Sunday 6 September 2009

Thần thánh cũng phải lắc đầu!


September 04, 2009


Hoàng Ngọc Nguyên-Việt Tribune

Tình tiền tù tội. Đó là những vấn đề đang làm California điên đầu. Thống đốc Arnold Schwarzennegger và những nhà dân cử của tiểu bang vẫn mãi lúng túng với kế hoạch cắt giảm trong vòng hai năm đến cả 30.000 hay hơn nữa số tù ở các nhà giam của tiểu bang. Bỏ thì thương, vương thì tội. Thương đây là thương người dân phải sống thấp thỏm bên cạnh những người lâu nay mình vẫn được cách ly an toàn. Nhưng vướng vào thì cũng tội cho chính quyền, lo không xuể. Nhà tù nào nay cũng chật chội, phần lớn là tù chung thân, tù nhân nay phải nằm giường ba tầng, tự do làm đủ mọi loại tội ác sau các song sắt vì không đủ cai tù trông coi, nạn băng đảng chủng tộc người da đen và người Latino đem mối thù hận và kỳ thị ngoài đời vào đến bên trong này. Nhưng vấn đề của hệ thống tư pháp California có lẽ không chỉ có thế, khi người ta nhìn đến câu chuyện thời sự hàng đầu tuy xảy ra ở Cali nhưng không chỉ của Cali, câu chuyện của một cô gái ở South Lake Tahoe, Ca., mất tích từ hồi 11 tuổi, cách đây 18 năm, nay bỗng xuất hiện trở lại, tay bế tay bồng.

Jaycee Lee Dugard lúc chưa bị bắt cóc năm 1991 do gia đình cung cấp. AP Photo/Nick Ut

Căn lều sau nhà Garrido, nơi Jaycee Lee Dugard sinh sống 18 năm trời. AP PHOTO/NICK ÚT - JUSTIN SULLIVAN/GETTY IMAGES

Thoát được lưới trời
Jaycee Lee Dugard nay đã 29 tuổi, ngưòi ta vẫn chưa thể chụp ảnh được cô để hiểu được cô đã thay đổi thế nào sau gần cả hai thập niên, nhưng theo nguồn tin của cảnh sát thì trông cô vẫn còn trẻ, vẫn mạnh khỏe. Cô bị một tên cuồng dâm tên Phillip Garrido, năm nay 58 tuổi, bắt cóc, với sự đồng lõa của vợ hắn là Nancy Garrido, 54 tuổi. Hắn và vợ hắn nhốt cô trong những lều vải, những cái chái, khéo ngụy trang kín đáo trong một căn nhà giống như một trang trại ở Antioch, California, và trong gần 20 năm làm nô lệ tình dục cho hắn, cô đã có hai đứa con với hắn, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 11. Điều này có nghĩa là lần đầu sinh con, cô chỉ mới 14 tuổi. Hắn là một tên tội phạm ghê gớm, bắt cóc, cưỡng hiếp và có thể giết người (những cô gái điếm bị mất tích hay chết bí ẩn trong vùng). Cô Dugard không phải là nạn nhân duy nhất của hắn. Lịch sử tội phạm của hắn đã kéo dài 33 năm, kể từ khi hắn bị tù lần đầu cũng vì tội bắt cóc, cưỡng hiếp. Nay thì hắn đã bị bắt cùng với vợ, nhưng chẳng phải là do cảnh sát tài giỏi gì, mà chỉ là sự tình cờ. Ngược lại, nếu người ta có phê bình sự bất lực, thậm chí vô hiệu năng và thiếu trách nhiệm của cảnh sát, đó cũng không phải là điều quá đáng.
Phillip Garrido là một tên tội phạm tình dục có hổ sơ, đã ở tù, phải khai báo với địa phương, và phải bị theo dõi. Thế mà vụ này vẫn xảy ra. Hồ sơ tội phạm hiềp dâm của Garrido bắt dầu bằng một vụ bắt giữ tại Reno Nevada vào ngày 23-11-1976, hắn bị khép vào tội bắt cóc và cưỡng hiếp một phụ nữ ở South Lake Tahoe. Lúc đó mới 25 tuổi, hắn đã đến gần xe của Katie Callaway, cũng cùng tuổi với hắn, đang ở trong một bãi đậu xe của một chợ, và xin đi nhờ một đoạn đường. Khi xe đến một quãng vắng, hắn dụ cho cô ngừng xe lại, rồi lấy chìa khóa, còng tay cô lại, trói cô, nhét giẻ vào miệng cô và đưa cô này đến một nhà kho chứa hàng ở Reno, Nevada để hiếp và giữ cô này ở đó. Hắn bị đưa ra tòa ngày 9-3-1977, bị án tù 50 năm, và thọ án kể từ ngày 30-6-1977 tại Levenworth, Texas. Trong thời gian ở tù, hắn gặp Nancy, là vợ của hắn bây giờ. Có lẽ bà này cũng đang thọ án ở đó. Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. Hắn ở chưa hết hạn tù, được ra và bị quản chế. Hắn và Nancy không phải từ đó làm lại cuộc đời, mà nhấn sâu vào cuộc đời cũ. Một câu hỏi đang được nêu ra và tranh cãi là tại sao hắn bị án tù đến 50 năm mà chỉ mới 11 năm đã ra.
Theo hồ sơ của vụ án, Garrido đã chơi đủ thứ từ hồi còn đi học: LSD, marijuana, cocaine, và bất cứ chất kích thích gì khác. Theo những lời khai trước tòa, Garrido là người cực kỳ bệnh hoạn, luôn luôn chìm đắm trong những hoang tưởng về tình dục với đủ các phụ nữ mà hắn đi nhìn trộm ban đêm và từ nhỏ đã thủ dâm.

Nancy Garrido, thứ 2 từ trái vợ của Phillip Guarrido, góc phải bị kết 29 tội danh tại tòa án Tahoe, Cali ngày 28/8/2009. Ap photo/Rich Pedroncelli

Trong vụ án của Callaway, người ta còn thấy sự bệnh hoạn của hắn đi xa hơn rất nhiều, trong đầu của hắn là những mưu tính tội ác để thỏa mãn cơn cuồng dâm của hắn. Khi ra tòa, hắn khai là vì cô Callaway quá đẹp và vì hắn bị LSD hành. Ở trong tù, hắn viết đơn xin được giảm án tù, lý do là hắn chỉ làm bậy một khi còn dùng chất ma túy, nay hắn đã không dùng nữa cho nên “tôi phải ngừng lại, suy nghĩ trước khi định làm chuyện gì không phải”. Vấn đề là vụ án của Garrido là vụ án phức tạp: hắn ra tòa liên bang vì tội bắt cóc vì hắn bắt cô ở một tiểu bang (California) và đưa qua một tiểu bang khác (Nevada), nhưng ở tòa tiểu bang California hắn bị tội cưỡng hiếp. Liên bang bắt hắn 50 năm tù, tiểu bang 5 năm. Nhưng khi uỷ ban quản chế cho hắn ra khỏi nhà tù liên bang năm 1988, thì hắn thoát luôn được bản án của tiểu bang. Những hội đồng xét duyệt quản chế dã không lý gì đến những nhận xét của những chuyên viên phân tâm học về sự nguy hiểm của hắn. Hệ thống tư pháp thường nổi tiếng là khắc nghiệt, bị tù cũng dễ, mà ra tòa tù chung thân cũng dễ. Tại sao người ta có thể quá nhẹ tay với hắn?
Khi ra tủ, Garrido bị quản chế, phải “đăng ký” với địa phương mình là tội phạm tình dục để người ta tránh xa, gặp nhân viên tư pháp theo định kỳ, và chân phải đeo một vòng điện tử để người ta có thể biết hắn ta đi đâu. Nhưng hắn lại không bị cấm gần gũi với trẻ em, bởi vì nạn nhân của hắn là người lớn! Hắn ra tù năm 1988. Trong những năm sau đó, nhiều trẻ em bị mất tích hay bị bắt, đến nay chỉ mới tìm ra được một vụ là Jaycee Lee Dugard. Đó là lý do tại sao người ta đang đào bới trong khu sân sau nhà của Garrido! .

Hội chứng Stockholm
Jaycee bị giam giữ và kềm tỏa 18 năm. Cô chẳng được tiếp xúc với ai – trừ ra khoảng thời gian về sau này có giúp hắn trong việc giao dịch làm ăn. Hai đứa con của cô đã lớn, cũng chẳng học hành gì, chẳng có bảo hiểm y tế. Bị hắn cưỡng hiếp mãi, Jaycee “thực sự cảm thấy tội lỗi đã dính líu với tên này. Con tôi đã có một cuộc hành trình tội lỗi thực sự,” như lời mẹ cô nói với người cha ghẻ của cô và ông này nói lại với báo chí hôm thứ Sáu. Có thể nói là sau bao nhiêu năm, cô hoặc quá sợ hoặc đã quen rồi từ thời còn nhỏ không biết gì vể cuộc sống bên ngoài và nay cũng chẳng biết gì về cuộc sống bên ngoài, chấp nhận số phận cho nên chẳng nghĩ đến chuyện giải thoát hay đi khai báo. Chuyện của cô coi như đã đủ để ta hiểu. Người ta gọi đó là hội chứng Stockholm. Cứ nghĩ đến thời gian 18 năm qua cô và hai đứa con đã phải sống dưới sự “bảo bọc” của hắn. Một bể khép nép sợ hãi. Một bể lệ thuộc. Một bề an phận. Một hội chứng có khi lan tràn cả xã hội khi người ta sinh ra và lớn lên trong một chế độ cộng sản Stalinist.
Chuyện của tên tội phạm này còn nhiều điều nữa chưa sáng tỏ nhưng dần dần sẽ sáng. Chỉ có điều đáng thắc mắc là chuyện cảnh sát. Tại sao Phillip Garrido là một tên tội phạm tình dục “có bằng cấp”, phải khai báo mà cảnh sát vẫn lơ lỏng để cho hắn phạm tội, lại để cho hắn che dấu tội lâu dài đến thế mà không kiểm tra và khám phá ra? Tại sao khi Jaycee bị bắt, người ta không dò xét danh sách và hồ sơ của những tên tội phạm tình dục để mở cuộc điều tra?
Trong cuộc họp báo tuần qua, cảnh sát tiết lộ rằng ít nhất là đã có hai lần trong ba năm qua họ đã đến nhà của tên này, nhưng lại “không đủ sự hiếu kỳ, không đủ sự nghi hoặc”, “không đủ sự cảnh giác để đối đầu với những đầu óc tội phạm trăm mưu ngàn kế để qua mặt chúng tôi”, như lời thú nhận và xin lỗi của ông cảnh sát trưởng Warren E. Rupf. Ông đã nhìn nhận trách nhiệm “đã không cứu được nạn nhân sớm hơn”. Vào tháng 11 năm 2006, có một phụ nữ đã gọi 911 báo rằng Garrido có một căn lều ở sân sau, “trong đó có người sống, và có cả con nít.” Người này cũng nói Garrido là thằng điên và có bệnh cuồng dâm”. Cảnh sát gởi người tới, và sau khi đứng ở trước nhà “ba điều bốn chuyện” với Garrido, đã kết luận chỉ là một vi phạm bình thường. Người cảnh sát này đến dây mà không biết Garrido là một tên tội phạm tình dục đang bị quản chế và đã có tiền sử nghiêm trọng! Có nghĩa là ông cảnh sát này đến hiện trường mà chẳng cần biết người ông ta gặp là ai!
Những người láng giềng thực ra đã nhiều lần báo cho cảnh sát biết những chuyện khác thường ở sân sau nhà của Garrido, nhưng cũng chẳng hiểu vì sao chẳng có phản ứng gì của Cảnh sát. Cô Erika Pratt, 25 tuổi, cách đây hai năm sống cạnh nhà. Cô nói với tờ San Francisco Chronicle là cô rất đổi lạ lùng trước thái độ, cách cư xử của Garrido. Một lần nhón chân nhìn qua rào, cô thấy có một khu bí mật, chái nhà, lều trại rách nát, và con chó dữ… Trong sân sau này, “có mấy đứa nhỏ, có phụ nữ, sống im lặng, chẳng nói năng gì, mặt mày giống nhau”. Cô gọi cho cảnh sát, cảnh sát bảo chưa có giấy khám nhà, nhưng họ sẽ “trông chừng”. Đến năm 2008, một đoàn đông đảo nhân viên công lực, tòa án, xã hội, cũng đến để kiểm tra xem Garrido có còn ở đây không. Khi thấy ông ta vẫn ở đó, người ta bỏ đi, chẳng ai buồn đi xem xét quanh nhà mặc dù đã có những lời thưa gởi trước đó!

Phụ nữ nhậy cảm hơn
Rốt cuộc, người hùng trong vụ án này lại là hai nữ nhân viên cảnh sát của Đại học Berkeley, vì họ có hai đặc tính cần có trong nghề nghiệp: hiếu kỳ và nghi hoặc. Khi họ thấy Garrido đi với hai cô con gái 11 và 15 tuổi của Jaycee đi vào trường, họ lạ, hai cô gái nhỏ trắng bệch, cử chỉ như “robot” và ngoan ngoãn, rụt rè đến độ không thể hiểu được. “Từ linh tính của người phụ nữ, của một người mẹ, tôi nghĩ ngay rằng có chuyện gì bất ổn, bất thường ở đây,” bà Lisa Campbell phụ trách an ninh trong trường cho biết. Họ biết ngay có chuyện gì không bình thường. Chính Garrido đi gặp bà Campbell, người cấp phép cho tổ chức những sự kiện đặc biệt. Ông ta xin tổ chức một sự kiện trên sân trường gọi là “Ý muốn của Chúa”. Bà lạ là những đứa bé này không đi học và nước da trắng bệch như chẳng biết nắng nôi là gì. Bà nói trông Garrido “chẳng ổn định bình thường tí nào”, nhưng hai cô con gái “còn kinh khủng hơn nữa”. Theo bà “mặt chúng thất thần và chẳng đáp ứng, chảng có sinh lực tí nào “.
Bà Campbell bảo ba người ngày mai hãy trở lại để bà thu xếp, nhưng đồng thời bà đi gặp một nữ nhân viên cảnh sát khác Ally Jacobs để nói những cảm nghĩ lạ lùng của bà về ba người này. Bà Jacobs nảy khôn lanh hơn những nam cảnh sát đã đến tận nhà Garrido. Bà mở computer và xem hồ sơ cảnh sát và khám phá Garrido là tội phạm tình dục đang bị quản chế. Hôm thứ Ba, hai bà cảnh sát này đích thân tiếp Garrido. Jacobs và Campbell thay phiên nhau nói chuyện với Garrido, và khi người này nói thì người kia kéo hai cô gái ra riêng và hỏi chuyện. Họ hỏi tên hai cô gái, hai cô trả lời lúng búng nghe không rõ. Hỏi có đi học không, cô nhỏ nói học lớp tư cô lớn nói học lớp chín. Khi hỏi học ở đâu, hai cô trả lời đồng thanh “như robot”: “Học ở nhà”. Khi cô nhỏ nói gì, cô lớn lại đưa mắt nhìn như ra ám hiệu “Mày coi chừng”.
Từ những câu hỏi và câu trả lời được đạo diễn sẵn, kế cả một xác nhận “Con có một người chị lớn ở nhà, 29 tuổi”, mà đúng ra là mẹ của hai cô, hai người cảnh sát này đã dần dần đoán ra mọi chuyện, và yêu cầu Garrido hôm thứ Tư gặp người cảnh sát phụ trách quản chế. Hôm sau hắn đến gặp nhân viên quản chế này với Nancy, với cả Jaycee và hai cô con gái.
Hắn bị bắt ngay tại văn phòng quản chế của Sở Cảnh sát. Người ta nói hai đứa con khóc như mưa khi thấy cha của chúng bị bắt. Nhưng ta không bao giờ hiểu được nếu hắn không “đút đầu vào hang cọp”, tử trường Berkeley đến văn phòng cảnh sát trên đại học, thì vụ án này làm sao ra được ánh sáng? Đúng là lưới trời có cách dệt lồng lộng! Nhưng sự bất lực của ngành tư pháp trong vụ án này, cùng với sự tự tin, ngang nhiên của tên tội phạm này chắc chằn sẽ còn được khám phá nhiều thêm và sẽ còn phải làm nhiều người lắc đầu.[HNN]

*****************************************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment