Tuesday 26 January 2010

Hàng rong ngày cuối năm


Xã hội
Thứ năm, 21/1/2010, 13:55(GMT+7)


GiadinhNet - Những ngày cuối đông giá lạnh, khắp nẻo đường phố Hà Nội, những gánh hàng rong trên đôi vai gầy của những người phụ nữ xa quê mưu sinh vẫn miệt mài kĩu kịt. Dường như gánh hàng những ngày cuối năm thêm nặng hơn.
Mưu sinh mùa Tết
Những bước chân của họ dường như cũng kéo dài hơn giữa phố xá đông người, bởi trong họ có thêm một nỗi lo toan: ngày Tết đã đến gần... Chiều muộn, những gánh hàng rong tìm về khu trọ nằm khuất sâu sau một con ngõ ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Gánh hàng của chị Hoàng Thị Huệ, quê ở xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn nguyên cả một mớ nào ví, lược, tất, khẩu trang, bấm móng tay...

Chị Huệ rong ruổi mọi con phố.

Bước vào căn nhà trọ chật chội, chị đặt kẹp hàng xuống, thở dài: “Đi tuốt từ dưới phố về mà bán được có 2 đôi tất, hôm nay sao số đen thế không biết!”, rồi chị lôi hộp cơm ăn dở từ trong kẹp hàng ra ngộm ngoạm nhai, dặm thêm ngụm nước lọc, than thở: “Trưa thấy ông già bán bánh mì cũng ế như mình nên ăn giúp 2 cái, đành để dành suất cơm trưa làm bữa chiều...”. Mới đầu giờ tối, rửa ráy xong là chị Huệ leo lên tấm phản được trải rộng làm giường, nơi đã có mấy đồng nghiệp chui vào chăn từ bao giờ. Chị nói như thanh minh: “Cuốc bộ cả ngày trời, đêm đến chỉ có nằm thôi”.
Đây là năm đầu tiên chị Huệ xa nhà đi làm ăn. Chị quyết định lên Hà Nội bởi nhà chị trong quê có 4 sào ruộng, anh trai và hai em gái làm loáng cái là xong. Có về thì cũng chỉ đi cấy thuê. Mùa vụ bây giờ được mấy ngày, làm xong ngồi chơi thì lấy gì mà ăn. Những ngày cuối năm nhớ nhà lắm nhưng chị vẫn ý thức được rằng phải cố hơn ngày thường, phải toan tính làm sao để có thêm cho gia đình đang mong chờ ở quê nhà đôi ba đồng tiêu pha “gọi là có Tết” với người ta. Nhưng ngày càng khó khăn vì người bán dạo từ quê vào thành phố đông hơn, với cánh hàng rong còn bị vận vào cái mác “bán đồ giả”.
Khoảng vài chục phụ nữ bán hàng rong ở dãy trọ này đa số đến từ Thanh Hóa và Hưng Yên. Trong khi chị em ở Thanh Hóa bán đồ dùng sinh hoạt thì những phụ nữ ở Hưng Yên lại đẩy những mủng hoa quả bán dạo, người nào “vốn dày” thì bán đồ sành sứ. Hoài, người Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hóa, 23 tuổi, lập gia đình 5 năm rồi, có hai đứa con, đứa nhỏ mới 16 tháng tuổi đã phải gửi bà ngoại chăm. Hoài theo chân các chị hàng xóm ra Hà Nội “kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ trông vào mảnh ruộng thì sao đủ ăn. Ông xã mình cũng đâu có ở nhà, vào Đắk Lắk trồng cà phê cho chú. Chồng nơi, con nơi, thôi đành Tết ở lại”.
Trong cái xóm nhỏ hàng rong ấy mỗi người mỗi cảnh vất vả, éo le. Phần nhiều trong số đó sẽ đón năm mới trong gian trọ nhỏ này.

Những lúc ế hàng.

Nhớ nhà chẳng dám về
Tết Nguyên đán gần kề, công nhân vào mùa tăng ca, các gánh hàng rong cũng tự tăng ca. Trong số phụ nữ mưu sinh xa quê ấy có những chị mỗi ngày chỉ ngả lưng 3- 4 tiếng bởi phải “tăng ca” rong ruổi mọi hang cùng ngõ hẻm. Chị Ninh, người lớn tuổi nhất trong nhóm cho biết: “Năm hết Tết đến, muốn cho con có manh áo mới thì phải chịu khó đi làm thêm. Sáng chưa bảnh mắt đã bước ra khỏi nhà, đêm khuya mới chịu về nghỉ. Buồn nhất là những hôm đi rã hết cả chân mà chẳng ăn thua gì...”.
Giữa trưa gặp chị Lê Thanh Thủy quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, ngồi tựa gốc cây ở cổng Trường ĐH Thủy Lợi đếm tiền, những tờ 1.000, 2.000 đồng cũ mèm bị vo tròn trong túi được đếm kỹ và vuốt phẳng phiu. “Sáng nay được mấy khách nước ngoài mua cho mấy cái treo chìa khóa và một số đồ lưu niệm, trừ vốn lời 55 nghìn đồng. Mới nửa ngày mà đã hơn cả ngày hôm qua rồi” - chị phấn khởi cho biết.
Mấy ngày này vào các xóm trọ, nơi ngụ cư của những thân phận mưu sinh nơi đất khách quê người, tôi đã thấy cái cảnh chộn rộn của ngày Tết. Dường như ai cũng gấp gáp hơn, căng sức ra nhiều hơn và ai cũng có dự định riêng. Tối đến khi từ mọi nẻo đường trở về phòng trọ, chị Thủy lại lôi trong túi đồ ra cục len và cặm cụi đan áo. “Áo cho con mặc năm mới, được một cái cho thằng lớn rồi, còn cái cho con em cũng gần xong. Mình không có tiền mua áo, thì mua len đan cho rẻ. Cũng là áo mới. Không biết vài chục ngày nữa có kịp cho chồng một cái nữa không”- chị nói.
Còn bánh mứt nữa, các chị đến tận lò mua bánh, kẹo lẻ rồi thu lượm hộp giấy về cắt dán đem về làm quà, bởi “mang tiếng đi Hà Nội cả năm, Tết về cũng phải có quà chứ”, chị Thủy cười tếu táo.
Thanh niên trai tráng, còn sức khỏe, chịu khó chịu khổ để bươn chải kiếm sống là chuyện thường. Nhưng trong rất nhiều người tha hương mưu sinh đó cũng không ít thân già mà vẫn phải bươn chải xuôi ngược, để lo manh áo chén cơm cho chính bản thân mình.

Một mình lạnh lẽo trong đêm vắng.

Mái tóc hớt ngang gáy bờm xờm đã bạc màu tuổi tác, bên hông là một túi bánh mì, bà cụ vẫn vẫy tay chào mời khách với dáng vẻ nhanh nhẹn. Đã rất nhiều lần tôi bắt gặp cụ đứng ở gần bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Hôm nay, ra bến xe tìm cụ, không thấy, tưởng cụ về quê. Nào ngờ, đi xuôi xuống gặp ngay cụ ở trước cổng Cơ khí ô tô Đại An, Thanh Trì. Tôi mua bánh và hỏi thăm, cụ móm mém cười: “Trên đó người ta đang làm cầu bụi quá. Chứ tôi có về quê ăn Tết đâu. Nhà đâu ở quê mà về”.
Hỏi gia cảnh cụ nhất quyết không nói, chỉ cho biết mỗi quê ở Sơn Tây. Tôi biết cụ già này đã bán bánh mì ở đây đã mấy năm nay. Lúc đưa máy ảnh lên, bà cụ từ chối: “Chụp à? Không được chụp bà đâu!”. Rồi cụ tâm sự: “Tết này, bà tròn 70. Người ta tuổi này nhiều người ngồi một chỗ, tôi còn khỏe vậy là ông trời đã thương lắm rồi”.
Nét nhọc nhằn hiện rõ trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn của bà cụ nhưng không tìm thấy sự buông xuôi. Dẫu có lẻ loi, dẫu có một mình giữa Hà Nội náo nhiệt. Hàng ngày, bà cụ vẫn bước đi trên đôi chân mình bán bánh mì, rồi tối đến về phòng trọ sống nốt quãng đời tuổi xế bóng.
Với đôi quang gánh trên vai, sức khoẻ và sự nhẫn nhịn, những con người nhỏ bé đã gánh cả cuộc đời và gia đình họ trên đôi vai mảnh khảnh. Ngày này qua ngày khác, họ đã tích cóp mồ hôi và nước mắt để mái nhà ở quê thêm lành lặn, bát cơm trong ngày Tết của con cái họ được đầy hơn.
Đêm về khuya. Một tí mưa lất phất âm thầm đưa mùa xuân đến thật gần. Lác đác bóng dáng mấy bà bán rau đang gồng mình trên những chiếc xe đạp thồ để chạy đua với Tết. Có lẽ giờ này, Huệ cũng như nhiều người ngoại tỉnh về Hà Nội để kiếm sống nhờ những món hàng nho nhỏ, vẫn chưa ngủ. Họ vẫn ngong ngóng về gánh hàng rong ngày mai.
Tháng chạp - “tháng củ mật”

Trong những ngày giáp Tết, ngoài những người đi hàng rong chuyên nghiệp còn có những nghề “thời vụ” khác như: bán bóng bay, đánh lư đồng, quét ve nhà, tường rào, bán cây cảnh, cá cảnh...
Quân, quê ở Nam Định cho biết mới “ra quân” có mấy ngày mà đã kiếm được kha khá, hơn nhiều mấy gánh hàng rong. “Nếu cứ chăm chỉ đến ngày 29, 30 Tết, mỗi người cũng bỏ túi được trên dưới vài triệu đồng chứ chẳng phải chuyện chơi. Vì vậy nên cứ phải cố”- Quân nói.
Thúy Quang
source
http://giadinh.net.vn/home/20100121094557757p0c1000/hang-rong-ngay-cuoi-nam.htm

Monday 25 January 2010

Khốn khó nghề đánh dậm


Thứ Ba, 19/01/2010, 07:46


(ANTĐ) - Ở làng Sào, thuộc xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, những người phụ nữ có truyền thống đánh dậm từ rất lâu đời và họ truyền nghề cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác và người dân nơi đây coi đó là truyền thống văn hóa, là đặc trưng của làng.

Phụ nữ làng Sào ai cũng biết đánh dậm (chị Nguyễn Thị Lan đang đánh dậm trên con sông của xã Văn Võ)

Đánh dậm trở thành nghề truyền thống

Người dân làng Sào có nghề chính là sản xuất nông nghiệp, nhưng đời sống của dân cư gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát quanh năm, làm không đủ ăn nên bên cạnh nghề nông phụ nữ còn có thêm nghề đánh dậm. Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ nữ có thâm niên 17 năm làm nghề đánh dậm cho biết: “Nhà ít ruộng, làm không đủ ăn nên tôi phải bỏ học sớm, mới 15 tuổi mẹ tôi đã dạy cách đánh dậm để đỡ đần gia đình và nuôi các em ăn học.

Nhà có 6 chị em nhưng không ai được học hành đến nơi đến chốn, đều bỏ dở giữa chừng, đứa đi làm thuê, đứa thì ở nhà làm ruộng rồi đi đánh dậm cùng mẹ khắp nơi. Năm 20 tuổi tôi đi lấy chồng và vẫn tiếp tục nghề đánh dậm, vất vả lắm nhưng nhà nghèo biết làm sao được”. Gương mặt chị già đi nhiều so với tuổi 37, đôi bàn tay chai sạn, nứt nẻ.

Năm này qua năm khác, người dân đánh dậm nhiều nên tôm tép cũng hết, chị em phải kéo nhau đi các xã lân cận hoặc xa hơn. Đi gần thì thường là đi bộ hoặc đi xe đạp, còn xa thì phải đi xe khách hoặc xe buýt vào nội thành thuê trọ nhà dân với giá rẻ khoảng 2 đến 3 nghìn đồng một tối. Tôm cá bắt được một phần đem về cải thiện bữa ăn, nhưng phần lớn thì đem bán ở các chợ ở Hà Nội…

Đánh dậm không phải là một công việc quá khó, nhưng lại là một nghề đặc biệt để người ta dựa vào đó mà đánh giá sự khéo léo và cần cù chịu khó của người phụ nữ làng Sào. Cái quan niệm ấy đã ăn vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Phụ nữ biết đánh dậm đồng nghĩa với việc biết làm ăn, đảm đang, khéo léo… nên đó là tiêu chí để đàn ông chọn làm vợ. Cô nào càng chăm chỉ đánh dậm thì càng được nhiều chàng trai chú ý. Ai lấy được vợ giỏi đánh dậm thì coi như có phúc.

Chị Hà tâm sự: “Thu nhập mỗi ngày cũng được khoảng 30 nghìn đến 40 nghìn đồng, thậm chí hơn, nhưng cũng có ngày không đủ tiền bữa sáng cho con. Những ngày bắt được nhiều cá, bán được nhiều tiền thì bù cho những ngày mưa gió không đi được mà tiền ngủ trọ vẫn phải trả”. Nắng mưa dãi dầm, những người phụ nữ như chị Hà quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm sống.

Không biết đánh dậm… khó lấy chồng

Chị Đỗ Thị Bảy, 46 tuổi tâm sự: “Hồi nhỏ, mẹ tôi thường dặn con gái trong nhà phải chú ý học mẹ cách đánh dậm để sau này còn lấy chồng. Con gái mà không biết đánh dậm thì khó lấy chồng.

Đánh dậm không phải là một công việc quá khó, nhưng lại là một nghề đặc biệt để người ta dựa vào đó mà đánh giá sự khéo léo và cần cù chịu khó của người phụ nữ làng Sào. Cái quan niệm ấy đã ăn vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Thạch nói: “Phụ nữ biết đánh dậm đồng nghĩa với việc biết làm ăn, đảm đang, khéo léo… nên đó là tiêu chí để đàn ông chọn làm vợ. Thời chúng tôi, con trai làng này lấy vợ là phải kén chọn rất cẩn thận, cô nào càng chăm chỉ đánh dậm thì càng được nhiều chàng trai chú ý. Ai lấy được vợ giỏi đánh dậm thì coi như có phúc”.

Bây giờ đánh dậm ngày càng khó khăn hơn nên người dân làng Sào bắt đầu chuyển sang học làm nón. Từ khi học làm nón phụ nữ trong làng có nhiều thời gian ở nhà với gia đình hơn, sáng đi đánh dậm chiều về làm nón, không như trước đây, đến làng Sào chỉ gặp đàn ông, người già hoặc trẻ con, còn phụ nữ đi đánh dậm cả ngày.

Chị Đặng Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Võ nói: Truyền thống đánh dậm ở làng Sào có từ rất lâu rồi, do các cụ từ đời xưa để lại cho đến giờ phụ nữ trong làng vẫn còn giữ nghề. Công việc đánh dậm ngày càng khó khăn hơn nên chúng tôi đang vận động bà con chuyển sang học nghề làm nón. Nếu như có sự tập trung đầu tư với nghề này, chắc chắn người dân sẽ có thu nhập cao hơn và có công việc ổn định hơn”.

Út Nguyễn

source

http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=66601&ChannelID=92

Tuesday 19 January 2010

Cây đa Tây Thiên



Cập nhật lúc 3:50:38 AM - 17/01/2010

248h1.jpg


Cổng đền Trình


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

“Một chị chạy kiếm ông trưởng phòng, ông này cho biết có cây đa 9 gốc nhưng đường lên Tây Thiên khó đi lắm. Ông ta khuyên: ‘Có cây đa lịch sử ngay thị Xã Phú Thọ. Cây đa này còn ác chiến hơn nhiều, việc gì phải vất vả đi xa’. Nghe hữu lý, tôi hỏi rõ đường đi rồi đổi hướng lên Phú Thọ, cây đa Tây Thiên để bận sau”.

Trên là một đoạn trích trong loạt bài “Hành trình về Khâu Vai” (1). Cây đa ở Phú Thọ tuy to lớn nhưng chẳng có gì đặc biệt, tuổi đời và nét phong trần so với cây đa Thổ Hà (Bắc Giang), cây đa am Mỵ Châu (Cổ Loa), cây đa đền Dầm (Hà Tây) thì kém xa, chỉ được mỗi vinh dự mang ngọn cờ kháng chiến chống Pháp trong những ngày đầu năm 45. Chuyện này dành cho các sử gia, với tôi cây đa phải có thể dáng đẹp, lạ, phải mang vẻ phong trần năm tháng, phải nói được nỗi dày dạn của đời cây.

Tôi lại phải đi Tây Thiên. Tây Thiên nghe từa tựa Tây Trúc, “có lẽ cây đa nằm trong khuôn viên một cổ tự”. Nếu vậy chắc tuổi cây khá cao. Tính về gốc, cây đa Tây Thiên có 9 gốc, chỉ thua cây đa 13 gốc Hải Phòng. Cây đa 13 gốc tôi tìm không thấy đâu có hình ảnh, chỉ nghe nói và đã mất hai ngày đi tìm (2). Cây đa 9 gốc thì có trên internet. Trông lạ lắm.

Tây Thiên nằm trong vùng núi Tam Đảo, cách Hà Nội 85 km, có thể chạy xe gắn máy đi về trong ngày thong thả. Chỗ tôi trọ có cô hàng xóm nghe tôi đi Tây Thiên cứ năn nỉ xin theo:

- Chú cho cháu đi với, cháu chạy xe đèo chú. Nhân ngày nghỉ cháu muốn đi ra ngoài một hôm cho thoáng, ở nhà suốt chán chết.

- Cháu đi thế công việc nhà bỏ cho ai?

- Nhà nhiều người mà chú.

- Được, nhưng phải nói rõ cho trong nhà biết.

- Dạ, cảm ơn chú.

- Chú cũng nói trước, đi đây không như đi du ngoạn đâu. Chú đi là để làm việc và đôi khi không kịp giờ phải chạy, có đồng ý thì đi.


248h2.jpg


Điện thờ đền Thõng


Không cứ gì cô hàng hàng xóm này, mà nhiều người chỉ mới quen sơ, chuyện trò trong chốc lát rồi sinh ra tò mò cứ nằng nặc “Cho cháu theo với, bác cần gì cháu giúp”. Tôi lại nghĩ “Nhất cử tam tứ tiện vầy mà không nhận lời thì phụ lòng tha nhân quá”. Nhận lời, lại thêm trách nhiệm...nhưng, quá lo xa thì còn làm được gì.

Khởi hành, cô bạn trẻ giành chạy xe, tôi bảo “Ra ngoài thành phố cháu thay chú”.

Chúng tôi theo lộ trình như lần đi chợ tình Khâu Vai. Qua khỏi thành phố Vĩnh Phúc có đường đi Tây Thiên chừng 20km. Con đường nhựa hẹp bằng nửa mặt đường Quốc lộ. Càng đi càng vào sâu trong thôn xóm, có chỗ sát núi, những khu rừng hoa sưa (không phải hoa sữa) cao xanh theo triền núi. Đến một ngã ba: Rẽ phải lên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đi thẳng vào đền Thõng, nơi có cây đa 9 gốc. Trước khi vào đền Thõng qua đền Trình, đang được trùng tu. Cổng đền Trình rất bề thế, có cây sấu cổ thụ khá đặc biệt, tán rợp mát một vùng, vài ba quán giải khát chẳng có ai ngoài đám trẻ con đùa ngịch . Nhiều Chùa Đền miền Bắc, trước khi vào lễ đền chính, phải cúng xin phép ở đền Trình. Tôi nghĩ, đây chẳng qua lợi dụng lòng mê tín của bá tánh, cúng vái, nhang đèn càng nhiều càng được phước. Từ đó đẻ thêm Đền Trình (Chùa Hương, Đền Gióng, Đền Thõng…...) cho thêm long trọng, và cũng là cách moi tiền (công đức) khách thập phương. Trong miền Nam, tôi chưa gặp nơi nào có đền Trình.

Đoạn đường vào Đền Thõng có chỗ chưa tráng nhựa, nhưng cũng dễ đi. Qua khỏi xóm nhà cây cối um tùm, từ xa đã hiện ra một khóm rừng cao xanh, thấp thoáng mái ngói đỏ. Tôi đoán chừng đền Thõng, cây có tàn lá vươn cao hẳn là cây đa 9 gốc. Cạnh lối vào Đền có một hồ nước lớn, một chiếc thuyền nan, mộc mạc quê mùa, không thanh lịch đài các như hồ công viên thành phố. Tôi dừng lại ngắm cảnh trí cô đọng, nổi bật trên nền núi xanh, thanh vắng và êm đềm. Tôi thích cái tĩnh mịch nơi Chùa Đền. Nhưng đời thường ngược lại, nơi lễ bái, linh thiêng là nơi nhốn nháo mua bán. Ai cũng nhân danh Thần Thánh quảng bá dịch vụ của mình, từ hàng nhang đèn đến hướng dẫn viên du lịch thao thao như thật, cốt sao lọt tai du khách là được.

Vào cổng Đền, mới thấy nhiều quán hàng trong sân, khách vắng tanh. Một cậu choai choai đang ngồi chơi trước sân Đền thấy tôi chạy xe vào, vội đứng dậy cầm cây roi tre huơ huơ quát: “Xe gửi ngoài kia”. Tôi gai mắt trước thái độ hỗn xược, nên thuyết cho một hồi, cậu ta mới lơ đi nơi khác.


248h3.jpg


Cây đa “9 gốc”


Cây đa Tây Thiên quả thật lạ, gốc như những cột đình cao đến mười mấy mét, từ trên một thân cây nằm nghiêng buông xuống đất, cây đa không có gốc chính. Có thể từ lâu lắm gốc mẹ đã rục rã giống như trường hợp cây đa đền Dầm (thờ Đức Trần Hưng Đạo 700 năm trước, gốc mẹ đang trong thời kỳ bị hủy dần). Tôi quan sát kỹ và đếm được 12 gốc lớn nhỏ. Gốc cấu tạo theo hình chóp nón, thế rất vững. Đứng phía nào trông cũng đẹp, một loại cây đa ít thấy. Nhưng vẻ bề thế, vạm vỡ oai vệ của một đại thụ thì không. Đa không có thân chính cành nhánh thon thả được phân phối hài hòa, mang nét “phong nhã thanh lịch” của một công tử. Tôi mải lo chụp ảnh và ngắm xem từng gốc của cây đa, một anh chụp hình dạo, đến làm quen:

- Chú thấy giống con nai không? Chú đứng phía bên này đẹp hơn.

- Tôi nghe nói cây đa 9 gốc mà đếm thì 12?

- Thực ra chỉ có 8 gốc thật, còn 4 gốc giả, chú nhìn kỹ thấy ngay.

Đúng thế thật, những gốc nhân tạo có phần lớn hơn, phải công nhận nghệ nhân đắp rất khéo, màu da mốc giống hệt, vỏ sần sùi nhìn khó biết thật giả. Nhưng chỉ mấy giây, tôi nhận ra điều dại dột của người làm “văn hóa mỹ thuật”, đang có của thật đáng giá lại biến thành đồ giả cho thiên hạ chê cười. Cây đa vốn chỉ 8 gốc, khi thêm 1 gốc giả có lẽ được báo chí loan tin khen ngợi nên “cơ quan chức năng” phóng luôn 12 gốc, đủ một tá cho oai, 12 gốc chưa thấy tài liệu nào nói. Rồi đây được dư luận khen, gốc đa sẽ thêm gốc để thành cây đước, cây mắm cũng nên (3).

Đền Thõng nằm giữa khuôn viên rộng nhiều cây cối, Đền như một ngôi đình làng nhỏ, kiến trúc đơn giản, ba gian hai chái, cửa bàn khoa. Theo bảng cáo thị toàn bộ cột kèo bằng gỗ quí ( Lim Sến, Táu, Xà Cừ). Nguồn gốc sự tích ngôi đền chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Đền Thõng thờ Quốc Mẫu thuộc khu danh thắng Tây Thiên”, còn lại là liệt kê bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu viên ngói, bao nhiêu ngày công, bao nhiêu tiền...và công lao quan chức...Du khách chẳng biết được gì thêm.

Bước lên tam cấp đã có một “Hòm công đức” ngay cửa. Một bảng “Cấm đốt hương”. Thông thường các Đền Chùa ngày nay có một lư hương lớn trước sân để người đi lễ cắm nhang, đền Thõng thì không. Đền vắng hoe không có ông Từ. Trong Đền, hương án, bàn thờ sơn son thếp vàng, lọng vàng, câu đối hoành phi...song kém vẻ trang nghiêm, đầy bụi bặm không ai quét dọn. Bên hông Đền là dãy nhà dài, nhiều kệ xếp chén bát soong chảo, như là nhà ăn của một tập thể. Sau lưng Đền còn những nhà nhỏ có bàn thờ và “hòm công đức”… Có một bệ thờ quan đại thần, râu ria áo mão, song quá luộm thuộm, hòm công đức to gần bệ thờ. Tôi có cảm tưởng thờ tự chỉ là cái cớ để hợp lý hóa “hòm công đức” mà thôi.

Ghé vào quán giải khát, mới mớm vài câu, các bà quán đã nói ngay: “Đền do (...) khoán cho bọn đầu gấu thu tiền công đức, tiền giữ xe...bọn này ngang tàng lắm, ông coi chừng...”. Quả thực phong quang cảnh trí không có gì ý nghĩa thi vị, ngoài cây đa 9 gốc. Tiếc thay cây đa lại cũng bị hóa trang hơi nhiều. Những ai chưa đến tận nơi khó mà biết thực hư. Một (...) nổi tiếng văn hóa mà đi đâu cũng gặp toàn đồ giả mạo. Thiệt thòi cho đời sau biết chừng nào.


248h4.jpg


Toàn cảnh đền Thõng


Tìm cây đa Tây Thiên, tôi có dịp biết thêm sự tích đền Thõng và danh thắng Tây Thiên: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Năng Thị Tiêu (vợ Vua Hùng), người đã có công lập binh mã giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước. Đền tọa lạc nơi chân núi xã Đại Đình huyện Tam Đảo. Đền theo tín ngưỡng cổ truyền mỗi năm có lễ hội “Mở cửa rừng” vào mùa Xuân. Đền Thõng như cửa ngõ để khách hành hương làm lễ “trình” trước khi lên núi, vào với thế giới thiêng liêng Mẫu ngự. Đền Thõng là điểm đầu trong chuỗi danh thắng Tây Thiên.

Đi tìm danh lam thắng cảnh đôi khi gặp những chuyện linh tinh đời thường, cũng không kém phần thú vị. Hôm đó đã quá trưa, quán hàng đơn sơ, ăn uống không bảo đảm, chúng tôi chạy về phố Vĩnh Phúc, nhưng trên đường qua thôn xóm, gặp nhà hàng Hà Xuyên (Hợp Châu Tam Đảo) có món “Lợn cắp nách, gà quê...”, chúng tôi ghé vào. Quán tranh vườn rộng vắng khách, tôi hỏi đặt nhà quán làm cho một con gà. Chỉ một lúc, chủ quán đã bê lên con gà tơ vàng nóng hổi, thơm phức, đúng là gà đi bộ. Gà đi bộ ở Cali thực ra là toàn đi xe buýt, thịt không chắc, không thơm đúng mùi gà ta. Lâu lắm mới có dịp thưởng thức món gà ta đúng nghĩa. Nha Trang có xôi gà Huỳnh Lai, tôi thường ăn, bởi thịt gà khá thơm, da mỏng không mỡ, nhưng so với gà vuờn Tam Đảo thì kém xa.

Nếu còn dịp về Tam Đảo, thế nào cũng ghé lại Hà Xuyên lần nữa. Công việc đến cứ làm, gặp dịp thì thưởng thức, đúng lúc thì nghỉ ngơi, không việc gì phải ràng buộc vào điều này lẽ nọ cho mệt, cụ Trứ đã dạy:


“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”


Trần Công Nhung

06-2008


(1)Trang 61 QHQOK tập 9

(2)Trong QHQOK tập 10

(3)Loại cây “phòng hộ” những vùng nước mặn trong Nam, gốc là một chùm rễ.


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 9, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.


Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260. email:trancongnhung@yahoo.com Website: www.ltcn.net
source
Vien Dong Daily

Wednesday 13 January 2010

Nghề “cạp đất” nhọc nhằn



Cập nhật lúc 2:46:04 AM - 17/11/2009

capdat7.jpg

Đưa đất từ dưới mặt nước lên xuồng rất nặng nhọc – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông

Nguyên Thảo/Viễn Đông


Không biết từ bao giờ, hễ khi có lũ về thì người nông dân ở Miền Tây ra đồng lặn hụp xuống ruộng nước để đào lên những cục đất to bằng cái thúng rồi quăng lên xuồng đẩy đất vào đắp nền nhà, đắp đường lộ, hay là sang lấp mương… Theo kinh nghiệm của nông dân, những ruộng đất không bằng phẳng là ruộng không hiệu quả, nên mùa nước nổi chủ ruộng đánh dấu những chỗ đất gò (trồng lúa không trúng), cho lấy đi lớp đất mặt để sau một mùa lũ, phù sa bồi đất trở lại, như vậy làm lúa trúng hơn vào mùa sau. Ngày xưa thì nhà ai nấy làm nhưng bây giờ, xã hội phân hóa giàu nghèo rõ rệt, nên chủ ruộng bây giờ đa phần là giàu, còn người nghèo cầm cố đất, bán ruộng non hết… thế là họ phải đi “cạp đất” mướn cho chủ ruộng mới, mà đất có khi trước đây là của mình.

capdat2.jpg


Những cục đất to phải dùng hết sức mới vận chuyển được – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông


Cả ngày ngâm mình trong biển nước và bùn sình từ sớm hừng đông tới tối mịt, những người làm nghề “cạp đất” chỉ kiếm được 30.000 đồng- 35.000 đồng. “Sắt thép ngâm lâu ngày trong nước còn mục nát, nói chi da thịt con người! Cái nghề cứ lên bờ một chút là mốc cời, hơi sình non xà bông cũng không xóa được, phèn ăn vàng khè hết 10 ngón tay, 10 ngón chân, nước ăn chân tay lầy lở, hôi rình, cái nghề bần hèn ít ai muốn làm…! Nhưng nghèo cũng phải làm thợ ‘cạp đất’, ‘móc bùn đổi gạo’ - Anh Hồ Hùng nói vậy…


capdat6.jpg


Có khi phải dùng miếng ván để chuyển đất theo kiểu tiếp sức – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông


Trời chưa sáng nhưng nhóm thợ “cạp đất” ở ấp Phú Hòa, xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đã lui cui chống xuồng tập trung ở khoảng vườn nhà bà Tám, nơi họ “hành nghề” gần một tuần nay. Hùng, 40 tuổi, người lớn nhất trong nhóm và được phong hàm “đội trưởng”, phân bua: “Mấy ngày nay làm gần nhà nên trời hừng sáng mới tập trung. Những bữa chở đất xa, 3-4 giờ sáng là cả bọn đã phải chống xuồng băng đồng đến nơi làm việc”.


capdat3.jpg


Ở trần chống xuồng chuyển đất – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông


Nhóm thợ “cạp đất” ở Phú Hòa đã có thâm niên hơn 15 năm trong nghề. Năm nào cũng vậy, vào tháng 7 âm lịch khi con nước vừa tràn đồng là nhóm thợ “cạp đất” của Hùng bắt đầu chuẩn bị ra quân. “Làm từ tháng 7 nước lên đến tháng 11 nước giựt mới nghỉ!” - Em Trần Văn Hậu 21 tuổi, trẻ nhất nhóm nhưng làm nghề “cạp đất” từ năm 11 tuổi, khoe.

Khi biển nước trên cánh đồng Tứ giác Long Xuyên vẫn mịt mờ sương thì 15 thợ “cạp đất” trong nhóm của Hùng bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Hùng chỉ huy 5 chiếc xuồng với 10 người chống sào lướt ra đồng nước. Năm thợ đắp đất do Tú chỉ huy còn ngồi nán lại trên bờ, chia nhau những hơi thuốc lá rẻ tiền cuối cùng. Tú nói: “Phải nửa tiếng nữa xuồng đất đầu tiên mới vào tới bờ”.

Tôi nhìn mông lung ra phía cánh đồng, xa xa khoảng gần 200 mét, đoàn quân của Hùng đã bắt đầu lặn hụp trong biển nước lạnh giá, móc đất chất lên xuồng. Đúng như Tú nói, gần 30 phút sau chiếc xuồng đầu tiên khẳm đừ, chở khoảng 10 khối đất vuông vức (mỗi khối vừa sức một người vác lên vai) ì ạch lướt sóng vào bờ. Nhóm thợ đắp của Tú lập tức nhảy xuống nước đón chiếc xuồng và nhanh tay chia nhau từng khối đất đắp nền nhà.


capdat4.jpg


Hì hục chuyển đất – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông


Vừa làm, Tú vừa tranh thủ cho biết: “Trung bình mỗi xuồng chở được khoảng nửa khối đất, giá 3.500 đồng/xuồng. Nếu đoạn đường từ nơi đào đất đến nơi đắp nền xa hơn thì giá tiền càng cao hơn”. Tú cho biết, nếu làm hết sức, dầm thân trong bùn nước từ sáng sớm đến tối mịt thì có thể chở được 20 chuyến, mỗi thợ chia nhau được 35.000 đồng, thợ đắp nền như Tú cũng được 30.000 đồng-35.000 đồng/ngày.

7 giờ sáng nhóm thợ “cạp đất” của Hùng - Tú dừng tay để... ăn sáng. Họ lục đục lôi trong gốc chuối ra những thau cơm nguội lạnh tanh được mang theo, chia nhau mỗi người một góc ngồi ăn ngon lành dù từ đầu tới chân tóc tai, quần áo ướt lướt thướt và bê bết bùn sình. Tôi tò mò rảo một vòng nhìn vào khẩu phần ăn sáng của nhóm thợ “cạp đất”, cơm trắng với vài con khô chiên, cá khô bé xíu và mấy trái ớt xanh, có khi mấy anh em còn hái cả bông súng, rau muống hay là bắp chuối ăn dặm cho đủ no. Hòa, thợ đắp nền, nói vui: “Như vầy là sang lắm đó anh, bữa nào kẹt quá vợ tôi còn cho ăn cơm với... dưa mắm”.


capdat5.jpg


Nhộn nhịp vận chuyển đất từ ruộng vào nhà – ảnh: Nguyên Thảo/Viễn Đông


Trong lúc ăn bữa sáng đạm bạc, những người thợ “cạp đất” cho tôi biết cái nghề “cạp đất” cũng không phải dễ ăn nếu không có sức khoẻ. Chỉ đơn cử nhóm làm công việc xắn đất và vận chuyển, mỗi chiếc xuồng 2 người, một người xắn, một người chở nhưng phải thay phiên nhau, người ngâm dưới nước xắn đất bị lạnh thì “đổi ca” leo lên xuồng, chống sào vận chuyển để có cơ hội... phơi nắng cho ấm. Riêng đám thợ đắp nền thì nhẹ nhàng hơn, khi xuồng đất vào tới nơi mới có “công ăn việc làm” nhưng người ngợm lúc nào cũng lấm lem. Tú và nhiều thợ “cạp đất” đưa cho tôi xem những kẻ tay, kẻ chân lở lói rướm máu vì bị nước ăn, bùi ngùi nói: “Làm nghề móc đất đổi gạo này ai cũng bị bệnh ngoài da, cảm cúm thường xuyên”.

Cái nghề bạc bẽo này lại làm nên những bữa ăn nuôi sống hàng chục ngàn gia đình nghèo ở vùng nông thôn miền Tây từ nhiều năm nay.
******************
source
Vien Dong Daily

Friday 8 January 2010

Những em bé trong sương núi Sapa


- Sa Pa (thuộc tỉnh Lào Cai), địa danh du lịch nổi tiếng, là niềm khao khát của biết bao du khách. Nhưng cũng Sa Pa, ở một góc khuất nào đó, là cuộc sống đầy khó khăn vất vả của những em bé vùng cao.

Để thấy được những nét sinh hoạt phong phú của người dân tại Sapa, người ta tìm đến chợ Sapa sầm uất. Và ra chợ, để thấy được cận cảnh cuộc sống vất vả của các em thiếu nhi vùng cao.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Có em bé phải theo mẹ ra chợ từ sáng sớm. Nhiều em đã đến tuổi “kiếm tiền”, lưng địu gùi hoặc đeo túi chéo. Bên trong là những món hàng du lịch đơn sơ: vải thổ cẩm, túi hoặc đồ trang trí thêu tay…

Mô tả ảnh.

Hai chị em cùng đi bán hàng. Chiếc gùi sau lưng tuy nhẹ nhưng gánh nặng cuộc sống mà nó đặt lên vai dường như quá sức với các em.

Mô tả ảnh.

Tóc bết vì sương sớm, nét mặt em Vàng Thị Mỉ- 12 tuổi đã lộ rõ vẻ mệt mỏi. Buổi chợ mới chỉ bắt đầu.

Mô tả ảnh.

Trẻ em có mặt ở khắp mọi nơi, tìm mọi cách để du khách phải mua hàng hoặc… cho không thì càng tốt. Nhiều em khôn ngoan đòi tiền chụp ảnh với khách du lịch và che mặt quay đi khi chưa thấy tiền…

Những em bé nhỏ tuổi hơn thì ngồi đốt lửa sưởi cho tan cái tê buốt của mùa đông lạnh giá... Những em bé nhỏ tuổi hơn thì ngồi đốt lửa sưởi cho tan cái tê buốt của mùa đông lạnh giá...

Những em bé nhỏ tuổi hơn thì ngồi đốt lửa sưởi cho tan cái tê buốt của mùa đông lạnh giá...

....hoặc túm tụm trèo cây hoặc đánh trận giả. ....hoặc túm tụm trèo cây hoặc đánh trận giả.
....hoặc túm tụm trèo cây hoặc đánh trận giả.
Mô tả ảnh.
Tivi là thứ xa xỉ với trẻ em nơi đây.
Mô tả ảnh.

Nhưng dù thế nào các em vẫn không hề mất đi những nét hồn nhiên đáng yêu, đó là vẻ đẹp thơ ngây, lấp lánh toả sáng và vẫn ngời lên trong sương núi…

  • Quỳnh Anh
  • source
  • Những em bé trong sương núi Sapa

    Cập nhật lúc 07:46, Thứ Bảy, 09/01/2010 (GMT+7)
  • http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/bandoc/201001/Nhung-em-be-trong-suong-nui-Sapa-888580/

Thursday 7 January 2010

Phát ngôn, hành động ấn tượng: Mừng hội “cướp bông”




“Mừng hội cướp bông” là một bản dân ca Phú Thọ mà giai điệu đã rất quen thuộc với người Việt Nam, thường được dùng làm nhạc hiệu trên truyền hình mỗi lúc giao thừa. Thật tiếc là tại Lễ hội Hoa 2010 vừa qua, một số người dân Hà thành đã “trình diễn” bài dân ca này theo cách riêng của mình.

"Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Đông"

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường vừa có cuộc họp báo đầu năm tại Hà Nội để đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, những câu hỏi chủ yếu của báo chí đều xoay quanh tình hình quan hệ Việt - Trung gần đây liên quan tới biên giới trên đất liền và Biển Đông, cũng như cách Trung Quốc đối xử với ngư dân Việt Nam.

Ông Tôn Quốc Tường khẳng định: "Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Nhưng cũng giống như quan hệ của các nước khác, trong quan hệ song phương của chúng ta chắc chắn tồn tại một số vấn đề. Tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn Việt Nam rằng trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau. Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta".

Thực chất sự việc nghiêm trọng hơn thế nhiều: Đó không phải là chuyện lời qua tiếng lại thảng hoặc giữa "anh em chúng ta", mà là vấn đề liên quan tới chủ quyền của Việt Nam.

Cũng như việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu, cứ cho là "một số là sự thật, một số không phải sự thật" như lời ngài Đại sứ, thì cũng phải được xác định là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân thường, vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc ứng xử văn minh.

Mặc dù coi "đây là vấn đề giữa anh em chúng ta", nhưng ngay sau đó ngài Đại sứ lại tuyên bố: "Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này. Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta".

Chuyện giữa hai anh em mà lại là "thách thức to lớn", đòi hỏi ý chí và thiện chí, trí tuệ, khả năng giải quyết sao? Nghe ra có vẻ tự mâu thuẫn.

Ngài Đại sứ phải dùng tới cả cụm từ "sáng kiến mang tính xây dựng" để nói về chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc. "Sáng kiến" cho việc giải quyết "vấn đề giữa anh em chúng ta" ấy, thực chất không có gì mới, mà chỉ là: Cái gì của Trung Quốc thì Trung Quốc dùng, cái gì thuộc sở hữu Việt Nam (và các nước ASEAN) thì chia nhau.

Cách hành xử này tiếp tục thể hiện trong phát biểu của Đại sứ Tôn Quốc Tường về việc Trung Quốc đối xử với ngư dân Việt Nam vô nhân đạo: "Chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này". Có vẻ như đây lại là phong cách thường thấy, "việc gì Trung Quốc làm mà gây ảnh hưởng xấu tới nước khác thì báo chí nước khác không nên đưa tin".

Năm 2010 kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những phát biểu của ngài Đại sứ, nếu đại diện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc về Việt Nam, thì thật sự là không thực hiện được tinh thần của 16 chữ vàng hai nước đã đặt ra trong quan hệ Việt - Trung.

Mong người Việt trẻ ở nước ngoài "giữ được mình"

Vũ Ngọc Phan, sinh viên VN tại Seoul, Hàn Quốc, hỏi: "TW Đoàn và TW Hội đã, đang và sẽ làm gì để định hướng tư tưởng cho sinh viên du học nước ngoài vì đây là những người được tiếp xúc với các nền văn hóa khác, chế độ chính trị khác nhau và nhiều nguồn thông tin khác nhau?"

Trước câu hỏi này và trước băn khoăn về tình trạng người Việt trẻ ở nước ngoài tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trái chiều, ít thông tin về đất nước, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn, bày tỏ hy vọng: "Chúng tôi mong các bạn có bản lĩnh để sàng lọc thông tin, giữ vững lập trường. Rất mong các bạn trẻ giữ được chính mình".

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn. Ảnh: VNN
Nếu nhìn nhận một cách hiện đại và "thoáng" hơn, thì sẽ thấy rằng đại bộ phận lưu học sinh Việt Nam cần cù học tập cho tương xứng với thời gian và cơ hội họ có được ở nước ngoài (và với chi phí phải bỏ ra nếu là du học tự túc). Đa số không có vấn đề gì mà phải "giữ mình"; thậm chí nếu so với số lượng học sinh sinh viên trong nước, tỷ lệ lưu học sinh "hư hỏng" có thể nói là không đáng kể.

Bên cạnh đó, lưu học sinh cũng là những người trưởng thành, có khả năng nhận xét, đánh giá, xử lý thông tin. Vả lại, "đi một ngày đàng học một sàng khôn", có đi ra ngoài mới hiểu thêm về mình, du học sinh nếu có nhu cầu tìm hiểu cũng sẽ không thiếu gì thông tin về đất nước, nếu không nói là nhiều hơn người trong nước. Còn cá nhân nào làm điều gì sai thì phải tự chịu trách nhiệm. Thế nên, thiết nghĩ nỗi sợ lưu học sinh nhận được nhiều luồng thông tin trái chiều, cần định hướng, là có phần hơi quá.

Cả câu hỏi về việc "định hướng tư tưởng" cho lưu học sinh, lẫn câu trả lời mong các bạn trẻ "giữ được mình" đều phản ánh tư tưởng đánh giá thấp khả năng tư duy độc lập và bản lĩnh của lưu học sinh Việt Nam.

Đại biểu QH hay người đưa thư?

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 của đoàn ĐBQH Hà Nội chiều 6/1, ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào nói về chất lượng của các cuộc tiếp xúc cử tri: Đại diện cử tri đến dự thường phát biểu khen ngợi ĐBQH, thay vì phản ánh đầy đủ những bức xúc của người dân. Bên cạnh đó, những người trực tiếp nắm giữ trách nhiệm giải quyết các khó khăn, "gỡ rối" cho nhân dân, là lãnh đạo, quan chức chính quyền thì không phải lúc nào cũng có mặt.

Ông Đào kiến nghị: "Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện khi tổ chức phải cố gắng mời bằng được, hay có chế tài với các quan chức chính quyền có mặt với các ĐBQH để giải quyết các bức xúc của nhân dân... Khi đó, ĐBQH mới thực sự là cầu nối, nếu không, họ chỉ là những người đưa thư trả lời mà thôi". (VietNamNet, 7/1)

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào. Ảnh: VNN

Thật ra, thực trạng này là một vấn đề không mới: ĐBQH nhận đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua các cử tri trong những cuộc tiếp xúc cử tri, rồi "chuyển cho cơ quan chức năng", sau đó cùng... chờ. Các nhân vật quan trọng, cần lắng nghe phản ánh nhất, thì không có mặt.

ĐBQH "kỳ cựu", ông Nguyễn Minh Thuyết, từng cho biết: "Tôi thấy rất nhiều trường hợp người dân gửi đơn, một số cơ quan hoặc im lặng, hoặc trả lời vắn tắt một cách hình thức. Chuyển đơn hộ người dân, tôi lại phải vào sổ theo dõi, rồi gửi thư giục, nhắc nhở, có trường hợp phải 4-5 lần".

Để giải quyết vấn đề "không mới" này, hoặc chúng ta phải có những giải pháp, những đổi mới căn bản về cơ chế, hoặc (trong ngắn hạn) phải thực hiện theo cách mà ĐB Nguyễn Ngọc Đào đã đề nghị, là có chế tài yêu cầu các quan chức có mặt cùng ĐBQH để "gỡ rối" cho dân.

Tất nhiên giải pháp này có thể vẫn chưa triệt để - vì hiện diện cùng ĐBQH chưa đủ để giải quyết hết các vấn đề - nhưng ít ra nó cũng tạo cảm giác cử tri và người dân được lắng nghe hơn. Sao cho không còn cảnh như ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào phải than: "Chính quyền không nghĩ rằng đại biểu cũng chính là cánh tay của mình, cũng là lực lượng của mình cần để đi với dân, cùng với dân và làm cho dân".

Có chứng cứ khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ tội nhận hối lộ

Trả lời báo chí về tiến trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Ban QLDA đại lộ Đông - Tây liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh nói: "Có chứng cứ đề nghị khởi tố bị can". Ông cho biết, sau khi cơ quan điều tra tiến hành dịch các tài liệu phía Nhật Bản đưa sang, các dấu hiệu về tội nhận hối lộ "đã rõ".

Thế là cũng mất tới gần một năm chờ đợi, tội nhận "hối lộ" của ông Huỳnh Ngọc Sĩ - mà công luận coi là rõ rành rành - mới được cơ quan điều tra Việt Nam đánh giá là "đã rõ". Đây là một sự thận trọng cần thiết để đảm bảo không làm người vô tội bị hàm oan, tuy nhiên giá mọi sự có thể diễn tiến nhanh hơn... thì tốt hơn!

Có gì đâu, nhỏ ấy mà

Đây là câu chuyện được thuật lại trên báo Tiền Phong, ngày 2/1. Về việc nhiều giáo viên tại Đồng Hới, Quảng Bình chưa được nhận lương tháng 12, phóng viên tìm cách liên lạc với ông Trần Đình Dinh, Chủ tịch UBND Thành phố Đồng Hới. Ông Dinh trả lời là bận họp. Trao đổi qua điện thoại, ông Dinh cho rằng: "Việc này có gì đâu, nhỏ ấy mà, có gì mà làm việc".

Khi phóng viên "phản biện" rằng đây không phải vấn đề nhỏ mà đang ảnh hưởng đến đời sống của nhiều giáo viên, Chủ tịch Trần Đình Dinh nói: "Trên địa bàn Đồng Hới chỉ có bảy trường và bảy, tám trường hợp chi đó là không có lương tháng 12 thôi. Việc này không có ai lỗi cả. Chẳng qua do cân đối quỹ lương thế nào đó nên xảy ra một số trường hợp thôi. Chúng tôi sẽ tổ chức họp để giải quyết".

Chuyện có lẽ cũng "nhỏ", nhưng đấy là với Chủ tịch UBND TP thôi, chứ với các giáo viên địa phương lương "ba cọc ba đồng", cần tiền để chi tiêu những ngày cuối năm, thì e là chẳng phải chuyện nhỏ chút nào.

Dù sao đi nữa, cũng xin ngợi khen tinh thần ham... họp của Chủ tịch: Lúc phóng viên liên hệ, ông đang họp, và ông hứa sẽ giải quyết câu chuyện nhỏ nói trên bằng một cuộc họp khác. Giá ông hoãn bớt các cuộc họp cuối năm để xuống cơ sở xử lý cho các giáo viên, thì lại còn đáng ngợi khen hơn nữa.

Những chuyện "lôm côm" tại Hội nghị văn học quốc tế

Hội nghị văn học quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ 5-10/1) mới bước sang ngày thứ hai nhưng đã bộc lộ nhiều sự "lôm côm" trong khâu tổ chức. Chẳng hạn, ngay từ cái tên tiếng Anh "International Conference to Introduce Vietnam Literature" đã là một cách dịch "rất Việt".

Tên gọi của hội nghị được dịch ra tiếng Anh một cách rất Việt Nam. Ảnh: VNE

VnExpress phản ánh, nhiều đại biểu phát biểu lan man, còn khi thảo luận nhóm thì các cuộc thảo luận phần lớn rơi vào tình trạng chuyện ai người ấy nói. Trong khi đó, lại có một nữ thi sĩ "tranh thủ" tự quảng bá thơ một cách thật thà (phát biểu quá giờ): "Hôm nay, tôi mang theo tập thơ mới nhất mà tôi đã tự dịch từ tiếng Mường sang tiếng Việt. Nếu các bạn yêu tôi một chút thì mong các bạn dịch sang tiếng nước các bạn..."

Có lẽ đã tiên lượng được những chuệch choạc nên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh, nói: "Hội nghị không thể không có những thiếu sót. Bởi chúng ta mới tổ chức đến lần thứ hai, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức những sự kiện thu hút nhiều đại biểu đến từ nhiều quốc gia như thế này". (VnExpress, 7/1)

Kể ra, tất nhiên là đã làm phải có sai (không làm gì cả thì mới không sai) nhưng nếu bảo mới làm lần thứ hai nên không thể không có những thiếu sót như ông Hữu Thỉnh, thì cũng khó chấp nhận. Bởi lẽ những hội thảo thế này, có khi chục năm mới làm một lần, thời gian chuẩn bị ắt có nhiều, đã "tiêu tốn tiền thuế của dân" (từ của nhà văn Võ Thị Hảo) thì cần làm chuyên nghiệp hơn nữa.

Nhân phát biểu của nhà văn Hữu Thỉnh, cũng lại là chuyện "tổ chức lần thứ hai, chưa có nhiều kinh nghiệm", là câu chuyện chính của phát ngôn & hành động ấn tượng tuần này: Lễ hội Hoa Hà Nội 2010 ven hồ Hoàn Kiếm (31/12-4/1).

Hành động ấn tượng: cướp hoa trong Lễ hội Hoa

Lễ hội Hoa Hà Nội diễn ra trong không khí tưng bừng và tâm trạng phấp phỏng của những người vốn đã biết đến vụ vặt hoa trưng bày ở lễ hội trước và bẻ hoa anh đào tại triển lãm tháng 4 năm trước. Không nói ra mặt... báo nhưng ai cũng thầm lo năm nay, những người "yêu hoa", "yêu lộc" sẽ tái diễn trò vặt hoa năm ngoái.

Thực tế, những ngày đầu diễn ra khá suôn sẻ, hiền hòa. Hoa đẹp, du khách đông, cảnh tượng rực rỡ sắc xuân bên Hồ Gươm thanh bình. Tiếc thay, người dân thủ đô lại chỉ "nhịn" được tới phút cuối cùng. Sáng 4/1, người ta đã xông vào cướp các rọ hoa khi BTC đang thu dọn sau lễ bế mạc.

Tranh nhau lấy hoa trong ngày cuối của Lễ hội Hoa Hà Nội. Ảnh: Người lao động

Mặc dù có ý kiến cho rằng "hiện tượng tranh giành hoa tuy có nhưng không tới mức hỗn loạn" (Người Lao Động, 5/1), song hình ảnh các nam thanh nữ tú và cả ông bà già tranh nhau những giỏ hoa giữa ban ngày, ngay trước khu tượng đài Lý Thái Tổ, trước sự "bó tay" của lực lượng an ninh đã để lại ấn tượng rất xấu về sự "thanh lịch" của người Tràng An.

Một vài bức ảnh báo chí ghi lại vẻ mặt hỉ hả của những người ra về với số hoa cướp được, cho thấy đây là biểu hiện của sự vô ý thức về nhiều mặt: về nếp sống văn minh, về sự tôn trọng trật tự đô thị và lợi ích công cộng, về thẩm mỹ, về ý thức bảo vệ cái đẹp tự nhiên...

Những người dân thủ đô ấy đã "xông đất", "mở hàng" cho năm mới dương lịch 2010 bằng hành động thật ấn tượng lắm thay!

"Như thế là thành công"

Đó là nhận định tổng kết của ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội về Lễ hội Hoa Hà Nội 2010.

Giải thích về tình trạng giá vé gửi xe của du khách vọt lên tới 10.000, 20.000 đồng mà không ai kiểm soát, ông Lợi cho biết: "Đúng là có nhiều bãi trông giữ xe đã thu tiền vé xe trái quy định, nhưng việc này đã phân cho quận Hoàn Kiếm đảm nhiệm. Còn quận thì người ta giao cho các phường bố trí được các điểm trông giữ. Chúng tôi cũng quán triệt, quy định rõ ràng, cũng có bảng biển rõ ràng nhưng vẫn xảy ra thu trái quy định". (Tiền Phong, 6/1)

Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội. Ảnh: Hà Nội mới
Còn cảnh hỗn loạn, đua nhau vặt hoa trong buổi hạ màn, thì ông lý giải: "Hầu hết số hoa đã được chuyển về công viên ngay trong đêm bế mạc; người ta thấy còn hoa nên vào xin, vào lấy... Những loại hoa chính người ta chuyển đi hết rồi. Cái còn lại người ta (Ban tổ chức và các chủ hoa) cho thì nhiều người xin, tạo ra cảnh chen lấn".

Nói tóm lại, sau khi nghe đại diện của Sở VH-TT&DL Hà Nội giải thích, thì chẳng còn biết (những) ai là người chịu trách nhiệm, ai là người có lỗi. Thậm chí, ngay cả một phát biểu chỉ rõ rằng những việc này là do người dân thiếu ý thức, thì dù là đổ hết lỗi cho dân chúng, cũng còn hợp lý hơn là xuê xoa theo kiểu "chẳng hiểu sao vẫn xảy ra sai sót, đã quy định rõ ràng rồi kia mà" hay "dân người ta xin hoa cho vui ấy mà"...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Lợi vẫn đánh giá Lễ hội Hoa "có quá đông người tham quan, nên như thế cũng là thành công rồi". Nghĩa là con số khoảng 2 triệu lượt du khách là biểu hiện của thành công.

Đến đây thì chúng ta lại phải xét xem tiêu chí thành công, hay mục đích mà BTC đặt ra là gì, để nếu đạt được thì tức là thành công, không thì là thất bại. Theo báo chí đưa tin, Lễ hội Hoa 2010 là sự kiện được tổ chức nhằm "tôn vinh nét đẹp của hoa và văn hóa truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến".

Nếu vậy thì, với việc các điểm giữ xe chặt chém khách du lịch, và cảnh tượng hỗn loạn hôm hạ màn do hàng trăm người lao vào "xâu xé" hoa cảnh, Lễ hội Hoa chắc chắn không đạt được mục đích đã đề ra. (Đấy là chưa bàn tới số tiền chi ra lên đến 17 tỷ đồng). Và nếu vậy thì phải phát biểu ngược lại: Như thế là thất bại!

*********************

source

http://www.tuanvietnam.net/2010-01-07-phat-ngon-hanh-dong-an-tuong-mung-hoi-cuop-bong-

Wednesday 6 January 2010

Sài gòn ngồi lê…


December 04, 2009


NGUYỄN THỊ LAN ANH-Việt Tribune

Năm nay, hội chứng ngồi lê, buôn chuyện của dân Sài Gòn không hiểu sao càng ngày càng phổ biến. Bé thì lê chuyện ‘thầy tao cô mầy’. Lớn thì chuyện ‘con ấy, thằng kia’. Cũng đồng thời là người Việt nhưng trong khi ‘thiên tài lê’ trong nước nở rộ như hoa …mõm chó, thì ở nước ngoài lại không mấy được mùa, có lẽ do phần cách trở địa lý phần đi học đi làm bận bịu, chẳng thể thường xuyên tụ tập bù khú đông vui như khi còn ở Việt Nam.

*Ngồi lê là một*…

Nói về sự ngồi lê ai cũng ngán ngại khinh ghét ra mặt. Ca dao xưa từng liệt kê bảy ‘nghề’ của phụ nữ ‘ngoan’, trong đó ngồi lê đứng đầu sổ. (Ngồi lê là một, dựa cột là hai, theo trai là ba, ăn quà là bốn, trốn việc là năm, hay nằm là sáu, láu táu là bẩy). Cho nên không lạ khi gia đình nào cũng cấm thành viên nữ không được ngồi lê vì sợ ‘nói chuyện nhà người ta cười, chuyện người, người ta chửi’. Thoạt kỳ thủy, địa điểm ngồi lê của các nữ ‘lê sĩ’ chỉ trong phạm vi chái bếp, đầu thềm, bờ ruộng, bến nước, sạp chợ……Từ những nơi này, họ tham gia ‘đọc báo miệng’, biên tập lại, tái bản và rao bán khắp nơi, toàn những chuyện sốt dẻo cỡ ông X bị vợ cắm sừng, con gái nhà Y.trốn theo trai. Về sau địa điểm lê mở rộng, thành phần lê được bổ sung, ngồi lê dần dần đồng nghĩa với hoạt động vui chơi, giải trí, học tập, giáo dục, truyền thông trong cộng đồng. Càng gặp lúc phong hóa suy đồi, chính quyền đi ngược nguyện vọng nhân dân thì ngồi lê càng có đất sống, người ngồi lê càng đông, chuyện ngồi lê càng ly kỳ sắc sảo.

Các phụ huynh 'lê đứng' quanh một đề thi mới 'bắt được'

Các 'lê sĩ 'hào hứng thưởng thức 'cà phê lê'

Một nhóm sinh viên đang 'tuốt lưỡi ra lê'

Trong 'chợ lao động' trước đình làng, các phụ nữ nông thôn vừa ngồi chờ người thuê, vừa lê giết thì giờ.

Ở Sài Gòn hiện nay, chưa qua bầu bán chính thức bao giờ nhưng ai cũng nhất trí hạng ngồi lê siêu nhất đích thị là Ôsin giúp việc nhà, bế em. Sáng sáng bưng chén bột, đẩy xe hay ẵm nách đứa trẻ chưa biết nói ra đầu hẻm lấy cớ dỗ em ăn, họ tha hồ họp chợ mua bán những tin xe cán chó, chó cán xe. Nhiều chủ nhà rất ghét trò ‘trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông’ của Ôsin nhưng không dám có biện pháp mạnh, sợ ‘tức nước vỡ bờ’. Nhiều chủ nhà khác, thay vì trị tội, đuổi việc, lại lợi dụng tài lê của ôsin để khai thác tin tức xóm giềng, kiểu các nữ chủ nhân trong truyện Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Truyện kể về những sinh hoạt của Giả Phủ, nơi toàn phu nhân, tiểu thư xinh đẹp chung sống. Tiếng là ruột thịt, hàng ngày qua lại với nhau thân thiết nhưng người nào cũng ngại bụng người khác không thực, có chuyện ghen tuông cần dò la, có nỗi niềm nhớ nhung cần tỏ, có thư từ phải trao nhau …đều nhờ cậy bọn nữ tì, như người thời nay dùng laptop hay mobil phone.

Từ khi bước khỏi ngưỡng cửa gia đình, sánh vai nam giới trong mọi việc xã hội, gần như lĩnh vực nào nam giới làm được, nữ giới cũng làm, vừa làm vừa … lê (người Hà Nội gọi là buôn dưa lê). Kẻ viết bài hỏi chuyện các cô các bà ngồi chờ công chứng hồ sơ, chờ khai thuế, họp báo, mua vé, khám bệnh, rước con tan học … tất cả đều thẳng thắn công nhận có lê nhưng không biết là lê, hoặc biết nhưng lê miễn cưỡng, lê chơi chơi, lê có chừng mực vì ‘ngồi chờ quá lâu, nói qua nói lại giết thì giờ, đỡ buồn ngủ. Nói một chặp thành ra cãi lộn hồi nào không hay’. Chứng kiến cảnh các nữ lê sĩ ‘vén môi nhọn mỏ’, cánh mày râu – nhất là các chàng chưa vợ – đều ngán ngẩm lắc đầu. Có ông công khai nhăn mặt ra điều ghê tởm(!), có ông e dè né ra xa khỏi vòng làm chứng, có ông âm thầm giơ tay thề ‘tui mà lấy mấy con dẻo miệng này cho tui chết’, làm như các ông không bao giờ mắc hôïi chứng ngồi lê.

Thực ra, chuyện ngồi lê không chỉ là đặc sản của phụ nữ, mà phổ biến rộng rãi cho cả ‘phụ nam’ nhưng khác đàn bà, đàn ông thường lê với bia rượu hay thuốc lá thuốc lào, cà phê chè đặc. Người làm cơ quan nhà nước, thời gian lê lấy trong tám giờ vàng ngọc. Người làm xí nghiệp tư nhân phải đợi tan ca, tan sở mới ‘đi một đường lê’. Không ít ông lê chuyên nghiệp hơn đàn bà. Đề tài lê ngoài chuyện ‘tín ngưỡng phồn thực’, chuyện nội bộ cơ quan, làng trên xóm dưới, nước ngoài nước trong thì chuyện hậu trường ‘chính chị chính em’ đặc biệt được ưa thích (có điều mặt mày người kể nghiêm trọng, dẫn chứng đàng goàng, vừa nói thì thào vừa bắt người nghe ‘Thề đi! Đ.m, thằng nào hở ra, thằng đó chết ráng chịu’). Tùy theo nghề nghiệp, túi tiền, mỗi ‘lê sĩ’ có chỗ tụ bạ riêng. Một nhà báo già, bạn kẻ viết bài, đấm lưng than ‘Tháng 30 ngày, lê hết 31 ngày. Không lê làm sao có tin tức, có bạn bè. Lê mãi đít chai như đít khỉ. Lương bổng bao nhiêu cũng hết …’. Cánh kinh doanh vàng, tiền đô, mua bán nhà đất, xe cộ, bằng sắc, chơi chứng khoán cũng lê ‘thành thần’. Mỗi buổi sáng, đi ngang nơi tác nghiệp của họ, sẽ thấy toàn quần áo sang trọng ngồi cà phê vỉa hè mở laptop gõ nhoay nhoáy hay khua chân múa tay cãi nhau văng nước bọt. Cánh sinh viên đại học, những rường cột nay mai của nước nhà cũng ‘rút lưỡi lê’ dữ tợn. Quanh đại học Kinh tế, Bách khoa, Kiến trúc… san sát quán nước mía, đậu nành, cà phê cóc. Em Phúc, sinh viên năm cuối khoa Đông Phương, đại học KHXH&NV thú nhận ‘tính ra thời gian ngồi đây nhiều hơn ngồi giảng đường. Ngày nào không ngồi, thấy thiếu thiếu’. Một kiểu lê khác, ban đầu bất đắc dĩ, sau hóa ghiền, là kiểu của công nhân viên chức. Tan sở ra, đối mặt với nạn kẹt xe dữ dội, đi về không được, bèn rủ nhau vào quán, vừa ăn uống lai rai, vừa chờ đường thông hè thoáng. Kẻ viết bài hỏi anh Ngọc, kế toán công ty Trung An, ngồi lâu có sợ vợ ở nhà chờ cơm, anh ta lắc đầu, ‘vợ em làm ở khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, tan ca năm giờ chiều, về được tới nhà thì đã nửa đêm. Thành thử……Anh Ngọc không nói hết nhưng kẻ viết bài hiểu cô vợ anh cũng ‘né’ kẹt xe bằng cách tạt vào quán, vừa ăn vừa buôn dưa lê cùng chúng bạn, y hệt đức ông chồng.

Được mất từ ngồi lê

Ngồi lê có lợi hay có hại tùy từng người. Nếu khéo gạn đục khơi trong, chỉ qua vài buổi lê, có thể biết được tin bí mật, truyền đi tin bật mí. Nhưng mặt khác, lê la có thể khiến trai bay chức, gái mất chồng, gia đình lục đục, công ty xí nghiệp giải tán, cơ quan đoàn thể kiện tụng nhau…Để đề phòng ‘virút lê’ khỏi lây nhiễm cho con gái rượu, một bà mẹ khoe với kẻ viết bài ‘ở nhà quản rất kỹ, không cho giao tiếp, đàn đúm. Ở trường nội trú, thầy cô ‘chăn’ cẩn thận, bảo đảm ngoan’. Nghe mẹ khoe, đương sự chỉ tủm tỉm cười. Hỏi ra mới biết nàng thuộc hạng lê thượng thừa nhưng là lê bằng mobil phone, lê trên internet. ‘Tụi con không ngày nào không ‘nấu cháo điện thoại’. Đứa nào cũng có blog. Mỗi ngày lên đó chí choé tán tỉnh, chửi bới, bố mẹ làm sao biết được’. Thế giới @ quả là lợi hại, vậy mà kẻ viết bài quên chính đây từng là chợ trời, nơi cư dân mạng ‘mông má’ hàng tỉ chuyện về giới đồng tính, về hiện tượng nữ văn sĩ động cỡn, về tình trạng ‘yếu sinh lý’ của nhà nước ta trước thằng láng giềng càng ngày càng hùng hục…húc.

Trung bình bao lâu lê một lần, một lần lê là bao lâu? Trả lời câu hỏi này, các vô địch làng lê đành là không nhớ nổi, mà ngay người câm điếc, bậc tu hành, ông nguyên thủ ‘cuốc gia’… những người bị cho là ít khả năng hoặc không có khả năng lê cũng không trả lời đích xác được, đơn giản vì ngồi lê (cả nằm lê, đứng lê) là dạng chức năng giao tiếp hết sức căn bản, hết sức tự nhiên giữa người và người. Trừ khi sống một mình trong sa mạc, trên hoang đảo, còn không, cứ có người thứ hai là bắt đầu có lê. Lê nhiều ngàn năm, lê khắp năm châu bốn biển, lê kiếp này chưa đã, đầu thai sang kiếp khác tiếp tục lê…Cứ vậy, mà thành văn hóa, thành cộng đồng, thành niềm vui nỗi buồn trần gian. Hỏi một lê sĩ ‘nếu lên thiên đàng mà cấm lê…’. Chưa đợi hỏi xong, ‘lê sĩ’ này đã dẫy nẩy ‘thà xuống địa ngục còn hơn. Không được lê, lên thiên đàng buồn bỏ mẹ!’

Xem ra lê không chỉ là một nghề, đứng đầu trong bẩy nghề quý hóa của phụ nữ ngày xưa mà quan trọng hơn, lê chính là phương tiện để người trở thành khỉ và khỉ trở thành người, dĩ nhiên còn tùy vào mục đích và cách lê của người, của khỉ.[NTLA]

source

Viet Tribune

Sunday 3 January 2010

Mùa bỏ làng ra phố



31/12/2009 10:36 (GMT +7)
Người ít cũng vài tháng, lâu thì hơn 10 năm, tất cả đều xuất thân từ những vùng quê nghèo tìm đến Hà Nội mưu sinh. Mỗi nhóm người một việc, chẳng ai bảo ai, thấy nghề mình làm có thu nhập là họ kéo nhau đi. Đã thành lệ, dịp cuối đông giáp Tết là lúc họ đang tận dụng tối đa thời gian, vận động hết công suất trên các nẻo đường thành phố kiếm tiền nhằm trang trải trong dịp Tết...

Ra đi để “kiến thiết”

8 giờ sáng trên phố Nguyễn Đình Chiểu. Chiếc xe máy Honda màu đỏ từ từ đỗ sát vào vệ đường. “Cái tủ quần áo gia đình bị hỏng cửa, phải thay cả khoá nữa”, chưa kịp tắt máy, ông khách năm nay khoảng ngoài 40 tuổi vội vàng chào hàng. Ngay lập tức, ba bốn người thợ xúm lại, vây quanh vị khách đầu tiên của ngày làm việc hôm nay. Tay vứt điếu thuốc Du Lịch mới hết một nửa, tay thợ trẻ tên Long ân cần hỏi: “ Loại gỗ gì vậy? Có phải đi mua không? Nhà ơ đoạn nào?”. Người khách có vẻ đang rất vội, cau có: “ Bố ai mà biết loại gì! Di sản của các cụ để lại, hình như là Lim hay Sến gì đó. Nhà ở Thanh Xuân, đi lẹ lẹ lên mấy bố ơi…”. “30.000đ cả công thay khoá, đồng ý thì Ok”, người khách gật đầu.

Ngày giáp Tết là cơ hội với nhiều người ngoại tỉnh


Tay thợ trẻ lấy đà đẩy chiếc xe cùng cái hòm gỗ chứa đồ nghề đăng sau nổ máy chạy vụt theo. Đám người còn lại kiên nhẫn ngóng ra phía đường…

Nghề mộc xuất hiện trên phố đã được gần mấy trăm nay. Những tay thợ mộc, thợ cưa - “cư dân” của phố “Nhà Mộc”, đều xuất thân từ một làng mộc nổi tiếng của Hà Nam: làng Trịnh Xá. Một làng thuần nông và rất nghèo. Lúc nông nhàn, thất nghiệp, họ lại lục đục rủ nhau lên “phố” kiếm ăn. Cụ kỵ, ông cha họ đã “mưu sinh” trên con phố này từ hồi chế độ phong kiến còn tồn tại. Thế hệ đi trước truyền lại nghề cho thế hệ sau, cứ thế mà thành phường, thành hội.

Cuối đông, áp Tết là thời điểm di cư “rộ” nhất của thợ mộc Trịnh Xá, có những khi lên đến hàng trăm người. Tuy đông là vậy, cũng là những người một xã đấy nhưng không ai bảo ai họ vẫn tự nguyện phân vùng, đứng thành từng phường, hội. Giả như khu vực phố Đường Thành là những người làng Bùi, còn ở phố Nguyễn Đình Chiểu (góc công viên Thống Nhất) là người làng Nguyễn.

Qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố, không biết đã có bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ người dân làng mộc đã đứng đây và tạo nên thương hiệu “thợ mộc Trịnh Xá” giữa phố phường hiện đại, tấp nập.

Bán mít trên cầu Long Biên

Một người thợ mới nhập cư vào phố, việc đầu tiên là phải sắm một bộ đồ nghề mộc - cái “cần câu cơm”. Anh Nguyễn Ngọc Nguyên (người làng Nguyễn) tâm sự: “Ngày xưa, bộ đồ nghề rất đơn giản, chỉ cấn cái cưa, cái đục, cái búa và cái dùi là có thể kiếm ăn được. Nhưng bây giờ bộ đồ nghề đã nặng hơn, to hơn và đắt tiền hơn xưa vì “để làm được nhanh và nhiều, ngoài tay nghề người thợ thì cần phải có sự trợ của máy móc như máy khoan, máy mài...”. Tính ra mỗi một bộ đồ nghề như thế cũng rơi vào khoảng từ 2 triệu đến 2 triệu rưỡi.

Còn ăn ở ư? Cứ 3 người thuê một căn phòng chừng 10m2. Bác phó mộc Bùi Văn Minh (người làng Bùi) tính nhanh “3 trăm tiền ở, 5 trăm tiền ăn, một chút điện nước, thuốc lá… Muốn như nào cũng được miễn là hàng tháng gửi cho bu nó ở quê được vài triệu. Đời mình đã khổ phải cố gắng cho các con được ăn học đàng hoàng”.

Mong tháng củ mật thật… dài

Đội quân "gánh hàng rong" ở thành phố Hà Nội đông vui quanh năm. Nhộn nhịp nhất vẫn là dịp cuối đông, giáp Tết... Không biết tự bao giờ, gánh hàng rong đã trở thành quen thuộc với người Hà Nội.

Có đợt, người ta ra quân rầm rộ để “quy hoạch” hàng rong. Của đáng tội thì hàng rong cũng làm mất mỹ quan đô thị thật. Nhưng đó cũng là cứu cánh của hàng nghìn hộ gia đình nghèo. Thật may, thành phố cũng chỉ cấm hàng rong trên một số tuyến phố nhất định.

Hiện tại, có khoảng 100.000 người bán hàng rong, chủ yếu là dân lao động nghèo ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những người tôi đã gặp như chị Nguyễn Thị Mùi, đã nhiều năm bôn ba với nghề bán hoa quả, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 2h sáng là chị tất tả quẩy đôi sọt ra chợ Long Biên. Buổi chiều tối lại về khu nhà trọ. Chị Nghiên, ở Phú Xuyên, Hà Tây, bán bún riêu đã được hơn 7 năm rồi còn nhiều người khác nữa. Dường như những người đàn bà gánh hàng rong đều có chung một đặc điểm: Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt rám nắng, đôi tay thô ráp, nứt nẻ. Họ luôn có một kiểu xưng hô nhẫn nhịn, gọi người khác bằng anh hoặc chú và xưng cháu, dù "cháu" già hơn "chú" cả chục tuổi...

Đó là những người đàn bà từ nhiều vùng quê Nam Định, Thái Bình, Hà Bắc, Hải Dương... dồn về Hà Nội với một khát khao duy nhất: Kiếm tiền! Gánh hàng nhỏ nhoi trên vai họ có một giá trị tinh thần và vật chất to lớn, có thể chằm lại mái nhà đã nát và nuôi sống cả chục cái "tàu há mồm" đang tuổi ăn tuổi lớn ở quê.

Trong cái tranh tối, tranh sáng của gian nhà trọ ẩm thấp khoảng 7m2 trong bãi Phúc Xá, 6 người phụ nữ nằm úp thìa bên nhau, một manh chiếu và tấm vỏ chăn nhàu nát, cũ kỹ, vừa đủ chiếc giường. Ăn uống kham khổ, vất vả cả ngày, đêm về các chị lại trằn trọc với đủ nỗi lo: làm sao bán được hết hàng, thu nhập hàng tháng có đủ tích cóp để gửi về nhà, lo con nhỏ ở quê thiếu bàn tay chăm bẵm, lo đàn lợn, đàn gà...

Người đàn lam lũ đi thu mua đồng nát có cái tên khá đẹp: Định Xuân Thư (Yên Mô, Ninh Bình) cười buồn: “Em vừa thu mua đồng nát, vừa làm tất cả mọi việc mà hàng phố thuê làm. Em sẽ "bám" Hà Nội đến khi nào không còn sức mà làm nữa mới thôi". Mấy hôm rồi, thằng thứ hai nhà chị Thư lên thi đại học. Chị không giấu: "Thú thật mừng ít, lo, buồn thì nhiều". "Bác phải ăn mừng cho nó chứ, ở quê mấy ai thi lên đến đại học" - Tôi nói. Nhưng chị buồn: "Hôm kia nó đến, em đưa cho hai trăm, gặp con mà rơi nước mắt. Mẹ làm ở Hà Nội hai năm rồi, con thì mới lần đầu tiên lên thủ đô, vậy mà đâu có đưa nó đi ăn được một bữa. Ngay đến chỗ ở cho bản thân cũng chẳng có thì làm sao lo nổi cho con!".

Những ngày này, ngoài những người đi hàng rong chuyên nghiệp còn có những nghề “nóng” khác (có nghĩa chỉ làm trong dịp Tết) như: bán bóng bay, đánh lư đồng, quét ve nhà, tường rào, cây cảnh, cá cảnh... Họ “ra quân” từ thời điểm này, nếu cứ chăm chỉ đến ngày 29, 30 âm lịch, mỗi người cũng bỏ túi được trên dưới 1 triệu đồng, phụ giúp gia đình sắm Tết.

Thật lạ, Tết với họ là điều gì đó thật khó lý giải, cũng chả biết là mừng hay lo nữa. Thì rõ Tết là phải tiêu mất nhiều tiền nhưng ngược lại, với họ những ngày trước Tết là những ngày kiếm tiền dễ thở hơn những ngày bình thường trong năm. Chả thế mà ai cũng quay quắt ước ao “giá mà tháng áp Tết cứ kéo dài mãi”.

Chuyện những người dân rời mảnh ruộng quê nhà ra Hà Nội mưu sinh giờ không còn là chuyện mới. Chỉ có điều những dịp năm hết tết đến này thì bỗng đông một cách lạ thường. Với đôi quang gánh trên vai, sức khoẻ và sự nhẫn nhịn, những con người nhỏ bé đã gánh cả trọng trách trên đôi vai mảnh khảnh. Ngày này qua ngày khác, họ đã tích cóp mồ hôi và nước mắt để mái nhà ở quê thêm lành lặn, bát cơm trong ngày Tết của con cái họ được đầy hơn.

Đêm về khuya. Một tí mưa lất phất âm thầm đưa mùa xuân đến thật gần. Lác đác bóng dáng mấy bà bán rau đang cố gồng mình trên những chiếc xe đạp thồ để chạy đua với Tết. Có bao nhiêu người đã sâu giấc dưới những mái nhà trọ lụp xụp? Tôi biết chị Thư cũng như nhiều người ngoại tỉnh về Hà Nội để buôn thúng bán mẹt vẫn chưa ngủ. Họ vẫn ngong ngóng về gánh hàng ngày mai. Ngóng được có người "ới" một tiếng gọi làm một việc gì đó... Và, tôi thầm ước ngày giáp Tết, hãy cứ kéo dài thêm một chút nữa.

Theo Trọng Hiếu

source

http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/phongsukisu/425049/index.html