Friday, 5 March 2010

Hiểm họa trấu trên sông Miền Tây


Cập nhật lúc 3:32:48 AM - 04/03/2010

trau1.jpg


Những ghe chở trấu đầy cơi thường xuyên chùi trấu xuống sông – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Trước đây 10 năm trấu rất quý. Hầu hết người dân ở Miền Tây dùng trấu làm chất đốt, làm phân bón. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây trấu rẻ như bèo, nhiều người bỏ đi thói quen dùng trấu nấu nướng, cho nên không ai mua trấu nữa. Các nhà máy xay lúa mọc lên như nấm, họ xay lúa lấy gạo xuất khẩu, còn trấu nhiều quá không còn chỗ chứa. Nên họ đổ trấu đi bằng cách thảy trực tiếp xuống sông rạch, nhất là vào ban đêm. Nhà máy này thả trấu xuống sông rạch thì nhà máy khác cũng làm theo, và từ đó lan ra khắp vùng Miền Tây, khiến cho nhiều con sông lớn nhỏ đầy những trấu và trấu.


trau2.jpg


Nhiều nhà máy chứa trấu cặp bờ sông để dễ bề đùa trấu xuống sông ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Việc này không những gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường và nhất là nguồn nước bị nhiễm độc.

Tại Kinh Xáng (Tân Châu, An Giang) nhiều nhà máy xay lúa thảy trấu trực tiếp xuống kinh bằng nhiều cách tự nhiên. Chẳng hạn, họ chứa trấu thành từng đống lớp cặp bờ sông, rồi để cho trấu chùi từ từ xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và gây thiệt hại cho các gia đình nuôi cá. Một số nhà máy còn có “sáng kiến” dùng những tấm lưới vây chắn quanh bến sông rồi đùa trấu vào; sau khi nhận vỏ trấu chìm hẳn xuống, họ tháo lưới cho trôi ngầm lưng chừng dưới nước. Những “quả thủy lôi... trấu” khổng lồ này đã húc vào một số bè nuôi cá, tung sủi lên nhiều bọt khí khiến cá nuôi bỏ ăn.

Người dân tiếp tục khẩn thiết kêu cứu... nhưng cho đến nay chưa có nhà máy nào ở đây bị xử phạt, nên ngày đêm trấu vẫn tiếp tục được xả trôi sông! Dân chúng đặt nghi vấn là một số nhà máy thuộc quyền sở hữu của cán bộ, của thân nhân lãnh đạo xã, nên nhà cầm quyền địa phương ngó lơ!


trau4.jpg


Trấu trôi lênh đênh trên sông cả tuần lễ mới chìm lờ đờ - ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Nhiều dòng sông ở Miền Tây đang bị nghẹt thở trước sự tấn công của trấu từ các nhà máy xay lúa thải xuống. Trước dòng chảy lượn lờ của những con sông chứa đầy xác trấu, hàng ngàn người dân “xót dạ, sôi ruột”, còn các nhà khoa học thì đứt ruột nhìn nguồn nguyên liệu đáng giá bạc tỉ này tan theo bọt nước.

Hiện nay, Miền Tây đang bước vào mùa thu hoạch lúa đông xuân. Điều nầy đồng nghĩa với việc các nhà máy xay xát hoạt động ngày đêm, và trấu lại tiếp tục trôi sông. Nhiều nhất là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ.... Tại Đồng Tháp, khu vực từ Vàm Đinh (xã Long Hưng B-Lấp Vò) đến xã Tân Quy Tây (Sa Đéc), có 20 nhà máy xay lúa, bình quân mỗi ngày cho ra hơn 100 tấn trấu. Nhưng do lái buôn không ăn hàng, nên lượng trấu tồn đọng đã lên đến hàng chục ngàn tấn. Ông LMP, chủ Nhà máy Phước Minh, cho biết: "Trước đây, bạn hàng đến tranh mua với giá 30-50 đồng/kí, còn bây giờ chúng tôi phải cho tiền ngược lại từ 200-300 ngàn đồng/ghe, nhưng vẫn không thấy người đến chở.


trau3.jpg


Nhiều ghe chở trấu được mời đến lấy trấu còn được cho tiền, quả là điều từ trước đến giờ chưa bao giờ có - ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Trong khi đó nhà kho thì có hạn, nên một mặt lén đổ xuống sông, một mặt tổ chức đốt bỏ".

Tuy nhiên, theo lời các chủ ghe chuyên nghiệp chở trấu, thì đây là công việc họ không muốn nhận vì những lý do ngoài ý muốn. Do trấu rất nhẹ, nếu chở đúng theo quy định an toàn đường thủy thì lỗ với giá xăng dầu đang tăng, còn "cơi" cao lên như trước đây thì bị phạt....

Ở An Giang có đến hơn 1.000 cơ sở xay lúa, nên tình hình càng căng thẳng hơn. Huyện Tân Châu có 24/24 nhà máy thổi trấu ra sông dưới nhiều hình thức, như đặt ống ngầm đưa trấu từ nhà máy ra tận mé nước, hay thổi trấu trực tiếp ra sông.... Còn ở Kiên Giang, chỉ riêng ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B (Châu Thành), có 3 nhà máy xay lúa thì cả 3 đều đổ trấu xuống sông. Nhưng, do nằm sát quốc lộ nên họ hành động có kín đáo hơn, ban đêm mở cửa kho cho trấu tuồng ra sông. Nếu có bị bắt gặp và bị xử phạt thì mức phạt "nhẹ nhàng" không đủ răn đe, nên sự việc cứ như "bắt cóc bỏ đĩa".


trau5.jpg


Trấu ngày nay dùng để chống sói lở, vì nếu trấu có bị lở cũng tốt thôi - ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Ngày nay, trên nhiều sông rạch Miền Tây, không những trấu trôi dập dềnh mà lâu lâu từ dưới mặt nước những “thuỷ lôi” trấu phụt lên và bốc mùi hôi thúi. Nhiều người giờ đây rất ngại tắm sông vì không khéo tắm nhầm luồng nước đầy trấu bẩn còn bị ngứa, nổi mận… Dịch trấu đã trở thành nổi ám ảnh kinh hoàng của người dân Miền Tây hàng ngày. Nhiều người quý trấu ngày xưa, nay thấy trấu là ghét.

source

VienDongDaily

No comments:

Post a Comment