Monday 10 August 2009

Cúm tới Sài gòn


June 11, 2009

Cúm tới Sài gòn

Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune

Trong câu chuyện, chị N. một Việt kiều Mỹ kể mấy mẹ con bà cháu về lại Sài Gòn thấy đường xá bị rào chắn, đào bới, xe gắn máy chạy trên lề, xe hơi phóng ào ạt. Đứng bên này đường cả mười lăm phút vẫn không biết làm cách nào để băng qua bên kia. Con chị, sanh bên Mỹ, sợ quá khóc lên…Chị N. cũng như nhiều độc giả ở xa về thăm quê chỉ biết sợ xe cộ, sự ô nhiễm, bát nháo ở Sài Gòn mà không biết người Sài Gòn cũng… sợ các vị không kém – nói đúng ra là sợ ‘đặc sản’ cúm H1N1 mà các vị vô tình đã mang theo.
Trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, tin về cúm H1N1 được cập nhật gần như từng giờ. Tính từ khi dịch cúm bùng nổ ở Mexico cho tới ngày 10/6 này – quãng tháng rưỡi – Việt nam mới ‘được’ghi tên vào danh sách 74 nước và vùng lãnh thổ bị cúm H1N1 quét qua. Hơi muộn so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng vẫn sớm hơn một chút so với các nước Đông Nam Á láng giềng.

Trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1.Photo Nguyễn Thị Lan Anh/ViệtTribune

Tin từ Sở Y tế Sài Gòn cho biết 16 Việt kiều có virus cúm H1N1, chủ yếu đều từ Mỹ về Việt Nam bằng đường hàng không. Theo dự đoán của Giám đốc Sở Y Tế, ông Nguyễn Văn Châu, thì trong tương lai gần, số người lây bệnh từ các ‘cúm nhân’ này sẽ tăng nhanh, lan rộng khắp các tỉnh thành, nhất là những trọng điểm kinh tế, du lịch. Nhiều bạn bè cẩn thận, trước khi về Việt Nam đã gọi điện ‘yêu cầu làm ơn nói thiệt giùm, tình hình bên nhà thực hư ra sao, có ai chết chưa’. Kẻ viết bài phải thề nói thực, rằng.

Sợ thì có sợ nhưng mà…
Cái sự sống chung với dịch, đối với người Việt, vốn chẳng lạ lẫm gì. Chẳng thế mà trong ngôn ngữ hàng ngày, dấu vết của nó vẫn thấp thoáng. Khi cần rủa yêu, mắng yêu ai, người Nam nói đồ mắc dịch, đồ chết toi, đồ ôn hoàng dịch lệ, người Bắc thì đồ phải gió ở đâu! phải gió cái nhà anh này! Các bậc tiền bối sống ở làng quê Bắc Bộ, khi được hỏi về dịch tả, dịch hạch, dịch cúm gà năm bảy chục năm về trước đều rùng mình khiếp sợ. Theo các cụ thì dịch là do Diêm Vương bắt lính. Không phải năm nào cũng bắt, mà chỉ khi thiếu mới sai bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa lên trần gian gom người. Bọn quỷ đã tạo ra nắng nóng, tiêu chảy, cúm gà cúm heo để vạn sinh linh có dịp cắt hộ khẩu trần gian đồng loạt. Tháng năm tháng sáu, mùa quan ôn bắt dịch, khắp làng thôn Bắc bộ, vắng bặt tiếng gà kêu chó sủa, người chết không đủ chiếu bó thây. Người sống phải biện lễ cúng ôn hoàng dịch lệ hay cúng ông Cúm, bà Co, lễ vật và văn khấn tóm tắt như sau:
Ông Cúm mấy lại Bà Co
Không ở xứ Nghệ mà dò ra đây
Tín chủ tôi có món quà này
Mắm tôm, kẹo bột, bỏng nắm (cốm),
bánh dầy, bánh đa
Ăn rồi xin chư vị bước ra…

Viện Pasteur, nơi xét nghiệm, chẩn đoán, tiêm ngừa các bệnh nhân nghi bị nhiễm cúm H1N1. Photo Nguyễn Thị Lan Anh/ViệtTribune

Dịch thế mới là dịch! Chứ như bây giờ, cả thế giới 74 nước mắc dịch, 25.000 bệnh nhân mà chỉ có 140 người chính thức làm lính Âm Phủ, thì quá ít. Lại nữa, so với các loại ác bệnh hành hạ nạn nhân hộc máu mồm chồm máu mũi, hình thù cong queo, gào gầm điên dại… thì cúm H1N1 quá hiền, không đáng được gọi là bệnh, lão cúm H1N1 quá đù, không đáng mặt quan ôn.
Không tin, độc giả cứ thử mắc cúm, vào nằm bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, hoặc bệnh viện Nhi Đồng, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, sẽ biết. Trong lúc bệnh viện Sài Gòn luôn luôn quá tải (càng đặc biệt quá tải trong mùa hè, khi thời tiết thay đổi liên tục, thực phẩm và môi trường sống bị nhiễm bẩn trầm trọng), người nằm điều trị phải hai người một giường hoặc trải chiếu nằm trên sàn phòng, nằm ngoài hành lang, thì bệnh nhân cúm H1N1 (hầu hết là Việt kiều và người thân đi cùng chuyến bay) được nằm phòng riêng biệt yên tĩnh, có máy tính kết nối internet giải sầu, có điều dưỡng chăm sóc thuốc men cơm nước chu đáo, thỉnh thoảng được nhà báo chụp hình, được cả Thứ trưởng bộ Y tế Trịnh Quân Huấn tới thăm. Mọi chi phí xét nghiệm, điều trị đều miễn hết. Bảy ngày nằm chơi không, rồi được tuyên bố ‘trắng án’, được tha về. Cúm như thế, chẳng cứ người đói rách lang thang, mà ngay kẻ viết bài cũng ước ao được cúm.

Các bà mẹ trẻ lo lắng trang bị khẩu trang cho con.Photo Nguyễn Thị Lan Anh/ViệtTribune

Không dám ham đâu!
Muốn được cúm, cứ ‘xáp lá cà’ với Việt Kiều ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đứng ngay lối ra, đợi lúc họ xuất hiện là alê hấp, ào tới hỏi han, bắt tay, xách đồ giùm, canh lúc họ ‘hắt xì hơi đánh rơi một đồng’ thì…đưa mặt vô hứng. Hàng ngày, từ sáng tới khuya, tiếp cận gần mười ngàn người, chịu khó làm vậy chừng một ngày, ắt ‘dính’ cúm. Đem ‘sáng kiến’ phổ biến cho anh T., tài xế taxi Mai Linh, anh này lắc đầu quầy quậy cho biết công ty anh là một trong những công ty vận tải họp phổ biến cách phòng chống dịch cúm cho tài xế sớm nhất nhưng anh vẫn không dám yên tâm. Trước, anh đón Việt kiều Mỹ ‘vô tư’, thậm chí dành nhau, đánh nhau với các tài xế khác để được chở những ‘con mồi béo bở’. Bây giờ thấy Việt kiều, nhiều xe đùn đẩy nhau, nhường nhau một cách hết sức cao thượng (!)
Hèn nhát như anh tài xế T. chưa phải là nhất. Làm một vòng ‘thám sát’ Sài Gòn, kẻ viết ghi nhận vài ‘hèn đại nhân’ có tầm cỡ hơn. Người thứ nhất là ông Sơn, nghe hai
vợ chồng thằng cháu từ Mỹ về chơi, sẽ ghé ông hai ba hôm trước khi đi Vĩnh Long. Chưa chi ông đã thấy như thần cúm theo chân chúng nó vào nhà mình, sợ rủn người, bèn nghĩ ra diệu kế: mua hai cái khẩu trang, lúc ra sân bay đón cháu, chồng đeo một cái, vợ đeo một cái, triển lãm! Vừa giả bộ ho hung hắng vừa rên rỉ ‘cháu ạ, chú thím đang mắc cúm, nhà hàng xóm lây cho đấy’. Thế là xong! Một ‘hèn đại nhân’ khác, là Nguyễn Ng., đồng nghiệp kẻ viết bài. Nghe bạn học cũ, từ Canada về, gọi điện rủ ‘thăm chốn xưa’ (là cổng trường Gia Long, nơi các anh từng một thời ‘anh theo Ngọ về’ chăm chỉ), Ng. phân vân, cuối cùng kiếm cớ thoái thác. Ngay gói quà bạn tạt qua cơ quan gửi biếu, anh cũng cẩn thận mang chai xịt muỗi ra xịt khắp lượt giấy gói bên ngoài. Bắt gặp cái nhún vai của kẻ viết bài, anh cười gượng chống chế ‘cẩn thận một chút không thừa. Tôi còn vợ con, bà ơi!’.
Những ‘hèn đại nhân’ như anh tài xế T., anh Ng. khá nhiều. Nhưng còn nhiều hơn họ, là những ‘không hèn đại nhân’- các bà bán hàng ăn vỉa hè, bán rau cá trong chợ, các học sinh luyện thi đại học trong những lò bát quái nóng hầm hập, các thợ hồ rúc trong lều tạm, các công nhân may gia công xúm xít trong xí nghiệp vài trăm, vài ngàn người. Tất cả họ, đều ít nhiều biết tin cúm H1N1 có mặt ở Sài Gòn, biết nguy cơ mắc cúm, lây cúm rất cao trong cộng đồng, biết cách phòng chống dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm khác. Nhưng biết là một chuyện, còn phòng thì không thể, vì nói như chị Hà bán tôm cá chợ Phạm Văn Hai thì ‘ngồi bán mà đeo khẩu trang coi không giống ai. Đòi có cục xà bông với vòi nước rửa tay càng không thể’.

Bị cúm thì đi đâu?
Trở lại thăm mẹ con bà cháu chị N., nghe chị phàn nàn ‘từ hôm qua tới nay muốn đi chơi chợ Bến Thành, kiếm cái gì ăn, nhưng gọi cho mấy bà bạn, bà nào cũng bảo bận không đi’. Kẻ viết bài hiểu ngay nguồn cơn, bèn phải dặn chị đừng khoe là mới từ Mỹ về. Đồ trang sức đắt tiền, váy áo loè xoè, cái giọng Việt Nam cưng cứng, cái cách xài tiền lóng ngóng, cái mặt ngơ ngơ… tất cả phải đều phải giấu. Giấu đi đâu? Không biết, chỉ biết phải giấu đi, nếu muốn không bị xua đuổi, bị từ chối khéo. Chị N. xua tay, chỉ ở Việt Nam bốn ngày nữa, đuổi khéo hay không khéo, đây không ‘ke’. Nhưng trong bốn ngày đó, nếu ông cúm H1N1 túm được chị, thì sao nào? Chị N. đờ người, ừ thì sao, phải đi chỗ nào, bảo mình với.
Nhằm ‘hù’ chị N. và các độc giả non gan ở xa khác, kẻ viết bài giới thiệu bốn bệnh viện ở Sài Gòn đang trực tiếp nhận bệnh nhân H1N1, là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Trong đó phổ biến nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tọa lạc trên đường Hàm Tử. Trong hình, cửa vào bệnh viện này bị chặn bít vì đường Hàm Tử (là một phần của công trình đại lộ Đông- Tây) đang được thi công, cả con đường ngổn ngang toàn xe cơ giới, đất đá, bùn lầy. Người có bệnh, hoặc nghi có bệnh, muốn vào bệnh viện khám, đều phải đi qua ‘vũng lầy của chúng ta’, gửi xe lại, rồi lách mình men theo một ngõ tắt, mới vào được khuôn viên bệnh viện (hình này các báo trong nước không đưa lên vì….).
Thứ hai là bệnh viện Nhi đồng 1 trên đường Lý Thái Tổ. Phía trước bệnh viện có vỉa hè rất rộng dài nhưng bị đội quân cò mồi, tài xế taxi, xe ôm, các dịch vụ bán đồ chơi trẻ em, đồ dùng cá nhân chiếm dụng hết. Người từ các tỉnh, các quận huyện nội ngoại thành đem con đi khám tấp nập. Trong khu điều trị nội trú số trẻ ho, sốt li bì, bỏ bú (là dấu hiệu đầu tiên của các bệnh sốt xuất huyết, sốt phát ban, cúm) nằm chen chúc. Mỗi em nằm như vậy kéo theo ít nhất ba thân nhân- người trực tiếp ‘hầu’, người làm chân chạy mua thuốc, mua cơm, người …ngủ lấy sức thay phiên.
Khi trả lời báo chí, ông Nguyễn văn Châu, Giám đốc Sở Y tế Sài Gòn, đã khẳng định mặc dù Việt nam chưa sản xuất được vaccine phòng dịch, chưa có nguồn thuốc Tamiflu dồi dào, chưa đủ các trang thiết bị cần thiết như máy trợ thở, xe chuyển bệnh, phòng điều trị cách ly cho bệnh viện tuyến quận huyện nhưng tình hình dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát khống chế của ngành y tế thành phố. Hiện, trừ Sài Gòn và Đồng Nai, 62 tỉnh thành còn lại chưa ‘được’ ông cúm H1N1 thăm viếng. Nhưng với tình hình sinh viên du học về nước nghỉ hè, người đi du lịch ‘hai trong một’ (đi thăm thân nhân kết hợp trị bệnh hoặc mua nhà), người tiếp xúc với các bệnh nhân ngày một đông, thì nguy cơ cúm H1N1 lan ra cả nước không phải là ‘không có hy vọng’.[NTLA]

----------------------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment