Ghe chở nước rao bán ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Hải Yến/Viễn Đông
Theo dự đoán của các nhà khí tượng, tình trạng hạn hán và nước mặn xâm nhập ở Việt Nam sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4. Nhiều nơi nhiệt độ có khi lên đến 40 độ C như ở Sài Gòn, và một số tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, An Giang… Trong những ngày qua tại quận 7 Sài Gòn, người dân đã đổ xô đi mua nước từ các xe bồn để dự trữ, vì ai cũng sợ nắng nóng kéo dài và nước sẽ trở nên khan hiếm hơn nữa. Trong khi đó, tại các tỉnh như Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang… nhiều nơi người dân thiếu nước ngọt để uống, nhu cầu bán nước vào thời điển nầy cũng có cơ hội nở rộ.
Người dân Tri Tôn An Giang chờ đợi lấy nước từ giếng về để uống – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Tại các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ghe tàu chở nước ngọt ngược xuôi trên các sông rạch để bán cho các gia đình đang cần nước ngọt để uống và sử dụng trong sinh hoạt. Mỗi can nước 20 lít giá từ 4 đến 6 ngàn đồng. Một thùng phuy giá 100 ngàn đồng cũng có người mua. Tình trạng mua bán nước ngọt trên sông là hiện tượng lạ chỉ mới có từ vài chục năm trở lại đây ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Vùng này từng được mệnh danh là “mê cung” sông nước Việt Nam. Vậy mà giờ đây người dân nhiều nơi phải khổ vì thiếu nước ngọt, nước sạch để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Những thiếu nữ Khmer ở biên giới giáp Campuchia hằng ngày lấy nước về nhà – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Khí hậu thay đổi làm trầm trọng thêm nạn thiếu nước ngọt ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long và Đồng Bằng Sông Hồng. Một trong những nguyên nhân chính là do các cánh rừng ở Việt Nam ngày đêm bị lâm tặc chặt phá. Một nguyên nhân quan trọng nữa là các đập ngăn dòng thượng nguồn sông Mê Kông do Trung Cộng xây dựng đã làm thay đổi hệ thống sinh thái tự nhiên của sông Mê Kông.
Ghe chở dừa tươi bán rất chạy vào mùa khô, giá cũng tăng gấp đôi – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Không chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng, hạn hán kéo dài cũng đã làm cho khoảng 11,8 triệu dân Trung Cộng đang thiếu nước sinh hoạt tại 15 tỉnh thành và khu tự trị. Tỉnh Vân Nam ở phía Nam đang gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua với gần 6 triệu người dân thiếu sinh hoạt và 4 triệu đầu gia súc không đủ nước uống.
Ghe chở nước đi bán ở Long Phú, Sóc Trăng – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Sông ngòi và hồ chứa nước tại nhiều vùng trong tỉnh đã cạn trơ đáy suốt mấy tháng qua. Khoảng 85% diện tích cây trồng trong tỉnh đang bị chết khô vì thiếu nước tưới. Khu tự trị sắc tộc Choang ở Quảng Tây và các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên, Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây, thành phố Trùng Khánh cũng đang bị hạn hán nghiêm trọng. Con số chính thức cho thấy khoảng 3,5 triệu héc ta cây nông nghiệp bị ảnh hưởng và 8 triệu đầu gia súc không đủ nước uống.
Ống bơm nước bán rất chạy vào mùa nầy – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Tại Campuchia, nước có biển hồ là vương quốc cá nước ngọt, cũng đang cam chịu sự đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên và nguồn cá nước ngọt. Campuchia chưa có hệ thống thủy lợi phát triển nên nguồn nước từ các sông dẫn đến các phum sóc cũng bị giới hạn. Người dân trong phum sóc phần đông sống nhờ vào nguồn nước giếng do các tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Trở lại vùng Miền Tây Việt Nam, nhiều tỉnh ven biển bị nước mặn xâm nhập nặng nề. Trước đây nước mặn xâm nhập vào đất liền chỉ khoảng 30, 40 cây số; nhưng hiện nay có những tỉnh nước mặn vào đất liền hơn 70, 80 cây số, khiến cho hàng triệu người dân gặp nhiều khó khăn vì không có nước ngọt sinh hoạt. Còn các giếng khoan ở Miền Tây hiện nay hơn 80% là bị nhiễm thạch tín hay nhiễm phèn nên cũng rất khó sử dụng để nấu ăn và làm nước uống.
Ghe hàng mắc cạn ở Đồng Tháp – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông
Tại Tiền Giang có khoảng 1.000 gia đình không thể xây hồ dự trữ nước tại các xã cặp sông Tiền như Định Trung, Lộc Thuận, Vang Quới Đông, Vang Quới Tây... Người dân phải mua nước sinh hoạt (nước giếng ngầm, do người nơi khác vận chuyển tới bằng xe máy cày) với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng một mét khối. Riêng các xã ven biển như Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thạnh Trị, Bình Thắng... có trên 10.000 gia đình thiếu nước sinh hoạt. Một vài nơi, người dân phải mua nước với giá 40.000 đồng một mét khối (tương đương nửa giạ lúa). Nước khan hiếm và giá nước sinh hoạt tăng đang trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình nghèo.
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment