Wednesday 4 September 2013

Chiếc Cổng Vàng


Chiếc Cổng Vàng
(VienDongDaily.Com - 30/08/2013)
Cao Thu Cúc

Việc bang giao giữa Việt Nam và Mỹ trong quá khứ xảy ra không nhiều và cũng không mấy tốt đẹp. Việt Nam bị Pháp đô hộ, chịu anh hưởng của Pháp thì việc xuất ngoại của người Việt Nam từ lâu gắn liền với Pháp nhưng rất hạn chế. Chỉ những người có thế lực, có tiền mới đi được.
Sau khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam ồ ạt thì việc đi lại giữa Mỹ và Việt Nam trở nên dễ dàng. Thời gian này chuyện đi du học mở rộng hơn, người ta có thể đi qua nhiều nước khác tùy theo sự thuận lợi của gia đình nhưng tựu trung qua Mỹ là nhiều nhất. Sự tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam xảy ra hằng ngày trên đất nước Việt Nam. Cuộc chiến tranh chấm dứt, quân đội Mỹ đã rút về Mỹ nhưng con đường đi Mỹ lại mở rộng. Người Việt Nam ào ạt ra đi, hy sinh cả tính mạng, bất chấp mọi sự hiểm nghèo. Người ta ra đi bằng nhiều cách, bằng mọi phương tiện. Nhiều người đã đến Mỹ như một giấc mơ, nhưng cũng có nhiều người đến Mỹ trong cơn ác mộng. Nhiều người bơ vơ bỗng dưng thấy mình được đến Mỹ nhưng không biết để làm gì. Hầu như mọi người sau khi còn sống sót sau 1975 thì họ chỉ nhắm một mục tiêu là đi Mỹ, không cần biết mọi hậu quả xảy ra. Sau thời kỳ ào ạt đi chui, đi bán chính thức, ra đi trong trật tự (ODP), ra đi theo chương trình HO thì đến thời kỳ đi làm ăn, đi du học. Người ta cứ tưởng Mỹ là một mỏ vàng, một cái nôi hồng, chỉ cần đặt chân đến Mỹ với một câu thần chú học lóm được từ mấy tên tướng cướp là tha hồ mở cửa hốt tiền. Có người mua ảo tưởng bằng cách bán ngôi nhà mình đang ở, đưa tiền cho đứa con qua Mỹ học, hy vọng làm giàu kiếm lời. Ôi thôi! Những người điên khùng tìm ra mọi cách điên khùng để đến Mỹ cùng với ảo tưởng của họ.
Giấc mơ vàng
Bên cạnh nhà chị tôi là gia đình ông Bảy. Ông Bảy làm nghề chạy xe máy, ông có hai người con. Đứa con trai tên Đông đã lớn nhưng học hành không tới đâu. Sau tháng tư 1975, Đông bỗng nhiên biến mất. Ít lâu sau nghe nói nó đang ở Mỹ, mọi người cũng tò mò ngạc nhiên. Ủa, ông Bảy có con trai ở Mỹ mà sao nhà ông chẳng có chút hơi Mỹ gì cả? Ông Bảy vẫn nghèo xác nghèo xơ. Vợ ông đau mà cũng không có tiền uống thuốc. Nhưng rồi chuyện lạ cũng bắt đầu xảy ra: Đông có gởi ít tiền về cho ông Bảy. Mọi người không ai chờ đợi gì nhiều vì biết nó là đứa không học hành gì. Và mọi người cũng không ai chờ đợi một tin sét đánh bất ngờ: Đó là thằng Đông bị bắt, nghe đâu nó ở trong một băng đảng làm chuyện xấu xa gì đó bị cảnh sát bắt cả đám rồi. Thế là tàn giấc mơ hoa về một nước Mỹ Thiên Đường.
Câu chuyện của người bạn làm cùng nghề với tôi là một chuyện khác. Cô có một người em gái kế cô cùng đi dạy như cô và một em trai. Em trai của cô có gia đình và có một đứa con trai, gia đình yên ấm sống trong ngôi nhà khang trang ở Sài Gòn. Sống giữa thành phố Sài Gòn vào thời điểm cơn sóng đi Mỹ cứ ào ạt xô bờ làm cho người em trai bị cuốn theo. Những câu chuyện từ bạn bè của mình, bạn của con, bạn của người hàng xóm..., việc đi Mỹ đoàn tụ gia đình, đi làm ăn... nghe rất hấp dẫn, và sau cùng phong trào đi Mỹ du học trở thành một đề tài chính cuốn hút người em. Anh ta có lẽ nhìn thấy ánh vàng lấp lánh sau những câu chuyện của bạn bè nên cũng quyết định liều lĩnh: Bán nhà cho con đi du học. Thằng con trai quý ôm cái tổ ấm của cha mẹ đi qua Mỹ. Yên ổn được vài năm đầu. Thời gian qua nhanh lắm. Tiền bạc ra đi càng nhanh hơn. Năm thứ hai rồi thứ ba, đứa con bắt đầu viết thư về đòi tiền. Ờ nó học sắp xong rồi, gắng chạy tiền gởi qua cho nó. Hết năm thứ tư rồi qua năm thứ năm, nó vẫn đòi tiền để đóng tiền học. Cứ vài tháng phải gởi cho nó vài chục triệu đồng tiền VN. Đối với người đi dạy học, đây là một số tiền khổng lồ ngoài sức chịu đựng, hai người cô của nó làm sao chịu được? Ngày được đi Mỹ để học thêm lớp bồi dưỡng, cô của nó đến tận trường hỏi tin tức thì mới biết: Thằng con trai quý đã bỏ học lâu rồi, ôm theo giấc mộng vàng của gia đình vào chốn tối tăm mịt mù không tưởng.
Nước Mỹ như thế nào ? Đời sống ở Mỹ ra sao?
Năm 2006, tôi đi du lịch qua Mỹ, đi nhiều nơi, thấy được nhiều điều. Chúng tôi đến Las Vegas, trong khi đang còn bàng hoàng vì những điều kỳ thú ở đây, những cấu trúc kỳ lạ, những đền đài kỳ lạ, tiếng những con bạc đổ dồn nghe giòn giã đầy sức quến rũ. Bỗng một cô gái chạy đến ôm chầm chúng tôi và kêu lên:
-Cô! Cô có nhớ con không? Con là Tâm đây mà, con bán gạo sau chợ, hồi đó con vẫn chở gạo vô cho nhà cô, cô nhớ không?
-Ôi trời, nhỏ Tâm, bây giờ lớn hẳn và đẹp ra, không nói làm sao nhận ra được? Tâm qua đây hồi nào? Tâm làm việc gì ở đây?
-Con làm việc trong tiệm bán thức ăn nhanh kia kìa. Con mới qua đây được vài năm, con kiếm tiền gởi về giúp mẹ con cho mẹ con bớt khổ.
Nhắc tới mẹ nó tôi vẫn còn thấy xót xa. Chồng chết, một mình bà nuôi sáu đứa con nheo nhóc. Bà ra chợ còn đội chiếc khăn tang trên đầu trông rất thương tâm. Bà bán gạo sau chợ, mấy đứa con chưa tới 10 tuồi cũng đi theo giúp bà. Thấy tình cảnh bà đáng thương nên ai cũng mua ủng hộ vì vậy công việc mua bán của bà rất phát đạt. Trước khi chia tay tôi nói:
-Tâm gắng làm ăn chăm chỉ lo giúp mẹ, đừng có ham chơi đua đòi nhé.
Tôi về Việt Nam rồi tôi đổi chỗ ở nên không còn mua gạo cho bà Sáu vất vả lam lũ đó nữa. Bỗng một hôm người em chồng của tôi gọi điện thoại cho tôi hăng hái báo tin vui:
-Chị còn nhớ bà Sáu bán gạo sau chợ mình không? Chị còn nhớ con nhỏ Tâm mình gặp ở Las Vegas khi mình đi Mỹ không? Con nhỏ rất giỏi, nó gởi tiền về cho mẹ nó, mẹ nó mới cất nhà lầu ba tầng rất đẹp. Bà Sáu bây giờ bớt lam lũ, mấy đứa nhỏ cũng được học hành đàng hoàng.
Chúng tôi cùng vui mừng trước hạnh phúc của gia đình bà Sáu. Nhờ biết hợp sức làm ăn, nhờ chăm chỉ và chịu khó, nhờ những đứa con ngoan biết gắn bó với gia đình, bà Sáu đã vượt qua được những ngày khó khăn nhất để xây dựng một gia đình vững vàng, có thể nhìn thấy được tương lai tươi sáng của con cái về sau.
Không chỉ riêng bà Sáu, nhiều người quen biết của tôi cũng đã cố gắng gởi con đến Mỹ với nhiều giấc mơ khác nhau, thành công thất bại khác nhau.
Nữ Thần Tự Do đã đứng trên đảo Liberty ở hải cảng New York hơn một thế kỷ qua mở rộng vòng tay chào đón di dân đến Mỹ.
“Hãy cho ta những đám đông chen lấn, mỏi mệt nghèo khó của các người đang khao khát hít thở bầu trời tự do,
Những đồ phế thải của bờ biển đông đúc của các người.
Hãy gởi đến những người này, những kẻ không nhà cửa, những kẻ bị bão tố ném đến cho ta,
Ta đưa cao ngọn đèn chiếu sáng bên cạnh chiếc cổng vàng. (The Colossus - Emma Lazarus) (1)
Có phải cánh tay của Nữ Thần Tự Do Soi Sáng Thế Giới (2) đã vươn xa đưa ánh sáng vào nhà bà Sáu làm cho ngọn đèn nhà bà sáng hơn? Hay con gái bà đã đi qua chiếc cổng vàng để vào nước Mỹ nên được soi sáng con tim khối óc và đã sống một cuộc đời hữu ích? Những kẻ không may thất bại là những kẻ tối tăm đi lầm vào con đường địa ngục, con đường của ma quỷ.
Hãy vào nước Mỹ bằng chiếc cổng vàng với trái tim và khối óc, chớ vào bằng con đường địa ngục của ma quỷ. Nữ Thần Tự Do vẫn luôn luôn đứng đó vươn tay chào đón những con người từ khắp nơi trôi dạt đến nước Mỹ.
SJ 4/7/2013
Chú thích:
(1) Những câu thơ trên trích trong bài The Colossus của Emma Lazarus, bài thơ được khắc ở chiếc bệ của Nữ Thần Tự Do, Cao Thu Cúc dịch.
(2) Tên đầy đủ của bức tượng là: “Liberty Enlightening The World” (La Liberté Eclairant Le Monde).
source
Vien Dong Daily