Monday 9 April 2012

Ông chồng phi công đột quỵ chết, vợ 80 tuổi lái phi cơ hạ cánh an toàn


Cập nhật lúc: 4/8/2012 12:44:23 AM
Ông chồng phi công đột quỵ chết, vợ 80 tuổi lái phi cơ hạ cánh an toàn

Helen Collins từng học vài bài học lái cơ bản về hạ cánh và cất cánh cách đây 30 năm. Photo courtesy: BBC

Một phụ nữ người Mỹ, 80 tuổi, với rất ít kinh nghiệm lái phi cơ vừa thực hiện thao tác hạ cánh khẩn cấp tại Wisconsin sau khi người chồng phi công của bà bị đột quỵ và qua đời trên máy bay.

Bà Helen Collins vẫn rất bình tĩnh khi bà hạ cánh chiếc phi cơ Cessna loại nhỏ xuống sân bay Cherryland mặc dù bà biết chồng bà đã qua đời.

Bà từng học một vài bài học lái cơ bản về cất cánh và hạ cánh từ cách đây 30 năm, con trai bà nói với hãng tin AP.

Ông James Collins, cũng là một phi công được đào tạo, đã qua radio chỉ dẫn mẹ hạ cánh.

Bà Collins và chồng bà, ông John Collins, 81 tuổi, đang trên đường trở về nhà từ nhà nghỉ của họ tại Florida sau kỳ nghỉ khi ông bị trụy tim trên buồng lái.

Bà đã gọi cho cảnh sát và phi công địa phương Robert Vuksanovic đã cất cánh trên một chiếc phi cơ nhỏ khác để tìm cách chỉ dẫn cho bà hạ cánh chiếc Cessna.

Chiếc phi cơ gần như đã cạn nhiên liệu khi bà hạ cánh an toàn tại một sân bay nhỏ ở Vịnh Sturgeon và chỉ còn một động cơ làm việc.

Nó trượt đi trên đường băng khoảng 305 mét trước khi dừng hẳn lại.

"Mẹ tôi bình tĩnh hơn tất cả mọi người khác dưới mặt đất. Bà hoàn toàn làm chủ chiếc phi cơ," James Collins nói với AP.

"Điều kỳ diệu là bà hạ cánh chỉ với một động cơ - tôi không biết liệu nhiều phi công được đào tạo có thể làm được điều đó hay không."

"Tôi biết là cha tôi đã mất, tôi không muốn mất nốt mẹ mình. Suýt thì có thể mất cả hai người một lúc."

Một người dân địa phương, ông Torry Lautenbach, đã theo dõi chiếc Cessna hạ cánh và ước tính bà Collins đã nay lượn vòng quanh sân bay khoảng 10 lần.

"Bà đã thực hiện thao tác hạ cánh thật tuyệt. Thật đáng kinh ngạc. Chiếc phi cơ chỉ bị nhảy lên một lần, và sau đó đáp xuống và trượt trên dường băng."

Bà Collins được đưa tới bệnh viện vì bị thương ở lưng và sườn nhưng người ta cho là bà sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

Nguồn: BBC

source

TiVi Tuan San

Chuẩn bị thế nào khi du lịch Việt Nam


Chuẩn bị thế nào khi du lịch Việt Nam
Friday, April 06, 2012 3:15:15 PM

Pao Lâm (sưu tầm)

Việt Nam được xem là điểm du lịch giàu tiềm năng và hấp nhất nhất Ðông Nam Á bởi sự đa dạng về các loại hình và dịch vụ du lịch. Ðể có một kỳ nghỉ tuyệt vời tại Việt Nam, những thông tin thực sự hữu ích sẽ giúp quý vị có sự chuẩn bị tốt nhất.

Xích lô là một trong những phương tiện đi ngắm cảnh tại Việt Nam. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

“Vietnam Visa”

Ngoại trừ công dân của các nước thuộc khu vực Ðông Nam Á, Nhật, Nam Hàn và một số nước thuộc khu vực Bắc Âu như Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Na Uy, Phần Lan, công dân các nước khác khi đến Việt Nam đều phải có visa nhập cảnh.

Sài Gòn, một trong những đô thị thu hút khách du lịch nhất Việt Nam. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Hiện nay, thị thực (visa) vào Việt Nam đều được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng bằng nhiều cách khác nhau. Quý vị có thể nộp hồ sơ xin visa tại đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại hoặc có thể nộp visa online và nhận visa tại phi cảng quốc tế (Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất) khi đến Việt Nam với tên gọi quen thuộc “Vietnam Visa on Arrival”. Thủ tục xin cấp visa vào Việt Nam rất thuận tiện, thanh toán online an toàn. Quý vị có thể truy cập trang web: www.visastovietnam.com để có thêm thông tin chi tiết.

Khí hậu

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới điển hình, có sự phân chia rõ rệt giữa vùng núi phía Bắc và vùng sông nước miền Tây Nam bộ, với hai mùa gió chi phối là gió mùa Tây Nam khô nóng và gió mùa Ðông Bắc.

Du khách đi bộ bên Hồ Tây, Hà Nội, trong lúc mờ sương. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Gió mùa Tây Nam bắt đầu từ Tháng Năm đến Tháng Mười hàng năm, mang hơi nóng và những cơn bão đến các tỉnh vùng biển từ Hạ Long đến Nha Trang. Nhiệt độ trung bình của những tháng Hè này là 33 độ.

Gió mùa Ðông Bắc kéo dài từ Tháng Mười Một đến Tháng Tư hàng năm, tạo ra một thời tiết khô và tương đối ổn định khắp nước. Từ Tháng Mười đến Tháng Mười Hai được xem là Mùa Thu ở miền Bắc với không khí trong lành, nắng vàng, khô và se lạnh. Mùa Ðông ở miền Bắc bắt đầu từ khoảng cuối Tháng Mười Hai đến Tháng Ba, mang đến cho Hà Nội thời tiết lạnh, nhiều mây, phảng phất thoáng buồn lãng mạn với nhiệt độ trung bình 12 độ. Ở những vùng núi cao như Sapa nhiệt độ còn thấp hơn nữa (khoảng 3-5 độ) và đôi khi còn xuất hiện tuyết trên những dãy núi. Miền Nam không có Mùa Ðông, nhiệt độ trung bình là 28 độ với những ngày khô nắng.

Một trung tâm thương mại tại Sài Gòn. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Do Mùa Hè (từ Tháng Năm đến Tháng Chín) tại Việt Nam khá oi bức, rơi vào các tháng nghỉ Hè của học sinh nên là mùa cao điểm của du lịch nội địa. Từ Tháng Mười đến Tháng Tư là mùa cao điểm của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Nếu không e ngại cái oi nắng của ngày Hè, du khách có thể lựa chọn đi du lịch Việt Nam từ Tháng Năm đến Tháng Chín để được hưởng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn từ các khách sạn lớn.

Lụa tơ tằm, một sản phẩm khách du lịch nước ngoài rất thích. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Nếu muốn tận hưởng không khí mát mẻ và rực rỡ nắng vàng thì khoảng thời gian từ Tháng Mười đến Tháng Mười Hai và từ Tháng Hai đến Tháng Tư là thời điểm lý tưởng để du lịch.

Mua sắm

Ở Việt Nam, đa số người dân vẫn quen với việc mua sắm tại chợ và các cửa hàng trên các dãy phố chuyên biệt hơn là mua sắm tại các trung tâm thương mại. Những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Ðà Nẵng có các trung tâm thương mại lớn như Parkson, Tràng Tiền Plaza, Vincom Center. Tuy nhiên, chất lượng tại những khu mua sắm lớn thiếu bảo đảm thương hiệu, giá cả lại khá cao.

Một chiếc xe xích lô trên bãi biển. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Tại miền Bắc, du khách có thể mua hàng lụa tơ tằm tại làng lụa Vạn Phúc, hoặc phố hàng Ngang, hàng Ðào, hàng gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng, trang sức Ngọc Trai tại Hạ Long, hàng thủ công mỹ nghệ tại Hoa Lư, Ninh Bình, mua sắm trang sức vàng bạc tại Ruby Plaza, giầy dép tại phố Hàng Dầu, Cầu Gỗ. Du khách cũng có thể dạo chợ đêm Hà Nội để mua hàng giảm giá hoặc lựa chọn mua sắm tại chợ Ðồng Xuân. Tuy nhiên, chợ Ðồng Xuân chủ yếu bán sỉ (bán buôn).

Ðến miền Trung, du khách có thể mua một vài bộ quần áo ưng ý. Hội An nổi tiếng là nơi có những thợ may tay nghề chuyên nghiệp, dịch vụ nhanh chóng (may đồ lấy trong vòng một ngày), chất lượng rất tốt mà giá cả lại rất hợp lý. Du khách sẽ thoải mái mua sắm những sản phẩm, trang sức bằng đá cẩm thạch tại Ngũ Hành Sơn.

Sài Gòn là trung tâm mua sắm lớn nhất cả nước, du khách có thể mua “mọi thứ” tại chợ Bến Thành và những con phố lân cận hoặc đến khu “chợ cao cấp” Saigon Square với mức giá phải chăng. Sang trọng hơn, du khách có thể dạo chơi và mua sắm tại Diamond Plaza, thương xá Tax, Parkson Saigon, hoặc mua sắm và thưởng thức những món ăn đặc sắc tại Zen Plaza. Phải nhớ luôn trả giá khi mua sắm tại các khu chợ.

Phương tiện

Tuy chưa thực sự phát triển, nhưng các loại hình phương tiện giao thông tại Việt Nam khá đa dạng.

Ðến Hà Nội, dùng xe điện (cart) hoặc xích lô đi thăm phố cổ là lý tưởng, dạo bộ ở đô thị cổ Hội An, chạy xe gắn máy loanh quanh Huế cổ kính.

Xe taxi phổ biến ở các thành phố và thị trấn. Tuy nhiên, có nhiều hãng xe và chất lượng xe và tài xế không đồng đều. Vì vậy, du khách thường sử dụng xe taxi của những hãng xe có uy tín và luôn sử dụng bản đồ tìm hiểu điểm đến, đường đi trước, để tránh tài xế chạy lòng vòng tính thêm tiền.

Hồ Gươm với Tháp Rùa mờ trong sương, một điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Tàu cao tốc khá phổ biến trong thời gian gần đây tại Việt Nam. Du khách có thể đến đảo Cát Bà từ Hải Phòng, đảo Côn Ðảo từ Vũng Tàu, đảo Phú Quốc từ Rạch Giá, Kiên Giang, bằng tàu cao tốc.

An toàn, tiện nghi với đa dạng nhiều chất lượng để di chuyển lên miền núi, phía Bắc Việt Nam, là giao thông đường sắt. Hệ thống giao thông đường sắt tại Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ 19 nối liền dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam và nối các đồng bằng Sông Hồng với vùng cao Tây Bắc (Sapa) và biên giới Trung Quốc.

Tàu cao tốc là một phương tiện đi lại mà du khách rất thích. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Hiện nay, ở Việt Nam, di chuyển nội địa do 4 hãng hàng không khai thác: Air Mekong, Vietnam Airline, Vietjet Air, Jesta Pacific Airline. Tuy nhiên, Vietnam Airline vẫn chiếm đa số các chặng bay và thị phần. Giá các chặng bay nội địa khá cao và thay đổi với những điều kiện nhất định. Việc đặt và xuất vé nội địa hết sức dễ dàng và đều có thể được thực hiện trên Internet qua các đại lý du lịch.

Ði ngắm cảnh bằng xe chạy điện (cart) là một hình thức mới tại Hà Nội. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

Du khách có thể tham khảo và tìm hiểu thêm về các hình thức và dịch vụ di chuyển tại Việt Nam qua website: www.vietnamairporttransfer.com.

Hành lý

Theo quy định của hãng hàng không Vietnam Airline và nhiều hãng hàng không khác, hành lý cho các chuyến bay được quy định như sau:

Hành lý xách tay:

Các chặng bay quốc tế: Không quá 10kg.

Các chặng bay nội địa: Không quá 7kg.

Hành lý ký gửi:

Các chặng bay quốc tế: Không quá 30kg.

Các chặng bay nội địa: Không quá 20kg.

Quy định tiền mặt được mang theo khi đến Việt Nam như sau:

Số tiền mặt mang vào và ra Việt Nam không phải khai báo là $5,000 (hoặc ngoại tệ khác tương đương giá trị) và 15 triệu VND. Du khách sẽ phải khai báo tại hải quan nếu mang vào Việt Nam số tiền lớn hơn cho phép như nêu trên, nhưng sẽ không phải đóng thuế hay bất kỳ loại chi phí nào. Tuy nhiên, du khách sẽ không được phép mang theo số tiền mặt lớn hơn nêu trên ra khỏi Việt Nam.

Trong hành lý đến Việt Nam, du khách nên mang theo máy ảnh, máy quay phim, sổ và bút, quyển sách ưa thích để sử dụng khi phải đợi chờ ở phi trường. Cái dù gọn gàng hoặc chiếc áo khoác chống nước sẽ giúp du khách thoải mái dạo chơi dưới mọi thời tiết. Ðặc biệt, du khách nên mang theo một cái túi với những loại thuốc cần thiết để đề phòng rủi ro (medical kit).

Tiền “tip”

Thưởng tiền cho nhân viên phục vụ là điều nên làm khi du khách sử dụng dịch vụ với sự phục vụ tận tình của nhân viên. Mức tiền “tip” thông thường cho nhân viên phục vụ bàn, bar, bell... là từ $2, với tài xế là từ $5 đến $10/ngày/nhóm, với hướng dẫn viên là khoảng từ $10-$20/ngày/nhóm. Tiền cho nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng người trong nhóm (trung bình khoảng $2/người/ngày), thái độ phục vụ của nhân viên và dịch vụ du khách sử dụng.


CIAO TRAVEL

Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam

Tel: 84-4-39290270; Fax: 84-4-39290271

E-mail: info@ciaotravel.vn

Website: www.ciaotravels.com

source
Nguoi-Viet Online

Tìm việc theo từng vòng xe

Ngày 17.02.2012, 08:07 (GMT+7)

Tìm việc theo từng vòng xe

SGTT.VN - Huỳnh Ngọc Thành, 22 tuổi, tân cử nhân đại học Tài chính marketing TP.HCM đã đạp xe suốt một ngày trời trên các đường phố Sài Gòn để “tự tiếp thị” mình, mong tìm được một công việc trong tình hình ngành chứng khoán đang rất khó khăn.

Trong lúc 105 công ty chứng khoán đang phải giải bài toán làm sao tồn tại, thì cơ hội có việc làm cho người mới tốt nghiệp trong ngành có vẻ hẹp hơn. Ảnh: Vĩnh Nguyên

“Tôi cần một công việc. Tôi có bằng đại học ngành tài chính ngân hàng, có các chứng chỉ UBCKNN (uỷ ban Chứng khoán Nhà nước); biết lập trình MATLAB, C++, VBA for EXCEL. Liên hệ: ...” Bằng chính nét chữ của người tự giới thiệu, những nội dung trên được ghi vào hai tấm giấy carton gắn vào mặt trước ghi đông và mặt yên sau xe đạp để người đi đường có thể đọc được.

“Tôi ra trường vào tháng 7.2011. Từ đó đến nay đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng vẫn chưa được gọi. Có công ty đăng quảng cáo trên mạng nhưng đến nơi lại gặp môi giới đa cấp, phải đóng 100.000 đồng nhưng vẫn không có việc. Có nơi gọi phỏng vấn nhưng chưa thấy trả lời. Không thể nằm chờ mãi, tôi đã chọn hình thức tự tiếp thị cá nhân thế này để mong có nhà tuyển dụng nào đó tình cờ để mắt đến”, Thành quệt mồ hôi trán, nói.

Suốt bốn năm học ngành tài chính ngân hàng, chàng sinh viên quê Cam Ranh có khuôn mặt sáng sủa này tự hào vì gia tài cuối cùng là một tủ sách chuyên ngành mà anh mày mò nghiên cứu photo được từ các thư viện. “Kiếm được bao nhiêu tiền từ nghề gia sư, tôi dành đổ xăng để lặn vào các kho sách thư viện đại học Khoa học tự nhiên, đại học Bách khoa, đại học Sư phạm kỹ thuật và nhóm thư viện làng đại học ở Thủ Đức để nghiên cứu. Tôi học thêm các phần mềm lập trình, kiểm toán, phân tích dữ liệu, báo cáo để làm chủ kiến thức chuyên môn trong chương trình học”, chàng cử nhân trẻ say sưa nói về các đầu sách kinh tế lượng, các phương pháp chuyên môn thống kê, hồi quy và đa trị dùng cho việc phân tích các chỉ số, báo cáo tài chính ngân hàng. Những kiến thức về kỹ thuật, công cụ, hoặc chứng chỉ của uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hầu hết là do Thành tự tìm hiểu, học thêm vì say mê ngành học. Thành không ngại ngần bày tỏ ước mơ một thời là mong có dịp sang Mỹ để có điều kiện nghiên cứu sâu thêm về chuyên ngành tài chính ngân hàng.

Nhưng bài toán đơn giản nhất là kiếm được một việc làm để “tồn tại trong lúc hết tiền trả tiền trọ và chi tiêu hàng ngày”, thì chàng tân cử nhân tài chính ngân hàng này lại chưa giải được.

“Nói thật, tôi cũng hết cách mới chọn đến hình thức “tiếp thị bản thân” theo kiểu này. Ban đầu, tôi cũng hơi e ngại, mặc cảm lắm. Chiến thắng được sự mặc cảm đó để bắt tay làm quả thật rất khó khăn”. Thành cũng cho biết thêm, anh đã suy nghĩ nhiều khi chọn lựa đi bằng xe đạp hay xe máy: “Xe máy vừa khó làm chủ tốc độ, vừa tốn xăng. Tôi chọn đi xe đạp sẽ gây sự chú ý cho mọi người, vì tốc độ vừa phải, người ta có thể đọc thấy kỹ thông tin, số điện thoại để nếu cần thì liên lạc”.

Trong giỏ xe của Huỳnh Ngọc Thành, còn có một tập hồ sơ, là bản photo văn bằng, chứng chỉ cần thiết để nếu có người quan tâm, sẽ cung cấp tận tay. “Nếu tôi không có khả năng thì chắc chắn cũng không dám chọn hình thức “tự giới thiệu” thế này đâu. Thật tình tự tin vào khả năng có thể đáp ứng tốt nhất về lao động ở chuyên ngành mình được đào tạo”, Thành khẳng định.

Hiện tại Thành đang thuê phòng trọ ở chung với cậu em trai làm ngành bất động sản, cũng đang gặp khó khăn. Người mẹ già 70 tuổi ở quê nhà thì không còn khả năng để lao động, nên: “Ra trường, bằng mọi cách, tôi chỉ mong sớm có việc để tự lo và giúp người thân. Nếu lúc này có ai kêu tôi làm một nghề gì khác chuyên môn nhưng vẫn trang trải được chi tiêu, thì tôi vẫn sẵn sàng làm”, Thành nói.

Những vòng xe đạp của cậu tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng lại lăn bánh chậm chạp. Trên đường phố đông, nhiều người tò mò về hình thức tiếp thị độc đáo này. Một buổi sáng trôi qua, chưa có cuộc điện thoại bất ngờ nào. Tín hiệu hy vọng hãy còn nằm đâu đó phía trước những dòng người xe vội vàng.

Nguyễn Vinh

source

http://sgtt.vn/Thoi-su/158900/Tim-viec-theo-tung-vong-xe.html