Ngày 15.10.2008 Giờ 07:39
Bà già bán quà vặt vui tính
71 tuổi, mỗi ngày bà phải gánh số tuổi đời đã luống cùng với gánh hàng đi cơ động khắp nơi ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi đứa con gái bị tâm thần nằm ở Biên Hoà. Khổ, nghèo, nhưng bà lại luôn nhìn xuống và lạc quan thấy mình còn hơn nhiều người…
Bà già gánh “Nam tiến” từ hơn tám năm nay. Mỗi ngày với gánh hàng rong nặng nhọc và thu nhập ít ỏi, nhưng bà vẫn luôn vui tính nhìn đời. Ảnh: Hồng Thái
Đêm Sài Gòn. Mưa lất phất. Trên đường, một bà già với đôi quang gánh chậm chạp từng bước nhọc nhằn… Ai cũng quen gọi bà là bà già gánh, ít ai biết tên thật của bà là Nguyễn Thị Anh, năm nay 71 tuổi, quê ở tận Đức Phổ, Quảng Ngãi. Bà già tóc bạc trắng, luôn bận bộ đồ nâu sờn cũ, trên vai là đôi quang gánh nặng khoảng 20 ký. Bà gánh đủ thứ như bánh, cóc, ổi… kiếm từng đồng nuôi đứa con gái 30 năm bị tâm thần.
Dặm trường vì con
Trời mưa, bán ế, bà loay hoay tìm chỗ ngồi trước mái hiên nhà trong con hẻm nhỏ. Ngồi lọt thỏm giữa đôi quang gánh, chép miệng nhìn trời, bà bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, ngỡ như mới hôm qua. Năm 1978, bà bàng hoàng nhận tin chồng bị ung thư bao tử. Năm sau, đứa con gái thứ ba đang độ đôi tám, tự dưng phát điên. Chồng bệnh, con điên, những đứa còn lại thì nhỏ dại. Bị căn bệnh ung thư hành hạ, ông quát mắng, gay gắt. Đứa con gái thì quậy phá suốt ngày, phải nhốt nó lại rồi cho mấy đứa em canh giữ. Bà làm đủ mọi việc để có tiền nuôi chồng, nuôi con. Bà nói: “Phải chi người bị ung thư là tui, có lẽ sẽ đỡ khổ hơn!”.
Bà chịu đựng như vậy được sáu năm thì ông mất. Bấy giờ, bà mới tập trung tìm thầy chữa bệnh cho con. Bà kể: “Tui bán cả ruộng vườn để lo thuốc thang cho nó. Nghe ở đâu có thầy hay, là tui đều tới. Nhưng nó đỡ được một chút, rồi cũng vậy”.
Bốn người con bình thường của bà lần lượt lập gia đình, con gái út chưa lấy chồng thì lo cơm nước cho mẹ. Mùa màng thất bát, con cái có vợ có chồng, rồi cũng nghèo. Bà quyết định “Nam tiến” để có tiền nuôi đứa con bất hạnh.
Vào một ngày giữa năm 2000, gia đình ông giáo trên đường Tân Hoá, quận 11 thấy một bà già hơn 60 tuổi, dẫn theo một đứa con gái trông vẻ ngớ ngẩn, hỏi thuê phòng trọ. Được những người đi trước chỉ dẫn, bà bắt đầu cuộc sống quảy gánh trên vai, kiếm sống qua ngày. Bà đi bán cả ngày, để con trong phòng khoá lại. Được vài năm, bệnh tình cô con gái ngày càng nặng. Cô chửi bới, đập phá lung tung. Chịu không xiết, mọi người mách bà nên gởi con vào bệnh viện tâm thần ở Biên Hoà.
Mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, bà gánh hàng ra Chợ Lớn mua thêm đồ bán, sau đó, gánh hàng ra tới bệnh viện Chợ Rẫy, rồi đi lòng vòng khắp các con hẻm bán hàng rong. Bà kể: “Trước cổng trường học bán được hơn, nhưng bị đuổi, chạy không kịp. Gánh đi như vầy bán lai rai cũng được!”.
Buổi sáng, bà lót dạ tô cháo hai ngàn đồng, hoặc chỉ một gói mì với nước sôi là xong buổi tối. Còn buổi trưa, bà được chủ quán cơm trên đường Phạm Đình Hổ, quận 6 “tài trợ” một suất cơm tình nghĩa. Làm lụng quần quật, vất vả kiếm được tiền lời buôn bán cả tháng cộng với 400 ngàn các con gởi vào, chỉ vừa đủ tiền viện phí mỗi tháng cho cô con gái. Bà cười: “Mừng quá cô ơi! Hôm qua tui đi thăm nó. Nó nhận ra tui là mẹ nó rồi. Bác sĩ nói nó bớt được năm phần! Tui mừng quá!”.
Vất vả, nhưng vẫn vui
Căn phòng trọ của bà ở Tân Hoá chỉ rộng chừng 15 mét vuông, nhưng chứa khoảng hơn 30 người. Buổi tối, chiếu trải khắp phòng. Mọi người nằm sát nhau như “cá mòi”. Lúc về tới nhà trọ là đã 12 giờ đêm, đèn đuốc tắt hết, bà mò mẫm tìm đến chỗ ngủ quen thuộc. Bà cười hì hì: “Hai đứa ni nằm hai bên đều mập, tui nằm chính giữa, bị tụi nó ép cứng ngắc”.
Có hôm chân bị sưng như chân voi, bà khập khiễng quảy đôi quang gánh trên vai đi từng bước. Được một đoạn vài mươi thước, bà lại đặt quang gánh xuống nghỉ. Một ngày buôn bán kiếm được hơn chục ngàn. Bà cười hớn hở: “Hồi nãy gặp cô ni, mua giùm ba chục trứng cút, dư ba ngàn, cổ bảo khỏi thối”.
Không hiểu sức mạnh từ đâu để bà già gánh có thể sống như vậy suốt tám năm qua. Bà cười bảo: “Quen rồi cô ơi!”. Rồi bà khoe: “Bây giờ mập lên được ba ký, lúc trước tui nặng có 39 ký hè!”.
Trung thu năm nay, có người tặng bà một chiếc bánh. Bà cẩn thận gói ghém rồi nhờ người quen gởi về quê cho các cháu. “Tội nghiệp! Từ nhỏ tới giờ, tụi nó chưa biết mặt cái bánh trung thu là cái ni!”. Thực ra, bản thân bà cũng chưa từng biết cái vị bánh trung thu ra sao. Bà kể, có hôm đi bán thấy người ta bày bánh thấy ngon, nhưng mắc quá, không dám mua.
Bà già lại hay mủi lòng vì người khác. “Có bà ni còn khổ hơn tui nữa. Nhà bả ở thành phố, có thằng con trai bị điên đập phá suốt ngày. Còn bà ni ở sát phòng trọ, hơn 80 tuổi bị con cháu đối xử tệ bạc, phải nhảy cầu tự tử. Tội lắm!”, bà trầm ngâm kể.
Minh Cúc
source
http://sgtt.com.vn/detail87.aspx?ColumnId=87&newsid=41825&fld=HTMG/2008/1014/41825
Monday November 10, 2008 - 08:54am (EST) Permanent Link 0 Comments
Hai ông già, hai câu chuyện
Ngày 30.09.2008 Giờ 07:41
Hai ông già, hai câu chuyện
“Không phải bây giờ khi nó phản rồi tôi mới nói ra để biện minh cho sự sai lầm của mình. Hồi mới lượm nó về, trước cửa nhà tôi – gần chợ Ông Tạ – sáng nào cũng có ông thầy bói mù đi bói dạo, vợ tôi mời ổng vô, nói mới lượm con bé ngoài đống rác, nhờ ông bói coi tương lai nó thế nào. Ông lão đưa tay sờ mặt, sờ vai, nắm tay nắm chân con bé rồi hốt hoảng đứng dậy, vừa đi vừa nói: “Bỏ đi, nó là linh cẩu, nó sẽ hại bà. Vợ tôi không tin, bảo ông già mù loà biết gì mà tướng với số”.
Ông Lê Tâm thì mang nặng nỗi niềm về mấy đứa con ruột
Giọng ông Ba Điển có lúc nghẹn ngào, cay đắng khi nói về đứa con nuôi. Lúc lại trầm ngâm, rưng rưng nước mắt khi nói về đứa con không nuôi ngày nào mà hiếu thảo như con ruột. Ông ngồi trên xe lăn, tay chân quặt quà quặt quại, miệng mấp máy mỗi lần muốn nói. Ông nói đó là hậu quả của cơn tai biến cách nay hơn một năm, sau khi vợ ông qua đời. Lần ấy, nếu không có chị Cương bán vé số tình cờ đi qua cứu ông thì chắc ông đã không còn. Gần một năm nằm trong nhà dưỡng lão, ông chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình người, có những ẩn số không thể nào lý giải.
“Vợ chồng tôi không có con nên coi nó như con ruột. Học hết phổ thông, nó đi làm việc rồi lấy chồng, sinh con. Ba đứa con của nó lần lượt ra đời trong sự cưu mang, chăm sóc của vợ chồng tôi, chúng tôi vẫn xem chúng như cháu ngoại, đưa đón chúng nó đi học để cho cha mẹ chúng đi làm. Nói ra thì vừa hổ thẹn, vừa đau lòng, nuôi nó hơn bốn mươi năm, vợ chồng tôi chưa bao giờ nhận lại sự hiếu thảo ở nó dù là một cử chỉ, một lời nói. Buồn lắm nhưng không nói ra, cứ âm thầm chịu đựng, làm hết trách nhiệm của người mẹ, người cha. Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, tôi quyết định bán căn nhà ở Tân Bình để về sống trên phần đất hương hoả ở chợ Bưng Cầu, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Bán nhà được ba chục cây vàng, tôi để lại cho nó tám cây. Hai năm sau tôi ra Sài Gòn tìm nó thì mới hay nó thôi việc, kiếm sống bằng cách vay nợ đầu này rồi cho vay nặng lãi đầu kia, rồi bị giựt, rồi bể nợ. Lúc tôi gặp thì nó đang trốn nợ trong nhà vệ sinh gần khu nhà trọ. Thấy nó khổ, vợ chồng tôi kêu nó về, cắt cho nó gần tám chục mét vuông đất cạnh nhà, mấy anh trên sở Lao động cũng lách qua lách lại xây cho nó căn nhà tình nghĩa thông qua chế độ của tôi. Mấy ảnh nói dù sao thì tuổi già của vợ chồng tôi có con cháu sống cạnh cũng tốt hơn. Thế nhưng, chẳng những không tốt hơn chút nào mà còn thêm tủi. Nó mượn tôi bốn mươi triệu đồng, nói là mua xe máy cho con nó, để vợ chồng tôi có mệnh hệ nào thì cũng có xe đưa đi bệnh viện. Khi vợ tôi lâm bệnh, nó đi đâu biền biệt, không một lời thăm hỏi. Vợ tôi qua đời chưa được bao lâu thì nó bán nhà, đi mất, cũng không hề cho tôi hay một tiếng. Tôi sống thui thủi một mình. Một hôm, tôi bị tai biến, nằm bất tỉnh, ỉa đái trong quần. Khi tỉnh dậy thì thấy có người phụ nữ lạ chăm sóc cho mình. Hỏi ra mới biết, đó là cháu Kim Cương bán vé số. Vợ chồng Cương từ An Giang chạy đói lên Bình Dương. Chồng làm phụ hồ, vợ bán vé số nuôi hai đứa con, đứa trai 15 tuổi, đứa gái 13 tuổi. Cương tự nhận làm con nuôi tôi, hai đứa nhỏ gọi tôi bằng ông ngoại. Hàng ngày mẹ con nó thay nhau đến lo cơm nước, tắm giặt, dọn dẹp nhà cửa cho tôi suốt cả năm trời mà không đòi hỏi một điều kiện gì. Khi tôi vào trung tâm dưỡng lão, ngôi nhà tôi đã bán trước đó mấy năm, người ta cho tôi ở lại. Lúc giao nhà, tôi tặng cho cháu Cương một số vật dụng thừa như tủ, bàn, ghế... thì đứa con trời ơi kia tìm đến mắng chửi Cương, đòi đốt nhà, đòi mấy món đồ ấy lại...”.
Ông Lê Phước Điển và câu chuyện đứa con nuôi làm ông ray rứt khôn nguôi
Ông Ba Điển rưng rưng nước mắt, hai tay nặng nhọc lăn bánh xe trở về phòng, ông Hai Tâm nhìn theo, giọng ngậm ngùi, chua chát:
“Con nuôi mà nó phản thì cũng đau, nhưng đâu có đau bằng con ruột như tôi. Năm 1983, sau khi vợ tôi qua đời, tôi từ Thanh Hoá dẫn ba đứa con vào Dầu Tiếng xin làm công nhân cạo mủ cao su. Thằng Tân 20 tuổi, thằng Hùng 16 tuổi, con Nga 3 tuổi. Hai mươi lăm năm, tính ra đã một phần tư thế kỷ. Một đời gà trống nuôi con của tôi cuối cùng là gì, nếu không có cái trung tâm nuôi dưỡng người già này thì chắc đã chết bờ chết bụi. Năm 2000, sau khi con Nga lấy chồng, thằng Tân thằng Hùng cũng đã ở riêng, còn lại một mình tôi với hai mẫu đất rẫy heo hút trên Dầu Tiếng. Thằng Hùng nói bố sống chi một mình, bán rẫy đi về ở với vợ chồng con. Tôi nghe lời nó, bán miếng rẫy đem tiền về cho nó cất nhà. Ở không được bao lâu, con vợ nó bắt đầu mắng chó chửi mèo. Rồi thằng Hùng đi ăn trộm mủ cao su bị bắt, vợ nó nói tại bố đi méc người ta, nuôi ong trong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Bây giờ giữa tôi với lão già ấy, ông chọn ai? Thằng Hùng ậm ờ bảo tao chọn cả hai. Vợ nó ẵm con về nhà cha mẹ ruột. Buồn quá, tôi khóc, qua tâm sự với thằng Tân. Thằng Tân bảo bố sang ở với con. Nhưng được mấy hôm, nó nhậu say về quát, ông bán rẫy đưa tiền cho thằng Hùng thì nó phải nuôi ông, tôi không có trách nhiệm. Nói rồi nó quăng quần áo tôi ra sân. Tôi đến trụ sở dân phòng giăng võng ngủ được ba hôm thì bị đuổi. Nhảy lên xe buýt, tôi lang thang ra cầu Sài Gòn sống với mấy đứa trẻ bụi đời. Rồi một đêm nọ, tôi gom đá bọc vào cái võng, cột chặt dây võng vô chân trái, ngồi uống rượu một mình. Uống hết nửa lít rượu, tôi co chân phải, định đạp cái bọc đá xuống sông Sài Gòn. Nhưng lại nghĩ, mình làm vậy có tổn đức cho con cháu không. Tôi trở về Bình Dương, đi lên rẫy làm mướn ba năm, đến lúc không còn ai bỏ tiền ra để thuê một lão già không còn sức lực nữa thì tìm đường xin vào đây”.
Hỏi về đứa con gái, ông nói: “Nó không đến nỗi tệ, nhưng lệ thuộc thằng chồng. Hồi trước, thỉnh thoảng nó có vào thăm nhưng khai với trung tâm rằng tôi là bố nuôi. Nó cũng dặn tôi nói thế. Nhưng từ khi bị phát hiện ra nó là con ruột, nó không vào nữa”.
Ông lão lại rưng rưng và lầm lũi trở về phòng.
Võ Đắc Danh
source
http://sgtt.com.vn/detail87.aspx?newsid=41022&fld=HTMG/2008/0928/41022
No comments:
Post a Comment