Thursday, 11 February 2010

Đón tết ở miền xa


Phóng sự - Ký sự

Thứ Sáu, 12/02/2010, 06:00 (GMT+7)


TTXuân - Khi Sài Gòn bắt đầu thấy heo may về, trời nhẹ và dịu hơn, thời khắc một năm sắp đi qua tạo cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tết lại sắp gõ cửa phố phường, theo về cùng hoa mai, bánh mứt và không gian nhộn nhịp đầm ấm. Những lúc ấy tôi lại khoác balô lên đường.

Dưới chân đèo Pha Đin hiểm trở là nơi sinh sống của bản làng các gia đình người Thái thuộc Thuận Châu (Sơn La). Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng người Thái vẫn yêu ca múa và sống lạc quan. Khi hoa cải đã nở vàng ngoài chân núi, nước suối trong lành hơn và bọn trẻ con vui nhộn hơn đó là khi mùa xuân về

Ngược lên Suối Giàng (Yên Bái), thời tiết ở đây trở lạnh rất sớm. Gió rin rít từ ngoài núi thổi về thung lũng. Sương giá giăng mắc khắp nơi. Hạnh phúc của người dân nơi đây là may lại tấm áo bông, đánh tranh lợp lại mái nhà để vợ chồng con cái có chỗ trú ấm áp qua những ngày giá lạnh. Vài cây hoa mận nở sớm và những hạt sương đọng lại trên hoa đem đến cho vùng đất này những giai điệu thật thanh bình

Ở sát vùng biên giới Đồng Văn, xã Phố Cáo nép mình bên những núi đá là một cộng đồng nhỏ bé với những người dân rất mực hiền hòa. Gần tết, người dân chăm chỉ làm việc hơn, tích trữ củi để sưởi và cỏ cho gia súc. Các cô gái đã dành dụm sắm được tấm áo mới, xúng xính và vui vẻ trên đường

Rong ruổi đến các miền đất xa xôi từ Bắc vào Nam, hòa mình vào những ngày cuối năm trên nhiều vùng đất được đặt chân đến, tôi đi tìm cho mình những cảm xúc mùa xuân trìu mến hơn, yêu thương hơn.

Ở các vùng miền núi phía Bắc, lạnh giá và khó nhọc dường như vẫn còn in dấu trên đôi vai những người phụ nữ, những người đàn ông và trong ánh mắt thơ bé của lũ trẻ. Tết càng đến gần, thời tiết càng giá lạnh. Tết ở những vùng núi cao thăm thẳm, trong những thung lũng heo hút xa xôi, nơi bản làng của người Tày, người Mông, người Thái..., không phải là dịp để bọn trẻ vòi áo mới, không phải phong bao lì xì đỏ may mắn. Nó là thời khắc khó nhọc hơn vì thời tiết buốt giá và khắc nghiệt hơn, nhưng cũng là thời khắc đầm ấm hơn. Vợ chồng chung tay bên nhau, bản làng nương tựa nhau, chia sẻ những ấm no, vui buồn.

Người miền Trung chuẩn bị tết theo cách mà những con người luôn phải đối mặt với khắc nghiệt của thiên nhiên mỗi ngày, mỗi mùa. Ở nơi càng xa, càng heo hút, gạo, muối, nước sinh hoạt, nhu yếu phẩm... quan trọng hơn áo mới, bánh mứt. Có một điều gì đó vừa kiên nhẫn vừa kiên cường, vừa hanh hao vừa tươi mới trong ánh mắt những con người sinh sống ở các vùng đất còn nhiều khó khăn này. Tuy vậy, cái đầm ấm của xóm làng, sự san sẻ của người thân, sự vun vén cho nhau từng điều tốt lành và hi vọng trong những ngày cận tết đã làm những miền đất nắng gió nơi đây thêm sắt son nghĩa tình.

Đồng bào dân tộc Tày ở thôn Chì, Xuân Giang (Hà Giang) chuẩn bị đón tết. Nhà cộng đồng - nơi họp mặt bản làng ngày tết - được sửa sang cho mới. Thanh niên trong làng tổ chức thi đẩy gậy, đá cầu. Phụ nữ thi làm cơm, làm xôi, làm bánh giầy, làm nón... để tìm ra những người giỏi nhất tham dự hội thi với các làng bên cạnh trong ngày xuân đến

Chợ Lùng Khâu Nhin ở Lào Cai, một phiên chợ nơi xa xôi hẻo lánh họp vào thứ năm hằng tuần, những ngày giáp tết nhộn nhịp làm sao. Thanh niên đến chợ cắt tóc gọn ghẽ, để mắt tìm bạn gái. Các cô gái đua nhau sắm sửa váy áo mới, náo nức cười vui. Những bà mẹ sắm thêm cho con chiếc khăn địu mới, tấm áo mới, đôi giày mới. Sắc màu của chợ phiên Lùng Khâu Nhin vốn đã rực rỡ trong những ngày giáp tết còn tươi vui, sặc sỡ hơn

Gần tết cũng là lúc những phụ nữ Thái ở Thuận Châu (Sơn La) ra đồng sớm và về sớm hơn, cùng nhau tập hát, tập múa những điệu múa ca ngợi mùa màng, tình yêu lứa đôi... chuẩn bị những lễ hội mùa xuân

Nhịp sống của những gia đình ven sông ở Châu Thành (Cần Thơ) càng về tết càng hối hả. Chồng vợ thay phiên nhau thu hoạch cây trái, xuôi ra chợ Cái Răng sớm hơn mọi khi để nhanh bán được hàng, may sắm quần áo mới cho con cái và trang hoàng nhà cửa. Trong vườn nhà, vài cụm hoa được chăm bón cẩn thận đã bắt đầu trổ bông. Cây mai mọc trước sân đã ra vài đóa đầu tiên. Hai chậu bông vạn thọ trước cửa nhà trên sông nước của một gia đình ở ngoại thành Cần Thơ như thế này những ngày giáp tết sao dễ thương quá đỗi

Người Nam bộ đón tết có phần nhẹ nhàng hơn. Bên những dòng kênh rạch chằng chịt dẫn vào các miền quê xa thăm thẳm, những mái nhà vẫn còn chắp vá xiêu vẹo đã bắt đầu điểm tô những bông hoa tươi tắn. Vốn dĩ giản dị và hiền lành, tết với những cư dân sông nước nhẹ nhàng và bình yên. Chỉ cần vài chiếc áo lành lặn, chút thời gian thảnh thơi đi thăm hỏi nhau, vài chậu hoa tươi trang trí cho hiên nhà, cho chiếc thuyền thêm hơi thở mùa xuân... là đã đủ đầy. Những gương mặt hiền lành chất phác, những cử chỉ, lời nói thân tình, những ước mơ đơn giản và gần gũi... mà người Nam bộ trao cho khi tôi dừng bước nơi đây đã làm hành trang đón tết của tôi thêm thắm đượm nghĩa tình.

Từ Bắc vào Nam, đất nước mình còn biết bao vùng đất xa xôi heo hút và nghèo khó, nhưng khi tết đến vẫn là thời khắc mà mỗi người như thắp lên cho mình và cho người thân quanh mình những ước mơ mới, những dự định mới về một cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Riêng tôi, mỗi hành trình đến với mỗi miền đất xa xôi ấy, sống cùng mọi người những thời khắc cuối năm chờ đến mùa xuân chính là lúc tôi chắt chiu thêm những trìu mến yêu thương đối với cuộc đời này.

Để rồi sau khi đón tết sớm từ những chuyến đi xa như thế, về lại Sài Gòn, thấy cái tết của mình sao ngập tràn yêu thương.

Huỳnh Thu Dung

HUỲNH THU DUNG

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=360460&ChannelID=89

No comments:

Post a Comment