December 04, 2009
NGUYỄN THỊ LAN ANH-Việt Tribune
Năm nay, hội chứng ngồi lê, buôn chuyện của dân Sài Gòn không hiểu sao càng ngày càng phổ biến. Bé thì lê chuyện ‘thầy tao cô mầy’. Lớn thì chuyện ‘con ấy, thằng kia’. Cũng đồng thời là người Việt nhưng trong khi ‘thiên tài lê’ trong nước nở rộ như hoa …mõm chó, thì ở nước ngoài lại không mấy được mùa, có lẽ do phần cách trở địa lý phần đi học đi làm bận bịu, chẳng thể thường xuyên tụ tập bù khú đông vui như khi còn ở Việt Nam.
*Ngồi lê là một*
Nói về sự ngồi lê ai cũng ngán ngại khinh ghét ra mặt. Ca dao xưa từng liệt kê bảy ‘nghề’ của phụ nữ ‘ngoan’, trong đó ngồi lê đứng đầu sổ. (Ngồi lê là một, dựa cột là hai, theo trai là ba, ăn quà là bốn, trốn việc là năm, hay nằm là sáu, láu táu là bẩy). Cho nên không lạ khi gia đình nào cũng cấm thành viên nữ không được ngồi lê vì sợ ‘nói chuyện nhà người ta cười, chuyện người, người ta chửi’. Thoạt kỳ thủy, địa điểm ngồi lê của các nữ ‘lê sĩ’ chỉ trong phạm vi chái bếp, đầu thềm, bờ ruộng, bến nước, sạp chợ… Từ những nơi này, họ tham gia ‘đọc báo miệng’, biên tập lại, tái bản và rao bán khắp nơi, toàn những chuyện sốt dẻo cỡ ông X bị vợ cắm sừng, con gái nhà Y.trốn theo trai. Về sau địa điểm lê mở rộng, thành phần lê được bổ sung, ngồi lê dần dần đồng nghĩa với hoạt động vui chơi, giải trí, học tập, giáo dục, truyền thông trong cộng đồng. Càng gặp lúc phong hóa suy đồi, chính quyền đi ngược nguyện vọng nhân dân thì ngồi lê càng có đất sống, người ngồi lê càng đông, chuyện ngồi lê càng ly kỳ sắc sảo.
Các phụ huynh 'lê đứng' quanh một đề thi mới 'bắt được'
Các 'lê sĩ 'hào hứng thưởng thức 'cà phê lê'
Một nhóm sinh viên đang 'tuốt lưỡi ra lê'
Trong 'chợ lao động' trước đình làng, các phụ nữ nông thôn vừa ngồi chờ người thuê, vừa lê giết thì giờ.
Ở Sài Gòn hiện nay, chưa qua bầu bán chính thức bao giờ nhưng ai cũng nhất trí hạng ngồi lê siêu nhất đích thị là Ôsin giúp việc nhà, bế em. Sáng sáng bưng chén bột, đẩy xe hay ẵm nách đứa trẻ chưa biết nói ra đầu hẻm lấy cớ dỗ em ăn, họ tha hồ họp chợ mua bán những tin xe cán chó, chó cán xe. Nhiều chủ nhà rất ghét trò ‘trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông’ của Ôsin nhưng không dám có biện pháp mạnh, sợ ‘tức nước vỡ bờ’. Nhiều chủ nhà khác, thay vì trị tội, đuổi việc, lại lợi dụng tài lê của ôsin để khai thác tin tức xóm giềng, kiểu các nữ chủ nhân trong truyện Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Truyện kể về những sinh hoạt của Giả Phủ, nơi toàn phu nhân, tiểu thư xinh đẹp chung sống. Tiếng là ruột thịt, hàng ngày qua lại với nhau thân thiết nhưng người nào cũng ngại bụng người khác không thực, có chuyện ghen tuông cần dò la, có nỗi niềm nhớ nhung cần tỏ, có thư từ phải trao nhau …đều nhờ cậy bọn nữ tì, như người thời nay dùng laptop hay mobil phone.
Từ khi bước khỏi ngưỡng cửa gia đình, sánh vai nam giới trong mọi việc xã hội, gần như lĩnh vực nào nam giới làm được, nữ giới cũng làm, vừa làm vừa … lê (người Hà Nội gọi là buôn dưa lê). Kẻ viết bài hỏi chuyện các cô các bà ngồi chờ công chứng hồ sơ, chờ khai thuế, họp báo, mua vé, khám bệnh, rước con tan học … tất cả đều thẳng thắn công nhận có lê nhưng không biết là lê, hoặc biết nhưng lê miễn cưỡng, lê chơi chơi, lê có chừng mực vì ‘ngồi chờ quá lâu, nói qua nói lại giết thì giờ, đỡ buồn ngủ. Nói một chặp thành ra cãi lộn hồi nào không hay’. Chứng kiến cảnh các nữ lê sĩ ‘vén môi nhọn mỏ’, cánh mày râu – nhất là các chàng chưa vợ – đều ngán ngẩm lắc đầu. Có ông công khai nhăn mặt ra điều ghê tởm(!), có ông e dè né ra xa khỏi vòng làm chứng, có ông âm thầm giơ tay thề ‘tui mà lấy mấy con dẻo miệng này cho tui chết’, làm như các ông không bao giờ mắc hôïi chứng ngồi lê.
Thực ra, chuyện ngồi lê không chỉ là đặc sản của phụ nữ, mà phổ biến rộng rãi cho cả ‘phụ nam’ nhưng khác đàn bà, đàn ông thường lê với bia rượu hay thuốc lá thuốc lào, cà phê chè đặc. Người làm cơ quan nhà nước, thời gian lê lấy trong tám giờ vàng ngọc. Người làm xí nghiệp tư nhân phải đợi tan ca, tan sở mới ‘đi một đường lê’. Không ít ông lê chuyên nghiệp hơn đàn bà. Đề tài lê ngoài chuyện ‘tín ngưỡng phồn thực’, chuyện nội bộ cơ quan, làng trên xóm dưới, nước ngoài nước trong thì chuyện hậu trường ‘chính chị chính em’ đặc biệt được ưa thích (có điều mặt mày người kể nghiêm trọng, dẫn chứng đàng goàng, vừa nói thì thào vừa bắt người nghe ‘Thề đi! Đ.m, thằng nào hở ra, thằng đó chết ráng chịu’). Tùy theo nghề nghiệp, túi tiền, mỗi ‘lê sĩ’ có chỗ tụ bạ riêng. Một nhà báo già, bạn kẻ viết bài, đấm lưng than ‘Tháng 30 ngày, lê hết 31 ngày. Không lê làm sao có tin tức, có bạn bè. Lê mãi đít chai như đít khỉ. Lương bổng bao nhiêu cũng hết …’. Cánh kinh doanh vàng, tiền đô, mua bán nhà đất, xe cộ, bằng sắc, chơi chứng khoán cũng lê ‘thành thần’. Mỗi buổi sáng, đi ngang nơi tác nghiệp của họ, sẽ thấy toàn quần áo sang trọng ngồi cà phê vỉa hè mở laptop gõ nhoay nhoáy hay khua chân múa tay cãi nhau văng nước bọt. Cánh sinh viên đại học, những rường cột nay mai của nước nhà cũng ‘rút lưỡi lê’ dữ tợn. Quanh đại học Kinh tế, Bách khoa, Kiến trúc… san sát quán nước mía, đậu nành, cà phê cóc. Em Phúc, sinh viên năm cuối khoa Đông Phương, đại học KHXH&NV thú nhận ‘tính ra thời gian ngồi đây nhiều hơn ngồi giảng đường. Ngày nào không ngồi, thấy thiếu thiếu’. Một kiểu lê khác, ban đầu bất đắc dĩ, sau hóa ghiền, là kiểu của công nhân viên chức. Tan sở ra, đối mặt với nạn kẹt xe dữ dội, đi về không được, bèn rủ nhau vào quán, vừa ăn uống lai rai, vừa chờ đường thông hè thoáng. Kẻ viết bài hỏi anh Ngọc, kế toán công ty Trung An, ngồi lâu có sợ vợ ở nhà chờ cơm, anh ta lắc đầu, ‘vợ em làm ở khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, tan ca năm giờ chiều, về được tới nhà thì đã nửa đêm. Thành thử… Anh Ngọc không nói hết nhưng kẻ viết bài hiểu cô vợ anh cũng ‘né’ kẹt xe bằng cách tạt vào quán, vừa ăn vừa buôn dưa lê cùng chúng bạn, y hệt đức ông chồng.
Được mất từ ngồi lê
Ngồi lê có lợi hay có hại tùy từng người. Nếu khéo gạn đục khơi trong, chỉ qua vài buổi lê, có thể biết được tin bí mật, truyền đi tin bật mí. Nhưng mặt khác, lê la có thể khiến trai bay chức, gái mất chồng, gia đình lục đục, công ty xí nghiệp giải tán, cơ quan đoàn thể kiện tụng nhau Để đề phòng ‘virút lê’ khỏi lây nhiễm cho con gái rượu, một bà mẹ khoe với kẻ viết bài ‘ở nhà quản rất kỹ, không cho giao tiếp, đàn đúm. Ở trường nội trú, thầy cô ‘chăn’ cẩn thận, bảo đảm ngoan’. Nghe mẹ khoe, đương sự chỉ tủm tỉm cười. Hỏi ra mới biết nàng thuộc hạng lê thượng thừa nhưng là lê bằng mobil phone, lê trên internet. ‘Tụi con không ngày nào không ‘nấu cháo điện thoại’. Đứa nào cũng có blog. Mỗi ngày lên đó chí choé tán tỉnh, chửi bới, bố mẹ làm sao biết được’. Thế giới @ quả là lợi hại, vậy mà kẻ viết bài quên chính đây từng là chợ trời, nơi cư dân mạng ‘mông má’ hàng tỉ chuyện về giới đồng tính, về hiện tượng nữ văn sĩ động cỡn, về tình trạng ‘yếu sinh lý’ của nhà nước ta trước thằng láng giềng càng ngày càng hùng hục…húc.
Trung bình bao lâu lê một lần, một lần lê là bao lâu? Trả lời câu hỏi này, các vô địch làng lê đành là không nhớ nổi, mà ngay người câm điếc, bậc tu hành, ông nguyên thủ ‘cuốc gia’… những người bị cho là ít khả năng hoặc không có khả năng lê cũng không trả lời đích xác được, đơn giản vì ngồi lê (cả nằm lê, đứng lê) là dạng chức năng giao tiếp hết sức căn bản, hết sức tự nhiên giữa người và người. Trừ khi sống một mình trong sa mạc, trên hoang đảo, còn không, cứ có người thứ hai là bắt đầu có lê. Lê nhiều ngàn năm, lê khắp năm châu bốn biển, lê kiếp này chưa đã, đầu thai sang kiếp khác tiếp tục lê…Cứ vậy, mà thành văn hóa, thành cộng đồng, thành niềm vui nỗi buồn trần gian. Hỏi một lê sĩ ‘nếu lên thiên đàng mà cấm lê…’. Chưa đợi hỏi xong, ‘lê sĩ’ này đã dẫy nẩy ‘thà xuống địa ngục còn hơn. Không được lê, lên thiên đàng buồn bỏ mẹ!’
Xem ra lê không chỉ là một nghề, đứng đầu trong bẩy nghề quý hóa của phụ nữ ngày xưa mà quan trọng hơn, lê chính là phương tiện để người trở thành khỉ và khỉ trở thành người, dĩ nhiên còn tùy vào mục đích và cách lê của người, của khỉ.[NTLA]
source
Viet Tribune
No comments:
Post a Comment