Thursday, July 01, 2010 | ||
| ||
| ||
Quận Nhất, quận trung tâm của Sài Gòn, chỉ cách quận Tư một dòng kênh. Ði qua cầu Khánh Hội hoặc qua cầu Calmette là tới địa phận quận Tư. Từ hai, ba năm nay, thêm cây cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua dòng kênh này, nối vùng Nancy - Chợ Quán sang quận Tám, trên cầu có ngả rẽ vào quận Tư. Ðứng trên cầu Nguyễn Văn Cừ có thể nhìn thấy toàn cảnh khu nhà ổ chuột Cầu Dừa, nếu không bị những cụm nhà cao tầng che khuất. Khu nhà ổ chuột Cầu Dừa. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) Sẽ không ai hình dung được, phía sau quang cảnh tráng lệ của đường Bến Vân Ðồn, con phố chạy dài theo dòng kênh, một bộ mặt rất nhếch nhác của quận Tư, đấy chính là khu nhà ổ chuột phía dưới cầu Dừa, cây cầu nhỏ bắc qua một con rạch nhỏ trên đường Bến Vân Ðồn. Thông thường người ta vẫn nghĩ cư dân ở những khu nhà ổ chuột thuộc thành phần bần cùng của xã hội, nhất là những khu nhà ổ chuột ở thị thành. Hầu hết cư dân ở đây vừa quá nghèo khổ vừa thấp kém về văn hóa, và hệ quả của nó thường là những ổ phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. Chúng tôi cũng thấy tình trạng đúng như vậy ở những khu nhà ổ chuột tại Sài Gòn, nếu không có cơ duyên chắc chúng tôi không dám bén mảng tới những khu nhà ổ chuột. Nhà cao tầng che khuất khu cầu Dừa. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) Người quen thân chúng tôi, anh “Tám Typo”, thợ sắp chữ giỏi nghề trong một nhà in từ trước 30 tháng 4 năm 1975, vốn cư ngụ ở khu nhà ổ chuột cầu Dừa với cha mẹ từ bao giờ chẳng biết. Anh Tám đã từng nhận lãnh công việc “chef typo” của nhà in, lại biết làm cliché kẽm - cliché simili và trình bày sách báo. Chúng tôi đã từng tới thăm anh tại nhà nhiều lần, nhất là khi anh gặp tai nạn giao thông, rồi lại lâm bệnh nặng, qua đời sau đó. Từ những dịp tới thăm anh Tám, chúng tôi biết thêm một số người trong khu nhà ổ chuột cầu Dừa, như cái duyên gặp gỡ để thỉnh thoảng chúng tôi trở lại, cùng họ ngồi trò chuyện ở một quán cóc. Anh “Tám Typo” mất đã hai năm, để lại người vợ yếu bệnh và 4 người con, người con gái lớn nhất đang học lớp 11 khi anh Tám qua đời. Chúng tôi đau lòng khi biết người con gái xinh đẹp, thông minh, học giỏi như Bé Hai (con gái lớn của anh Tám), phải nghỉ học sau khi anh mất. “Cái khó bó cái khôn”, Bé Hai học hết lớp 11, năm học nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, mà không có điều kiện để tiếp tục đi học. Bé Hai phải tìm đủ mọi cách để kiếm đồng tiền nuôi mẹ yếu bệnh và 3 đứa em đi học. Năm trước, bán rau quả nhì nhằng ven sông đầu chợ không sao đủ chi phí tối thiểu cho gia đình, đứa em kế của Bé Hai học tới lớp 9 phải nghỉ học để đi bán vé số. Bé Hai không ngại ngần mắc cỡ, không sợ người ta xem thường, mua lại chiếc xe ba bánh cũ nát để dùng làm xe đổ rác thuê. Bé Hai cho biết, đổ rác thuê rất cực nhọc và dơ bẩn, lại rất sợ vi trùng, nhưng cũng nhờ công việc này mà hai đứa em đang học bậc phổ thông cơ sở -tương đương bậc trung học đệ nhất cấp thời trước, còn được tiếp tục đi học. Bé Hai đổ rác. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) “Ðổ rác nhà người ta, mỗi tháng lấy 15 ngàn đồng/nhà, con phải đổ hết sức mình, mỗi ngày từ lúc mở mắt cho tới khi trời tối mịt, nên cũng tạm đủ chi phí cho cả nhà, đóng các thứ tiền cho hai đứa em đi học. Phần con thì chỉ tốn tiền mua cồn mua dầu thoa tay chưn mặt mũi phòng ngừa vi trùng. Mấy đứa bạn con nói giỡn, con xài cồn xài dầu xanh hao tốn bằng tiền mua mỹ phẩm đó...!” Bé Hai cười nói, chúng tôi thấy nụ cười của Bé Hai vẫn đượm vẻ e thẹn của thiếu nữ. Nói tới chuyện đổ rác, nhiều người ngỡ rằng “Bà Tư Vệ Sinh” là đồng nghiệp của Bé Hai, nhưng không phải vậy. Trước đây bà Tư có nhà mặt tiền ở đường Tôn Thất Thuyết, phường 18 - quận Tư, bà đã phải bán nhà để có tiền chữa chạy cho đứa cháu nội côi cút bị bệnh. Ðứa cháu cũng không khỏi bệnh, đã qua đời vài năm nay. Với số tiền ít ỏi còn lại, bà Tư giúp người bà con mua cây tràm cừ, ván ép, tôn thiếc cũ, dựng lại căn nhà sắp đổ sụp ở khu nhà ổ chuột cầu Dừa, và bà về sống chung tại đây. Bà Tư là người đặc biệt tự trọng, thuở trẻ bà từng là giáo viên dạy môn tiếng Pháp, nên dù có thể thêm chén thêm bát trong bữa ăn hàng ngày mà người em họ đề nghị, bà vẫn tự túc mưu sinh dù đã ngoài 80 tuổi, lưng còng hẳn xuống như khúc cây cong. Bà Tư không cho phép mình nhận sự giúp đỡ nào của gia đình người em họ, ngoài một chỗ nằm khiêm nhượng trong căn nhà ổ chuột mà bà từng giúp dựng lại. Mỗi ngày, từ sáng sớm, bà Tư mang theo hai bao tải, đi dọc các đường phố để thu lượm chai lọ bằng nhựa, bao bịch ni-lông, bán cho các nơi thu mua phế liệu. Tiền bán chai lọ nhựa bao bịch ni-lông đó không được bao nhiêu, hẳn có những bữa bà Tư nhịn ăn. Bà Tư lại có thói quen dẹp dọn, làm sạch sẽ rác rưởi trên đường phố. Cái tên gọi “Bà Tư Vệ Sinh” do những người ở khu phố gần quanh khúc đầu đường 3 tháng 2 - quận 3, đặt cho bà, nhưng có nhiều người cho rằng bà Tư làm việc ấy vì bà không bình thường. Chúng tôi hỏi chuyện, bà Tư cho biết: “Ðây là nơi chốn thân thiết nhứt của đứa cháu tôi. Nó nằm chữa bịnh ở đây suốt bảy, tám năm cuối đời...” Chúng tôi nghĩ, có thể bà Tư không bình thường như người ta nói, nhưng làm sao bà Tư bình thường được, sau cái chết của đứa cháu nội độc nhất của bà, dù bà đã phải bán cả nhà cửa? Bà Tư Vệ Sinh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) Cụ Ba Khánh ở khu nhà ổ chuột cầu Dừa có lẽ là người đạp xe xích-lô cao tuổi nhất của Sài Gòn. Ông cụ từng được nhà báo chụp hình, viết bài ca ngợi đăng trên một tạp chí. Năm nay cụ Ba Khánh đã 90 tuổi, với 35 năm đạp xe xích-lô, bắt đầu từ sau 30 tháng 4 năm 1975. Thuở trước cụ Ba Khánh từng làm việc ở hãng Shell của Pháp. Có người hỏi cụ Ba Khánh, du khách người Pháp mà gặp cụ có lẽ họ thích lắm vì cụ biết tiếng Pháp, cụ Ba Khánh lắc đầu nói: “Tui từng gặp mấy ông Tây, nhưng mấy ổng không dám để tui đạp xe chở, biểu như vậy thì tội nghiệp ông già...! Mà tui già yếu thiệt rồi, mỗi khi tới chỗ đường dốc tui phải xuống xe mà kéo đó chớ...” Cụ Ba Khánh không phải người neo đơn, cụ có 3 người con cùng ở khu nhà ổ chuột Cầu Dừa, nhưng thấy đều khó khăn, cụ không muốn làm nặng thêm gánh đời cho con cháu. |
NGUOI-VIET Online
No comments:
Post a Comment