Tan văn
“Quán di sản Sài Gòn”
Quầy pha chế cà phê của “quán di sản Sài Gòn” |
SGTT - Sinh thời, nhà văn Sơn Nam mà chúng tôi vẫn gọi thân mật là “Ông già Nam bộ”, thường nói chuyện về Sài Gòn thuở xưa
Tại một quán cà phê nhỏ ở đường Nguyễn Huệ, ông nói về cây cối ở đường phố Sài Gòn: “Hồi đó trong cái bồn dài suốt đại lộ Nguyễn Huệ chia hai lối xe cộ qua lại, trồng một hàng cây thông rất đẹp, thứ thông gốc từ Ý Đại Lợi. Sau đó tự nhiên thông khô héo, chết hết... Có người biểu do bị ảnh hưởng thuốc khai quang từ vùng Cần Giờ, gió thổi vô làm chết. Nhưng khó tin, sao chỉ có hàng cây thông này bị ảnh hưởng mà chết?... Ở vùng Phú Thọ trường đua (quận 11) có những hàng cây caroubier, tiếng dân dã kêu là cây “dái ngựa”. Một số cây dái ngựa còn sót lại bây giờ, thiệt là quý, một trong những di sản của Sài Gòn…”
Mới đây, chúng tôi chú ý một cái quán ám khói ở số 519 đường Âu Cơ, quận Tân Phú, chợt nhớ “Ông già Nam bộ”. Đây chính là cái quán cà phê bình dân điển hình của Sài Gòn ngày trước mà ông đã từng nói. “Ông già Nam bộ” quen biết chủ quán từ những năm 1960, khi đó vùng này còn hoang sơ, cái quán lập nên trên con đường Âu Cơ còn như một con đường làng quê. Chúng tôi kêu ly cà phê nóng, được mang ra một ly rất nhỏ, hệt ly “xây chừng” trong “tiệm cà phê các chú” của người Hoa. Có cái dĩa sành dưới cái ly, nếu vội thì đổ cà phê ra dĩa cho mau bớt nóng để uống. Quán mở ra hai phía. Nơi pha chế cà phê ở khoảng giữa quán, sát phía cửa hông, nhìn ra con hẻm. Một bệ xây thấp, trên đó pha chế cà phê vợt, cũng gọi là cà phê bít-tất, cà phê vớ. Cái bàn phía sau bệ xây, để một dãy ly cao thấp, toàn là loại ly thuỷ tinh nội địa. Gần đó là quầy tính tiền. Khoảng tường sát quầy tính tiền, ghi tên và số tiền người uống thiếu, tức uống “ghi sổ”. Mặt bàn gỗ bọc nhôm, ten lên đen sì. Những chiếc ghế đẩu (không có tựa lưng), gỗ chắc nịch, lên nước màu nâu sẫm bóng ngời, loại ghế này bây giờ ít thấy. Trần nhà bằng nhựa lâu năm, điểm khói bụi từng chấm chi chít như nền một bức tranh của danh hoạ Seurat, với thủ pháp “điểm hoạ”. Chủ quán qua đời đã vài năm, hai cô con gái luân phiên đứng quán 24/24 giờ. Quán luôn đông khách, những ông già, người lao động nghèo, rảnh rỗi ngồi uống cà phê với giá rẻ mạt lại có nơi ngồi lâu để chuyện trò vui vẻ, vừa thưởng thức “cà phê bít-tất” vừa góp phần vào hoạt cảnh sống động của thành phố. Nhìn qua cửa hông, những chiếc vợt chế cà phê phơi treo trên tấm rào sắt nhà đầu ngõ, cũng là căn nhà của gia đình chủ quán. Liền nhớ không khí “tiệm cà phê các chú” của người Hoa ở Sài Gòn. Nhà văn Bình Nguyên Lộc ưa cả sự dơ bẩn trên vách tường, bảo đó là một đặc tính không thể thiếu của tiệm-cà-phê-các-chú, tương tự cái trần ám khói của quán cà phê vợt này. “Ông già Nam bộ” cũng ưa tiệm cà-phê-các-chú, và ông nói Sài Gòn vẫn có nhiều tiệm-cà-phê-các-chú, còn quán cà phê vợt ở đường Âu Cơ, nay mặc nhiên thuộc loại “di sản” hiếm quý, dân Sài Gòn nên bảo tồn.
Nguyễn Đạt
source
http://sgtt.com.vn/Detail46.aspx?ColumnId=46&newsid=54593&fld=HTMG/2009/0723/54593
No comments:
Post a Comment