Monday 12 December 2011

Nỗi khổ của Thủ tướng Anh và miếng da lừa châu Âu


Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-12-12, 17:06

Bình luận (0)

Làm thủ tướng một cường quốc lớn tại châu Âu như ông David Cameron cũng có lúc phải thốt lên 'Không thể chịu được nữa'.


Tổng thống Pháp né tránh, không bắt bàn tay chìa ra của Thủ tướng Anh

Ông Nicolas Sakozy không bắt tay ông David Cameron đêm 9/12 tại Brussels

Tôi xin kể lại chuyện đi đàm phán "một đêm lịch sử" của thủ tướng Anh để các bạn thấy chốn cao sang cũng có cảnh bức bối vì cơn sóng gió tiền tệ.

Một ngày trắc trở

Chiều thứ Năm tuần qua, ông Cameron còn kịp đến trường của con trai xem diễn kịch Giáng Sinh.

Sau đó, ông bay từ một căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh (RFA) sang Brussels phó hội.

Chuyến bay rung bần bật vì gió bão bất thường, và vì phi cơ quá nhỏ, chỉ chở đủ ông Cameron và 4-5 cộng sự thân tín nhất.

Ông đến Brussels lúc chập tối và lao ngay vào cuộc gặp với tân Thủ tướng Ý, Mario Monti, rồi nói chuyện trước hội nghị EU với lãnh đạo Anh và Pháp.

Tại đây, theo tường thuật của báo chí, ông Cameron đã vấp ngay phải thái độ lạnh lùng, thậm chí thù địch của Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy.

Mới nêu ra đòi hỏi khiêm tốn là bảo vệ Thị trường tài chính City of London hiện đem lại 10% GDP cho Anh và là cầu nối về tài chính giữa châu Âu với các quốc gia tiếng Anh trên thế giới, gồm cả Mỹ, ông Cameron bị chỉ trích thẳng mặt.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, người nắm hầu bao to nhất cho mọi dự án cứu euro, bác bỏ một giải pháp riêng cho Anh nhưng Pháp thì tệ hơn, lập tức tung ra trò bắn tin cho nhà báo.

Thủ tướng Anh bước vào hội nghị lãnh đạo EU lúc nửa đêm trong bầu không khí nồng nặc cả các lời phỉ báng.

Một quan chức phái đoàn Pháp chế nhạo với báo chí rằng ông Cameron như kẻ "đến hội đổi vợ mà không mang theo vợ".

Nếu bạn chưa biết thì xin ghi nhận 'wife swapping club" là trò chơi các cặp vợ chồng dẫn nhau đến câu lạc bộ yêu đương tự do, "tôi với vợ anh, anh với vợ tôi".

Quan chức Pháp công kích thô (bỉ) như thế tại một hội nghị cao cấp của EU nên chẳng trách đa phần dư luận Anh đầu tuần này ủng hộ quyết định rời xa Brussels của Thủ tướng Cameron.

Đi quanh trong phòng hội nghị giờ nghỉ, có lúc ông Cameron muốn bắt tay ông Sarkozy thì bị ông kia quay đi.

Hết hội nghị, ông Cameron tình cờ gặp nữ thủ tướng Đức trong thang máy và trao đổi mấy câu không nồng ấm nhưng cũng không căng thẳng.

Cao điểm của câu chuyện là khi thang máy xuống tới lầu dưới, ông Cameron chỉ vừa kịp bước ra thì đã thấy ngay ông Sarkozy họp báo tố cáo Anh là ích kỷ, là cản trở kế hoạch cứu euro.

Mới hôm nào thôi chính ông Sarkozy còn sang Anh để cảm ơn BBC và nước Anh đã giúp Tướng Charles de Gaulle thời kháng chiến chống Đức.

Tôi có được mời dự đoàn đi đón ông ta và cô vợ tại trụ sở phía Tây của BBC và nghe ông Sarkozy say sưa ca ngợi tình thân London - Paris, gọi là 'entente cordiale' - liên minh từ tâm mà ra.

Nhưng tới giờ thì ôi thôi, tình hữu nghị Anh - Pháp nay còn đâu.

Tất cả cũng chỉ vì tranh cãi nhau quanh đồng tiền euro mà Pháp thực ra cũng chẳng có nhiều, và Anh thì từ xưa đã không muốn vào.

David Cameron

Thủ tướng Anh đơn độc tại hội nghị của EU nhưng nói ông 'bảo vệ quyền lợi quốc gia'

Người ta tin rằng ông Sarkozy muốn đẩy ông Cameron nhằm 'giành chỗ' cạnh bà Merkel.
Nắm trong tay cả đội quan chức EU đa số là người Pháp, hoặc thân Pháp nên có chuyện gì thì Paris dễ bề chỉ đạo, miễn sao Berlin chịu mở hầu bao.

Dự án châu Âu đi từ Thị trường chung sang Tiền tệ chung và logic tiếp theo phải là Quyền lực chung.

Khủng hoảng EU một phần cũng vì đồng tiền thì chung như lại vẫn nhiều chủ quyền quốc gia khác nhau (one currency, many sovereignties).

Pháp và Đức thúc đẩy liên minh chặt hơn là đúng chiến lược nhưng cách làm thì thật nhiêu khê và chưa chắc đã thực hiện được.

Và Anh Quốc từ xưa với lý do lịch sử, pháp luật và thương mại, chưa bao giờ thực sự muốn là một phần của dự án đó.

Co kéo quẩn quanh

Số phận đồng euro khiến tôi nhớ lại chuyện "Miếng Da Lừa" của văn hào Pháp Honore de Balzac.

Nó giúp nhân vật Raphaël đạt được giàu sang, quyền lực nhưng càng đòi thì da càng ngắn lại.

Khuôn khổ của miếng da lừa đi ngược chiều với ham muốn hạnh phúc của người chủ.

Sức mạnh kinh tế của châu Âu và đồng euro cũng thế, có ít thì làm sao đủ chia ra cưu mang Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang nợ đầm đìa?

Kể từ năm 1973, khi Anh quyết định vào EU, và qua thời Bà Đầm Sắt Margaret Thatcher, chưa lãnh đạo Anh nào dám thẳng thừng phủ quyết một hiệp ước tiền tệ (chưa có) của châu Âu.

Một số báo trung hữu Anh nay nói quan hệ với EU đã vào thời ly thân tuy chưa ly dị và Anh nên bỏ qua Brussels, tự tin với truyền thống dấn thân qua các đại dương, hướng ra châu Á, sang Nam Mỹ để tìm kiếm tăng trưởng.

Xét ông Cameron đúng hay sai còn tùy vào tình hình tới đây tại khu vực euro.

Nhưng một châu Âu già đi, đông quan chức, nhiều thuế má, nặng gánh phúc lợi xã hội mà vẫn cứ nhiều hội họp hướng nội, ít nhìn ra ngoài thì không hiểu lối thoát sẽ đến từ đâu?

Miếng da lừa này chắc sẽ còn co lại vì ai cũng đòi được phần sung sướng mà chẳng chịu hy sinh.

Ông Cameron ít ra cũng đáng được khen vì tỏ thái độ không thể chơi mãi cuộc kéo co đó.
source
BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment