Tuesday 31 August 2010

Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hoá Trung Quốc


Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hoá Trung Quốc

Tinh thần là cái gốc lập mệnh của mỗi con người, là cái gốc lớn mạnh của một dân tộc, cái gốc sinh tồn của một quốc gia. Cái gì cũng có thể không có nhưng tinh thần thì không thể không có.

LTS: Tiếp theo bài Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức, (TVN, ngày 15/8/2010), cộng tác viên Nguyễn Hải Hoành lại vừa gửi Tuần Việt Nam chúng tôi bản dịch tiếp theo bài của Lưu Á Châu bàn về văn hóa Trung Quốc. Nhận thấy đây là chủ đề thú vị về văn hóa một dân tộc, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải.

Ngày nay Trung Quốc đang tiến những bước dài, đồng thời cũng để lộ ra không ít vấn đề. Tất cả mọi vấn đề đều hướng về văn hoá, song tất cả mọi vấn đề về văn hoá đều hướng vào tôn giáo.

Tôn giáo quyết định văn hoá mà văn hoá thì quyết định tính cách dân tộc; tính cách dân tộc lại quyết định số phận dân tộc.

Xin nêu thí dụ chống tham nhũng. Trừng trị tham nhũng không thể diệt được tận gốc nạn tham nhũng. Có một biện pháp là hoàn thiện chế độ xã hội, mà phương pháp căn bản là bắt tay từ văn hoá.

Thí dụ biện pháp "lương cao nuôi dưỡng sự liêm khiết". Tại Trung Quốc, lương cao chưa chắc đã có thể nuôi dưỡng được sự liêm khiết. Tại sao thế?

Văn hoá Trung Quốc có màu sắc "văn hoá gia đình" rất nặng. Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (Trong 3 điều bất hiếu, điều lớn nhất là không có con nối dõi - ND). Càng nhiều con cháu càng lắm phúc. Đời cha nhất định phải để dành tiền của cho con cháu. Điều này khác hẳn văn hoá phương Tây. Những kẻ làm cha như chúng ta, lương bổng bản thân có cao đến đâu cũng vẫn muốn để dành cho con, bởi thế người ta vẫn cứ tham. Đây cũng là một nguyên nhân hình thành "văn hoá hối lộ" trong quan trường Trung Quốc.

Sự hình thành văn hoá Trung Quốc có 3 nhân tố chủ yếu: Thứ nhất là hoàn cảnh sinh tồn; thứ hai là tôn giáo; thứ ba là chính sách ngu dân.

Hoàn cảnh sinh tồn

Từ xưa tới nay, số dân trên mảnh đất Trung Quốc này đều nhiều hơn châu Âu. Đàn bà Trung Quốc bị "văn hoá gia đình" biến thành máy đẻ.

Châu Âu có diện tích bình quân đất đai trên đầu người cao hơn Trung Quốc rất nhiều thế mà họ vẫn cảm thấy chật hẹp, không thở hít được nữa, phải khai thác vùng đất mới, bởi thế mà có việc khám phá các đại lục mới.

Người Trung Quốc thì tranh đấu trong hoàn cảnh ác liệt này. Phép sinh tồn rất khắc nghiệt.

Nhưng khi nói về hình thành văn hoá mà chỉ nhấn mạnh hoàn cảnh là chưa đủ. Hoàn cảnh xấu tạo nên một loại văn hoá không thành công. Hoàn cảnh tốt cũng vẫn có thể tạo dựng nên một loại văn hoá không thành công.

Đàn bà Trung Quốc bị "văn hoá gia đình" biến thành máy đẻ. Ảnh minh họa

Cần xem xét văn hoá Trung Quốc từ hai mặt. Từ xưa Trung Quốc đã có thảm thực vật rất tốt, khắp nơi là rừng. Vùng Sơn Tây có nhiều than đá như thế chứng tỏ thời cổ rừng ở đấy rất tốt. Do có quá nhiều rừng nên người ta chẳng cần đi quá xa nơi ở cũng có thể kiếm được gỗ, vì vậy người ta dùng gỗ để làm nhà, vừa đơn giản vừa đỡ mất công. Lâu ngày kiến trúc Trung Quốc bèn trở thành kiến trúc có hình thức kết cấu thổ mộc.

Khi tiến sang thời đại văn minh, các dân tộc châu Âu có môi trường ác liệt hơn Trung Quốc rất nhiều - rừng ít, đá lắm. Muốn làm nhà, họ chỉ có cách lấy đá trên núi mà làm. Lâu ngày nền kiến trúc phương Tây trở thành kiến trúc gạch đá. Qua nhiều nghìn năm, rừng của chúng ta bị đốn hết, các kiến trúc thổ mộc sụp đổ. Kiến trúc kết cấu gạch đá của phương Tây thì giữ lại được, rừng của họ cũng giữ được. Tại Ý, hiện nay vẫn thấy các kiến trúc có từ hai nghìn năm trước, tương đường đời nhà Tần nhà Hán. Tại Trung Quốc hiện nay cả đến kiến trúc đời nhà Minh cũng hiếm thấy.

Lưu Á Châu năm nay 57 tuổi, là người huyện Túc thuộc thành phố An Huy, tham gia quân đội năm 16 tuổi, lần lượt giữ chức vụ phó tiểu đội trưởng, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Năm 44 tuổi được thăng chức thiếu tướng không quân, bước vào hàng ngũ tướng lĩnh cấp cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Năm 45 tuổi giữ chức Chủ nhiệm Cục chính trị không quân quân khu Bắc Kinh. Năm 50 tuổi là Chính ủy không quân, quân khu Thành Đô. Năm 51 tuổi là Phó Chính ủy không quân kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật quân ủy, và được thăng chức trung tướng không quân. Hiện nay, Trung tướng Lưu Á Châu, nguyên Phó Chính ủy không quân của PLA giữ chức Chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, thay Trung tướng Đổng Thế Bình đã được điều động làm Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị kiêm Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật quân ủy.
Đại học Quốc phòng là trường quân sự cao nhất của Trung Quốc, trực thuộc sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, là cấp đại quân khu; hiệu trưởng, chính ủy của trường này đều thuộc những chức vụ chính của đại quân khu.

Tôn giáo

Trung Quốc có ba tôn giáo chính là Phật Giáo, Đạo Giáo và Nho Giáo (tôi gọi Nho Học là một loại tôn giáo). Ba tôn giáo này có trách nhiệm không thể thoái thác đối với với sự hình thành trạng thái tâm lý và đạo đức ngày nay của người Trung Quốc. Lịch sử cho thấy ba tôn giáo trên căn bản không thể chấn hưng được dân tộc Trung Hoa.

Xin để tôi so sánh đối chiếu Ki Tô Giáo với tôn giáo của Trung Quốc.

Văn hoá Trung Quốc dạy chúng ta "Nhân chi sơ, tính bản thiện" (con người lúc mới ra đời có bản tính lương thiện - ND). Tôn giáo của phương Tây thì ngược lại, cho rằng con người sinh ra đã là xấu (nguyên văn chữ Hán: ác - ND), bản tính con người cũng xấu. Bởi vậy, tôn giáo phải hạn chế anh, bắt anh suy ngẫm về chính mình. Văn hoá phương Tây cho rằng loài người có tội tổ tông. Lòng người đen tối.

Trong số các đồng chí có người đã trải qua "Cách mạng Văn hoá", xin hỏi cái đen tối nhất ở đâu? Cái đen tối nhất thì ở trong lòng người. Tâm hồn mỗi người đều có mặt vô cùng bẩn thỉu. Văn hoá phương Tây mổ xẻ, hé lộ nó ra, trưng nó ra. Phê phán nó, kiềm chế nó. Văn hoá phương Đông thì ôm ấp nó, nuôi dưỡng nó. Nhà thờ ở phương Tây có phòng xưng tội (nguyên văn: sám hối - ND). Người ta vào nhà thờ trình bày với thánh thần các thứ trong tâm hồn mình.

Nói cho thần thánh nghe mọi cái xấu xa bẩn thỉu của mình thì người ta thấy nhẹ nhõm. Tâm hồn người ta được rửa sạch. Hồi sang Mỹ tôi có vào nhà thờ ngồi hẳn một ngày trời. Tôi phát hiện thấy một cảnh rất thú vị: Mọi người ai nấy khi vào nhà thờ thì mặt mày ủ ê, khi đi ra thì sắc mặt thư thái nhẹ nhõm. Về sau tôi mới dần dà hiểu được bí quyết của chuyện ấy. Lâu ngày, người ta trở thành thành con người lành mạnh, con người có tâm trạng và tâm hồn đặc biệt kiện toàn. Con người ai cũng có ham muốn. Nhưng người ta phải kiềm chế ham muốn của mình, ai nấy ắt phải tự mình (chứ không phải người khác) kiềm chế bản thân.

Người Trung Quốc không biết kiềm chế mình, không biết tra khảo bản thân, thế là người ta đi kiềm chế kẻ khác, tra khảo kẻ khác. Quất roi và tra khảo bản thân là chuyện đau khổ. Chỉ khi nào trong lòng mình mãi mãi có tín ngưỡng, có tín ngưỡng vĩnh hằng với thần thánh, thì mới có thể làm được như thế.

Rất nhiều đồng chí đã đi thăm nhà thờ ở phương Tây. Ở đấy thánh thần xuất hiện với hình ảnh đầm đìa máu, chịu khổ chịu nạn. Jesus bị đóng đinh trên giá chữ thập. Đức Mẹ không đổ máu nhưng rơi lệ. Đấy thực sự là hoá thân của con người, là hoá thân của sự khổ nạn và tư tưởng của con người. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây nhìn vào tựa như thần thánh, thực ra là con người. Cái chết của Jesus đã hoàn tất việc ngài lột xác (nguyên văn: thoát biến - ND) từ thánh thần thành con người. Chỉ con người mới chết.

Nhưng thánh thần trong các đền miếu của Trung Quốc thì mới là thánh thần. Bạn hãy xem hình ảnh các vị thần thánh ấy: Bụng chảy xệ, nét mặt chẳng lo nghĩ gì sất, nhăn nhở cười cợt, thụ hưởng của thờ cúng. Vị nào vị ấy ăn đến béo rụt đầu rụt cổ.

Người phương Tây đến nhà thờ là để sám hối. Chúng ta lên đền lên chùa là để hối lộ. Chẳng phải thế hay sao? Vì muốn làm được một chuyện gì đây, chúng ta khấn vái thần thánh, bỏ tiền mua mấy nén hương thắp lên hoặc bầy lên mâm những thứ dân gian thường ăn như trái cây gì gì đó, rồi im lặng cầu nguyện. Như thế chẳng phải hối lộ thì là gì?

Người phương Tây đến nhà thờ để giải thoát nỗi khổ về tinh thần. Chúng ta lên đền chùa để giải quyết nỗi khổ trong đời sống thực tế. Thần thánh trong tôn giáo phương Tây luôn luôn chịu khổ còn nhân dân thì không chịu khổ. Thần thánh trong tôn giáo phương Đông thì hưởng thụ, còn dân chúng thì chịu khổ. Đây là khác biệt lớn nhất giữa tôn giáo phương Đông với phương Tây.

Ở nước ngoài, nhà thờ bao giờ cũng xây dựng tại trung tâm đô thị, gần gũi với dân. Đền chùa Trung Quốc thì bao giờ cũng xây dựng trong rừng sâu núi cao, xa rời dân. Tôi từng nói người Trung Quốc về cơ bản là một dân tộc không có tín ngưỡng. Nói không có tín ngưỡng không phải là không có hình thức tín ngưỡng. Ngược lại, những thứ người Trung Quốc tín ngưỡng thì phức tạp nhất, người ta tin cả các đại sư khí công. Cái gì cũng tin lại chính là chẳng tin cái gì hết.

Càng nhiều con cháu càng lắm phúc. lương bổng bản thân có cao đến đâu cũng vẫn muốn để dành cho con, bởi thế người ta vẫn cứ tham. Ảnh minh họa

Trong lòng người Trung Quốc không có vị trí của một vị thần thánh vĩnh hằng. Nói sâu một chút, tức là chẳng có sự mưu cầu theo đuổi tinh thần văn hoá có tính tận cùng! Loại người đó không mở rộng phạm vi quan tâm của mình ra tới bên ngoài gia đình, thậm chí cá nhân. Nếu mở rộng sự quan tâm ấy ra thì nhất định sẽ là làm hại kẻ khác. Một dân tộc như vậy sao lại không "năm bè bảy mảng" kia chứ?

Tại phương Tây, khi trên đường có một chiếc xe hỏng thì hầu như tất cả các xe khác đều dừng lại, người ta đến hỏi anh có cần giúp đỡ gì không. Tại Trung Quốc thì hầu hết xe đều bỏ đi, khó khăn lắm mới có người dừng xe hỏi anh, có lẽ tôi còn ngờ vực, anh làm gì thế? Anh có mục đích gì.

Phương Tây đã thắng trong cuộc cạnh tranh với phương Đông cả nghìn năm nay. Tôn giáo phương Tây đã thắng trong cuộc cạnh tranh với tôn giáo phương Đông.

Thắng lợi của tôn giáo là thắng lợi thế nào? Tôi cho rằng đó là một loại thắng lợi về tinh thần. Không có tín ngưỡng thì không có sức mạnh tinh thần. Cái chúng ta thiếu lại chính là cái người ta có.

Hãy nói về chuyện xây đền chùa. Phương Tây khi xây đền chùa thường là bạt hẳn một quả đồi. Đó là một kiểu khí thế, một kiểu dũng khí đấu tranh với thiên nhiên. Người Trung Quốc xây đền chùa thường hay xây trong núi sâu. Xem ra là hoà nhập cùng núi rừng thành một khối, trên thực tế là một kiểu đầu cơ.

Có một bức tranh cổ tên là Ngôi chùa cổ trong núi sâu, rất nổi tiếng, nhưng nhìn vào tranh chẳng thấy một bức tường hay một viên ngói nào cả. Bức tranh vẽ gì vậy? Một lối mòn chạy giữa hai quả núi, một nhà sư quẩy đôi thùng đi gánh nước. Rốt cuộc bức hoạ có ý gì? Là nói ngôi chùa cổ trong núi sâu, chùa và núi hoà làm một với nhau. Chúng ta khẳng định rằng ý của bức hoạ rất khôn khéo.

Người Trung Quốc có tâm lý đầu cơ rất nặng, ai cũng chỉ muốn không làm mà hưởng. Ngày nay, trong thời đại cải cách mở cửa, có biết bao nhiêu người lao vào biển thương mại, ai nấy đều nghĩ "Ngày mai đến lượt mình [làm giàu] rồi". Họ muốn làm cái bộ phận "ddể một số người giàu lên trước" ấy. Sau nhiều năm được giáo dục "Vì nhân dân phục vụ" mà họ lại đều muốn trở thành đối tượng được phục vụ.

Người Trung Quốc trước đời Tần thì không như thế. Sau đời Hán, đặc biệt sau khi Lưu Triệt [1] độc tôn Nho thuật (tức Nho học, Nho giáo - ND) thì người Trung Quốc đã thay đổi.

Tôi rất thích đọc bộ Sử Ký. Đọc hết sách này mà chẳng thấy có đoạn nào viết về những kẻ phản bội. Ngày nay chúng ta có biết bao nhiêu kẻ phản bội! Thời xưa có rất ít kẻ cáo giác. Thời nay thì khắp nơi đều có!

Chính uỷ Đại học Công trình không quân Vương Hồng Sinh đến thăm tôi. Hồi ở Ban Chính trị không quân, anh ấy và tôi là chiến hữu với nhau. Hai chúng tôi nhắc đến một chuyện thế này: Đơn vị Vương Hồng Sinh có một anh cán sự, là người được lãnh đạo rất coi trọng. Một đồng sự của anh ta ngủ với gái. Vị cán sự ấy bèn vác ghế đến ngồi lỳ tận nửa đêm ngoài cửa nhà người đồng sự, cho tới lúc bắt được hai người kia hủ hoá với nhau. Anh cán sự được biểu dương. Tôi than thở căm tức mãi không thôi. Tôi bảo: Sức mạnh nào đã chi phối anh ta ngồi trong bóng đêm lâu đến thế? Tuyệt đối là một loại ý thức phạm tội.

Thời xưa, Bảo Định, Dịch Thuỷ là nơi sinh ra những Kinh Kha, Cao Tiệm Ly, Điền Quang, Phàn Ư Kỳ [2]. "Gió vù vù, hề sông Dịch lạnh ghê, Tráng sĩ một đi hề không trở về." [3]. Trong kháng chiến chống Nhật, phủ Bảo Định có nhiều Hán gian nhất. Hồi làm ở Hội nhà văn tôi có đến Bảo Định sưu tầm dân ca. Một ông nông dân hát cho tôi nghe một bài ca ngày xưa: "Năm ấy giặc Nhật đến làng, chúng tôi vác súng đi lính..." Về sau tôi mới biết ông ta đi lính gì. Lính ngụy.

Khổng Tử - nhà tư tưởng, người sáng lập Nho giáo
Ở nước ngoài không phải là không có kẻ phản bội, nhưng ít hơn nhiều so với Trung Quốc. Sức mạnh nào đã tác động đến người ta? Sức mạnh tinh thần.

Năm 1986 tôi sang Mỹ. Đêm khuya ra đường, đèn tín hiệu giao thông bật đỏ, chẳng thấy chiếc xe nào chạy cả, tất cả xe đều tự động dừng lại ở ngã tư. Tôi không hiểu, bảo người Mỹ sao mà ngốc thế nhỉ. Về sau tôi mới biết đấy là sự tự kiềm chế của họ. Kiềm chế bản thân là cứu vớt tâm hồn. Việc nhỏ đã thế, việc lớn lại càng thế.

Người Nhật nói, trận địa Trung Quốc rất dễ bị chọc thủng. Lê Minh [4] nói rất hay: "Tôn giáo Trung Quốc biến dân chúng thành bầy cừu."

Đều là cố thủ trận địa, người phương Tây tuy cũng sợ nhưng họ có thể kiềm chế bản thân. Chúng ta thì sao? Trước hết là mong người khác làm bia đỡ đạn. Thấy người khác bỏ chạy thì nghĩ, vì sao mày chuồn? Tao cũng chuồn. Mày đi lính ngụy no nê cơm rượu, tao cũng đi. Mày tham ô, tao cũng tham ô. Tao không chịu kém mày. Tại các nước phương Tây không phải không có chuyện ăn hối lộ nhưng nhìn chung ít hơn chúng ta. Khi nhận hối lộ, lương tâm và tinh thần người ta sẽ ràng buộc họ.

Phó Chủ tịch Trì Hạo Điền [5] có kể một chuyện để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Ông kể, trong thời kỳ chống Nhật vùng căn cứ địa Giao Đông có bảy tám tên lính Nhật vác cờ mặt trời (tức quốc kỳ Nhật - ND) đi càn, ba bốn chục nghìn quân dân căn cứ địa bỏ chạy hết. Sói đuổi cừu mà.

Trên xe buýt một cô gái bị cướp, xe đầy ắp người mà chẳng ai ho he. Cô gái xúc động thốt lên: "Cha tôi kể năm xưa một tên giặc Nhật cai quản cả một huyện của chúng ta. Ngày ấy tôi không tin, bây giờ thì tin rồi."

Hồi "Cách mạng Văn hoá", ga xe lửa lúc nào cũng đông nghịt. Khi tàu đến, người ta chen nhau ùa vào ga lên tàu. Một cô nhân viên soát vé nói: Các ông bà đông thế này, một đứa con gái như tôi không thể nào giữ được ai, mà tôi cũng chẳng muốn làm thế. Bắt giữ ai nào? Giữ người đầu tiên chen vào. Thế là ai nấy ngoan ngoãn xếp hàng.

Chính sách ngu dân

Tôn giáo Trung Quốc có mấy loại, tuy khác nhau về tư tưởng nhưng trên mặt chủ nghĩa chống hiểu biết hoặc chủ trương ngu dân thì đều như nhau. Chính vì thế mà tôn giáo mới được tầng lớp thống trị coi trọng. Dưới sự giáp công của văn hoá tôn giáo và chính sách ngu dân của lực lượng hống trị, người Trung Quốc hình thành quần thể như ngày nay. Người Trung Quốc giỏi nhất về chuyện ca tụng công đức, thứ nhì là tố giác, thứ ba là giở thủ đoạn, cuối cùng là khôn ngoan bo bo giữ mình (nguyên văn: minh triết bảo thân - ND).

Người Mãn Thanh thống trị Trung Quốc thành công nhất. Họ hiểu rõ đặc tính quan trường của người Trung Quốc: Dốc lòng trung thành với cá nhân, không trung thành với nhà nước.

Trong việc thống trị ba dân tộc Hán, Mông, Tạng ở Trung Quốc, người Mãn Châu nhằm vào các đặc điểm khác nhau của ba dân tộc này để sử dụng những mánh khoé khác nhau. Người Tây Tạng tin Phật Giáo, triều đình nhà Thanh cho dựng ngay tại Thừa Đức [6] một ngôi chùa phỏng theo kiểu chùa Tây Tạng, đón Lạt Ma về kinh đô làm ông lớn. Người Mông Cổ nhanh nhẹn dũng mãnh thì dùng thủ đoạn hôn nhân, gả con gái hoàng tộc cho vương công Mông Cổ, đẻ ra con trai thì nó là cháu ngoại. Đối với người Hán thì dùng khoa cử. Người Hán có tật thích làm quan. Chỉ cần cho làm quan, tựa như quẳng khúc xương cho con chó, là cúi đầu cụp tai ngoan ngoãn nghe theo.

Hồi tôi sang Mỹ, thày hướng dẫn tôi là người chuyên nghiên cứu về Mao Trạch Đông. Ông ấy cho rằng trong đời mình, Mao Trạch Đông tổng cộng làm được 31 việc. Nghiên cứu kỹ 31 sự việc này, tôi phát hiện thấy trong đó có 20 sự việc liên quan tới huỷ hoại tinh thần và đạo đức con người.

Đến năm 1966, cuối cùng Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hoá chưa từng có trong lịch sử, làm cho kinh tế Trung Quốc đi tới bờ vực sụp đổ, càng làm cho phẩm chất đạo đức của nhân dân toàn quốc hạ thấp xuống tới mức đáng sợ, nhà nước mấy lần sa vào tình cảnh muôn đời không phục hồi được.

Chen chúc đi chùa để khấn vái, cầu nguyện. Ảnh minh họa
Tinh thần là cái gốc lập mệnh của mỗi con người, là cái gốc lớn mạnh của một dân tộc, cái gốc sinh tồn của một quốc gia. Cái gì cũng có thể không có nhưng tinh thần thì không thể không có.

Cách đây ít lâu khi xuống sư đoàn 33 Không quân, tôi có đến thăm trại tập trung Tra Tử Động. Nhiều liệt sĩ như Chị Giang [12] đã hy sinh tại đây. Hồi ấy nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã thành lập. Chị Giang đang ở trong tù mà vẫn thêu một lá cờ đỏ năm sao. Chị chưa biết mẫu của cờ đỏ năm sao như thế nào, cho nên đã thêu ngôi sao lớn nhất vào chính giữa lá cờ, 4 ngôi sao nhỏ ở 4 góc.

Khi bọn Quốc Dân Đảng chuẩn bị làm cuộc đại tàn sát tù nhân thì Quân Giải phóng đã tiến tới gần Bạch Thị Dịch. Đội du kích Hoa Doanh Sơn bắt được liên lạc với Quân đoàn 47. Đội du kích nói: Các đồng chí mau tiến quân đi, trại tập trung Tra Tử Động sắp hành quyết các chính trị phạm. Nhưng Quân Giải phóng cho rằng đội viên du kích Hoa Doanh Sơn là tên lừa đảo, có thể là bẫy kẻ địch cài, cho nên họ không hành động. Kết quả là cuộc tàn sát bắt đầu. Các liệt sĩ hiên ngang đi tới chỗ chết.

Có người nói, thật đáng tiếc, các liệt sĩ ấy đã không nhìn thấy nước Trung Quốc mới. Mục tiêu phấn đấu mà họ theo đuổi sắp được thực hiện thế mà họ lại không được nhìn thấy. Tôi bảo anh nhầm rồi. Nói thực lòng, họ vô cùng hạnh phúc. Tín ngưỡng trong lòng họ sắp được thực hiện, chết vào lúc đó không phải là nỗi đau mà là một niềm hạnh phúc.

Những người còn sống sót mới thực sự đau khổ. Họ nhìn thấy nước cộng hoà nhân dân được thành lập, sau đó là các phong trào chống phái hữu, tam phản ngũ phản, "Cách mạng Văn hoá", những người bị cái đảng mà mình hiến dâng tính mạng hành hạ mình chết đi sống lại ấy mới là những người đau khổ nhất. Chết, chết không được. Sống, sống không thành. Cuối cùng để mất niềm tin và tín ngưỡng, chẳng khác gì cái thây ma biết đi.

Đảng viên cộng sản mất tín ngưỡng thì là cái gì? Hãy nhìn bọn quan tham nhũng hiện nay thì khắc rõ. Bọn chúng tên nào cũng sợ chết, quan càng to càng sợ chết. Thứ trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Châu khi bị bắt còn hung hăng lắm. Hắn nói: "Nếu tôi có vấn đề thì phải đem chém đầu một nửa Bộ Chính trị!" Đến lúc chuẩn bị đưa đi xử bắn, hắn quỳ xuống van xin: "Xin cho tôi một con đường sống."

Nguyễn Hải Hoành lược dịch

--------------------------------------

[1] tức Hán Vũ Đế, 156-87 trước CN

[2] 4 nhân vật anh hùng nổi tiếng trong vụ ám sát không thành Tần Thuỷ Hoàng

[3] câu thơ Kinh Kha cảm tác khi qua sông Dịch trên đường đi mưu sát Tần Thuỷ Hoàng

[4] triết gia Trung Quốc đương đại nổi tiếng là "khùng"

[5] Thượng tướng, sinh 1929, thời gian 1998-2003 làm Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

[6] 1 trong 10 địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc, cách Bắc Kinh 180 km

[7] Sự kiện nội bộ đảng CSTQ thanh trừng giết nhầm nhiều cán bộ của đảng năm 1930 tại căn cứ địa Phú Điền tỉnh Giang Tô

[8] Hội nghị mở rộng Bộ chính trị ĐCSTQ họp tháng 1/1935 tại Tuân Nghĩa tỉnh Quý Châu, xác lập quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông; được coi là bước ngoặt của cách mạng Trung Quốc

[9] Nguyên phó Chủ tịch nước; năm 1954 bị kết tội chia rẽ đảng, bị kỷ luật, tự tử chết 1954

[10] 2 phong trào trong thời gian cuối 1951 đến 10/1952. Tam phản: chống tham ô, lãng phí và quan liêu; Ngũ phản: trong ngành công thương nghiệp tư doanh chống hối lộ, trốn thuế và lậu thuế, lấy cắp tài sản nhà nước, làm ăn gian dối, lấy cắp tình báo kinh tế

[11] Hội nghị mở rộng Bộ chính trị và hội nghị lần 8 trung ương ĐCSTQ, cách chức Bộ trưởng Quốc phòng của Bành Đức Hoài

[12] Tên thân mật gọi Giang Trúc Quân, nữ liệt sĩ cách mạng Trung Quốc, 1920-1949

source

http://tuanvietnam.net/2010-08-30-tuong-luu-a-chau-ban-ve-van-hoa-trung-quoc

Wednesday 25 August 2010

Nghề đãi cát tìm trứng nghêu trên biển


Nghề đãi cát tìm trứng nghêu trên biển
Cập nhật lúc 6:42:00 PM - 20/08/2010
Thanh Huyền/Viễn Đông

w-timtrungngheu---1.jpg


Các ngư phủ đang lọc cát bằng vợt lưới để lượt trứng nghêu – ảnh: Thanh Huyền/Viễn Đông


Khoảng 2 giờ trưa, khi thủy triều bắt đầu dâng cao, ngư dân trong xóm lao động nghèo lại vác dụng cụ xuống bãi biển Cần Giờ - Sài Gòn để đãi cát tìm trứng nghêu. Sau khi đãi được trứng, người ta đem về nuôi, đến khi to bằng đầu đũa ăn thì bán lại cho các trại nuôi nghêu. Tùy theo mùa mà giá bán được cao hay thấp. Khi trúng mùa, có người một ngày vớt được rất nhiều, bán được hơn triệu đồng.
Loạt ảnh được phóng viên nhật báo Viễn Đông thực hiện vào ngày 15-08-2010 tại Cần Giờ.

w-timtrungngheu---2.jpg

Phụ nữ có sức khỏe cũng ra biển để làm việc này – ảnh: Thanh Huyền/Viễn Đông

w-timtrungngheu---3.jpg

Tìm kiếm trứng nghêu sau khi lọc sạch cát – ảnh: Thanh Huyền/Viễn Đông


w-timtrungngheu---4.jpg

Cào cát vào vợt lưới – ảnh: Thanh Huyền/Viễn Đông


w-timtrungngheu---5.jpg

Những chiếc vợt lưới trên ghe – ảnh: Thanh Huyền/Viễn Đông


w-timtrungngheu---6.jpg

Trứng nghêu vớt được cho vào bao để về nuôi – ảnh: Thanh Huyền/Viễn Đông
source
Viễn Đông

Bè cá Miền Tây dần lui vào quá khứ


Bè cá Miền Tây dần lui vào quá khứ
Cập nhật lúc 9:08:31 PM - 23/08/2010
Hải Yến/Viễn Đông

w-cadangquan1.jpg

Làng cá bè Châu Đốc một thời vàng son – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Nếu như 10 năm trước, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ nghe nói đến những làng nuôi cá bè trên sông Châu Đốc, hay ở Hồng Ngự, thì nay bè nuôi cá đã mọc lên dọc theo sông Mê Kông, tại 2 nhánh Sông Tiền và Sông Hậu. Nhưng rồi làng bè lại không còn khả năng cạnh tranh bởi phong trào nuôi cá đăng quần cặp bờ sông. Nó vừa ít tốn kém mà diện tích thu hoạch trên mặt nước lại nhiều và cho kết quả cao. Điều nầy khiến cho giá đất bãi bồi tăng đến chóng mặt. Nhiều loại cây ăn trái không mấy hiệu quả bị đốn bỏ hàng loạt để nhường chỗ cho hầm nuôi cá.

w-cadangquan2.jpg

Làng cá bè trên sông Hậu ở cồn Tần Lộc, Cần Thơ – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông

w-cadangquan5.jpg

Thu hoạch cá tra – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Trước đây vào mùa nước nổi, lượng cá từ Biển Hồ đổ về các tỉnh đầu nguồn Việt Nam nhiều vô số kể. Ngư phủ đánh bắt cá ăn không hết, bán cũng không kịp. Vậy là người ta bắt đầu làm những chiếc lồng tre lớn đặt trên sông, rồi quây cá nhỏ lại làm thức ăn cho cá lớn, chỉ có vậy mà đàn cá lớn nhanh. Bà con ngư phủ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và nuôi cá trong lồng. Thấy có kết quả, nhiều người bắt đầu nuôi, lâu ngày thành làng bè. Vào khoảng thời gian thập niên 90 là thời kỳ vàng son của dân làng bè. Mỗi nhà lồng trị giá hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỷ đồng. Vốn lớn thì lợi nhuận thu được cũng lớn, nhiều người ở Châu Đốc, An Giang, Hồng Ngự giàu lên nhanh chóng, mua sắm ghe lớn, xe hơi, xây nhà lầu.... Bỏ ra một vốn lấy bốn năm lời, dân làng bè ai cũng phất lên như diều gặp gió. Khổ nỗi nguồn giống khan hiếm quá, phải gom từng con giống ngoài tự nhiên cực khổ vô cùng, lắm lúc phải sang tận Campuchia mua con giống người ta vớt trên Biển Hồ. Hoặc phải mua cá bụng (cá basa con) để mang về nuôi bè.

w-cadangquan4.jpg

Làng nổi lừng dang một thời ở An Giang – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Sau phong trào nuôi cá basa, dân làng bè chuyển sang nuôi cá tra. Lúc đó làng bè càng mở rộng hơn vì giống cá tra dễ đánh bắt hơn. Một vụ nuôi từ bốn đến sáu tháng, mỗi bè cá có thể nuôi được từ vài chục đến cả trăm tấn cá. Lúc đó có người sở hữu vài chục chiếc bè cá. Phong trào nuôi cá bè phát triển cực độ khi người dân cho cá tra sinh sản nhân tạo thành công. Chủ động được nguồn giống, người ta mở rộng làng bè, rồi ồ ạt phá vườn cây, ruộng lúa đào ao thả cá. Nhưng khi giá cả không ổn định. Có người nuôi một năm huề vốn, một năm lời thì hai năm lỗ lã... Quy luật cạnh tranh, giá cả, cộng với thua lỗ kéo dài khiến nhiều người nuôi cá đã không bám trụ được với “ngôi biệt thự nổi” của mình.

w-cadangquan6.jpg

Cá basa phơi khô do chết hàng loạt – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


* Cá nuôi bè chết yểu?
Bây giờ giá cá tra có lên đến 20 ngàn đồng một ký, dân làng bè cũng không còn tha thiết nữa. Bởi so với cá nuôi trong ao hầm và cá bãi bồi, thì chi phí nuôi cá bè cao hơn một đến hai ngàn đồng/ký, mà tỷ lệ cá hao hụt, rủi ro lại cao hơn. Trong khi một cái bè 100 tấn cá, chi phí ít nhất cũng 300 triệu đồng, mà chỉ nuôi được trong vòng 10 năm. Trong khi cũng với số tiền đó người ta có thể mua cả héc ta đất đào hầm nuôi một lần vài ba trăm tấn cá.
Kỹ thuật nuôi cá ao hầm rất dễ. Trước khi thả cá, người ta chỉ cần làm vệ sinh hầm bằng cách rắc vôi bột. Ao nuôi phải làm đường dẫn nước với hệ thống điều khiển chủ động theo ý muốn, để có thể ngăn chặn trong những ngày nguồn nước bên ngoài bị ô nhiễm. Hàng ngày, người ta bơm nước vào để làm mới nguồn nước. Thức ăn cho cá cũng rất quan trọng đến việc ổn định nguồn nước. Người nuôi phải bảo đảm thức ăn cho cá có tỷ lệ đạm từ 15% trở lên và cung cấp một số acid amin cần thiết để cân đối dinh dưỡng, đồng thời giúp cá ăn ngon miệng và tiêu hoá thức ăn tốt hơn.

w-cadangquan3.jpg

Làng cá bè trên bến Châu An, An Giang – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Còn nuôi cá bè, mỗi lần thanh lọc nước là phải dùng nylon bọc toàn bộ bè cá, rồi mới cho thuốc vào. Cá bè thuộc vào hàng “nắng không ưa, mưa không chịu” nước đầu nguồn có chút thay đổi là cá bỏ ăn, trái gió trở trời là “rộ bè”, cá chết hàng loạt mà không có cách nào ngăn chặn. Về phía nhà chế biến cá phi lê xuất cảng, họ ưu tiên cho cá nuôi đăng quần và cá ao hầm. Chưa kể là nguồn chất thải từ thực phẩm và xác cá chết, cũng như chất thải của cá cũng kiến cho nguồn nước trên Sông Hậu tại Tân Châu, Châu Đốc, Long Xuyên và Cần Thơ bị ô nhiễm trầm trọng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, cách thức nuôi cá đã phải thay đổi, từ bè cá chuyển qua đăng quần, ao hầm, một phần cũng để thích ứng với tình trạng khí hậu, môi trường không còn được như xưa, ngày càng tệ hơn trên dòng sông Mê Kông.
source
Viễn Đông

Sunday 8 August 2010

Những người giàu có làm việc thiện ở Hoa Kỳ

Những người giàu có làm việc thiện ở Hoa Kỳ

Cập nhật lúc 8:30:53 PM - 07/08/2010
Vũ Thành/Viễn Đông

w-4cot-lamtuthien.jpg

Chữ ký của những người giàu có hứa hiến tặng tài sản của mình cho công tác từ thiện (nguồn: givingpledge.org)

– Hình trái, một bé gái ở Đông Timor đang ăn sáng qua chương trình tài trợ của Liên Hiệp Quốc (ảnh: Martine Perret/UN) – Hình phải, một bé trai người Sudan tị nạn được trở về ngôi làng ở mạn Tây Darfur (ảnh: Albert Gonzalez Farran/UN) – Bên dưới, trẻ em Afghanistan đang nô đùa trong trại tị nạn ở phía Bắc xứ sở này (ảnh: Eric Kanalstein/UN) – trình bày minh họa: Loan Loan/Viễn Đông.


NEW YORK - Hai nhà tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates tuyên bố, họ không muốn mọi người nhớ đến họ như là những người giàu nh
t thế giới, mà là những người rộng rãi hào phóng nhất, theo tin tức trên trang mạng CBS Evening News ngày 16-6-2010.
Ông Buffett phát biểu: “Tôi đã có tất cả mọi thứ trên đời này, và tôi cũng có quá dư thừa mọi thứ xung quanh – bây giờ tôi chỉ muốn cho đi những thứ dư thừa”.
Cách đây hơn một năm, hai nhân vật này – mà tài sản cộng lại có thể lên tới 100 tỷ Mỹ kim – đã tổ chức một bữa ăn tối độc nhất vô nhị với khách mời là 14 tỷ phú mạnh thường quân, bao gồm Ted Turner, Oprah Winfrey và Michael Bloomberg. Sau bữa tiệc đặc biệt đó, một website xuất hiện trên internet tên là givingpledge.org, trong đó các nhà tỷ phú công khai hứa hẹn sẽ hiến tặng 50% tài sản họ khi họ còn sinh thời hay sau khi đã qua đời. Ký giả Carol J. Loomis cho biết, nếu cuộc vận động thành công, cộng đồng xã hội sẽ có được 600 tỷ Mỹ kim để làm được quá nhiều công cuộc từ thiện – và chắc chắn đủ tiền để loại trừ bịnh AIDS nơi các thiếu nhi trên toàn cầu.

* Kết quả lời kêu gọi làm việc thiện

Trang mạng msnbc.com ngày 4-8-2010 cho biết, sau bữa tiệc do hai tỷ phú Gates và Buffett tổ chức hồi năm 2009, kêu gọi các nhà tỷ phú giàu nhất trên thế giới hãy ra tay làm việc thiện, đến nay đã có hơn 30 người và gia đình đồng ý tham gia vào các công cuộc từ thiện.
Ngoài hai ông Gates và Buffett, đã có thêm 38 nhà tỷ phú ký tên trên trang mạng The Giving Pledge, bao gồm các vị như Thị trưởng New York Michael Bloomberg, Tổng giám đốc giải trí Barry Diller, người đồng sáng lập ra công ty Oracle là Larry Ellison, nhà tỷ phú năng lượng T. Boone Pickens, ông trùm ngành truyền thông Ted Turner, David Rockfeller, nhà sản xuất phim George Lucas và nhà đầu tư Ronald Perelman.
Nhà tỷ phú Buffett phát biểu: “Chúng tôi đã tiếp xúc từ 70 đến 80 vị, và cuối cùng đã thuyết phục được 40 người làm mạnh thường quân. Một số cho biết chưa sẵn sàng, nhưng chúng tôi nhất định không bỏ cuộc. Vị thánh nào cũng có một quá khứ sai lầm, kẻ tội lỗi nào cũng có một tương lai xán lạn. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc kêu gọi mọi người tham gia vào công cuộc từ thiện”.
Theo tạp chí Forbes, cho đến nay đã có 40 tỷ phú cam kết sẽ hiến tặng tài sản, trị giá tổng cộng khoảng 203 tỷ Mỹ kim. Có nhiều người còn cho biết họ dự định hiến tặng hơn cả tỷ lệ 50% tài sản nữa; riêng nhà tỷ phú Buffett hứa hẹn sẽ quyên tặng hơn 99% gia sản của ông.

* Diễn tiến công cuộc từ thiện tại Hoa Kỳ

Các Hiệp Hội Tình Nguyện (Voluntary Association): Nét văn hóa tại Hoa Kỳ là hành động hợp tác. Sử gia Pháp Alexis de Tocqueville – tác giả Democracy in America – khi nghiên cứu về xứ sở Hoa Kỳ, cho rằng xã hội thuộc địa này được xây dựng bởi những lớp người tình nguyện, hay sau này ông gọi họ là “những hiệp hội tình nguyện”. Chính họ là những người đầu tiên đem lại lợi ích cho dân chúng, chú trọng vào phẩm chất cuộc sống. Những người này thường xuyên xuất hiện trong đời sống Hoa Kỳ, vốn là một nét đặc trưng của nền văn hóa Mỹ, và là yếu tố chính cho nền dân chủ Hoa Kỳ.
Ông viết tiếp: Nguời dân Hoa Kỳ không có thói quen trông chờ vào người khác – chính phủ, tầng lớp quý tộc hay giáo hội – giải quyết các vấn đề công ích; mà chính họ tự mình giải quyết, qua các hiệp hội tình nguyện, còn gọi là tổ chức phước thiện, là một nét đặc trưng dân chủ.
Benjamin Franklin: (sinh ngày 17-1-1706 – mất ngày 17-4-1790), ông được xem là một trong những bậc cha già khai sinh ra Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông là một con người đa tài, đa năng, đóng đủ mọi vai trò trong xã hội; nhưng nổi bật nhất là khía cạnh nhân đạo từ thiện. Dư luận đương thời tôn vinh ông là “Người Mỹ vĩ đại đầu tiên” (The First Great American), được xem là kiểu mẫu cho giá trị nền văn minh Hoa Kỳ.
Tại Philadelphia, có lẽ ông là người đã thành lập hệ thống từ thiện dân sự cá nhân đầu tiên tại Hoa Kỳ. Đến năm 1727, ông thành lập câu lạc bộ Junto (còn gọi là Leather Apron Club) – gồm 12 thành viên – để cải tiến cộng đồng xã hội tại Philadelphia, với mục tiêu thảo luận về các vấn đề luân lý, chính trị, triết lý tự nhiên và trao đổi kiến thức về kinh doanh thương mại. Mỗi chiều thứ Sáu, các thành viên của Hội sẽ nhóm họp để thảo luận về các vấn đề đang xảy ra trong cộng đồng – và một trong 4 điều kiện để gia nhập hội là “phải có lòng yêu thương nhân loại”.
Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ: Quan niệm cổ điển về từ thiện đưa ra một kiểu mẫu nhận thức, và các hiệp hội tình nguyện là kiểu mẫu về thủ tục mà cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ đem lại. Cuộc cách mạng này bắt đầu từ thành phố Concord, tiểu bang Massachusetts – được xem như trung tâm điểm của công cuộc từ thiện tại Hoa Kỳ. Nơi đây các các nông dân được tuyển chọn họp thành các toán “Minutemen”, sẵn sàng cầm súng chiến đấu chống lại người Anh. Mười ba tiểu bang đầu tiên đã nổi dậy chôáng người Anh, thành lập ra Quân Đội Thuộc Địa, sau khi nổ ra cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Mỹ chống lại sự cai trị của Anh.
Những Hiệp hội (Association) là những cơ cấu chính quyền đầu tiên hình thành vào buổi sơ khai, để sau đó, hình thức hoàn hảo cuối cùng trở thành Hiến Pháp của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, được tiếp diễn giống như một hiệp hội tình nguyện.
Tuyên bố về cuộc Cách Mạng tại Hoa Kỳ, ông Franklin từng phát biểu cho người Pháp biết rằng: “Chúng tôi chiến đấu cho phẩm cách và hạnh phúc thực sự của con người”.
Thế kỷ 19 - Sự tan rã: Tuy nhiên, quan niệm cổ điển về từ thiện với các hiệp hội tình nguyện yêu nước tại Hoa Kỳ không còn đứng vững. Kỷ nguyên Thời Đại Ánh Sáng (Era of Enlightenment) của Tây Phương – vốn là phần tinh túy của sắc thái Hoa Kỳ – đã bị cuộc cách mạng Pháp tại Âu Châu, Nã Phá Luân và Chủ Nghĩa Lãng Mạn, quét sạch đi.
Sự tan rã này thật là đáng tiếc. Các triết gia, văn sĩ hồi thế kỷ 19 như Hawthorne, Emerson, Thoreau, Melville và nhiều người khác, viết ra những tác phẩm chống lại sự phá hoại của nền kỹ thuật, sự đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, đã làm mất đi những giá trị cổ điển Hoa Kỳ. Mặt khác, phong trào này là bằng chứng cho thấy ngọn lửa làm công cuộc từ thiện, hoàn thành những mục tiêu lý tưởng chưa phải đã tắt hẳn đi.

* Những đóng góp từ thiện trong đời sống người dân Hoa Kỳ

Tinh thần làm việc thiện và nhu cầu thực tế phải có các hiệp hội tình nguyện và nền văn hóa hợp tác, đã dần dần di chuyển sang phương Tây, với lằn ranh trong suốt thế kỷ 19 – vẫn còn tiềm tàng và được củng cố phát triển trong cá tính người Hoa Kỳ. Tất cả nền giáo dục tư nhân và tôn giáo tại Mỹ đều mang tính chất từ thiện – nhưng còn mở rộng hơn nữa sang các lãnh vực khác – thí dụ như chống chế độ nô lệ, quyền đi bầu của phụ nữ, bảo vệ môi trường, quyền dân sự, nam nữ bình quyền, và nhiều phong trào hòa bình khác – đều bắt đầu từ các hiệp hội từ thiện tình nguyện này. Mới đầu, một số hiệp hội xem ra có vẻ như chống lại văn hóa, nhưng thực sự các tổ chức này đều là các sáng kiến tư nhân, mong đem lại mọi công ích, chú trọng vào phẩm chất cuộc sống con người.
Công cuộc từ thiện tại Hoa Kỳ đã gặp nhiều thách thức, khó khăn, nhưng các hiệp hội này đã biết tận dụng mọi cơ hội vượt qua.
Có thể nói công cuộc từ thiện là nguồn lợi chính cung cấp cho lãnh vực nghệ thuật, mỹ thuật và tôn giáo, các mục tiêu nhân bản, cũng như các cơ sở giáo dục.

* Các nhà từ thiện trong thời hiện đại

Năm 1982, tài tử Paul Newman đồng sáng lập ra công ty thực phẩm Newman’s Own, và đã tặng biếu tiền lời cho nhiều cơ sở từ thiện khác nhau. Sau khi ông qua đời vào năm 2008, công ty này đã quyên tặng tới 250 triệu Mỹ kim cho hàng ngàn tổ chức từ thiện, cũng như nữ ca sĩ Shakira người Colombia đã giúp đỡ nhiều quốc gia trong thế giới thứ ba.
Trong mấy năm vừa qua, trên lãnh vực này đã xuất hiện nhiều tên tuổi nổi bật, như cuộc vận động của ca sĩ nhạc rock Bono, nhằm xóa bỏ các món nợ của thế giới thứ ba đối với các nước giàu có đã phát triển; các nguồn tài nguyên khổng lồ của cơ sở từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation, hiện là một cơ sở từ thiện tư nhân trong sáng nhất do hai vợ chồng ông bà Bill và Melinda Gates thành lập. Mục tiêu của tổ chức này là tăng cường chăm sóc y tế trên toàn cầu, giảm bớt nghèo đói, và riêng tại Hoa Kỳ, mở rộng nền giáo dục, tạo mọi cơ hội cho các sinh viên học sinh và giúp họ tiếp cận với nền kỹ thuật tin tức. Tổ chức này có cơ sở tại thành phố Seattle, Washington, do 3 người cùng kiểm soát là Bill Gates, Melianda Gates và Warren Buffett.
Năm 2006, tỷ phú Warren Buffett – Chủ tịch Berkshire Hathaway đã quyên tặng tới 31 tỷ Mỹ kim cho Gates Foundation.
Công cuộc từ thiện tại Hoa Kỳ được các chuyên viên và các nhà gây quỹ chuyên nghiệp đảm trách. Tổ chức Association of Donor Relations Professionals (ADRP) là tổ chức quản trị chuyên nghiệp đầu tiên, phụ trách về giao tế gây quỹ tại Hoa Kỳ và Canada.

* Triết lý và chính trị về làm việc thiện

Triết lý: Cho tới nay mục đích làm việc thiện vẫn còn là một đề tài gây nhiều tranh luận. Một số người cho rằng làm việc từ thiện có nghĩa là giúp đỡ cho các người nghèo khổ; một số khác lại cho rằng bất cứ một hành vi vị tha nào cũng là làm việc từ thiện, miễn đó là một công tác xã hội chưa ai làm để phục vụ cho cộng đồng xã hội.
Một số thì cho rằng làm từ thiện có nghĩa là xây dựng cộng đồng, gây quỹ cho cộng đồng và tặng xe cộ. Họ lý luận rằng khi cộng đồng cảm thấy tài nguyên dồi dào phong phú, thì lúc đó cộng đồng sẽ giải quyết mọi vấn đề trong cộng đồng dễ dàng và tốt đẹp hơn.
Chính trị: Một số nhân vật chính trị thường hay làm việc thiện để dân chúng biết đến mình như là một con người vĩ đại, tốt bụng v.v… Còn một số chính quyền nghi ngờ một số người làm từ thiện, vì sợ rằng họ sẽ xin xỏ một đặc ân nào đó, tuy nhiên vẫn cho phép các nhóm có lợi ích đặc biệt thành lập các tổ chức phi chính phủ.

* Phe chỉ trích phong trào từ thiện

Một số người mang đầu óc hoài nghi, đã nhìn hành động làm việc thiện theo chiều hướng bi quan, chỉ trích. Trên Aspenbaker blog ngày 21-6-2010, người ta đọc thấy những đoạn văn mang đầy vẻ hoài nghi châm biếm. Tác giả cho rằng ông ta cũng đứng đầu một tổ chức từ thiện vô vị lợi, rất thành thạo trong việc gây quỹ. Ông đưa ra một nhận xét khá độc đáo và bất ngờ: đa số ngân khoản quyên tặng cho các hội từ thiện vô vị lợi, không phải từ các nhà giàu có, mà chính từ… các người nghèo.
Chính Stacy Palmer, chủ bút tạp chí Chronicle of Philanthropy đã viết như sau: Đa số ngân khoản do các hội từ thiện quyên góp được đều do người nghèo đóng góp, mặc dù họ chỉ có thể hiến tặng 5, 10 hoặc cùng lắm là 50 Mỹ kim, nhưng chính những số tiền nhỏ nhoi này đã làm nên ngân khoản lớn lao cho các tổ chức vô vị lợi. Trong danh sách các mạnh thường quân hào phóng nhất trên tạp chí Chronicle, chỉ có tên 17 người (trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ).
Tác giả blog này suy luận như sau: Sở dĩ hiện nay một số tổ chức từ thiện ra đời, vì từ nhiều thập kỷ nay, một số người Mỹ giàu có đã tìm ra giải pháp để bớt bị đóng thuế, bằng cách lập ra các cơ sở từ thiện tư nhân, biến thành nơi giảm thuế (tax shelter) đánh vào tài sản họ tại Hoa Kỳ. Họ đưa tài sản vào các tổ chức từ thiện này, với những luật lệ quy định riêng để bảo vệ tài sản cho họ, với một hình thức hợp pháp.
Thí dụ như, thay vì một nhà tỷ phú phải trả 1 triệu Mỹ kim tiền thuế, nhà tỷ phú từ thiện này bèn bỏ 1 triệu đó vào cơ sở từ thiện của riêng cá nhân ông ta, và theo những quy định luật lệ riêng, ông ta chỉ cần bỏ ra một tỷ lệ rất nhỏ chừng 5% để làm việc từ thiện hàng năm. Do đó, với cơ sở từ thiện này làm bình phong, ông ta có thể cứ tích lũy và phát triển tài sản của mình ngày một to lớn, mà không bị đóng thuế.
Hậu quả là thay vì chính phủ thu được 1 triệu Mỹ kim để lo cho giáo dục, y tế của toàn dân, v.v., thì nay chỉ có 50.000 Mỹ kim để làm ghế ngồi tại công viên thôi; thay vì có hẳn số tiền 1 triệu Mỹ kim lo cho người già cả, nay lại chỉ còn 50.000 Mỹ kim để tổ chức một tiệc rượu cocktail cho viện bảo tàng mà ông ta ưa thích…

* Những di sản để lại bằng chúc thư lớn nhất

+ Tỷ phú Warren Buffett để lại 31 tỷ Mỹ kim cho tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation.
+ Ông Chuck Feeny để lại 8 tỷ Anh kim cho tổ chức Atlantic Philanthropies.
+ Năm 1901, ông vua thép Andrew Carnegie để lại 350 triệu Mỹ kim (theo thời giá hiện nay là 7 tỷ Mỹ kim), phân phối cho các tổ chức từ thiện.
+ Các giám đốc của tạp chí Reader’s Digest để lại 424 triệu Mỹ kim cho Viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art.
+ Năm 2003, Joan B. Kroc để lại 200 triệu Mỹ kim cho National Public Radio.
+ Từ 1913-1914, vua dầu hỏa John D. Rockfeller để lại 100 triệu Mỹ kim cho tổ chức từ thiện Rockfeller Foundation.
+ Henry và Betty Rowan để lại 100 triệu Mỹ kim cho trường đại học Glassboro State College.
source
VienDongDaily