Wednesday 24 March 2010

Núi Ba Thê



Cập nhật lúc 3:19:25 AM - 20/03/2010

254h1.jpg


Tuổi trẻ


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Kết thúc lễ hội Dolta (1), chúng tôi đón xe buýt về nhà người quen ở cầu số 8 (2). Chương trình ngày hôm sau đi núi Ba Thê xem di sản Văn Hóa Óc Eo. Văn Hóa Óc Eo ở xã Đăng Hưng Phước huyện Tầm Vu, tôi đã đi tìm nhiều năm trước, nhưng đến nơi chẳng thấy gì ngoài một khu đất hoang rào lưới B40 có bảng đề “Nội qui Cổ thành...”(3). Nay lại nghe Ba Thê có “Văn Hóa Óc Eo”, tôi đâm ra dè dặt. Thực tâm mà nói, Việt Nam ngày nay nơi nào cũng “di sản văn hóa”, chỗ nào cũng khẩu hiệu “văn minh” và có hàng triệu thứ “văn hóa”(4). Để khỏi phí thì giờ, tôi hỏi kỹ chủ nhà, và biết chắc chắn trên núi Ba Thê có Sơn Tiên Tự dựng vào năm 1933, và nhà trưng bày di chỉ văn hóa Óc Eo. Chủ nhà còn bảo nên xuống cầu số 5 đi đường tắt về Ba Thê, gần hơn theo ngả Tri Tôn.

Tôi chạy chiếc Dream II chủ nhà cho mượn, đèo bạn Lê Nguyên Anh phía sau. Đường về cầu số 5 ôm theo kinh đào, ngày nay cầu qua kinh toàn cầu sắt hoặc xi măng, không còn “cầu khỉ” chênh vênh lắt lẻo, chủ đề đặc biệt của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh thì phải cầu khỉ mới có đường nét, mới “đậm đà bản sắc”. Tre pheo tranh lá dễ tìm thấy nghệ thuật hơn bê-tông sắt thép. Gần đến ngả rẽ đi Ba Thê, có một đám trẻ nô đùa trên cầu, chờ giờ vào lớp, đề tài cũng hay hay. Trẻ con Việt Nam thấy khách lạ, nhất là khách có máy ảnh, chúng bu quanh và tỏ ra thân thiện vui thích. Đứa nào cũng cười toe, lại còn đưa cao hai ngón tay chữ V. Tấm ảnh “Trẻ bên cầu” đã hâm nóng cảm hứng đầu ngày.


254h3.jpg


Đường về Ba Thê


Hương lộ đi Ba Thê rẽ phải ngay đầu chợ gần đấy, vừa qua con lạch nhỏ tôi phải dừng xe, vì chợt thấy một cổng xây khá lạ: Đầu người chân thú, hao hao nét Ai Cập. Khách đi đường bảo đó là “quán Karaoke”. Tít trong xa một mái nhà tranh thấp lè tè, chắc có nhiều tổ ấm. Đời sống ngày càng cao, nhu cầu giải trí đòi hỏi phải luôn luôn mới mẻ, không những “ăn” mà còn “chơi” nữa. Thế mới có “cà phê ôm”, “cà phê võng, cà phê giường”, gội đầu mát xa thư giãn...

Sau 7(..), không nghe nói “thời đóng cửa”, nhưng từ 86, “thời mở cửa” được bàn tán khắp nơi. Nhờ “mở cửa”, nên “bốn món ăn chơi” được “nâng cấp” hằng ngày. “Kể khổ” cho lắm lại mang tiếng “trí thức ngồi đáy giếng”, “bọn xấu” không biết yêu quê hương. Tôi chụp tấm ảnh rồi phóng xe nhanh cho kịp giờ.


254h4.jpg


Ba Thê sông nước


Được một đoạn, lại phải quanh co trong hẻm xóm, mãi mới ra hương lộ. Hầu hết đường làng ngày nay đều bằng bê tông, hoặc nhựa, không còn cảnh bùn lầy vào những ngày mùa Đông mưa gió. Theo hương lộ có kênh đào Mướp Giăng (?), hai bên bờ nhà cửa lưa thưa, ghe thuyền qua lại, nghèo mà đẹp, thỉnh thoảng tôi lại dừng xe bấm máy. Đường đi không xa mà lạ, Ba Thê, tên nghe sao hoang vắng núi rừng, như Ba Tơ, Đắc Xút, Đắc Nong. Lúc ra khỏi hương lộ, thấy xa tít một ngọn núi cao, bên đường có phơi thứ sản phẩm lạ, tựa những cây kem dừa trắng phau nhọn hoắt. Tôi nói với anh bạn:

- Kia chắc là núi Ba Thê, còn đây là sản phẩm gì ?

- Cái này hơi lạ, tôi chưa thấy bao giờ.

Một lát sau, người đi qua bảo đặc sản vùng Ba Thê: Bong bóng cá, cung cấp cho nhà hàng. Gì thì không biết chứ ăn uống phải công nhận Việt Nam là số 1, từ giun dế đến hải vị sơn hào, đều được biến chế thành món ăn khoái khẩu, ăn một lần nhớ một đời. Trên đường Trịnh Hoài Đức (Hà Nội), tối đến là “phố nướng chân gà” hoạt động rần rần. Chân gà to múp như tôm sú, lúc chưa nướng trắng phau, nướng rồi vàng thơm không thể làm ngơ. 10 nghìn 3 chân, khách đông nườm nượp, bàn nối bàn, bia hơi từng can, nhậu quên đường về. ‘Đời sống thoải mái thú vị như vậy’, làm sao có nơi xứ người. Về sau mới biết ‘chân gà nhập từ Trung (...), đã pha, tẩm, tẩy nên mới được vậy’. Từ đó tôi cạch luôn.

Thẳng hướng ngọn núi mà chạy, chẳng mấy chốc chúng tôi vào thị trấn. Từ xưa, thị trấn Ba Thê là tên thường gọi của địa phương này, về sau đổi thành Óc Eo, âm vận khúc khắc chẳng hay ho gì, có lẽ chỉ để nhắc nhở công trình khai quật những di chỉ văn hóa cổ Phù Nam.

Thị trấn Óc Eo tấp nập chỗ quanh chợ Ba Thê, từ ngoài đường cái nhìn vào chỉ thấy lờ mờ tên chợ, trước chợ tăng lều che kín, buôn bán tạp nham như bao nhiêu chợ khác. Tôi có hỏi về ý nghĩa tên Ba Thê, mỗi người giải thích một kiểu rất rắc rối. Chuyện tên tuổi để sau, giờ lo tìm đường lên núi. Đường ngay sau lưng chợ, mà người chỉ đầu này kẻ chỉ đầu kia, chạy loanh quanh mấy vòng mới tìm thấy. Kiểu làm du lịch của Việt Nam hơi lạ, tôi đến nhiều nơi nổi tiếng về danh lam thắng cảnh, nhưng đường đi ngã ba ngã bảy chớ hề có bảng chỉ dẫn, khách tự tìm, không tìm được, chi tiền có người dẫn đường. Đây là điều làm cho phần đông du khách chán nản. Đến một lần rồi… ra đi mãi mãi.

Mất thì giờ tìm đường, nhưng bù lại được gặp nhiều sinh hoạt lạ của địa phương. Gặp đền thờ cụ Phan Thanh Giản (5) xây từ hơn trăm năm trước, ngay dưới chân núi Ba Thê. Đền không lớn lắm nhưng cổ kính rộng rãi. Vào sâu trong xóm, có đám cưới chiếm đường làm rạp dọn bàn, chỉ chừa lối đủ cho một người qua. Cảnh cũng lạ, “mọi người vì một người”, không phải xin phép ai, cũng chẳng ai than phiền. Có lần tôi đọc bảng hiệu “Công nghệ đám cưới” mà chẳng hiểu gì, sau mới nghiệm ra đó là nghề che rạp, cho thuê bàn ghế, nấu nướng, nghĩa là thầu “trọn gói” đám cưới. Một sự phân công hợp lý và tiện cho mọi người.


254h5.jpg


Đền Phan Thanh Giản


Nhiều người nói lên núi Ba Thê đường dốc lắm. Dốc mà có người chạy thì không ngại. Đã lên Hòn Bà, qua Hải Vân, lên Bà Nà thì Ba Thê có cao cũng không hơn. Qua khỏi xóm nhà có đám cưới, xe bắt đầu lên dần, cứ số 2 nhấn ga chạy, chỗ nào bằng phẳng thì tăng số. Được một lúc gặp ngã ba, tôi rẽ đại theo lối trái, dốc cao đột ngột, tôi trả số để máy đủ sức kéo, nhưng không kịp, xe mất đà khựng lại, phản xạ tự nhiên tôi thắng, nghe tiếng oái oái, cả xe và người lăn quay xuống đường. May mắn không việc gì. Dựng xe chạy tiếp, qua được một vài khúc quanh, sự việc lại tái diễn. Lần này mỗi người lăn mấy vòng, may mắn chẳng làm sao, chỉ trầy da chút đỉnh. Anh bạn lẳng lặng mang máy đi bộ, tôi chạy xe, lên hết dốc có một hang đá bên đường: “Hang Chương Thiện thành lập 2006 Bính Tuất”. Tôi chưa hiểu ý nghĩa, và nghĩ có lẽ chỉ là hang đá bình thường ai đặt tên chơi. Ngay nơi đây, nhìn bao quát toàn thị trấn Óc Eo, nhà cửa chùa chiền sông nước, một bức tranh tổng hợp về đời sống của một vùng cư dân Nam Bộ. Với máy ảnh có độ zoom lớn, có thể phân thành nhiều mảng đẹp: Mái chùa đỏ ong giữa rừng cây xanh mướt, bến đò tấp nập, kinh mương dọc ngang, ruộng đồng từng khoảng màu mạ xanh. Nhìn qua đỉnh Ba Thê, thấy chùa Sơn Tiên và nhà trưng bày Văn Hóa Óc Eo. Chùa hai tầng mái, ngói đỏ ẩn hiện giữa cây rừng, nhà trưng bày nằm sau lưng chùa chừng vài chục mét mang nét kiến trúc đạo Hồi. Toàn cảnh phối hợp hài hòa đẹp mắt. Chính ở đây mới thấy hết vẻ đẹp của đỉnh núi Ba Thê, vừa được thở bầu không khí trong lành trên cao, được nhìn về “hạ giới”, thoải mái tâm tình với cỏ cây, chẳng ai “kiểm tra xử lý”. Trong khoảnh khắc thành Tiên ông, ai chẳng thích. Hóa ra lạc đường mà được việc.

(Còn tiếp)


Trần Công Nhung

09 - 2009


(1) Lễ hội Dolta trang 11 QHQOK tập 10

(2) Những cây cầu từ Tri Tôn về Long Xuyên mang tên số thứ tự từ 13 trở xuống.

(3) Một buổi ở Tiền Giang trang 90 QHQOK tập 4.

(4) Văn minh xe buýt, văn minh đường phố, văn hóa gửi xe, văn hóa ẩm thực, văn hóa từ chức... “Văn minh” “văn hóa” như là thực phẩm hàng ngày của giới bình dân, muốn món gì cứ ráp vào đuôi văn minh, văn hóa là có ngay.

(5) Cụ Phan Thanh Giản, một nhà yêu nước phải tuẫn tiết khi mất lục tỉnh, dân miền Nam ai cũng kính trọng tôn thờ. Nhiều địa phương ngoài Bến Tre (quê cụ Phan) tên đường, trường học mang tên cụ. Sau năm 75, nhà nước VNCS gỡ bỏ hết, cụ Phan bị kết tội bán nước. Đến năm 2008 mới được phục hồi. Lịch sử xem ra chẳng mấy gam, dựng lên bỏ xuống như trò chơi.


QHQOK tập 10 sẽ phát hành trung tuần tháng 3-2010


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 9, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260, email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net.
source
Vien Dong Daily

Thursday 18 March 2010

Miền Tây đại hạn



Cập nhật lúc 4:46:17 AM - 17/03/2010

khohan7.jpg


Nước uống được rất quí đối với người dân miền núi An Giang – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


David Nguyễn/Viễn Đông

Do ảnh hưởng của khí hậu bất thường, Miền Tây đã bước vào những ngày nắng nóng và khô hạn, dẫn đến việc khan hiếm nước sạch cho sinh hoạt của người dân Miền Núi An Giang, Kiên Giang cũng như các vùng bị nhiễm phèn và nhiễm mặn như ở Gò Công, Tiền Giang. Người dân hằng ngày thay phiên nhau chờ chở nước từ những cái giếng công cộng. Mặc dù nguồn nước cũng không bảo đảm trong sạch, thậm chí nước đục ngầu dưới đáy giếng mà những người dân vẫn phải lấy về, lóng phèn để có nước dùng hằng ngày.


khohan2.jpg


Nhiều can chờ nước ở một cái giếng cạn ở huyện miền núi Tri Tôn, An Giang – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


khohan3.jpg


Nước đục một ít dưới đáy cũng phải lấy lên để sử dụng – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


khohan4.jpg


“Nước quí như vàng” ở miền núi An Giang – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


khohan5.jpg


Nhiều người ở Xà Xía, Hà Tiên tập trung lấy nước ở một ao tù – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


khohan6.jpg


Nước được hứng rất kỹ lưỡng – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


khohan1.jpg


Từng giọt nước được hứng rất kỹ cho vào can để chở về phum sóc An Giang – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


klhohan8.jpg


Người dân ở Thôn Vân, Hà Tiên đi xách nước về xài – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông


Source


Viễn Đông Daily

Sunday 14 March 2010

Rừng Cà Mau lại... “chảy máu”


Cập nhật lúc 2:22:59 AM - 15/03/2010

rungcamau1.jpg


Củi đước đầy ắp ghe lớn ra khỏi vùng rừng ngập mặn Cà Mau – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Nguồn tài nguyên rừng ngập mặn Cà Mau đang trong tình trạng tồi tệ. Cây rừng bị đốn hạ; mật ong rừng, thủy sản bị khai thác vô tội vạ; các lò hầm than mọc lên như nấm để biến cây rừng thành than.

Gần đây, trong khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, liên tiếp xảy ra những vụ lâm tặc phá rừng một cách thoải mái. Chẳng hạn, vào giữa năm 2009, tại cửa Ông Trang thuộc xã Lâm Hải (huyện Năm Căn), một nhóm lâm tặc đang chặt cây phá rừng trên cồn thì nhân viên kiểm lâm phát hiện.


rungcamau2.jpg


Trơ trọi – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Khi toán kiểm lâm ập đến, vây bắt, nhóm lâm tặc liền thủ tiêu những tang vật như cưa, búa, dao... bằng cách quăng hết xuống biển. Đang tính nhảy lên xe tẩu thoát, nhóm lâm tặc bị chặn lại bởi các nhân viên kiểm lâm. Hai bên cãi qua cãi lại. Bất thình lình, nhóm lâm tặc chộp lấy những khúc cây và tấn công lực lượng kiểm lâm, đánh gục một nhân viên. Sau đó, họ còn gọi về gia đình, kêu thêm người ra tiếp ứng. Khoảng 50 người nữa kéo đến với nhiều loại võ khí, tiếp tục tấn công tới tấp lực lượng kiểm lâm. Cuối cùng, nhóm lâm tặc lấy lại được xe cộ, và chạy mất. Toán kiểm lâm không biết làm gì hơn.


rungcamau3.jpg


Đốn cây rừng để bán – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Trường hợp trên đây đang trở nên ngày càng phổ thông trong những vụ chặt cây lấy gỗ bừa bãi, không theo quy tắc bảo vệ rừng. Lâm tặc càng lúc càng “bạo tay”, không còn làm ăn theo kiểu xé lẻ, “gặm nhấm” như trước đây. Họ đi từng nhóm ít nhất cũng vài chục người, mang theo điện thoại di động. Họ chia ra một tốp đứng canh gác, một tốp để đánh lạc hướng toán kiểm lâm, một nhóm đi đẵn gỗ. Tất cả liên lạc với nhau bằng điện thoại, hễ thấy động tịnh gì, họ gọi báo cho nhau ngay để kịp thời tẩu tán.


rungcamau5.jpg


Cây rừng bị đốn hạ – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Thông thường, lực lượng kiểm lâm không kịp thời ngăn chặn việc đốn cây, chỉ đến nơi khi sự việc “đã rồi”, nên chỉ bắt được những cây đã bị đốn hạ.

Những người làm công việc kiểm lâm tuy mang nhiệm vụ quan trọng bảo vệ môi sinh, tài nguyên quốc gia, nhưng họ chỉ được thù lao bằng đồng lương ít ỏi. Vì cuộc sống không mấy sung túc, chính họ nhiều khi tiếp tay cho lâm tặc hoặc khai thác nguồn tài nguyên rừng để trục lợi cho cá nhân. Một số nhân viên kiểm lâm đốn cây lớn trong rừng bán cho ghe chở đước làm cột xà cừ, còn cây nhỏ giữ làm củi. Thấy người này làm được, người kia cũng bắt chước làm theo. Cho nên, thay vì bảo vệ rừng, cả hai phía lâm tặc và kiểm lâm tranh nhau phá rừng.


rungcamau6.jpg


Rừng “chảy máu” do nạn lâm tặc – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Diện tích Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là 41.862 hecta, bao gồm 15.262 hecta đất rừng và 26.600 hecta đất để bảo tồn biển, thuộc hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn.

Khu vực bảo tồn rừng bắt đầu từ rẫy Trương Phi (Đất Mũi) đến cửa Bảy Háp (Viên An), chiều dài hơn 80 cây số, chiều ngang có nơi rộng từ 500 thước đến hơn 3.000 thước. Khu vực này vừa trải rộng vừa kéo dài dọc theo ven biển, kinh rạch chằng chịt, khiến cho việc di chuyển khó khăn và việc quản lý trở nên phức tạp. Vô số kinh rạch lớn nhỏ ăn thông ra biển, nên khi thủy triều lên, lâm tặc dễ dàng xâm nhập vào rừng bằng xuồng, ghe máy qua những cửa lạch này.

source

© ViễnĐôngDailynews

Wednesday 10 March 2010

Casino gà Thổ Hà


Ngày 10.03.2010 Giờ 14:30


Một trong những casino gà lớn nhất miền Bắc nằm ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi tập trung rất nhiều chủ gà đến từ các địa phương có phong trào chơi gà chọi nổi tiếng đất Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây (cũ)… Tại đây, mỗi “trận” đá gà có giá cá cược lên đến năm, bảy chục triệu đồng, xoàng thì cũng là hai, ba triệu đồng. Gà chọi mang tới đây được các chủ gà nuôi từ nhỏ, mỗi ngày mất đến 15.000 – 20.000 đồng tiền ăn. Cho đến khi có thể “kiếm tiền” được cũng phải mất ít nhất từ 1 – 2 năm. Các casino gà bạc triệu này hoạt động quanh năm nhưng chỉ có thể tổ chức công khai vào dịp hội hè, lễ tết…

Long Nguyễn – An Thành thực hiện

Casino gà Thổ Hà thu hút đến cả ngàn người đến xem

Mỗi trận đá được chủ gà quy định thời lượng ra sân

Gà chọi sau khi được các chủ gà “chăm sóc” trở nên hăng máu hơn hẳn, trước khi bước vào cuộc chiến một mất một còn

Mỗi casino gà có cả chục người tham gia đặt cược

Trước giờ vào trận chiến, các chủ gà làm động tác “chăm sóc” gà

Trận đấu kết thúc, “nhà cái” tổ chức thu, trả tiền ngay tại trận

Mặc dù có bóng dáng công an nhưng trò được thua vẫn diễn ra

source http://sgtt.com.vn/detail21.aspx?newsid=63958&fld=HTMG/2010/0309/63958

Monday 8 March 2010

Đi siêu thị



Sunday, March 07, 2010



medium_VN_sieu_thi_03.JPG

Siêu thị, với hàng hóa đầy đủ, đa dạng, đang trở thành nơi nhiều bà nội trợ tới mua sắm nay vì ra chợ. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)

medium_VN_sieu_thi_7.jpg

Hàng hóa bên trong siêu thị Wellcome được sắp xếp ngăn nắp. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)

medium_VN_sieu_thi_Coop.jpg

Mặt tiền siêu thị Co.op Mart ở đường Cống Quỳnh, một trong nhiều địa điểm Co.op tại Sài Gòn. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)

medium_VN_sieu_thi_Hanoi.JPG

Hệ thống siêu thị Hà Nội quảng cáo là chuyên bán hàng đặc sản miền Bắc. (Hình: Saigon Cô Nương/Người Việt)


Không phải một, mà nhiều

Saigon Cô Nương/Người Việt

Saigon có rất nhiều siêu thị. Ngoại trừ những siêu thị kim khí điện máy chuyên bán hàng điện máy gia dụng như Nguyễn Kim, Ideas, Chợ Lớn, Thiên Hòa... Siêu thị điện thoại di động, computer, siêu thị sách, siêu thị ô tô, nội thất... thì các siêu thị còn lại bán đủ mặt hàng thiết yếu trong gia đình: thực phẩm, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc, đồ chơi... Ngoài ra trong phạm vi siêu thị còn có cửa hàng thời trang, khu trò chơi, nhà hàng thức ăn nhanh, khu ẩm thực, quán giải khát...

Siêu thị đầu tiên có mặt tại Việt Nam là Citimart Nguyễn Văn Cừ (1993) ở bên cạnh trường Lê Hồng Phong (Pestrus Ký). Sau đó không lâu phải giải tán, trả lại mặt bằng do ế quá vì lúc đó dân chúng chưa có thói quen đi siêu thị.

Sau đó siêu thị và trung tâm thương mại dần dần phát triển mạnh mẽ. Co.op Mart thuộc hợp tác xã thành phố nên được ưu tiên thuê những địa điểm đẹp trong nội thành dù diện tích chật chội, vừa khai trương siêu thị thứ 20 tại Saigon và là siêu thị thứ ba mươi bốn trên toàn quốc. Siêu thị của nước ngoài mới mở về sau này như Big C (Pháp), Zen Plaza (Nhật Bản), Metro Cash & Carry (Ðức), Lotte Mart (Ðại Hàn), Dairy Farm (Thái Lan), Parkson (Malaysia), Carrefour (Singapore)... Big C, Lotte, Metro phải ra ngoại ô hay ven nội mới rộng rãi đủ chỗ đậu xe hơi. Welcome là nhà bán lẻ Hong Kong không xây dựng siêu thị riêng của mình mà thuê lại năm siêu thị thuộc hệ thống Citimart. Tesco (Anh) chưa xin được giấy phép đầu tư nhưng đã “cắm mốc” từ hơn một năm qua tại Việt Nam, đang chờ có cơ hội xây dựng siêu thị. Sắp tới thành phố sẽ có khoảng chín mươi lăm siêu thị nữa.

Dân thành phố đã có thói quen tới siêu thị thay vì đến chợ. Vào siêu thị đương nhiên để mua sắm nhưng nhiều bà con vào đó mục đích giải sầu hay... hóng mát. Saigon quanh năm suốt tháng nóng nực quá nên một cách đi chơi mát mẻ lại không tốn tiền là vào siêu thị. Dạo trong đó có rất nhiều thứ tha hồ ngắm nhìn, xới tung hàng hóa, xổ cái này rớt cái nọ, cầm lên để xuống, chán chê rồi bỏ đi mà không sợ níu kéo mở hàng, chủ tiệm cằn nhằn, không bị ai lườm nguýt, đốt vía... Bởi vậy một siêu thị nhỏ mở ở Food Center đã mau chóng đóng cửa vì gần khu bình dân. Cứ chiều chiều, cơm nước xong xuôi, dân từ khu nhà sàn, khu ổ chuột bờ sông kéo nhau lũ lượt vào trốn nóng trong siêu thị. Người nườm nượp chen vai thích cánh xới tung cả siêu thị nhưng nhất định chẳng ai mua món hàng nào.

Cho nên câu nói cửa miệng về thói quen hút thuốc lá của đàn ông đã bị phụ nữ đổi lại thành thú vui đi siêu thị: Vui cũng đi, buồn cũng đi, không vui không buồn cũng đi, vừa đi vừa ngáp cũng đi...

Thông thường siêu thị đông nhất vào Thứ Bảy vì cuối tuần người ta đi chợ cho bảy ngày, sang đến Chủ Nhật đi chơi đâu đó hoặc nghỉ ngơi chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Bởi thế ít người mua sắm Chủ Nhật ngày đó vì siêu thị vợi hẳn hàng hóa.

Người đi siêu thị chuyên nghiệp đều rành rẽ giá cả, nhất là các bà nội trợ tính toán rất kỹ. Các món hàng trong đó đều đóng bao đóng gói theo trọng lượng nên một bịch đường chẳng hạn, có thể đắt hơn ngoài chợ năm trăm đồng, đường ngoài chợ xẻ từ bao tạ ra nên chắc chắn rẻ hơn. Vài chút năm trăm đó mua được tép hành, củ tỏi, quả ớt... mua mười hộp mì lợi được hai ngàn đồng, trừ một ngàn gửi xe còn lời một ngàn...

Dù có thứ mắc hơn chút xíu nhưng người ta vẫn thích mua sắm ở siêu thị. Vả lại siêu thị bán giá nhất định nên rất dễ chịu. Nói thách là một tệ nạn của chợ cổ truyền. Không phải tất cả người đi chợ đều cập nhật đầy đủ thông tin về mọi loại hàng nên mua hớ là chuyện đương nhiên, khách lạ thường bị chém thẳng tay là vậy. Cho nên lúc cần đi chợ, đàn ông thích đi thẳng vào siêu thị. Giá đề bao nhiêu mua đúng bấy nhiêu. Trả giá là cả một vấn đề cho người ít đi chợ vì chẳng biết phải trả bao nhiêu mới đúng. Khi trả một tiếng chủ bán ngay là lúc người mua đành móc túi một cách ngậm ngùi.

Trước kia cứ các khu chung cư xây đến đâu thì chợ mọc ra đến đấy, chợ nhà lồng đàng hoàng hay chợ chồm hổm tự phát nhưng bây giờ, để đáp ứng nhu cầu chợ búa ở những khu dân cư mới là các siêu thị to nhỏ. Trong vài năm tới, chợ trong nội thành Saigon sẽ bị xóa sổ để thay thế toàn siêu thị. Chợ chỉ tồn tại từ ngoại thành trở đi. Nhiều khu dân cư mới không có chợ gần nhà nên dân chúng bắt buộc phải đi siêu thị. Một số chợ mới xây xong to tát, đẹp đẽ có lầu, có tầng hầm nhưng mãi lực không cao sẽ chuyển thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Quyết liệt cạnh tranh với chợ nên Co.op Mart - “bạn của mọi nhà”- nếu hóa đơn thanh toán trên hai trăm ngàn đồng sẽ có đội xe gắn máy của siêu thị chực sẵn trước cửa chở hàng về tận nhà, tránh cho khách hàng khỏi tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Thời buổi tân tiến, khách đến siêu thị ngày càng đông vì ở đây dần dần bán đủ các thứ vặt vãnh ngoài chợ như bún tươi, cơm mẻ, nhộng, xả băm, dưa chua, cà muối... cả khoai mì luộc, bánh dầy đậu xanh, cóc ổi ngâm nước đường... cả thức ăn sơ chế sẵn đóng gói: lươn với ngò om, đậu phọng cho món um, cá lóc khứa sẵn xếp chung khóm, me, bạc hà... sẵn sàng cho nồi canh chua, lẩu đồng quê chỉ bắc nước sôi lên là xong... Mua các thứ về nhà bắc lên bếp nấu, không cần phải nhặt rau, thái thịt nữa hoặc các loại thức ăn nấu chín sẵn chỉ về bỏ vào lò vi ba như tép rang khế, thịt bò ra gu, cá thu kho nước trà... Buổi trưa bán cơm hộp, ngon hơn cơm vỉa hè và rẻ hơn cơm văn phòng nên giờ đó khách mua rất đông. Các dịp lễ lạt Tết nhất, siêu thị đáp ứng đầy đủ: Lễ Vu Lan cũng mía khúc, lạc luộc, bánh bò... Ðoan Ngọ bày cơm rượu, bánh gio... Tết Nguyên Ðán tràn đầy bánh chưng, giò thủ, dưa đầu heo, củ hành, kiệu... Mùng 4 Tết phố xá còn vắng tanh vắng ngắt, siêu thị trống rỗng vẫn mở hé cửa, nhanh chóng bày chiếc bàn nhỏ trước cửa bán gà nguyên con để khách hàng mua về luộc cúng hạ nêu, hóa vàng...

Hàng hóa siêu thị phong phú. Ðó là cả một cái chợ, chỉ đi một vòng mua đủ yêu cầu: ngoài thực phẩm thông thường và đặc biệt như đầu cá hồi, cá ngừ đại dương, trứng cá caviar... còn nồi cơm điện, máy sấy tóc, dầu gội đầu, quần áo nam phụ lão ấu, khăn giấy, chén bát, hoa giả... Chưa kể có sẵn khu ăn uống đủ cả cơm tấm, bún bò Huế, hủ tíu xào... hay mì Ý, gà quay Pháp... Cũng là chợ nhưng sạch sẽ, hàng hóa sắp xếp đẹp mắt và sáng choang, đâu ra đó. Mặc dù siêu thị đông đúc nhưng lúc nào cũng có một chị tạp vụ cần mẫn lau nhà và chị khác cầm mảnh bìa carton đi thụt lui quạt cho nền mau khô! Vì có vẻ tân tiến nên đi siêu thị không mặc đồ bộ, đồ ngủ như đi chợ mà quần áo nên chỉnh tề: quần jeans, áo pull, váy đầm, sơ mi... đẩy xe nhỏ hay xách chiếc giỏ của siêu thị.

Cuối tuần rảnh rang, cả nhà rủ đi siêu thị, mua một cái hốt rác ba ngàn đồng cũng kéo nhau đi chơi chứ đâu có chỗ giải trí nào rẻ tiền và thích hợp cho mọi thành viên gia đình. Chồng lựa trà, cà phê, rượu... mẹ đi chợ, gửi con vào phòng giải trí tô tượng hay chơi games, ngồi thú nhún... Tuy nhiên khu trò chơi chật hẹp, không có người trông trẻ và ít trò chơi, năm phút là hết trò khiến trẻ con chán liền, không kể ngồi đó cả tiếng cũng tốn kém nên thường trẻ con theo mẹ mua sắm luôn. Bé quá mới ngồi trên xe đẩy còn thì con nít chạy chơi giữa các lối đi và chọn hàng một cách thông thạo. Chúng cũng ngắm nghía, chỉ trỏ, giúp mẹ chọn màu chiếc rổ hay kiểu tạp dề, chọn lựa sữa mùi dâu hay sô cô la, hộp in hình thú vật hay búp bê, bánh snack hành hay khoai tây chiên, đồ hộp thịt bò xốt cà chua hay cá ngừ ngâm dầu, đồ nguội xúc xích hay jambon. Ðưa list cho học sinh lớp 1 mua hàng còn lẹ hơn bà mẹ vì chúng rất nhớ các khu vực hàng hóa khác nhau, lại thêm tiện lợi món ăn nào do tự chọn, về nhà trẻ con ăn ngon lành, khỏi mất nhiều công dỗ dành...

Dẫu sao siêu thị cũng có điều bất tiện. Chắc chắn luôn có một cái chợ gần nhà không to thì nhỏ nhưng siêu thị thường xa, muốn đi phải xách chiếc xe chạy một đỗi, đến nơi còn phải vào bãi tìm chỗ đậu xe, mua bán xong xả xếp hàng rồng rắn đợi tính tiền mất nhiều thời gian. Bởi đi chợ cho cả tuần nên mỗi người đổ hàng ra cả đống, tính tiền khá lâu.

Nhắc tới siêu thị là nói tới an toàn vệ sinh nhưng thật ra đến cuối ngày, siêu thị cũng tồn cá ươn, thịt ôi, rau héo, trái cây chín ủng... Những thứ đó ngoài chợ nếu còn, thường người bán phải tìm chỗ tống tháo hoặc bán hạ giá nhưng siêu thị giữ nguyên giá cố định vẫn đắt hơn bên ngoài có khi đến vài ngàn một ký, lại thêm các thứ lặt vặt tiêu hành ớt tỏi chỉ cần một dúm ở siêu thị đều phải mua trọn gói.

Ðến chuyện tính tiền. Ngoài chợ, cân xoay mặt vào người bán, nói bao nhiêu biết bấy nhiêu. Lâu lâu thử về nhà cân lại mới thấy kêu nửa ký còn 420gr, một ký còn 0.95 là thường. Còn siêu thị cần một tép rau răm là 280 đồng, một củ gừng thẳng băng 430 đồng... thối lại viên kẹo, tiền lẻ hiếm nên dù còn, cô thu ngân cũng giữ lại, viên kẹo thối lại chẳng ai ăn, rồi bỏ đâu đó mất. Cô thu ngân siêu thị tính tiền trên máy, in ra tờ giấy hẹp và dài ngoằng, mực mờ câm nên ít ai kiểm tại chỗ làm chi, lo đi cho lẹ nhường chỗ người khác tiến lên. Về nhà thong thả dò lại mới hay có món hàng cô gõ hai lần. Ðành chịu thua vì ra khỏi quầy là đâu có kiện cáo gì được nữa. Riêng Metro sau khi qua quầy tính tiền, trước khi ra hẳn cổng còn bị chặn lại xét túi một lần nữa xem hàng hóa có khớp với hóa đơn hay không rất mất thời giờ và thiếu tế nhị.

Mỗi siêu thị có một thế mạnh riêng. Maximark thượng vàng hạ cám, đi siêu thị Wellcome xong ghé xi nê Galaxy bên cạnh xem phim Triệu phú ổ chuột đoạt giải Oscar; Co.op liên kết chặt chẽ với Vissan và các chợ đầu mối nên cung cấp thịt cá, rau tươi mỗi ngày; Big C của Pháp bày nhiều loại bánh mì, phô mai, bơ... đặc gu Pháp, đường Bourbon không chất tẩy trắng, xưởng thu mua kiểm nghiệm gắt gao nên thịt được khách hàng cho là tươi hơn những siêu thị khác, giá có thể rẻ hơn Co.op một, hai ngàn, thịt xay gói sẵn trọng lượng ít nên dễ mua; Metro chuyên bán sỉ trước kia độc quyền nhiều loại thức phẩm lạ như thịt kanguru, cá sấu, bò Úc... nhưng các loại hàng này hiện đã bắt đầu xuất hiện ở các siêu thị thông thường; Hà Nội chuyên hàng Bắc như bắp cải, khoai tây xứ lạnh, húng Láng, kẹo cu đơ Thái Bình, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh cốm Hàng Than... Ði siêu thị mòn chân sẽ khám phá ra nước tương Chinsu chỉ bán ở Citimart, còn Tam Thái Tử độc quyền Co.op. Siêu thị Hà Nội chuyên bán quần áo Trung Quốc giảm giá, Co.op thiên về thực phẩm, còn mua xà bông, nùi giẻ thì đi Citi thong thả hơn...

Metro dành cho bán sỉ, nhưng nhiều bà nội trợ ham rẻ sau khi khuân hàng về lại phải kiếm người cho bớt hoặc chia lại. Bột giặt chỉ có bịch năm kí, bàn chải đánh răng bán nguyên lố, nước mắm một cặp, thịt bò cả kí lô, dao cắt trái cây nguyên vỉ bốn con... Tính ra không rẻ lắm, một món lời mười đồng, ba món lời hai mươi tám trong khi hàng mang về để quá lâu, dùng hoài không hết về mặt kinh tế không lợi. Lotte của Ðại Hàn quá mắc, chỉ có thể canh mua quần áo thời trang giảm giá nên siêu thị này vắng hoe, khách vào đi ra tay không mặc dù Lotte kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, mua sắm, giải trí của khu Nam Saigon gồm cả nhà văn hóa phụ nữ, rạp chiếu phim... C.T Group (Thái Lan) đang đầu tư các khu trung tâm thương mại cao cấp.

Ðó là không kể đến các chiêu khuyến mãi của siêu thị, nhiều người đi siêu thị thường xuyên vì lý do đơn giản là rất thích săn tìm các mặt hàng khuyến mãi. Giống như mua sỉ, để được hưởng món hàng khuyến mãi, người ta phải mua nhiều, kỳ này dùng chưa hết, vì khuyến mãi lại tiếp tục mua nữa.

Một số siêu thị thuộc công ty tư nhân khó chen chân vào thành phố đã lựa đầu tư vào những địa điểm xa hơn như trung tâm thương mại Intimex - Fuso hoạt động ở Buôn Ma Thuột (DakLak). Các công ty kinh doanh phân phối nội địa như Saigon Co.op, Citimart, Phú Thái... cố gắng mở rộng hệ thống siêu thị ra các địa phương nhằm chiếm lĩnh thị phần trước khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ồ ạt nhảy vào Việt Nam. Trong tương lai, sự cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt giữa các công ty trong nước và các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

source

NGUOI VIET Online

Friday 5 March 2010

Hiểm họa trấu trên sông Miền Tây


Cập nhật lúc 3:32:48 AM - 04/03/2010

trau1.jpg


Những ghe chở trấu đầy cơi thường xuyên chùi trấu xuống sông – ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Trước đây 10 năm trấu rất quý. Hầu hết người dân ở Miền Tây dùng trấu làm chất đốt, làm phân bón. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây trấu rẻ như bèo, nhiều người bỏ đi thói quen dùng trấu nấu nướng, cho nên không ai mua trấu nữa. Các nhà máy xay lúa mọc lên như nấm, họ xay lúa lấy gạo xuất khẩu, còn trấu nhiều quá không còn chỗ chứa. Nên họ đổ trấu đi bằng cách thảy trực tiếp xuống sông rạch, nhất là vào ban đêm. Nhà máy này thả trấu xuống sông rạch thì nhà máy khác cũng làm theo, và từ đó lan ra khắp vùng Miền Tây, khiến cho nhiều con sông lớn nhỏ đầy những trấu và trấu.


trau2.jpg


Nhiều nhà máy chứa trấu cặp bờ sông để dễ bề đùa trấu xuống sông ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Việc này không những gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường và nhất là nguồn nước bị nhiễm độc.

Tại Kinh Xáng (Tân Châu, An Giang) nhiều nhà máy xay lúa thảy trấu trực tiếp xuống kinh bằng nhiều cách tự nhiên. Chẳng hạn, họ chứa trấu thành từng đống lớp cặp bờ sông, rồi để cho trấu chùi từ từ xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và gây thiệt hại cho các gia đình nuôi cá. Một số nhà máy còn có “sáng kiến” dùng những tấm lưới vây chắn quanh bến sông rồi đùa trấu vào; sau khi nhận vỏ trấu chìm hẳn xuống, họ tháo lưới cho trôi ngầm lưng chừng dưới nước. Những “quả thủy lôi... trấu” khổng lồ này đã húc vào một số bè nuôi cá, tung sủi lên nhiều bọt khí khiến cá nuôi bỏ ăn.

Người dân tiếp tục khẩn thiết kêu cứu... nhưng cho đến nay chưa có nhà máy nào ở đây bị xử phạt, nên ngày đêm trấu vẫn tiếp tục được xả trôi sông! Dân chúng đặt nghi vấn là một số nhà máy thuộc quyền sở hữu của cán bộ, của thân nhân lãnh đạo xã, nên nhà cầm quyền địa phương ngó lơ!


trau4.jpg


Trấu trôi lênh đênh trên sông cả tuần lễ mới chìm lờ đờ - ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Nhiều dòng sông ở Miền Tây đang bị nghẹt thở trước sự tấn công của trấu từ các nhà máy xay lúa thải xuống. Trước dòng chảy lượn lờ của những con sông chứa đầy xác trấu, hàng ngàn người dân “xót dạ, sôi ruột”, còn các nhà khoa học thì đứt ruột nhìn nguồn nguyên liệu đáng giá bạc tỉ này tan theo bọt nước.

Hiện nay, Miền Tây đang bước vào mùa thu hoạch lúa đông xuân. Điều nầy đồng nghĩa với việc các nhà máy xay xát hoạt động ngày đêm, và trấu lại tiếp tục trôi sông. Nhiều nhất là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ.... Tại Đồng Tháp, khu vực từ Vàm Đinh (xã Long Hưng B-Lấp Vò) đến xã Tân Quy Tây (Sa Đéc), có 20 nhà máy xay lúa, bình quân mỗi ngày cho ra hơn 100 tấn trấu. Nhưng do lái buôn không ăn hàng, nên lượng trấu tồn đọng đã lên đến hàng chục ngàn tấn. Ông LMP, chủ Nhà máy Phước Minh, cho biết: "Trước đây, bạn hàng đến tranh mua với giá 30-50 đồng/kí, còn bây giờ chúng tôi phải cho tiền ngược lại từ 200-300 ngàn đồng/ghe, nhưng vẫn không thấy người đến chở.


trau3.jpg


Nhiều ghe chở trấu được mời đến lấy trấu còn được cho tiền, quả là điều từ trước đến giờ chưa bao giờ có - ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Trong khi đó nhà kho thì có hạn, nên một mặt lén đổ xuống sông, một mặt tổ chức đốt bỏ".

Tuy nhiên, theo lời các chủ ghe chuyên nghiệp chở trấu, thì đây là công việc họ không muốn nhận vì những lý do ngoài ý muốn. Do trấu rất nhẹ, nếu chở đúng theo quy định an toàn đường thủy thì lỗ với giá xăng dầu đang tăng, còn "cơi" cao lên như trước đây thì bị phạt....

Ở An Giang có đến hơn 1.000 cơ sở xay lúa, nên tình hình càng căng thẳng hơn. Huyện Tân Châu có 24/24 nhà máy thổi trấu ra sông dưới nhiều hình thức, như đặt ống ngầm đưa trấu từ nhà máy ra tận mé nước, hay thổi trấu trực tiếp ra sông.... Còn ở Kiên Giang, chỉ riêng ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B (Châu Thành), có 3 nhà máy xay lúa thì cả 3 đều đổ trấu xuống sông. Nhưng, do nằm sát quốc lộ nên họ hành động có kín đáo hơn, ban đêm mở cửa kho cho trấu tuồng ra sông. Nếu có bị bắt gặp và bị xử phạt thì mức phạt "nhẹ nhàng" không đủ răn đe, nên sự việc cứ như "bắt cóc bỏ đĩa".


trau5.jpg


Trấu ngày nay dùng để chống sói lở, vì nếu trấu có bị lở cũng tốt thôi - ảnh: Hải Yến/Viễn Đông


Ngày nay, trên nhiều sông rạch Miền Tây, không những trấu trôi dập dềnh mà lâu lâu từ dưới mặt nước những “thuỷ lôi” trấu phụt lên và bốc mùi hôi thúi. Nhiều người giờ đây rất ngại tắm sông vì không khéo tắm nhầm luồng nước đầy trấu bẩn còn bị ngứa, nổi mận… Dịch trấu đã trở thành nổi ám ảnh kinh hoàng của người dân Miền Tây hàng ngày. Nhiều người quý trấu ngày xưa, nay thấy trấu là ghét.

source

VienDongDaily