Monday 19 October 2009

Hình ảnh đầu tiên của cô gái bị bắt cóc 18 năm


October 16, 2009

Hình ảnh đầu tiên của cô gái bị bắt cóc 18 năm

Việt Tribune tổng hợp

Nhiều tháng sau khi được giải thoát, Jaycee Dugard – người phụ nữ bị bắt cóc làm “nô lệ tình dục’ suốt 18 năm – đã tiết lộ những tấm ảnh đầu tiên của chính mình cũng như lần đầu chính thức lên tiếng. Một tấm ảnh như vậy đã được tạp chí People đăng tải ra bìa cho số báo ngày 16/10. Trong ảnh là người phụ nữ 29 tuổi Dugard với nụ cười rạng rỡ. Những lọn tóc nâu nhạt xoăn nhẹ buông trên bờ vai cô.

Bìa mới nhất của tạo chí People magazine với sự xuất hiện của Jacee Dugard. Reuter.com

Trong những tấm ảnh khác, cô chụp chung với mẹ là Terry Probyn, em gái Shayna và hai cô con gái Angel (15 tuổi) và Starlit (11 tuổi) tại một địa điểm bí mật ở Nam California – nơi cô tá túc kể từ khi được cứu thoát cách đây 2 tháng.
“Tôi rất hạnh phúc khi được đoàn tụ với gia đình. Không có gì quan trọng hơn tình yêu thương và sự hỗ trợ vô điều kiện mà tôi nhận được từ người thân”, Dugard nói như vậy với tờ People.
Một phát ngôn viên gia đình cho biết Dugard công bố hình ảnh vì cô biết người ta tò mò về chuyện cô đang sống như thế nào và vẻ ngoài ra sao. Cô cũng tin rằng People – tờ báo đã đăng rất nhiều bài viết về các vụ bắt cóc, trong đó có trường hợp của cô vào năm 1991 – sẽ hào hứng với câu chuyện. “Tuy nhiên, Dugard không muốn trở thành tâm điểm chú ý. Đây là cách cô ấy cảm ơn những ai đã bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ niềm vui với cô. Hiện giờ Dugard rất hài lòng với cuộc sống trầm lặng cùng con gái, mẹ và em gái. Họ cùng nhau đi dạo, cưỡi ngựa và cười đùa vui vẻ. Nỗ lực làm mẹ của Jaycee thật đáng ghi nhận. Hai cô bé thông minh, tò mò và hào hứng với mọi thứ quanh mình”, phát ngôn viên Erika Price Schulte nói.
Schulte từ chối bình luận việc Dugard có nói về những kẻ đã bắt giữ cô trong 18 năm hay không. Trước đó, luật sư của Dugard nói rằng cô hiểu những chuyện khủng khiếp đã xảy ra với mình và sẵn sàng làm chứng nếu cần thiết.

Dugard đoàn tụ với gia đình vào ngày 27/8 khi cảnh sát bắt cặp vợ chồng Phillip và Nancy Garrido với cáo buộc bắt cóc, cầm tù và cưỡng bức Dugard. Theo cảnh sát, Garrido bắt cóc Dugard khi cô đang đợi xe buýt ở gần nhà mình tại South Lake Tahoe, California để tới trường ngày 10/6/1991. Khi đó cô mới 11 tuổi. Đến tháng 8/2009, cảnh sát nghi ngờ khi thấy Garrido – kẻ từng ngồi tù vì tội cưỡng hiếp – xuất hiện tại trường đại học UC Berkeley (Bắc California) cùng hai bé gái. Sau đó, Garrido bị đưa về ty cảnh sát và thân phận của Dugard cùng con gái cô mới được phát giác.

source

Viet Tribune Online

Tuesday 13 October 2009

Làn sóng tự tử của SV thất nghiệp ở Trung Quốc


Chủ Nhật, 26/07/2009 - 11:12 PM

Làn sóng tự tử của SV thất nghiệp ở Trung Quốc

(Dân trí) - Hàng triệu sinh viên của Trung Quốc sẽ tốt nghiệp trong năm nay, nhưng có đến 1/3 trong số đó không có khả năng kiếm được việc làm. Và đó là ngọn nguồn của mọi bi kịch.
>> Trung Quốc: 2 triệu sinh viên mới ra trường thất nghiệp

Tháng bảy được xem là điểm mốc đánh dấu cánh cửa bước vào cuộc đời mới của Liu Wei.

Cùng với hơn 6 triệu sinh viên khác trên khắp đất nước Trung Quốc, Liu Wei đáng lẽ đã tốt nghiệp đại học trong tháng này.

Với Liu, con gái của một gia đình nông dân nghèo, bằng tốt nghiệp đại học được coi là tấm hộ chiếu duy nhất đưa cô thoát khỏi cuộc sống cơ cực trên những cánh đồng, hay lăn lộn với một danh phận khiêm tốn là công nhân trong nhà máy ở phía nam Trung Quốc.

Thế nhưng, giấc mơ của cô gái về cuộc đổi đời “vĩ đại” đó sẽ không bao giờ còn trở thành hiện thực. Chìm trong sự chán nản vì không thể tìm được việc làm và cảm thấy tội lỗi khi đã phung phí những đồng tiền khó nhọc của bố mẹ hy sinh để cô được học hành đến nơi đến chốn, Liu đã chọn cách kết thúc tất cả bằng cách nhảy xuống dòng nước lạnh giá để rũ bỏ tất cả ưu phiền và gánh nặng.

Liu Wei đã tự kết liễu đời mình do bị khủng hoảng tâm lý vì không tìm được việc làm

Liu Shangyun, người cha suy kiệt của Liu không kìm được nỗi đau buồn. “Liu đã làm điều đó bởi nó hết sức lo lắng sẽ không kiếm được việc làm, nó sợ không kiếm được tiền để đền đáp bố mẹ”. Đôi mắt ông trũng xuống khi nhắc lại thời khắc cuối cùng ông gặp con gái, hai tuần trước khi Liu tự tìm đến cái chết. “Tôi đã đưa nó về trường. Lúc đó nó vẫn bình thường. Nó còn nói bố yên tâm, nó vẫn ổn”. Đau lòng thay, lần tiếp ông đến gặp cô là khi ông được gọi nhận diện xác con mình.

Lựa chọn cuối cùng của Liu là tiêu cực nhưng không phải là hiếm gặp trong thời buổi này. Vào tháng 4 vừa qua, báo cáo từ Ủy ban Giáo dục Thượng Hải cho thấy tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho tầng lớp sinh viên. Theo số liệu mà Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra, cứ 3 sinh viên mới tốt nghiệp năm nay thì có một người không tìm được việc làm, hầu hết sinh viên đều cho rằng họ đã từng trải qua tâm trạng giống như Liu.

“Tôi sợ bị thất nghiệp”, Chen Meijun, sinh viên vừa mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Kinh doanh Bắc Kinh với tấm bằng thương mại điện tử chia sẻ. “Có rất nhiều áp lực bởi gia đình tôi cũng rất lo lắng. Họ đã cố gắng an ủi tôi nhưng điều đó lại càng khiến tôi cảm thấy căn thẳng. Tôi đã hy vọng sẽ tìm được một công việc sau 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học”.

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một lượng lớn đến mức “dư thừa” sinh viên tốt nghiệp đại học với 1,5 triệu sinh viên tốt nghiệp năm ngoái vẫn chưa kiếm được việc làm, đơn giản bởi không thể đủ chỗ cho tất cả mọi người. Vấn đề lại càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Hàng triệu sinh viên Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp

Tại một đất nước khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, bằng đại học được xem là yếu tố tiên quyết cho một tương lai tươi sáng. Với con cái của hơn 700 triệu nông dân Trung Quốc như Liu Wei, đó là con đường duy nhất đưa họ thoát kiếp nghèo, đến với công việc được trả lương ổn định.

Bố mẹ Liu cũng hiểu điều đó, và họ đã ra sức động viên cô thực hiện ước mơ của mình. “Con bé luôn luôn muốn vào được đại học. Nó không cần biết nó muốn làm gì trong tương lại, nó chỉ cần được đi học”, mẹ Liu, bà Wang Shuxian đau buồn nhớ lại. “Tôi không biết đọc biết viết nhưng tôi muốn con tôi thực hiện được ước mơ của nó, tôi nghĩ điều đó sẽ làm thay đổi cuộc đời con bé. Nó sẽ không bao giờ phải làm một người nông dân lấm lem bùn đất”.

Nhà của Liu nằm trong ngôi làng Liu Hebei, tỉnh Hồ Bắc, cách thành phố Bắc Kinh 200 dặm về phía nam. Liu Hebei là một ngôi làng điển hình ở vùng nông thôn Trung Quốc với một tập hợp những ngôi nhà được xây bằng gạch đơn giản, được nối với nhau bằng đường làng đầy bụi bẩn, chật hẹp.

Ở ngôi làng nghèo khó này, Liu là một tấm gương sáng về học tập. “Rất nhiều người phải ghen tị khi con bé vào được đại học”, bà Wang nói, “Hầu hết những cô gái ở quanh đây đều kiếm lấy một tấm chồng khi chỉ mới 20, hoặc họ sẽ đi đến các tỉnh xa hơn để làm công nhân”.

Bố mẹ Liu hiểu rằng cho con gái họ đi học đại học cũng đồng nghĩa với việc gánh trên vai gánh nặng tài chính lớn. Chính phủ Trung Quốc chưa có chính sách vay vốn dành cho sinh viên nghèo. Bởi vậy, muốn theo đuổi ước mơ, Liu và bố mẹ cô buộc phải có 9.000 nhân dân tệ mỗi năm cùng những khoản dành cho chi phí sinh hoạt khác trong trường đại học.

Với thu nhập tối đa của một gia đình nông dân chỉ có 15.000 nhân dân tệ mỗi năm, gia đình Liu đã phải rất chật vật để kiếm sống và nuôi con gái ăn học đại học. Em trai của Liu đã phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền.

“Tôi rất mệt mỏi. Tôi muốn ngủ một giấc và không bao giờ còn thức dậy nữa”, trước khi chết, Liu bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ.

Từ lúc bước chân vào trường đại học, Liu đã nhận thức được sự hy sinh mà gia đình dành cho cô. Trong nhật kí năm nhất đại học, Liu viết: “Mục tiêu của tôi là phải học tập chăm chỉ, kiếm được một công việc tốt và nuôi được gia đình mình. Nếu không làm được điều đó, cuộc sống của tôi cũng chẳng còn có ý nghĩa gì”.

“Tôi là một sinh viên đại học nhưng tôi lại không thể tìm thấy một việc làm. Làm sao tôi có thể quay trở lại làng của mình sau khi tôi tốt nghiệp đại học được?” Và Liu bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ. “Tôi rất mệt mỏi. Tôi muốn ngủ một giấc và không bao giờ còn thức dậy nữa”.

Chín ngày trước khi tìm đến cái chết, trong trang nhật kí cuối cùng của Liu chỉ vẻn vẹn mấy chữ: “Tại sao lại quá khó khăn đến thế?”

Đến tháng 12/2008, bạn bè vì quá lo lắng cho Liu đã thông báo cho bố cô. Khi ông đến thăm cô, ông đã thực sự sốc khi trông thấy cô quá hốc hác và tiều tụy, đến mức không thể nhận ra được. “Con bé rất gầy. Có lẽ nó đã ăn uống rất kham khổ. Chỉ đến lúc đó tôi mới biết nó đang thất vọng và chán nản đến mức nào”.

Sau chuyến đi ngắn về thăm nhà, Liu có vẻ đã khá hơn mặc dù cô luôn im lặng khi ngồi cạnh bố mẹ. Liu chỉ nói: “Bố mẹ đừng lo lắng. Con ổn cả”.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi trở lại trường, Liu đã biến mất. Vào ngày 23 tháng 1 trước Tết âm lịch, Liu đã nhảy xuống dòng nước gần bến xe buýt, tự kết liễu đời mình.

Võ Hiền
Theo Telegraph

*****************

source

http://dantri.com.vn/c36/s140-339676/lan-song-tu-tu-cua-sv-that-nghiep-o-trung-quoc.htm

Wednesday 7 October 2009

CUỘC ĐỜI TRƯỚC MẶT : NGUYÊN NHÂN ĐẰNG SAU CÁI CHẾT CỦA ANNIE LÊ VÀ HỘI CHỨNG RELATIVE DEPRIVATION


CUỘC ĐỜI TRƯỚC MẶT : NGUYÊN NHÂN ĐẰNG SAU CÁI CHẾT CỦA ANNIE LÊ VÀ HỘI CHỨNG RELATIVE DEPRIVATION
Oct 06, 2009
Photo courtesy: AP
Photo courtesy: AP

Án mạng làm cho cô Annie Lê bị chết một cách oan uổng đã được xác nhận bởi Cảnh sát trưởng New Haven, CT là một trường hợp bạo hành tại nơi làm việc (work place violence) và thủ phạm là Raymond Clarke, một chuyên viên chăm sóc các thú vật (lab technician) tại phòng thí nghiệm mà Annie làm khảo cứu về những chứng bệnh nan y như ung thư, tiểu đường.

Giữa hai người hoàn toàn không có thù oán riêng tư hay liên hệ tình cảm hay tiền bạc nên làm cho nhiều người thắc mắc tại sao Raymond lại nhẫn tâm dùng tay bóp cổ Annie làm cho cô sinh viên Đại học Yale bị chết? Nguyên nhân nào đã khiến cho Raymond có một hành động tàn bạo như trên, vì các nhân chứng có quen biết Raymond cho biết đương sự là một người bình thường, tính tình hòa nhã, Raymond có công việc làm ổn định tại Đại học Yale tuy khiêm nhường nhưng không có gì hèn kém và đương sự không hề có tiền án hay một hành vi bạo hành nào đáng kể… Cảnh sát trưởng James Lewis nói: chúng tôi chưa thể biết được nguyên nhân cho đến khi nào Raymond chịu khai trước toà..

Nguyên nhân bí ẩn..

Nhưng thám tử FBI Brad Garrett nhận định rằng khi Annie bị giết bằng hình thức bị bóp cổ làm cho nghẹt thở (death by asphyxion) bởi Raymond thì rất có thể đây là một trường hợp sát nhân vì lý do “ghen tỵ’’ và “tức giận’’ (road rage and anger), một tình trạng càng ngày càng phổ biến ở Mỹ khi mà con người có thể có những hành động bất thường rồi gây ra án mạng.

BS Jack Levin của Đại học Northern University phân tích đây là một trường hợp “thua kém tương đối’’ tức relative deprivation, đã được các BS tâm thần mô tả trước đây ở Mỹ, trong thời kỳ sau đệ nhị thế chiến khi mà đời sống vật chất được cải thiện, sau những năm khó khăn trong thời chiến. BS Levin cho rằng: khi hai người cùng một hoàn cảnh nhưng lại có tương lai cách biệt nhau quá xa ví dụ như Annie Lê, một nghiên cứu sinh tại Yale đang trên đường thành công sáng lạn và nhất là sắp làm đám cưới, còn Raymond thì tương lai mù mịt với công việc thấp kém, chăm sóc những con vật được dùng làm thí nghiệm. Giống như câu truyện của ông lão nuôi ong và vua Lê Lợi thời xưa, tuy sinh ra cùng một tuổi nhưng vai vế thì khác nhau.

Trong khi Annie đang tham gia vào những cuộc khảo cứu Y học vô cùng quan trọng như đi tìm thuốc chữa trị các chứng bệnh nan y và có thể sau này sẽ trở nên danh tiếng, như cô đã từng được các thày giáo khen ngợi là có thể sẽ là một Albert Einstein trong tương lai, còn Raymond thì sẽ suốt đời lau chùi, tại căn phòng thí nghiệm u tối, vô vọng.

BS Ann Turner nói “có một sự cách biệt khá xa giữa những người làm khảo cứu Y học và những người giữ trách nhiệm cung cấp và bảo trì các phương tiện khảo cứu nhưng không có lý do gì để mà hận thù nhau cả... vì bình thường thì người làm khảo cứu và người phụ giúp đều kính trọng lẫn nhau .’’

Relative deprivation.

Hội chứng này được nghiên cứu kỹ lưỡng vào năm 1966 bởi BS W Runciman và đến năm 1980 thì được môn luật Y công nhận là một chứng bệnh tâm thần bởi BS John Braithwaite vì giải thích được hiện tượng tại sao các tội ác gia tăng trong thời kỳ hậu thế chiến thứ 2 khi mà đời sống của tất cả mọi người được cải thiện, đời sống no đủ và không còn khó khăn như trước trong thời chiến tranh mà tất cả phải hy sinh, đồng lao cộng khổ.

Hội chứng này xảy ra khi một nhóm người cùng một hoàn cảnh khó khăn nhưng sau khi cuộc sống được cải thiện thì có những người có cơ hội tiến thân và một số thì bị bỏ lại đằng sau tạo nên một sư cách biệt sau một thời gian phấn đấu làm việc. Nhưng người bị thua kém thì có mặc cảm bị đối xử bất công và tức giận. Hiện tượng này có thể xảy ra trên một phạm vi rộng lớn rồi tạo nên những phong trào tranh đấu, đòi quyền lợi , bình đẳng xã hội như phong trào Cộng Sản đấu tranh giai cấp trước đây..

TS Merton viết trong luận án “Social structure and Anomie” rằng tại những xã hội chậm tiến, nghèo nàn thì tội ác tương đói thấp còn tại một số xã hội tân tiến có đời sống cao hơn thì tỷ lệ tội ác lại rất cao như tại Mỹ hiện nay mà các tệ đoan đày rẫy, các nhà tù chật cứng các tội phạm!

Nói chung hiện tượng relative deprivation xảy ra khi trong một xã hội hay một nơi làm việc mà một người có tương lai sáng lạn hơn người bên cạnh dù rằng không có ai bị thiếu thốn cả như trường hợp của Raymond và Annie.

Ngoài ra Annie Lê là một người Việt Nam tỵ nạn da màu còn Raymond là một người Mỹ trắng nên cũng dễ xảy ra tình trạng ghen tỵ rồi dẫn đến bạo hành. Tình trạng một số người Việt Nam, người Á Đông tương đối thành công và giàu sang rồi tạo nên sự ghen ghét của một số người dân Mỹ khác cũng một phần do hiện tượng relative deprivation ví dụ như vụ bạo loạn trước đây tại Nam Los Angeles khi người da đen nổi loạn rồi đập phá cửa tiệm của người Á Đông dù rằng nguyên do là vụ Rodney King gây ra.

Controlling behavior và road rage..

BS Levin còn cho biết một nguyên tâm lý khác nữa trong vụ Annie Lê là “thói quen muốn kiểm soát” tức controling behavior của Raymond. Ông tin rằng những tên sát nhân như Raymond có thể trở nên tức giận bất thường (road rage) khi cảm thấy không kiểm soát được hoàn cảnh khi thấy Annie sắp sửa làm đám cưới và rời khỏi nơi làm việc.

Ông gọi Raymond thuộc vào những hạng người “control freaks” hay “work place avengers” như trước đây đã xảy ra những vụ sát nhân hàng loạt tại Bưu Điện khi mà mội người nổi điên dùng súng AK bắn chết hàng chục người vì bất mãn hoặc như trường hợp kỹ sư Mike McDermott dùng súng shotgun bắn chết 7 người tại Edgewater technology (Massachusetts).

Raymond muốn chứng tỏ quyền hạn bằng cách dùng tay bóp cổ chết Annie, một người tương đối thành công hơn. Những người có thói quen muốn kiểm soát tất cả mọi người thường hay dễ nóng giận và tạo nên bạo hành và một người hàng xóm của Raymond cho biết là đương sự thường hay có tính muốn kiểm soát và canh chừng người bạn gái ở cùng.

Sống ở xứ người..

Cái chết oan uổng của Annie Lê nhắc nhở chúng ta rằng tình trạng relative deprivation khá phổ biến ở Mỹ và chúng ta, những người Việt Nam và Á đông, tương đối thành công nhờ công sức của chúng ta cần đề phòng những trường hợp kể trên như cổ nhân đã dạy là “sống ở xứ người thì đứa trẻ lên mười phải gọi bằng anh…”

Thứ nhất là cần ý thức đề phòng và thủ thân, khiêm nhường và thận trọng trong khi làm việc vì khó biết được những người làm việc bên cạnh có thể hàng ngày cư xử bình thường nhưng trong một lúc nóng giận thì có thể có những hành động không ai có thể đoán trước được !

BS Vũ văn Dzi, MD.
***********************
source
Calitoday

Hà Nội của những tiếng rao đêm nhọc nhằn


(TuanVietNam) - Hà Nội xưa thâm trầm và cổ kính. Hà Nội nay ồn ào và tất bật. Hà Nội ban ngày đông đúc và inh ỏi tiếng còi xe. Hà Nội về đêm lặng lẽ thu mình trong những con phố dài, những ngõ nhỏ sâu hun hút, chỉ nghe thấy hơi thở của gió và đâu đó nhọc nhằn một tiếng rao đêm…

Những tiếng rao đêm dường như đã trở thành một điều quen thuộc với người Hà Nội bao đời nay. Nó ăn sâu vào đời sống hàng ngày đến mức nếu hôm nào không nghe được một tiếng rao thì thấy thiêu thiếu. Bánh mì, bánh khúc, bánh bao, khoai nướng… Mỗi người bán hàng lại có một giọng rao riêng: trầm ấm, thanh, cao, nhiều khi lại biến tướng thật lạ và thu hút.

Những gánh hàng rong phục vụ bữa ăn đêm cho những người làm việc khuya, những sinh viên miệt mài đèn sách… hay đơn giản là một ai đó bấy lâu nay vẫn giữ cho mình thói quen lắng nghe những tiếng rao ấy, và mua một đồng quà, tấm bánh để động viên các cô, các bà, các chị… - những người dù đông hay hè, dù gió mưa hay giá rét vẫn đều đặn cất lên tiếng rao quen thuộc hàng đêm.

Nhưng có ai biết đằng sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, một số phận, là những cuộc mưu sinh khốc liệt thầm lặng, với những nỗi nhọc nhằn cơ cực nhiều khi không thể gọi thành tên. Những tiếng rao đêm với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm. Bản hòa ca ấy mang nhiều nốt thật buồn.

Giật mình nghĩ đến một ngày có thể Hà Nội không còn những tiếng rao đêm nữa. Ảnh: 1280.com

Tôi đã từng thắc mắc mãi về một người bán hàng rong có tiếng rao lúc nào cũng như sắp khóc, hụt hơi và đứt đoạn. Sau này mới biết, người phụ nữ ấy vẫn đang trong hành trình tìm kiếm đứa con đã bỏ nhà ra đi gần 5 năm vì không chịu được cảnh sống cơ cực, nghèo khó, mong tìm một cơ hội đổi đời. Biết đâu một ngày nào đó, ở một góc nào đó giữa bộn bề phố xá, người con lại nhận ra tiếng rao thân quen của mẹ và trở về…

Có một đêm Hà Nội mưa xối xả, tôi gọi mua nắm xôi của một người phụ nữ bán hàng rong gầy gò, xanh xao, có tiếng rao nghèn nghẹn nơi cổ họng. Chị đội chiếc nón lá rách bươm, che gần kín mặt. Chiếc áo mỏng mảnh, cũ sờn ướt nước mưa dính chặt trên đôi vai mảnh khảnh đang run lên vì lạnh. Tôi mời mãi chị mới chịu vào nhà.

Sau vành nón là một gương mặt héo mòn những lo toan và in hằn bao nỗi truân chuyên của cả một kiếp người. Đặc biệt là đôi mắt – đôi mắt giấu đêm thăm thẳm nỗi muộn phiền. Tôi phân vân không biết người phụ nữ này đã trải qua bao éo le, trắc trở, bao đớn đau, nhọc nhằn, bất hạnh.

Mưa càng lúc càng lớn. Nhìn những vệt nước mưa chảy dài trên kính cửa sổ, người phụ nữ ấy bật khóc. Chị từng bị cướp mất đời thiếu nữ vào một đêm mưa gió bão bùng như thế, bởi chính người cha dượng tháng ngày đắm chìm trong men rượu. Chị gắn bó với gánh hàng rong từ năm 17 tuổi, đêm đêm lê đôi dép tổ ong mòn vẹt khắp đất Hà thành, sợ hãi tất cả những người đàn ông mon men chạm vào cuộc đời mình…

Ở ngõ nhỏ nhà tôi đêm nào, vào khoảng 11h, người ta cũng nghe thấy tiếng rao trong trẻo và non nớt của một chú bé bán bánh mì dạo: “Bánh mì đây… Ai bánh mì nóng giòn nào…”. “Cho một chiếc bánh mì!” Đôi tay thoăn thoắt đưa hàng, không quên cảm ơn bằng một cái nhoẻn cười hồn nhiên, tinh nghịch. Có ai biết rằng chú bé ấy sáng sớm đi đưa báo, trưa chạy bàn ăn, tối về bán bánh mì, chỉ để kiếm tiền chữa bệnh cho người cha già đau yếu ở quê nhà…

Rồi một ngày lang thang trên những con đường Hà Nội về đêm, đầu óc ngổn ngang những câu chữ cho một đề tài còn thai nghén, chợt rùng mình trong làn sương thu mỏng mảnh giăng giữa lòng thành phố, tấp vào lề đường hỏi mua một bắp ngô nướng từ một chiếc xe đẩy kêu cọt kẹt. Hỏi dăm ba câu chuyện, nỗi xúc động bỗng dâng lên trong mắt. Thì ra đó là gánh hàng rong của một người mẹ tảo tần một mình nuôi ba con học đại học. Nỗi vất vả mưu sinh trĩu nặng trên đôi vai người phụ nữ. Nhưng bà lại cười, một nụ cười thanh thản và hạnh phúc mà không phải ai cũng có được… Đêm ấy tôi về đặt bút viết những dòng này…

Hà Nội về đêm, thành phố như nhỏ lại, và người ta bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những mảng màu sáng tối khó lòng nhận ra giữa cái nhộn nhịp ban ngày. Nơi đây là những ô cửa sáng đèn ấm áp, nơi kia là gầm cầu tối tăm bụi bặm; nơi là những gia đình sum họp, quây quần, nơi là những người mẹ lang thang trong đêm tối tìm con; nơi là chăn ấm nệm êm, nơi là chiếu manh và áo quần cũ nát… Rồi những tiếng rao lại vang lên, đánh thức đêm buồn, đánh thức những tấm lòng hay trăn trở, nghĩ suy. Tiếng rao ấy vang lên trong không gian của một cuộc sống khác – mặt bên kia của một đô thị phồn hoa náo nhiệt.

Hoàng Hải Anh

*********************

source

http://www.tuanvietnam.net/2009-10-07-ha-noi-cua-nhung-tieng-rao-dem-nhoc-nhan-