September 18, 2009
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Đối với nhà hóa học, vàng là một kim loại màu vàng, có khả năng dẫn điện, dẫn nhiệt, chống hao mòn tốt, được sử dụng từ lâu trong y khoa, trong các ngành công nghiệp. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, người ta có thể luyện vàng, chế tác vàng, biến đổi vàng.
Đối với nhà văn, nhà đạo đức học, tôn giáo học, xã hội học, tội phạm học vàng ít chiếm được thiện cảm, mà ngược lại, bị coi là gốc rễ của dục vọng, tội ác, sự băng hoại đạo đức, luân lý. Chỉ trong con mắt nhà kinh tế, nhà chính trị, nhà cầm quyền, vàng mới được coi là số một La mã. Người ta trữ vàng làm phương tiện bình ổn kinh tế, duy trì quyền lực quốc gia. Những động thái tung vàng ra, nhập vàng về, lúc đó, không tùy thuộc ý chí cá nhân mà mang tính chiến lược, chiến thuật hẳn hòi.
Đối với cá nhân, nhất là phụ nữ, bất kể ở đâu, thời nào, chủng tộc nào, việc sở hữu vàng, đeo vàng, cũng được ưa thích như nhau. Vàng được tặng vào dịp quan trọng (sinh nhật, thi đậu, đính ước, cưới gả), được trao truyền lúc lâm chung (của gia bảo), được thách đố để chứng tỏ gia thế, giá trị (thách cưới). Người khá giả, giàu sang tiếp cận với vàng sớm hơn, nhiều hơn kẻ trung lưu. Kẻ trung lưu lại hơn kẻ nghèo. Và kẻ nghèo lại hơn kẻ mạt.
Đôi điều về vàng
Dưới con mắt người kinh doanh vàng, không phải vàng nào cũng giống vàng nào. Có vàng nguyên chất, có vàng pha. Vàng nguyên chất là vàng ròng, Việt Nam gọi là vàng mười tuổi, nói tắt là vàng mười. Thế giới không dùng khái niệm ‘tuổi’, cũng không theo thang bậc 10, mà dùng đơn vị Karat (ký hiệu là K) với thang bậc 24 để chỉ độ tinh khiết. Vàng mười của ta, chính là vàng 24K theo cách gọi của thế giới. Trên thực tế, Việt Nam chưa có chuẩn chung cho vàng mười mà mỗi nhà chế tác vàng lại có chuẩn riêng, tùy theo lương tâm. Lương tâm cao nhất cũng chỉ đạt 9,999 nghĩa là trong một lượng vàng 37,5gr, sẽ pha 1% tạp chất. Vàng đó vẫn được gọi là vàng mười . Ngoài ra còn có vàng 9,5 tuổi, vàng 9 tuổi. Nghĩa là trong một lượng vàng, sẽ pha 5% hoặc 10% tạp chất.
Hình trái: Giao dịch mua bán trong tiệm vàng Sài Gòn. Hình phải: Tiệm bán đồ bạc trên đường Nhiêu Tâm. NTLAnh/Việt Tribune
Vàng 24K (loại 9 tuổi, 9,5 tuổi, 9,9 tuổi) dân gian gọi là vàng ta, vàng y. Thách cưới, để của hồi môn, mua bán trên thị trường thực và thị trường ảo hiện nay, chính là loại vàng này. Vì vàng 24K quá mềm, khó chế tác mẫu nữ trang phức tạp, nên người thợ vàng pha thêm một số hợp kim khác như bạc, đồng (hợp chất pha thêm này tiếng chuyên môn gọi là ‘hội’) cho vàng cứng hơn, thành ra vàng 21K (tỷ lệ hội là 12,5%), vàng18K (tỷ lệ hội là 25%), vàng 14K (tỷ lệ hội là 41,7%), vàng 10K (tỷ lệ hội là 58,4%), vàng 9K (tỷ lệ hội là 62,5%).
Người Ý thích vàng 9K, 10K. Người Mỹ thích vàng 14K. Người Pháp thích vàng 18K. Người Canada thích vàng 21K. Người Việt thích vàng 24K lẫn vàng 18K. Có điều, ở Việt Nam vàng 18K (còn gọi là vàng tây, vàng 7 tuổi rưỡi) không bao giờ đủ tuổi. Tiếng là 7,5 tuổi, nhưng chỉ đạt 6.5, 6.7 tuổi là cao. Người mua không có cách nào để nhận biết điều này, người bán, dĩ nhiên không dại gì khai thật. Vì thế, để đỡ bị thiệt thòi do cân gian, ép giá, ép tuổi vàng người mua nào cũng biết lệ ‘mua ở tiệm nào thì đến tiệm đó bán lại’.
Vàng có mầu vàng, nhưng ‘vàng trắng’ cũng gọi vàng. Vàng trắng là tiếng chỉ chung Platium (bạch kim) và một hợp kim khác – white gold – gồm vàng+ bạc+ nikel (hoặc Pladium). Tuy đều gọi vàng trắng nhưng bạch kim đắt hơn do hiếm hơn white gold nhiều. Hơn chục năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam, do ảnh hưởng văn hóa tiêu dùng Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, đã chuyển mạnh từ việc tiêu dùng vàng 24K,18K sang white gold. Chuyện ‘đeo vàng đỏ tay’ một thời là chỉ dấu của đẳng cấp giàu sang quyền quí, bây giờ bị chê ‘quê một cục’.
Nữ trang mùa cưới 2009
Mùa cưới năm nay, khi vàng lên giá kỷ lục, nhiều đôi uyên ương gặp khó khăn khi muốn mua nữ trang cho ‘ngày ấy’. Đời người có một lần, đi mượn đi thuê hay dùng đồ giả thấy không nỡ. Nhưng mua thì oải quá. Đôi bông một chỉ, sợi dây chuyền 1 chỉ, chưa tính cặp nhẫn cưới đã hết mấy triệu đồng’. Đó là tâm sự của Tâm, chàng trai 25 tuổi, làm nghề sửa xe gắn máy. Để giải tỏa vấn nạn này, mùa cưới năm nay, các tiệm vàng quảng cáo nhiều mẫu nữ trang đẹp mà rẻ. Anh Phúc, chủ tiệm vàng chợ Ông Tạ trưng ra một chiếc kiềng vàng chạm rồng phụng thật bề thế. Nhìn bằng mắt, chiếc kiềng phải nặng cả lượng vàng nhưng cầm lên thấy khá nhẹ. Anh cho biết, ‘cái kiềng rỗng ruột, đánh khéo thì ngó xôm vậy, nhưng hết có năm chỉ. Còn cái lắc, sợi dây chuyền thay vì làm tròn thì làm dẹp xuống, to ra, đôi bông thay vì cẩn hột lớn thì cẩn hột nhỏ rồi thêm hột tấm chung quanh. Bộ nữ trang được đánh theo thủ thuật này, đặt cạnh bộ nữ trang ăn chắc mặc bền cổ truyền, trông không thua kém mà giá lại chỉ bằng phân nửa nên các thượng đế ‘yếu địa’rất ưa thích.
Chị Nhung, chủ tiệm vàng đường Nguyễn Trãi giới thiệu bộ nữ trang cưới bằng vàng trắng gồm đôi bông nhận hột xoàn 3.6 ly, cặp nhẫn nạm hột tấm, sợi dây chuyền đính hột 3.6 ly. Tại sao là 3.6 ly mà không là số khác? Chị Nhung giải thích 3.6 ly nghĩa là 3+6 =9. Tâm lý người Việt Nam, rất chuộng số 9 này vì cho là số hên. Từ 3.6 ly trở xuống khỏi lấy giấy kiểm định chất lượng hột. Từ 4.5 ly, 5.4 ly tới 6.3 ly, 7.2 ly mới phải có ‘giấy khai sanh’. Giá hột 3.6 ly độ 5.5 triệu, hột 4.5 ly 18 triệu, hột 5.4 ly 54 triệu. Khi có nhu cầu bán lại, kim cương chỉ bị trừ 5% giá trị, vàng trắng bị trừ tới 20%, trong khi vàng 24K, 18K chẳng những không bị trừ (đúng ra là bị trừ tiền công nhưng không đáng kể) mà còn lời kha khá, theo thời giá hiện tại. Đó chính là lý do vì sao bọn cướp giật đường phố khi ra tay hay nhắm vào nữ trang bằng vàng hơn nữ trang bằng vàng trắng (vàng mềm hơn, giật dễ đứt hơn, bán cao giá hơn).
Dịch vụ đổi tiền
Không chỉ mua bán vàng và đá quý, nhiều tiệm vàng làm thêm dịch vụ mua bán ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ. Ngoài những tiệm vàng có đăng ký chức năng thu đổi, treo bảng cho biết mình là ‘chân rết’ của ngân hàng nào, còn rất nhiều tiệm vàng ‘đổi chui’. Giá hiện nay, một trăm đôla Mỹ ‘ăn’ 1.830.000 đồng tiền Việt, cao hơn 1.000 đồng so với ngân hàng. Vì vậy, người dân có nhu cầu mua bán đôla Mỹ thường tìm tới tiệm vàng. Nhân đây kẻ viết bài kêu giùm bà con ‘bên đó’, nếu chi viện cho thân nhân ở Việt Nam xin đừng gửi những tờ tiền cũ kỹ, bạc mầu, ‘đổ lông’ thậm chí tưa rìa, mất góc mà tội nghiệp. Nhiều lần chứng kiến các cụ già đi đổi tiền, lập cập mãi mới mở được túi áo cài kim băng, lấy tờ trăm đô la quý hóa ‘con tui nó nhờ người bạn chuyển giùm’ bị chủ tiệm trừ 10.000 đồng vì ‘tiền bạc mầu quá’, kẻ viết bài không khỏi cám cảnh.
Nguy hiểm tiềm tàng
Dưới mắt nhiều người, chủ tiệm vàng rất giàu có, thủ đoạn. Người ta thèm muốn sự giàu có mà ít để ý những hiểm họa treo trên đầu họ. Chuyện tiệm vàng Kim Lý quận 5 bị cướp gần nửa tỷ đồng giữa ban ngày chưa tìm ra thủ phạm thì đến tiệm vàng Tân Kim Hiếu suýt mất 400 cây vàng; tiệm vàng Phượng Sử mất 1 tỷ 2 khi cho nhân viên ôm tiền mặt tới đổi 70.000 đôla tại một căn nhà đường Lê Văn Sỹ; tiệm Kim Ngân lúc 8 giờ rưỡi tối, bị một tên cướp đập tủ kính lấy 26 cây vàng… Tất cả các vụ cướp đều có chung đặc điểm là bất ngờ, chớp nhoáng khiến người trong cuộc không kịp trở tay, nhất là khi bọn cướp hầu hết đều có ‘hàng nóng’, bước vào là bắn ngay. Thời điểm ra tay thường vào buổi trưa buổi tối vắng người. Địa điểm có thể sát biên giới Tây Ninh, An Giang (để dễ trốn qua Campuchia) hoặc ngay trung tâm Sài Gòn sầm uất (để dễ trà trộn vào đám đông).
Khi bị cướp hỏi thăm, các nạn nhân đều trình báo nhưng tỷ lệ phá án thành công của cảnh sát rất thấp khiến họ phải ‘tự cứu trước khi trời cứu’ bằng cách thuê bảo vệ, hạn chế giao dịch các phi vụ lớn ngoài tiệm vàng, lắp đặt hệ thống camera quan sát, hệ thống báo trộm, làm hộp điện (cho bọn cướp khỏi kéo cầu dao ngắt điện khi đột nhập vào tiệm), thay mặt kính thường bằng kính không bể, gắn nẹp inox mài bén trên mặt quầy (phòng khi kính bị đập bể, tên cướp cho tay xuống quơ vàng sẽ bị nẹp cứa đứt thịt), bên dưới quầy có khoang trống để chủ tiệm hụp xuống tránh đạn, nếu chẳng may Anh Tuấn, chủ tiệm Kim Khánh đã dẫn kẻ viết bài đi coi hệ thống chống trộm cướp trong tiệm mình và giải thích công dụng từng thứ. Theo anh các nhà vàng Sài Gòn hầu hết đều cha truyền con nối, nghĩa là những khó khăn nguy hiểm của nghề đều biết, những cách thức đánh hàng, chuyển tiền, huy động vàng đều không phải tay mơ nhưng phải tới khi ra nước ngoài coi tận mắt lưới sắt, cửa kính ngăn người mua người bán, hệ thống theo dõi từ xa, dàn bảo vệ chuyên nghiệp của các tiệm vàng bên đó mới biết cách ‘pháo đài hóa’ bài bản.
Một con phố tập trung nhiều tiệm vàng ‘pháo đài hóa’ có tiếng ở Sài Gòn là đường Nhiêu Tâm, dài chưa tới ba trăm mét, một đầu nối với đường Trần Hưng Đạo, đầu kia trổ ra mặt sau chợ Hòa Bình. Hai dãy phố hơi cũ kỹ nằm đối diện nhau chỉ bán một mặt hàng duy nhất – đồ thợ bạc. Nói tới đường Nhiêu Tâm, dân làm vàng Sài Gòn-Chợ Lớn không ai không biết. Người mới ra nghề, cần sắm trọn bộ đèn khò, dũa, kìm, kẹp, đồ nấu vàng…chỉ cần có vài triệu đồng, tới tiệm bán đồ thợ bạc ở đường Nhiêu Tâm là mua được đủ hết. Người cần đúc vàng, phân kim, mua bán vàng cũng tới đường Nhiêu Tâm. Con đường này, tuy không gắn biển ‘vô phận sự miễn vào’ nhưng ngoài dân làm vàng, giao dịch vàng, người lạ gần như ít lai vãng. Trong vai đứng coi xe, chờ người nhà vào mua mấy món đồ nghề, kẻ viết bài liên tục hứng chịu ánh nhìn dò xét của mấy tay bảo vệ tiệm vàng, bất giác không rét mà run!
Người đi cùng kẻ viết bài tới đường Nhiêu Tâm là chú Tư Tốt, thợ bạc đã giải nghệ. Chú bảo học thợ bạc chí ít hai năm mới ra nghề. Nhưng nếu không phải là chỗ quen biết, hoặc họ hàng của chủ tiệm vàng thì không dễ kiếm được việc làm trong tiệm, chỉ lãnh làm đồ gia công, đồ bỏ mối với giá rẻ mạt, mà cũng phập phù khi có khi không.. Đánh dây chuyền, lắc tay dễ nhất. Khó hơn tới cẩn hột. Khó nhất là chạm. Thời bây giờ có máy, công việc nhanh, sản phẩm đều, đẹp hơn hồi xưa, nhưng không độc đáo không có hồn, có tình bằng hồi xưa. Cuộc đời thợ bạc gắn với bộ bàn ghế nhỏ như bàn học trò, ngồi khòm lưng tỉ mỉ cặm cụi, một loáng là hết đời. Dính vô vàng như bị ma ám. Thấy vàng rồi là không cầm lòng đậu.
Đầu tư vàng
Câu nói của chú Tư Tốt ‘Dính vô vàng như bị ma ám. Thấy vàng rồi là không cầm lòng đậu’ cũng là tiếng lòng của giới kinh doanh vàng trên thị trường ảo. Với số tiền ký quĩ rất thấp, hầu như sàn giao dịch vàng nào ở Sài Gòn cũng đầy nhà đầu tư nghiệp dư tới thử thời vận với vài lượng vàng tiên khởi. Người ta thi nhau đoán tương lai của vàng, đường đi của vàng để đặt lệnh mua bán hết sức sôi nổi. Những người không tin thị trường vàng ảo – vốn còn thiếu hệ thống quy định chặt chẽ, thiếu nhạc trưởng chỉ huy đồng nhất – thì tìm tới hai công ty vàng bạc đá quý lớn nhất thành phố là PNJ (Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) và SJC (Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn) mua những miếng vàng có trọng lượng 1 chỉ (3,7gam), 2 chỉ (7,5gam), 5 chỉ (18,75gam), 1 lượng (37,5gam) để ‘thủ trong mình’. ‘Thủ sĩ’ Nguyễn Trung, bạn kẻ viết bài, khoe nhờ bám sát thời sự, khéo tính toán nên trong tuần qua, khi vàng Sài Gòn lên đến mức kỷ lục, ông xuất bán ngay một chục lượng, mỗi lượng lời 600.000 đồng, mười lượng 6.000.000 đồng, ngon ơ. Từ thắng lợi này, ông đưa ra lời khuyên ‘có tiền, đừng gửi ngân hàng, lãi suất chưa tới 1% một tháng, cũng đừng mua đôla dự trữ vì vàng lên là đôla xuống, trữ chỉ lỗ. Tốt nhất mua vàng, chờ lên giá, bán kiếm lời. Rồi lại mua, lại bán. Cứ thế mà quay vòng’.
Không dám bước vào vòng quay của vàng, kẻ viết bài chỉ đứng ngoài quan sát và ghi lại. Tuy không phải là lời vàng ý ngọc gì, nhưng cũng mong được bạn đọc thưởng lãm, để người viết khỏi ngậm ngùi ‘Vàng trôi không tiếc, tiếc công viết về vàng’. [NTLA]
**********************************************************
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment