Sunday 28 February 2010

Nghề lái rơm



Cập nhật lúc 5:21:49 AM - 26/02/2010

chorom1.jpg


Một góc chợ rơm ở Tân Hiệp, Lai Vung, Đồng Tháp – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Thảo Nguyên/Viễn Đông


Họ không phải là nông dân, những biết rất rõ từng mùa vụ thu hoạch lúa ở khắp vùng Miền Tây. Sau Tết, nhiều đồng ruộng ở Cần Thơ, Trà Vinh đang chín vàng chuẩn bị thu hoạch, những người buôn rơm đã đến hỏi mua rơm. Thông thường rơm được mua mão bình quân một công lúa khoảng 1 đến 2 trăm ngàn đồng tùy theo mùa. Mua tại ruộng nhiều nhà nông thích bán rơm vì kiếm thêm ít tiền mua phân thuốc cho vụ mùa sau, chính nhờ đó mà ngày càng có nhiều người làm nghề lái rơm ở Miền Tây.


chorom2.jpg


Thu mua rơm, những người làm thuê thay phiên ngủ võng – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Một số nông dân khá giả thì không thích bán rơm, mà thường thuê người đi giũ rơm (phủ rơm) trở lại trên mặt đất ruộng, rồi đốt, vừa để tiêu diệt sâu bọ, gốc rạ, bông cỏ, vừa có thể tạo màu mỡ cho đất ruộng. Mỗi lái rơm có một quyển sổ ghi rõ tên người bán rơm, quê quán, ngày giờ thu hoạch rơm, số công đất và đặt cọc trước một ít tiền làm tin… Vào những ngày sau Tết nhiều lái rơm chạy xe gắn máy đi vào các đường quê, hễ thấy cánh đồng lúc nào đang chín vàng thì tìm hỏi thăm để đặt mua rơm. Đến đúng ngày giờ lúc được thu hoạch họ thuê ghe lớn đến địa điểm để chở rơm.


chorom3.jpg


Ghe rơm đầy tràn – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Anh HVL một lái rơm ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, cho biết: “Thuê ghe, thuê nhân công đi mua rơm mỗi chuyến như vậy cũng mất hết vài triệu đồng chi phí, trừ các khoảng khác như đi tiền trạm, tiền ăn uống cho nhân công… cũng còn lời khoảng 1, 2 triệu đồng. Đi như vậy mất ít nhất một tuần lễ, ngoài ra phải thuê thêm 4, 5 nhân công đi khiêng, vác rơm xuống ghe.


chorom4.jpg


Chất rơm và đi đòn dầy – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Đa phần những thanh niên nầy có sức khỏe và kinh nghiệm chất rơm, rơm được chất thật chặt mà không bị chùi xuống sông, hoặc không bị lệch một bên dễ làm ghe bị lật khi di chuyển. Cũng không được chất quá cao che khuất tầm mắt người lái ghe, những mùa mưa còn phải biết chất rơm cách nào mà khi mưa xuống nước mưa không thấm vào ghe rơm, phải chất làm sao cho nước chảy ra ngoài ghe...”.


chorom5.jpg


Mua rơm về nhà – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông


Nghề lái buôn rơm thường rộ lên từ sau Tết, khi vụ lúc đông xuân được thu hoạch, đây cũng là lúc lượng rơm mua được lớn. Nhiều chủ lái buôn còn xây cả nhà khi để vựa rơm khô, chờ đến mùa mưa hoặc mùa nước nổi bán. Khi đó giá rơm tăng gấp 2, 3 lần mùa nầy. Hơn 15 năm qua một chợ rơm được hình thành tại xã Tân Hiệp, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây lúc nào cũng có hàng chục ghe lớn chất đầy rơm đậu cặp bờ sông chờ người mua. Rơm được thu mua phần lớn ở các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… mang về chợ rơm Tân Hiệp, rồi từ đây rơm được bán cho nhà vườn. Họ mua về phủ gốc cây ăn trái, hoặc liếp dưa, một số bán cho các lò hầm gạch, một số bán cho các gia đình nuôi bò. Đặc biệt, rơm ở đây bán rất nhiều cho người trồng nấm rơm. Nhưng bán bằng cách nào? Tất cả đều do một người chủ định giá bằng cách tính mão. Thí dụ như đầy ghe tam bản này giá 100 ngàn đồng, hoặc 200 ngàn đồng, còn một xe bò giá 50 ngàn đồng hoặc 100 ngàn đồng tùy cộ nhỏ hoặc lớn. Tuy nhiên, để lấy được ghe rơm hay là cộ rơm không phải là chuyện dễ. Vì khi rơm được chất xuống ghe lớn đã được nén rất chặt cho nên bây giờ lấy lên nếu là “tay ngang” không có kinh nghiệm thì không dễ tí nào.

Anh TBD một chuyên gia trong lĩnh vực chất rơm xuống ghe “bật mí” kỹ thuật: “Khi chất rơm phải để ý rơm được xếp tạo thành lớp, khi lấy rơm lên cũng phải lấy theo lớp, tất nhiên là phải dùng đến mỏ xãy. Mỏ xãy là loại cây có cán dài khoảng một thước rưỡi, đầu dưới có hai thanh sắt dài khoảng 2 tấc được uốn cong theo kiểu hai ngón tay đang gãi, như vậy mới lấy rơm lên được”.


chorom6.jpg


Rơm được chất thành cây để dự trữ – ảnh: Thảo Nguyên/Viễn Đông

Còn khi rơm đang chất đống ngoài đồng, để mang được chúng xuống ghe lớn cũng phải có nghề mới hiệu quả. Có người dùng khiên cây để khiên rơm, nhưng có người lại thích dùng tấm bạt nylon để bó rơm cho chặt mang được số lượng nhiều. Gần đây có người còn chế ra cái cộ bằng ống nhựa có gắn bốn bánh xe đạp nhỏ để kéo. Khi đến ghe thì 2 người chỉ cần mở chốt là cái cộ ấy trở thành đoàn khiên và hai người khiên xuống ghe. Tuy nhiên, việc khiêng gánh rơm vừa nặng vừa cồng kềnh đi trên một đoạn đường dài lại là chuyện không đơn giản. Nhất là người đi sau không nhìn thấy bước chân của mình trên đường dài mà hoàn toàn đón phương hướng… và phải mất không ít thời gian để có thể làm được việc ấy. Nhiều người mới vào nghề không ít lần rớt xuống sông kéo theo cả gánh rơm, mà rơm ướt là coi như bỏ, vì nếu lấy lại thì làm ảnh hưởng đến trọng lượng và có khi hư cả ghe rơm bởi cái ẩm ướt làm hầm hơi nóng, khi đó rơm bán sẽ không được giá cao.

source

VienDongDaily

No comments:

Post a Comment