Tuổi trẻ
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Kết thúc lễ hội Dolta (1), chúng tôi đón xe buýt về nhà người quen ở cầu số 8 (2). Chương trình ngày hôm sau đi núi Ba Thê xem di sản Văn Hóa Óc Eo. Văn Hóa Óc Eo ở xã Đăng Hưng Phước huyện Tầm Vu, tôi đã đi tìm nhiều năm trước, nhưng đến nơi chẳng thấy gì ngoài một khu đất hoang rào lưới B40 có bảng đề “Nội qui Cổ thành...”(3). Nay lại nghe Ba Thê có “Văn Hóa Óc Eo”, tôi đâm ra dè dặt. Thực tâm mà nói, Việt Nam ngày nay nơi nào cũng “di sản văn hóa”, chỗ nào cũng khẩu hiệu “văn minh” và có hàng triệu thứ “văn hóa”(4). Để khỏi phí thì giờ, tôi hỏi kỹ chủ nhà, và biết chắc chắn trên núi Ba Thê có Sơn Tiên Tự dựng vào năm 1933, và nhà trưng bày di chỉ văn hóa Óc Eo. Chủ nhà còn bảo nên xuống cầu số 5 đi đường tắt về Ba Thê, gần hơn theo ngả Tri Tôn.
Tôi chạy chiếc Dream II chủ nhà cho mượn, đèo bạn Lê Nguyên Anh phía sau. Đường về cầu số 5 ôm theo kinh đào, ngày nay cầu qua kinh toàn cầu sắt hoặc xi măng, không còn “cầu khỉ” chênh vênh lắt lẻo, chủ đề đặc biệt của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh thì phải cầu khỉ mới có đường nét, mới “đậm đà bản sắc”. Tre pheo tranh lá dễ tìm thấy nghệ thuật hơn bê-tông sắt thép. Gần đến ngả rẽ đi Ba Thê, có một đám trẻ nô đùa trên cầu, chờ giờ vào lớp, đề tài cũng hay hay. Trẻ con Việt Nam thấy khách lạ, nhất là khách có máy ảnh, chúng bu quanh và tỏ ra thân thiện vui thích. Đứa nào cũng cười toe, lại còn đưa cao hai ngón tay chữ V. Tấm ảnh “Trẻ bên cầu” đã hâm nóng cảm hứng đầu ngày.
Đường về Ba Thê
Hương lộ đi Ba Thê rẽ phải ngay đầu chợ gần đấy, vừa qua con lạch nhỏ tôi phải dừng xe, vì chợt thấy một cổng xây khá lạ: Đầu người chân thú, hao hao nét Ai Cập. Khách đi đường bảo đó là “quán Karaoke”. Tít trong xa một mái nhà tranh thấp lè tè, chắc có nhiều tổ ấm. Đời sống ngày càng cao, nhu cầu giải trí đòi hỏi phải luôn luôn mới mẻ, không những “ăn” mà còn “chơi” nữa. Thế mới có “cà phê ôm”, “cà phê võng, cà phê giường”, gội đầu mát xa thư giãn...
Sau 7(..), không nghe nói “thời đóng cửa”, nhưng từ 86, “thời mở cửa” được bàn tán khắp nơi. Nhờ “mở cửa”, nên “bốn món ăn chơi” được “nâng cấp” hằng ngày. “Kể khổ” cho lắm lại mang tiếng “trí thức ngồi đáy giếng”, “bọn xấu” không biết yêu quê hương. Tôi chụp tấm ảnh rồi phóng xe nhanh cho kịp giờ.
Ba Thê sông nước
Được một đoạn, lại phải quanh co trong hẻm xóm, mãi mới ra hương lộ. Hầu hết đường làng ngày nay đều bằng bê tông, hoặc nhựa, không còn cảnh bùn lầy vào những ngày mùa Đông mưa gió. Theo hương lộ có kênh đào Mướp Giăng (?), hai bên bờ nhà cửa lưa thưa, ghe thuyền qua lại, nghèo mà đẹp, thỉnh thoảng tôi lại dừng xe bấm máy. Đường đi không xa mà lạ, Ba Thê, tên nghe sao hoang vắng núi rừng, như Ba Tơ, Đắc Xút, Đắc Nong. Lúc ra khỏi hương lộ, thấy xa tít một ngọn núi cao, bên đường có phơi thứ sản phẩm lạ, tựa những cây kem dừa trắng phau nhọn hoắt. Tôi nói với anh bạn:
- Kia chắc là núi Ba Thê, còn đây là sản phẩm gì ?
- Cái này hơi lạ, tôi chưa thấy bao giờ.
Một lát sau, người đi qua bảo đặc sản vùng Ba Thê: Bong bóng cá, cung cấp cho nhà hàng. Gì thì không biết chứ ăn uống phải công nhận Việt Nam là số 1, từ giun dế đến hải vị sơn hào, đều được biến chế thành món ăn khoái khẩu, ăn một lần nhớ một đời. Trên đường Trịnh Hoài Đức (Hà Nội), tối đến là “phố nướng chân gà” hoạt động rần rần. Chân gà to múp như tôm sú, lúc chưa nướng trắng phau, nướng rồi vàng thơm không thể làm ngơ. 10 nghìn 3 chân, khách đông nườm nượp, bàn nối bàn, bia hơi từng can, nhậu quên đường về. ‘Đời sống thoải mái thú vị như vậy’, làm sao có nơi xứ người. Về sau mới biết ‘chân gà nhập từ Trung (...), đã pha, tẩm, tẩy nên mới được vậy’. Từ đó tôi cạch luôn.
Thẳng hướng ngọn núi mà chạy, chẳng mấy chốc chúng tôi vào thị trấn. Từ xưa, thị trấn Ba Thê là tên thường gọi của địa phương này, về sau đổi thành Óc Eo, âm vận khúc khắc chẳng hay ho gì, có lẽ chỉ để nhắc nhở công trình khai quật những di chỉ văn hóa cổ Phù Nam.
Thị trấn Óc Eo tấp nập chỗ quanh chợ Ba Thê, từ ngoài đường cái nhìn vào chỉ thấy lờ mờ tên chợ, trước chợ tăng lều che kín, buôn bán tạp nham như bao nhiêu chợ khác. Tôi có hỏi về ý nghĩa tên Ba Thê, mỗi người giải thích một kiểu rất rắc rối. Chuyện tên tuổi để sau, giờ lo tìm đường lên núi. Đường ngay sau lưng chợ, mà người chỉ đầu này kẻ chỉ đầu kia, chạy loanh quanh mấy vòng mới tìm thấy. Kiểu làm du lịch của Việt Nam hơi lạ, tôi đến nhiều nơi nổi tiếng về danh lam thắng cảnh, nhưng đường đi ngã ba ngã bảy chớ hề có bảng chỉ dẫn, khách tự tìm, không tìm được, chi tiền có người dẫn đường. Đây là điều làm cho phần đông du khách chán nản. Đến một lần rồi… ra đi mãi mãi.
Mất thì giờ tìm đường, nhưng bù lại được gặp nhiều sinh hoạt lạ của địa phương. Gặp đền thờ cụ Phan Thanh Giản (5) xây từ hơn trăm năm trước, ngay dưới chân núi Ba Thê. Đền không lớn lắm nhưng cổ kính rộng rãi. Vào sâu trong xóm, có đám cưới chiếm đường làm rạp dọn bàn, chỉ chừa lối đủ cho một người qua. Cảnh cũng lạ, “mọi người vì một người”, không phải xin phép ai, cũng chẳng ai than phiền. Có lần tôi đọc bảng hiệu “Công nghệ đám cưới” mà chẳng hiểu gì, sau mới nghiệm ra đó là nghề che rạp, cho thuê bàn ghế, nấu nướng, nghĩa là thầu “trọn gói” đám cưới. Một sự phân công hợp lý và tiện cho mọi người.
Đền Phan Thanh Giản
Nhiều người nói lên núi Ba Thê đường dốc lắm. Dốc mà có người chạy thì không ngại. Đã lên Hòn Bà, qua Hải Vân, lên Bà Nà thì Ba Thê có cao cũng không hơn. Qua khỏi xóm nhà có đám cưới, xe bắt đầu lên dần, cứ số 2 nhấn ga chạy, chỗ nào bằng phẳng thì tăng số. Được một lúc gặp ngã ba, tôi rẽ đại theo lối trái, dốc cao đột ngột, tôi trả số để máy đủ sức kéo, nhưng không kịp, xe mất đà khựng lại, phản xạ tự nhiên tôi thắng, nghe tiếng oái oái, cả xe và người lăn quay xuống đường. May mắn không việc gì. Dựng xe chạy tiếp, qua được một vài khúc quanh, sự việc lại tái diễn. Lần này mỗi người lăn mấy vòng, may mắn chẳng làm sao, chỉ trầy da chút đỉnh. Anh bạn lẳng lặng mang máy đi bộ, tôi chạy xe, lên hết dốc có một hang đá bên đường: “Hang Chương Thiện thành lập 2006 Bính Tuất”. Tôi chưa hiểu ý nghĩa, và nghĩ có lẽ chỉ là hang đá bình thường ai đặt tên chơi. Ngay nơi đây, nhìn bao quát toàn thị trấn Óc Eo, nhà cửa chùa chiền sông nước, một bức tranh tổng hợp về đời sống của một vùng cư dân Nam Bộ. Với máy ảnh có độ zoom lớn, có thể phân thành nhiều mảng đẹp: Mái chùa đỏ ong giữa rừng cây xanh mướt, bến đò tấp nập, kinh mương dọc ngang, ruộng đồng từng khoảng màu mạ xanh. Nhìn qua đỉnh Ba Thê, thấy chùa Sơn Tiên và nhà trưng bày Văn Hóa Óc Eo. Chùa hai tầng mái, ngói đỏ ẩn hiện giữa cây rừng, nhà trưng bày nằm sau lưng chùa chừng vài chục mét mang nét kiến trúc đạo Hồi. Toàn cảnh phối hợp hài hòa đẹp mắt. Chính ở đây mới thấy hết vẻ đẹp của đỉnh núi Ba Thê, vừa được thở bầu không khí trong lành trên cao, được nhìn về “hạ giới”, thoải mái tâm tình với cỏ cây, chẳng ai “kiểm tra xử lý”. Trong khoảnh khắc thành Tiên ông, ai chẳng thích. Hóa ra lạc đường mà được việc.
(Còn tiếp)
Trần Công Nhung
09 - 2009
(1) Lễ hội Dolta trang 11 QHQOK tập 10
(2) Những cây cầu từ Tri Tôn về Long Xuyên mang tên số thứ tự từ 13 trở xuống.
(3) Một buổi ở Tiền Giang trang 90 QHQOK tập 4.
(4) Văn minh xe buýt, văn minh đường phố, văn hóa gửi xe, văn hóa ẩm thực, văn hóa từ chức... “Văn minh” “văn hóa” như là thực phẩm hàng ngày của giới bình dân, muốn món gì cứ ráp vào đuôi văn minh, văn hóa là có ngay.
(5) Cụ Phan Thanh Giản, một nhà yêu nước phải tuẫn tiết khi mất lục tỉnh, dân miền Nam ai cũng kính trọng tôn thờ. Nhiều địa phương ngoài Bến Tre (quê cụ Phan) tên đường, trường học mang tên cụ. Sau năm 75, nhà nước VNCS gỡ bỏ hết, cụ Phan bị kết tội bán nước. Đến năm 2008 mới được phục hồi. Lịch sử xem ra chẳng mấy gam, dựng lên bỏ xuống như trò chơi.
QHQOK tập 10 sẽ phát hành trung tuần tháng 3-2010
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 9, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment