Nghề làm đáy ở Ca Mau – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Cỏ May/Viễn Đông
Miền Tây chỉ có ở Bạc Liêu, Cà Mau là có nhiều người sinh sống nhờ vào Miệng Đáy Hàng Khơi. Chỉ có những người “trong cuộc” mới hiểu hết cái gian truân, nhọc nhằn, khổ cực của nghề nầy. Nhiều lúc phải dầm mưa dãi nắng, đối mặt với gió bão không ít người đã bỏ mạng theo những Miệng Đáy “thủy thần”. Một cái chòi cheo leo giữa ngàn khơi, có khi là đôi vợ chồng, hoặc là cha con hay anh em sinh sống phần lớn thời gian trên đó. Thức ăn chỉ có ít gạo, mì gói, cá khô và muối hột…
Hàng đáy ở cửa Sông Đốc Cà Mau – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Họ ở đó ngày đêm để kiếm sống bằng việc bắt tôm cá. Có mùa nhiều lúc trúng luồng cá thu, được cả chục triệu như chơi. Nhưng chuyện ấy ngày nay càng ít khi tái diễn. Nhiều người còn cho rằng cái nghề làm đáy hàng khơi là một nghề dành cho những kẻ khốn cùng và liều mạng.
Như những con nhện trên cao – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Những ngọn sóng lưỡi búa trắng xóa như hàm răng cá mập từng đợt chồm lên, như muốn nuốt chửng căn lều nhỏ như tổ chim sẻ đang run lên trước cơn giận dữ của “Sơn Tinh”. Những căn chòi của người canh đáy hàng khơi, như kiểu nhà cao cẳng, cheo leo trên chiếc cột đáy giữa đại dương bốn bề sóng vỗ. Một vài người đàn ông mình trần da rám nắng đang ngồi nhâm nhi rượu đế với ít khô cá khoai trong lúc ngồi chờ con nước ròng để kéo lưới lên bắt cá. Và thật là nguy hiểm cho những ngư phủ say xỉn khi phải đi trên những sợi dây thừng từ miệng đáy nầy qua miệng đáy nọ, trong lúc sóng to gió lớn, xảy chân rơi xuống miệng đáy xem như nạp mạng cho tử thần.
Đáy trên sông – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Ông Tư Tôn, một người gần 80 tuổi bám mình trên những cái “tổ chim” ấy hơn nửa đời người, biết đủ thứ các chiêu thức của nghề làm Đáy Hàng Khơi cho biết: Đã chịu không ít những ngày đối diện với mưa bão ngoài biển khơi, có lần “cái chòi bị gió cuốn phăng đi trên mặt biển nát bét, lúc ấy hai cha con tui kịp chụp được sợi dây neo cố bám và chịu những cú đập như búa bổ của những cuộn sóng dữ, tưởng chừng cha con không còn cơ hội sống sót gặp nhau sau cơn bão dữ ấy”. Từ đó ông bỏ nghề vì già rồi không chịu nổi cái lạnh của gió biển. Cũng từ đó, người con trai út của ông, vốn đã rất thạo nghề, thay ông ra vào để trông nom và cai quản cả 20 miệng đáy đã có từ đời ông nội.
Ra đầu ngọn sóng biển – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Người mới vào nghề, nhìn thấy hàng cột đáy rung lên trong luồng nước chảy xiết, chắc sẽ rất ngán. Nhưng hàng cột đáy làm bằng cây kè, một loại cây mọc trên núi cao, thịt cứng như đá, búa chém vào còn phải mẻ. Trước khi cắm nọc để hạ đáy, người ta thả một cây gọi là cây “sủi” để lấy dấu, cây nọc kè sẽ nương theo “dấu” đó và nhờ vào sức nặng nó sẽ từ từ lún xuống, cắm sâu vào lớp bùn dưới đáy biển. Giữa hai cây nọc kè, người ta mắc một miệng đáy bằng tấm lưới chắc, đường kính rộng khoảng 25 thước. Miệng đáy hình dạng giống như cái phễu, càng về sau càng nhỏ dần, đến phần đuôi gọi là cái đụt. Tôm, cá theo dòng nước xiết chui vào miệng đáy rồi cuối cùng nằm kẹt trong phần đụt, hết đường thối lui. Đến khi xổ đáy, người ta chỉ việc tháo mối dây cột túm ở phần chót đụt rồi đổ tôm, cá vào trong ghe.
Hoàng hôn trên biển – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Khác với đáy sông (để bắt tôm, cá trong các sông, rạch), đáy cạn (ở ngoài khơi, cách bờ biển độ 5-7 cây số), đáy hàng khơi nằm ở tận những vùng nước sâu độ 11-12 sải tay và cách đất liền trên dưới 25 cây số. Ngư phủ miệt Cà Mau thường chọn vùng biển nằm giữa Hòn Khoai và Hòn Chuối, phía đông nam vịnh Thái Lan, để hạ đáy, do vậy mà gọi là “đáy hàng khơi”. Tuy nhiên, người nào theo nghề nầy cũng dày dạn kinh nghiệm sống, nhất là những lúc lâm nguy, họ bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra.
Xa xa những con tàu đánh cá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông
Người làm đáy hàng khơi có cái tự tin, kiêu hãnh, dám đem lá gan của mình đọ sức với thiên nhiên đầy hiểm nguy, bất trắc.... Nhưng nếu họ có sự chọn lựa nào khác hơn để mưu sinh trong cuộc sống, nhiều người trong số họ cho biết sẽ không làm nghề này.
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment