(TuanVietNam) - Hà Nội xưa thâm trầm và cổ kính. Hà Nội nay ồn ào và tất bật. Hà Nội ban ngày đông đúc và inh ỏi tiếng còi xe. Hà Nội về đêm lặng lẽ thu mình trong những con phố dài, những ngõ nhỏ sâu hun hút, chỉ nghe thấy hơi thở của gió và đâu đó nhọc nhằn một tiếng rao đêm…
Những tiếng rao đêm dường như đã trở thành một điều quen thuộc với người Hà Nội bao đời nay. Nó ăn sâu vào đời sống hàng ngày đến mức nếu hôm nào không nghe được một tiếng rao thì thấy thiêu thiếu. Bánh mì, bánh khúc, bánh bao, khoai nướng… Mỗi người bán hàng lại có một giọng rao riêng: trầm ấm, thanh, cao, nhiều khi lại biến tướng thật lạ và thu hút.
Những gánh hàng rong phục vụ bữa ăn đêm cho những người làm việc khuya, những sinh viên miệt mài đèn sách… hay đơn giản là một ai đó bấy lâu nay vẫn giữ cho mình thói quen lắng nghe những tiếng rao ấy, và mua một đồng quà, tấm bánh để động viên các cô, các bà, các chị… - những người dù đông hay hè, dù gió mưa hay giá rét vẫn đều đặn cất lên tiếng rao quen thuộc hàng đêm.
Nhưng có ai biết đằng sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, một số phận, là những cuộc mưu sinh khốc liệt thầm lặng, với những nỗi nhọc nhằn cơ cực nhiều khi không thể gọi thành tên. Những tiếng rao đêm với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm. Bản hòa ca ấy mang nhiều nốt thật buồn.
Giật mình nghĩ đến một ngày có thể Hà Nội không còn những tiếng rao đêm nữa. Ảnh: 1280.com |
Tôi đã từng thắc mắc mãi về một người bán hàng rong có tiếng rao lúc nào cũng như sắp khóc, hụt hơi và đứt đoạn. Sau này mới biết, người phụ nữ ấy vẫn đang trong hành trình tìm kiếm đứa con đã bỏ nhà ra đi gần 5 năm vì không chịu được cảnh sống cơ cực, nghèo khó, mong tìm một cơ hội đổi đời. Biết đâu một ngày nào đó, ở một góc nào đó giữa bộn bề phố xá, người con lại nhận ra tiếng rao thân quen của mẹ và trở về…
Có một đêm Hà Nội mưa xối xả, tôi gọi mua nắm xôi của một người phụ nữ bán hàng rong gầy gò, xanh xao, có tiếng rao nghèn nghẹn nơi cổ họng. Chị đội chiếc nón lá rách bươm, che gần kín mặt. Chiếc áo mỏng mảnh, cũ sờn ướt nước mưa dính chặt trên đôi vai mảnh khảnh đang run lên vì lạnh. Tôi mời mãi chị mới chịu vào nhà.
Sau vành nón là một gương mặt héo mòn những lo toan và in hằn bao nỗi truân chuyên của cả một kiếp người. Đặc biệt là đôi mắt – đôi mắt giấu đêm thăm thẳm nỗi muộn phiền. Tôi phân vân không biết người phụ nữ này đã trải qua bao éo le, trắc trở, bao đớn đau, nhọc nhằn, bất hạnh.
Mưa càng lúc càng lớn. Nhìn những vệt nước mưa chảy dài trên kính cửa sổ, người phụ nữ ấy bật khóc. Chị từng bị cướp mất đời thiếu nữ vào một đêm mưa gió bão bùng như thế, bởi chính người cha dượng tháng ngày đắm chìm trong men rượu. Chị gắn bó với gánh hàng rong từ năm 17 tuổi, đêm đêm lê đôi dép tổ ong mòn vẹt khắp đất Hà thành, sợ hãi tất cả những người đàn ông mon men chạm vào cuộc đời mình…
Ở ngõ nhỏ nhà tôi đêm nào, vào khoảng 11h, người ta cũng nghe thấy tiếng rao trong trẻo và non nớt của một chú bé bán bánh mì dạo: “Bánh mì đây… Ai bánh mì nóng giòn nào…”. “Cho một chiếc bánh mì!” Đôi tay thoăn thoắt đưa hàng, không quên cảm ơn bằng một cái nhoẻn cười hồn nhiên, tinh nghịch. Có ai biết rằng chú bé ấy sáng sớm đi đưa báo, trưa chạy bàn ăn, tối về bán bánh mì, chỉ để kiếm tiền chữa bệnh cho người cha già đau yếu ở quê nhà…
Rồi một ngày lang thang trên những con đường Hà Nội về đêm, đầu óc ngổn ngang những câu chữ cho một đề tài còn thai nghén, chợt rùng mình trong làn sương thu mỏng mảnh giăng giữa lòng thành phố, tấp vào lề đường hỏi mua một bắp ngô nướng từ một chiếc xe đẩy kêu cọt kẹt. Hỏi dăm ba câu chuyện, nỗi xúc động bỗng dâng lên trong mắt. Thì ra đó là gánh hàng rong của một người mẹ tảo tần một mình nuôi ba con học đại học. Nỗi vất vả mưu sinh trĩu nặng trên đôi vai người phụ nữ. Nhưng bà lại cười, một nụ cười thanh thản và hạnh phúc mà không phải ai cũng có được… Đêm ấy tôi về đặt bút viết những dòng này…
Hà Nội về đêm, thành phố như nhỏ lại, và người ta bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những mảng màu sáng tối khó lòng nhận ra giữa cái nhộn nhịp ban ngày. Nơi đây là những ô cửa sáng đèn ấm áp, nơi kia là gầm cầu tối tăm bụi bặm; nơi là những gia đình sum họp, quây quần, nơi là những người mẹ lang thang trong đêm tối tìm con; nơi là chăn ấm nệm êm, nơi là chiếu manh và áo quần cũ nát… Rồi những tiếng rao lại vang lên, đánh thức đêm buồn, đánh thức những tấm lòng hay trăn trở, nghĩ suy. Tiếng rao ấy vang lên trong không gian của một cuộc sống khác – mặt bên kia của một đô thị phồn hoa náo nhiệt.
Hoàng Hải Anh
*********************
source
http://www.tuanvietnam.net/2009-10-07-ha-noi-cua-nhung-tieng-rao-dem-nhoc-nhan-
No comments:
Post a Comment