Đưa đất từ dưới mặt nước lên xuồng rất nặng nhọc – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông
Nguyên Thảo/Viễn Đông
Không biết từ bao giờ, hễ khi có lũ về thì người nông dân ở Miền Tây ra đồng lặn hụp xuống ruộng nước để đào lên những cục đất to bằng cái thúng rồi quăng lên xuồng đẩy đất vào đắp nền nhà, đắp đường lộ, hay là sang lấp mương… Theo kinh nghiệm của nông dân, những ruộng đất không bằng phẳng là ruộng không hiệu quả, nên mùa nước nổi chủ ruộng đánh dấu những chỗ đất gò (trồng lúa không trúng), cho lấy đi lớp đất mặt để sau một mùa lũ, phù sa bồi đất trở lại, như vậy làm lúa trúng hơn vào mùa sau. Ngày xưa thì nhà ai nấy làm nhưng bây giờ, xã hội phân hóa giàu nghèo rõ rệt, nên chủ ruộng bây giờ đa phần là giàu, còn người nghèo cầm cố đất, bán ruộng non hết… thế là họ phải đi “cạp đất” mướn cho chủ ruộng mới, mà đất có khi trước đây là của mình.
Những cục đất to phải dùng hết sức mới vận chuyển được – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông
Cả ngày ngâm mình trong biển nước và bùn sình từ sớm hừng đông tới tối mịt, những người làm nghề “cạp đất” chỉ kiếm được 30.000 đồng- 35.000 đồng. “Sắt thép ngâm lâu ngày trong nước còn mục nát, nói chi da thịt con người! Cái nghề cứ lên bờ một chút là mốc cời, hơi sình non xà bông cũng không xóa được, phèn ăn vàng khè hết 10 ngón tay, 10 ngón chân, nước ăn chân tay lầy lở, hôi rình, cái nghề bần hèn ít ai muốn làm…! Nhưng nghèo cũng phải làm thợ ‘cạp đất’, ‘móc bùn đổi gạo’ - Anh Hồ Hùng nói vậy…
Có khi phải dùng miếng ván để chuyển đất theo kiểu tiếp sức – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông
Trời chưa sáng nhưng nhóm thợ “cạp đất” ở ấp Phú Hòa, xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đã lui cui chống xuồng tập trung ở khoảng vườn nhà bà Tám, nơi họ “hành nghề” gần một tuần nay. Hùng, 40 tuổi, người lớn nhất trong nhóm và được phong hàm “đội trưởng”, phân bua: “Mấy ngày nay làm gần nhà nên trời hừng sáng mới tập trung. Những bữa chở đất xa, 3-4 giờ sáng là cả bọn đã phải chống xuồng băng đồng đến nơi làm việc”.
Nhóm thợ “cạp đất” ở Phú Hòa đã có thâm niên hơn 15 năm trong nghề. Năm nào cũng vậy, vào tháng 7 âm lịch khi con nước vừa tràn đồng là nhóm thợ “cạp đất” của Hùng bắt đầu chuẩn bị ra quân. “Làm từ tháng 7 nước lên đến tháng 11 nước giựt mới nghỉ!” - Em Trần Văn Hậu 21 tuổi, trẻ nhất nhóm nhưng làm nghề “cạp đất” từ năm 11 tuổi, khoe.
Khi biển nước trên cánh đồng Tứ giác Long Xuyên vẫn mịt mờ sương thì 15 thợ “cạp đất” trong nhóm của Hùng bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Hùng chỉ huy 5 chiếc xuồng với 10 người chống sào lướt ra đồng nước. Năm thợ đắp đất do Tú chỉ huy còn ngồi nán lại trên bờ, chia nhau những hơi thuốc lá rẻ tiền cuối cùng. Tú nói: “Phải nửa tiếng nữa xuồng đất đầu tiên mới vào tới bờ”.
Tôi nhìn mông lung ra phía cánh đồng, xa xa khoảng gần 200 mét, đoàn quân của Hùng đã bắt đầu lặn hụp trong biển nước lạnh giá, móc đất chất lên xuồng. Đúng như Tú nói, gần 30 phút sau chiếc xuồng đầu tiên khẳm đừ, chở khoảng 10 khối đất vuông vức (mỗi khối vừa sức một người vác lên vai) ì ạch lướt sóng vào bờ. Nhóm thợ đắp của Tú lập tức nhảy xuống nước đón chiếc xuồng và nhanh tay chia nhau từng khối đất đắp nền nhà.
Hì hục chuyển đất – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông
Vừa làm, Tú vừa tranh thủ cho biết: “Trung bình mỗi xuồng chở được khoảng nửa khối đất, giá 3.500 đồng/xuồng. Nếu đoạn đường từ nơi đào đất đến nơi đắp nền xa hơn thì giá tiền càng cao hơn”. Tú cho biết, nếu làm hết sức, dầm thân trong bùn nước từ sáng sớm đến tối mịt thì có thể chở được 20 chuyến, mỗi thợ chia nhau được 35.000 đồng, thợ đắp nền như Tú cũng được 30.000 đồng-35.000 đồng/ngày.
7 giờ sáng nhóm thợ “cạp đất” của Hùng - Tú dừng tay để... ăn sáng. Họ lục đục lôi trong gốc chuối ra những thau cơm nguội lạnh tanh được mang theo, chia nhau mỗi người một góc ngồi ăn ngon lành dù từ đầu tới chân tóc tai, quần áo ướt lướt thướt và bê bết bùn sình. Tôi tò mò rảo một vòng nhìn vào khẩu phần ăn sáng của nhóm thợ “cạp đất”, cơm trắng với vài con khô chiên, cá khô bé xíu và mấy trái ớt xanh, có khi mấy anh em còn hái cả bông súng, rau muống hay là bắp chuối ăn dặm cho đủ no. Hòa, thợ đắp nền, nói vui: “Như vầy là sang lắm đó anh, bữa nào kẹt quá vợ tôi còn cho ăn cơm với... dưa mắm”.
Nhộn nhịp vận chuyển đất từ ruộng vào nhà – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông
Trong lúc ăn bữa sáng đạm bạc, những người thợ “cạp đất” cho tôi biết cái nghề “cạp đất” cũng không phải dễ ăn nếu không có sức khoẻ. Chỉ đơn cử nhóm làm công việc xắn đất và vận chuyển, mỗi chiếc xuồng 2 người, một người xắn, một người chở nhưng phải thay phiên nhau, người ngâm dưới nước xắn đất bị lạnh thì “đổi ca” leo lên xuồng, chống sào vận chuyển để có cơ hội... phơi nắng cho ấm. Riêng đám thợ đắp nền thì nhẹ nhàng hơn, khi xuồng đất vào tới nơi mới có “công ăn việc làm” nhưng người ngợm lúc nào cũng lấm lem. Tú và nhiều thợ “cạp đất” đưa cho tôi xem những kẻ tay, kẻ chân lở lói rướm máu vì bị nước ăn, bùi ngùi nói: “Làm nghề móc đất đổi gạo này ai cũng bị bệnh ngoài da, cảm cúm thường xuyên”.
******************
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment