Lê Bình, Sep 23, 2009
Cali Today News - Bạn bè, người quen riết hồi không ai còn nhớ tên của ông, chỉ biết kêu ông là ông Cả, chắc là hồi xưa ông cụ có làm hương cả gì đó ở làng. Năm nay ông cụ đã quá cái tuổi 90 mà vẫn còn minh mẫn, không rượu chè, cái thú duy nhứt của cụ là uống trà hút thuốc. Tánh tình ông Cả rất quý mến bạn bè, bằng hữu. Bạn của ông không còn mấy, bây giờ bạn bè của con ông là bạn của ông. Hàng ngày, vào buổi chiều ông thường ra sau vườn ngồi trên chiếc ghế xếp có lưng dựa nhìn hoa, ngắm kiểng hút thuốc uống trà làm vui. Ông cụ không đi ra ngoài và cũng chẳng tiếp xúc với ai. Nơi góc vườn nhà ông có một hai chậu trúc. Ông thích lắm những chậu trúc ở góc vườn. Ông nói “Tiết trực tâm hư” là cái bản tánh của người quân tử.” Ông rất thương mến Ngô Tổng Thống, tức tổng thống Ngô Đình Diệm. “Cụ Ngô dùng cây trúc làm biểu tượng cho quốc gia. Cái mộc của tổng thống có hình cây trúc.” Đám trẻ, nói là trẻ nhưng cũng trên dưới 60 tuổi rồi, thường túm năm tụm ba nghe ông Cả kề chuyện đời xưa.
Chiều nay, lúc mặt trời vừa gát non đoài, ánh nắng xiên xiên qua hàng cây ở góc vườn rải xuống cái khoảng sân nho nhỏ, ông Cả đang ngồi trầm ngâm bên tách trà, dĩa bánh để trước mặt. Ông Cả mời “Ăn bánh uống nước chơi. Nhưng mà mấy cậu muốn rượu cũng có rượu ở trỏng nghe.” Cũng nên nói thêm, mặc dù không thích uống rượu, nhưng cụ Cả luôn có rượu để mời đám trẻ đến thăm. Những chai rượu Martell, Whiskey lưng chai, còn một góc do những bữa rượu của đám trẻ được ông cất lại để dành. Ông nói “buồn ngủ gặp chiếu manh nghe mấy cậu”. Tánh ông cụ như vậy. Ông hay gom góp cả những thứ mà không ai ngờ từ cọng dây thun, chiếc bật lửa, cái nút áo…đám cháu nội ngoại khi cần hỏi ông đều có đủ, như một cái tiệm “chạp phô”. Nhớ có một lần, khi cô cháu gái ra trường mở tiệc mừng, đám bạn đủ mọi sắc dân tụ tập ăn uống ca hát, khi ra về có cô bạn gái người Mỹ mất chiếc nhẫn có gắn hột xoàn li ti. Sau khi kiếm tìm khắp các nơi mà chúng đã đi qua trong ngày hôm đó. Cuối cùng đành chịu mất. Khi đứa cháu về kể lại…ông cụ Cả đứng dậy đến cái tiệm “chạp phô” của ông lôi một chiếc nhẫn bằng bạch kim, trên có gắn hàng chục hột kim cương li ti lấp lánh “Phải cái nầy không?” Đứa cháu mừng rỡ ra mặt, nhảy cởn lên ôm cổ ông hun một cái “chụt”. “Đúng rồi, ông lượm được ở đâu vậy?” “Ở đâu, tao thấy nó rớt nằm bên cái vòi nước ngoài sân, tao đem bỏ vô đó.”
Những người bạn Mỹ bày tỏ sự kính trọng ông cụ Cả bằng một món quà, nhưng ông từ chối. Chiếc nhẫn đó ngoài giá trị vật chất còn là vật kỷ niệm của cô gái. Từ đó cô gái nhận ông cụ là ông.
Ông Cả chỉ dĩa bánh, có những chiếc bánh màu trắng, và nói:
“Ăn bánh nổ uống trà chơi.” Ông nhìn anh nhà báo cười: “Tui có đọc mấy bài viết của cậu. Hay lắm, nhưng sao cậu viết toàn chuyện đồng quê miền nam không vậy?”
Anh nhà báo cười giải thích. Ông Cả à một tiếng “Như vậy cậu đã đi qua những vùng đất đó, cậu có kỷ niệm…có bao giờ cậu đến một vùng đất có tên Ba La Vạn Tượng chưa?” ông Cả chỉ vào dĩa bánh “Nó là quê hương của những chiếc bánh mà các cậu đang ăn đó.”
“Bánh Nổ?”
“Ừ, bánh nổ”
“Cháu cứ nghĩ là cụ nói chơi…”nổ” như tụi cháu hay nói.”
“Hừm!” Sao lại gọi là bánh nổ? Đơn giản chỉ vì người ta rang nếp cho nổ bung để làm bánh.” Ông Cả giải thích. Cái bánh này của người dân xứ Quảng. Nói rõ ra là Quảng Ngãi.
“Người dân tỉnh Quảng Ngãi, vào ngày Tết thường làm các loại bánh để cúng ông bà và ăn Tết. Bánh thì có nhiều thứ lắm như bánh in, bánh thuẫn, bánh gai, bánh tét…v.v. nhưng không thể thiếu được món bánh nổ. Không có bánh nổ, coi như chưa phải ăn Tết.” Ông Cả nói thêm.
Muốn có những “lát” bánh nổ thơm ngon giòn ngọt, người ta phải chọn lựa nếp từ vụ trước, phơi cất kỹ càng. Gần tới ngày làm bánh, nếp lại được đem ra phơi lại cho thật khô, khi rang mới nổ to, bung ra như bông chanh, bông bưởi. Nếu nếp không nổ chỉ búp búp thì khó mà làm bánh. Nếp khô phải rang trên bếp than hồng, khi hột nếp nổ bung ra, ruột nổ trắng ngần. Sau đó người ta mới đem sàng, sảy, giần…cho sạch vỏ trấu. Cái hột nổ đó đem đóng lại làm thành bánh.
Người ta gọi là đóng bánh. Phải có khuôn. Khuôn đóng bánh nổ làm bằng gỗ hình chữ nhật có kích thước khoảng 3 tấc 6phân và ngang 4phân, nó gồm có 4 miếng được lắp đứng trên đế gỗ. Nổ trộn với đường cát thắng với gừng cho vô khuôn rồi dùng chày (đầu trên tròn, đầu dưới chữ nhật vừa khít với khuôn bánh) để đóng bánh.
Cách làm như vầy: Thắng nước đường (cũng là một nghệ thuật, không phải tay mơ làm được.) Khi thắng đường (có gừng đập dập, hoặc xắt lát bỏ vô) múc lên, khi đường kéo thành sợi tơ là được. Trộn nước đường đã thắng với nổ rồi đổ vào khuôn. Đặt đầu chày chữ nhật khít khuôn bánh, lấy vồ nện lên đầu tròn theo nhịp đều tay. Khi nổ ép vừa đủ thì đổ tiếp nổ vào khuôn đóng tiếp cho đầy khuôn là được. Khi tháo khuôn sẽ được một "cây nổ" dài. Đưa "cây nổ" sấy trên sàn lửa than cho khô. Bánh khô, dùng lưỡi dao mỏng và sắc cắt bánh thành từng lát tùy ý thích nhưng không được lớn lắm, mỗi cái bánh dày chừng 1 đốt lóng tay là được.
Cắt cho đều bốn cạnh và sấy lần thứ 2 để bánh thật giòn. Muốn để ăn cho được lâu, bánh phải cất vào các thùng sắt Tây kín gió. Bánh ra gió sẽ bỉ ỉu mất độ giòn, và không còn mùi thơm. Thông thường ở quê muốn giữ bánh được lâu mà vẫn giòn, người nông dân cho vào khạp có lót lá chuối khô. Cách trữ bánh như thế nầy thì giữ được lâu và không đi hương vị đặc biệt của nó.
Ông Cả chỉ chiếc bánh: “Bây giờ người ta không còn làm theo cách cổ truyền mà dùng công nghệ từ việc đóng bánh, sấy khô và giữ ẩm…nó khác xưa nhiều. Tuy vậy cũng còn giữ được món ăn cổ truyền của quê hương.”
Mọi người cầm chiếc bánh ngắm nghía và ăn thử. Ăn bánh nổ phải uống với trà. Trà càng ngon bánh càng dậy mùi thơm. Mùi nổ có vị thanh thanh và mát, gừng thơm cay nhưng không nồng…miếng nổ tuy xốp nhưng cắn nghe giòn tan, nhai nhè nhẹ mới thưởng thức hết cái vị thơm của nếp, vị ngọt của đường, vị cay dịu của gừng. Tất cả những hương vị đó quyện vào nhau làm một tạo nên một mùi vị thơm, ngon, gìon ngọt. Không cần nhai, chỉ chiêu một ngụm trà những hạt nổ tự tan ra trôi dần xuống cổ họng. Hương trà, vị bánh tan ra làm rung động những tiêm mao nơi cổ họng…Có tự ăn chiếc bánh nổ mới thấy hết được cái ngon, ngọt của nó.
“Ông Cả ơi. Bánh nổ ở Ba La Vạn Tượng phải không?”
“Không phải.”
“Sao hồi nảy ông nói Ba La Vạn Tượng gì đó?”
“Đó là quê hương của ông bà tui.”
“Ủa, vậy không phải ông Cả quê ở Bến Tre sao?”
“Thì tui là dân Bến Tre chớ đâu”
“Ngộ hông!”
“Cái gì mà ngộ với hông ngộ. Trước đây chừng 300 năm có ai là dân Bến Tre, Hàm Luông, Cà Mau, Rạch Giá gì không? Gốc gát quê hương hổng ở Thanh Hóa, Hải Phòng thì cũng là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quãng Ngãi…chớ ở đâu. Còn nếu xa hơn nữa là ở bên Tàu, có phải hông chú nhà báo.”
“Tui nói cho mà nghe. Ông Nguyễn Trung Trực là dân sanh đẻ ở Long An Gò Công, rồi ông tướng của cụ Nguyễn là cụ Trương Công Định, rồi…Tả quân Lê Văn Duyệt…nè có phải ông bà cha mẹ quê hương bản quán của mấy danh tướng công thần có công khai hoang mở nước về phương Nam ở Quảng Ngãi không?”
“À! Như vậy tui là dân Bến Tre nhưng quê tui ở Ba La Vạn Tượng thì có gì đâu mà ngộ hè. Sẵn tiện đây tui hỏi chú nhà báo có biết Ông Già Ba Tri không?”
Cả đám nhao lên: “Ai mà hổng biết ông Cả.”
“Biết nói nghe chơi.”
Tui kể cho mà nghe nè. Ông Già Ba Tri cũng là người Quảng Ngãi. Ngày xửa ngày đó, cái hồi năm nẵm khi dân mình đi khai hoang lập ấp thời chúa Nguyễn về phương Nam có gia đình ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ lập nghiệp ở Ba Tri từ thế kỷ 18 trào vua Lê Hiển Tông (1717 – 1786). Ông Thái Hữu Kiểm là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, trào Gia Long tầu quốc, từng có công giúp chúa Nguyễn Ánh, được phong chức "Trùm cả An Bình Đông" ở quận Ba Tri bây giờ. Năm 1806, ông Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, làm đường khai kinh mở rạch giúp cho dân cư ở khu này có nơi làm ăn sinh sống. Làng xã phát triển ngày càng phồn thịnh, người ta buôn bán tấp nập. Trong khi đó có ông Xã Hạc ở phía ngoài đầu rạch, cũng có lập chợ gọi là chợ Ngoài, làng An Hòa Tây, càng ngày càng vắng khách thương hồ qua lại tới lui. Người ta theo con sông Hàm Luông, Cổ Chiên qua chợ Trong buốn bán thuận lợi hơn, Ông Xã Hạt chơi cái mững đắp đập be bờ không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào chợ Trong nữa. Ông Kiểm bất bình, kiện lên Phủ Huyện, phủ huyện xử "Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình". chợ Trong thua.
Ông Cả Kiểm và dân ở chợ Trong không chịu cách xử trên. Ông Cả Kiểm liền cùng hai ông bạn già là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, khăn gói đi bộ từ Ba Tri ra kinh đô Huế để đưa đơn lên kêu oan nhờ vua phân xử. Phải biết cái thời đó đi từ Nam ra kinh thành ở Huế là thiên nan vạn nan, chỉ có đi ghe chớ làm gì có xe chạy. Tuy vậy, Cả Kiểm nhứt quyết đi bộ cả mấy tháng trời, cuối cùng sau một thời gian dài dò đường đi, ba ông già cũng tới nơi. Lúc đó vua Gia Long đã băng hà, vua Minh Mạng vừa lên ngôi. Vua Minh Mạng cho tra xét biết được gia đình Cả Kiểm đã giúp vua cha là Gia Long, xử cho dẹp bỏ đập, vì rạch là rạch chung, đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong. Vua Minh Mạng sức giấy cho quan Phủ Hoằng Trị và tỉnh Long Hồ phá đập ở rạch Ba Tri. Nhờ cái chuyện ga dạ, cương quyết như vậy dân chúng mới kêu ông Cả Kiểm là Ông Già Ba Tri. Cái tích này lưu truyền trong dân gian, và có viết ở trong sách vở nhưng tam sao thất bổn.
“Vậy ra ông Già Ba Tri là dân gốc Quảng Ngãi?”
“Ừa!”
“Hèn chi!”
“Làm sao?”
“Người dân Quảng Ngãi ga dạ cùng mình, tài cao đỡm lược.”
“Không phải nói “mèo khen mèo dài đuôi” chớ mấy người thấy đó…Lê Văn Duyệt, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực…v.v. chẳng những tài cao mà gan lớn…mở nước phương Nam sách sử đều có ghi công.”
“Biết rồi.”
“Nhưng tui là dân Bến Tre à.”
“Thì cụ là Ông Già Ba Tri.”
Bỗng ông Cả im lặng thở dài ngằm nhìn cây trúc.
“Sao dưng không cụ thở ra?”
“Nói nghe mà chơi thôi. Người Việt mình thì đâu cũng là đồng bào hết mà. Mấy ông có ăn có học biết hết rồi…tổ tiên mình ở tận bên Động Đình Hồ rồi lưu lạc mãi xuống phương Nam. Tui nghĩ nếu đến cái mũi Cà Mau mà không đụng biển hổng chừng dân mình đã chiếm Mã Lai rồi. Dân mình gan dạ lắm, nhưng hiếu hòa nên bị người ta chèn ép tới là đi. Cái vui của tui là tất cả các giống dân trên thế giới không ai xưng hô với nhau là “đồng bào” hết. Vẫn biết chỉ là chuyện huyền sử, nhưng sao dân tộc Việt hổng nghĩ chuyện gì khác mà nghĩ ra cái tích “đồng bào”. Cái đó mới là cái quý của dân tộc. Đã là đồng bào thì phải thương yêu nhau. Bến Tre hay Bến Cát, Thừa Thiên hay Thủ Thừa …nếu mà hổng giữ cái “đồng bào” đó bọn tàu phương Bắc nó ép xuống mà cái mũi Cà Mau thì nó hổng chịu dài ra…mình chạy đi đâu?”
“Ông Già Ba Tri đừng lo. Người mình thiếu gì ông Già Ba Tri hả cụ. Thời nào cũng có Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Thân, Huỳnh Công Tấn…nhưng cũng còn nhiều Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trải. Thôi đừng nói gì hết. Ăn bánh nổ uống trà đi ông già Ba Tri. Page 1 of 1
*******************************
source
Calitoday
No comments:
Post a Comment