Thursday 24 September 2009

Góc Việt: Cái Bánh Nổ và Ông Già Ba Tri



Lê Bình, Sep 23, 2009

Cali Today News - Bạn bè, người quen riết hồi không ai còn nhớ tên của ông, chỉ biết kêu ông là ông Cả, chắc là hồi xưa ông cụ có làm hương cả gì đó ở làng. Năm nay ông cụ đã quá cái tuổi 90 mà vẫn còn minh mẫn, không rượu chè, cái thú duy nhứt của cụ là uống trà hút thuốc. Tánh tình ông Cả rất quý mến bạn bè, bằng hữu. Bạn của ông không còn mấy, bây giờ bạn bè của con ông là bạn của ông. Hàng ngày, vào buổi chiều ông thường ra sau vườn ngồi trên chiếc ghế xếp có lưng dựa nhìn hoa, ngắm kiểng hút thuốc uống trà làm vui. Ông cụ không đi ra ngoài và cũng chẳng tiếp xúc với ai. Nơi góc vườn nhà ông có một hai chậu trúc. Ông thích lắm những chậu trúc ở góc vườn. Ông nói “Tiết trực tâm hư” là cái bản tánh của người quân tử.” Ông rất thương mến Ngô Tổng Thống, tức tổng thống Ngô Đình Diệm. “Cụ Ngô dùng cây trúc làm biểu tượng cho quốc gia. Cái mộc của tổng thống có hình cây trúc.” Đám trẻ, nói là trẻ nhưng cũng trên dưới 60 tuổi rồi, thường túm năm tụm ba nghe ông Cả kề chuyện đời xưa.

Chiều nay, lúc mặt trời vừa gát non đoài, ánh nắng xiên xiên qua hàng cây ở góc vườn rải xuống cái khoảng sân nho nhỏ, ông Cả đang ngồi trầm ngâm bên tách trà, dĩa bánh để trước mặt. Ông Cả mời “Ăn bánh uống nước chơi. Nhưng mà mấy cậu muốn rượu cũng có rượu ở trỏng nghe.” Cũng nên nói thêm, mặc dù không thích uống rượu, nhưng cụ Cả luôn có rượu để mời đám trẻ đến thăm. Những chai rượu Martell, Whiskey lưng chai, còn một góc do những bữa rượu của đám trẻ được ông cất lại để dành. Ông nói “buồn ngủ gặp chiếu manh nghe mấy cậu”. Tánh ông cụ như vậy. Ông hay gom góp cả những thứ mà không ai ngờ từ cọng dây thun, chiếc bật lửa, cái nút áo…đám cháu nội ngoại khi cần hỏi ông đều có đủ, như một cái tiệm “chạp phô”. Nhớ có một lần, khi cô cháu gái ra trường mở tiệc mừng, đám bạn đủ mọi sắc dân tụ tập ăn uống ca hát, khi ra về có cô bạn gái người Mỹ mất chiếc nhẫn có gắn hột xoàn li ti. Sau khi kiếm tìm khắp các nơi mà chúng đã đi qua trong ngày hôm đó. Cuối cùng đành chịu mất. Khi đứa cháu về kể lại…ông cụ Cả đứng dậy đến cái tiệm “chạp phô” của ông lôi một chiếc nhẫn bằng bạch kim, trên có gắn hàng chục hột kim cương li ti lấp lánh “Phải cái nầy không?” Đứa cháu mừng rỡ ra mặt, nhảy cởn lên ôm cổ ông hun một cái “chụt”. “Đúng rồi, ông lượm được ở đâu vậy?” “Ở đâu, tao thấy nó rớt nằm bên cái vòi nước ngoài sân, tao đem bỏ vô đó.”

Những người bạn Mỹ bày tỏ sự kính trọng ông cụ Cả bằng một món quà, nhưng ông từ chối. Chiếc nhẫn đó ngoài giá trị vật chất còn là vật kỷ niệm của cô gái. Từ đó cô gái nhận ông cụ là ông.

Ông Cả chỉ dĩa bánh, có những chiếc bánh màu trắng, và nói:

“Ăn bánh nổ uống trà chơi.” Ông nhìn anh nhà báo cười: “Tui có đọc mấy bài viết của cậu. Hay lắm, nhưng sao cậu viết toàn chuyện đồng quê miền nam không vậy?”

Anh nhà báo cười giải thích. Ông Cả à một tiếng “Như vậy cậu đã đi qua những vùng đất đó, cậu có kỷ niệm…có bao giờ cậu đến một vùng đất có tên Ba La Vạn Tượng chưa?” ông Cả chỉ vào dĩa bánh “Nó là quê hương của những chiếc bánh mà các cậu đang ăn đó.”

“Bánh Nổ?”

“Ừ, bánh nổ”

“Cháu cứ nghĩ là cụ nói chơi…”nổ” như tụi cháu hay nói.”

“Hừm!” Sao lại gọi là bánh nổ? Đơn giản chỉ vì người ta rang nếp cho nổ bung để làm bánh.” Ông Cả giải thích. Cái bánh này của người dân xứ Quảng. Nói rõ ra là Quảng Ngãi.

“Người dân tỉnh Quảng Ngãi, vào ngày Tết thường làm các loại bánh để cúng ông bà và ăn Tết. Bánh thì có nhiều thứ lắm như bánh in, bánh thuẫn, bánh gai, bánh tét…v.v. nhưng không thể thiếu được món bánh nổ. Không có bánh nổ, coi như chưa phải ăn Tết.” Ông Cả nói thêm.

Muốn có những “lát” bánh nổ thơm ngon giòn ngọt, người ta phải chọn lựa nếp từ vụ trước, phơi cất kỹ càng. Gần tới ngày làm bánh, nếp lại được đem ra phơi lại cho thật khô, khi rang mới nổ to, bung ra như bông chanh, bông bưởi. Nếu nếp không nổ chỉ búp búp thì khó mà làm bánh. Nếp khô phải rang trên bếp than hồng, khi hột nếp nổ bung ra, ruột nổ trắng ngần. Sau đó người ta mới đem sàng, sảy, giần…cho sạch vỏ trấu. Cái hột nổ đó đem đóng lại làm thành bánh.

Người ta gọi là đóng bánh. Phải có khuôn. Khuôn đóng bánh nổ làm bằng gỗ hình chữ nhật có kích thước khoảng 3 tấc 6phân và ngang 4phân, nó gồm có 4 miếng được lắp đứng trên đế gỗ. Nổ trộn với đường cát thắng với gừng cho vô khuôn rồi dùng chày (đầu trên tròn, đầu dưới chữ nhật vừa khít với khuôn bánh) để đóng bánh.

Cách làm như vầy: Thắng nước đường (cũng là một nghệ thuật, không phải tay mơ làm được.) Khi thắng đường (có gừng đập dập, hoặc xắt lát bỏ vô) múc lên, khi đường kéo thành sợi tơ là được. Trộn nước đường đã thắng với nổ rồi đổ vào khuôn. Đặt đầu chày chữ nhật khít khuôn bánh, lấy vồ nện lên đầu tròn theo nhịp đều tay. Khi nổ ép vừa đủ thì đổ tiếp nổ vào khuôn đóng tiếp cho đầy khuôn là được. Khi tháo khuôn sẽ được một "cây nổ" dài. Đưa "cây nổ" sấy trên sàn lửa than cho khô. Bánh khô, dùng lưỡi dao mỏng và sắc cắt bánh thành từng lát tùy ý thích nhưng không được lớn lắm, mỗi cái bánh dày chừng 1 đốt lóng tay là được.

Cắt cho đều bốn cạnh và sấy lần thứ 2 để bánh thật giòn. Muốn để ăn cho được lâu, bánh phải cất vào các thùng sắt Tây kín gió. Bánh ra gió sẽ bỉ ỉu mất độ giòn, và không còn mùi thơm. Thông thường ở quê muốn giữ bánh được lâu mà vẫn giòn, người nông dân cho vào khạp có lót lá chuối khô. Cách trữ bánh như thế nầy thì giữ được lâu và không đi hương vị đặc biệt của nó.

Ông Cả chỉ chiếc bánh: “Bây giờ người ta không còn làm theo cách cổ truyền mà dùng công nghệ từ việc đóng bánh, sấy khô và giữ ẩm…nó khác xưa nhiều. Tuy vậy cũng còn giữ được món ăn cổ truyền của quê hương.”

Mọi người cầm chiếc bánh ngắm nghía và ăn thử. Ăn bánh nổ phải uống với trà. Trà càng ngon bánh càng dậy mùi thơm. Mùi nổ có vị thanh thanh và mát, gừng thơm cay nhưng không nồng…miếng nổ tuy xốp nhưng cắn nghe giòn tan, nhai nhè nhẹ mới thưởng thức hết cái vị thơm của nếp, vị ngọt của đường, vị cay dịu của gừng. Tất cả những hương vị đó quyện vào nhau làm một tạo nên một mùi vị thơm, ngon, gìon ngọt. Không cần nhai, chỉ chiêu một ngụm trà những hạt nổ tự tan ra trôi dần xuống cổ họng. Hương trà, vị bánh tan ra làm rung động những tiêm mao nơi cổ họng…Có tự ăn chiếc bánh nổ mới thấy hết được cái ngon, ngọt của nó.

“Ông Cả ơi. Bánh nổ ở Ba La Vạn Tượng phải không?”

“Không phải.”

“Sao hồi nảy ông nói Ba La Vạn Tượng gì đó?”

“Đó là quê hương của ông bà tui.”

“Ủa, vậy không phải ông Cả quê ở Bến Tre sao?”

“Thì tui là dân Bến Tre chớ đâu”

“Ngộ hông!”

“Cái gì mà ngộ với hông ngộ. Trước đây chừng 300 năm có ai là dân Bến Tre, Hàm Luông, Cà Mau, Rạch Giá gì không? Gốc gát quê hương hổng ở Thanh Hóa, Hải Phòng thì cũng là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quãng Ngãi…chớ ở đâu. Còn nếu xa hơn nữa là ở bên Tàu, có phải hông chú nhà báo.”

“Tui nói cho mà nghe. Ông Nguyễn Trung Trực là dân sanh đẻ ở Long An Gò Công, rồi ông tướng của cụ Nguyễn là cụ Trương Công Định, rồi…Tả quân Lê Văn Duyệt…nè có phải ông bà cha mẹ quê hương bản quán của mấy danh tướng công thần có công khai hoang mở nước về phương Nam ở Quảng Ngãi không?”

“À! Như vậy tui là dân Bến Tre nhưng quê tui ở Ba La Vạn Tượng thì có gì đâu mà ngộ hè. Sẵn tiện đây tui hỏi chú nhà báo có biết Ông Già Ba Tri không?”

Cả đám nhao lên: “Ai mà hổng biết ông Cả.”

“Biết nói nghe chơi.”

Tui kể cho mà nghe nè. Ông Già Ba Tri cũng là người Quảng Ngãi. Ngày xửa ngày đó, cái hồi năm nẵm khi dân mình đi khai hoang lập ấp thời chúa Nguyễn về phương Nam có gia đình ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ lập nghiệp ở Ba Tri từ thế kỷ 18 trào vua Lê Hiển Tông (1717 – 1786). Ông Thái Hữu Kiểm là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, trào Gia Long tầu quốc, từng có công giúp chúa Nguyễn Ánh, được phong chức "Trùm cả An Bình Đông" ở quận Ba Tri bây giờ. Năm 1806, ông Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, làm đường khai kinh mở rạch giúp cho dân cư ở khu này có nơi làm ăn sinh sống. Làng xã phát triển ngày càng phồn thịnh, người ta buôn bán tấp nập. Trong khi đó có ông Xã Hạc ở phía ngoài đầu rạch, cũng có lập chợ gọi là chợ Ngoài, làng An Hòa Tây, càng ngày càng vắng khách thương hồ qua lại tới lui. Người ta theo con sông Hàm Luông, Cổ Chiên qua chợ Trong buốn bán thuận lợi hơn, Ông Xã Hạt chơi cái mững đắp đập be bờ không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào chợ Trong nữa. Ông Kiểm bất bình, kiện lên Phủ Huyện, phủ huyện xử "Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình". chợ Trong thua.

Ông Cả Kiểm và dân ở chợ Trong không chịu cách xử trên. Ông Cả Kiểm liền cùng hai ông bạn già là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, khăn gói đi bộ từ Ba Tri ra kinh đô Huế để đưa đơn lên kêu oan nhờ vua phân xử. Phải biết cái thời đó đi từ Nam ra kinh thành ở Huế là thiên nan vạn nan, chỉ có đi ghe chớ làm gì có xe chạy. Tuy vậy, Cả Kiểm nhứt quyết đi bộ cả mấy tháng trời, cuối cùng sau một thời gian dài dò đường đi, ba ông già cũng tới nơi. Lúc đó vua Gia Long đã băng hà, vua Minh Mạng vừa lên ngôi. Vua Minh Mạng cho tra xét biết được gia đình Cả Kiểm đã giúp vua cha là Gia Long, xử cho dẹp bỏ đập, vì rạch là rạch chung, đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong. Vua Minh Mạng sức giấy cho quan Phủ Hoằng Trị và tỉnh Long Hồ phá đập ở rạch Ba Tri. Nhờ cái chuyện ga dạ, cương quyết như vậy dân chúng mới kêu ông Cả Kiểm là Ông Già Ba Tri. Cái tích này lưu truyền trong dân gian, và có viết ở trong sách vở nhưng tam sao thất bổn.

“Vậy ra ông Già Ba Tri là dân gốc Quảng Ngãi?”

“Ừa!”

“Hèn chi!”

“Làm sao?”

“Người dân Quảng Ngãi ga dạ cùng mình, tài cao đỡm lược.”

“Không phải nói “mèo khen mèo dài đuôi” chớ mấy người thấy đó…Lê Văn Duyệt, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực…v.v. chẳng những tài cao mà gan lớn…mở nước phương Nam sách sử đều có ghi công.”

“Biết rồi.”

“Nhưng tui là dân Bến Tre à.”

“Thì cụ là Ông Già Ba Tri.”

Bỗng ông Cả im lặng thở dài ngằm nhìn cây trúc.

“Sao dưng không cụ thở ra?”

“Nói nghe mà chơi thôi. Người Việt mình thì đâu cũng là đồng bào hết mà. Mấy ông có ăn có học biết hết rồi…tổ tiên mình ở tận bên Động Đình Hồ rồi lưu lạc mãi xuống phương Nam. Tui nghĩ nếu đến cái mũi Cà Mau mà không đụng biển hổng chừng dân mình đã chiếm Mã Lai rồi. Dân mình gan dạ lắm, nhưng hiếu hòa nên bị người ta chèn ép tới là đi. Cái vui của tui là tất cả các giống dân trên thế giới không ai xưng hô với nhau là “đồng bào” hết. Vẫn biết chỉ là chuyện huyền sử, nhưng sao dân tộc Việt hổng nghĩ chuyện gì khác mà nghĩ ra cái tích “đồng bào”. Cái đó mới là cái quý của dân tộc. Đã là đồng bào thì phải thương yêu nhau. Bến Tre hay Bến Cát, Thừa Thiên hay Thủ Thừa …nếu mà hổng giữ cái “đồng bào” đó bọn tàu phương Bắc nó ép xuống mà cái mũi Cà Mau thì nó hổng chịu dài ra…mình chạy đi đâu?”

“Ông Già Ba Tri đừng lo. Người mình thiếu gì ông Già Ba Tri hả cụ. Thời nào cũng có Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Thân, Huỳnh Công Tấn…nhưng cũng còn nhiều Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trải. Thôi đừng nói gì hết. Ăn bánh nổ uống trà đi ông già Ba Tri.
Page 1 of 1
*******************************
source
Calitoday

Thursday 17 September 2009

Chuyện vàng [bạc] Sài gòn thời nay!


September 18, 2009


Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune

Đối với nhà hóa học, vàng là một kim loại màu vàng, có khả năng dẫn điện, dẫn nhiệt, chống hao mòn tốt, được sử dụng từ lâu trong y khoa, trong các ngành công nghiệp. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, người ta có thể luyện vàng, chế tác vàng, biến đổi vàng.
Đối với nhà văn, nhà đạo đức học, tôn giáo học, xã hội học, tội phạm học vàng ít chiếm được thiện cảm, mà ngược lại, bị coi là gốc rễ của dục vọng, tội ác, sự băng hoại đạo đức, luân lý. Chỉ trong con mắt nhà kinh tế, nhà chính trị, nhà cầm quyền, vàng mới được coi là số một La mã. Người ta trữ vàng làm phương tiện bình ổn kinh tế, duy trì quyền lực quốc gia. Những động thái tung vàng ra, nhập vàng về, lúc đó, không tùy thuộc ý chí cá nhân mà mang tính chiến lược, chiến thuật hẳn hòi.
Đối với cá nhân, nhất là phụ nữ, bất kể ở đâu, thời nào, chủng tộc nào, việc sở hữu vàng, đeo vàng, cũng được ưa thích như nhau. Vàng được tặng vào dịp quan trọng (sinh nhật, thi đậu, đính ước, cưới gả), được trao truyền lúc lâm chung (của gia bảo), được thách đố để chứng tỏ gia thế, giá trị (thách cưới). Người khá giả, giàu sang tiếp cận với vàng sớm hơn, nhiều hơn kẻ trung lưu. Kẻ trung lưu lại hơn kẻ nghèo. Và kẻ nghèo lại hơn kẻ mạt.

Đôi điều về vàng
Dưới con mắt người kinh doanh vàng, không phải vàng nào cũng giống vàng nào. Có vàng nguyên chất, có vàng pha. Vàng nguyên chất là vàng ròng, Việt Nam gọi là vàng mười tuổi, nói tắt là vàng mười. Thế giới không dùng khái niệm ‘tuổi’, cũng không theo thang bậc 10, mà dùng đơn vị Karat (ký hiệu là K) với thang bậc 24 để chỉ độ tinh khiết. Vàng mười của ta, chính là vàng 24K theo cách gọi của thế giới. Trên thực tế, Việt Nam chưa có chuẩn chung cho vàng mười mà mỗi nhà chế tác vàng lại có chuẩn riêng, tùy theo lương tâm. Lương tâm cao nhất cũng chỉ đạt 9,999 nghĩa là trong một lượng vàng 37,5gr, sẽ pha 1% tạp chất. Vàng đó vẫn được gọi là vàng mười . Ngoài ra còn có vàng 9,5 tuổi, vàng 9 tuổi. Nghĩa là trong một lượng vàng, sẽ pha 5% hoặc 10% tạp chất.

Hình trái: Giao dịch mua bán trong tiệm vàng Sài Gòn. Hình phải: Tiệm bán đồ bạc trên đường Nhiêu Tâm. NTLAnh/Việt Tribune

Vàng 24K (loại 9 tuổi, 9,5 tuổi, 9,9 tuổi) dân gian gọi là vàng ta, vàng y. Thách cưới, để của hồi môn, mua bán trên thị trường thực và thị trường ảo hiện nay, chính là loại vàng này. Vì vàng 24K quá mềm, khó chế tác mẫu nữ trang phức tạp, nên người thợ vàng pha thêm một số hợp kim khác như bạc, đồng (hợp chất pha thêm này tiếng chuyên môn gọi là ‘hội’) cho vàng cứng hơn, thành ra vàng 21K (tỷ lệ hội là 12,5%), vàng18K (tỷ lệ hội là 25%), vàng 14K (tỷ lệ hội là 41,7%), vàng 10K (tỷ lệ hội là 58,4%), vàng 9K (tỷ lệ hội là 62,5%).
Người Ý thích vàng 9K, 10K. Người Mỹ thích vàng 14K. Người Pháp thích vàng 18K. Người Canada thích vàng 21K. Người Việt thích vàng 24K lẫn vàng 18K. Có điều, ở Việt Nam vàng 18K (còn gọi là vàng tây, vàng 7 tuổi rưỡi) không bao giờ đủ tuổi. Tiếng là 7,5 tuổi, nhưng chỉ đạt 6.5, 6.7 tuổi là cao. Người mua không có cách nào để nhận biết điều này, người bán, dĩ nhiên không dại gì khai thật. Vì thế, để đỡ bị thiệt thòi do cân gian, ép giá, ép tuổi vàng người mua nào cũng biết lệ ‘mua ở tiệm nào thì đến tiệm đó bán lại’.
Vàng có mầu vàng, nhưng ‘vàng trắng’ cũng gọi vàng. Vàng trắng là tiếng chỉ chung Platium (bạch kim) và một hợp kim khác – white gold – gồm vàng+ bạc+ nikel (hoặc Pladium). Tuy đều gọi vàng trắng nhưng bạch kim đắt hơn do hiếm hơn white gold nhiều. Hơn chục năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam, do ảnh hưởng văn hóa tiêu dùng Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, đã chuyển mạnh từ việc tiêu dùng vàng 24K,18K sang white gold. Chuyện ‘đeo vàng đỏ tay’ một thời là chỉ dấu của đẳng cấp giàu sang quyền quí, bây giờ bị chê ‘quê một cục’.

Nữ trang mùa cưới 2009
Mùa cưới năm nay, khi vàng lên giá kỷ lục, nhiều đôi uyên ương gặp khó khăn khi muốn mua nữ trang cho ‘ngày ấy’. Đời người có một lần, đi mượn đi thuê hay dùng đồ giả thấy không nỡ. Nhưng mua thì oải quá. Đôi bông một chỉ, sợi dây chuyền 1 chỉ, chưa tính cặp nhẫn cưới đã hết mấy triệu đồng’. Đó là tâm sự của Tâm, chàng trai 25 tuổi, làm nghề sửa xe gắn máy. Để giải tỏa vấn nạn này, mùa cưới năm nay, các tiệm vàng quảng cáo nhiều mẫu nữ trang đẹp mà rẻ. Anh Phúc, chủ tiệm vàng chợ Ông Tạ trưng ra một chiếc kiềng vàng chạm rồng phụng thật bề thế. Nhìn bằng mắt, chiếc kiềng phải nặng cả lượng vàng nhưng cầm lên thấy khá nhẹ. Anh cho biết, ‘cái kiềng rỗng ruột, đánh khéo thì ngó xôm vậy, nhưng hết có năm chỉ. Còn cái lắc, sợi dây chuyền thay vì làm tròn thì làm dẹp xuống, to ra, đôi bông thay vì cẩn hột lớn thì cẩn hột nhỏ rồi thêm hột tấm chung quanh. Bộ nữ trang được đánh theo thủ thuật này, đặt cạnh bộ nữ trang ăn chắc mặc bền cổ truyền, trông không thua kém mà giá lại chỉ bằng phân nửa nên các thượng đế ‘yếu địa’rất ưa thích.
Chị Nhung, chủ tiệm vàng đường Nguyễn Trãi giới thiệu bộ nữ trang cưới bằng vàng trắng gồm đôi bông nhận hột xoàn 3.6 ly, cặp nhẫn nạm hột tấm, sợi dây chuyền đính hột 3.6 ly. Tại sao là 3.6 ly mà không là số khác? Chị Nhung giải thích 3.6 ly nghĩa là 3+6 =9. Tâm lý người Việt Nam, rất chuộng số 9 này vì cho là số hên. Từ 3.6 ly trở xuống khỏi lấy giấy kiểm định chất lượng hột. Từ 4.5 ly, 5.4 ly tới 6.3 ly, 7.2 ly mới phải có ‘giấy khai sanh’. Giá hột 3.6 ly độ 5.5 triệu, hột 4.5 ly 18 triệu, hột 5.4 ly 54 triệu. Khi có nhu cầu bán lại, kim cương chỉ bị trừ 5% giá trị, vàng trắng bị trừ tới 20%, trong khi vàng 24K, 18K chẳng những không bị trừ (đúng ra là bị trừ tiền công nhưng không đáng kể) mà còn lời kha khá, theo thời giá hiện tại. Đó chính là lý do vì sao bọn cướp giật đường phố khi ra tay hay nhắm vào nữ trang bằng vàng hơn nữ trang bằng vàng trắng (vàng mềm hơn, giật dễ đứt hơn, bán cao giá hơn).

Dịch vụ đổi tiền
Không chỉ mua bán vàng và đá quý, nhiều tiệm vàng làm thêm dịch vụ mua bán ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ. Ngoài những tiệm vàng có đăng ký chức năng thu đổi, treo bảng cho biết mình là ‘chân rết’ của ngân hàng nào, còn rất nhiều tiệm vàng ‘đổi chui’. Giá hiện nay, một trăm đôla Mỹ ‘ăn’ 1.830.000 đồng tiền Việt, cao hơn 1.000 đồng so với ngân hàng. Vì vậy, người dân có nhu cầu mua bán đôla Mỹ thường tìm tới tiệm vàng. Nhân đây kẻ viết bài kêu giùm bà con ‘bên đó’, nếu chi viện cho thân nhân ở Việt Nam xin đừng gửi những tờ tiền cũ kỹ, bạc mầu, ‘đổ lông’ thậm chí tưa rìa, mất góc mà tội nghiệp. Nhiều lần chứng kiến các cụ già đi đổi tiền, lập cập mãi mới mở được túi áo cài kim băng, lấy tờ trăm đô la quý hóa ‘con tui nó nhờ người bạn chuyển giùm’ bị chủ tiệm trừ 10.000 đồng vì ‘tiền bạc mầu quá’, kẻ viết bài không khỏi cám cảnh.

Nguy hiểm tiềm tàng
Dưới mắt nhiều người, chủ tiệm vàng rất giàu có, thủ đoạn. Người ta thèm muốn sự giàu có mà ít để ý những hiểm họa treo trên đầu họ. Chuyện tiệm vàng Kim Lý quận 5 bị cướp gần nửa tỷ đồng giữa ban ngày chưa tìm ra thủ phạm thì đến tiệm vàng Tân Kim Hiếu suýt mất 400 cây vàng; tiệm vàng Phượng Sử mất 1 tỷ 2 khi cho nhân viên ôm tiền mặt tới đổi 70.000 đôla tại một căn nhà đường Lê Văn Sỹ; tiệm Kim Ngân lúc 8 giờ rưỡi tối, bị một tên cướp đập tủ kính lấy 26 cây vàng… Tất cả các vụ cướp đều có chung đặc điểm là bất ngờ, chớp nhoáng khiến người trong cuộc không kịp trở tay, nhất là khi bọn cướp hầu hết đều có ‘hàng nóng’, bước vào là bắn ngay. Thời điểm ra tay thường vào buổi trưa buổi tối vắng người. Địa điểm có thể sát biên giới Tây Ninh, An Giang (để dễ trốn qua Campuchia) hoặc ngay trung tâm Sài Gòn sầm uất (để dễ trà trộn vào đám đông).
Khi bị cướp hỏi thăm, các nạn nhân đều trình báo nhưng tỷ lệ phá án thành công của cảnh sát rất thấp khiến họ phải ‘tự cứu trước khi trời cứu’ bằng cách thuê bảo vệ, hạn chế giao dịch các phi vụ lớn ngoài tiệm vàng, lắp đặt hệ thống camera quan sát, hệ thống báo trộm, làm hộp điện (cho bọn cướp khỏi kéo cầu dao ngắt điện khi đột nhập vào tiệm), thay mặt kính thường bằng kính không bể, gắn nẹp inox mài bén trên mặt quầy (phòng khi kính bị đập bể, tên cướp cho tay xuống quơ vàng sẽ bị nẹp cứa đứt thịt), bên dưới quầy có khoang trống để chủ tiệm hụp xuống tránh đạn, nếu chẳng may Anh Tuấn, chủ tiệm Kim Khánh đã dẫn kẻ viết bài đi coi hệ thống chống trộm cướp trong tiệm mình và giải thích công dụng từng thứ. Theo anh các nhà vàng Sài Gòn hầu hết đều cha truyền con nối, nghĩa là những khó khăn nguy hiểm của nghề đều biết, những cách thức đánh hàng, chuyển tiền, huy động vàng đều không phải tay mơ nhưng phải tới khi ra nước ngoài coi tận mắt lưới sắt, cửa kính ngăn người mua người bán, hệ thống theo dõi từ xa, dàn bảo vệ chuyên nghiệp của các tiệm vàng bên đó mới biết cách ‘pháo đài hóa’ bài bản.
Một con phố tập trung nhiều tiệm vàng ‘pháo đài hóa’ có tiếng ở Sài Gòn là đường Nhiêu Tâm, dài chưa tới ba trăm mét, một đầu nối với đường Trần Hưng Đạo, đầu kia trổ ra mặt sau chợ Hòa Bình. Hai dãy phố hơi cũ kỹ nằm đối diện nhau chỉ bán một mặt hàng duy nhất – đồ thợ bạc. Nói tới đường Nhiêu Tâm, dân làm vàng Sài Gòn-Chợ Lớn không ai không biết. Người mới ra nghề, cần sắm trọn bộ đèn khò, dũa, kìm, kẹp, đồ nấu vàng…chỉ cần có vài triệu đồng, tới tiệm bán đồ thợ bạc ở đường Nhiêu Tâm là mua được đủ hết. Người cần đúc vàng, phân kim, mua bán vàng cũng tới đường Nhiêu Tâm. Con đường này, tuy không gắn biển ‘vô phận sự miễn vào’ nhưng ngoài dân làm vàng, giao dịch vàng, người lạ gần như ít lai vãng. Trong vai đứng coi xe, chờ người nhà vào mua mấy món đồ nghề, kẻ viết bài liên tục hứng chịu ánh nhìn dò xét của mấy tay bảo vệ tiệm vàng, bất giác không rét mà run!
Người đi cùng kẻ viết bài tới đường Nhiêu Tâm là chú Tư Tốt, thợ bạc đã giải nghệ. Chú bảo học thợ bạc chí ít hai năm mới ra nghề. Nhưng nếu không phải là chỗ quen biết, hoặc họ hàng của chủ tiệm vàng thì không dễ kiếm được việc làm trong tiệm, chỉ lãnh làm đồ gia công, đồ bỏ mối với giá rẻ mạt, mà cũng phập phù khi có khi không.. Đánh dây chuyền, lắc tay dễ nhất. Khó hơn tới cẩn hột. Khó nhất là chạm. Thời bây giờ có máy, công việc nhanh, sản phẩm đều, đẹp hơn hồi xưa, nhưng không độc đáo không có hồn, có tình bằng hồi xưa. Cuộc đời thợ bạc gắn với bộ bàn ghế nhỏ như bàn học trò, ngồi khòm lưng tỉ mỉ cặm cụi, một loáng là hết đời. Dính vô vàng như bị ma ám. Thấy vàng rồi là không cầm lòng đậu.

Đầu tư vàng
Câu nói của chú Tư Tốt ‘Dính vô vàng như bị ma ám. Thấy vàng rồi là không cầm lòng đậu’ cũng là tiếng lòng của giới kinh doanh vàng trên thị trường ảo. Với số tiền ký quĩ rất thấp, hầu như sàn giao dịch vàng nào ở Sài Gòn cũng đầy nhà đầu tư nghiệp dư tới thử thời vận với vài lượng vàng tiên khởi. Người ta thi nhau đoán tương lai của vàng, đường đi của vàng để đặt lệnh mua bán hết sức sôi nổi. Những người không tin thị trường vàng ảo – vốn còn thiếu hệ thống quy định chặt chẽ, thiếu nhạc trưởng chỉ huy đồng nhất – thì tìm tới hai công ty vàng bạc đá quý lớn nhất thành phố là PNJ (Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) và SJC (Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn) mua những miếng vàng có trọng lượng 1 chỉ (3,7gam), 2 chỉ (7,5gam), 5 chỉ (18,75gam), 1 lượng (37,5gam) để ‘thủ trong mình’. ‘Thủ sĩ’ Nguyễn Trung, bạn kẻ viết bài, khoe nhờ bám sát thời sự, khéo tính toán nên trong tuần qua, khi vàng Sài Gòn lên đến mức kỷ lục, ông xuất bán ngay một chục lượng, mỗi lượng lời 600.000 đồng, mười lượng 6.000.000 đồng, ngon ơ. Từ thắng lợi này, ông đưa ra lời khuyên ‘có tiền, đừng gửi ngân hàng, lãi suất chưa tới 1% một tháng, cũng đừng mua đôla dự trữ vì vàng lên là đôla xuống, trữ chỉ lỗ. Tốt nhất mua vàng, chờ lên giá, bán kiếm lời. Rồi lại mua, lại bán. Cứ thế mà quay vòng’.
Không dám bước vào vòng quay của vàng, kẻ viết bài chỉ đứng ngoài quan sát và ghi lại. Tuy không phải là lời vàng ý ngọc gì, nhưng cũng mong được bạn đọc thưởng lãm, để người viết khỏi ngậm ngùi ‘Vàng trôi không tiếc, tiếc công viết về vàng’. [NTLA]

**********************************************************

source

Viet Tribune Online

Wednesday 9 September 2009

Singapore



09-0906-02-Changi_Airport.jpgTrịnh Hội

Hôm nay tôi có hẹn ăn trưa 'dim sum' trên phố Orchard nổi tiếng ở Singapore cùng với một người bạn luật sư mới quen người Sing tên là Alfred và anh có một nhận xét rất hay mà tôi phải viết ra ngay để nhớ.
Alfred so sánh bảo nếu như các nước được thâu tóm nhỏ lại thành những buildings thì Singapore nên được xem như là một khu khách sạn du lịch hạng sang, dịch vụ nào cũng có, rất thuận tiện và nơi đâu cũng luôn được chăm sóc cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ.
Nhưng nó chỉ có thế. Bạn không nên và không thể ở khách sạn suốt cả đời bạn. Ngay cả khi bạn có đủ tiền để sống dư dả cả đời trong khách sạn.
Tại sao thế?
Vì bạn sẽ không học được gì nhiều. Vì điều gì cũng có chính phủ làm giùm cho bạn kể cả việc bạn được phép đọc cái gì, xem cái gì và không được phép bất đồng ở điểm nào. Nghe sao giống nước nào đó rất thân thuộc với chúng ta phải không?

Mặc dù trong quá khứ có rất nhiều lần tôi đã đến Singapore nhưng lần nào tôi cũng chỉ ở transit đợi chuyển máy bay để đi tiếp chứ chưa bao giờ tôi bước chân ra khỏi sân bay quốc tế Changi để xem có gì ở bên ngoài để tò mò chiêm ngưỡng. Một phần vì cũng như Alfred, tôi nghĩ đất Singapore chẳng có gì để đáng xem. Nó chỉ là một thành phố nhỏ, giàu có (nhưng rất mắc mỏ) ở Á Châu với đầy đủ các tiện nghi giống như các nước phát triển khác mà tôi đã có dịp đặt chân đến.

Nhưng phần lớn lý do là vì tôi không có nhiều thiện cảm với đất nước này nhất là từ khi có một thanh niên Việt Nam ở Úc cùng trang lứa với tôi mang tên Nguyễn Tường Văn đã bị treo cổ ở nơi này cách đây vài năm. Anh đã bị phát hiện mang bạch phiến qua cửa khẩu sân bay Changi trên đường từ Việt Nam đợi máy bay transit để trở về Úc.
Thành tâm mà nói tôi không có nhiều ý kiến về vấn đề tử hình ở Singapore mặc dù trên lý thuyết tôi không đồng ý với án tử hình dù ở bất cứ nơi nào hay do hoàn cảnh ra sao. Ðối với tôi, nó quá tàn nhẫn và không cho một ai có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm, ăn năn hối lỗi. Kể cả chính xã hội đã nhân danh công lý thi hành bản án.
Thử hỏi giả như nó đã lỡ kết án người vô tội và giết lầm người thì ai là người cuối cùng phải chịu trách nhiệm? Và trách nhiệm đó là gì? Răng trả răng. Mắt trả mắt. Chẳng lẽ lại phải tử hình người làm việc vô trách nhiệm đã lỡ đưa ra bản án giết lầm người?
Tuy nghĩ thế nhưng điều làm cho tôi trước đây không có nhiều cảm tình dành cho đất nước này không phải chỉ vì luật pháp của họ cho phép thực thi án tử hình mà là vì cung cách của họ khi thi hành bản án. Trước ngày Văn bị treo cổ, người mẹ tỵ nạn Việt Nam của Văn bay từ Úc sang chỉ để xin lần cuối gặp được Văn và ôm Văn vào lòng. Ðấy cũng là ước nguyện cuối đời của Văn trước khi anh nhắm mắt.
Thế nhưng lời khẩn cầu của người mẹ đau khổ ấy đã không được đoái hoài, tiếp nhận. Hàng ngàn người Úc cùng thắp nến cầu nguyện, van xin cũng chẳng được chính phủ Singapore xét đo, cân nhắc.
Vì lẽ đó có thể nói tôi không thích lắm lối sống và cách suy nghĩ của xã hội Singapore. Nó quá cứng nhắc, đơn điệu, ưa chuộng vật chất và không đậm màu sắc nhân bản như ở những nước phát triển khác.
Tôi không thích tìm đến Singapore trong quá khứ vì lẽ đó.

Mãi cho đến hôm nay.
Như ông bà ta thường có câu ‘biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe’. Hôm nay có đi và biết một tí rồi tôi mới dám thưa thốt mặc dù tôi nghĩ là mình vẫn rất sẵn sàng để dựa cột nghe tiếp! Vì vậy bạn đọc nào có ý kiến khác xin cứ tự nhiên.
Sau chuyến làm việc ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn ba ngày, tôi nhận thấy thật ra xã hội Singapore cũng có nhiều điều đáng để chúng ta học hỏi chiêm ngưỡng. Ðiều thứ nhất tôi thấy là nó sạch, đẹp, ngăn nắp và đầy bóng cây xanh hơn tôi nghĩ. Không như ở Hồng Kông, hầu hết các đường phố ở Singapore đều rợp bóng cây xanh và xen lẫn giữa hai bên đường là từng chụm bông giấy trắng, hồng rực rỡ. Ðiều này vừa làm cho khung cảnh vạn vật đều trông có vẻ tươi hơn, dịu hơn, lại vừa giúp cho môi trường không bị ô nhiễm như những thành phố lớn khác ở Châu Á.
Nghe nói đâu vào những thập niên 50, 60 chính Cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã tự tay chọn giống chọn cành ra lệnh cho trồng cây sau khi ông có dịp đi khắp nơi ở Á Châu và biết được loại cây nào là tốt nhất để trồng ở Singapore.
Mà đúng thế thật. Không như ở Sài Gòn trên các con đường vẫn còn đầy cây xanh như Tự Do, Duy Tân cũ, ở Singapore các hàng cây tuy cũng to nhưng không cao bằng. Nhưng đổi lại, các tàng cây lại rất to, rất rộng nên hầu như cả con đường đều được phủ đầy bóng cây xanh, ít rụng lá.
Rất đẹp bạn ạ. Từ khu phi trường thẳng về trung tâm thành phố, cả một đoạn xa lộ dài và xa trên dưới 20 cây số nhưng bạn chỉ sẽ thấy đầy cỏ xanh, bóng mát, và từng chùm hoa bông giấy cuốn theo hai bên đường.
Và còn rất nhiều điều khác tôi đã học và thấy được trong chuyến đi vừa qua. Ðúng là nó vẫn còn khá nhiều vấn đề cần nên được cải thiện và thực hiện để từ một thành phố giàu có và phát triển ở Á Châu trong tương lai nó sẽ trở thành một nơi được cho là công bằng, văn minh và nhân bản. Cho đến nay án tử hình vẫn còn đó, báo chí vẫn bị kiểm duyệt chặt chẽ và các đảng phái, hội đoàn đối lập đều bị ép đặt, bức chế. Nếu không muốn nói là luôn bị trù dập.
Và nó vẫn rất đắt. Chỉ cần kêu một ly café latte và một miếng bánh chocolate ở khu ăn chơi Demsey Hill là bạn sẽ mất toi ít nhất 20 đô la chưa kể tiền tip. Ðúng là ở đời này có bao giờ mà ta được cho ở khách sạn năm sao với cái giá rẻ mạt đâu, có phải không?

**********************************************************

source

http://www.oneviet.com/archives/2009/09/singapore.php#more

Sunday 6 September 2009

Thần thánh cũng phải lắc đầu!


September 04, 2009


Hoàng Ngọc Nguyên-Việt Tribune

Tình tiền tù tội. Đó là những vấn đề đang làm California điên đầu. Thống đốc Arnold Schwarzennegger và những nhà dân cử của tiểu bang vẫn mãi lúng túng với kế hoạch cắt giảm trong vòng hai năm đến cả 30.000 hay hơn nữa số tù ở các nhà giam của tiểu bang. Bỏ thì thương, vương thì tội. Thương đây là thương người dân phải sống thấp thỏm bên cạnh những người lâu nay mình vẫn được cách ly an toàn. Nhưng vướng vào thì cũng tội cho chính quyền, lo không xuể. Nhà tù nào nay cũng chật chội, phần lớn là tù chung thân, tù nhân nay phải nằm giường ba tầng, tự do làm đủ mọi loại tội ác sau các song sắt vì không đủ cai tù trông coi, nạn băng đảng chủng tộc người da đen và người Latino đem mối thù hận và kỳ thị ngoài đời vào đến bên trong này. Nhưng vấn đề của hệ thống tư pháp California có lẽ không chỉ có thế, khi người ta nhìn đến câu chuyện thời sự hàng đầu tuy xảy ra ở Cali nhưng không chỉ của Cali, câu chuyện của một cô gái ở South Lake Tahoe, Ca., mất tích từ hồi 11 tuổi, cách đây 18 năm, nay bỗng xuất hiện trở lại, tay bế tay bồng.

Jaycee Lee Dugard lúc chưa bị bắt cóc năm 1991 do gia đình cung cấp. AP Photo/Nick Ut

Căn lều sau nhà Garrido, nơi Jaycee Lee Dugard sinh sống 18 năm trời. AP PHOTO/NICK ÚT - JUSTIN SULLIVAN/GETTY IMAGES

Thoát được lưới trời
Jaycee Lee Dugard nay đã 29 tuổi, ngưòi ta vẫn chưa thể chụp ảnh được cô để hiểu được cô đã thay đổi thế nào sau gần cả hai thập niên, nhưng theo nguồn tin của cảnh sát thì trông cô vẫn còn trẻ, vẫn mạnh khỏe. Cô bị một tên cuồng dâm tên Phillip Garrido, năm nay 58 tuổi, bắt cóc, với sự đồng lõa của vợ hắn là Nancy Garrido, 54 tuổi. Hắn và vợ hắn nhốt cô trong những lều vải, những cái chái, khéo ngụy trang kín đáo trong một căn nhà giống như một trang trại ở Antioch, California, và trong gần 20 năm làm nô lệ tình dục cho hắn, cô đã có hai đứa con với hắn, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 11. Điều này có nghĩa là lần đầu sinh con, cô chỉ mới 14 tuổi. Hắn là một tên tội phạm ghê gớm, bắt cóc, cưỡng hiếp và có thể giết người (những cô gái điếm bị mất tích hay chết bí ẩn trong vùng). Cô Dugard không phải là nạn nhân duy nhất của hắn. Lịch sử tội phạm của hắn đã kéo dài 33 năm, kể từ khi hắn bị tù lần đầu cũng vì tội bắt cóc, cưỡng hiếp. Nay thì hắn đã bị bắt cùng với vợ, nhưng chẳng phải là do cảnh sát tài giỏi gì, mà chỉ là sự tình cờ. Ngược lại, nếu người ta có phê bình sự bất lực, thậm chí vô hiệu năng và thiếu trách nhiệm của cảnh sát, đó cũng không phải là điều quá đáng.
Phillip Garrido là một tên tội phạm tình dục có hổ sơ, đã ở tù, phải khai báo với địa phương, và phải bị theo dõi. Thế mà vụ này vẫn xảy ra. Hồ sơ tội phạm hiềp dâm của Garrido bắt dầu bằng một vụ bắt giữ tại Reno Nevada vào ngày 23-11-1976, hắn bị khép vào tội bắt cóc và cưỡng hiếp một phụ nữ ở South Lake Tahoe. Lúc đó mới 25 tuổi, hắn đã đến gần xe của Katie Callaway, cũng cùng tuổi với hắn, đang ở trong một bãi đậu xe của một chợ, và xin đi nhờ một đoạn đường. Khi xe đến một quãng vắng, hắn dụ cho cô ngừng xe lại, rồi lấy chìa khóa, còng tay cô lại, trói cô, nhét giẻ vào miệng cô và đưa cô này đến một nhà kho chứa hàng ở Reno, Nevada để hiếp và giữ cô này ở đó. Hắn bị đưa ra tòa ngày 9-3-1977, bị án tù 50 năm, và thọ án kể từ ngày 30-6-1977 tại Levenworth, Texas. Trong thời gian ở tù, hắn gặp Nancy, là vợ của hắn bây giờ. Có lẽ bà này cũng đang thọ án ở đó. Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. Hắn ở chưa hết hạn tù, được ra và bị quản chế. Hắn và Nancy không phải từ đó làm lại cuộc đời, mà nhấn sâu vào cuộc đời cũ. Một câu hỏi đang được nêu ra và tranh cãi là tại sao hắn bị án tù đến 50 năm mà chỉ mới 11 năm đã ra.
Theo hồ sơ của vụ án, Garrido đã chơi đủ thứ từ hồi còn đi học: LSD, marijuana, cocaine, và bất cứ chất kích thích gì khác. Theo những lời khai trước tòa, Garrido là người cực kỳ bệnh hoạn, luôn luôn chìm đắm trong những hoang tưởng về tình dục với đủ các phụ nữ mà hắn đi nhìn trộm ban đêm và từ nhỏ đã thủ dâm.

Nancy Garrido, thứ 2 từ trái vợ của Phillip Guarrido, góc phải bị kết 29 tội danh tại tòa án Tahoe, Cali ngày 28/8/2009. Ap photo/Rich Pedroncelli

Trong vụ án của Callaway, người ta còn thấy sự bệnh hoạn của hắn đi xa hơn rất nhiều, trong đầu của hắn là những mưu tính tội ác để thỏa mãn cơn cuồng dâm của hắn. Khi ra tòa, hắn khai là vì cô Callaway quá đẹp và vì hắn bị LSD hành. Ở trong tù, hắn viết đơn xin được giảm án tù, lý do là hắn chỉ làm bậy một khi còn dùng chất ma túy, nay hắn đã không dùng nữa cho nên “tôi phải ngừng lại, suy nghĩ trước khi định làm chuyện gì không phải”. Vấn đề là vụ án của Garrido là vụ án phức tạp: hắn ra tòa liên bang vì tội bắt cóc vì hắn bắt cô ở một tiểu bang (California) và đưa qua một tiểu bang khác (Nevada), nhưng ở tòa tiểu bang California hắn bị tội cưỡng hiếp. Liên bang bắt hắn 50 năm tù, tiểu bang 5 năm. Nhưng khi uỷ ban quản chế cho hắn ra khỏi nhà tù liên bang năm 1988, thì hắn thoát luôn được bản án của tiểu bang. Những hội đồng xét duyệt quản chế dã không lý gì đến những nhận xét của những chuyên viên phân tâm học về sự nguy hiểm của hắn. Hệ thống tư pháp thường nổi tiếng là khắc nghiệt, bị tù cũng dễ, mà ra tòa tù chung thân cũng dễ. Tại sao người ta có thể quá nhẹ tay với hắn?
Khi ra tủ, Garrido bị quản chế, phải “đăng ký” với địa phương mình là tội phạm tình dục để người ta tránh xa, gặp nhân viên tư pháp theo định kỳ, và chân phải đeo một vòng điện tử để người ta có thể biết hắn ta đi đâu. Nhưng hắn lại không bị cấm gần gũi với trẻ em, bởi vì nạn nhân của hắn là người lớn! Hắn ra tù năm 1988. Trong những năm sau đó, nhiều trẻ em bị mất tích hay bị bắt, đến nay chỉ mới tìm ra được một vụ là Jaycee Lee Dugard. Đó là lý do tại sao người ta đang đào bới trong khu sân sau nhà của Garrido! .

Hội chứng Stockholm
Jaycee bị giam giữ và kềm tỏa 18 năm. Cô chẳng được tiếp xúc với ai – trừ ra khoảng thời gian về sau này có giúp hắn trong việc giao dịch làm ăn. Hai đứa con của cô đã lớn, cũng chẳng học hành gì, chẳng có bảo hiểm y tế. Bị hắn cưỡng hiếp mãi, Jaycee “thực sự cảm thấy tội lỗi đã dính líu với tên này. Con tôi đã có một cuộc hành trình tội lỗi thực sự,” như lời mẹ cô nói với người cha ghẻ của cô và ông này nói lại với báo chí hôm thứ Sáu. Có thể nói là sau bao nhiêu năm, cô hoặc quá sợ hoặc đã quen rồi từ thời còn nhỏ không biết gì vể cuộc sống bên ngoài và nay cũng chẳng biết gì về cuộc sống bên ngoài, chấp nhận số phận cho nên chẳng nghĩ đến chuyện giải thoát hay đi khai báo. Chuyện của cô coi như đã đủ để ta hiểu. Người ta gọi đó là hội chứng Stockholm. Cứ nghĩ đến thời gian 18 năm qua cô và hai đứa con đã phải sống dưới sự “bảo bọc” của hắn. Một bể khép nép sợ hãi. Một bể lệ thuộc. Một bề an phận. Một hội chứng có khi lan tràn cả xã hội khi người ta sinh ra và lớn lên trong một chế độ cộng sản Stalinist.
Chuyện của tên tội phạm này còn nhiều điều nữa chưa sáng tỏ nhưng dần dần sẽ sáng. Chỉ có điều đáng thắc mắc là chuyện cảnh sát. Tại sao Phillip Garrido là một tên tội phạm tình dục “có bằng cấp”, phải khai báo mà cảnh sát vẫn lơ lỏng để cho hắn phạm tội, lại để cho hắn che dấu tội lâu dài đến thế mà không kiểm tra và khám phá ra? Tại sao khi Jaycee bị bắt, người ta không dò xét danh sách và hồ sơ của những tên tội phạm tình dục để mở cuộc điều tra?
Trong cuộc họp báo tuần qua, cảnh sát tiết lộ rằng ít nhất là đã có hai lần trong ba năm qua họ đã đến nhà của tên này, nhưng lại “không đủ sự hiếu kỳ, không đủ sự nghi hoặc”, “không đủ sự cảnh giác để đối đầu với những đầu óc tội phạm trăm mưu ngàn kế để qua mặt chúng tôi”, như lời thú nhận và xin lỗi của ông cảnh sát trưởng Warren E. Rupf. Ông đã nhìn nhận trách nhiệm “đã không cứu được nạn nhân sớm hơn”. Vào tháng 11 năm 2006, có một phụ nữ đã gọi 911 báo rằng Garrido có một căn lều ở sân sau, “trong đó có người sống, và có cả con nít.” Người này cũng nói Garrido là thằng điên và có bệnh cuồng dâm”. Cảnh sát gởi người tới, và sau khi đứng ở trước nhà “ba điều bốn chuyện” với Garrido, đã kết luận chỉ là một vi phạm bình thường. Người cảnh sát này đến dây mà không biết Garrido là một tên tội phạm tình dục đang bị quản chế và đã có tiền sử nghiêm trọng! Có nghĩa là ông cảnh sát này đến hiện trường mà chẳng cần biết người ông ta gặp là ai!
Những người láng giềng thực ra đã nhiều lần báo cho cảnh sát biết những chuyện khác thường ở sân sau nhà của Garrido, nhưng cũng chẳng hiểu vì sao chẳng có phản ứng gì của Cảnh sát. Cô Erika Pratt, 25 tuổi, cách đây hai năm sống cạnh nhà. Cô nói với tờ San Francisco Chronicle là cô rất đổi lạ lùng trước thái độ, cách cư xử của Garrido. Một lần nhón chân nhìn qua rào, cô thấy có một khu bí mật, chái nhà, lều trại rách nát, và con chó dữ… Trong sân sau này, “có mấy đứa nhỏ, có phụ nữ, sống im lặng, chẳng nói năng gì, mặt mày giống nhau”. Cô gọi cho cảnh sát, cảnh sát bảo chưa có giấy khám nhà, nhưng họ sẽ “trông chừng”. Đến năm 2008, một đoàn đông đảo nhân viên công lực, tòa án, xã hội, cũng đến để kiểm tra xem Garrido có còn ở đây không. Khi thấy ông ta vẫn ở đó, người ta bỏ đi, chẳng ai buồn đi xem xét quanh nhà mặc dù đã có những lời thưa gởi trước đó!

Phụ nữ nhậy cảm hơn
Rốt cuộc, người hùng trong vụ án này lại là hai nữ nhân viên cảnh sát của Đại học Berkeley, vì họ có hai đặc tính cần có trong nghề nghiệp: hiếu kỳ và nghi hoặc. Khi họ thấy Garrido đi với hai cô con gái 11 và 15 tuổi của Jaycee đi vào trường, họ lạ, hai cô gái nhỏ trắng bệch, cử chỉ như “robot” và ngoan ngoãn, rụt rè đến độ không thể hiểu được. “Từ linh tính của người phụ nữ, của một người mẹ, tôi nghĩ ngay rằng có chuyện gì bất ổn, bất thường ở đây,” bà Lisa Campbell phụ trách an ninh trong trường cho biết. Họ biết ngay có chuyện gì không bình thường. Chính Garrido đi gặp bà Campbell, người cấp phép cho tổ chức những sự kiện đặc biệt. Ông ta xin tổ chức một sự kiện trên sân trường gọi là “Ý muốn của Chúa”. Bà lạ là những đứa bé này không đi học và nước da trắng bệch như chẳng biết nắng nôi là gì. Bà nói trông Garrido “chẳng ổn định bình thường tí nào”, nhưng hai cô con gái “còn kinh khủng hơn nữa”. Theo bà “mặt chúng thất thần và chẳng đáp ứng, chảng có sinh lực tí nào “.
Bà Campbell bảo ba người ngày mai hãy trở lại để bà thu xếp, nhưng đồng thời bà đi gặp một nữ nhân viên cảnh sát khác Ally Jacobs để nói những cảm nghĩ lạ lùng của bà về ba người này. Bà Jacobs nảy khôn lanh hơn những nam cảnh sát đã đến tận nhà Garrido. Bà mở computer và xem hồ sơ cảnh sát và khám phá Garrido là tội phạm tình dục đang bị quản chế. Hôm thứ Ba, hai bà cảnh sát này đích thân tiếp Garrido. Jacobs và Campbell thay phiên nhau nói chuyện với Garrido, và khi người này nói thì người kia kéo hai cô gái ra riêng và hỏi chuyện. Họ hỏi tên hai cô gái, hai cô trả lời lúng búng nghe không rõ. Hỏi có đi học không, cô nhỏ nói học lớp tư cô lớn nói học lớp chín. Khi hỏi học ở đâu, hai cô trả lời đồng thanh “như robot”: “Học ở nhà”. Khi cô nhỏ nói gì, cô lớn lại đưa mắt nhìn như ra ám hiệu “Mày coi chừng”.
Từ những câu hỏi và câu trả lời được đạo diễn sẵn, kế cả một xác nhận “Con có một người chị lớn ở nhà, 29 tuổi”, mà đúng ra là mẹ của hai cô, hai người cảnh sát này đã dần dần đoán ra mọi chuyện, và yêu cầu Garrido hôm thứ Tư gặp người cảnh sát phụ trách quản chế. Hôm sau hắn đến gặp nhân viên quản chế này với Nancy, với cả Jaycee và hai cô con gái.
Hắn bị bắt ngay tại văn phòng quản chế của Sở Cảnh sát. Người ta nói hai đứa con khóc như mưa khi thấy cha của chúng bị bắt. Nhưng ta không bao giờ hiểu được nếu hắn không “đút đầu vào hang cọp”, tử trường Berkeley đến văn phòng cảnh sát trên đại học, thì vụ án này làm sao ra được ánh sáng? Đúng là lưới trời có cách dệt lồng lộng! Nhưng sự bất lực của ngành tư pháp trong vụ án này, cùng với sự tự tin, ngang nhiên của tên tội phạm này chắc chằn sẽ còn được khám phá nhiều thêm và sẽ còn phải làm nhiều người lắc đầu.[HNN]

*****************************************

source

Viet Tribune Online