Sunday 22 May 2011

Những phụ nữ ngụp lặn dưới Hồ Tây



- Dưới trời nắng như đổ lửa của những ngày đầu tháng 5, hai người phụ nữ trùm áo mưa vẫn mê mải đầm mình dưới hồ Tây (Hà Nội). Mỗi người kéo theo sau lưng một chiếc thùng xốp, vắt lộn xộn tấm bao tải lẫn chưa quá nửa miệng bao ốc, trai. Đó là sản phẩm sau cả 5 tiếng đồng hồ mướt mải đội nắng, ngâm nước ngày hôm nay.

Lặn lội thân cò

Tôi cứ ngỡ mình nhìn nhầm, khi thấy hai người phụ nữ bé nhỏ đang lụi cụi mò cua bắt ốc ngay dưới hồ Tây sóng nước bải hoải. Thế nhưng, phút dừng chân hỏi cho thỏa nỗi tò mò lại giúp tôi khám phá cả một cuộc mưu sinh lạ lùng mà đầy truân truyên của họ.

Thấy có người hỏi chuyện, họ vui vẻ tiếp lời, nhưng cũng không lúc nào dừng tay, dừng chân. Theo lời chị Nguyễn Thị Gái- năm nay đã ngoài 50 tuổi, quê Thái Bình, thì công việc này chẳng qua là lựa chọn bất đắc dĩ với những người dân tỉnh lẻ vừa thiếu vốn, vừa lạ nước, lạ cái lúc mới đặt chân lên đất Hà Nội này như chị.

“Tôi mới lên đây có ba tháng, ngày ngày ra dốc bưởi đứng chờ việc, ai người ta thuê gì thì làm nấy. Những ngày vắng khách như hôm nay, thấy vài chị em rủ nhau đi mò ốc, tôi tò mò đi theo. Ai ngờ lại thành cái “nghề phụ” thế này” - chị Gái vẫn hóm hỉnh nói.

Mò cua bắt ốc tưởng chỉ có ở các làng quê. Vậy mà ngay bên cạnh Hồ Tây tráng lễ, mộng mơ này, cái nghề ấy cũng có đất cho những người xa quê bấu víu.

Theo lời chị Gái, một ngày làm việc của chị nếu chỉ mò cua, ốc ở Hồ Tây thường bắt đầu sớm, tầm 5h sáng- sớm hơn nếu đi làm cửu vạn. Nghề này, hầu như chỉ có các chị em làm.
“Lặn ngụp từ tinh mơ mờ đất, giờ ấy người ta qua lại còn vắng, không bị nhắc nhở. Hơn nữa, bắt đầu sớm thì được nhiều, muộn thì được chẳng bao nhiêu“ - chị Gái giải thích.

Tất cả những gì các chị mang theo chỉ là chiếc áo mưa mỏng teng khoác ngoài, cái thùng xốp, cái bao tải dứa và chiếc nón đã cũ mèm. Không ủng tay, không ủng chân, chẳng có gì để bảo vệ. Các chị cứ tay không mà sục xuống bùn đất, mà trầm mình xuống nước sâu.

Chị Nguyễn Thị Gái vẫn vô tư cười khi chia sẻ về công việc của mình (Ảnh: Quỳnh Anh)

“Có gì mà bảo hộ, chân lấm tay bùn quanh năm, sợ gì!” - chị Gái vô tư nói.

Quệt ngang vệt bùn bám một bên má, chị đưa lên mộ vốc toàn ốc nhỏ. Cứ kiên trì di chuyển từng chút ven hồ, kiên trì dùng tay, chân, mò mẫm, rất nhiều những vốc ốc nhỏ ấy sẽ đong đầy phần nào cái thùng xốp sau lưng chị, đổi lấy tiền, lấy gạo, đỡ đần cuộc sống khó khăn nơi đô thành.

“Bây giờ làm ăn khó lắm. Tôi nghe các chị làm lâu năm bảo, ngày trước, một buổi sáng thu được cả mấy yến ốc con, ốc to là chuyện thường. Thế mà bây giờ, có cày cục từ sáng sớm đến trưa cũng chỉ được vài chục cân. Tính ra, thu được đến 100 nghìn đồng một ngày là cao” - chị Bình, người phụ nữ đi cùng chị Gái bây giờ mới lên tiếng.

Tính ra, hơn sáu tiếng đồng hồ, mỗi người lao động cật lực mới được khoảng 100 nghìn đồng. Mà nào phải có ốc, có trai trong thùng là đổi ngay lấy tiền được. Không có sẵn mối thu mua, nhiều lần các chị còn phải mướt mồ hôi đi bán hàng ở mấy khu chợ cóc. Không cẩn thận, ế ẩm hay bị công an, bảo vệ “dẹp” thì coi như tất cả thành công cốc.

Hành trình quy đổi sản phẩm mò cua bắt ốc của các chị lấy những đồng bạc sao còn lắm gian truân đến thế…

Vun vén những ước mơ

Không phải vô cớ mà những người phụ nữ như chị Gái, chị Bình lại phải bươn bả ra thành phố kiếm sống. Cũng không phải vô cớ họ lại tìm đến với cái nghề lạ lùng ở đất thủ đô này.

“Làm nghề này là phải chấp nhận rồi. Bấp bênh, khốn khó, lại bị xua đuổi. Có ai cho chúng tôi mò cua bắt ốc ở đây đâu! Có hôm mới bảy, tám giờ họ đã cho thuyền ra “xua” rồi, cực lắm” - chị Bình than thở. Rồi chị đưa lên ngang mặt vốc tay toàn cát sỏi, vương rác rưởi. Gương mặt như sầm đi vì thất vọng, chị lại lầm lũi sục cả người xuống dưới mặt nước.

Vun vén cho những ước mơ từ con trai, con ốc - (Ảnh: Quỳnh Anh)

Sau một hồi trò chuyện, các chị tiết lộ, tuy mò cua mò ốc ở hồ Tây này “bạc” nhưng cũng không đến nỗi. Với những người nông dân quen chân lấm tay bùn, quen dầm sương dãi nắng với con cua, con ốc như các chị thì tất cả vẫn còn nhàn nhã chán.

Nhàn nhã so với việc bươn bả chợ búa, vừa tốn tiền vốn lại phải vật lộn, bốp chát ngoài chợ. Các chị em ngoại tỉnh đổ về Hà Nội kiếm sống mạn Hồ Tây sống thành xóm trọ. Những người “làm thêm” như các chị cũng không ít, thành cả một “khu cua ốc” ở khu vực này.

“Ở quê bây giờ đang lúc nhàn rỗi. Nhàn rỗi thì không có tiền, mà con cái, học hành, ăn ở, tháng nào cũng phải đôi triệu. Ngày trước giá cả còn đỡ, bây giờ cái gì cũng tăng vù vù. Chúng tôi không ra Hà Nội làm thuê thì khéo chết đói cả. Nhưng làm gì thì làm, cũng bữa đực bữa cái. Cái khó ló cái khôn, rủ nhau ra đây mò cua bắt ốc cũng là bất đắc dĩ thôi” - chị Gái ngượng ngùng bảo.

“Chỉ mong đừng sơ sẩy đạp phải mảnh chai, mảnh sảnh, đinh nhọn gì thôi. Chứ lỡ mà bị nhiễm trùng, ngã ra đây ốm thì tiền thuốc chẳng đủ tiền thang” - chị chia sẻ thêm.

Chơi vơi thân cò lặn lội

Những tai nạn như chị nói quả thực không hiếm trong cái nghề mò cua bắt ốc này. Chị bảo, mọi người trong xóm chị kể, một chị đi mò ốc ở Hồ Tây này, vô ý dẫm phải mảnh sành, lại lấn cấn không đi khám xét, cuối cùng bị nhiễm trùng, phải đi bệnh viện rồi về quê, không biết cái chân cuối cùng ra làm sao, mà chẳng còn thấy quay về xóm nữa.

Cũng có người mải làm, trời nắng quá, ngã sức, tí nữa thì đuối nước. May mà có các chị em đi cùng không thì nguy khốn. Làm bạn với sông nước, với con cua, con ốc, không phải các chị không lường được những nguy hiểm rình rập ấy. Song tất cả vẫn phải lùi chỗ cho nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Ở cái tuổi ngoài năm mươi, nhưng chị nào đã được nghỉ ngơi. Gánh nặng đồng áng tạm vơi vì chưa vào mùa vụ, chị đã lại xăm xắn lên Hà Nội để mong kiếm thêm thu nhập, chu cấp cho hai con đang ăn học đại học.

Tâm sự về hành trình bám đất Hà Nội nuôi con ăn học của mình, chị Gái nhẹ nhàng bảo: “Xóm trọ của tôi có ba, bốn chị em cũng có con học đại học ở Hà Nội. Nhưng chẳng giấu gì, đi làm thế này, chẳng bố mẹ nào bảo cho con cái biết đâu. Sợ nói ra, các con lại suy nghĩ, bận tâm. Cứ tháng tháng lại chắt chiu, vun vén tiền rồi nhờ người quen gửi cho chúng nó. Chúng nó học hành tấn tới, thì làm nghề gì có bố mẹ nào quản!”.

Người mẹ ấy chia sẻ bằng chất giọng tâm tình pha niềm tự hào. Bên dưới cái nắng choi chang, cái nóng hầm hập của mùa hè Hà Nội, đôi mắt của người mẹ ấy vẫn lấp lánh những niềm vui, niềm hi vọng dành cho các con mình.

Quỳnh Anh
source
http://www.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/21111/nhung-phu-nu-ngup-lan-duoi-ho-tay.html

Friday 20 May 2011

Đại gia chi trăm tỷ xây mộ, dựng nhà thờ cha



Friday, 20 May 2011 09:14

Cali Today News – Trong bài phóng sự “Nghĩa Địa xa Hoa Nhất Việt Nam” từ báo trong nước, chúng ta thấy Việt kiều đổ tiền về làng An Bằng, Huế, để xây dựng nơi đây từ ngôi làng ven biển nghèo đói, trở thành “thành phố nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam”. Nhiều độc giả tò mò muốn có dịp đến khu này để xem thành phố lộng lẫy nhất của người chết. Kỳ này, chúng tôi gửi đến qúy độc giả một phóng sự khác của giới đại gia, cán bộ từ trong nước đã tung ra hàng trăm tỷ để xây mộ cho cha mẹ… Mộ to và quy mô như lăng tẩm của vua chúa… (bài viết được cắt ngắn nhiều đoạn so với nguyên tác, chỉ giữ phần chính mà thôi)

Hàng cau rợp bóng vây quanh khu nhà thờ.

Ngôi nhà do nhóm thợ Sơn Tây làm được dỡ bỏ, thay vào đó là đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền…

Người bỏ cả chục năm công sức, cùng với số tiền cả trăm tỷ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha tại quê nhà là anh Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh (trụ sở tại Hà Nội).

Cổng vào nhà thờ.

…Ông mất đi, để lại người vợ trẻ, và cậu con trai mới 18 tháng tuổi.

Dù đi bước nữa, nhưng bà Sáu vẫn nuôi Lượng ăn học tới nơi tới chốn. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Lượng làm việc cho một cơ quan Nhà nước. Làm được vài năm, anh tự lập doanh nghiệp, làm ăn như diều gặp gió.

Anh Lượng nhận cúp doanh nhân văn hóa.

Khi đã giàu có, anh nghĩ đến người cha của mình. Về lại mảnh đất mà cha mẹ mình từng ở, sinh ra anh, anh nảy sinh ngay ý định làm một ngôi nhà thờ để tưởng nhớ đến cha. Ngôi nhà thờ đó phải độc đáo, ý nghĩa, mang đậm văn hóa Việt và trường tồn với thời gian.

Có ý tưởng rồi, anh mời rất nhiều nhà phong thủy, địa lý về xem thế đất. Thế đất thì đẹp, nhưng diện tích lại quá nhỏ, có 10 thước, tức 240 mét vuông, chỉ đủ xây cái nhà thờ nhỏ, không làm được cảnh quan nào khác nữa. Các thầy địa lý đều khuyên anh kiếm mảnh đất khác rộng rãi. Tuy nhiên, anh chỉ muốn dựng nhà thờ trên nền nhà cũ, trên chính mảnh đất mà người cha anh đã ra đi và mãi mãi không trở về.

Các kiến trúc sư khó tính cũng không thể chê được điểm gì.

Để thực hiện ý nguyện của mình, anh đã cực kỳ nhẫn nại, thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh cho anh.

Từ mảnh đất 240 m2, anh mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất anh gom được rộng tới 5000 m2, nằm trên một thế đất vàng theo phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông.

Khối đá 46 tấn đặt trong vườn để tạo cảnh.


Có mặt bằng rồi, anh Lượng tiến hành san đất. Một công trình kỳ công được anh tạo dựng suốt 10 năm trời, từ năm 1998 đến 2008 mới tạm hoàn thành.

Bà Sáu là người trông nom, quản lý quá trình xây dựng nhà thờ, nên bà thấy hết sự cầu kỳ, vất vả và tâm huyết của con trai.

Riêng cái hồ trước nhà thờ, anh Lượng đã đào bới, xây dựng đến lần thứ 3 mới xong. Lần đầu tiên anh làm hình elip, như quả trứng. Kè đá, xây tường xong, thấy không vừa mắt, anh lại ủi sạch và xây theo hình vuông. Thế nhưng, vài năm sau, thấy hình vuông không ổn, anh lại phá hồ xây thành hình bán nguyệt. Dưới mặt nước trong mát là hệ thống vòi phun nước, quanh hồ là hệ thống chiếu sáng. Chỉ cần bật công tắc, điện sẽ lung linh đủ màu, nước phun tung bọt trắng xóa.

Khu vườn phía sau nhà thờ

Công trình tương đối cầu kỳ là… đắp núi. Phía cuối mảnh đất lại là 2 cái ao lớn. Để biến 2 cái ao đó thành quả đồi thoai thoải, gắn với sườn núi Chí Linh, anh phải đổ cả vạn khối cát. Tiếp đó, hàng ngàn xe tải chở cát, sỏi đổ lên trên, tạo ra độ cao cả chục mét so với nền cũ.

Trên quả đồi đó, những cây đại thụ được trồng, tỏa bóng mát. Những bậc đá uốn lượn, cỏ mọc xanh rờn. Giữa khu đồi nhân tạo, anh Lượng đặt một tảng đá khổng lồ, nặng 46 tấn. Phải 3 chiếc cẩu mới đưa được hòn đá lên.

Sau nhiều lần xây dựng, dỡ bỏ, ngôi nhà thờ mới hoàn thành.

Cầu kỳ nhất là làm ngôi nhà thờ dát vàng. Ngôi nhà tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân.

Khi đã gom đủ lượng gỗ lim để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm, ăn dầm ở dề tại nhà anh đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng.

Thế nhưng, nhà thờ làm xong, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, vì nhà thì to, mà cột kèo, rui mè thì nhỏ, trông không hợp mắt, nên lại dỡ bỏ.

Sau 3 lần làm đi làm lại, ông Lượng mới hài lòng với cái hồ bán nguyệt.

Vì gỗ lim ở Việt Nam rất hiếm, ở Lào cũng không còn, vả lại cũng không có lim lớn, nên anh Lượng phải đặt mua tận Nam Phi. Thợ đẽo gọt các cây lim già, chỉ lấy lõi làm các các cột lớn.

Ngôi nhà do nhóm thợ Sơn Tây làm được dỡ bỏ, thay vào đó là đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long, ly, quy, phụng…

Để có được 49 cột gỗ lim lớn, ông Lượng phải mua tổng cộng 98 cây lim già khổng lồ. Tầng hầm 49 cột lim, mỗi cột lại tương ứng với một cột ở tầng trệt.

Những cây cảnh đắt tiền tô điểm cho vẻ cổ kính, sang trọng của nhà thờ.

Công đoạn đánh bóng toàn bộ gỗ lim cũng rất cầu kỳ. Nhóm thợ không đánh bóng bằng giấy ráp, mà xoa bằng lá chuối lùn khô. Cứ xoa đi xoa lại vài chục lần, mất 6 tháng trời, thì gỗ lim lên màu đen bóng, màu rất tự nhiên.

Những viên gạch lát nền, ngói lợp mái cũng toàn đốt bằng rạ suốt 7 ngày đêm, chứ không phải bằng than, bằng gas, nên màu đẹp, bền. Loại gạch này có giá thành đắt gấp nhiều lần gạch thông thường.

Cây tùng trị giá 4,6 tỷ đồng đặt bên hữu nhà thờ.

Theo bà Sáu, anh Lượng thuê nhiều kiến trúc sư và làm theo các bản thiết kế. Tuy nhiên, cứ làm xong, hoặc đang làm giữa chừng, thấy không hợp, lại đập phá, làm lại hết. Công trình hoàn toàn là ý tưởng, là tâm huyết, là sự ám ảnh của anh về cha.

Sau 10 năm, đổ không biết bao nhiêu tâm huyết, tiền bạc, phải công nhận rằng, đây là một công trình đẹp, hài hòa, mang đậm văn hóa Việt. Kể cả các chuyên gia kiến trúc cũng khó tìm thấy khiếm khuyết.

Ngoài công trình nhà thờ rộng 5000 m2, cũng phải nói thêm về khu vườn và khu mộ của Nguyễn Minh Độ.

Cùng với việc xây dựng khu nhà thờ, anh Lượng mua thêm 4 ha đất ruộng lầy thụt để làm vườn, trồng đủ các loại cây. Trong khu vườn đó, anh dành 1 ha đất để dựng khuôn viên mộ cha mình. Anh Lượng không xây mộ cha hoành tráng, mà chỉ xây nho nhỏ. Nhưng xung quanh mộ là những hàng cam, bưởi sai trĩu trịt và cau tỏa bóng mát.

Những hàng cau trong vườn có thể nói là đệ nhất nước Việt. Khoảng 13 ngàn cây, hàng lối đều tăm tắp do các nghệ nhân trồng, tỉa tót, chăm sóc suốt nhiều năm. Hệ thống tưới tiêu trong vườn hoàn toàn tự động. Khu vườn đã đem lại bóng mát và vẻ đẹp bồng lai, chỉ với mục đích để linh hồn cha được an tịnh.

Anh Lượng không coi đây là công trình của riêng mình nữa, mà nó là công trình văn hóa của cả làng. Đêm rằm trăng sáng vằng vặc, các cụ ông quanh xóm tụ họp chơi cờ trong khuôn viên nhà thờ, trong vườn cây, các cụ bà ngồi hát giao duyên, nhai trầu bỏm bẻm, trẻ con nô đùa nơi vườn thượng uyển.

Tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi đoán công trình thờ tự cha của anh Lượng không dưới trăm tỷ đồng. Nhưng tôi thấy rằng, đó không phải là sự lãng phí. Với trăm tỷ ấy, chỉ có thể mua được căn biệt thự không có gì đặc biệt ở Hà Nội. Nhưng với khu nhà vườn, nhà thờ tự độc đáo như thế này, thì có lẽ tìm cả nước cũng không ra.

Ngoài công trình trăm tỷ thờ cha mình, anh Lượng đã bắt đầu triển khai một công trình rất lớn cho xóm, đó là xây dựng chùa Mức.

Ngôi chùa này được làm toàn bằng gỗ lim, to gấp 3 lần nhà thờ cha anh. Hiện mặt bằng đã giải phóng, đã đền bù đất cho dân. Xưởng mộc, nhà ở cho công nhân đang được dựng lên. Dự tính, công trình này phải mất 10 năm mới hoàn thành và tốn kém có thể đến cả trăm tỷ đồng. Toàn bộ số tiền làm chùa do anh Lượng công đức và anh cũng là người trực tiếp xắn tay làm ngôi chùa này.

Theo VTC

source
Calitoday

Sunday 15 May 2011

Cổ thụ giữa chốn thiền tự


Cổ thụ giữa chốn thiền tự
Cập nhật lúc 7:35:47 PM - 03/05/2011
Nghệ thuật chơi cây kiểng bonsai (kỳ 4)

Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua1.jpg

Hòn non bộ có kiểng bonsai và sen được trồng ở Chùa Bảo Quang – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Hầu như ở chùa chiền, thiền tự, ít nhiều đều có sự hiện diện của “thiên nhiên thu nhỏ” như cây kiểng bonsai, hòn non bộ và những hồ nuôi cá kiểng. Ở các chùa, nhất là chùa Việt Nam, còn có trồng sen hồng, sen trắng và “sen phật” nữa, như ở Chùa Bảo Quang nằm trên đường Newhope thành phố Santa Ana. Khi viết loạt phóng sự về thú chơi kiểng bonsai, chúng tôi có đến chùa và được hầu chuyện thật thú vị với Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ Chùa Bảo Quang. Hòa Thượng chơi nhiều môn nghệ thuật, trong đó có kiểng bonsai.
Trong lúc chờ đợi Hòa Thượng, tôi rảo một vòng sân chùa có không gian thoáng mát. Nhiều tượng Phật được đặt trong khu vườn cây kiểng và hoa trông rất thơ mộng, có cả tượng bầy nai vàng ngơ ngác. Các hòn non bộ, có những cây tùng, cây bách bonsai được trồng trên những quả núi nhân tạo. Theo Hòa Thượng, đó chính là một hình thức thu gọn thiên nhiên vào trong đời thường. Chùa là nơi có nhiều người đến viếng, họ sẽ cảm nhận cảnh trí lắng đọng trong tâm hồn, xua tan những nỗi lo lắng, mệt mỏi.

bonsaichua2.jpg

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cắt tỉa kiểng nơi hòn non bộ – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Kiểng bonsai có nhiều loại. Từ cây tùng, cây bách cho đến cây thiên tuế, vạn tuế, cây dừa, mai chiếu thủy, lan bình rượu, cây ô liu… Có những cây có tuổi thọ vài trăm năm cho đến nghìn năm. Từ trong thiên nhiên hoang dã, mà “thỉnh” những cây này về, rồi cắt tỉa tạo dáng cho thành những đường nét mới. Nhờ vào sự cảm thụ, suy nghiệm của mỗi nghệ nhân, chúng trở thành một loại hình nghệ thuật công phu. Chơi kiểng bonsai hay hòn non bộ cũng có liên quan đến phong thủy. Chúng cần được xếp đặt cho có thứ tự để thể hiện sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên và thần thánh. Thật ra chơi kiểng bonsai đã khó nhưng người biết cảm nhận thưởng thức chúng lại càng khó hơn. Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cho biết: “Sự đồng cảm của người chơi cây kiểng bonsai và người thưởng thức chúng là một sự đồng cảm. Khi biết được giá trị của thú chơi này, tôi đã mang rất nhiều cây kiểng bonsai, dựng hòn non bộ và tạo cảnh trí, đặt nhiều tượng Phật quanh chùa. Trước hết là để cho mình được thấy sự nhẹ nhàng trong tâm hồn, giải thoát sư căng thẳng, giận hờn của cuộc sống hư vô. Phật tử hay ai đến viếng chùa cũng cảm nhận được điều đó. Trước khi thầm khẩn với Phật, cảnh vật đã giãi bày cảm giác ‘tâm hồn lắng đọng’ trong lòng. Con người thường đi tìm sự giải thoát những áp lực cuộc sống bằng nhiều cách. Có người chọn rượu giải sầu, có người chọn âm nhạc ở những vũ trường, quán bar, có người đi tìm đến thiên nhiên vắng lặng. Nhưng cũng có người tìm đến những cảnh trí và thú chơi cây kiểng bonsai. Trong bối cảnh thiền sẽ làm trầm lắng tâm hồn con người giữa chốn đời nhiễu nhương”.
Thú chơi loại hình nghệ thuật này cũng có rất nhiều cấp bậc và hình thức khác nhau. Dựa vào sự sáng tạo, khám phá và lòng đam mê mới có thể tạo ra những cây bonsai mang ý nghĩa và chiều sâu về thẩm mỹ.

bonsaichua3.jpg

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang, với thú chơi kiểng bonsai – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Theo những người chuyên môn, chơi cây cảnh, trồng cây cảnh bao giờ cũng phải coi trọng gốc cây - gốc có to có khỏe thì cây mới mạnh, gốc phải to hơn thân. Gốc càng to càng cho thấy cây đã sống lâu năm. Nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum suê càng đẹp. Cây trồng trong chậu phải là một gốc, trừ một số thế cây quần tụ. Giữa chiều cao và bề rộng của cây phải có sự tương xứng. Thân cây mềm mại duyên dáng, xiêu nghiêng hay đứng thẳng là tùy theo các thế cây. Cành cây phải được phân bổ hợp lý, cấu tạo so le chia ra các hướng lớn không trùng nhau, tránh gò bó. Từ gốc đến chỗ chia cành phải có khoảng cách ít nhất bằng một phần ba chiều cao của cây để nhìn rõ được thân cây. Không nên để cành che lấp mất thân. Mỗi thế cây là một chủ đề, mỗi chủ đề là một bài học và giá trị cuộc sống. Cây bonsai có dáng đẹp, hay có nét cổ một phần do tạo hóa ban tặng; một phần do bàn tay và hơi thở của người tác động vào chúng. Nếu chiêm ngưỡng kiểng bonsai, người thưởng thức có thể liên tưởng đến sự sinh tồn khắc nghiệt và mãnh liệt của chúng nơi chốn thiên nhiên hoang dã. Cũng giống như chính con người vậy. Vì thế mà nhiều nhà thơ đã ví von, “đời người như một rừng cây”.

bonsaichua4.jpg

Những gốc bonsai được chủ nhân khóa lại cẩn thận vì giá trị của chúng, sợ động lòng kẻ gian – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua5.jpg

Tượng hưu nai dưới gốc tùng – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua6.jpg

Một loại cây của vùng Phi Châu với thân đầy gai – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua7.jpg

Dưới những gốc tùng nơi hòn non bộ có nhiều tượng lão tiều phu – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua8.jpg

Một gốc tùng bonsai được đặt trong chậu đá – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua9.jpg

Một gốc non bộ có tượng tiên sư… – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

bonsaichua10.jpg

Nhiều cây kiểng thiên tuế được uốn lá công phu, đặt tại Chùa Bảo Quang – ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

source
Vien Dong Daily