đông, Trung Quốc). Bước đầu, đối tượng này khai nhận đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 và thường xuyên di chuyển chỗ ở. Phòng CSĐT tội phạm về TTXH và Phòng Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội đang tiếp tục làm rõ.
Chiếc xe tiếp tục lao qua cầu cạn Pháp Vân, theo đường vành đai ba rồi về tới ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Dù lúc này trời đã tối, nhưng lượng người tham gia giao thông khá đông, Đông chủ động cho xe chạy chậm lại.

Lợi dụng một khoảnh khắc lơ là của tên cướp, lái xe taxi nhanh chóng tháo dây an toàn, lao ra khỏi xe, tri hô "cướp, cướp". Có phần bất ngờ trước sự liều lĩnh của lái xe, đối tượng người nước ngoài nhoài người sang bên ghế lái để giằng lấy vô lăng toan tháo chạy.

Ngay lúc này, có ba người dân đi đường đã lao vào giằng co với tên cướp nhưng đối tượng vẫn đóng được cửa xe và phóng đi với tốc độ rất nhanh.

Sau đó, được mọi người đưa Đông vào trụ sở CA phường Thanh Xuân Trung trình báo sự việc. Ngồi viết đơn trình báo được một lúc thì có người báo tên cướp chiếc taxi đã bị bắt sau khi gây tai nạn với một loạt xe máy và ô tô cùng chiều trên đường Tây Sơn.

Sáng nay, 18/11, Đông đã cùng cơ quan công an đi xác minh hiện trường, phục vụ công tác điều tra.

Trao đổi với VTC News, ông Trần Dân Tố, thanh tra hãng taxi Phượng Hồng cho biết, lái xe taxi Nguyễn Quang Đông, SN 1990, mới được nhận vào lái xe cho hãng được gần hai tháng nay.

Nam Phong

source

http://vtc.vn/2-269154/xa-hoi/tuong-trinh-kinh-hoang-vu-nguoi-nuoc-ngoai-cuop-taxi.htm

Hé lộ bất ngờ vụ người nước ngoài cướp taxi náo loạn HN 20/11/2010 09:00

(VTC News) – Một ngày trước khi thực hiện vụ cướp taxi táo tợn, gây tai nạn thương tâm cho nhiều người tại Hà Nội, Liang Kunlun đã gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho một phụ nữ tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Điều người dân đặt dấu hỏi là lý do vì sao Liang được thả ra sau khi đã gây họa tại Từ Sơn.

Tin liên quan

» Tường trình kinh hoàng vụ người nước ngoài cướp taxi
» Diễn biến vụ người nước ngoài cướp taxi qua ảnh
» Hà Nội: Người nước ngoài cướp taxi, gây náo động nội đô

Liang KunLun bị bắt giữ tại hiện trường vụ gây tai nạn liên hoàn

Gây họa tại Bắc Ninh và Hà Nội

Ngay sau khi VTC News đăng tải thông tin liên quan đến vụ đối tượng Liang Kunlun (SN 1976, trú tại Sơn Đông, Trung Quốc) thực hiện vụ cướp taxi, gây tai nạn liên hoàn làm hai vợ chồng trẻ và một cháu bé 8 tháng tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, một nguồn tin tại Bắc Ninh hé lộ tình tiết mới liên quan đến Liang.

Theo đó, sáng 16/11, đối tượng này bất ngờ đột nhập vào một nhà dân tại thôn Thượng, phường Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Khi bị người dân đẩy đuổi, đối tượng này dùng hung khí đánh trọng thương một phụ nữ. Đáng chú ý, Công an thị xã Từ Sơn đã bắt và đưa đối tượng về trụ sở. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì Liang Kunlun có thể “đào thoát”, gây náo loạn Hà Nội.

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên VTC News đã có mặt tại thôn Thượng để xác minh thông tin. Ngay khi nhìn thấy tấm ảnh Liang Kunlun tại hiện trường vụ cướp taxi, đông đảo người dân đã xác nhận đây chính là đố tượng gây loạn sáng 16/11.

Anh Đỗ Tiến Long (46 tuổi, người dân thôn Thượng) kể lại, khoảng 7h sáng hôm đó (16/11), vợ anh là chị Nguyễn Thị Ngần đang đứng ở sân thì phát hiện một người đàn ông trèo lên cổng nhà anh, tay cầm hai thanh sắt tròn. Thấy vậy, chị Ngần quát hỏi, đối tượng nói tiếng Việt khá sõi: “Lên bắt cướp”.

Chị Ngần tri hô, đối tượng này ném thanh sắt về phía người phụ nữ này rồi trèo lên tầng 2 ngôi nhà, ở lì trong một căn phòng, khóa trái cửa lại. Lúc này, rất nhiều hàng xóm đã ập đến, bao vây, gây áp lực để đẩy đuổi đối tượng. Một lúc sau, đối tượng này chạy ra ban công, định nhảy xuống tầng 1 nhưng sau đó lại thôi.

Theo lời nhiều người dân, đối tượng này tỏ ra rất hung hãn, chống trả quyết liệt bất kỳ người dân nào có ý định đến gần. Khi em dâu ông Long là chị Ngô Thị Huệ dùng chìa khóa dự phòng mở cửa xông vào căn phòng mà đối tượng đang ẩn náu liền bị đối tượng dùng thanh sắt đập thẳng vào đầu. Hậu quả làm chị Huệ chảy máu đầu, ngất tại chỗ. Nhiều người dân cầm gậy gộc lao vào nhưng bị hung thủ tấn công quyết liệt.

Lý do vì đâu?

“Chỉ đến khi Công an thị xã Từ Sơn có mặt, rút súng chĩa về phía hắn, hắn mới chịu đầu hàng. Lúc này, hắn xì xồ nhiều tiếng nước ngoài với thái độ rất hằn học”, anh Long kể lại. Sau đó, cán bộ công an thị xã Từ Sơn đã đưa đối tượng này về trụ sở để giải quyết.

Để xác minh thêm sự việc, phóng viên đã có mặt tại bệnh viện nơi chị Ngô Thị Huệ đang điều trị. Vừa nhìn thấy tấm ảnh chụp Liang KunLun tại hiện trường vụ cướp taxi, nạn nhân này khẳng định: “Chính nó đã đột nhập vào nhà anh Long, hành hung tôi. Sao nó lại có thể “thoát” khỏi Bắc Ninh để về Hà Nội gây họa cho bao nhiêu người chứ?”.

Tối 18/11, trao đổi qua điện thoại với phóng viên VTC News, một lãnh đạo CA tỉnh Bắc Ninh đề nghị liên hệ với CA thị xã Từ Sơn để được cung cấp thông tin liên quan đến vụ gây rối của Liang KunLun tại địa bàn này. Tuy nhiên, ngày 19/11, khi phóng viên đến làm việc tại CA thị xã Từ Sơn thì không nhận được câu trả lời.

Hải Phong

source

http://vtc.vn/7-269367/phap-luat/he-lo-bat-ngo-vu-nguoi-nuoc-ngoai-cuop-taxi-nao-loan-hn.htm

Sunday 14 November 2010

Chó mèo tha hồ ăn sung mặc sướng



Chó mèo tha hồ ăn sung mặc sướng
Cập nhật lúc 7:26:17 PM - 09/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 4)
Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong1.jpg

Chó kiểng có bộ lông tuyệt đẹp - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chỉ cần bước vào các siêu thị lớn ở khắp nơi trên nước Mỹ, chúng ta đều thấy những gian hàng bán các loại thức ăn cho chó mèo, từ loại bịch lớn, nhỏ, cho đến đồ hộp, nhiều món đồ chơi dành cho chó mèo, các loại vòng đeo, dây nịt cổ, bảng tên, dây buộc chó, nệm, mền, nhà chó mèo... Giá không rẻ tí nào, từ hơn 10 đô la cho tới vài trăm đô la.
Để phục vụ nhu cầu cho chó mèo, trước hết phải kể đến kỹ nghệ chế biến thức ăn cho thú vật với rất nhiều nhãn hiệu, đủ loại, đủ cỡ, có thứ khô, có thứ ướt, đầy đủ chất dinh dưỡng cho từng lứa tuổi, cho mọi nhu cầu phát triển và tăng trưởng của con vật, kể cả có những loại thức ăn dành cho chó mèo đang“diet”.
Kế đến là thị trường thuốc thú y cho chúng. Gần đây, các hãng sản xuất thuốc thú y cho động vật nuôi nghiêng về thiên nhiên cũng nhảy vào cạnh tranh với các loại thuốc thông dụng trước đây trên thị trường.
Kế nữa là các cửa hàng thời trang, đồ trang sức cho chó mèo. Ngay cả những show trình diễn thời trang dành cho chó mèo được tổ chức rình rang, mà chủ nhân của chúng là những nhà giàu có, giới thượng lưu, giới nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để nuôi nấng và biến những thú cưng của mình thành những “nhân vật” gây ấn tượng, vừa đẹp vừa nổi tiếng, không thua chủ nhân của chúng.

w-chomeosuong2.jpg

Bên tách cà phê với chủ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngoài ra còn vô số những dịch vụ linh tinh khác nhắm vào khách hàng bốn cẳng này. Chó cũng có đồ chơi và có xương giả để gặm cho đỡ buồn miệng và cho sạch răng.
Nhiều bác sĩ thú y không những làm việc ở các bệnh viện chó mèo, mà còn mở phòng mạch riêng cho mình, chuyên chăm sóc điều trị những thân chủ “chó mèo” của mình như cấp cứu, chích ngừa bệnh dại Rabies, triệt sản, rồi đến cắt tỉa lông, làm đẹp theo nhu cầu của chủ… Một bác sĩ thú y quảng cáo giá chà răng cho chó mèo trước đây khoảng từ 300 đến 400 đô la, nay giảm còn một nửa. Giá cắt tỉa lông làm đẹp cho chó từ 35 đến 55 đô la/con. Quả là đắt hơn giá cắt tóc cho nam giới.
Lúc mới qua Mỹ, thấy con mèo nuôi trong nhà dễ thương quá, tôi mang một ít thức ăn “ngon hết biết” như tôm khô, khô mực nướng cho nó ăn, tưởng là nó thích lắm, ai ngờ… nó chỉ ngửi rồi ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ đi một nước. Hỏi đứa em “hình như con mèo nó muốn bệnh rồi nghe… cho nó ăn mà nó không thèm ăn…”, đứa em trả lời: “Nó là của chủ người Mỹ trước đây nuôi, nên nó đâu biết ăn món Việt Nam… Anh phải lấy thức ăn dành riêng trong bịch cho nó, có cả đồ hộp nữa…”.

w-chomeosuong3.jpg

Dẫn cho đi tập thể dục - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngày hôm sau, khi thấy nó kêu “meo, meo”, tôi làm y như đứa em chỉ, lấy đúng thức ăn dành cho mèo thì nó ăn ngon lành. Em tôi cho biết, mỗi tháng tốn khoảng 50 đô la để mua thức ăn và thuốc xịt cho sạch lông, diệt bọ chét… Mỗi khi trời lạnh, còn phải lấy mền ấm ra cho mèo ngủ, sợ nó lạnh. Con mèo này nổi tiếng bắt chuột, chim, nên trong nhà hay ngoài sân không hề có con chuột nào dám lui tới… Có điều nó “ị” tùm lum trước sân cỏ và quanh nhà, một hai ngày là phải đi làm vệ sinh một bữa, cũng hơi... đuối.
Tại một số khu thương xá sang trọng như Fashion Island Mall, Nam California, người ta cho phép khách hàng bồng chó mèo theo lúc đi mua sắm. Cửa hàng Ikea chuyên bán bàn ghế và vật dụng trong nhà, đồng thời cũng có gian hàng chuyên bán thêm những loại sản phẩm riêng cho chó mèo với nhãn hiệu Pets and People và khẩu hiệu quảng cáo là “The more you give, the more they give” (Quý vị càng cho nhiều, thú cưng càng đáp lễ nhiều). Một số nhà hàng và tiệm cà phê lộ thiên như Starbucks Coffee Shop cho phép khách được đem chó mèo vào trong tiệm.
Chó mèo cũng có thể đi du lịch xa với chủ. Đi máy bay cũng phải trả thêm tiền vé. Năm 2010, một hãng máy bay nội địa của Mỹ tính giá 69 đô la một chiều cho thú cưng, được định nghĩa là chó, mèo, hoặc chim nhỏ đã được thuần hóa, nhưng phải cho vào một cái lồng kích thước không quá 8,5 inch chiều cao, 17 inch chiều dài, và 12 inch chiều ngang. Lồng cũng phải thông hơi hai bên và phải kín dưới đáy, phòng hờ trường hợp thú cưng “làm bậy”. Và khi hãng máy bay giới hạn số túi xách được đem theo lên máy bay như hiện nay, lồng đựng thú cưng cũng được tính là một túi xách tay. Theo quy định của hàng không, hành khách phải để lồng dưới ghế ngồi trong suốt thời gian bay.

w-chomeosuong4.jpg

Bạn của bà là hai con chó kiểng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong5.jpg

Cùng chó đi công viên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong6.jpg

Mèo cưng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong7.jpg

Mèo có bảng tên và số điện thoại - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Đưa chó đi dạo…
Cập nhật lúc 8:23:59 PM - 04/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 3)

Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao1.jpg

Cả hai cùng chinh phục đỉnh cao Yosemite - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Thống kê tại Hoa Kỳ cho biết, 62% gia đình Mỹ nuôi thú cưng, tức khoảng 71,4 triệu nhà có ít nhất một con vật năm 2009-2010, theo cuộc thăm dò hàng năm toàn quốc của National Pet Owners Survey. Trong đó, 45,6 triệu gia đình nuôi chó và 38,2 triệu gia đình nuôi mèo. Ngân khoản chi cho các loại thú cưng tổng cộng lên đến 45,5 tỷ Mỹ kim trong năm 2009 và ước tính 47,7 tỷ Mỹ kim trong năm 2010.

w-chodidao2.jpg

Dạo mát trên đồi hoa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Có thể nói, chó là một loài vật gần gũi nhất với loài người, và cũng là bạn đồng hành lâu đời nhất của nhân loại. Nó cũng là con vật trung thành nhất với chủ tốt. Tuy được xem là bạn, nhưng loài người đâu phải lúc nào cũng đối xử tốt với loài chó. Sự phân biệt này cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như phong tục tập quán của từng quốc gia. Nhìn chung thì phương Tây họ quý trọng chó mèo hơn các nước phương Đông. Ở Hoa Kỳ, người ta không được phép làm thịt chó, bán thịt chó. Họ xem việc làm thịt chó như một hành động dã man, kém văn minh. Tuy nhiên, những nước Châu Á như Việt Nam, Đại Hàn, Trung Quốc, Phi Luật Tân... lại xem việc ăn thịt chó là chuyện bình thường, và còn cho là món ăn bổ dưỡng, ngon miệng.
Ở Mỹ, nuôi chó khó nhọc công phu như nuôi một đứa bé. Nhiều người ví nuôi chó như nuôi “những đứa trẻ có lông”. Chó nuôi ở Mỹ sướng vô cùng. Vào mùa đông lạnh lẽo, các bà các cô chu đáo thường mặc áo ấm, mang vớ đàng hoàng cho con chó cưng của mình, rồi mới dẫn nó đi dạo phố.
Nhiều lần, tôi thấy một chị đi dạo và tay đẩy một cái xe, trên đó tưởng đâu em bé, nào ngờ lại là một con chó nhỏ rất dễ thương. Mấy người nói với nhau, con chó đó sướng ghê, chắc nó khéo tu ở kiếp trước nên giờ mới được vậy.

w-chodidao5.jpg

Dẫn chó đi thể dục, không sợ nó cắn ai - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao6.jpg

Chó ít lông trong công viên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chó ngày nay có những đặc quyền mà trước kia chỉ dành cho trẻ con trong nhà. Chủ cũng có thể mua bảo hiểm sức khỏe cho chó. Những con chó quý đều được gắn một cái “chip” dưới da, trên đó ghi đầy đủ lý lịch của chúng, như tên, tuổi, địa chỉ và số điện thoại của chủ. Đây là một loại thẻ căn cước của con vật để ngừa trường hợp bị mất cắp và đem bán cho người khác.
Tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ, các nhà lập pháp đã soạn ra nhiều dự luật đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của thú vật nuôi trong nhà mà chủ đích nhắm vào chó mèo. Ở California, chẳng hạn, chính phủ bắt phạt nếu đối xử tồi tệ với thú nuôi trong nhà. Ngoài ra, còn có luật về triệt sản, chích ngừa bệnh dại, quyền sở hữu thú nuôi, v.v..
Những người giàu có lo xa hơn. Họ làm di chúc để tài sản lại cho con chó cưng của mình khi họ phải đi theo ông theo bà. Bởi vậy mới nói người ta lo cho chó không khác gì hơn lo cho một đứa trẻ.
Ở Mỹ, nhiều gia đình đi du lịch thường mang theo chó cưng của mình. Một lần chúng tôi lên Công viên Quốc gia Yosemite ở California chụp hình, gặp một phụ nữ cùng đi với một con chó có lông màu vàng. Cô chủ ngồi cheo leo nơi chóp đá nhìn ngắm phong cảnh, bên cạnh là con chó. Lâu lâu cô chủ lại kéo chú chó lại gần rồi hôn nó. Con chó cũng đáp lại tình cảm bằng cách liếm lên mặt chủ. Những người bạn nhiếp ảnh kéo ống kính têlê, và tôi cũng chụp được mấy kiểu ảnh “khoảnh khắc” ấy.
Nhớ mấy tháng trước, một phụ nữ leo núi cùng với con chó, không may bà bị trợt chân, té mất mạng, không ai hay biết. Con chó vẫn chịu được giá rét bên thi thể người chủ của mình mấy ngày đêm. Nhờ con chó mà người ta phát giác ra người phụ nữ xấu số ấy.
Dịp nọ, cùng với đoàn nhiếp ảnh đi Carrizo Plain National, trong khi mọi người đang chụp đồi hoa, từ phía chân núi, một đôi tình nhân mỗi người dẫn một con chó xuất hiện. Thế là mọi góc nhìn đều tập trung vào đôi tình nhân và hai con chó đi trên con đường hun hút hai bên hoa đỏ rực rỡ. Chó cũng thưởng thức cảnh đẹp như người chăng.
Ở Mỹ, chuyện dẫn chó đi dạo không những là một thú vui mà còn là một mốt thời trang không bao giờ lạc hậu. Người đẹp dẫn chó vào trong các công viên và những chiều nắng ấm. Có vô số loài chó khác nhau, chó phóoc nhỏ xíu, chó quý tộc, chó bécgiê cao to, chó lông xù, chó tai to, chó tai nhỏ, chó lông ngắn... mỗi con một kiểu khác nhau, đi bên những người chủ của mình.
Có lần tôi vào một công viên ở Sacramento, thủ phủ California, để chụp ảnh mùa thu. Tôi nhìn thấy hai người phụ nữ và một con chó to tướng lông xù màu đen tuyền đang nô đùa trên thảm lá vàng; một người chải lông, một người mang kiếng cho chó… Rồi cả hai thay phiên nhau chụp hình với chó đến nỗi con chó mệt thè lưỡi.

w-chodidao3.jpg

Góc mùa thu ở Sacramento với chú chó mang kiếng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao4.jpg

Con chó to tướng chụp ảnh đến mệt thè lưỡi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao7.jpg

Chó tai lớn gặp chó mập lùn làm quen nhau - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao8.jpg

Đi dạo với chó “kiêu sa” - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chó nhởn nhơ trong nhà ngoài phố
Cập nhật lúc 7:35:56 PM - 04/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 2)

Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho1.jpg

Hai chú chó lần đầu gặp nhau làm quen – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Trước đây tôi có thời gian làm việc ở San Jose. Vì chưa thuê được nơi ở ổn định tôi được một người bạn giới thiệu đến ở nhà của một bà lão người Mỹ trắng. Bà không lấy tiền nhà, chỉ lâu lâu nhờ chở bà ra chợ mua thức ăn cho chó thôi…
Vì bà ở một mình cũng không có ai phụ tiếp, nên mới nghe qua thì tôi rất thích. Nghĩ trong lòng mình vừa được giới thiệu ở miễn phí, sẵn dịp học thêm Anh văn qua bà cụ cũng hay… Đến ngày hẹn, tôi đến nhà cùng với người bạn. Khi bà cụ mở cửa, tôi thấy bất ngờ vì 4, 5 con chó lớn nhỏ nhảy dựng “chào khách lạ”. Bà cụ nói vài câu tiếng Anh với bầy chó, chúng liền cụp đuôi bỏ vào trong. Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ, lạ thiệt, chó nghe tiếng Mỹ hay quá… mai mốt khi tới ở mình nói tiếng Việt với nó làm sao nó hiểu nổi… coi bộ “căng” à nghe!
Mời chúng tôi vào phòng khách, chưa kịp ngồi xuống ghế salon thì thêm 2 con chó cao cẳng từ nhà sau chạy lên nhảy thẳng lên ghế ngồi như xí chỗ của nó… Sau khi giới thiệu qua lại, bà mời chúng tôi đi xem phòng ốc trong nhà và sân sau… Đi tới đâu bầy chó quấn quýt tới đó, giống như trong phim 101 chó đốm trong căn nhà. Đứng nơi sân sau, bà chỉ tay và nói với anh bạn tôi, nơi này dành cho bầy chó 8 con trong nhà tắm nắng và đi vệ sinh vào buổi sáng. Mặc dù không hiểu rõ lắm, tôi cũng biết bà muốn nói gì, vì nơi đây vẫn còn quá nhiều “mìn”. Rồi bà mời chúng tôi vào bàn ngồi uống cà phê, ăn bánh tây, trong khi hai tay bà mớm liên tục hết chó nhỏ tới chó lớn.

w-chonhonho2.jpg

Nhỏ to – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ra về mấy ngày sau, tôi vẫn bị ám ảnh bởi bầy chó, và sau khi hỏi ý kiến vài người thân, tôi quyết định gọi điện thoại cám ơn người bạn và viện cớ là có khó khăn nên không ở được.
Ở Mỹ nuôi chó sao mà nhọc công quá. Ở Việt Nam, người ta nuôi chó có đi chích thuốc hay mua bảo hiểm gì đâu. Chó nhà có cắn ai thì chịu vài trăm ngàn đi chích thuốc ngừa cho họ là xong… Còn ở vùng quê, nuôi chó không ngoài mục đích giữ nhà, đi bắt chuột và làm thịt khi cần. Thức ăn của chúng là xương và đồ thừa… chứ đâu có kiểu thức ăn bổ dưỡng, thơm ngon sản xuất dành riêng cho chó, mèo như ở Mỹ này.

w-chonhonho3.jpg

Hôn – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Nhiều gia đình ở Mỹ có khi mua cả một ngôi nhà riêng cho chó ở. Giá những căn nhà như vậy cũng gần cả ngàn đô la chứ không ít. Ngoài ra, còn mua thêm những dụng cụ cho nó chơi, cho nó cắn như dĩa nhựa, khúc xương, trái cầu… Mỗi sáng sớm phải dẫn chó ra đường, bãi cỏ để chúng đi tiểu tiện… Mỗi người không quên mang theo cái bọc nylon để khi chó “đi” xong hốt liền vô bọc. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp chó tiểu tiện xong không thấy ai bèn bỏ đi luôn, mặc cho cái của rơi ấy trúng nhà nào nhà nấy chịu.
Buổi chiều vào những công viên, tôi thường thấy nhiều người từ già đến trẻ, nam lẫn nữ dẫn chó đi tập thể dục. Cả hai cùng đi bộ mấy vòng công viên. Có lần, tôi bắt gặp hai người xa lạ nay quen nhau khi nào không biết, bởi hai con chó đi dạo công viên với chủ. Khi gặp nhau, chúng mừng rỡ chạy nhanh lại với nhau, kéo cả hai người chủ đến gần nhau luôn. Lúc đầu chúng còn nhìn ngó, nhưng chỉ trong chốc lát, chúng tiến gần lại nhau không rời bước. Hai con chó kết bạn với nhau trước mặt chủ của nó. Thế là chiều nào hai người chủ cũng dẫn chó đi dạo công viên để cho chúng gặp nhau vui chơi.
Nhiều người nuôi chó cũng có suy nghĩ là con người thích điều gì thì con chó cũng thích điều đó. Có gia đình nọ thích đi biển nên con chó của họ cũng thích đi biển. Chúng chạy nhảy theo chủ và nô đùa với sóng biển. Nhìn chúng đùa nghịch với sóng biển mà tôi cũng cảm thấy vui lây.
Cái hay là chó ở Mỹ có kỷ luật và nghe lời chủ, nên từ trong công viên hay trên bãi biển, chó đi dạo thoải mái mà hầu như không sợ chúng cắn ai.

w-chonhonho4.jpg

Hôn ghì nằm xuống cỏ – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho5.jpg

Mệt hả cún con? – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho6.jpg

Cún cưng của cháu – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho7.jpg

Chó nô đùa với sóng biển – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
101 kiểu nuôi chó, mèo, chim, chuột, thỏ cưng
Cập nhật lúc 9:36:36 PM - 01/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 1)

Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo1.jpg

Giữa đường giữa sá, cụ già khom mình xuống hôn con chó cưng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Không biết từ đâu mà người ta đã ấn định bảng xếp hạng: Ở Mỹ đứng số một là phụ nữ, thứ hai là trẻ em, thứ ba là chó cưng, và thứ tư mới là đàn ông… khiến cho nhiều người ở Việt Nam và nhiều nước Châu Á… cảm thấy khó chịu và không chấp nhận. Bởi vì theo họ đàn ông phải đứng đầu, vì đàn ông là trụ cột của gia đình và xã hội… Còn ở Mỹ, đàn ông không những đứng sau phụ nữ, trẻ em mà còn đứng sau cả thú cưng như chó, mèo… Hơn thế nữa, chó mèo nuôi ở Mỹ còn có cả số “ID”, được mua bảo hiểm, được đi làm nail, cắt tóc, cắt lông, được đi khám bác sĩ định kỳ... Thức ăn của chúng thì nhiều vô số kể, có bán trong hầu hết các siêu thị từ lớn đến nhỏ. Có những bệnh viện dành riêng cho chó, mèo. Cũng như có cả “khách sạn” cho chúng. Rồi khi chúng qua đời… không những không bị làm “cầy tơ 7 món” như ở Việt Nam hay các nước Á Châu mà còn được chôn cất với “mồ yên, mả đẹp”. Bằng chứng là những nghĩa trang chó đầy những bông hoa, có khi hơn cả những nghĩa trang của người. Kính mời quý độc giả cùng bước vào thế giới 101 kiểu nuôi thú cưng ở Mỹ.

w-101kieunuoichomeo2.jpg

Dẫn chó thưởng thức lá vàng thu… còn mang kiếng cho nó nữa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chị Đô Ca ở San Diego năm nay đã hơn 60 tuổi. Sau khi ly dị với người chồng, con cái có gia đình ở riêng và chị ở một mình, buồn quá, chị nuôi một con chó phóoc trắng rất dễ thương. Đi đâu chị cũng cho nó theo. Nhất là những lần đi xa nhà, chị cho con “Popi” theo cùng như là người bạn đồng hành trong cuộc sống… Không khác nào một đứa bé, trên xe chị lúc nào cũng có giấy vệ sinh, bao nylon, khăn, mền, khúc xương và món đồ chơi... Nước và thức ăn khô lúc nào cũng có sẵn cho nó. Có lần, chị được mời hát nhạc đặc biệt trong một chương trình của nhà thờ, chị phải nhờ một vài đứa nhỏ giữ giùm ở bên ngoài nhà thờ. Nhưng ngay lúc chị cất tiếng hát, như nghe được tiếng của chị, con chó khôn đáo để, chạy tọt vào nhà thờ sủa inh ỏi làm chị không còn tập trung. Nhiều người phải cố dẫn cho nó ra ngoài.
Chị tâm sự: “Nhiều lúc cũng thấy phiền lắm em, nhưng nuôi nó mấy năm rồi… Thương nó lắm. Bây giờ nó là niềm vui của chị đó em… Lo cho nó như một đứa nhỏ vậy, cũng cực lắm, mỗi lần đi xa phải mang nó theo… Bỏ nó ở nhà một mình tội nghiệp, mà mang theo có khi bỏ nó ngoài xe nắng nóng, sợ nó chịu không nổi… Làm việc gì, hay đi chợ phải nhanh chóng ra xe với nó mới yên tâm. Mỗi lần trước khi đi xa là phải tắm cho nó sạch sẽ… Tuy nhiên có những lúc phải đi xa mà không thể mang nó theo được, đành phải thuê ‘khách sạn’ cho nó ở… Tốn tiền, cũng ‘chua lắm’. Nhưng cũng đành chịu thôi… Đưa nó vào ‘khách sạn’ thì mới yên tâm. Trong đó có đầy đủ các dịch vụ chăm sóc chó”.

w-101kieunuoichomeo3.jpg

Chị Hunl Kim trò chuyện với một người hâm mộ con két - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Gần đây tôi hay sang nhà ông Dương chơi… Ông khoe là có một con mèo rất dễ thương, không biết từ đâu đến ở trước cửa nhà. Mỗi lần thấy ông và người nhà mở cửa là nó chạy đến quấn quýt dưới chân, nũng nịu làm quen… Thấy dễ thương nhưng ông bà cũng không “quan tâm” lắm. Nhưng rồi ngày nào mở cửa cũng thấy nó, cử chỉ y vậy và có tình cảm. Thế là ông bà quyết định mua thức ăn cho nó ăn mỗi ngày, làm chỗ cho nó nằm để tránh nưa gió lạnh lẽo. Nhà có hai người vắng vẻ bây giờ thấy vui hơn. Bỗng dưng có được một con mèo nhận làm “con nuôi”.
Đó là chuyện chó mèo… Bây giờ là chuyện nuôi chim cũng ly kỳ không kém. Mỗi tuần ra biển Redondo Beach ngắm hoàng hôn và xem nhiều người đi câu cá, tôi thấy có một phụ nữ trung niên người Hàn Quốc chạy chiếc xe đạp, trên vai cõng một con chim két to tướng, màu sắc tuyệt đẹp. Hễ chị chạy đến đâu, ai ai cũng nhìn theo thích thú. Mấy lần tôi xin chị dừng lại hỏi chuyện, mới biết chị tên Hunl Kim. Chị nuôi con chim ấy đã hơn 12 năm, nhà gần biển, nên chiều nào cũng chở con két đi dạo, tập thể dục. Không những chị quen mà con két cũng quen, hôm nào chị không ra biển là con két nó nhắc: “Go sea”. Con chim ra ngoài nên ai nó cũng quen, người nào muốn nó đứng trên tay, trên vai nó đều đứng… nhưng được chỉ một lát thôi, nó liền đòi trở lại với chủ của nó.
Đó phải chăng là những thú cưng mà nhiều người đã chọn sống chung như những người bạn hiền. Trong cuộc sống bận rộn, tất bật với vật chất, chính chúng có thể làm cho cuộc sống này có nhiều ý nghĩa hơn, thú vị hơn và vui tươi hơn… mặc dù phải mất thời gian, tiền bạc, công sức khó nhọc với chúng… Và có lẽ vì thế mà chó, mèo được dân gian khôi hài xếp hạng cao hơn đàn ông một bậc như ở Mỹ này.

w-101kieunuoichomeo4.jpg

Chị Kim hôn con két một cách “tình thương mến thương” - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo5.jpg

Mèo của nhà ông Dương - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo6.jpg

Hễ thấy ông bà Dương là “nàng mèo” này làm duyên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo7.jpg

Chị Kim và bạn két trên vai dạo biển - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


source
Viễn Đông Daily

Wednesday 10 November 2010

Làm từ thiện ở Việt Nam, thật và giả


Làm từ thiện ở Việt Nam, thật và giả
Tuesday, November 09, 2010



Sài Gòn Cô Nương/Người Việt

Sự sung túc, hào nhoáng ở Việt Nam chỉ nổi lên ở bề mặt những khu du lịch, thành phố lớn, thị trấn, thị xã... còn dân chúng ở vùng quê, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay cả trong thành phố vẫn không thiếu người nghèo đói.

Người dân vùng lũ lụt nhận quà từ thiện. (Hình: H.A./Người Việt)

Có vô số trường hợp cần giúp đỡ. Từ người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, tai nạn thương tâm xảy ra hàng năm, hàng ngày. Lúc nào và ở đâu cũng đều có những hoàn cảnh khốn khó.

Hầu như các báo đều có mục ‘Nhịp cầu Nhân Ái’, ‘Tấm Lòng Từ Thiện’... Những hoàn cảnh đáng thương xa xôi đâu có ai biết. Thường thì họ lặn lội liên lạc hoặc người hảo tâm gửi tin lên các phương tiện truyền thông... Một mẩu tin đăng trên báo luôn thu hút sự giúp đỡ của mọi người.

* Những tấm lòng thơm thảo

Anh Nông Ðoàn Dưỡng, người Tày ở Cao Bằng, bị năm mươi con ong vò vẽ đốt, mang vào bệnh viện, vợ con viết đơn xin mang về quê chờ chết vì không có tiền chạy chữa, nhưng chỉ một bản tin ở một tờ bán tuần báo ở Sài Gòn, chỉ sau vài ngày, độc giả đã giúp anh hơn ba mươi triệu đồng.

Em Phạm Thị Xinh 17 tuổi ở Ðà Nẵng đeo khối u 10kg ở chân chuyển vào bệnh viện Ung Bướu, trong mấy ngày đã được giúp hơn một trăm triệu.

Một thanh niên bị té sông chết. Người hiếu kỳ bu đông lại xem. Chung quanh người ít kẻ nhiều góp vào chút ít, một anh công nhân đi làm về tấp vào cũng rút ví ra, ngay lập tức để giúp thân nhân có thể thuê xe chở xác về quê. Bếp ăn từ thiện phát mỗi ngày trong các bệnh viện lớn, quán cơm từ thiện mở ra rải rác khắp thành phố.

Làm từ thiện không ở một giới nào. Từ tỉ phú, chủ ngân hàng, tiệm may, cho đến đến các bà bán thịt, chị bán chanh ớt, anh nước sâm... ngoài chợ. Người giàu phát tâm vài chục triệu, tiểu thương các chợ chung nhau người vài chục ngàn, vài bộ quần áo cũ, kẻ bao đường, thùng nước tương. Chị gánh hàng rong, em bé bán vé số rủ nhau đóng góp vài ngàn. Của đóng góp kẻ ít người nhiều nhưng tâm thì như nhau.

Thông thường, vào buổi trưa tàn chợ, các bà bán hàng lê-ghim thường thu dọn rau quả còn ế, hàng dạt gom lại thành cần xé chở tới các bếp ăn từ thiện của bệnh viện, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi mang về chế biến.

Năm nay, gần đây nhất lũ lụt tang thương suốt dải miền Trung từ Quảng Bình, Hà Tĩnh đến Bình Ðịnh, rồi giờ đến Phú Yên, Khánh Hòa... Mảnh đất khô hạn nóng cháy nhất là Ninh Thuận thế mà nay cũng chìm trong biển nước.

Giữa đỉnh lũ là cao điểm của hiểm nguy chỉ có xuồng, ca nô, phi cơ mới tiếp cận được với các nạn nhân và lúc đó cần thiết nhất là nước sạch để uống, mì gói để ăn liền...

Nước rút rồi thì mạnh thường quân các nơi bắt đầu tiếp sức. Trời yên biển lặng, đường sá đã lưu thông, nền nhà ai nấy về. Lúc này dân chúng cần gạo, dầu ăn, thuốc men, tiền mua dụng cụ cần thiết cho đời sống. Trẻ em cần tập vở, cặp táp tiếp tục đến trường...

Nhu cầu lúc này là vật liệu sửa nhà, mua con giống, hạt giống, dụng cụ sản xuất... Bởi thế, đôi khi tặng phẩm đến không đúng thời điểm thì không giúp ích nhiều cho người nhận. Trời đã ráo, nhà sập, ruộng vườn ngổn ngang mà chất đống chung quanh toàn mì gói và vẫn tiếp tục từng đoàn xe mì gói nối đuôi khắp nơi tuôn đến. Khi ấy đành vác mấy thùng mì ra chợ bán đổi lấy tiền mua rau, mua gạo... Khắp nơi ngập tràn mì cứu trợ nên bán đâu có được bao nhiêu. Vả lại đây thường là loại mì rẻ nhất, chủ yếu phân phát lấy số lượng nên không chú ý về chất lượng! Thành thử bán đi mấy thùng mì cũng khó đổi thành tấm tôn lợp nhà, con heo gầy giống hay hạt thóc gieo mạ.

Về phía người hảo tâm ngoài tiền mặt, cũng muốn có món quà trao tay cho vui.

Thiên tai lũ lụt vừa xong, ngoài chợ búa đâu có bán gì nhiều nên ngoài phong bì, bao giờ quà tặng kèm theo mì gói, gạo, dầu ăn, bột ngọt, mùng mền, quần áo, tập vở...

Một nhóm bạn bè cũ từ thời sinh viên tụ tập nhau góp một chuyến cứu trợ đi ra Quảng Bình, vùng rốn lũ. Mỗi phần quà trị giá bốn trăm năm chục ngàn gồm một phong bì tiền, mùng mền và tập vở. Tổng trị giá tám trăm phần quà là ba mươi sáu triệu. Ðám bạn với hàng xóm chia nhau tiền thuê chiếc xe bốn mươi lăm chỗ ra Quảng là hai mươi bảy triệu. Nội tiền xe đã gần bằng nửa giá trị quà. Dù vậy, các nhóm từ thiện từ miền Nam vẫn đang lũ lượt gom hàng ra cứu trợ miền Trung mặc cho Khánh Hòa đang ngập vì mưa lớn và hồ thủy điện xả lũ.

* Núp bóng từ thiện

Hoạt động từ thiện ngoài nhà nước còn có các tổ chức và cá nhân. Nếu có đầu mối tập trung nhận quà rồi chia thì đều hơn nên nhà nước đưa ra đề nghị giao việc phân phối quà từ thiện độc quyền cho Mặt Trận. Chuyện này bất khả thi vì đã xảy ra nhiều trường hợp địa phương ăn chặn, bớt xén tiền từ thiện, chia không đúng người, quỹ từ thiện mang cho vay lấy lãi...

Mì gói, gạo, dầu ăn, bột ngọt... là những loại hàng mà người dân bị thiên tai luôn cần nhất. (Hình: H.A./Người Việt)

Gần đây lại có vụ tuồn quần áo cứu trợ ra gara ô tô làm giẻ lau. Vì thế tuy chia manh mún khiến chi phí đội lên tốn kém nhưng nhiều mạnh thường quân vẫn muốn tự tay mua quà, lặn lội đường xa tự tay giao quà trực tiếp đến từng người cần giúp hơn là qua trung gian. Ngoài tiền bạc, vật phẩm, quần áo cũ quyên góp cũng được họ kiểm tra, đơm nút, giặt giũ sạch sẽ, phân loại quần áo nam nữ, già trẻ được nhận biết qua màu sắc khác nhau của những bao nylon đựng trước khi chất lên xe cứu trợ.

Các nhóm từ thiện tư nhân đi từng nhóm nhỏ lẻ cũng có khi gặp rắc rối. Nhóm này quà nhiều nhưng nhóm sau quà ít, sót người do số quà có giới hạn nên sinh phân bì, khiếu nại. E quà phân tán không tới được tay mình nên trong một buổi cứu trợ, dân chúng đã đổ xô đến giành giật gây hỗn loạn. Một số ít đoàn vai vế xem việc đi cứu trợ như chuyến vãn cảnh. Ðối với những đoàn này, địa phương có khi phải lo chỗ ăn, chỗ ở tốn kém thật phức tạp...

Ðôi khi đi làm từ thiện cũng là cách đánh bóng tên tuổi, nhất là một số công ty xí nghiệp hay ngôi sao giải trí. Một hoa hậu từng tuyên bố chụp ảnh “nuy” để gây quỹ từ thiện.

Ở Việt Nam, có rất nhiều cách làm từ thiện hơn là cách gây sốc ấy. Các thí sinh hoa hậu, hoa khôi, người mẫu đến các viện dưỡng lão, viện mồ côi tặng quà, an ủi... Cảnh thường thấy là các cô quần áo kiểu cọ rực rỡ, gương mặt hóa trang như lên sân khấu nhoẻn miệng cười tươi phân phát bánh kẹo hoặc đại diện doanh nghiệp trao tấm bảng in to đùng số tiền cứu trợ. Ðứng vịn tay vào chiếc xe lăn của người tàn tật hoặc nựng em bé để tạo dáng chụp hình...

Vừa qua một cô hoa hậu gây dư luận om sòm vì đi cứu trợ nạn nhân bão lụt với một chiếc áo màu cam chói chan kiểu cọ và mỏng dánh.

Ðôi khi chỉ cần vài chục thùng mì, một hai trăm quyển vở là đã tạo nên một buổi đi làm từ thiện được đưa tin, đưa hình tràn lan lên báo cộng với bài phỏng vấn, phát biểu ý kiến dài dòng xem ra là một cách quảng bá tên tuổi rẻ tiền mà hữu hiệu.

Vài triệu cho vài chục thùng mì và ít sách vở, chai dầu gió đều tốt vì quan trọng là tâm. Còn có trường hợp doanh nghiệp tặng trường khiếm thính ba ngàn hộp bột ăn liền quá đát, vừa được tiếng, vừa đỡ chi phí tiêu hủy hàng quá hạn...

Cho nên từ thiện tưởng đơn giản mà cứ có chuyện để nói hoài!

source

Nguoi-Viet Online

Wednesday 3 November 2010

Tiết kiệm 5 tỷ đồng vì không bắn pháo hoa


Tiết kiệm 5 tỷ đồng vì không bắn pháo hoa

Diễu hành mừng đại lễ

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay thành phố đã tiết kiệm gần 5 tỷ đồng (256.000 đôla Mỹ) khi không bắn pháo hoa dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Sau vụ nổ tại Mỹ Đình hôm 03/10 làm bốn người chết, ban tổ chức đã quyết định chỉ bắn pháo hoa ở một điểm thay vì 29 điểm như kế hoạch từ trước.

Tuy nhiên, ông Thảo không xác nhận chính thức tổng chi phí cho dịp đại lễ bị nhiều người chỉ trích là "tốn kém" mà chỉ nói giới chức "đang tổng hợp" các con số chính thức.

Các nguồn tin chưa được kiểm chứng đưa ra các con số khác nhau, cao nhất lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tương đương 10% GDP trong nước, mà họ cho là đã đổ vào các hoạt động kỷ niệm đại lễ.

Ông Nguyễn Thế Thảo nói với các phóng viên bên lề cuộc họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội:"Theo tôi đó là phát biểu cảm tính".

Trước đó, Bộ trưởng bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng khằng định con số chi phí không như đồn đoán.

Thế nhưng cho tới nay, gần một tháng sau khi buổi lễ chính diễn ra, vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hứa sẽ có báo cáo trình Quốc hội: "UBND Hà Nội sẽ phải báo cáo vấn đề này với Hội đồng nhân dân, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội".

Ông nói: "Chúng tôi đang tổng hợp".

Phi lợi nhuận

Ông Thảo được báo chí trong nước trích lời nói, nhiều khoản chi trong dịp này là để xây dựng các công trình có thời gian sử dụng lâu dài, chứ không chỉ riêng phục vụ đại lễ.

Hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí là nhằm có một Hà Nội "sáng, xanh, sạch và đẹp", các tiêu chí mà ông chủ tịch nói là của "một đô thị văn minh".

Trong khi đó, ông bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch nói việc tổ chức các hoat động k̉ỷ niệm từ đầu năm tới nay mới chỉ bằng một nửa dự toán.

Ngoài đại lễ 1.000 năm Thăng Long, bộ này được giao tổ chức các đợt kỷ niệm khác như ngày thành lập Đảng Cộng sản, ngày sinh Hồ Chủ tịch và ngày Quốc khánh...

Ông Hoàng Tuấn Anh nói: "Tất cả các hoạt động từ đầu năm đến giờ so với dự toán mới là 57,5%, tại thời điểm báo cáo xuất chi là 88 tỷ đồng".

source

BBC Vietnamese