Monday 8 March 2010

Đi siêu thị



Sunday, March 07, 2010



medium_VN_sieu_thi_03.JPG

Siêu thị, với hàng hóa đầy đủ, đa dạng, đang trở thành nơi nhiều bà nội trợ tới mua sắm nay vì ra chợ. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)

medium_VN_sieu_thi_7.jpg

Hàng hóa bên trong siêu thị Wellcome được sắp xếp ngăn nắp. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)

medium_VN_sieu_thi_Coop.jpg

Mặt tiền siêu thị Co.op Mart ở đường Cống Quỳnh, một trong nhiều địa điểm Co.op tại Sài Gòn. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)

medium_VN_sieu_thi_Hanoi.JPG

Hệ thống siêu thị Hà Nội quảng cáo là chuyên bán hàng đặc sản miền Bắc. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)


Không phải một, mà nhiều

Saigon Cô Nương/Người Việt

Saigon có rất nhiều siêu thị. Ngoại trừ những siêu thị kim khí điện máy chuyên bán hàng điện máy gia dụng như Nguyễn Kim, Ideas, Chợ Lớn, Thiên Hòa... Siêu thị điện thoại di động, computer, siêu thị sách, siêu thị ô tô, nội thất... thì các siêu thị còn lại bán đủ mặt hàng thiết yếu trong gia đình: thực phẩm, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc, đồ chơi... Ngoài ra trong phạm vi siêu thị còn có cửa hàng thời trang, khu trò chơi, nhà hàng thức ăn nhanh, khu ẩm thực, quán giải khát...

Siêu thị đầu tiên có mặt tại Việt Nam là Citimart Nguyễn Văn Cừ (1993) ở bên cạnh trường Lê Hồng Phong (Pestrus Ký). Sau đó không lâu phải giải tán, trả lại mặt bằng do ế quá vì lúc đó dân chúng chưa có thói quen đi siêu thị.

Sau đó siêu thị và trung tâm thương mại dần dần phát triển mạnh mẽ. Co.op Mart thuộc hợp tác xã thành phố nên được ưu tiên thuê những địa điểm đẹp trong nội thành dù diện tích chật chội, vừa khai trương siêu thị thứ 20 tại Saigon và là siêu thị thứ ba mươi bốn trên toàn quốc. Siêu thị của nước ngoài mới mở về sau này như Big C (Pháp), Zen Plaza (Nhật Bản), Metro Cash & Carry (Ðức), Lotte Mart (Ðại Hàn), Dairy Farm (Thái Lan), Parkson (Malaysia), Carrefour (Singapore)... Big C, Lotte, Metro phải ra ngoại ô hay ven nội mới rộng rãi đủ chỗ đậu xe hơi. Welcome là nhà bán lẻ Hong Kong không xây dựng siêu thị riêng của mình mà thuê lại năm siêu thị thuộc hệ thống Citimart. Tesco (Anh) chưa xin được giấy phép đầu tư nhưng đã “cắm mốc” từ hơn một năm qua tại Việt Nam, đang chờ có cơ hội xây dựng siêu thị. Sắp tới thành phố sẽ có khoảng chín mươi lăm siêu thị nữa.

Dân thành phố đã có thói quen tới siêu thị thay vì đến chợ. Vào siêu thị đương nhiên để mua sắm nhưng nhiều bà con vào đó mục đích giải sầu hay... hóng mát. Saigon quanh năm suốt tháng nóng nực quá nên một cách đi chơi mát mẻ lại không tốn tiền là vào siêu thị. Dạo trong đó có rất nhiều thứ tha hồ ngắm nhìn, xới tung hàng hóa, xổ cái này rớt cái nọ, cầm lên để xuống, chán chê rồi bỏ đi mà không sợ níu kéo mở hàng, chủ tiệm cằn nhằn, không bị ai lườm nguýt, đốt vía... Bởi vậy một siêu thị nhỏ mở ở Food Center đã mau chóng đóng cửa vì gần khu bình dân. Cứ chiều chiều, cơm nước xong xuôi, dân từ khu nhà sàn, khu ổ chuột bờ sông kéo nhau lũ lượt vào trốn nóng trong siêu thị. Người nườm nượp chen vai thích cánh xới tung cả siêu thị nhưng nhất định chẳng ai mua món hàng nào.

Cho nên câu nói cửa miệng về thói quen hút thuốc lá của đàn ông đã bị phụ nữ đổi lại thành thú vui đi siêu thị: Vui cũng đi, buồn cũng đi, không vui không buồn cũng đi, vừa đi vừa ngáp cũng đi...

Thông thường siêu thị đông nhất vào Thứ Bảy vì cuối tuần người ta đi chợ cho bảy ngày, sang đến Chủ Nhật đi chơi đâu đó hoặc nghỉ ngơi chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Bởi thế ít người mua sắm Chủ Nhật ngày đó vì siêu thị vợi hẳn hàng hóa.

Người đi siêu thị chuyên nghiệp đều rành rẽ giá cả, nhất là các bà nội trợ tính toán rất kỹ. Các món hàng trong đó đều đóng bao đóng gói theo trọng lượng nên một bịch đường chẳng hạn, có thể đắt hơn ngoài chợ năm trăm đồng, đường ngoài chợ xẻ từ bao tạ ra nên chắc chắn rẻ hơn. Vài chút năm trăm đó mua được tép hành, củ tỏi, quả ớt... mua mười hộp mì lợi được hai ngàn đồng, trừ một ngàn gửi xe còn lời một ngàn...

Dù có thứ mắc hơn chút xíu nhưng người ta vẫn thích mua sắm ở siêu thị. Vả lại siêu thị bán giá nhất định nên rất dễ chịu. Nói thách là một tệ nạn của chợ cổ truyền. Không phải tất cả người đi chợ đều cập nhật đầy đủ thông tin về mọi loại hàng nên mua hớ là chuyện đương nhiên, khách lạ thường bị chém thẳng tay là vậy. Cho nên lúc cần đi chợ, đàn ông thích đi thẳng vào siêu thị. Giá đề bao nhiêu mua đúng bấy nhiêu. Trả giá là cả một vấn đề cho người ít đi chợ vì chẳng biết phải trả bao nhiêu mới đúng. Khi trả một tiếng chủ bán ngay là lúc người mua đành móc túi một cách ngậm ngùi.

Trước kia cứ các khu chung cư xây đến đâu thì chợ mọc ra đến đấy, chợ nhà lồng đàng hoàng hay chợ chồm hổm tự phát nhưng bây giờ, để đáp ứng nhu cầu chợ búa ở những khu dân cư mới là các siêu thị to nhỏ. Trong vài năm tới, chợ trong nội thành Saigon sẽ bị xóa sổ để thay thế toàn siêu thị. Chợ chỉ tồn tại từ ngoại thành trở đi. Nhiều khu dân cư mới không có chợ gần nhà nên dân chúng bắt buộc phải đi siêu thị. Một số chợ mới xây xong to tát, đẹp đẽ có lầu, có tầng hầm nhưng mãi lực không cao sẽ chuyển thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Quyết liệt cạnh tranh với chợ nên Co.op Mart - “bạn của mọi nhà”- nếu hóa đơn thanh toán trên hai trăm ngàn đồng sẽ có đội xe gắn máy của siêu thị chực sẵn trước cửa chở hàng về tận nhà, tránh cho khách hàng khỏi tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Thời buổi tân tiến, khách đến siêu thị ngày càng đông vì ở đây dần dần bán đủ các thứ vặt vãnh ngoài chợ như bún tươi, cơm mẻ, nhộng, xả băm, dưa chua, cà muối... cả khoai mì luộc, bánh dầy đậu xanh, cóc ổi ngâm nước đường... cả thức ăn sơ chế sẵn đóng gói: lươn với ngò om, đậu phọng cho món um, cá lóc khứa sẵn xếp chung khóm, me, bạc hà... sẵn sàng cho nồi canh chua, lẩu đồng quê chỉ bắc nước sôi lên là xong... Mua các thứ về nhà bắc lên bếp nấu, không cần phải nhặt rau, thái thịt nữa hoặc các loại thức ăn nấu chín sẵn chỉ về bỏ vào lò vi ba như tép rang khế, thịt bò ra gu, cá thu kho nước trà... Buổi trưa bán cơm hộp, ngon hơn cơm vỉa hè và rẻ hơn cơm văn phòng nên giờ đó khách mua rất đông. Các dịp lễ lạt Tết nhất, siêu thị đáp ứng đầy đủ: Lễ Vu Lan cũng mía khúc, lạc luộc, bánh bò... Ðoan Ngọ bày cơm rượu, bánh gio... Tết Nguyên Ðán tràn đầy bánh chưng, giò thủ, dưa đầu heo, củ hành, kiệu... Mùng 4 Tết phố xá còn vắng tanh vắng ngắt, siêu thị trống rỗng vẫn mở hé cửa, nhanh chóng bày chiếc bàn nhỏ trước cửa bán gà nguyên con để khách hàng mua về luộc cúng hạ nêu, hóa vàng...

Hàng hóa siêu thị phong phú. Ðó là cả một cái chợ, chỉ đi một vòng mua đủ yêu cầu: ngoài thực phẩm thông thường và đặc biệt như đầu cá hồi, cá ngừ đại dương, trứng cá caviar... còn nồi cơm điện, máy sấy tóc, dầu gội đầu, quần áo nam phụ lão ấu, khăn giấy, chén bát, hoa giả... Chưa kể có sẵn khu ăn uống đủ cả cơm tấm, bún bò Huế, hủ tíu xào... hay mì Ý, gà quay Pháp... Cũng là chợ nhưng sạch sẽ, hàng hóa sắp xếp đẹp mắt và sáng choang, đâu ra đó. Mặc dù siêu thị đông đúc nhưng lúc nào cũng có một chị tạp vụ cần mẫn lau nhà và chị khác cầm mảnh bìa carton đi thụt lui quạt cho nền mau khô! Vì có vẻ tân tiến nên đi siêu thị không mặc đồ bộ, đồ ngủ như đi chợ mà quần áo nên chỉnh tề: quần jeans, áo pull, váy đầm, sơ mi... đẩy xe nhỏ hay xách chiếc giỏ của siêu thị.

Cuối tuần rảnh rang, cả nhà rủ đi siêu thị, mua một cái hốt rác ba ngàn đồng cũng kéo nhau đi chơi chứ đâu có chỗ giải trí nào rẻ tiền và thích hợp cho mọi thành viên gia đình. Chồng lựa trà, cà phê, rượu... mẹ đi chợ, gửi con vào phòng giải trí tô tượng hay chơi games, ngồi thú nhún... Tuy nhiên khu trò chơi chật hẹp, không có người trông trẻ và ít trò chơi, năm phút là hết trò khiến trẻ con chán liền, không kể ngồi đó cả tiếng cũng tốn kém nên thường trẻ con theo mẹ mua sắm luôn. Bé quá mới ngồi trên xe đẩy còn thì con nít chạy chơi giữa các lối đi và chọn hàng một cách thông thạo. Chúng cũng ngắm nghía, chỉ trỏ, giúp mẹ chọn màu chiếc rổ hay kiểu tạp dề, chọn lựa sữa mùi dâu hay sô cô la, hộp in hình thú vật hay búp bê, bánh snack hành hay khoai tây chiên, đồ hộp thịt bò xốt cà chua hay cá ngừ ngâm dầu, đồ nguội xúc xích hay jambon. Ðưa list cho học sinh lớp 1 mua hàng còn lẹ hơn bà mẹ vì chúng rất nhớ các khu vực hàng hóa khác nhau, lại thêm tiện lợi món ăn nào do tự chọn, về nhà trẻ con ăn ngon lành, khỏi mất nhiều công dỗ dành...

Dẫu sao siêu thị cũng có điều bất tiện. Chắc chắn luôn có một cái chợ gần nhà không to thì nhỏ nhưng siêu thị thường xa, muốn đi phải xách chiếc xe chạy một đỗi, đến nơi còn phải vào bãi tìm chỗ đậu xe, mua bán xong xả xếp hàng rồng rắn đợi tính tiền mất nhiều thời gian. Bởi đi chợ cho cả tuần nên mỗi người đổ hàng ra cả đống, tính tiền khá lâu.

Nhắc tới siêu thị là nói tới an toàn vệ sinh nhưng thật ra đến cuối ngày, siêu thị cũng tồn cá ươn, thịt ôi, rau héo, trái cây chín ủng... Những thứ đó ngoài chợ nếu còn, thường người bán phải tìm chỗ tống tháo hoặc bán hạ giá nhưng siêu thị giữ nguyên giá cố định vẫn đắt hơn bên ngoài có khi đến vài ngàn một ký, lại thêm các thứ lặt vặt tiêu hành ớt tỏi chỉ cần một dúm ở siêu thị đều phải mua trọn gói.

Ðến chuyện tính tiền. Ngoài chợ, cân xoay mặt vào người bán, nói bao nhiêu biết bấy nhiêu. Lâu lâu thử về nhà cân lại mới thấy kêu nửa ký còn 420gr, một ký còn 0.95 là thường. Còn siêu thị cần một tép rau răm là 280 đồng, một củ gừng thẳng băng 430 đồng... thối lại viên kẹo, tiền lẻ hiếm nên dù còn, cô thu ngân cũng giữ lại, viên kẹo thối lại chẳng ai ăn, rồi bỏ đâu đó mất. Cô thu ngân siêu thị tính tiền trên máy, in ra tờ giấy hẹp và dài ngoằng, mực mờ câm nên ít ai kiểm tại chỗ làm chi, lo đi cho lẹ nhường chỗ người khác tiến lên. Về nhà thong thả dò lại mới hay có món hàng cô gõ hai lần. Ðành chịu thua vì ra khỏi quầy là đâu có kiện cáo gì được nữa. Riêng Metro sau khi qua quầy tính tiền, trước khi ra hẳn cổng còn bị chặn lại xét túi một lần nữa xem hàng hóa có khớp với hóa đơn hay không rất mất thời giờ và thiếu tế nhị.

Mỗi siêu thị có một thế mạnh riêng. Maximark thượng vàng hạ cám, đi siêu thị Wellcome xong ghé xi nê Galaxy bên cạnh xem phim Triệu phú ổ chuột đoạt giải Oscar; Co.op liên kết chặt chẽ với Vissan và các chợ đầu mối nên cung cấp thịt cá, rau tươi mỗi ngày; Big C của Pháp bày nhiều loại bánh mì, phô mai, bơ... đặc gu Pháp, đường Bourbon không chất tẩy trắng, xưởng thu mua kiểm nghiệm gắt gao nên thịt được khách hàng cho là tươi hơn những siêu thị khác, giá có thể rẻ hơn Co.op một, hai ngàn, thịt xay gói sẵn trọng lượng ít nên dễ mua; Metro chuyên bán sỉ trước kia độc quyền nhiều loại thức phẩm lạ như thịt kanguru, cá sấu, bò Úc... nhưng các loại hàng này hiện đã bắt đầu xuất hiện ở các siêu thị thông thường; Hà Nội chuyên hàng Bắc như bắp cải, khoai tây xứ lạnh, húng Láng, kẹo cu đơ Thái Bình, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh cốm Hàng Than... Ði siêu thị mòn chân sẽ khám phá ra nước tương Chinsu chỉ bán ở Citimart, còn Tam Thái Tử độc quyền Co.op. Siêu thị Hà Nội chuyên bán quần áo Trung Quốc giảm giá, Co.op thiên về thực phẩm, còn mua xà bông, nùi giẻ thì đi Citi thong thả hơn...

Metro dành cho bán sỉ, nhưng nhiều bà nội trợ ham rẻ sau khi khuân hàng về lại phải kiếm người cho bớt hoặc chia lại. Bột giặt chỉ có bịch năm kí, bàn chải đánh răng bán nguyên lố, nước mắm một cặp, thịt bò cả kí lô, dao cắt trái cây nguyên vỉ bốn con... Tính ra không rẻ lắm, một món lời mười đồng, ba món lời hai mươi tám trong khi hàng mang về để quá lâu, dùng hoài không hết về mặt kinh tế không lợi. Lotte của Ðại Hàn quá mắc, chỉ có thể canh mua quần áo thời trang giảm giá nên siêu thị này vắng hoe, khách vào đi ra tay không mặc dù Lotte kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, mua sắm, giải trí của khu Nam Saigon gồm cả nhà văn hóa phụ nữ, rạp chiếu phim... C.T Group (Thái Lan) đang đầu tư các khu trung tâm thương mại cao cấp.

Ðó là không kể đến các chiêu khuyến mãi của siêu thị, nhiều người đi siêu thị thường xuyên vì lý do đơn giản là rất thích săn tìm các mặt hàng khuyến mãi. Giống như mua sỉ, để được hưởng món hàng khuyến mãi, người ta phải mua nhiều, kỳ này dùng chưa hết, vì khuyến mãi lại tiếp tục mua nữa.

Một số siêu thị thuộc công ty tư nhân khó chen chân vào thành phố đã lựa đầu tư vào những địa điểm xa hơn như trung tâm thương mại Intimex - Fuso hoạt động ở Buôn Ma Thuột (DakLak). Các công ty kinh doanh phân phối nội địa như Saigon Co.op, Citimart, Phú Thái... cố gắng mở rộng hệ thống siêu thị ra các địa phương nhằm chiếm lĩnh thị phần trước khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ồ ạt nhảy vào Việt Nam. Trong tương lai, sự cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt giữa các công ty trong nước và các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

source

NGUOI VIET Online

No comments:

Post a Comment