Củi đước đầy ắp ghe lớn ra khỏi vùng rừng ngập mặn Cà Mau – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Cỏ May/Viễn Đông
Nguồn tài nguyên rừng ngập mặn Cà Mau đang trong tình trạng tồi tệ. Cây rừng bị đốn hạ; mật ong rừng, thủy sản bị khai thác vô tội vạ; các lò hầm than mọc lên như nấm để biến cây rừng thành than.
Gần đây, trong khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, liên tiếp xảy ra những vụ lâm tặc phá rừng một cách thoải mái. Chẳng hạn, vào giữa năm 2009, tại cửa Ông Trang thuộc xã Lâm Hải (huyện Năm Căn), một nhóm lâm tặc đang chặt cây phá rừng trên cồn thì nhân viên kiểm lâm phát hiện.
Trơ trọi – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Khi toán kiểm lâm ập đến, vây bắt, nhóm lâm tặc liền thủ tiêu những tang vật như cưa, búa, dao... bằng cách quăng hết xuống biển. Đang tính nhảy lên xe tẩu thoát, nhóm lâm tặc bị chặn lại bởi các nhân viên kiểm lâm. Hai bên cãi qua cãi lại. Bất thình lình, nhóm lâm tặc chộp lấy những khúc cây và tấn công lực lượng kiểm lâm, đánh gục một nhân viên. Sau đó, họ còn gọi về gia đình, kêu thêm người ra tiếp ứng. Khoảng 50 người nữa kéo đến với nhiều loại võ khí, tiếp tục tấn công tới tấp lực lượng kiểm lâm. Cuối cùng, nhóm lâm tặc lấy lại được xe cộ, và chạy mất. Toán kiểm lâm không biết làm gì hơn.
Đốn cây rừng để bán – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Trường hợp trên đây đang trở nên ngày càng phổ thông trong những vụ chặt cây lấy gỗ bừa bãi, không theo quy tắc bảo vệ rừng. Lâm tặc càng lúc càng “bạo tay”, không còn làm ăn theo kiểu xé lẻ, “gặm nhấm” như trước đây. Họ đi từng nhóm ít nhất cũng vài chục người, mang theo điện thoại di động. Họ chia ra một tốp đứng canh gác, một tốp để đánh lạc hướng toán kiểm lâm, một nhóm đi đẵn gỗ. Tất cả liên lạc với nhau bằng điện thoại, hễ thấy động tịnh gì, họ gọi báo cho nhau ngay để kịp thời tẩu tán.
Cây rừng bị đốn hạ – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Thông thường, lực lượng kiểm lâm không kịp thời ngăn chặn việc đốn cây, chỉ đến nơi khi sự việc “đã rồi”, nên chỉ bắt được những cây đã bị đốn hạ.
Những người làm công việc kiểm lâm tuy mang nhiệm vụ quan trọng bảo vệ môi sinh, tài nguyên quốc gia, nhưng họ chỉ được thù lao bằng đồng lương ít ỏi. Vì cuộc sống không mấy sung túc, chính họ nhiều khi tiếp tay cho lâm tặc hoặc khai thác nguồn tài nguyên rừng để trục lợi cho cá nhân. Một số nhân viên kiểm lâm đốn cây lớn trong rừng bán cho ghe chở đước làm cột xà cừ, còn cây nhỏ giữ làm củi. Thấy người này làm được, người kia cũng bắt chước làm theo. Cho nên, thay vì bảo vệ rừng, cả hai phía lâm tặc và kiểm lâm tranh nhau phá rừng.
Rừng “chảy máu” do nạn lâm tặc – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Diện tích Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là 41.862 hecta, bao gồm 15.262 hecta đất rừng và 26.600 hecta đất để bảo tồn biển, thuộc hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn.
source
© ViễnĐôngDailynews
No comments:
Post a Comment