Friday 24 June 2011

Nội tình Trung Quốc bất ổn, biển Đông nổi sóng


Thứ năm 23 Tháng Sáu 2011
Nội tình Trung Quốc bất ổn, biển Đông nổi sóng

Cảnh một chiếc xe cảnh sát bị lật và đốt trong một cuộc nổi dậy của dân chúng, tại một thành phố gần Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), 11/6/2011.
Cảnh một chiếc xe cảnh sát bị lật và đốt trong một cuộc nổi dậy của dân chúng, tại một thành phố gần Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), 11/6/2011.
REUTERS/Stringer
Tú Anh

Quan hệ hại nước láng giềng Việt Nam –Trung Quốc đột ngột căng thẳng. Tại Việt Nam, những cuộc biểu tình tự phát chống chính sách bá quyền xảy ra trong ba ngày chủ nhật liên tiếp. Ngoài biển khơi, tàu hải quân trá hình của Bắc Kinh cũng liên tục tấn công ngư thuyền của Việt Nam, trước khi xâm hại vào tàu thăm dò địa chấn của tập đoàn dầu hỏa nhà nước. Vào lúc Bắc Kinh phô trương sức mạnh ngoài biển Đông, nội tình lại có nhiều rối ren từ kinh tế, xã hội đến chính trị.

Từ sau lời cảnh báo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi tháng ba năm nay, nhân khai mạc khóa họp thường niên quốc hội là « dân chúng đang căm hận chế độ », nội tình tại Trung Quốc ngày càng xấu đi.

Thông tin chính thức xác nhận vật giá tiếp tục đi lên với tỷ lệ lạm phát 6% trong tháng 6 này.

Chỉ trong vòng có vài hôm mà thịt heo tăng đến 4,8% trong khi rau quả ở nhiều địa phương vọt lên 40%.

Để đối phó với tình trạng khan hiếm thực phẩm, Trung Quốc không ngần ngại cho người sang Việt Nam thu mua thịt heo bằng mọi giá.

Thiên tai hạn hán và lũ lụt hoành hành tại 13 tỉnh làm giá lúa mì, giá gạo tăng từ 60% đến 70%. Đời sống người dân khó khăn thêm cộng với nạn tham ô và lạm quyền của bộ máy nhà nước đã gây ra hơn 130 ngàn vụ nổi dậy trong năm ngoái.

Báo chí Tây phương nhận định mô hình « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc » đã phá sản. Mọi thành phần xã hội đang tranh đấu đòi hủy bỏ khẩu hiệu « ổn định xã hội phát triển kinh tế » mà thực chất chỉ là chiêu bài bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số.

Trong thời gian qua, những cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng càng ngày càng mang tính bạo động mà đối tượng tấn công là giới cán bộ chính quyền và lực lượng công an cảnh sát.

Trong khi đó, ngoài biển Đông, Trung Quốc liên tục « nắn gân » các quốc gia láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở phía bắc xuống tận Việt Nam, Philippines ở phía nam với lý do bảo vệ « lãnh hải » kéo dài đến sát cạnh Indonesia.

Thực ra lập luận « đường lưỡi bò » của Bắc Kinh không thuyết phục được công luận quốc tế. Ngay tại Trung Quốc, trong giới trí thức cũng có tiếng nói khác biệt. Giáo sư Chu Phong, khoa bang giao quốc tế, đại học Bắc Kinh gián tiếp chỉ trích đảng Cộng sản Trung Quốc khi nhận định rằng : «không phải chủ trương của bộ chính trị quyết định biển Đông là một bộ phận quyền lợi sinh tử của Trung Quốc , vấn đề là nếu cải chính công khai, thì sẽ tạo ấn tượng là ban lãnh đạo lùi bước với hệ quả là đụng chạm đến tinh thần dân tộc của người Trung Hoa».

Nói cách khác, ban lãnh đạo Trung Quốc làm biển Đông dậy sóng vì, ngoài tham vọng lãnh hải, an nguy chế độ đang bị đe dọa.

Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của giáo sư bang giao quốc tế Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.

«Tình hình Trung Quốc được tiên đoán sẽ mất ổn định, trước cuộc chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ tư sang thế hệ thứ năm vào năm 2012 ...»

Giáo sư Lê Đình Thông (Paris)

TRUNG QUỐC - XÃ HỘI -
Bài đăng : Thứ sáu 24 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 24 Tháng Sáu 2011

Trung Quốc muốn xã hội hài hòa nhưng lòng dân bất hòa
Công nhân tập thể dục tại một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, ngày 20/06/2011
Công nhân tập thể dục tại một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, ngày 20/06/2011
REUTERS
Tú Anh

Nhân danh xã hội hài hòa, chính quyền Trung Quốc áp đặt giải pháp thỏa hiệp bên ngoài tòa án. Dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, thẩm phán biến thành trợ lý công an, không dám tố giác sự thật và thi hành pháp luật công minh. Hậu quả là tòa án trở thành cơ quan bù nhìn, còn ở ngoài xã hội, lực lượng dân oan ngày càng đông.

Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân lúc cầm quyền đã đưa ra một chính sách gọi là « xã hội hài hòa » nhằm hóa giải mọi tranh chấp có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy như vụ phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh.

Theo báo mạng Asia News, người hậu thuẫn đường lối này một cách hăng say tại Trung Quốc là chủ tịch Tòa án Tối cao Vương Thắng Tuấn.

Thay vì giải quyết tận gốc những tranh chấp mà phần lớn bắt nguồn từ nạn tham ô, lạm quyền, các tòa án Trung Quốc đề ra giải pháp gọi là « điều giải » tức là « điều đình và hòa giải » bên ngoài tòa án. Tân Hoa Xã gọi đây là sáng kiến phát huy « văn hóa luật pháp truyền thống, chú trọng hài hòa, giảm thiểu bất đồng, chấm dứt xung khắc ».

Thế nhưng, cũng chính nhân vật này, trong một cuộc hội thảo trong giới thẩm phán, mới đây đã phải tỏ ý quan ngại tình trạng xuống dốc thấy rõ của « nhà nước pháp quyền ».

Theo thẩm định chính thức, thì trong năm qua đã xảy ra hơn 180 ngàn vụ bạo loạn trên toàn quốc.

Từ mùa xuân đến nay, chỉ trong vòng ba tháng, Hoa lục đã bị chấn động vì nhiều vụ phản kháng với hình thức thật kinh hoàng, trong đó có sự kiện một nông dân ôm bom tấn công tự sát vào cơ quan công quyền.

Nhiều trường hợp xung đột bạo lực kéo dài giữa dân và lực lượng quân cảnh chống bạo động như ở Nội Mông, Hồ Bắc và Quảng Đông.

Đầu năm 2009, mọi ban ngành gồm cảnh sát, công an, công tố, Đảng và các cơ quan chính phủ đều tham gia vào nỗ lực đạt chỉ tiêu « điều giải » trong khi tòa án lên tuyến đầu phát huy « văn hóa hòa giải ». Theo chủ tịch Tòa án Tối cao, những vụ kiện tụng liên quan đến tranh chấp thương mại được giải quyết « bên ngoài tòa án » ở nhiều tỉnh đã lên đến tỷ lệ 65%. Do vậy, trong năm đó, ông chỉ thị tòa án Trung Quốc đóng vai trò « nâng cao tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao ổn định chính trị xã hội ». Và ông tuyên bố rằng thẩm phán vừa là cán bộ tư pháp vừa là trợ lý xã hội.

Thế nhưng, chính sách đặt thỏa hiệp lên trên luật pháp bị chỉ trích và đã đưa đến hậu quả nguy hiểm.

Cụ thể là hồi tháng Sáu năm nay, trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, cảnh sát và thẩm phán Bắc Kinh đề nghị với thân nhân các sinh viên bị giết chết một số tiền bồi thường, đổi lại sự im lặng vĩnh viễn không đòi xét lại vụ án.

Lập tức, Hiệp hội các bà mẹ Thiên An Môn đã tố cáo chính quyền hối lộ và xúc phạm đến vong linh các sinh viên tranh đấu cho dân chủ.

Trường hợp điển hình thứ hai là vụ tai tiếng sữa nhiễm melamine làm hàng gần 300 ngàn trẻ em lâm bệnh.

Thay vì xử tội thủ phạm và bồi thường cho nạn nhân, chính quyền Trung Quốc đã dùng các biện pháp trấn áp, dọa nạt không cho đưa vấn đề ra pháp đình. Luật sư Triệu Liên Hải bị bắt giam, nhiều cha mẹ nạn nhân bị câu lưu.

Sau nhiều đợt trấn áp bất thành, chính quyền phối hợp với các công ty áp dụng chính sách « « hài hòa » vừa đưa tiền vừa dọa nạt. Cuối cùng 270 000 gia đình nhận 910 triệu nhân dân tệ đền bù, vì không còn cách nào khác khi tòa án không chịu thụ lý hồ sơ kiện tụng.

Khi tòa án không dựa vào luật pháp thì chuyện gì phải tới đã tới. Nhân danh xã hội hài hòa, tòa án Trung Quốc đã tuyên bố bản án 11 năm tù cho nhà dân chủ Lý Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010.

Trong bối cảnh « mùa xuân Ả Rập », cán cân công lý tại Trung Quốc đã mất hết ý nghĩa. Hàng loạt những nhà bất đồng chính kiến với Đảng đột nhiên mất tích như Cao Trí Thịnh hoặc bị truy tố tội « trốn thuế » như Ngải Vị Vị.

Người dân oan chỉ còn đường phố để chống bất công.





source
RFI Vietnamese

Tuesday 21 June 2011

Tàu sân bay Trung Quốc có thể “trình làng” tuần tới


Tàu sân bay Trung Quốc có thể “trình làng” tuần tới

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - được nâng cấp từ con tàu cũ thời Liên Xô - sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên biển trong tuần tới, một tờ báo vừa đưa tin.

Hình ảnh về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Ảnh: silobreaker


Hồi đầu tháng này, ông Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã xác nhận việc nước này đang xây dựng tàu sân bay lớn. Đây là thừa nhận lần đầu tiên về sự tồn tại của con tàu từ chương trình quân sự luôn được giữ kín của Trung Quốc.

Hôm nay (21/6), Nhật báo Thương mại Hong Kong, tờ báo từng công bố thông tin xác nhận làm tàu của ông Trần Bỉnh Đức, đã dẫn nguồn tin quân sự giấu tên nói rằng, tàu sân bay sẽ chạy thử trên biển vào 1/7 nhưng chưa chính thức hạ thuỷ cho tới tháng 10.

Nguồn tin trên nhấn mạnh, việc chạy thử được tăng tốc giữa lúc có nhiều diễn biến căng thẳng trên Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc với bốn quốc gia Đông Nam Á. Theo nguồn tin này, quân đội Trung Quốc “hy vọng con tàu sẽ thể hiện sức mạnh của lực lượng hàng hải trong việc ngăn chặn các quốc gia khác chú ý tới Biển Đông”. Nguồn tin cho biết thêm, lịch trình chạy thử trên biển được chọn lựa để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng nhiều yếu tố như thời tiết có thể ảnh hưởng tới kế hoạch thử nghiệm.

Hiện phía quân đội Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng nào về thông tin mới nói trên.

Theo giới phân tích, con tàu sân bay đang đậu ở cảng Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc là một trong những bí mật khó giữ kín nhất của nước này. PLA – quân đội lớn nhất thế giới – nổi tiếng trong việc giữ bí mật các chương trình quốc phòng.

Con tàu nói trên được xây dựng từ những năm 1980 cho hải quân Liên Xô nhưng chưa bao giờ được hoàn thành. Khi Liên Xô tan rã, tàu Varyag nằm ở xưởng đóng tàu tại Ukraine. Một công ty Trung Quốc có liên quan tới PLA đã mua lại Varyag với lời khẳng định muốn biến con tàu trở thành một sòng bạc nổi tại Macau.

Theo các chuyên gia quân sự, con tàu được cho là sắp hoàn thành và có thể bắt đầu thử nghiệm trên biển vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sau đó nó sẵn sàng đảm nhận sự mệnh của mình. Giới phân tích nhận định, học cách điều hành nó thế nào, rồi máy bay sử dụng trên tàu ra sao sẽ phải mất ít năm nữa.

Hồi đầu tháng khi ông Trần xác nhận tin Trung Quốc làm tàu sân bay, một trợ lý của ông đã cho hay, thậm chí kể cả sau khi tàu sân bay triển khai, thì “chắc chắn nó sẽ không tiến vào vùng lãnh hải của các nước khác”. "Tất cả quốc gia lớn trên thế giới đều có tàu sân bay, chúng là biểu tượng của một nước lớn”, vị này nhấn mạnh.

· Thái An (Theo economictimes)

source

http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/26823/tau-san-bay-trung-quoc-co-the--trinh-lang--tuan-toi.html

Wednesday 15 June 2011

Philippines nhổ các cột trụ của nước ngoài trên vùng quần đảo Trường Sa


PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ tư 15 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 15 Tháng Sáu 2011
Philippines nhổ các cột trụ của nước ngoài trên vùng quần đảo Trường Sa
Biểu tình tại Manila, đối diện với lãnh sự quán Trung Quốc, phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc tại vùng quần đảo Spratly/Trường Sa, 8/6/2011.
Biểu tình tại Manila, đối diện với lãnh sự quán Trung Quốc, phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc tại vùng quần đảo Spratly/Trường Sa, 8/6/2011.
REUTERS/Romeo Ranoco
Anh Vũ

Theo AFP, hôm nay 15/06/2011 Philippines thông báo hải quân của họ đã nhổ những cột trụ “lạ” cắm trên ba dải đá ngầm nằm trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp. Hồi tháng 5, tức là trước khi chính thức lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của mình, Manila đã cho triển khai việc nhổ các cột trụ bằng gỗ như vậy.

Phát ngôn viên hải quân Philippines, ông Omar Tonsay, không nói rõ những cột trụ nói trên là của ai cắm xuống, chỉ giải thích với AFP rằng "những cột trụ này được coi là lạ vì nó không do quân đội hay chính phủ Philippines cắm xuống. Chúng tôi nhổ đi vì những nơi đó thuộc phần lãnh thổ của Philippines".

Gần đây, chính quyền Manila đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc cho dựng chòi canh và phao mốc trong khu vực mà Philippines đòi chủ quyền.

Các cột trụ bị nhổ đi đã được cắm trong vùng quần đảo Trường Sa, xung quanh khu vực có tên gọi Amy Douglas Bank và Red Bank. Đây là các vị trí nằm trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và những nước khác là Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Bất đồng kéo dài về chủ quyền lãnh hải này trong tháng qua đã trở nên căng thẳng hơn khi Philippines và Việt Nam nhận thấy Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến hơn trong các đòi hỏi về chủ quyền lãnh hải trong vùng biển tranh chấp. Trên thực tế, Trung Quốc đã liên tục có những hành động gây hấn trên biển với hai nước này. Philippines lên án Trung Quốc trong vòng 4 tháng qua đã 7 lần xâm phạm lãnh hải và tấn công các tàu cá của Philippines, trong đó có những lần tàu Trung Quốc còn nổ súng vào ngư dân và thường xuyên đe dọa tàu thăm dò dầu khí của Philippines. Trung Quốc cũng thường xuyên có những hành động tương tự đối với Việt Nam.

Căng thẳng tại khu vực Biển Đông đã tăng thêm một mức trong mấy ngày qua, đặc biệt khi tổng thống Benigno Aquino hôm qua tuyên bố Philippines cần có sự giúp đỡ của Mỹ để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

source

RFI Vietnamese

Monday 6 June 2011

Bắc Kinh: khi nhà ở là hầm trú ẩn


Cập nhật: 15:01 GMT - chủ nhật, 5 tháng 6, 2011

Bắc Kinh: khi nhà ở là hầm trú ẩn

Hàng triệu người đã đổ vào thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc từ nông thôn, nhưng với túi tiền ít ỏi không đủ chi trả, một số cuối cùng đã phải tìm cách sống bên dưới lòng đất, như trong các hầm trú ẩn máy bay cũ kỹ, các tầng hầm và đường hầm.

Tại Bắc Kinh, một thành phố to lớn với gần 20 triệu dân, việc tìm kiếm chỗ ở cũng không phải là dễ dàng gì.

Chúng tôi đến một khu căn hộ 20 tầng ở ngoại ô thị trấn, nơi các tuyến tàu điện ngầm dừng bến và các nhà máy điện bề thế bao quát tầm nhìn.

Thế nhưng thay vì đi thang máy lên các căn hộ, chúng tôi bước vào lối đi lắt léo, rồi bước xuống một lối cầu thang tối tăm. Tiếng vọng của bước chân của chính chúng tôi vẳng lại rõ mồn một.

Rồi ở phía trước là một cánh cửa thép dày với hai chiếc bu-lông bắt trên đó. Đây là đầu mối duy nhất cho thấy nơi này là một hầm trú ẩn phòng không cũ. Đây cũng là nơi mà hàng chục người gọi là nhà.

Nhà của họ là một căn phòng nhỏ. Có một giường đơn, mà cả hai ngủ chung, và không gian đủ cho một tủ cực nhỏ có ngăn kéo. Họ dùng chung ba nhà vệ sinh với khoảng 100 người khác sống tại nơi tạm trú.

Martin Patience

Đi bộ dọc theo hành lang tối tăm và tồi tàn, bạn có thể nghe thấy những âm thanh bị bóp nghẹt của cuộc sống.

Chúng tôi đã được sắp xếp để gặp hai phụ nữ trẻ sống tại nơi tạm trú này. Một người là là Li Na Jong, một người cứng cỏi so với tuổi 18 và đang cố gắng tồn tại ở một thành phố khổng lồ.

Li Na đã tìm được việc làm tại một nhà hàng, làm phục vụ bàn, nhưng rồi đã từ bỏ công việc đó và bây giờ đang cố gắng tìm một việc gì khác tốt hơn.

Một đồng nghiệp cũ, Peng Jing, là bạn chung phòng với Li Na. Peng tới từ miền nam Trung Quốc, cô có một giọng nói khàn khàn, vọng quanh các bức tường.

"Nhà" của họ là một căn phòng nhỏ. Có một giường đơn, mà cả hai ngủ chung, và không gian đủ cho một tủ cực nhỏ có ngăn kéo.

Họ dùng chung ba nhà vệ sinh với khoảng 100 người khác sống tại nơi tạm trú.

Tại nơi sinh sống với môi trường bao quanh ẩm ướt này, hai người phụ nữ trả một khoản tiền trị giá khoảng 30 bảng một tháng.

Nếu bạn muốn thuê một chiếc TV, có thể bỏ ra thêm £5. Để có thể thu tín hiệu của truyền hình, sẽ cần mất thêm £1,50 mỗi tháng.

Chẳng ngạc nhiên gì, Li Na cho biết, nơi ở này đang ảnh hưởng tới sức khỏe của cô.

Ít nhất hai lần một ngày, cô rời khỏi căn phòng của mình và đi ra ngoài. Cô thường hít thở bầu không khí và quan sát thành phố. Cuộc sống bình thường ở trên mặt đất.

'Sống như chuột'

Có một chỉ thị năm ngoái rằng những người sống ở các hầm trú ẩn phòng không của thành phố phải di chuyển ra khỏi đó. Nhưng giống như nhiều quyết định trước đó, đã có ít người tuân thủ và thực hiện nó.

Không ai biết chắc có bao nhiêu người đang sống ở các hầm trú ẩn phòng không, các đường hầm và tầng hầm của Bắc Kinh. Họ đôi khi được người ta gọi là "bộ tộc chuột", và những cư dân 'sống như chuột' này có thể lên tới con số một triệu.

Hầu hết số này là dân nhập cư, tràn vào các thành phố của Trung Quốc trong thập kỷ qua, trong một làn sóng đô thị hóa lớn nhất trong lịch sử loài người.

Bị loại ra khỏi các thị trường bất động sản, những người nhập cư sống ngoài vỉa hè của một thành phố đang thay đổi nhanh chóng.

Bắc Kinh chứng kiến tổng dân số tăng hơn sáu triệu người trong thập kỷ qua.

Có lẽ ít cần phải đặt câu hỏi xem liệu nhà chức trách đã xoay xở với một số khó khăn ra sao.

Có một chỉ thị năm ngoái quy định rằng những người sống ở các hầm trú ẩn phòng không của thành phố phải di chuyển ra khỏi đó. Nhưng giống như nhiều quyết định trước đó ở đây, đã có ít người tuân thủ và thực hiện nó.

Chính quyền Trung Quốc nhằm mục tiêu xây dựng 10 triệu đơn vị nhà ở mới với giá phải chăng trên toàn quốc cho năm nay. Trong năm năm tiếp theo, họ hy vọng sẽ tiến hành xây dựng tổng số là 35 triệu nhà ở.

Các con số, như vẫn thấy ở Trung Quốc, thật đáng kinh ngạc.

Những căn hộ chung cư mới sẽ được nhằm vào phục vụ đối tượng là các gia đình nghèo, tầng lớp trung lưu, để họ thuê hoặc mua.

Đó là ý tưởng. Tuy nhiên thành tích thu được không phải là đặc biệt tốt trong quá khứ.

Trước đây, nhiều trong số những ngôi nhà này đã được các quan chức chính phủ hoặc các nhà phát triển bất động sản nắm lấy, rồi sau đó bán đi và thu lợi nhuận rất lớn.

'Ước mơ một ngày'

Tôi nhìn thấy hàng trăm ngôi nhà và cửa sổ và tất nhiên tôi ước mơ rằng một ngày kia, tôi sẽ mua được căn hộ riêng của mình

Li Na

Quay lại căn hầm trú ẩn dưới lòng đất, Li Na và người bạn của cô đang chuẩn bị đi dạo buổi tối.

Li Na say sưa trang điểm - đánh má hồng xong, cô gấp chiếc gương soi lại và đặt nó xuống chỗ có nếp gấp của chiếc nệm giường.

Cứ vài phút qua, cô lặp lại việc đó.

Họ đã không dự kiến làm một điều gì đặc biệt khi đi dạo, bởi vì họ không có nhiều tiền.

Họ có thể sẽ ăn đồ ăn nhẹ và sau đó đi lang thang trên đường phố đến một công viên ở địa phương, nơi mà người già thường tụ tập để khiêu vũ vào buổi tối.

Vì sống dưới hầm ngầm, tất nhiên, bạn không có khái niệm gì về thời tiết bên trên mặt đất.

Tôi không nỡ lòng nào nói cho họ biết là trời đang mưa (một dịp rất hiếm đối với Bắc Kinh) và do đó sẽ không có bất kỳ hoạt động khiêu vũ nào ngoài trời.

Nhưng thậm chí ngay sau đó, tôi nghi ngờ rằng điều đó có thể làm nản lòng họ.

Mặc dù khởi nghiệp từ "tầng đáy sâu", Li Na quyết tâm làm được điều tốt nhất cho cuộc đời của mình.

"Khi tôi ngước nhìn những tòa nhà cao tầng, tôi trông thấy những ánh đèn neon," cô nói với tôi.

"Tôi nhìn thấy hàng trăm ngôi nhà và cửa sổ và tất nhiên tôi ước mơ rằng một ngày kia, tôi sẽ mua được căn hộ riêng của mình."

source

BBC Vietnamese

Wednesday 1 June 2011

Cái thú ngồi quán cà phê


Cái thú ngồi quán cà phê
Cập nhật lúc 8:26:03 PM - 31/05/2011
LAIRAICHUYENDOI_SFW.jpgHoài Mỹ/Viễn Đông
Làm đàn ông mà không biết đến cái thú ngồi quán cà phê, kể như chưa phải là nam giới. Ngày xửa ngày xưa, vì cà phê chưa du nhập Việt Nam nên cổ nhân ta mới chỉ liệt kê được “tứ khoái”, chứ nay thì phải kể thêm cà phê: Ngũ khoái.
Tú Xương, nhà thơ nổi tiếng ăn chơi và chịu chơi (nhưng không bao giờ chịu “chơi chịu”), đã công nhận 3 lạc thú ở đời: “Một trà, một rượu, một đàn bà”. Thuở đó, người Pháp đã đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam rồi, nhưng chắc cà phê chưa kịp được phổ biến nên thi sĩ Tú Xương chưa được thưởng thức “của lạ” này, chứ một khi ông đã nếm mùi, rất có thể hoặc ông đã cho trà ra rìa mà rước cà phê vào thay thế, hoặc ông công kênh cả cà phê vào cho đủ bộ: “Bốn thứ lăng nhăng nó hại ta”. Hơn thế nữa, nhà thơ làng Vị Xuyên vẫn từng vỗ ngực khoe: “Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu - Biết thuốc lá, biết chè Tầu - Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi” mà nếu, đặt thí dụ thời ông đã có quán cà phê, ông không biết ngồi quán cà phê thì, xin lỗi, kẻ hèn này vẫn… chê ông như thường dù từ thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường đã mê thơ của ông còn hơn mê cả “rượu và đàn bà” - hay nói đúng hơn, phận hậu sinh này vẫn tiếc hùi hụi cho ông, bởi ông “chết xuống âm phủ, biết có hay không”.
Vâng, khó mà diễn tả hết được, trọn vẹn được cái thú ngồi quán cà phê. Phải đích thân sống thực với “sự cố” này mới mong cảm nhận được đầy đủ. Bài viết này sức mấy mà dám vênh mặt tự nhận là chứa đựng mọi khía cạnh. “Không dám đâu”! Đã có nhiều tác giả, thi sĩ có, văn sĩ có, viết về cái việc “sống ở trên đời, hưởng thú cà phê”, rất hay, đọc khoái lắm, “phê” lắm, nhưng vẫn thiếu… làm sao í. Khó nói! Sự “thiếu” này hoàn toàn không phải do người viết kém tài, nhưng thật sự bởi đó là thứ kinh nghiệm cá nhân. Nói cách khác, mỗi người mê ngồi quán cà phê có thể cảm nhận cái thú một cách khác nhau, hoặc cũng có thể cảm nhận giống nhau nhưng diễn tả lại không y như nhau.
Trước “Tháng Tư ...” 1975, kẻ hèn này tuy đã chập chững bước vào lứa tuổi trung niên, nhưng vẫn không xuống thang mức độ ngồi quán cà phê. Ngồi hàng ngày. Một ngày tối thiểu cũng hai cữ, sáng sớm và xế trưa. Tính ra từ thuở bắt đầu biết ngồi quán cà phê cho tới nay - kể cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại - số thâm niên ngồi quán cũng dư điều kiện để được ghi vào bản “cáo phó” là “hưởng thọ” chứ không đến nỗi chỉ “hưởng dương”. 60 năm hay 21.900 ngày; mỗi ngày trung bình 2 lần uống, vị chi 43.800 tách cà phê. Không kể những lần “cơm nhà, cà phê vợ”. Hãy tưởng tượng, 43.800 tách cà phê tức là 43.800 lần “sướng”. Đời như vậy còn đòi gì nữa, phải vậy không ạ? Bởi thế, kẻ hèn này đã tự coi như thể mình đã “phiêu diêu miền cực lạc” rồi, chẳng còn phải chờ đợi hay ao ước gì nữa.
Nhớ lại thuở còn là học sinh trung học rồi sinh viên, kẻ hèn này rất hiếm khi có tiền trong túi - nhưng ngày nào cũng vòi mẹ cho bằng được mấy chục, lại khều thằng bạn thân (nó còn “rách” thảm thương hơn mình) ra ngồi quán cà phê vệ đường, rất nhiều khi “làm học trò không sách cầm tay - có tâm sự đi nói cùng… chất đắng”. Người ta vẫn gọi các quán cà phê ở vỉa hè là cà phê “bí tất” hay “cà phế dzớ”. Nghèo thật, nhưng không có nghĩa là cà phê dở, nhiều quán đã từng giữ chân biết bao dân ghiền, gây mê cho biết bao khách thập phương. Những quán cà phê ở đường Duy Tân chẳng hạn, dưới các gốc me bốn mùa xanh um bóng lá, có bao giờ vắng người sành điệu đâu. Chỉ một cái bàn thấp tè với mấy chiếc ghế lùn tịt. Gọi là “bàn” và “ghế” cho oai thôi, thật sự chỉ là cái thùng gỗ vốn cũ kỹ đến độ không ai còn biết nó mầu gì. Khách quen thì chẳng cần gọi, cứ “vô tư” tự kiếm chỗ mà ngồi. Bà hay cô chủ quán đã nhẵn mặt, tự động mang cà phê đến mời. Chủ, khách quen nhau đến độ coi nhau như người nhà, đã có “cuốn sổ” làm trung gian. Một ly cà phê với hai điếu thuốc lá, kể như cuộc đời đã lên hương. Thiên đàng là đây rồi vậy.
Trong khi đó, các văn nhân thi sĩ vẫn thường ngồi uống cà phê trong các quán sang trọng có máy lạnh, như La Pagode, Givral… ở đường Lê Lợi, Tự Do. Thỉnh thoảng đi ngang, thấy các “ngài”, kẻ hèn này cũng ao ước được ngồi ung dung trên ghế có nệm da với ly cà phê đặt trên chiếc bàn mặt kính. Nhưng khi tiền rủng rỉnh rồi, bèn thực hiện “giấc mơ”, mới chợt nhận ra “sự thật phũ phàng”. Quang cảnh tráng lệ không làm cho cà phê ngon hơn, nhất là chưa kịp cạn tách cà phê thì bồi bàn trong bộ đồng phục quần đen, áo mầu “bọc-đô” đã nhanh nhẹn… vồ lấy mang đi. Thôi đành trở lại chốn cũ: Cà phê vỉa hè muôn năm!
Thế nhưng, loại quán tự xưng “cà phê xa lộ” trước 75 kể như “lọt sổ”, chẳng khác gì hình thức “cà phê ôm” hiện nay ở Việt Nam. Đố ai có can đảm để gọi những “khách” vào các quán này là người biết uống, biết thưởng thức cà phê.
Uống cà phê cũng gần như uống rượu. Mà uống rượu theo thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, “rượu ngon phải có bạn hiền”. Nhưng theo nhà thơ núi Tản, sông Đà này, một khi đã có hai thứ đó rồi mà chỗ ngồi uống rượu không thú vị, vẫn chưa ngon. Trường hợp hội đủ 3 tiêu chuẩn vừa kể mà mồi dở thì cũng “công lao công cốc”. Uống cà phê, theo ngu ý, chỉ cần có bạn hiền, cà phê ngon và chỗ ngồi. Kẻ hèn này chúa “ghét” những ai vừa uống cà phê lại vừa nhai kèm bánh ngọt hay bánh mì.
- Chọn “bạn cà phê” tương đối khó hơn so với “bạn rượu”. Dĩ nhiên cả “hai bạn” phải tâm đầu ý hiệp với mình, nhưng “bạn cà phê” không thể là thứ ồn ào, chuyên nghiệp “đao to búa lớn”. Trong khi “bạn rượu” càng cười to nói lớn, càng vui, nhưng “bạn cà phê” trái lại, chỉ cần nhiều “bầu” tâm sự buồn để thủ thỉ. Yếm thế, thất tình, say văn thơ… đều là những “chất liệu” quí báu và thích hợp với những tách cà phê đen, thơm ngào ngạt, tỏa khói.
“Bạn cà phê” tuyệt đại đa số là nam. Quá hiếm trường hợp một đấng nam nhi dắt bồ mình vào quán cà phê, trừ khi quán này còn bán cả chè thạch, sinh tố. Nếu xẩy ra, hoặc gã này thuộc loại lẩm cẩm, hoặc không thuộc loại biết uống cà phê (chưa xứng đáng được mang danh hiệu “ghiền”), hoặc nghèo. Có khi gồm cả 3 “đặc điểm” ấy.
- Cà phê ngon: Lẽ ra đây phải là điều kiện tiên khởi, nhưng mục này rất phức tạp để bàn thảo. Đối với kẻ hèn này, một tách cà phê ngon đương nhiên phải thơm, nguyên chất, phải đậm đà và thật nóng. Cà phê ngon mà tuôn đầy sữa vào - hỏng! Cà phê ngon mà đổ cả đống đường vào - hỏng! Cà phê ngon mà phải “sống chung” với đá cục hay đá dậm - cũng hỏng! Kẻ hèn này mà đồng hành với “bạn cà phê” nào mà chưa kịp đặt bàn tọa xuống mặt ghế đã vội gọi như vỡ chợ: “Cho ly cà phê đá” - hay: “Một ly cà phê nóng, nhưng nhiều sữa, nhé” - hoặc anh dũng kêu một ly cà phê “phối hợp nghệ thuật”, tưởng gì, hóa ra “cà phê sữa đá”, thì lần sau có cho vàng, cũng không đi cùng.
- Chỗ ngồi, tức là quán cà phê. Quá ư quan trọng! Vào một nhà hàng, sau khi thanh toán một tô phở “xe lửa” hay tô mì “king size”, tô hủ tiếu “vĩ đại” rồi kết thúc “chiến trường” bằng một ly cà phê thì kể như “hỏng cuộc đời”. Dù cà phê ngon mà chỗ uống không thích hợp, vẫn hiển nhiên không ngon. Theo ngu ý của kẻ hèn này, quán càng “thuần túy”, cà phê càng dễ tuyệt vời. Loại quán chỉ bán duy nhất cà phê mà thôi, ở xứ Cờ Hoa xô bồ này dường như hiếm có vô cùng, thiết tưởng chỉ có nhiều ở Paris, trên bờ sông Seine hay khu St. Germain-des-Prés, hoặc ở Rome, thủ đô nước Ý. Tại những thành phố này, tuy vừa đứng vừa thưởng thức cà phê, nhưng đa số là những quán “cóc” chính hiệu và nhất là khách uống toàn là những tay ghiền cà phê “có bằng cấp” nên… đã lắm!
Quán cà phê lý tưởng không thể ồn ào, không thể có thứ ánh sáng lúc nào cũng giống những buổi trưa hè “trời hồng hồng, nắng trong trong”, thêm vào đó, nhạc mở đinh tai nhức óc. “Bạn cà phê” muốn tâm sự với nhau, cứ phải nhổm người lên, dí mặt sát nhau rồi thi đua cùng hét. Cảnh tượng giống hai thằng điếc đang… nói chuyện.
Dân uống cà phê “thứ thiệt” thích vào một cái quán có ánh đèn dìu nhẹ, nhạc thính phòng êm dịu, không khí gây cảm tưởng ấm áp. Nếu quán lại có một cô chủ duyên dáng và dịu dàng nữa thì, thú thật, có lấy chổi chà quét khách đi, khách ghiền vẫn lại… lù lù tới.
Nhân nói về quán, kẻ hèn này mạn phép giới thiệu không công với quí độc giả một vài quán cà phê ở Âu Châu mà trước đây các danh nhân đã từng ngồi mỗi sáng. Cà phê ở các quán này ngon hết ý, nhưng chiếm được đúng cái chỗ - có ghi tên danh nhân đàng hoàng - mà họ đã ngồi, tưởng phải đến thật sớm hoặc phải tranh giành, mệt nghỉ, nhưng được hưởng chút “hương thừa” lịch sử, vẫn đáng công: Thứ nhất, triết gia Jean Paul Sartre ngày nào mà chẳng nhâm nhi cà phê ở quán Café Fore hay quán bên cạnh Les Deux Margots, tại khu Saint Germain-des-Prés, quận 6 Paris. Thứ hai, kịch tác gia trứ danh Henrik Ibsen, tác giả của A Doll’s House, Peer Gynt, An Enemy of the Pepole… đã ngồi mòn ghế ở quán Kaffe Oslo, đường Drammensveien, Oslo, thủ đô Na Uy…
Xin trở lại vấn đề, dân ghiền cà phê thứ thiệt thường lại không mê các quán “cà phê mát mẻ”. Lý do: Cà phê và da thịt không đi chung với nhau. Cà phê vốn không thích hợp với cảnh “đồi núi và suối rừng”. Đối với Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa thì miễn bàn, bởi ở đây chế độ “đa ôm” đang phát triển. Riêng ở California, được biết là một hội đồng thành phố đã ra lệnh cho các nữ chiêu đãi viên trong các quán cà phê Việt Nam là không được ăn mặc thiếu vải dù muốn phô diễn tinh thần khó khăn của giới “khổ tu”. Xin chia buồn với những “bạn cà phê” vốn giầu lòng từ bi, bác ái muốn tìm đến “giới nghèo” để vừa an ủi lẫn giúp đỡ vật chất. Riêng các bà vợ thì ngược lại, hoan hô hết mình quyết định của chính quyền, nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra thông cảm với ông xã, nhỏ nhẹ khuyên chồng cứ hồ hởi ở nhà mà tha hồ uống “cà phê vợ”. Hơn nữa, các bà còn nhắc lại lời khuyên bảo của cổ nhân: “Ta về ta núc sữa ta - tuy rằng quá ‘đát’, sữa nhà vẫn hơn!”.
Cà phê ngon còn đòi hỏi nhiều thứ nữa, tuy nhiên trong một bài báo giới hạn, kẻ hèn này mạn phép không thể lai rai bàn hết các chi tiết, nhưng các điều kiện cần thiết như sau thì không thể thiếu: Cẩn thận chọn loại cà phê, đừng hà tiện mua thứ rẻ tiền. Cà phê phải mới xay. Giới ghiền ngồi quán cà phê dĩ nhiên đành giao phó hai việc vừa kể cho chủ quán. Nếu quán vẫn đông khách và khách cũ vẫn quay trở lại để rồi đóng đô luôn ở đây, ắt hai điều ấy đã được chủ quan hiểu biết và áp dụng nghiêm chỉnh. Kể như trúng số, tuy chưa phải lô độc đắc hay Mega, nhưng tràn đầy hy vọng, nếu chủ quán cung ứng thêm các điều kiện về cách pha, đun nước - chẳng hạn, không nên nén chặt cà phê vào “phin”, nhưng nên nhỏ ít giọt vào cho cà phê nở trước khi chế nước nóng khoảng một phút - tuy vậy, nhớ đừng dùng nước sôi kẻo “giết chết” cà phê. Nước nóng già chút thôi, nhé! Việc vừa kể, khách cũng đành phó thác vào bàn tay điệu nghệ của chủ quán. Nhưng các khoản sau đây thì khách có thể yêu cầu chủ quán thỏa mãn: Tách uống cà phê phải là tách bằng sành, đã được “sưởi” trước trong lò. Cà phê nóng mà tách lạnh kể như hai tình trạng “chửi cha nhau”.
Không biết quí độc giả ghiền cà phê nghĩ sao chứ, riêng kẻ hèn này đã thề chẳng thà… chết, chứ cương quyết không uống cà phê trong các ly bằng giấy hay bằng nhựa to tổ bố, “ghê” hơn nữa, cà phê đựng trong chai. Tục quá! Kiểu vai u thịt bắp, võ biền, trong khi cà phê thuộc “giai cấp” thanh tao, quí phái. Quả đúng, đã không chơi thì thôi, mà đã chơi thì phải làm sao theo kịp được lời khuyên của cụ Nguyễn Công Trứ: “Chơi cho lệch đất, nghiêng trời” - nghĩa là chơi cho đúng điệu vậy. – (HM)
source
Vien Dong Daily