Sunday 3 January 2010

Mùa bỏ làng ra phố



31/12/2009 10:36 (GMT +7)
Người ít cũng vài tháng, lâu thì hơn 10 năm, tất cả đều xuất thân từ những vùng quê nghèo tìm đến Hà Nội mưu sinh. Mỗi nhóm người một việc, chẳng ai bảo ai, thấy nghề mình làm có thu nhập là họ kéo nhau đi. Đã thành lệ, dịp cuối đông giáp Tết là lúc họ đang tận dụng tối đa thời gian, vận động hết công suất trên các nẻo đường thành phố kiếm tiền nhằm trang trải trong dịp Tết...

Ra đi để “kiến thiết”

8 giờ sáng trên phố Nguyễn Đình Chiểu. Chiếc xe máy Honda màu đỏ từ từ đỗ sát vào vệ đường. “Cái tủ quần áo gia đình bị hỏng cửa, phải thay cả khoá nữa”, chưa kịp tắt máy, ông khách năm nay khoảng ngoài 40 tuổi vội vàng chào hàng. Ngay lập tức, ba bốn người thợ xúm lại, vây quanh vị khách đầu tiên của ngày làm việc hôm nay. Tay vứt điếu thuốc Du Lịch mới hết một nửa, tay thợ trẻ tên Long ân cần hỏi: “ Loại gỗ gì vậy? Có phải đi mua không? Nhà ơ đoạn nào?”. Người khách có vẻ đang rất vội, cau có: “ Bố ai mà biết loại gì! Di sản của các cụ để lại, hình như là Lim hay Sến gì đó. Nhà ở Thanh Xuân, đi lẹ lẹ lên mấy bố ơi…”. “30.000đ cả công thay khoá, đồng ý thì Ok”, người khách gật đầu.

Ngày giáp Tết là cơ hội với nhiều người ngoại tỉnh


Tay thợ trẻ lấy đà đẩy chiếc xe cùng cái hòm gỗ chứa đồ nghề đăng sau nổ máy chạy vụt theo. Đám người còn lại kiên nhẫn ngóng ra phía đường…

Nghề mộc xuất hiện trên phố đã được gần mấy trăm nay. Những tay thợ mộc, thợ cưa - “cư dân” của phố “Nhà Mộc”, đều xuất thân từ một làng mộc nổi tiếng của Hà Nam: làng Trịnh Xá. Một làng thuần nông và rất nghèo. Lúc nông nhàn, thất nghiệp, họ lại lục đục rủ nhau lên “phố” kiếm ăn. Cụ kỵ, ông cha họ đã “mưu sinh” trên con phố này từ hồi chế độ phong kiến còn tồn tại. Thế hệ đi trước truyền lại nghề cho thế hệ sau, cứ thế mà thành phường, thành hội.

Cuối đông, áp Tết là thời điểm di cư “rộ” nhất của thợ mộc Trịnh Xá, có những khi lên đến hàng trăm người. Tuy đông là vậy, cũng là những người một xã đấy nhưng không ai bảo ai họ vẫn tự nguyện phân vùng, đứng thành từng phường, hội. Giả như khu vực phố Đường Thành là những người làng Bùi, còn ở phố Nguyễn Đình Chiểu (góc công viên Thống Nhất) là người làng Nguyễn.

Qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố, không biết đã có bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ người dân làng mộc đã đứng đây và tạo nên thương hiệu “thợ mộc Trịnh Xá” giữa phố phường hiện đại, tấp nập.

Bán mít trên cầu Long Biên

Một người thợ mới nhập cư vào phố, việc đầu tiên là phải sắm một bộ đồ nghề mộc - cái “cần câu cơm”. Anh Nguyễn Ngọc Nguyên (người làng Nguyễn) tâm sự: “Ngày xưa, bộ đồ nghề rất đơn giản, chỉ cấn cái cưa, cái đục, cái búa và cái dùi là có thể kiếm ăn được. Nhưng bây giờ bộ đồ nghề đã nặng hơn, to hơn và đắt tiền hơn xưa vì “để làm được nhanh và nhiều, ngoài tay nghề người thợ thì cần phải có sự trợ của máy móc như máy khoan, máy mài...”. Tính ra mỗi một bộ đồ nghề như thế cũng rơi vào khoảng từ 2 triệu đến 2 triệu rưỡi.

Còn ăn ở ư? Cứ 3 người thuê một căn phòng chừng 10m2. Bác phó mộc Bùi Văn Minh (người làng Bùi) tính nhanh “3 trăm tiền ở, 5 trăm tiền ăn, một chút điện nước, thuốc lá… Muốn như nào cũng được miễn là hàng tháng gửi cho bu nó ở quê được vài triệu. Đời mình đã khổ phải cố gắng cho các con được ăn học đàng hoàng”.

Mong tháng củ mật thật… dài

Đội quân "gánh hàng rong" ở thành phố Hà Nội đông vui quanh năm. Nhộn nhịp nhất vẫn là dịp cuối đông, giáp Tết... Không biết tự bao giờ, gánh hàng rong đã trở thành quen thuộc với người Hà Nội.

Có đợt, người ta ra quân rầm rộ để “quy hoạch” hàng rong. Của đáng tội thì hàng rong cũng làm mất mỹ quan đô thị thật. Nhưng đó cũng là cứu cánh của hàng nghìn hộ gia đình nghèo. Thật may, thành phố cũng chỉ cấm hàng rong trên một số tuyến phố nhất định.

Hiện tại, có khoảng 100.000 người bán hàng rong, chủ yếu là dân lao động nghèo ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những người tôi đã gặp như chị Nguyễn Thị Mùi, đã nhiều năm bôn ba với nghề bán hoa quả, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 2h sáng là chị tất tả quẩy đôi sọt ra chợ Long Biên. Buổi chiều tối lại về khu nhà trọ. Chị Nghiên, ở Phú Xuyên, Hà Tây, bán bún riêu đã được hơn 7 năm rồi còn nhiều người khác nữa. Dường như những người đàn bà gánh hàng rong đều có chung một đặc điểm: Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt rám nắng, đôi tay thô ráp, nứt nẻ. Họ luôn có một kiểu xưng hô nhẫn nhịn, gọi người khác bằng anh hoặc chú và xưng cháu, dù "cháu" già hơn "chú" cả chục tuổi...

Đó là những người đàn bà từ nhiều vùng quê Nam Định, Thái Bình, Hà Bắc, Hải Dương... dồn về Hà Nội với một khát khao duy nhất: Kiếm tiền! Gánh hàng nhỏ nhoi trên vai họ có một giá trị tinh thần và vật chất to lớn, có thể chằm lại mái nhà đã nát và nuôi sống cả chục cái "tàu há mồm" đang tuổi ăn tuổi lớn ở quê.

Trong cái tranh tối, tranh sáng của gian nhà trọ ẩm thấp khoảng 7m2 trong bãi Phúc Xá, 6 người phụ nữ nằm úp thìa bên nhau, một manh chiếu và tấm vỏ chăn nhàu nát, cũ kỹ, vừa đủ chiếc giường. Ăn uống kham khổ, vất vả cả ngày, đêm về các chị lại trằn trọc với đủ nỗi lo: làm sao bán được hết hàng, thu nhập hàng tháng có đủ tích cóp để gửi về nhà, lo con nhỏ ở quê thiếu bàn tay chăm bẵm, lo đàn lợn, đàn gà...

Người đàn lam lũ đi thu mua đồng nát có cái tên khá đẹp: Định Xuân Thư (Yên Mô, Ninh Bình) cười buồn: “Em vừa thu mua đồng nát, vừa làm tất cả mọi việc mà hàng phố thuê làm. Em sẽ "bám" Hà Nội đến khi nào không còn sức mà làm nữa mới thôi". Mấy hôm rồi, thằng thứ hai nhà chị Thư lên thi đại học. Chị không giấu: "Thú thật mừng ít, lo, buồn thì nhiều". "Bác phải ăn mừng cho nó chứ, ở quê mấy ai thi lên đến đại học" - Tôi nói. Nhưng chị buồn: "Hôm kia nó đến, em đưa cho hai trăm, gặp con mà rơi nước mắt. Mẹ làm ở Hà Nội hai năm rồi, con thì mới lần đầu tiên lên thủ đô, vậy mà đâu có đưa nó đi ăn được một bữa. Ngay đến chỗ ở cho bản thân cũng chẳng có thì làm sao lo nổi cho con!".

Những ngày này, ngoài những người đi hàng rong chuyên nghiệp còn có những nghề “nóng” khác (có nghĩa chỉ làm trong dịp Tết) như: bán bóng bay, đánh lư đồng, quét ve nhà, tường rào, cây cảnh, cá cảnh... Họ “ra quân” từ thời điểm này, nếu cứ chăm chỉ đến ngày 29, 30 âm lịch, mỗi người cũng bỏ túi được trên dưới 1 triệu đồng, phụ giúp gia đình sắm Tết.

Thật lạ, Tết với họ là điều gì đó thật khó lý giải, cũng chả biết là mừng hay lo nữa. Thì rõ Tết là phải tiêu mất nhiều tiền nhưng ngược lại, với họ những ngày trước Tết là những ngày kiếm tiền dễ thở hơn những ngày bình thường trong năm. Chả thế mà ai cũng quay quắt ước ao “giá mà tháng áp Tết cứ kéo dài mãi”.

Chuyện những người dân rời mảnh ruộng quê nhà ra Hà Nội mưu sinh giờ không còn là chuyện mới. Chỉ có điều những dịp năm hết tết đến này thì bỗng đông một cách lạ thường. Với đôi quang gánh trên vai, sức khoẻ và sự nhẫn nhịn, những con người nhỏ bé đã gánh cả trọng trách trên đôi vai mảnh khảnh. Ngày này qua ngày khác, họ đã tích cóp mồ hôi và nước mắt để mái nhà ở quê thêm lành lặn, bát cơm trong ngày Tết của con cái họ được đầy hơn.

Đêm về khuya. Một tí mưa lất phất âm thầm đưa mùa xuân đến thật gần. Lác đác bóng dáng mấy bà bán rau đang cố gồng mình trên những chiếc xe đạp thồ để chạy đua với Tết. Có bao nhiêu người đã sâu giấc dưới những mái nhà trọ lụp xụp? Tôi biết chị Thư cũng như nhiều người ngoại tỉnh về Hà Nội để buôn thúng bán mẹt vẫn chưa ngủ. Họ vẫn ngong ngóng về gánh hàng ngày mai. Ngóng được có người "ới" một tiếng gọi làm một việc gì đó... Và, tôi thầm ước ngày giáp Tết, hãy cứ kéo dài thêm một chút nữa.

Theo Trọng Hiếu

source

http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/phongsukisu/425049/index.html

No comments:

Post a Comment