Friday 5 February 2010

Người thiên hạ, kẻ lầm than và dòng kênh nhem nhuốc


- Một người chuyên đi lo chuyện thiên hạ, một người sống vì thiên hạ. Hai người là hai thanh âm bên dòng kênh nhem nhuốc.

Ít ai ngờ, sau lưng khu du lịch Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) lại có một khu dân cư “ổ chuột”. Những căn nhà ở đây đã lụp xụp, tồi tàn lại nằm ngay một con kênh (người dân gọi là kênh Cầu Mé) đen như mực, mùi hôi thối ngùn ngụt, chuột bò lúc nhúc. .. Trong khu phố nghèo bên dòng kênh nhem nhuốc này có hai cụ già rất đặc biệt.

70 tuổi còm làm "người thiên hạ"

Một lần đến khu phố trên vào lúc trời xẩm tối, trong lúc mọi người cúi rúi chạy tránh mưa, tôi lại thấy một ông già quần áo nhem nhuốc đang lọ mọ dưới kênh. Có vẻ như ông cụ không để ý đến mưa, ông chỉ cố đào bới đống đất để tìm rác ruởi rồi bỏ lại thành từng đống.

Ông Phạm Văn Tân và dòng kênh Cầu Mé. Ảnh: Tử Trực


Tôi thắc mắc hỏi một người đàn ông đang đứng trú mưa bên cầu Mé, người này cho biết, ông cụ đang cố gắng gom rác lại thành từng đống để rác khỏi rớt xuống kênh.

“Ông ấy là người chuyên đi vớt rác, thu dọn những gì mà người ta vứt ra kênh để cho sạch. Cứ ba bốn bữa một lần, hồi nào thấy có rác ứ đọng là ông vớt. Con kênh này nếu không có ông ấy sẽ càng bẩn hơn nữa. Tôi biết điều này vì đã quá quen với cảnh đó rồi”- người đàn ông này nói.

Để xem có thực như lời người đàn ông kia nói, tôi dò hỏi và được bà Tư, nhà ở gần đó xác nhận: "Không phải ổng đi vớt rác không đâu mà ổng còn bỏ tiền xây thành cầu, rồi bắt bóng điện ra ngay chỗ lúc nãy cậu đứng để người đi đường khỏi bị họa. Ở đây không có ổng, chắc sẽ có thêm nhiều người bị chết đó".

Sở dĩ phải bắt điện ra ngoài đường vì theo bà Tư, cây cầu Mé bắc ngang đường dẫn vào khu phố này có gầm quá thấp, lại đúng chỗ khúc cua, người đi đường thường đụng đầu chết liên tục. Còn thành cầu thì được xây chỉ cách mặt đất chưa đầy gang tay nên có người rớt xuống kênh thường xuyên.

Ông Tân đang đào đất, thu dọn rác bên sát mép kênh cầu Mé. Ảnh: Tử Trực


Khi đến gần chỗ ông cụ đang gom vác, thấy tôi chụp hình, ông cụ nói, giọng buồn, vẻ nuối tiếc: “Nó (kênh Cầu Mé - PV) dơ lắm. Hồi trước, cá còn bơi còn lội được bây giờ thì thế này”.

Tôi hỏi cụ đang làm gì? Ông chỉ đáp gỏn lọn “thì đốt bớt rác này đi”. “Tôi ở đây từ nhỏ, nhìn thấy người ta cứ bỏ rác ra kênh không chịu nổi, con kênh cứ chết dần. Mình ở không làm gì đi dọn cho sạch sẽ”. Dường như ông cụ có vẻ không muốn nói về việc mình làm mà cứ nhìn vào con kênh nhem nhuốc.

Cụ tên là Phạm Văn Tân, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Nhà cụ nằm trong một con hẻm gần cầu Mé. Hàng ngày, cụ Tân đạp xe ba gác đi mua phế liệu để bán lại, chiều về rảnh rỗi là cụ Tân thường đi dẹp đống rác này, dẹp đống đổ nát khác trong khu phố. Bởi theo cụ Tân: “Làm cho nó khỏe tuổi già”.

Còn mọi người trong khu phố coi cụ như người “thiên hạ”, bởi “Ổng làm vậy có nhận được gì đâu, chỉ mất công, tốn tiền, rước khổ vào thân…” – Một người dân ở đây nói.

Kẻ lầm than

Cũng ở bên dòng kênh Cầu Mé, tôi lại bị hút vào một hình ảnh khác: cách cây cầu chưa đầy 10 mét có một cái am nhỏ, diện tích chưa đầy 4m2, cao khoảng 1m. Nửa am phía trước được đặt nhiều tượng Phật, nửa phía sau hình như là một chỗ ở của ai đó, bởi có một cái cửa mở he hé.

Cụ Tân cho biết, đó là nhà của bà Nguyễn Thị Xuân: “Bà Xuân già lắm rồi, người ta thương bà cần cù, lại một thân một mình, không con cháu gì cả nên mới xây cái am đó cho ở”.

Cái am nhỏ nơi bà Nguyễn Thị Xuân đang ở. Ảnh: Tử Trực


Người dân ở đây cho biết, bà cụ Xuân đã 80 tuổi, hàng ngày bà rong ruổi đi bán vé số để tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, 10 ngày qua bà Xuân bị đau chân không đi bán được nữa. Mọi sinh hoạt, thức ăn, nước uống… đều được những người dân ở đó giúp đỡ, chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Xuân trong "ngôi nhà" của mình. Ảnh: Tử Trực


Còn rất minh mẫn, cụ Xuân kể, từ một miền quê nghèo khổ ở Thanh Hóa, cụ vào Sài Gòn từ những năm 1960, lúc đó cụ mới khoảng 30 tuổi. Chiến tranh và bom đạn đã đưa cụ Xuân gặp được ông T. (người sau đó là chồng cụ) chính trên dòng kênh Cầu Mé này. Hai người xây dựng tổ ấm và mua một khu vườn rộng bên sát cầu Mé để sinh sống.

Ngày tháng trôi qua, nhiều năm sau đó họ vẫn không có con. Đến khoảng năm 1980, ông T. quyết định bán toàn bộ vườn tược, nhà cửa về Bắc sinh sống. Cụ Xuân quyết định ở lại: “Ổng về Bắc là về với vợ trước của ổng, tôi đi làm gì”.

Từ đó, cụ Xuân ở lại một mình ở đất Sài Gòn, không nhà cửa, không người thân thích. Bao năm nay, cụ không biết mình đã ở những nơi nào, chỉ nhớ có lúc ở ngoài đường, có lúc ở nhờ hàng xóm…

Ông Tân và cụ Xuân không thân thích, quen biết... nhưng họ hết lòng với một con kênh bẩn. Ảnh: Tử Trực


Đến hơn 7 tháng trở lại đây, vì thương cụ Xuân côi cút, ông Tân và nhiều người khác mới quyết xây cho cụ một "căn nhà". Đó chính là cái am bà cụ Xuân đang ở bây giờ. Nó nằm đối diện với căn nhà màu xanh lộng lẫy, 3 tầng của bà hồi xưa, một bên này và một bên kia con kênh.

Hỏi vì sao cụ không về quê cũ sống cho đỡ vất vả. Cụ nói, không còn người thân nào ngoài đó nữa. Cả nhà, cả dòng họ của cụ đều mất tích sau một cơn lũ lịch sử trong những năm 80.

Vậy cụ có muốn vào ở trong trung tâm bảo trợ người già? Cụ Xuân tỏ vẻ sợ sệt, lắc đầu lia lịa. Cụ nói rằng: “Ở đây có bà con, hàng xóm nên tôi vui lắm. Tôi có chết cũng ở bên con kênh này”.

Tôi từ biệt họ và cảm thấy ray rứt, dường như ở cả hai người mà tôi gặp ở kênh Cầu Mé đều có một điểm chung là con kênh này "chảy" xuyên suốt cuộc đời của họ. Dòng kênh này dù rất bẩn nhưng chắc nó sẽ không “chết” đi.

  • Tử Trực
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/201002/Nguoi-thien-ha-ke-lam-than-va-dong-kenh-nhem-nhuoc-893395/
  • Người thiên hạ, kẻ lầm than và dòng kênh nhem nhuốc

    Cập nhật lúc 06:19, Thứ Bảy, 06/02/2010 (GMT+7)

No comments:

Post a Comment