Tuesday, 19 January 2010

Cây đa Tây Thiên



Cập nhật lúc 3:50:38 AM - 17/01/2010

248h1.jpg


Cổng đền Trình


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

“Một chị chạy kiếm ông trưởng phòng, ông này cho biết có cây đa 9 gốc nhưng đường lên Tây Thiên khó đi lắm. Ông ta khuyên: ‘Có cây đa lịch sử ngay thị Xã Phú Thọ. Cây đa này còn ác chiến hơn nhiều, việc gì phải vất vả đi xa’. Nghe hữu lý, tôi hỏi rõ đường đi rồi đổi hướng lên Phú Thọ, cây đa Tây Thiên để bận sau”.

Trên là một đoạn trích trong loạt bài “Hành trình về Khâu Vai” (1). Cây đa ở Phú Thọ tuy to lớn nhưng chẳng có gì đặc biệt, tuổi đời và nét phong trần so với cây đa Thổ Hà (Bắc Giang), cây đa am Mỵ Châu (Cổ Loa), cây đa đền Dầm (Hà Tây) thì kém xa, chỉ được mỗi vinh dự mang ngọn cờ kháng chiến chống Pháp trong những ngày đầu năm 45. Chuyện này dành cho các sử gia, với tôi cây đa phải có thể dáng đẹp, lạ, phải mang vẻ phong trần năm tháng, phải nói được nỗi dày dạn của đời cây.

Tôi lại phải đi Tây Thiên. Tây Thiên nghe từa tựa Tây Trúc, “có lẽ cây đa nằm trong khuôn viên một cổ tự”. Nếu vậy chắc tuổi cây khá cao. Tính về gốc, cây đa Tây Thiên có 9 gốc, chỉ thua cây đa 13 gốc Hải Phòng. Cây đa 13 gốc tôi tìm không thấy đâu có hình ảnh, chỉ nghe nói và đã mất hai ngày đi tìm (2). Cây đa 9 gốc thì có trên internet. Trông lạ lắm.

Tây Thiên nằm trong vùng núi Tam Đảo, cách Hà Nội 85 km, có thể chạy xe gắn máy đi về trong ngày thong thả. Chỗ tôi trọ có cô hàng xóm nghe tôi đi Tây Thiên cứ năn nỉ xin theo:

- Chú cho cháu đi với, cháu chạy xe đèo chú. Nhân ngày nghỉ cháu muốn đi ra ngoài một hôm cho thoáng, ở nhà suốt chán chết.

- Cháu đi thế công việc nhà bỏ cho ai?

- Nhà nhiều người mà chú.

- Được, nhưng phải nói rõ cho trong nhà biết.

- Dạ, cảm ơn chú.

- Chú cũng nói trước, đi đây không như đi du ngoạn đâu. Chú đi là để làm việc và đôi khi không kịp giờ phải chạy, có đồng ý thì đi.


248h2.jpg


Điện thờ đền Thõng


Không cứ gì cô hàng hàng xóm này, mà nhiều người chỉ mới quen sơ, chuyện trò trong chốc lát rồi sinh ra tò mò cứ nằng nặc “Cho cháu theo với, bác cần gì cháu giúp”. Tôi lại nghĩ “Nhất cử tam tứ tiện vầy mà không nhận lời thì phụ lòng tha nhân quá”. Nhận lời, lại thêm trách nhiệm...nhưng, quá lo xa thì còn làm được gì.

Khởi hành, cô bạn trẻ giành chạy xe, tôi bảo “Ra ngoài thành phố cháu thay chú”.

Chúng tôi theo lộ trình như lần đi chợ tình Khâu Vai. Qua khỏi thành phố Vĩnh Phúc có đường đi Tây Thiên chừng 20km. Con đường nhựa hẹp bằng nửa mặt đường Quốc lộ. Càng đi càng vào sâu trong thôn xóm, có chỗ sát núi, những khu rừng hoa sưa (không phải hoa sữa) cao xanh theo triền núi. Đến một ngã ba: Rẽ phải lên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đi thẳng vào đền Thõng, nơi có cây đa 9 gốc. Trước khi vào đền Thõng qua đền Trình, đang được trùng tu. Cổng đền Trình rất bề thế, có cây sấu cổ thụ khá đặc biệt, tán rợp mát một vùng, vài ba quán giải khát chẳng có ai ngoài đám trẻ con đùa ngịch . Nhiều Chùa Đền miền Bắc, trước khi vào lễ đền chính, phải cúng xin phép ở đền Trình. Tôi nghĩ, đây chẳng qua lợi dụng lòng mê tín của bá tánh, cúng vái, nhang đèn càng nhiều càng được phước. Từ đó đẻ thêm Đền Trình (Chùa Hương, Đền Gióng, Đền Thõng…...) cho thêm long trọng, và cũng là cách moi tiền (công đức) khách thập phương. Trong miền Nam, tôi chưa gặp nơi nào có đền Trình.

Đoạn đường vào Đền Thõng có chỗ chưa tráng nhựa, nhưng cũng dễ đi. Qua khỏi xóm nhà cây cối um tùm, từ xa đã hiện ra một khóm rừng cao xanh, thấp thoáng mái ngói đỏ. Tôi đoán chừng đền Thõng, cây có tàn lá vươn cao hẳn là cây đa 9 gốc. Cạnh lối vào Đền có một hồ nước lớn, một chiếc thuyền nan, mộc mạc quê mùa, không thanh lịch đài các như hồ công viên thành phố. Tôi dừng lại ngắm cảnh trí cô đọng, nổi bật trên nền núi xanh, thanh vắng và êm đềm. Tôi thích cái tĩnh mịch nơi Chùa Đền. Nhưng đời thường ngược lại, nơi lễ bái, linh thiêng là nơi nhốn nháo mua bán. Ai cũng nhân danh Thần Thánh quảng bá dịch vụ của mình, từ hàng nhang đèn đến hướng dẫn viên du lịch thao thao như thật, cốt sao lọt tai du khách là được.

Vào cổng Đền, mới thấy nhiều quán hàng trong sân, khách vắng tanh. Một cậu choai choai đang ngồi chơi trước sân Đền thấy tôi chạy xe vào, vội đứng dậy cầm cây roi tre huơ huơ quát: “Xe gửi ngoài kia”. Tôi gai mắt trước thái độ hỗn xược, nên thuyết cho một hồi, cậu ta mới lơ đi nơi khác.


248h3.jpg


Cây đa “9 gốc”


Cây đa Tây Thiên quả thật lạ, gốc như những cột đình cao đến mười mấy mét, từ trên một thân cây nằm nghiêng buông xuống đất, cây đa không có gốc chính. Có thể từ lâu lắm gốc mẹ đã rục rã giống như trường hợp cây đa đền Dầm (thờ Đức Trần Hưng Đạo 700 năm trước, gốc mẹ đang trong thời kỳ bị hủy dần). Tôi quan sát kỹ và đếm được 12 gốc lớn nhỏ. Gốc cấu tạo theo hình chóp nón, thế rất vững. Đứng phía nào trông cũng đẹp, một loại cây đa ít thấy. Nhưng vẻ bề thế, vạm vỡ oai vệ của một đại thụ thì không. Đa không có thân chính cành nhánh thon thả được phân phối hài hòa, mang nét “phong nhã thanh lịch” của một công tử. Tôi mải lo chụp ảnh và ngắm xem từng gốc của cây đa, một anh chụp hình dạo, đến làm quen:

- Chú thấy giống con nai không? Chú đứng phía bên này đẹp hơn.

- Tôi nghe nói cây đa 9 gốc mà đếm thì 12?

- Thực ra chỉ có 8 gốc thật, còn 4 gốc giả, chú nhìn kỹ thấy ngay.

Đúng thế thật, những gốc nhân tạo có phần lớn hơn, phải công nhận nghệ nhân đắp rất khéo, màu da mốc giống hệt, vỏ sần sùi nhìn khó biết thật giả. Nhưng chỉ mấy giây, tôi nhận ra điều dại dột của người làm “văn hóa mỹ thuật”, đang có của thật đáng giá lại biến thành đồ giả cho thiên hạ chê cười. Cây đa vốn chỉ 8 gốc, khi thêm 1 gốc giả có lẽ được báo chí loan tin khen ngợi nên “cơ quan chức năng” phóng luôn 12 gốc, đủ một tá cho oai, 12 gốc chưa thấy tài liệu nào nói. Rồi đây được dư luận khen, gốc đa sẽ thêm gốc để thành cây đước, cây mắm cũng nên (3).

Đền Thõng nằm giữa khuôn viên rộng nhiều cây cối, Đền như một ngôi đình làng nhỏ, kiến trúc đơn giản, ba gian hai chái, cửa bàn khoa. Theo bảng cáo thị toàn bộ cột kèo bằng gỗ quí ( Lim Sến, Táu, Xà Cừ). Nguồn gốc sự tích ngôi đền chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Đền Thõng thờ Quốc Mẫu thuộc khu danh thắng Tây Thiên”, còn lại là liệt kê bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu viên ngói, bao nhiêu ngày công, bao nhiêu tiền...và công lao quan chức...Du khách chẳng biết được gì thêm.

Bước lên tam cấp đã có một “Hòm công đức” ngay cửa. Một bảng “Cấm đốt hương”. Thông thường các Đền Chùa ngày nay có một lư hương lớn trước sân để người đi lễ cắm nhang, đền Thõng thì không. Đền vắng hoe không có ông Từ. Trong Đền, hương án, bàn thờ sơn son thếp vàng, lọng vàng, câu đối hoành phi...song kém vẻ trang nghiêm, đầy bụi bặm không ai quét dọn. Bên hông Đền là dãy nhà dài, nhiều kệ xếp chén bát soong chảo, như là nhà ăn của một tập thể. Sau lưng Đền còn những nhà nhỏ có bàn thờ và “hòm công đức”… Có một bệ thờ quan đại thần, râu ria áo mão, song quá luộm thuộm, hòm công đức to gần bệ thờ. Tôi có cảm tưởng thờ tự chỉ là cái cớ để hợp lý hóa “hòm công đức” mà thôi.

Ghé vào quán giải khát, mới mớm vài câu, các bà quán đã nói ngay: “Đền do (...) khoán cho bọn đầu gấu thu tiền công đức, tiền giữ xe...bọn này ngang tàng lắm, ông coi chừng...”. Quả thực phong quang cảnh trí không có gì ý nghĩa thi vị, ngoài cây đa 9 gốc. Tiếc thay cây đa lại cũng bị hóa trang hơi nhiều. Những ai chưa đến tận nơi khó mà biết thực hư. Một (...) nổi tiếng văn hóa mà đi đâu cũng gặp toàn đồ giả mạo. Thiệt thòi cho đời sau biết chừng nào.


248h4.jpg


Toàn cảnh đền Thõng


Tìm cây đa Tây Thiên, tôi có dịp biết thêm sự tích đền Thõng và danh thắng Tây Thiên: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Năng Thị Tiêu (vợ Vua Hùng), người đã có công lập binh mã giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước. Đền tọa lạc nơi chân núi xã Đại Đình huyện Tam Đảo. Đền theo tín ngưỡng cổ truyền mỗi năm có lễ hội “Mở cửa rừng” vào mùa Xuân. Đền Thõng như cửa ngõ để khách hành hương làm lễ “trình” trước khi lên núi, vào với thế giới thiêng liêng Mẫu ngự. Đền Thõng là điểm đầu trong chuỗi danh thắng Tây Thiên.

Đi tìm danh lam thắng cảnh đôi khi gặp những chuyện linh tinh đời thường, cũng không kém phần thú vị. Hôm đó đã quá trưa, quán hàng đơn sơ, ăn uống không bảo đảm, chúng tôi chạy về phố Vĩnh Phúc, nhưng trên đường qua thôn xóm, gặp nhà hàng Hà Xuyên (Hợp Châu Tam Đảo) có món “Lợn cắp nách, gà quê...”, chúng tôi ghé vào. Quán tranh vườn rộng vắng khách, tôi hỏi đặt nhà quán làm cho một con gà. Chỉ một lúc, chủ quán đã bê lên con gà tơ vàng nóng hổi, thơm phức, đúng là gà đi bộ. Gà đi bộ ở Cali thực ra là toàn đi xe buýt, thịt không chắc, không thơm đúng mùi gà ta. Lâu lắm mới có dịp thưởng thức món gà ta đúng nghĩa. Nha Trang có xôi gà Huỳnh Lai, tôi thường ăn, bởi thịt gà khá thơm, da mỏng không mỡ, nhưng so với gà vuờn Tam Đảo thì kém xa.

Nếu còn dịp về Tam Đảo, thế nào cũng ghé lại Hà Xuyên lần nữa. Công việc đến cứ làm, gặp dịp thì thưởng thức, đúng lúc thì nghỉ ngơi, không việc gì phải ràng buộc vào điều này lẽ nọ cho mệt, cụ Trứ đã dạy:


“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”


Trần Công Nhung

06-2008


(1)Trang 61 QHQOK tập 9

(2)Trong QHQOK tập 10

(3)Loại cây “phòng hộ” những vùng nước mặn trong Nam, gốc là một chùm rễ.


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 9, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.


Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260. email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment