Saturday 8 August 2009

Dĩ Độc Trị Độc



Ngọc Thụy
OneViet.com

Cho dù có thể phòng ngừa và chữa trị, hàng năm vẫn có hơn nửa triệu người bị nhiễm sốt rét với mức tử vong từ 1 đến 3 triệu người, phần lớn là trẻ em trong vùng Sub-Saharan ở Châu Phi. Theo WHO, cứ mỗi 30 giây lại có một thiếu nhi chết vì sốt rét. Tập trung nhiều ở Châu Phi, sốt rét còn có mặt ở vùng Nam Mỹ, và Châu Á đồng thời gắn liền với nghèo đói cũng như chính là nguồn gốc của nghèo đói. Tuy nhiên với khám phá mới đây của các khoa học gia Châu Âu, rồi đây người ta hy vọng có thể truy quét và tận diệt bệnh sốt rét bằng cách dùng ngay muỗi Anopheles trong công tác chữa bệnh: Anopheles sẽ mang vacxin đến cho từng nạn nhân của mình khi hút máu. Kết quả của thử nghiệm giới hạn này mang lại nhiều bất ngờ cho các khoa học gia. Những người trong nhóm được muỗi chích “vacxin” đều có khả năng đề kháng sốt rét trong khi nhóm không được muỗi tiêm vacxin đều bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với kỳ sinh trùng.
Cho đến nay cuộc thử nghiệm chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ và phương thức này không thực tiễn trên quy mô rộng. Nhưng điều này lại cho thấy người ta đang đi đúng hướng trong việc phát triển một loại vacxin hiệu nghiệm chống lại kẻ thù số một của nhân loại.
Trong bài viết đăng trên tập san y học New England Journal of Medicine, bác sĩ Carlos Campbell cho hay xưa nay vacxin vẫn được bào chế trong phòng thí nghiệm thì nay được chuyển ra thế giới thực tế bên ngoài.

Thông thường con người nhiễm sốt rét khi bị muỗi Anopheles cái chích. Chỉ có Anopheles mới có khả năng truyền bệnh, nhưng trước hết muỗi phải hút máu từ một bệnh nhân sốt rét, rồi từ đó truyền sang người khác. Khi chích, muỗi hút một lượng máu nhỏ trong đó có chứa ký sinh trùng sốt rét Plasmodium. Khi muỗi cắn người kế tiếp thì những ký sinh trùng đó được trộn với nước miếng muỗi và tiêm vào mạch máu nạn nhân. Ký sinh trùng sinh sôi nẩy nở trong gan và bắt đầu mở cuộc tấn công vào hồng huyết cầu gây cảm giác nhức đầu nhẹ, khó thở … cùng với sốt, lạnh, muốn ói, và trong trường hợp nghiêm trọng sẽ rơi vào hôn mê và chết. Người ta được biết cơ thể con người có khả năng chống trả với sốt rét nếu cứ tái đi tái lại. Trong khi viên chloroquin lại có khả năng giết chết ký sinh trùng trong máu ở giai đoạn cuối là thời kỳ nguy hiểm nhất.

Các khoa học gia tìm cách lợi dụng hai yếu tố: dùng chloroquine để bảo vệ con người trong cùng lúc lại để cho họ tiếp xúc với ký sinh trùng sốt rét để cho khả năng kháng thể phát triển. Nhóm chuyên viên chọn 10 người tình nguyện vào nhóm được vacxin và năm người vào nhóm thứ hai để làm cơ sở so sánh. Tất cả đều được cho uống chloroquine trong ba tháng, và cho tiếp xúc với khoảng chục con muỗi một lần trong một tháng – muỗi nhiễm bệnh cho nhóm có vacxin và muỗi không nhiễm bệnh cho nhóm nhỏ.
Sau đó tất cả 15 người ngưng uống chloroquine. Hai tháng sau, tất cả đều bị muỗi Anopheles nhiễm bệnh chích. Xét nghiệm máu cho thấy không người nào trong nhóm 10 người có ký sinh trùng sốt rét trong huyết, trong khi năm người đều có kết quả dương tính. Theo phát biểu của bác sĩ Robert Sauerwein, một thành viên của nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Radboud, đại học Nijmegen ở Hòa Lan thì đây “không phải là một vacxin” mà là một cách cho thấy ký sinh trùng có thể dùng như một loại vacxin chống sốt rét. Nói tóm là muỗi Anopheles thay vì truyền bệnh khi chích lại tiêm một loại kháng thể vào nạn nhân giúp con người chống lại sốt rét.
Khái niệm này đang được công ty Sanaria Inc. ở Rockville, Maryland đưa vào thí nghiệm. Vacxin được báo chế bằng ký sinh trùng đã được làm suy yếu bớt, với hy vọng nó vẫn ở trạng thái không trưởng thành khi nằm trong gan để phát triển khả năng đề kháng mà không gây bệnh.

Xem chi tiết tại:
Radboud University Nijmegen Medical Centre:
http://www.umcn.nl

New England Journal of Medicine (NEJM): http://content.nejm.org
----------------------------------

source

http://www.oneviet.com/archives/2009/08/d_c_tr_c.php#more

No comments:

Post a Comment