Monday 31 August 2009

Các quán nướng “lạ”ở Sài Gòn


Một đĩa cá sấu nướng, dọn kèm wasabi Nhật, giá 65.000đồng.Photo NTLAnh
May 31, 2009
Các quán nướng “lạ”ở Sài Gòn
Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune
Giữa tháng Tư này, sau giờ tan sở, tan học, tan ca, dân Sài Gòn thích la cà ngoài đường hơn bao giờ hết. Ngoài lý do lô cốt rào chắn tứ tung, kẹt xe tá lả, về nhà vừa mệt mỏi nóng nực, lại hay bị sai phái, cằn nhằn … thì nỗi buồn thất nghiệp, nợ nần cầm cố, buôn bán ế ẩm …cũng góp phần đáng kể. Ông (bà) nào cũng rầu rĩ, than buồn muốn chết nhưng mười người than, chưa có một người dám chết thật, ngược lại, họ hay rủ rê bằng hữu vào quán nhậu, bức tử hàng loạt động vật lạ trên lò than hồng. Theo chân họ, kẻ viết bài lạc vào một chỗ mù mịt khói thơm. Đó là…

Quán nướng Chiều nay‘Chuyên trị’ các món nướng, nhưng đáng nói ở chỗ thịt để nướng không phải là thịt heo, thịt bò, thịt dê quen thuộc mà là thịt đà điểu, kangaro, cừu, cá sấu, …nói chung là những thứ thịt còn ít nhiều mới lạ (gọi tắt là thịt lạ) đối với người trong nước. Quán Chiều Nay nằm trên đường Võ văn Tần (Trần Quý Cáp cũ), gần Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Việt Nam. Như tên gọi của mình, Chiều Nay chỉ mở cửa từ chiều đến 10 giờ tối. Khách vào quán mặc nhiên hiểu ngầm, ngoài nướng ra, Chiều Nay không bán súp, xào, lẩu, luộc. Đầu bếp Khanh cho biết ‘khuynh hướng eat out ở Sài Gòn thay đổi luôn. Tiệm này chuyên cá kèo, quán kia chuyên dê, chuyên mắm…chưa kể các nhà hàng Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc ngày càng đông, cạnh tranh khốc liệt. Chính nhờ chuyên nướng toàn ‘thịt lạ’ mà quán đứng vững suốt mười mấy năm liền’.Nhìn thực đơn, kẻ viết bài chọn món kangaroo nướng. Anh Khanh nhanh nhẹn xiên từng ‘cục’ thịt mầu nâu đỏ đã tẩm ướp gia vị, đặt lên lò than hồng, vừa làm vừa giảng rành rẽ: ‘bên ta, thịt kangaroo mới nhập về, ai vào đây cũng háo hức gọi ăn thử chứ nói thực, nó không ngon bằng cừu nướng, đà điểu nướng. Kangaroo gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa là chân to, để chỉ loài thú có hai chân sau to khoẻ so với hai chân trước nhỏ xíu. Tồn tại, phát triển cùng với lịch sử nước Úc, kangaroo được coi là quốc thú Úc. Dân Úc hiện trên hai chục triệu người, nhưng kangaroo nhiều gấp ba, nghĩa là đổ đồng một người dân phải ‘cộ’ ba con ‘chân to’. Cuộc trò chuyện đến đó bị đứt ngang chừng bởi khách vào quán càng lúc càng đông.Khách Chiều Nay đa số là thanh niên, đi thành nhóm nhỏ, thỉnh thoảng cũng có khách tây, ngồi đàng hoàng, ăn chừng mực, chuyện trò nho nhỏ đủ nghe. Đang lúi húi ‘xử’ đĩa thịt ‘chân to’ nướng của mình, kẻ viết bài chột dạ, khi nghe hai ‘cha nội’ ngồi bàn kế bên triết lý về ‘bốn không trong đạo nhậu’ với ít nhiều cạnh khoé. Họ nói thế này: ‘Đi ăn đồ nướng mà đi solo, ngồi cắm đầu ăn, bia rượu các loại đếch biết uống, là không được thứ nhất. Hay thắc mắc rau cỏ, đũa chén thớt dao sạch không, thịt để hồi nào, ướp nhiều bột ngọt không, tay chân đầu bếp, bồi bàn có ghẻ không… là không được thứ hai. Tùy tiện gọi phone huy động thêm quân số, bỏ đi toa lét lúc tính tiền là không được thứ ba. Đòi về sớm, kiếm chuyện bới móc bắt bẻ, đánh lộn đánh lạo …là không được thứ tư. Phạm một trong ‘bốn không’ đó coi như đồ bỏ. Trời ơi! Kẻ viết bài vào quán một mình, ăn một mình, lại không biết uống bia…Té ra, dưới mắt dân nhậu Sài Gòn, mình thuộc hàng đồ bỏ mà không biết!
Phong phú đà điểuNhà hàng Nam Sơn, trước 75 có món bít tết bò khá ngon. Sau 75 dời về địa điểm mới trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – đối diện siêu thị Coop Mart, khách ít hẳn. Để cứu vãn tình thế, Nam Sơn kịp thời quảng cáo thực đơn mới là món bít tết đà điểu. Trong đó, thịt đà điểu được giới thiệu với các ưu điểm giầu đạm, giầu chất sắt, không cholesterolSo với kangaroo, thịt đà điểu chế biến được rất nhiều món ‘độc’. Cánh nhà hàng ngoài Bắc cho đà điểu ‘hội ngộ’ tương bần trong món đà điểu om tương. Với quí ông sớm ‘liệt gân’ họ dụ ‘ăn gân bổ gân’ với món gân đà điểu tần thuốc bắc. Lãng mạn hơn, họ lấy trái dừa làm nồi, bỏ thịt đà điểu ướp lá chanh vào đó cùng những viên sỏi đen nung nóng để dọn món đà điểu xông lá chanh. Dân Nam Bộ có phần đơn giản hơn. Một con đà điểu nặng trung bình 60 ký, pha ra, giỏi lắm chỉ được 16, 17 ký nạc làm bít tết, nướng phô mai, nướng sả ớt, nướng xiên que. Còn bộ xương ninh lấy nước ngọt, nấu phở. Cha đẻ của món phở đà điểu là một người Chăm giầu có, học thức – ông Thiên Sanh Trí. Ông Trí vốn là một trong những doanh nhân đầu tiên mở trang trại rộng hơn 20 hecta ở Phan Rang nuôi đà điểu qui mô lớn. Sau nhiều lần mày mò chế biến, rốt cuộc cũng tạm gọi là thành công, ông khai trương ngay tiệm phở đà điểu sang trọng trên đường Hai Bà Trưng đoạn đối diện nhà thờ Tân Định, để lăng xê ‘dòng’ phở mới. Kẻ viết bài từng có lần ‘liều chết’ vào quán kiểm tra chất lượng phở. Nói chung, tô phở ‘made in Thiên Sanh Trí’ khá giống phở bò, cũng bánh phở trắng, các lát thịt chín xắt mỏng bầy mặt, thêm hành tây, hành ta, chan nước dùng ngọt thanh, bốc khói. Tuy không thể so với phở truyền thống nhưng ăn không đến nỗi nào. Hiềm nỗi quán chỉ tấp nập được một thời gian, sau có lẽ do giá đắt gấp đôi phở bò mà không ngon gấp đôi nên khách ngày một thưa dần, quán tiến lên đóng cửa.
Cá sấu hoa càTrong số các loại ‘thịt lạ’ ở quán Chiều Nay đường Võ Văn Tần quận 3, quán 9X đường Nguyễn Thái Học quận 1, quán Phố Biển đường Thép Mới quận Tân Bình thì thịt cá sấu có vẻ ít lạ nhất. Trong ký ức nhiều lão nông Cà Mau, Cần Giờ chuyện bắt sấu làm đám giỗ năm bảy chục năm trước, vẫn có. Họ kể con sấu bị trói, rộng dưới nước. Bữa nay cắt cái đuôi nấu cà ri, trộn gỏi. Con sấu vẫn chưa chết, máu loang nước đỏ lòm. Tới sáng lại cắt thêm hai cái chân. Cứ vậy, làm món gì, cần thịt chỗ nào ra xẻo lấy chỗ đó, cho tươi. Nghe kể, dù biết có thêm mắm dặm muối ít nhiều chứ không phải hoàn toàn có thực, kẻ viết bài không khỏi rùng mình. Vẫn biết sấu là loài hung tợn, có thể ‘gắp’người đang bơi ăn thịt (để tránh sấu gắp, kinh nghiệm của dân Cần Giờ là phải bơi đứng) nhưng nghĩ ra cách ăn thịt sấu theo kiểu tùng xẻo thì quả thực con người đã bỏ xa con sấu về mặt dã man.Cần nói thêm, cá sấu ngày nay tuy được quảng cáo rùm beng là cá sấu hoa cà, nhưng thực ra đa số chỉ là cá sấu Xiêm, thuộc loại sấu nước ngọt, da xám, dài trung bình 3 mét, nuôi trong trang trại tư nhân. Còn cá sấu hoa cà, là loại nước lợ, dài gấp đôi cá sấu nước ngọt, da vàng pha đốm nâu, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, không phải là đối tượng nuôi giết thịt hàng ngày. Con sấu trông xù xì xấu mã nhưng khi lạng bỏ bộ da thì thịt trắng bóc như thịt gà, chế biến được nhiều món nhậu rất ‘bắt’ như chả giò, gỏi xoài, ăn sống, nướng, xào càri, hon tương hột. (Riêng món cá sấu nướng và cá sấu ăn sống luôn dọn kèm wasabi Nhật Bản cay xộc óc. Nếu không chịu được cay khách không nên gọi hai món này). Muốn vừa thưởng thức cá sấu bảy món vừa nói chuyện tâm tình trong khung cảnh trời mây thoáng đãng, người cầu kỳ đi khỏi ngã ba Vũng Tầu vài trăm thước, rẽ vào khu du lịch Vườn Xoài tịch mịch, không thì ghé quận 12, xã Thạnh Lộc, hỏi làng cá sấu, vào nhà hàng Cá Sấu Hoa Cà. Nhà hàng này có khu vực trưng bày và bán đồ mỹ nghệ làm từ da cá sấu, có trại nuôi sấu để nếu muốn, các đấng nam nhi có thể trực tiếp câu cá sấu, sau đó vào bếp ‘ực’ luôn tại chỗ món ngạc huyết tửu (huyết cá sấu pha rượu) nóng hổi.
Còn có thịt ngựa‘Nghe nói trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, gần nhà nị có quán bít tết thịt ngựa hả, ngon không?’, câu hỏi của anh đồng nghiệp khiến kẻ viết bài buồn năm phút. Quả có quán thịt ngựa như anh ta hỏi thật, nhưng chẳng hiểu sao quán rất ế ẩm, ế đến nỗi, dù rất tò mò muốn biết thịt ngựa ngon thế nào kẻ viết bài cũng ngại ngùng bước chân. Vì tâm lý chung, đã tốn tiền, tốn thời giờ đi ăn nhậu, ai cũng thích vào quán nhậu sôi nổi, đông vui. Bợm nhậu có nhớ, có ghiền nhậu hay không chính do không khí cởi mở, thoải mái của quán mang lại. Ngồi quán, hết sáu chục phần trăm là để xả stress. Bốn chục phần trăm còn lại mới dành cho chuyện khác… Vậy mà cái quán thịt ngựa góc Nguyễn Trọng Tuyển – Đặng văn Ngữ, đứng ngoài trông vào, lúc nào cũng chỉ thấy bàn ghế im lìm phủ bụi, hỏi hứng thú gì vào đó? Chẳng biết có quan hệ dây rễ không nhưng cách quán thịt ngựa ‘quá cố’ vài chục thước lù lù một công ty chuyên kinh doanh thịt ngựa, cao ngựa – công ty Chu Việt. Nói về công ty này, dư luận khá hoang mang, vì từ năm 2007, khi mặt hàng cao ngựa kim, ngựa bạch, ngựa mầu của công ty được đồn thổi là có tác dụng chữa bệnh thần sầu (công ty có trong tay cả ngàn bức thư cám ơn của những bệnh nhân mua cao ngựa) thì tiếng tăm lẫn tai tiếng của công ty không ngừng đan xen bí hiểm, khiến thanh tra y tế phải xem xét lại giấy phép kinh doanh, dây chuyền giết mổ đóng gói, thực chất các loại cao ngựa, thịt ngựa…. Hiện tại, dù xúc xích ngựa được quảng cáo ‘ngon ơi là ngon’, mã pín tửu được hứa hẹn uống vào ‘chồm cả đêm’ nhưng tầm phủ sóng của sản phẩm Chu Việt vẫn rất khiêm tốn.Quán ‘thịt lạ’ Sài Gòn, chưa bao giờ là cõi riêng của ‘đàn ông chúng mình’ vì trong thực tế có không ít phụ nữ trẻ trung, thành đạt thích đến đó cuối tuần cùng bạn bè, chồng con, thậm chí đi một mình. Với họ, thịt các loài động vật bán hoang dã như cừu, đà điểu, cá sấu… có cái ngon như thịt heo thịt bò lại vừa phảng phất cảm giác là lạ của thịt nai, heo rừng, chồn, nhím, giúp thay đổi khẩu vị lại không sợ mất eo, ‘chắc cú’ hơn đồ ta, đồ Tầu ô nhiễm, độc hại. Còn với độc giả ở xa, có dịp về thăm quê hương, nhớ thèm đủ thứ, từ ‘cờ tây’ nấu rựa mận, dê nấu mẻ, bò cuốn lá lốt nướng nhưng sợ bò là… trâu, dê là … heo, cờ tây là cờ …xà mâu (lở lói) thì có lẽ ăn ‘thịt lạ’ chế biến theo kiểu Việt Nam là giải pháp an toàn nhất. Các vị chả việc gì phải cắn rứt lương tâm kiểu ‘người ta thất nghiệp đói khổ cơm không có ăn, mình ngồi ‘quất’ dĩa mồi năm sáu chục ngàn. ’Nghĩ thế rất sai! Càng thương người nghèo, càng phải nhậu! Trước cho người nghèo có việc làm, có thu nhập. Sau cho mình giống ‘nhân loại’ Sài Gòn thứ thiệt – là loại người ngày mai có động đất, có tận thế thì ngày nay vẫn ung dung gắp miếng thịt nướng, dô ly bia lạnh, bàn chơi về ‘bốn chữ không trong đạo nhậu’. (NTLA)

************************************************************

source

Viet Tribune Online

Friday 28 August 2009

Chùm ảnh: Trẻ vùng cao và thành thị-2 mảng màu khác biệt


nha_hud's Avatar
nha_hud nha_hud is offline
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông

Tham gia ngày: Sep 2008
Nguyên Quán: Can Lộc
Chỗ ở hiện tại: Bình Thạnh - HCM
Bài viết: 716
Đã cảm ơn: 1395
Được cảm ơn 1284 lần trong 510 bài viết
nha_hud is on a distinguished road
Default Chùm ảnh: Trẻ vùng cao và thành thị-2 mảng màu khác biệt

Ngoài những ưu đãi về môi trường sống như không khí trong lành, khung cảnh hùng vĩ...
mà thiên nhiên ban tặng thì cuộc sống hiện nay của các em vùng núi vẫn hết sức khó khăn.
Hầu hết trẻ em ở đây ngoài giờ học đều phải lao động phụ giúp gia đình như kiếm củi, chăn trâu, bò, phụ cày ruộng…
thậm chí làm cả những việc nặng của người lớn.
Đặc biệt điều kiện học hành ở vùng cao vô cùng khó khăn,
rất nhiều em phải đi bộ vài cây số đường núi với đôi với đôi chân trần,
quần áo không đủ chống rét, lớp học thì sơ sài thiếu thốn mọi bề…
Những hình ảnh sinh hoạt, học tập của trẻ em vùng cao và trẻ em sống ở đô thị được ghi lại gần đây sẽ chứng minh cho khoảng cách không nhỏ về điều kiện sống của trẻ em vùng cao so với các đô thị:

Để bừa ruộng "ngấu" hơn hai đứa trẻ người Raglai này phải phụ giúp bố bằng cách đứng,
ngồi trên cái bừa này suốt cả ngày (Huyện Khánh Sơn - tỉnh Khánh Hòa)



Máy tính vừa là phương tiện trong học tập vừa là đồ chơi của các em nhỏ ở các đô thị.
Ngoài học và chơi hầu hết chúng không phải làm gì.




Những trò chơi của trẻ em các dân tộc vùng cao thường là những trò chơi truyền thống của dân tộc
(Trò chơi của các em người Mông ở Lao Chải -SaPa -Lào Cai; Trẻ em Raglai nhảy dây ở Sơn Hiệp - Khánh Sơn - Khánh Hòa; Đu dây của trẻ em người Mông ở Mộc Châu - Sơn La).


Học sinh tiểu học Mộc Châu - Sơn La

và học sinh trường tiểu học Quang Trung - Hà Nội




(Ảnh chụp tại Mộc Châu, Mường Chiên - Sơn La)
Nhiều nơi ở vùng cao lớp học còn quá đơn sơ phải đốt lửa sưởi, thiếu ánh sáng, thiếu dụng cụ học tập...




Với cơ sở học tập tiện nghi thế này đối với trẻ em vùng cao là quá xa vời
(Ảnh chụp tại trường liên thông Lý Thái Tổ - Hà Nội)


Trẻ còn nhỏ thường được địu trên lưng mẹ hoặc bà suốt cả ngày dù là trên nương hay làm việc nhà
(Ảnh chụp tại Suối Giàng - Văn Chấn - Yên Bái)




Đối với nhiều gia đình ở vùng cao ngay cả đôi dép, cái cặp sách cũng không dễ sắm cho con đi học;
Một học sinh đang đến trường nội trú với túi gạo trên đầu đủ ăn trong một tuần
(Ảnh chụp tại Bắc Mê - Hà Giang, Khánh Sơn - Khánh Hòa và Cao Sơn - Lào Cai)


Chưa bao giờ được nhìn thấy những chiếc đu quay diêm dúa ở các đô thị, những đứa trẻ miền núi cao Tú Lệ
(Văn Chấn - Yên Bái) rất sung sướng khi được đi vợt cá



Điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, song trẻ em dù ở đâu cũng vẫn mãi hồn nhiên, trong sáng

Những hình ảnh phản chiếu vô cùng ngộ nghĩnh là vô cùng lạ lẫm, thú vị đối với những đứa trẻ vùng cao.

Chúng không hề biết, cũng không cần biết giá trị kinh tế của chiếc xe này (Ảnh chụp tại Mộc Châu - Sơn La)

____ vnn ____( sưu tầm- http://forum.clip.vn)
Chữ ký cá nhân Nếu cứ ăn chay mà thành Phật, thì trâu bò cũng thành Phật từ lâu !

Luôn luôn lắng nghe, thật lâu mới hiểu!
Trả Lời Với Trích Dẫn
***********************************
SOURCE
http://nguoihatinh.net/diendan/showthread.php?t=7916
Xem ảnh với kích cỡ đầy đủ

Xem ảnh với kích cỡ đầy đủ

300 x 400 - 30k - jpg - images.vietnamnet.vn/dataimages/200805/origin...

Hình ảnh có thể có bản quyền.

Dưới đây là hình ảnh tại: nguoihatinh.net/diendan/showthread.php?t=7916

Wednesday 26 August 2009

ngược dòng về vùng đất Si Ma Cai


Cập nhật lúc : 4:24 PM, 05/12/2008
Cung đường du lịch đẹp nhất Việt Nam
Hà Giang
(VOV) - Bắt đầu từ thị trấn Bắc Hà (Lào Cai), chúng qua Lùng Phình, Bản Già, Lùng Cải và qua "dốc tay áo" Nàn Ma, đến Cốc Pài là huyện lỵ của Xín Mần (Hà Giang)…

Tháng 4/2008, Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) phối hợp với 25 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã khảo sát tuyến du lịch thuộc 5 tỉnh vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Tuyến điểm du lịch được khảo sát là vòng cung Tây- Đông Bắc có hành trình: Hà Nội – Sơn Tây – Đèo Khế - Nghĩa Lộ - Mù Căng Chải – Sa Pa - Mường Khương- Bắc Hà – Xín Mần –Hà Giang- Bắc Mê - Bảo Lạc – Cao Bằng - Pắc Pó - Bản Dốc - Ba Bể.

Cung đường từ Nghĩa Lộ đi qua Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) tới Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) vượt sang Xín Mần (tỉnh Hà Giang) được các chuyên gia Tổng cục du lịch Việt Nam đánh giá là "một những cung đường có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam".

Nghe các chuyên gia của Tổng Cục du lịch Việt Nam giới thiệu, chúng tôi lên đường, bắt đầu từ thị trấn Bắc Hà qua Lùng Phình, Bản Già, Lùng Cải (Lào Cai) và qua "dốc tay áo" Nàn Ma khá hiểm trở, mới đến được Cốc Pài là huyện lỵ của huyện Xín Mần (Hà Giang). Chặng đường dài khoảng 40 km nhưng cũng mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bằng xe máy.

Đây là đoạn đường kỳ thú nằm trên cung đường mà báo chí quốc tế và các hãng lữ hành lớn suy tôn "Con đường du lịch đẹp nhất Đông Dương " và cũng nằm trên "Cung đường có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam" .

Ấn tượng đối với tôi ngay đầu chuyến đi là những cánh rừng sa mộc đẹp như rừng Bắc Âu chúng tôi có dịp đi qua ở Lầu Thí Ngài, Lùng Phình, Bản Già (Bắc Hà ).

Qua những rừng sa mộc tuyệt đẹp

Xúc động nhất là khi đứng trên điểm cao gần 2.000 mét ở bản Lao Chải (bản xa nhất của xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà nằm kề địa phận huyện Xín Mần), để ngắm thượng nguồn dòng sông Chảy ẩn mình trong mây, đang ngày đêm mải miết ngược dòng về vùng đất Si Ma Cai.

Bình yên trên con đường Xín Mần

Cũng đọng lại trong tôi là hình ảnh những cây hoa gạo trăm tuổi xum xuê cành lá màu vàng trông lạ mắt, những vườn đào phai cổ thụ của các gia đình người Mông nằm trên đèo Nàn Ma. Từ đỉnh đèo này, du khách có thể phóng tầm mắt thoả thích ngắm nhìn phong cảnh kỳ vỹ của cả vùng tây bắc Hà Giang. Nơi ấy rất thơ mộng với trập trùng núi non mờ sương và những tràn ruộng bậc thang như bức tranh khổng lồ bao quanh phố núi Xín Mần nằm bên dòng suối Cốc Pài trong xanh.

Một đoạn đường thuộc địa phận tỉnh Hà Giang

Nhiều đoạn cua tay áo

Hoa dại ven đường

Khách du lịch đi từ Si Ma cai sang Hà Giang

Trẻ em vùng cao Si Ma Cai lấy cỏ cho gia súc

Chào Hà Giang

Bản Lao Chải (Bắc Hà)

Bà con xã Lao Chải (Bắc Hà - Lào Cai) thường phát quang 2 bên đường mỗi ngày chủ nhật

Cũng như dân cư nhiều vùng cao Tây Bắc, người dân Hà Giang rất thân tình với du khách. Họ vui vẻ nói chuyện, có khi chỉ bằng tay ra hiệu. Các em bé thì hết sức vô tư tạo dáng cho những người chụp ảnh, quay phim, mà không đòi hỏi tiền thù lao như ở một số vùng du lịch khác./.

---------------------------------------

source

http://vovnews.vn/Home/Cung-duong-du-lich-dep-nhat-Viet-Nam/200812/100520.vov

Tuesday 25 August 2009

Báo động kẹt xe và ngập nước


Ngày 26.08.2009 Giờ 07:57

Giải phẫu rốn ngập ở TP.HCM

Báo động kẹt xe và ngập nước

SGTT - TP.HCM đang triển khai cùng lúc bảy dự án chống ngập trên địa bàn các quận cửa ngõ phía tây. Những tuyến cống tròn, cống hộp đang được thi công đặt dọc các đường Minh Phụng, Ba Tháng Hai, Hùng Vương, Bình Thới, Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11), Cao Văn Lầu, Phạm Đình Hổ, Lê Quang Sung (quận 6)… báo động nguy cơ tắc đường, ngập nước khu vực này.

Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11, TP.HCM) chiều 25.8. Ảnh: Hải Nguyên

Theo đó, tuyến cống trên đường Ba Tháng Hai, Minh Phụng, Hùng Vương… sẽ dẫn nước ra cửa xả ở cầu Ông Buông, đổ vào kênh Tân Hoá – Lò Gốm. Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM cũng đang lập dự án xây dựng một số trạm bơm để khi nước triều dâng cao, nước không thoát được thì dùng bơm “rút” nước ra kênh. Cùng lúc với việc lắp đặt hệ thống cống, ở một số dự án, việc nâng đường cũng được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Bảo, giám đốc ban quản lý Dự án thoát nước đô thị (thuộc trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM), cho biết những dự án lắp đặt cống thi công cải tạo hệ thống thoát nước một mặt giải quyết thoát nước cho khu vực dân cư đông đúc còn góp phần cải thiện vệ sinh môi trường cho khu vực. Dự kiến thời điểm kết thúc các dự án này là giữa tháng 8.2010. “Chính do những yêu cầu bức xúc của người dân khu vực, chúng tôi chia các dự án thành những đoạn nhỏ để có thể đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Bảo nói.

Như vậy, theo cách triển khai trên, cùng lúc hàng loạt các “lôcốt” sẽ được dựng lên trên các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến đường Ba Tháng Hai, Minh Phụng, Hồng Bàng… là các trục giao thông kết nối vùng nội thành và các quận 6, Bình Tân, Bình Chánh và khu vực miền Tây vốn đã quá tải, thường xuyên bị ngập nước, kẹt xe. Gần đây nhất là trận mưa chiều 19.8, trên các tuyến đường ngập nước này xe chật như nêm và kéo dài hơn năm giờ liền.

Ông Lê Văn Vũ, đội phó đội cảnh sát giao thông công an quận 11, lo ngại hiện nhiều tuyến đường ở quận 11 như Lạc Long Quân, Ung Ích Khiêm thường xuyên kẹt xe. Việc tăng thêm các “lôcốt” của các dự án chống ngập này sẽ làm cho giao thông ở quận càng thêm phức tạp, nhất là việc rào chắn được thực hiện ở các tuyến đường trục cửa ngõ của thành phố về miền Tây. “Nếu thi công ở vòng xoay Cây Gõ, có điều hết lực lượng cảnh sát giao thông ở quận vẫn khó giải quyết nạn kẹt xe sẽ diễn ra ở đây”, ông Vũ nói.

Kiều Phong

-------------------------------------------------------------------

source

http://sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=56079&fld=HTMG/2009/0825/56079