Sunday 14 November 2010

Chó mèo tha hồ ăn sung mặc sướng



Chó mèo tha hồ ăn sung mặc sướng
Cập nhật lúc 7:26:17 PM - 09/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 4)
Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong1.jpg

Chó kiểng có bộ lông tuyệt đẹp - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chỉ cần bước vào các siêu thị lớn ở khắp nơi trên nước Mỹ, chúng ta đều thấy những gian hàng bán các loại thức ăn cho chó mèo, từ loại bịch lớn, nhỏ, cho đến đồ hộp, nhiều món đồ chơi dành cho chó mèo, các loại vòng đeo, dây nịt cổ, bảng tên, dây buộc chó, nệm, mền, nhà chó mèo... Giá không rẻ tí nào, từ hơn 10 đô la cho tới vài trăm đô la.
Để phục vụ nhu cầu cho chó mèo, trước hết phải kể đến kỹ nghệ chế biến thức ăn cho thú vật với rất nhiều nhãn hiệu, đủ loại, đủ cỡ, có thứ khô, có thứ ướt, đầy đủ chất dinh dưỡng cho từng lứa tuổi, cho mọi nhu cầu phát triển và tăng trưởng của con vật, kể cả có những loại thức ăn dành cho chó mèo đang“diet”.
Kế đến là thị trường thuốc thú y cho chúng. Gần đây, các hãng sản xuất thuốc thú y cho động vật nuôi nghiêng về thiên nhiên cũng nhảy vào cạnh tranh với các loại thuốc thông dụng trước đây trên thị trường.
Kế nữa là các cửa hàng thời trang, đồ trang sức cho chó mèo. Ngay cả những show trình diễn thời trang dành cho chó mèo được tổ chức rình rang, mà chủ nhân của chúng là những nhà giàu có, giới thượng lưu, giới nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để nuôi nấng và biến những thú cưng của mình thành những “nhân vật” gây ấn tượng, vừa đẹp vừa nổi tiếng, không thua chủ nhân của chúng.

w-chomeosuong2.jpg

Bên tách cà phê với chủ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngoài ra còn vô số những dịch vụ linh tinh khác nhắm vào khách hàng bốn cẳng này. Chó cũng có đồ chơi và có xương giả để gặm cho đỡ buồn miệng và cho sạch răng.
Nhiều bác sĩ thú y không những làm việc ở các bệnh viện chó mèo, mà còn mở phòng mạch riêng cho mình, chuyên chăm sóc điều trị những thân chủ “chó mèo” của mình như cấp cứu, chích ngừa bệnh dại Rabies, triệt sản, rồi đến cắt tỉa lông, làm đẹp theo nhu cầu của chủ… Một bác sĩ thú y quảng cáo giá chà răng cho chó mèo trước đây khoảng từ 300 đến 400 đô la, nay giảm còn một nửa. Giá cắt tỉa lông làm đẹp cho chó từ 35 đến 55 đô la/con. Quả là đắt hơn giá cắt tóc cho nam giới.
Lúc mới qua Mỹ, thấy con mèo nuôi trong nhà dễ thương quá, tôi mang một ít thức ăn “ngon hết biết” như tôm khô, khô mực nướng cho nó ăn, tưởng là nó thích lắm, ai ngờ… nó chỉ ngửi rồi ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ đi một nước. Hỏi đứa em “hình như con mèo nó muốn bệnh rồi nghe… cho nó ăn mà nó không thèm ăn…”, đứa em trả lời: “Nó là của chủ người Mỹ trước đây nuôi, nên nó đâu biết ăn món Việt Nam… Anh phải lấy thức ăn dành riêng trong bịch cho nó, có cả đồ hộp nữa…”.

w-chomeosuong3.jpg

Dẫn cho đi tập thể dục - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngày hôm sau, khi thấy nó kêu “meo, meo”, tôi làm y như đứa em chỉ, lấy đúng thức ăn dành cho mèo thì nó ăn ngon lành. Em tôi cho biết, mỗi tháng tốn khoảng 50 đô la để mua thức ăn và thuốc xịt cho sạch lông, diệt bọ chét… Mỗi khi trời lạnh, còn phải lấy mền ấm ra cho mèo ngủ, sợ nó lạnh. Con mèo này nổi tiếng bắt chuột, chim, nên trong nhà hay ngoài sân không hề có con chuột nào dám lui tới… Có điều nó “ị” tùm lum trước sân cỏ và quanh nhà, một hai ngày là phải đi làm vệ sinh một bữa, cũng hơi... đuối.
Tại một số khu thương xá sang trọng như Fashion Island Mall, Nam California, người ta cho phép khách hàng bồng chó mèo theo lúc đi mua sắm. Cửa hàng Ikea chuyên bán bàn ghế và vật dụng trong nhà, đồng thời cũng có gian hàng chuyên bán thêm những loại sản phẩm riêng cho chó mèo với nhãn hiệu Pets and People và khẩu hiệu quảng cáo là “The more you give, the more they give” (Quý vị càng cho nhiều, thú cưng càng đáp lễ nhiều). Một số nhà hàng và tiệm cà phê lộ thiên như Starbucks Coffee Shop cho phép khách được đem chó mèo vào trong tiệm.
Chó mèo cũng có thể đi du lịch xa với chủ. Đi máy bay cũng phải trả thêm tiền vé. Năm 2010, một hãng máy bay nội địa của Mỹ tính giá 69 đô la một chiều cho thú cưng, được định nghĩa là chó, mèo, hoặc chim nhỏ đã được thuần hóa, nhưng phải cho vào một cái lồng kích thước không quá 8,5 inch chiều cao, 17 inch chiều dài, và 12 inch chiều ngang. Lồng cũng phải thông hơi hai bên và phải kín dưới đáy, phòng hờ trường hợp thú cưng “làm bậy”. Và khi hãng máy bay giới hạn số túi xách được đem theo lên máy bay như hiện nay, lồng đựng thú cưng cũng được tính là một túi xách tay. Theo quy định của hàng không, hành khách phải để lồng dưới ghế ngồi trong suốt thời gian bay.

w-chomeosuong4.jpg

Bạn của bà là hai con chó kiểng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong5.jpg

Cùng chó đi công viên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong6.jpg

Mèo cưng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chomeosuong7.jpg

Mèo có bảng tên và số điện thoại - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Đưa chó đi dạo…
Cập nhật lúc 8:23:59 PM - 04/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 3)

Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao1.jpg

Cả hai cùng chinh phục đỉnh cao Yosemite - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Thống kê tại Hoa Kỳ cho biết, 62% gia đình Mỹ nuôi thú cưng, tức khoảng 71,4 triệu nhà có ít nhất một con vật năm 2009-2010, theo cuộc thăm dò hàng năm toàn quốc của National Pet Owners Survey. Trong đó, 45,6 triệu gia đình nuôi chó và 38,2 triệu gia đình nuôi mèo. Ngân khoản chi cho các loại thú cưng tổng cộng lên đến 45,5 tỷ Mỹ kim trong năm 2009 và ước tính 47,7 tỷ Mỹ kim trong năm 2010.

w-chodidao2.jpg

Dạo mát trên đồi hoa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Có thể nói, chó là một loài vật gần gũi nhất với loài người, và cũng là bạn đồng hành lâu đời nhất của nhân loại. Nó cũng là con vật trung thành nhất với chủ tốt. Tuy được xem là bạn, nhưng loài người đâu phải lúc nào cũng đối xử tốt với loài chó. Sự phân biệt này cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như phong tục tập quán của từng quốc gia. Nhìn chung thì phương Tây họ quý trọng chó mèo hơn các nước phương Đông. Ở Hoa Kỳ, người ta không được phép làm thịt chó, bán thịt chó. Họ xem việc làm thịt chó như một hành động dã man, kém văn minh. Tuy nhiên, những nước Châu Á như Việt Nam, Đại Hàn, Trung Quốc, Phi Luật Tân... lại xem việc ăn thịt chó là chuyện bình thường, và còn cho là món ăn bổ dưỡng, ngon miệng.
Ở Mỹ, nuôi chó khó nhọc công phu như nuôi một đứa bé. Nhiều người ví nuôi chó như nuôi “những đứa trẻ có lông”. Chó nuôi ở Mỹ sướng vô cùng. Vào mùa đông lạnh lẽo, các bà các cô chu đáo thường mặc áo ấm, mang vớ đàng hoàng cho con chó cưng của mình, rồi mới dẫn nó đi dạo phố.
Nhiều lần, tôi thấy một chị đi dạo và tay đẩy một cái xe, trên đó tưởng đâu em bé, nào ngờ lại là một con chó nhỏ rất dễ thương. Mấy người nói với nhau, con chó đó sướng ghê, chắc nó khéo tu ở kiếp trước nên giờ mới được vậy.

w-chodidao5.jpg

Dẫn chó đi thể dục, không sợ nó cắn ai - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao6.jpg

Chó ít lông trong công viên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chó ngày nay có những đặc quyền mà trước kia chỉ dành cho trẻ con trong nhà. Chủ cũng có thể mua bảo hiểm sức khỏe cho chó. Những con chó quý đều được gắn một cái “chip” dưới da, trên đó ghi đầy đủ lý lịch của chúng, như tên, tuổi, địa chỉ và số điện thoại của chủ. Đây là một loại thẻ căn cước của con vật để ngừa trường hợp bị mất cắp và đem bán cho người khác.
Tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ, các nhà lập pháp đã soạn ra nhiều dự luật đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của thú vật nuôi trong nhà mà chủ đích nhắm vào chó mèo. Ở California, chẳng hạn, chính phủ bắt phạt nếu đối xử tồi tệ với thú nuôi trong nhà. Ngoài ra, còn có luật về triệt sản, chích ngừa bệnh dại, quyền sở hữu thú nuôi, v.v..
Những người giàu có lo xa hơn. Họ làm di chúc để tài sản lại cho con chó cưng của mình khi họ phải đi theo ông theo bà. Bởi vậy mới nói người ta lo cho chó không khác gì hơn lo cho một đứa trẻ.
Ở Mỹ, nhiều gia đình đi du lịch thường mang theo chó cưng của mình. Một lần chúng tôi lên Công viên Quốc gia Yosemite ở California chụp hình, gặp một phụ nữ cùng đi với một con chó có lông màu vàng. Cô chủ ngồi cheo leo nơi chóp đá nhìn ngắm phong cảnh, bên cạnh là con chó. Lâu lâu cô chủ lại kéo chú chó lại gần rồi hôn nó. Con chó cũng đáp lại tình cảm bằng cách liếm lên mặt chủ. Những người bạn nhiếp ảnh kéo ống kính têlê, và tôi cũng chụp được mấy kiểu ảnh “khoảnh khắc” ấy.
Nhớ mấy tháng trước, một phụ nữ leo núi cùng với con chó, không may bà bị trợt chân, té mất mạng, không ai hay biết. Con chó vẫn chịu được giá rét bên thi thể người chủ của mình mấy ngày đêm. Nhờ con chó mà người ta phát giác ra người phụ nữ xấu số ấy.
Dịp nọ, cùng với đoàn nhiếp ảnh đi Carrizo Plain National, trong khi mọi người đang chụp đồi hoa, từ phía chân núi, một đôi tình nhân mỗi người dẫn một con chó xuất hiện. Thế là mọi góc nhìn đều tập trung vào đôi tình nhân và hai con chó đi trên con đường hun hút hai bên hoa đỏ rực rỡ. Chó cũng thưởng thức cảnh đẹp như người chăng.
Ở Mỹ, chuyện dẫn chó đi dạo không những là một thú vui mà còn là một mốt thời trang không bao giờ lạc hậu. Người đẹp dẫn chó vào trong các công viên và những chiều nắng ấm. Có vô số loài chó khác nhau, chó phóoc nhỏ xíu, chó quý tộc, chó bécgiê cao to, chó lông xù, chó tai to, chó tai nhỏ, chó lông ngắn... mỗi con một kiểu khác nhau, đi bên những người chủ của mình.
Có lần tôi vào một công viên ở Sacramento, thủ phủ California, để chụp ảnh mùa thu. Tôi nhìn thấy hai người phụ nữ và một con chó to tướng lông xù màu đen tuyền đang nô đùa trên thảm lá vàng; một người chải lông, một người mang kiếng cho chó… Rồi cả hai thay phiên nhau chụp hình với chó đến nỗi con chó mệt thè lưỡi.

w-chodidao3.jpg

Góc mùa thu ở Sacramento với chú chó mang kiếng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao4.jpg

Con chó to tướng chụp ảnh đến mệt thè lưỡi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao7.jpg

Chó tai lớn gặp chó mập lùn làm quen nhau - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chodidao8.jpg

Đi dạo với chó “kiêu sa” - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chó nhởn nhơ trong nhà ngoài phố
Cập nhật lúc 7:35:56 PM - 04/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 2)

Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho1.jpg

Hai chú chó lần đầu gặp nhau làm quen – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Trước đây tôi có thời gian làm việc ở San Jose. Vì chưa thuê được nơi ở ổn định tôi được một người bạn giới thiệu đến ở nhà của một bà lão người Mỹ trắng. Bà không lấy tiền nhà, chỉ lâu lâu nhờ chở bà ra chợ mua thức ăn cho chó thôi…
Vì bà ở một mình cũng không có ai phụ tiếp, nên mới nghe qua thì tôi rất thích. Nghĩ trong lòng mình vừa được giới thiệu ở miễn phí, sẵn dịp học thêm Anh văn qua bà cụ cũng hay… Đến ngày hẹn, tôi đến nhà cùng với người bạn. Khi bà cụ mở cửa, tôi thấy bất ngờ vì 4, 5 con chó lớn nhỏ nhảy dựng “chào khách lạ”. Bà cụ nói vài câu tiếng Anh với bầy chó, chúng liền cụp đuôi bỏ vào trong. Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ, lạ thiệt, chó nghe tiếng Mỹ hay quá… mai mốt khi tới ở mình nói tiếng Việt với nó làm sao nó hiểu nổi… coi bộ “căng” à nghe!
Mời chúng tôi vào phòng khách, chưa kịp ngồi xuống ghế salon thì thêm 2 con chó cao cẳng từ nhà sau chạy lên nhảy thẳng lên ghế ngồi như xí chỗ của nó… Sau khi giới thiệu qua lại, bà mời chúng tôi đi xem phòng ốc trong nhà và sân sau… Đi tới đâu bầy chó quấn quýt tới đó, giống như trong phim 101 chó đốm trong căn nhà. Đứng nơi sân sau, bà chỉ tay và nói với anh bạn tôi, nơi này dành cho bầy chó 8 con trong nhà tắm nắng và đi vệ sinh vào buổi sáng. Mặc dù không hiểu rõ lắm, tôi cũng biết bà muốn nói gì, vì nơi đây vẫn còn quá nhiều “mìn”. Rồi bà mời chúng tôi vào bàn ngồi uống cà phê, ăn bánh tây, trong khi hai tay bà mớm liên tục hết chó nhỏ tới chó lớn.

w-chonhonho2.jpg

Nhỏ to – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ra về mấy ngày sau, tôi vẫn bị ám ảnh bởi bầy chó, và sau khi hỏi ý kiến vài người thân, tôi quyết định gọi điện thoại cám ơn người bạn và viện cớ là có khó khăn nên không ở được.
Ở Mỹ nuôi chó sao mà nhọc công quá. Ở Việt Nam, người ta nuôi chó có đi chích thuốc hay mua bảo hiểm gì đâu. Chó nhà có cắn ai thì chịu vài trăm ngàn đi chích thuốc ngừa cho họ là xong… Còn ở vùng quê, nuôi chó không ngoài mục đích giữ nhà, đi bắt chuột và làm thịt khi cần. Thức ăn của chúng là xương và đồ thừa… chứ đâu có kiểu thức ăn bổ dưỡng, thơm ngon sản xuất dành riêng cho chó, mèo như ở Mỹ này.

w-chonhonho3.jpg

Hôn – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Nhiều gia đình ở Mỹ có khi mua cả một ngôi nhà riêng cho chó ở. Giá những căn nhà như vậy cũng gần cả ngàn đô la chứ không ít. Ngoài ra, còn mua thêm những dụng cụ cho nó chơi, cho nó cắn như dĩa nhựa, khúc xương, trái cầu… Mỗi sáng sớm phải dẫn chó ra đường, bãi cỏ để chúng đi tiểu tiện… Mỗi người không quên mang theo cái bọc nylon để khi chó “đi” xong hốt liền vô bọc. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp chó tiểu tiện xong không thấy ai bèn bỏ đi luôn, mặc cho cái của rơi ấy trúng nhà nào nhà nấy chịu.
Buổi chiều vào những công viên, tôi thường thấy nhiều người từ già đến trẻ, nam lẫn nữ dẫn chó đi tập thể dục. Cả hai cùng đi bộ mấy vòng công viên. Có lần, tôi bắt gặp hai người xa lạ nay quen nhau khi nào không biết, bởi hai con chó đi dạo công viên với chủ. Khi gặp nhau, chúng mừng rỡ chạy nhanh lại với nhau, kéo cả hai người chủ đến gần nhau luôn. Lúc đầu chúng còn nhìn ngó, nhưng chỉ trong chốc lát, chúng tiến gần lại nhau không rời bước. Hai con chó kết bạn với nhau trước mặt chủ của nó. Thế là chiều nào hai người chủ cũng dẫn chó đi dạo công viên để cho chúng gặp nhau vui chơi.
Nhiều người nuôi chó cũng có suy nghĩ là con người thích điều gì thì con chó cũng thích điều đó. Có gia đình nọ thích đi biển nên con chó của họ cũng thích đi biển. Chúng chạy nhảy theo chủ và nô đùa với sóng biển. Nhìn chúng đùa nghịch với sóng biển mà tôi cũng cảm thấy vui lây.
Cái hay là chó ở Mỹ có kỷ luật và nghe lời chủ, nên từ trong công viên hay trên bãi biển, chó đi dạo thoải mái mà hầu như không sợ chúng cắn ai.

w-chonhonho4.jpg

Hôn ghì nằm xuống cỏ – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho5.jpg

Mệt hả cún con? – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho6.jpg

Cún cưng của cháu – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-chonhonho7.jpg

Chó nô đùa với sóng biển – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
101 kiểu nuôi chó, mèo, chim, chuột, thỏ cưng
Cập nhật lúc 9:36:36 PM - 01/11/2010
Thú cưng ở Mỹ (kỳ 1)

Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo1.jpg

Giữa đường giữa sá, cụ già khom mình xuống hôn con chó cưng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Không biết từ đâu mà người ta đã ấn định bảng xếp hạng: Ở Mỹ đứng số một là phụ nữ, thứ hai là trẻ em, thứ ba là chó cưng, và thứ tư mới là đàn ông… khiến cho nhiều người ở Việt Nam và nhiều nước Châu Á… cảm thấy khó chịu và không chấp nhận. Bởi vì theo họ đàn ông phải đứng đầu, vì đàn ông là trụ cột của gia đình và xã hội… Còn ở Mỹ, đàn ông không những đứng sau phụ nữ, trẻ em mà còn đứng sau cả thú cưng như chó, mèo… Hơn thế nữa, chó mèo nuôi ở Mỹ còn có cả số “ID”, được mua bảo hiểm, được đi làm nail, cắt tóc, cắt lông, được đi khám bác sĩ định kỳ... Thức ăn của chúng thì nhiều vô số kể, có bán trong hầu hết các siêu thị từ lớn đến nhỏ. Có những bệnh viện dành riêng cho chó, mèo. Cũng như có cả “khách sạn” cho chúng. Rồi khi chúng qua đời… không những không bị làm “cầy tơ 7 món” như ở Việt Nam hay các nước Á Châu mà còn được chôn cất với “mồ yên, mả đẹp”. Bằng chứng là những nghĩa trang chó đầy những bông hoa, có khi hơn cả những nghĩa trang của người. Kính mời quý độc giả cùng bước vào thế giới 101 kiểu nuôi thú cưng ở Mỹ.

w-101kieunuoichomeo2.jpg

Dẫn chó thưởng thức lá vàng thu… còn mang kiếng cho nó nữa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chị Đô Ca ở San Diego năm nay đã hơn 60 tuổi. Sau khi ly dị với người chồng, con cái có gia đình ở riêng và chị ở một mình, buồn quá, chị nuôi một con chó phóoc trắng rất dễ thương. Đi đâu chị cũng cho nó theo. Nhất là những lần đi xa nhà, chị cho con “Popi” theo cùng như là người bạn đồng hành trong cuộc sống… Không khác nào một đứa bé, trên xe chị lúc nào cũng có giấy vệ sinh, bao nylon, khăn, mền, khúc xương và món đồ chơi... Nước và thức ăn khô lúc nào cũng có sẵn cho nó. Có lần, chị được mời hát nhạc đặc biệt trong một chương trình của nhà thờ, chị phải nhờ một vài đứa nhỏ giữ giùm ở bên ngoài nhà thờ. Nhưng ngay lúc chị cất tiếng hát, như nghe được tiếng của chị, con chó khôn đáo để, chạy tọt vào nhà thờ sủa inh ỏi làm chị không còn tập trung. Nhiều người phải cố dẫn cho nó ra ngoài.
Chị tâm sự: “Nhiều lúc cũng thấy phiền lắm em, nhưng nuôi nó mấy năm rồi… Thương nó lắm. Bây giờ nó là niềm vui của chị đó em… Lo cho nó như một đứa nhỏ vậy, cũng cực lắm, mỗi lần đi xa phải mang nó theo… Bỏ nó ở nhà một mình tội nghiệp, mà mang theo có khi bỏ nó ngoài xe nắng nóng, sợ nó chịu không nổi… Làm việc gì, hay đi chợ phải nhanh chóng ra xe với nó mới yên tâm. Mỗi lần trước khi đi xa là phải tắm cho nó sạch sẽ… Tuy nhiên có những lúc phải đi xa mà không thể mang nó theo được, đành phải thuê ‘khách sạn’ cho nó ở… Tốn tiền, cũng ‘chua lắm’. Nhưng cũng đành chịu thôi… Đưa nó vào ‘khách sạn’ thì mới yên tâm. Trong đó có đầy đủ các dịch vụ chăm sóc chó”.

w-101kieunuoichomeo3.jpg

Chị Hunl Kim trò chuyện với một người hâm mộ con két - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Gần đây tôi hay sang nhà ông Dương chơi… Ông khoe là có một con mèo rất dễ thương, không biết từ đâu đến ở trước cửa nhà. Mỗi lần thấy ông và người nhà mở cửa là nó chạy đến quấn quýt dưới chân, nũng nịu làm quen… Thấy dễ thương nhưng ông bà cũng không “quan tâm” lắm. Nhưng rồi ngày nào mở cửa cũng thấy nó, cử chỉ y vậy và có tình cảm. Thế là ông bà quyết định mua thức ăn cho nó ăn mỗi ngày, làm chỗ cho nó nằm để tránh nưa gió lạnh lẽo. Nhà có hai người vắng vẻ bây giờ thấy vui hơn. Bỗng dưng có được một con mèo nhận làm “con nuôi”.
Đó là chuyện chó mèo… Bây giờ là chuyện nuôi chim cũng ly kỳ không kém. Mỗi tuần ra biển Redondo Beach ngắm hoàng hôn và xem nhiều người đi câu cá, tôi thấy có một phụ nữ trung niên người Hàn Quốc chạy chiếc xe đạp, trên vai cõng một con chim két to tướng, màu sắc tuyệt đẹp. Hễ chị chạy đến đâu, ai ai cũng nhìn theo thích thú. Mấy lần tôi xin chị dừng lại hỏi chuyện, mới biết chị tên Hunl Kim. Chị nuôi con chim ấy đã hơn 12 năm, nhà gần biển, nên chiều nào cũng chở con két đi dạo, tập thể dục. Không những chị quen mà con két cũng quen, hôm nào chị không ra biển là con két nó nhắc: “Go sea”. Con chim ra ngoài nên ai nó cũng quen, người nào muốn nó đứng trên tay, trên vai nó đều đứng… nhưng được chỉ một lát thôi, nó liền đòi trở lại với chủ của nó.
Đó phải chăng là những thú cưng mà nhiều người đã chọn sống chung như những người bạn hiền. Trong cuộc sống bận rộn, tất bật với vật chất, chính chúng có thể làm cho cuộc sống này có nhiều ý nghĩa hơn, thú vị hơn và vui tươi hơn… mặc dù phải mất thời gian, tiền bạc, công sức khó nhọc với chúng… Và có lẽ vì thế mà chó, mèo được dân gian khôi hài xếp hạng cao hơn đàn ông một bậc như ở Mỹ này.

w-101kieunuoichomeo4.jpg

Chị Kim hôn con két một cách “tình thương mến thương” - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo5.jpg

Mèo của nhà ông Dương - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo6.jpg

Hễ thấy ông bà Dương là “nàng mèo” này làm duyên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

w-101kieunuoichomeo7.jpg

Chị Kim và bạn két trên vai dạo biển - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


source
Viễn Đông Daily

No comments:

Post a Comment