Friday 4 December 2009

Một buổi sáng



Cập nhật lúc 7:04:58 PM - 31/01/2007

mbs1SFW.jpg(Bài và ảnh Trần Công Nhung)



(3 người bạn, Trần Vàng Sao giữa.)

Như thường lệ, 6 giờ tôi đã mang túi xách đi bộ từ khách sạn Thái Bình (Nguyễn Tri Phương Huế) qua Trương Định nơi anh bạn mở trung tâm luyện thi Đại Học để uống trà. Chẳng phải “trung tâm” có quán trà, mà bạn chủ trường có thói quen đãi trà hàng xóm mỗi buổi sáng. Ngày nào trung tâm của anh cũng mấy xuất học, cổng mở học sinh vào lớp là anh kê “bàn trà” ngay lề đường, dưới hiên văn phòng. Nói bàn trà cho điệu nghệ, thực ra, chiếc bàn con và mấy ghế nho nhỏ bằng nhựa tái sinh. Anh pha trà, tiếp chuyện bạn, vừa trông chừng học trò vào ra. Bên trong đã có bà xã và con trai anh lo chuyện ghi danh bán phiếu.


Trung Tâm luyện thi của anh có từ mấy chục năm nay, trước kia chỉ một lớp trong nhà riêng bên klia đường, dần dàanh mua cơ sở mới này và thành lập một Trung Tâm Luyện Thi Đại Học thật sự. Anh không phải đứng lớp, giáo viên các bộ môn giảng dạy hưởng lương theo tỉ lệ thỏa thuận.

Ngày nay việc tổ chức điều hành các lớp học tư khá “gọn nhẹ”, không như trước kia, nhân viên văn phòng phải rát cổ đòi nợ từng học sinh. Đòi không được học phí, phải dùng đến biện pháp “cho ra khỏi lớp”. Bây giờ mọi chuyện vào ra do học sinh định liệu, mua phiếu trước khi vào lớp, không ai nại cớ khất nợ. Mua tháng nào học tháng đó. Thầy giáo như một thuyết trình viên, lớp học như hội trường, tiếng thầy giảng nghe oang oang trên loa. Có hôm ngồi uống trà, tôi nghe thầy ca ngợi sự tăng trưởng nền kinh tế: “Nhờ đổi mới, đất nước ta ngày càng giàu mạnh và vững tiến lên XHCN trong khi Liên Sô sụp đổ” Tôi không nghe thầy nói (...) trên cái gì.

Trong số khách uống trà, có một ông cán bộ hưu, lúc nào cũng khăn áo chỉnh tề, ông tỏ ra thức thời, chửi (...) “Tôi nói thằng cha (...) hoài, nó lợi dụng quyền thế mua 2 lô đất 90 triệu, bà (...) ((...)nguyên (...)) mua một lô 75 triệu..”Chuyện gièm pha (...) ngày nay dường như không mấy ai e ngại, xem như chuyện trà dư tửu hậu. Tôi có cảm tưởng nhiều người phải lên tiếng chửi bới để tỏ ra ta tiến bộ, nhất là những người đã một thời say mê cống hiến (trừ một vài đã nếm mùi răn đe thì lại co vòi.

Phải công nhận trà cho khách qua đường nhưng ngon. Đôi ba bình trà, dăm bảy chuyện thời sự nắng mưa, là một tiếng đồng hồ qua mau. Đúng 7 giờ, lớp học ổn định, anh bạn đèo tôi đi ăn sáng. Anh tâm sự: “Đi với anh Nhung, bà xã yên tâm”. Anh giải thích, vì bị chộp một lần nên đi đâu cũng bị theo dõi, nhất là sau ngày chết đi sống lại.

Hỏi anh chuyện thế nào mà nghe như đùa, anh cho biết đây là trường hợp lạ, anh bị xơ gan cổ trướng, vào Sài Gòn mổ, thuốc mấy cũng không khỏi, bụng trương lên, bệnh viện cho về đợi ngày ra đi. Tự nhiên có người mách cho một bà thầy thuốc Nam ở Quảng Trị, uống liên tục mấy tháng, bụng xẹp, người khỏe lại như thường. Chuyện khó tin mà có thật.

mbs2SFW.jpgỞ Huế có nhiều món ăn sáng rất hạp khẩu vị lại vừa túi tiền. Phở Đập Đá rất ngon, thịt tươi mềm và ngọt. Quán bình dân mà đông khách. Một bát 8000 đồng, thêm chén tái riêng 5000, chưa tới 1 Mỹ kim. Bún bò Lý Thường Kiệt có tiếng xưa nay hay cơm hến, bún hến Trương Định.

Trương Định chỉ một đoạn ngắn sau lưng Morin, được tiếng là “phố ẩm thực”, nơi có nhiều quán ăn, càphê vỉa hè dài dài hai bên đường. Có hai quán ăn đối diện nhau mà bên đắt bên ế. Anh bạn cho biết, quán đông khách là bán ngày nào hết ngày đó, đồ ăn tươi, chỉ khi bên này đóng cửa bên kia mới có khách. Người địa phương họ rất tinh tường trong việc chọn quán hàng. Trên cầu Kim Long, có quán bánh ướt thịt nướng Huyền Anh, lúc nào cũng đông nghẹt người, những quán chung quanh nhại theo: Hiền An, Huyền An, mà vắng hoe, chỉ cốt đánh lừa khách xa lạ. Quán chay Thiên Phú 392 Phan Chu Trinh rất đặc biệt, điểm tâm một bát cháo, cháo nấu toàn ngũ cốc, kèm một đĩa cuốn, vừa ngon miệng vừa nhẹ bụng.

Người ta thường bảo ăn Bắc mặc Kinh, theo tôi, Huế mới nhiều món ăn ngon, và không quá xô bồ bát nháo như những tụ điểm ăn uống ở Sài Gòn hay Hà Nội. Tuy nhiên phải cẩn thận, không phải thấy nhà hàng lớn là bảo đảm (1).

Hôm nay ngày Rằm, tưởng bạn đưa đi ăn chay, anh lại hỏi: “Anh ăn được ớt dầm không”. Tôi trả lời đại “được”, thật ra tôi chưa thấy món này bao giờ. Anh cho biết dưới Vĩ Dạ, có bún bò ăn với ớt dầm, ngon đặc biệt.

Quán bún xế dưới cà phê Vỹ Dạ Xưa, nói là quán nhưng trong quán chỉ một hai bàn còn thì ngồi ra lề đường. Trong ngoài chừng năm bảy bàn mà không bàn nào còn chỗ. Có hai người đứng dậy, chúng tôi thế vào. Người chạy bàn ra chào:”Hai tô như thường lệ thấy hí”. Tôi hỏi nhỏ: “Thường lệ là thế nào”. Anh cho biết đặc biệt đủ thứ. Tôi phải gọi vói vào:

Một tô nạc, không huyết, nước trong.

Ăn rứa răng ngon!

- Tại trong người tôi thứ gì cũng cần giảm thiểu, nếu không giữ gìn khi về khám lại thấy đường lên, mỡ lên, áp huyết lên là bác sĩ tôi la rầy mệt lắm. Không chỉ bác sĩ mà cả cô phụ tá cũng trách khéo: “Đi Việt Nam quá mà”. Đi Việt Nam như tôi thì ai mà ham, vất vả nhọc nhằn,, giữ gìn đủ thứ thế mà có khi còn bệnh.

Hai tô bún trông hấp dẫn lắm, trên bàn có đủ thứ gia vị thêm một hũ ớt dầm. Anh bạn gắp ngay một trái ớt màu trắng bạc xẹp lép rồi ăn với bún ngon lành. Tôi cũng bắt chước, nhưng thử một tí thôi, không gì đặc biệt, chua chua mặn mặn. Khẩu vị mỗi dân tộc một khác, mỗi người một khác, đã mười mấy năm ở Hoa Kỳ mà tôi có ăn được ketchup đâu. Ai cũng bảo thịt gà chiên chấm ketchup ngon, tôi thấy nó vô duyên,.. Muối tiêu, nước mắm ớt có lẽ là thứ nước chấm khó có gì thay thế đối với tôi. Bún bò ăn được nhưng tôi vẫn thấy nhớ hương vị bún bò Hoàng Hoa Thám Nha Trang.

Trong lúc tỏ vẻ khoái món bún ăn ớt dầm, anh bạn hỏi tôi:

Anh biết Trần Vàng Sao không?

Tôi giật mình, vì mấy hôm nay đang nghĩ đến nhà thơ này. Một bạn văn nghệ ở Sài Gòn có cho số phôn và viết mấy chữ giới thiệu tôi với nhà thơ. Tôi mừng rỡ hỏi lại:

Tôi có nghe nói và cũng muốn gặp.

Hắn là bạn dạy học với tui, ở gần đây, sát nhà Nguyễn Khoa Điềm.

Vậy lát mời đi uống cà phê.

MBS3SFW.jpgTôi đưa phôn cho bạn gọi. Trần Vàng Sao hứa ra ngay. Nhưng chúng tôi ăn gần xong mà vẫn chưa thấy “Sao” đâu. Người bạn lằm bằm: “Thằng ni răng mà lâu rứa hè”. Tôi nói cho anh biết có người đàn ông râu ria, đạp xe qua lại có ý tìm ai. “Anh ta trở lui kia”. Đúng là anh đi tìm chúng tôi, hai người gặp nhau cười nói vui vẻ. Chúng tôi kéo lên Cà phê Vỹ DạXưa. Một nơi thích hợp cho những người lớn tuổi nhâm nhi chuyện trò. Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội khó có được khung cảnh như vầy. Sài Gòn có cà phê vườn, nước phun sương, nhưng không tạo được nét trầm tĩnh cổ kính, đa số uống cà phê như họp công đoàn, ồn ào như hội chợ.

Sau màn trao đổi xã giao, tôi rút mảnh giấy có mấy dòng của họa sĩ H.T viết, Vàng Sao cười cười đút vào túi. Tôi ngắm chân dung anh, hao hao Bùi Giáng. Khuôn mặt xương xẩu râu ria nửa trắng nửa vàng, da đen, nhưng vẫn còn những nét rất sắc. Khi chưa thấy mặt, nghe tên “Trần Vàng Sao”, tôi tưởng như đâu đây vang lên bài Tiến quân ca, Bão nổi lên rồi, Tiểu đoàn 307 hay Bóng cây Cờ Nia, Em đi làm tín dụng. Tôi hình dung anh là con người dẫn đầu của “giai cấp công nhân” xông ra tiền tuyến. Nhưng, anh rất hiền lành nhỏ nhẹ. Anh cười nhiều nói ít, mà cười trong dáng điệu chứ không cười thành tiếng. Hai người bạn ôn lại những kỷ niệm cũ trước 75, tôi lấy máy bấm một loạt chân dung anh.

Cạn ly cà phê tôi mời anh ngày mai dùng cơm, anh nhận lời và đề nghị đến Vườn Ai, gần nhà anh cho tiện. Anh tỏ ra rất ngại đến những nơi “cung đình”. Vỹ Dạ ngày nay nhiều nhà hàng kiểu sân vườn, Vườn Ai, nghe cũng hay, đến cho biết.

Trần Công Nhung (Oct. 2006)

(1)Xem bài Ngộ độc.

Thư Độc Giả
Trà và Thuốc

Trong những bài bài viết đã đăng báo hay đã ra sách, tôi có nói qua chuyện Trà ngon và Thuốc hay, do đó thỉnh thoảng có độc giả hỏi các vấn đề này. Nay xin nói rõ một lần nữa để trả lời những thắc mắc của quí độc giả:

- Trà: Trà dây là Trà Bắc còn gọi Trà (chè) Bắc Thái, Trà Móc Câu sản xuất từ các vùng đồi những tỉnh miền Trung Du (Hòa Bình, Thái Nguyên) Bắc Việt. Miền Trung có trà Bảo Lộc cũng có tiếng nhưng danh hiệu Trà Bắc vẫn được biết nhiều.

Phố Hàng Điếu (Hà Nội) là phố chuyên bán trà xưa nay. Mỗi lần về Việt Nam tôi thường mua trà ở đây. Sau lần nói chuyện với cụ già bán nước (trà) ở chợ Đồng Xuân (Chuyện hè phố QHQOK 2) tôi có được địa chỉ mua trà đáng tin cậy: Bà Hãnh 20 Hàng Điếu. (không phải số 1 như có lần trả lời nhầm). Những năm sau này bà Hãnh còn có Trà Tân Cương, loại đặc biệt (120 nghìn/kg), thơm ngon, ngốt giọng mà không chát. Trà mua các nơi khác cũng ngon nhưng sợ pha chế (vì thường có vị đắng hay chát quá).

- Thuốc (tiểu đương (QHQOK 2) thì cũng chỉ tình cờ tôi gặp ông thầy thuốc trong khi chụp hình ở Chùa Bà (Chợ Lớn), sau thời gian dùng thấy có hiệu nghiệm nên có kể lại trong bài viết. Mấy năm sau, khi dùng máy kiểm tra đường mới biết thuốc không trị dứt bệnh mà cũng như thuốc Tây (Stalix, Glyburideà) cầm chân đường lại mà thôi. Hơn nữa, trường hợp của tôi nhẹ nên khi thử máu bụng đói thì đường lúc nào cũng dưới 100. lúc bấy giờ tôi cứ tưởng nhờ uống thuốc kia. Tôi có báo cho ông Thầy thuốc biết và ông làm lại thuốc khác nhưng vẫn không thay đổi gì hơn. (Tôi phải tự điều chỉnh ăn uống và dùng thuốc Tây) , Nhờ vậy bệnh không tăng và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nếu độc giả nào đã có dùng thuốc mà dứt được bệnh thì xin mừng, ngược lại, xin thông báo để tùy nghi.

*********************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment